Văn hóa - Tinh thần dân tộc trong phương châm GHPGVN

Chủ nhật - 25/12/2011 15:54
Văn hóa - Tinh thần dân tộc trong phương châm GHPGVN

Văn hóa - Tinh thần dân tộc trong phương châm GHPGVN

Khi hòa bình lập lại, một sự kiện trọng đại và hy hữu đã diễn ra, đó là lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam trung – cận đại chính thức có một tổ chức Giáo hội duy nhất, có quy mô trên phạm vi toàn quốc để viết nên trang sử vàng mới trong điều kiện đất nước độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ.
Cách đây ba thập niên, năm 1981 lịch sử, cơ duyên hội đủ, chư Tôn đức, Tăng Ni, Phật tử của các tổ chức, hệ Phật giáo Việt Nam thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Đây là tổ chức Giáo hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, thực hiện chức năng hoằng dương đạo pháp ở trong nước cũng như ở ngoài nước, các hoạt động Phật sự được triển khai theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Phương châm của Giáo hội là kim chỉ nam để Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đóng góp công sức, trí huệ trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, hộ quốc an dân, làm cho đạo thịnh nước hưng, nhất là làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ổn định, phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực trong 30 năm qua và thời gian lâu dài sắp tới.

Như thế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa là người kế thừa xứng đáng 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, vừa là người có đầy đủ tư cách pháp nhân để lãnh đạo toàn diện các hoạt động Phật sự; vừa là người có trách nhiệm chăm lo sự phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu của các tổ chức, hệ phái thành viên, sự tu học của Tăng Ni, Phật tử; vừa là người vận dụng và phát huy tính thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong tất cả hoạt động Phật sự; vừa là người động viên các tổ chức, hệ phái một lòng đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Đó là chân lý bất di bất dịch để các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai, thực hiện các hoạt động Phật sự trong ba thập kỷ qua.

Nghiên cứu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi người có thể nghiên cứu ở từng góc độ khác nhau và sẽ có những ý kiến khác nhau, có thể khen hoặc chê; có thể tô hồng hoặc bôi đen. Vấn đề quan trọng ở đây, chính là nội dung mà phương châm muốn chuyển tải và chuyển tải cái gì ?. Do đó, dù ở góc độ nào để nghiên cứu, thì không thể không nghiên cứu nội dung mà phương châm muốn chuyển tải, đó là “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”, tức là muốn nói lên một thuộc tính: “Xây dựng triết lý về tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ” và “Xây dựng luận lý về sự biết hy sinh mình, đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”. Văn hóa tạo nên nhân cách sống. Triết lý Phật giáo tạo nên giá trị Văn hóa Phật giáo và văn hóa tạo nên nhân cách sống của những người đệ tử Phật. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo thành văn hóa dân tộc và văn hóa dân tộc tạo thành nhân cách sống của toàn dân tộc. Triết học Chủ nghĩa Xã hội (Mác - Lênin), tư tưởng Hồ Chí Minh tạo thành văn hóa cách mạng và văn hóa cách mạng tạo thành nhân cách sống của những người Cộng sản. Do vậy, Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội có điểm chung nhất về văn hóa, nhân cách sống, tạo một ý nghĩa mang tính nhân văn trong suốt chiều dài lịch sử  dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Do đó, một khi văn hóa phát huy giá trị sẽ tạo nên tinh thần dân tộc, lập nên những kỳ tích, tất cả đều phát xuất tính nhân văn “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”.

Từ ý nghĩa đó, mọi người dân không phân biệt tôn giáo, dân tộc và ý thức hệ xã hội, trong cuộc sống, trong tâm thức luôn hiện hữu “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” thì đất nước phát triển trên mọi lĩnh vực. Nếu “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” không hiện hữu trong đời sống, trong tâm thức, dù có nhân danh dân tộc, hoặc ý thức hệ xã hội, hoặc tôn giáo cũng không đem lại độc lập, tự chủ, và biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông. Lịch sử đã cho chúng ta những bài học vô giá, ý chí dù mạnh đến đâu, văn hóa không hiện hữu thì dân tộc không thể làm nên những thiên anh hùng ca; khi mọi người dân Việt Nam trong đó có Tăng Ni, Phật tử có đầy đủ sự tự hào về văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo, luôn bảo tồn và phát huy văn hóa thì tinh thần dân tộc là sức mạnh to lớn để đất nước phát triển, tổ quốc vững như bàn thạch, đạo pháp được xương minh. Ngược lại, khi mọi người dân Việt Nam trong đó có Tăng Ni, Phật tử không có đầy đủ sự tự hào về văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo, không bảo tồn và phát huy văn hóa thì tinh thần dân tộc không còn là sức mạnh to lớn để đất nước phát triển, tổ quốc sẽ lâm nguy, đạo pháp sẽ suy vi.

Trong tiến trình tồn tại và phát triển, Phật giáo luôn bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo, góp phần làm cho văn hóa dân tộc thêm đa dạng, phong phú trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa vật thể cho đến văn hóa phi vật thể. Qua đó cho thấy, “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” đã được Phật giáo vận dụng và phát huy trong những điều kiện cụ thể của đất nước, tạo nên một đặc thù về tính cộng hưởng và không thể thiếu trong các giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Qua các cứ liệu lịch sử, mọi người đều công nhận sự đóng góp thầm lặng của Phật giáo trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, khi có mặt ở Việt Nam, Phật giáo không làm ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn thực hiện lý tưởng Bồ tát - biết hy sinh mình để làm lợi ích cho đất nước, nhất là không làm nhân dân đổ xương máu, thậm chí chính những người Phật giáo đã đổ xương máu cho dân tộc. Điều đặc biệt hơn, Phật giáo không xuyên tạc và luôn tôn trọng những hệ tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo đã có trước hoặc sau khi Phật giáo có mặt tại Việt Nam. Chính vì thế mà nhân dân Việt Nam tiếp nhận Phật giáo, xem Phật giáo là bạn đồng hành với dân tộc.

Để làm sáng tỏ thêm, chúng tôi xin chia sẻ một số vấn đề mang tính đặc trưng của “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” trong phương châm Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Thứ nhất, thuộc tính yêu nước, độc lập dân tộc:

Như đã trình bày, “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” đã, đang và sẽ soi đường cho quốc dân đi, nó là sức mạnh của toàn dân tộc, không phân biệt tôn giáo, dân tộc và ý thức hệ xã hội trong công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Ngược dòng lịch sử, từ khi các vua Hùng dựng nước, “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” luôn là công cụ đắc lực của dân tộc để dựng nước, giữ nước như cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng (1), của Lý Bí (2), của Lý Phật tử (3) ở những thế kỷ đầu công nguyên. Đến thế kỷ thứ 10, kỷ nguyên đầu của độc lập dân tộc, “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” tiếp tục được phát huy ở tầm cao hơn để chống lại xâm lược của phương Bắc, bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc. Đến giai đoạn này, Phật giáo (Đạo pháp) là người khuông phò nước Việt đắc lực nhất, chùa vừa là nơi tu hành, vừa là cơ quan ngoại giao tiếp sứ thần, nhiều Tu sĩ Phật giáo là những phái bộ ngoại giao của quốc gia, cố vấn cho nhà nước bấy giờ.

“Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang, vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm người coi sông ra đón” (4).

Bằng phương cách ngoại giao khôn khéo, ứng đối linh hoạt của Đại sư Pháp Thuận đã làm Lý Giác cảm phục, khi về đến sứ quán chùa Sách Giang, Lý Giác làm thơ tặng, tôn vinh vua nước Việt Nam ngang hàng với vua nước Tống qua bài thơ:

“… Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu

Khê đầm ba tĩnh kiến thiềm thu”

( …Ngoài trời lại có trời soi nữa

Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu) (5)

Như vậy, từ khi có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã vận dụng tinh thần nhập thế tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc theo mô thức chung “Kính Phật – Phụng đạo – Yêu nước để đồng hành cùng dân tộc.  Ngay từ đầu kỷ nguyên độc lập, Phật giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng, với vị thế một nước nhỏ, mới giành được độc lập, thông qua con đường ngoại giao để đấu tranh một cách mềm dẽo với phương Bắc, nhưng vẫn khẳng định sự độc lập, tự chủ của Việt Nam. Chúng ta thấy bài từ tiễn sứ thần của Quốc sư Khuông Việt (được xem là một văn bản ngoại giao đầu tiên) đã nêu cao văn hóa của Việt Nam có thể ngang hàng với các nền văn hóa khác, ý chí của dân tộc Việt Nam là mưu cầu hòa bình, độc lập và tự chủ. Như thế, Quốc sư Khuông Việt đã áp dụng nhuần nhuyễn  “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” để làm bài từ tiễn sứ thần Lý Giác, mục đích nhằm khẳng định độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia đối với nhà nước phong kiến phương Bắc. Quốc sư Khuông Việt biết vận dụng, sáng tạo, đưa vào lòng quân dân nước Đại Cồ Việt một thứ vũ khí sắc bén, đó là “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” để làm cho ý chí tự tôn dân tộc trong mọi lĩnh vực ở buổi đầu kỷ nguyên độc lập.

“… Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Phân minh tấu ngã hoàng”

(… Xin đem thâm ý vì biên cương

Tâu vua tôi tỏ tường) (6)

Bài từ tiễn sứ thần Trung Quốc của Quốc sư Khuông Việt, tuy chưa phải là một bản tuyên ngôn độc lập, chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, nhưng đây là một cột mốc quan trọng, là bước sơ khởi để có những bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam sau này.

“Văn hóa - tinh thần dân tộc” đã được kế thừa và được phát huy giá trị trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Đến giai đoạn triều đại nhà Lý, Việt Nam đã đủ mạnh về mọi mặt, đủ sức đánh bại mọi sự xâm lăng. Trước cuộc xâm lăng bờ cõi  của phương Bắc, Lý Thường Kiệt thay mặt nhà nước và nhân dân Đại Việt đã tuyên bố với quốc dân đồng bào và  nhà nước phong kiến phương Bắc bấy giờ, Đại Việt là một nước độc lập, tự chủ, có chủ quyền quốc gia, đủ sức mạnh quân sự để đáp trả mọi cuộc xâm lược:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”

(Sông núi nước Nam, Nam đế ở,

Rõ ràng phân định tại sách trời.

Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?

Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!) (7)

Có thể nói, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, ở đây “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” được vận dụng và phát huy một cách triệt để nhất. Đó chính là chân lý của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

Bước sang triều đại nhà Lê, “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” tiếp tục được vận dụng và phát huy, là một công cụ không thể thiếu trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập của nước Đại Việt bấy giờ. Sau khi kết thúc thắng lợi chống sự xâm lược của quân nhà Minh, Lê Lợi đã đọc bản tuyên ngôn độc lập (Bình ngô đại cáo), tuyên bố với toàn dân và nhà nước phong kiến phương Bắc, Đại Việt là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, sẽ đi đến thắng lợi hoàn toàn trước mọi sự xâm lược. Đây chính là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc, và “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” vẫn là công cụ đắc lực nhất, vũ khí sắc bén nhất để dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

“… Xét như nước Đại Việt ta,

Thực là một nước văn hiến.

Cõi bờ sông núi đã riêng,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.” (8)

Sau khi nhà nước phong kiến triều Nguyễn không hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, thực dân phương Tây xâm lược Việt Nam. Nhiều phong trào yêu nước được hình thành trên cả nước, nhưng chưa đi đến thắng lợi. Trước bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước và Chủ nghĩa Xã hội là mô hình được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn để giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước khỏi sự xâm lược của phương Tây. Chính “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” một lần nữa là công cụ đắc lực nhất, vũ khí sắc bén để Cách mạng tháng 8 đi đến thắng lợi hoàn toàn, khai sinh ra nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bắt đầu một kỷ nguyên mới bằng tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ, biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông. Và tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 3 của Việt Nam để tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới:

“…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” (9)

Như đã trình bày, tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ, biết hy sinh mình để đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông là đặc trưng của “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” được thể hiện qua các giai đoạn lịch sử. Giữa Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội luôn có sự nhất quán về “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” qua các thời kỳ lịch sử, có mối quan hệ hữu cơ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Như thế phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sự kế thừa, một sự tổng kết về “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao dân tộc Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận Phật giáo, chọn Chủ nghĩa Xã hội là một ý thức hệ xã hội. Bởi vì, Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội hiện hữu và tồn tại bằng chính trái tim, hơi thở, tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội đã dùng “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” để soi đường cho quốc dân đi, mọi sự xâm lược sẽ bị nhân dân Việt Nam đánh bại. Do đó, khi nào “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” được phát huy đúng giá trị trong những hoàn cảnh cụ thể thì đất nước độc lập, tự chủ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc và những quyền của con người được quan tâm.

Thứ hai, thuộc tính dân chủ và lợi ích số đông trong phương châm:

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam rất thận trọng khi tiếp nhận một ý thức hệ xã hội, Phật giáo và Chủ nghĩa Xã hội là một minh chứng. Vì vậy ngay từ buổi đầu, Phật giáo luôn thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ của dân tộc, vì lợi ích số đông mà phục vụ; Chủ nghĩa xã hội cũng thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ và giải phóng dân tộc, ý thức hy sinh cho quần chúng nhân dân. Do đó, Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội là một trong những nhân tố đã tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, làm tăng thêm, làm phong phú thêm giá trị của “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” để viết nên những trang sử hào hùng, làm nên những kỳ tích của dân tộc qua mọi giai đoạn lịch sử.

Hệ tư tưởng nhập thế tích cực, tinh thần yêu nước của Phật giáo luôn phát huy hiệu quả trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Phật giáo thời Trần với tinh thần tu hành hết sức phóng khoáng, chủ trương tu hành không phân biệt tại gia hay xuất gia, không phân biệt là sống ở thành thị, chợ búa hay là sống độc cư ở núi rừng, sống nếp sống căng thẳng ngoài trận mạc hay là sống yên ổn trong cảnh hòa bình ở hậu phương. Trần Thái Tông nói: “không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm...” (10). Biện tâm của Phật giáo thời Trần là thể hiện tính dân chủ, vì lợi ích số đông, mục đích hướng đến vẫn là độc lập, tự chủ của dân tộc, phát triển đất nước, lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng đạo đức xã hội.

Phật giáo ngoài việc hướng dẫn mọi người dân tu hành giác ngộ, nhưng vẫn mang nặng trong lòng “Bốn ân” (ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân đất nước và ân Tam bảo – theo Kinh Tâm Địa quán). Thượng sĩ Tuệ Trung dù đã liễu ngộ thiền cơ, là một danh tướng, nhưng Thượng sĩ luôn mang canh cánh trong lòng bốn trọng ân được thể hiện trong bài tụng: Lễ Thiền sư Tiêu Dao:

“Thân tuy cục mịch quê mùa này,

Bốn trọng ân nào dám lãng khuây,

Ý vụng sớm nhờ thêm ý chí

Lòng tàn riêng giữ chút lòng ngay” (11) 

(Trúc thiên dịch)

Ngoài việc đóng góp sức người sức của để bảo vệ tổ quốc, Phật giáo luôn có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một Nhà nước vững mạnh, sự ưu đời mẫn thế. Đức Phật đưa ra 07 vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người đứng đầu Nhà nước phải:

- Thường xuyên hội họp để lo việc phòng bị, bảo vệ tổ quốc chu đáo.

- Tạo sự hòa hợp, thống nhất, trên dưới một lòng chung lo việc nước.

- Tôn trọng các tập quán, truyền thống của các dân tộc.

- Không dùng quyền lực để xâm hại danh giá vợ con người dân.

- Tôn trọng ý kiến xây dựng của các bậc bô lão.

- Kính trọng và không làm phương hại đến các tín ngưỡng của dân.

- Kính trọng và bảo vệ những người tu hành chơn chánh. (12)

Như thế, học thuyết “Biện tâm” của Phật giáo đã đem lại cho dân tộc một cuộc sống luôn hiện hữu “Văn hóa - Tinh thần dân tộc”, làm chất xúc tác để đoàn kết toàn dân tộc. Trong lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 10 cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, khởi đầu thì sự tương quan lực lượng, Việt Nam luôn kém xa, nhưng nhờ ý chí, tài thao lược của các vị Vua, vị tướng là Phật tử, các vị minh quân, các nhà lãnh đạo, các vị tướng tài, đặc biệt là sức mạnh “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” của toàn dân đã biến yếu thành mạnh và cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nói cách khác, khi “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” được phát huy, khiến lòng dân quy về một mối, tạo thành sức mạnh phi thường của dân tộc. Đạo pháp (Phật giáo) không giương cao ngọn cờ nhân danh Phật giáo để chống ngoại xâm.

Chủ nghĩa Xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện toàn dân đoàn kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của Đảng đều nỗ lực “Xây dựng một triết lý về tinh thần yêu nước, độc lập, tự cường” và “Xây dựng luận lý về sự biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”.

Thuộc tính dân chủ được phát triển trong những hoàn cảnh cụ thể của đất nước để đưa đến thắng lợi trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Hội nghị Diên Hồng - một biện pháp dân chủ do Vua Trần Nhân Tông tổ chức để gặp các phụ lão bàn kế đánh giặc (13) và đã làm nên chiến thắng vĩ đại trước sự xâm lược của phương Bắc. Chủ nghĩa Xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài việc giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, kế thừa tính dân chủ trong lịch sử khi quyết định những vấn đề trọng đại của Tổ quốc. Đại hội quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập tại Tân Trào, Tuyên Quang để mọi người cùng quyết định việc tổng khởi nghĩa năm 1945 và đã làm nên những chiến thắng lịch sử, chấn động địa cầu. Nhất là vấn đề tôn giáo và chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí minh nói: “Đoàn kết tôn giáo, tự do tín ngưỡng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết, đại hòa hợp dân tộc; kết hợp tôn giáo với chủ nghĩa yêu nước, Tôn giáo phải hợp nhất với Tổ quốc.” (14)

Qua các trình bày, có thể cho chúng ta một đúc kết:

- Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội đã tạo nên cho dân tộc một tinh thần “anh em hòa mục, vua tôi đoàn kết, lấy dân làm gốc, cả nước một lòng ra sức dựng nước và giữ nước(15). Đạo pháp và  Chủ nghĩa Xã hội luôn hiện hữu trong đời sống, tâm thức của nhân dân, đã đi vào lòng người, luôn lấy ý muốn của số đông làm ý muốn của mình. Chính tinh thần đó, Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội đã được thể nghiệm ngay trong lòng mọi người, mọi nơi, để từ đó những đệ tử Phật, những người yêu nước sẵn sàng quên mình để lo cho dân cho nước. Khi đất nước cần, tất cả người dân, trong đó có những người Phật giáo sẵn sàng lên đường để cứu nước cứu dân thoát khỏi ách ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc.

- Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội quả thật xứng đáng đóng vai trò chủ đạo của một hệ tư tưởng tích cực và năng động, đáp ứng được những yêu cầu của dân tộc, của lịch sử dựng nước và giữ nước, là chỗ dựa vững chắc của dân tộc. Có được sức mạnh như vậy, vì Đạo pháp và CNXH luôn là hệ tư tưởng chủ đạo và dân tộc Việt Nam là người đã biết chủ động, sáng tạo, chọn lọc trong hệ tư tưởng đó với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, biến nó thành chất men hội tụ, chất xúc tác làm cho cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, trên những cương vị khác nhau, luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình đất nước được độc lập, tự chủ bằng “Văn hóa – Tinh thần dân tộc”, xây dựng tâm lý “tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ”, xây dựng luận lý “biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”.

Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là quãng thời gian không dài so với 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhưng cũng đủ để tổng kết, tự hào về những thành quả Phật sự đã đạt được trên nền tảng “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” mà phương châm Giáo hội đã chuyển tải.

Có thể khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người kế thừa xứng đáng 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, là người viết nên những trang sử vàng mới trong thời hội nhập toàn cầu. “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” được thể hiện trong phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” vẫn còn nguyên giá trị, vẫn được phát huy trong đời sống, tâm thức của Tăng Ni, đồng bào Phật tử; đã, đang và sẽ được thể hiện một cách cụ thể nhất, phát huy hiệu quả nhất trong những hoàn cảnh cụ thể của đất nước theo trục tam giác: “một Giáo hội duy nhất – độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ – một thể chế chính trị vì dân vì nước”.

Thứ ba, thuộc tính “Dị - Đồng” trong phương châm:

Tính đồng nhất về “Văn hóa - tinh thần dân tộc” trong phương châm đã được trình bày ở trên. Về biện chứng học, có khái niệm “ Dị - Đồng” trong phương châm Giáo hội.  Khái niệm “Dị” ở đây chính là việc giải thích sự vận hành các pháp theo quan điểm biện chứng duy vật và biện chứng duy tâm, tục đế và thế đế. Khái niệm “Đồng” ở đây chính là mục tiêu cuối cùng của Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội, đều vì an lạc hạnh phúc số đông mà phục vụ, xây dựng một xã hội tốt đẹp, hoàn thiện đạo đức cá nhân để hoàn thiện đạo đức xã hội và luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng một đất nước, một thế giới an lạc, hạnh phúc. Bên cạnh đó, giữa “Đạo pháp”, “Dân tộc” và “Chủ nghĩa Xã hội” có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, dân chủ, nhân tố con người là chủ thế, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Do đó, trong quá trình tồn tại và phát triển, “Đạo pháp”, “Dân tộc” và “Chủ nghĩa Xã hội” đã nỗ lực xây dựng một nền văn hóa mang tính đặc trưng của dân tộc Việt Nam, phát triển ở đỉnh cao thời đại, thống nhất trong đa dạng; phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân chủ để làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc và thấm sâu vào đời sống xã hội, tâm thức của người dân, của Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

Như vậy, “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” trong phương châm của Giáo hội Phật giáo là sự kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, vì lợi ích chân chính của số đông, nhất là xem con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước và Giáo hội. Từ đó những bài học của lịch sử dựng nước, dựng nước và xây dựng đất nước, nếu văn hóa được bảo vệ và phát huy giá trị, trong đời sống của cộng đồng các dân tộc sẽ hiện hữu một loại hình văn hóa yêu nước, một tinh thần dân tộc bất khuất, kiên cường, vì độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ mà phục vụ. Ngược lại, văn hóa không hiện hữu trong đời sống nhân dân sẽ  tạo nên lòng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân tiêu cực, làm cho lòng vị tha, vì sự an lạc, hạnh phúc cho số đông không được phát huy, văn hóa yêu nước không được đề cao và tinh thần dân tộc không còn là động lực để nhân dân góp phần vào sự nghiệp dựng nước, dựng nước và xây dựng đất nước. Lịch sử đã cho chúng ta những bài học vô giá về sự tồn tại hay không tồn tại của “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” trong tâm thức nhân dân.

Phương châm Giáo hội có tính nhất quán về phương diện “Văn hóa - Tinh thần dân tộc”. Nhưng vẫn có một câu hỏi được đặt ra là tại sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa mệnh đề Chủ nghĩa Xã hội vào phương châm của Giáo hội, thậm chí có người còn cho rằng chỉ nêu mệnh đề: Đạo pháp – Dân tộc là đủ. Nếu tư duy không trên cơ sở “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” thì chưa hiểu hết nội hàm ẩn chứa bên trong phương châm. Dân tộc Việt Nam tiếp nhận tất cả các hệ tư tưởng một cách có chọn lọc. Thế kỷ 20 là một thế kỷ có nhiều hệ tư tưởng hình thành, Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam chọn hệ tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa và dung hóa nó thành của Việt Nam, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh để làm tiêu chí cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Chúng ta dễ dàng nhận thấy Xã hội Chủ nghĩa luôn vì lợi ích số đông mà hy sinh để có được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam công khai đưa mệnh đề Chủ nghĩa Xã hội vào phương châm hành động của Giáo hội, điều này đã thể hiện một quá trình biện chứng học.

Phương châm của Giáo hội là một sự kế thừa, sự vận dụng một cách chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với lịch sử Việt Nam và một sự ưu đời mẫn thế của Giáo hội. Muốn độc lập dân tộc, lợi ích số đông, lấy dân làm gốc thì chỉ có “Đạo pháp” và “Chủ nghĩa Xã hội” mới làm cho dân tộc độc lập, tự chủ, nước hưng đạo thịnh. Vì Đạo pháp và Chủ nghĩa Xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn lấy ý muốn của dân tộc làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình (Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm) (16). Như thế, biện chứng của phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Theo tư tưởng biện chứng này, thì người đệ tử Phật muốn đạt đến giác ngộ giải thoát thì phải trải rộng tâm mình để phục vụ nhân quần xã hội và nhân sinh. Tâm càng trải rộng bao nhiêu thì con đường đến giác ngộ giải thoát càng gần bấy nhiêu. Tuệ Trung thượng sĩ trình bày khá khúc chiết hệ quả tu hành bằng phép biện chứng “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm” (Tâm của muôn loài tức là tâm Phật) (17).

Từ những vấn đề trên, không có gì quá khó hiểu khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam sử dụng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động Phật sự. Không thể nói yêu nước thương dân mà không lấy ý muốn, nguyện vọng của dân làm ý muốn và nguyện vọng của mình; lại tách rời một hệ tư tưởng đem lại an lạc hạnh phúc cho số đông, vì dân tộc mà phục vụ. Chính quan điểm này là động lực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động Tăng Ni, Phật tử vừa thực hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát, vừa làm tròn trách nhiệm người công dân, kết hợp nhuần nhuyễn giữa những thông điệp của Đạo pháp và ý thức hệ Chủ nghĩa Xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi sinh hoạt và thực hiện các Phật sự.

Giai đoạn đầu thành lập Giáo hội, cũng như hiện nay vẫn còn một bộ phận Tăng Ni, Phật tử suy nghĩ chưa thấu đáo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” và cho rằng nó chỉ mang tính thời sự, thiếu tính khách quan để xương minh Phật pháp, làm lợi mình, lợi người. Mọi người đều có quyền suy nghĩ dù đúng hay sai, nhưng điều cơ bản là phải phù hợp với biện chứng học, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của dân tộc, của “Văn hóa - tinh thần dân tộc: “Xây dựng một triết lý về tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ” và “Xây dựng luận lý về sự biết hy sinh mình đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”.

Nếu xem xét phương châm dưới góc độ khoa học lịch sử, chúng ta thấy nó phù hợp với quy luật vận động và phát triển. Quy luật mà chúng tôi trình bày ở đây chính sự đoàn kết hòa hợp, vì lợi ích chung của dân tộc mà hoạt động. Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 30 năm qua bằng nhiều phương cách để đạt sự giác ngộ giải thoát. Con đường đến giác ngộ giải thoát, làm sao tương đối cụ thể, thiết thực, đồng thời nó phải mới và phù hợp với “Văn hóa - tinh thần dân tộc”. Mục đích là làm sao để nó vừa đảm bảo những nguyên lý cơ bản của việc tu hành, vừa đảm bảo với những điều kiện phát triển của Giáo hội và đất nước.

Phương châm của Giáo hội đề ra là một sự kết hợp nhuần nhuyễn, một sự nhất quán giữa hệ tư tưởng giác ngộ giải thoát của Phật giáo, truyền thống của Dân tộc và những tiến bộ của Chủ nghĩa Xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa rằng những đệ tử Phật tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Đạo pháp, của dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn lý tưởng Bồ tát và ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa, tư tưởng Hồ Chí Minh để vừa hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của người đệ tử Phật; vừa hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của một công dân trong thời đại kết nối toàn cầu.

Vấn đề được đặt ra ở đây không phải là “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” không phải là một ước lệ xã hội, mà nó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Quy luật tương quan tương duyên không cho phép chúng ta nghĩ về “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” như là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó có thể chấp nhận đối với người này mà không cần theo bởi người khác. Đó không phải là cách nhìn chung của vấn đề, và trong chừng mực nào đó, điều này nói lên tinh thần thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước.

Như vậy, “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” trong phương châm của Giáo hội là một vấn đề lớn, cần được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm của mọi người như là giải pháp tích cực trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới. Tất nhiên “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” trong phương châm không phải tự nhiên mà có, cũng như hạnh phúc không phải tự dưng mà có, nếu chưa được thực hiện đúng nội dung của nó thì không mang lại hiệu quả. Nó cũng không ở trong từ ngữ hoa mỹ được định nghĩa thế này hay thế khác như món đồ để trang sức cho trí tưởng tượng, mà đó là một nếp sống, được thể hiện qua thái độ sống của con người. Giáo hội và đất nước muốn phát triển bền vững, thì việc xây dựng “Văn hóa - Tinh thần dân tộc” là trách nhiệm chung của mỗi người.

Tóm lại, Phật giáo tồn tại và phát triển luôn gắn kết với sự an nguy của dân tộc. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất khuất, kiên cường; một đất nước với 54 dân tộc anh em luôn chung sống hòa bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, từ đó tạo thành một bức tranh đoàn kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Bất kỳ một ý thức hệ nào, tôn giáo nào đến Việt Nam, nếu nó phù hợp tiêu chí độc lập, đoàn kết đều được người dân Việt Nam trân trọng và tiếp nhận. Nếu nó ngược lại với tiêu chí đã được đặt ra, thì người Việt Nam cũng tiếp nhận bằng lòng khoan dung, độ lượng để cảm hóa. Dân tộc Việt Nam cưu mang tất cả, nhưng chỉ chọn những ý thức hệ, tư tưởng có thể đáp ứng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự chủ của tổ quốc để biến nó thành chất men hội tụ, là xúc tác trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” được thể hiện trong phương châm Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, là một hệ quả tất yếu của một quá trình tiếp nhận và chọn lọc của dân tộc Việt Nam./.

 Chú thích:

  1. Đại Việt Sử ký toàn thư tập 1, NXB Khoa học Xã hội, 2004, tr. 155
  2. Sđd, tr. 178
  3. Sđd, tr.184
  4. Sđd, tr. 229
  5. Sđd, tr. 230
  6. Sđd, tr. 230
  7. Sđd, tr. 295
  8. Đại Việt Sử ký toàn thư tập 2, NXB Khoa học Xã hội, 2004, tr. 302
  9. http//www.cpv.org.vn
    1. Minh Chi - Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, 1995, trang 32, 33
  10. http//www.thuong-chieu.org, Tuệ Trung Thượng sĩ
    1. Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung A Hàm 3, phẩm Kinh Vũ Thế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam 1993, tr. 322 - 325
    2. Đại Việt Sử ký toàn thư tập 2, NXB Khoa học Xã hội, 2004, tr. 53
    3. Thích Tâm Đức, Những giải pháp Phật giáo, NXB Tôn giáo 2008, tr. 64
    4. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư tập II, NXB Khoa học Xã hội, 2004, tr. 83, 84 ghi: Khi Hưng Đạo Đại vương ốm, vua ngự đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào”. Hưng Đạo Đại vương trả lời: “… Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục. cả nước nhà góp sức, ….Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
  11. http//vnthuquan.net, Trần Thái Tông
  12. http//www.thuong-chieu.org, Tuệ Trung Thượng sĩ 

 

TT. Thích Thiện Thống

Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 32


Hôm nayHôm nay : 2446

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2446

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32098553


Thiết kế website