Thưa ông, đầu năm người dân lại nô nức đi lễ chùa, cúng sao giải hạn. Trong Phật giáo quy định điều này như thế nào?
Trước hết, tôi xin khẳng định: trong tam tạng kinh điển Phật giáo đều không đề cập đến việc dâng, cúng sao giải hạn. Phật giáo quan niệm, con người sướng hay khổ, giàu hay nghèo… đều do “nghiệp” từ kiếp trước và suy nghĩ, lời nói, việc làm chính đời này quyết định, tuân theo luật Nhân – Quả.
Tuy nhiên, khác với những tôn giáo khác, ngay từ đầu Phật đã có quan điểm rất biện chứng rằng “Tùy thời, tùy quốc độ”, nghĩa là tùy điều kiện lịch sử, không gian – truyền thống văn hóa mà có cách tuyên truyền giáo lý, mở mang Phật giáo khác nhau chứ không bảo thủ, cố chấp. Việc dâng cúng sao giải hạn do chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Bắc.
Cần nhớ rằng, Phật giáo vào Việt Nam có một ngả rất quan trọng là qua Trung Quốc. Khi Phật giáo vào Trung Quốc là lúc Đạo giáo ở đây đã rất phát triển. Đạo giáo rất quan tâm đến phong thủy, đến các thuật chiêm tinh và cho rằng mỗi cá nhân sinh ra trong một thời khắc nhất định tương ứng với một vì sao nhất định, từ đó sẽ gắn với vận mệnh sướng – khổ, giàu – nghèo… khác nhau. Một lẽ tự nhiên, Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng từ quan niệm này. Từ đó mới có quan niệm về tuổi hạn, giải hạn. Phật giáo không khuyến khích song cũng không ngăn cấm.
Chi bằng dẫn dụ họ vào chùa, sư giải thích cho người ta để đỡ đi vào mê tín dị đoan
có phải hơn không? Ảnh: Đức Lợi
Nhưng trên thực tế, các chùa vẫn tổ chức cúng giải hạn và có rất đông Phật tử tham gia, thưa ông?
Thực ra, các chùa làm thế để phục vụ nhu cầu của con người. Nếu chùa không làm thì người ta sẽ tìm đến các thầy bói khác, chi bằng dẫn dụ họ vào chùa, sư giải thích cho người ta để đỡ đi vào mê tín dị đoan có phải hơn không?
Ông có chắc không? Vì lễ giải hạn trong chùa cũng có hạn, người ta vẫn tìm đến những thầy bói, thầy cúng, cô đồng đấy thôi!
Cái đó không thể tránh khỏi, vì năm nào số lượng người có nhu cầu cũng rất lớn. Các chùa không thể đáp ứng hết được, nhưng dẫu sao được ngần nào hay ngần ấy. Chúng ta cũng không thể ngăn cấm họ tìm đến những thầy bói, thầy cúng. Chỉ có điều bản thân họ cũng cần nâng cao nhận thức để không bị mất cả “núi” tiền, không cẩn thận vừa không giải được hạn lại còn rước họa vào thân.
Theo ông, việc cúng sao giải hạn có cần thiết?
Tôi cho rằng, về mặt tâm linh, điều đó là cần thiết. Bởi nó thuộc về phạm trù niềm tin của con người. Khi người ta tin vào phong thủy, vào số mệnh có nghĩa là họ có nhu cầu giải tỏa đi những điều xui xẻo, không tốt do sao chiếu mệnh xấu chiếu vào. Tất nhiên, đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích được rằng nó có hợp lý hay không, song nó tồn tại trong cuộc sống thì vẫn có cơ sở của nó. Về mặt xã hội, trong điều kiện cuộc sống với cường độ cao, nhiều áp lực như hiện nay thì việc vào chùa dâng sao (giải hạn hay cầu may) hay đi lễ sẽ giúp người ta thấy thanh thản, tĩnh tâm, sống tích cực hơn.
Người ta đang mặc cả với Phật!
Nghĩa là, việc cúng sao giải hạn là một liệu pháp để an tâm?
Việc đi lễ chùa, dâng sao giải hạn quan trọng nhất vẫn là ở cái tâm, lòng thành kính của mỗi người chứ không phải mâm cao cỗ đầy, lắm tiền nhiều của.
Ông nói rằng, việc đi lễ chùa, giải hạn quan trọng nhất là ở cái tâm. Có vẻ khó quá, vì dân gian vẫn có câu “Làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Phật”. Mà lộc thì chùa không thể ban phát hết được, người ta phải sắm sửa, dâng lên còn có lộc mang về chứ?
Tất nhiên, “phi vật bất thành lễ”. Thế nhưng, vật đôi khi chỉ cần đến thẻ hương thắp lên là được, đâu cần phải mâm cao cỗ đầy. Có nữa thì chỉ cần anh góp công đức, coi như anh tạo phúc điền là được rồi. Tiếc là bây giờ người ta đã làm cho nó lệch lạc đi, sai về phương pháp thì làm sao mà đạt hiệu quả được?
Sai về phương pháp nghĩa là sao, thưa ông?
Trong kiến trúc chùa có ba gian thờ gồm: gian chính điện (gian giữa), hai bên là bàn thờ Đức Ông và Thổ Địa – những người cai quản đất chùa. Nếu có lễ thì chỉ đặt lễ lên hai bàn thờ này chứ không phải đặt vào chính điện như ở đền, ở phủ. Nhưng thực tế người ta vẫn tranh nhau, xếp chồng đống đồ lễ lên gian chính giữa. Chưa kể, nhiều người đi lễ nhưng thực ra lại là ra điều kiện, mặc cả với Phật.
“Mặc cả với Phật”?
Đúng vậy. Người ta dâng cúng một lễ vật này thì họ xin nhận được điều này điều kia, làm mất đi ý nghĩa văn hóa, tâm linh của việc đi lễ.
Theo ông, việc “mặc cả Phật” như thế có nhiều không?
Rất nhiều là đằng khác.
Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa ông?
Do chính cuộc sống xô bồ, bon chen đã tác động lên họ. Họ cứ nghĩ rằng, có cho có nhận. Nhưng làm thế nguy hiểm vô cùng. Vì nó sẽ góp phần tăng trưởng cái tâm tham vốn có thường trực trong mỗi người, họ tin rằng mình đã có lễ dâng lên Phật, lên thần thánh rồi thì chắc chắn sẽ được phù hộ, cứ thế mà làm, thậm chí làm những việc không hay.
Theo ông thì nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân đầu tiên chính là bản thân những người làm công tác Phật giáo và văn hóa trong việc tuyên truyền, giảng giải cho Phật tử, cho người dân. Thứ hai do đời sống khách quan tác động đến.
Có khó “cải tạo” quan niệm ấy không, thưa ông?
Tôi tin là được, tuy nhiên cần có thời gian, cùng với quá trình nhận thức của người dân. Thật ra, báo chí cũng đã nói nhiều và cũng đã có chuyển biến rồi đấy chứ. Ví như dịp Tết vừa rồi tôi có đi chùa Quán Sứ, thấy cảnh người ta đi lễ chùa rất thành kính, không mâm cao cỗ đầy, ăn mặc lịch sự, không có sự chen lấn, bát nháo. Tất nhiên ở đâu đó vẫn còn tình trạng này, thế nhưng như thế cũng đã là vui rồi.
Rằm tháng Giêng không phải là ngày để giải hạn
Nếu có một lời khuyên cho người dân trong việc lễ chùa, cúng sao giải hạn, ông sẽ nói gì?
Tôi khẳng định lại một lần nữa: không gì bằng cái tâm của mỗi người. Khi tâm thành trong sáng, suy nghĩ và làm theo chính pháp, Phật sẽ chứng giám. Thêm nữa, cúng giải hạn vào rằm tháng Giêng là sai lầm.
Vì sao, thưa ông?
Mỗi người, mỗi năm ứng với một sao. Mỗi sao đó lại tương ứng với ngày cụ thể. Ngày đó có tính cực đoan (hoặc là cực tốt, hoặc cực xấu). Do vậy, nếu cần thì phải tiến hành giải hạn vào chính ngày có sao chiếu mệnh tương ứng. Rằm tháng giêng về cơ bản là ngày cầu phúc (ngày Thiên quan tứ phúc) chứ không phải để giải hạn.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Kính chúc ông sức khỏe!
“Mỗi người, mỗi năm ứng với một sao. Mỗi sao đó lại tương ứng với ngày cụ thể. Ngày đó có tính cực đoan (hoặc là cực tốt, hoặc cực xấu). Do vậy, nếu cần thì phải tiến hành giải hạn vào chính ngày có sao chiếu mệnh tương ứng. Rằm tháng giêng về cơ bản là ngày cầu phúc (ngày Thiên quan tứ phúc) chứ không phải để giải hạn”, cư sĩ Lương Gia Tĩnh. |
Vũ Thủy thực hiện (bee.net)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 175
Hôm nay : 2327
Tháng hiện tại : 138978
Tổng lượt truy cập : 26937103