Cách đây 21 năm, trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Chỉ thị 37-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1998, lại công nhận: “Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy". Ở Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Đảng còn nêu cả mục 8 về “chính sách văn hoá đối với tôn giáo”. Đến Đại hội IX, Đại hội X nêu rõ: “Phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá và đạo đức của tôn giáo”. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI vừa diễn ra, Đảng ta tái khẳng định quan điểm: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”.
Nhìn nhận và đánh giá cao những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, trong đó có thể nói chủ yếu là Phật giáo là bước tiến tư duy về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những thập niên gần đây.
Phật giáo là một trong số tôn giáo có bề dày lịch sử lâu đời nhất trong số những tôn giáo lớn trên thế giới. Dù cho thời thế đổi thay, vận nước chuyển vần, nhưng Phật giáo nước nhà luôn đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử.
Vốn là một quốc gia có truyền thống bao dung và độ lượng, hiếu hòa và đoàn kết, nên người Việt đã đón nhận những giá trị hòa hợp đại chúng, tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, phá chấp lục hòa… của Phật giáo một cách tự nhiên để tạo nên cốt cách con người Việt Nam, đó là đoàn kết và nhân ái; hòa hiếu và bao dung. Cũng hiếm thấy trên thế giới có một đất nước nào lại phải trải qua những cuộc chiến tranh triền miên và quyết liệt đến thế mà vẫn sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; xóa bỏ hận thù để cùng chung sống hòa hợp trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Giá trị tư tưởng và thái độ ứng xử hiếu hòa do Phật giáo đem lại đã hòa quyện với truyền thống văn hóa dân tộc, trở thành di sản quí báu để lại cho hậu thế.
Là một tôn giáo có hệ thống giáo lý khá đồ sộ, sâu sắc và hoàn chỉnh, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã đưa lại một hệ thống các quan niệm về vũ trụ và nhân sinh cho cộng đồng người Việt. Một số tư tưởng Phật giáo phù hợp với tư duy truyền thống dân tộc và cũng không xung đột với chủ nghĩa duy vật Mác - xít. Chính vì vậy, Phật giáo được nhân dân ta tiếp nhận một cách tự giác và nhanh chóng trở thành một tôn giáo thu hút được quảng đại dân chúng tin theo, để rồi trở thành hệ tư tưởng chính thống ở một số triều đại phong kiến hưng thịnh của nước nhà. Lịch sử đã ghi nhận, Phật giáo đi vào lòng dân tộc và đồng hành cùng dân tộc, thời kỳ nào nước nhà cường thịnh thì Phật giáo phồn vinh, đất nước bị nô lệ thì Phật giáo khó tránh khỏi suy tàn: “Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang”[1]
Sự biến động của Phật giáo nước nhà gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Thấm thoát đã tròn ba thập niên của sự kiện Phật giáo hội nhập trong mái nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981) sau khi đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối. Đây cũng lại là dịp để nhìn lại những đóng góp của Phật giáo cho nền văn hóa, đạo đức dân tộc.
Văn hóa Phật giáo bao gồm cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể bắt nguồn từ niềm tin, giáo lý, đạo đức tôn giáo là những tài sản vô giá của nhân loại đang được nhân dân ta kế thừa, lưu giữ và bảo tồn. Trung tâm mỗi tôn giáo lớn: “Đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo - là thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là hạt ngọc văn hóa đó… "[2].
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo hiện nay là Giáo hoàng Benedicto XVI cũng ghi nhận : "Trong tất cả các nền văn hóa mà ta biết được trong lịch sử, tôn giáo luôn là yếu tố căn bản của văn hóa, thậm chí là linh hồn của văn hóa. Chính tôn giáo ấn định cấu trúc của các giá trị và do đó hình thành nên lý lẽ nội tại của cấu trúc ấy"[3].
Hồ Chí Minh quan niệm văn hóa theo nghĩa rộng, trong đó Người coi tôn giáo vừa là một bộ phận cấu thành của văn hoá vừa là di sản văn hoá của nhân loại: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [4].
Nếu hiểu văn hoá theo nghĩa rộng, là tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội đều là văn hóa thì những hoạt động của con người trong đó có hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo ít nhiều đều có dấu ấn của văn hoá. Văn hóa Phật giáo đựơc thÓ hiện cụ thể từ các bức tranh, tượng đến kiến trúc, nghệ thuật; từ âm nhạc đến văn học; từ kinh sách đến lễ hội, lối sống… Văn hóa vật thể của Phật giáo được tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể như chùa chiền, tịnh xá, niệm Phật đường, tranh, tượng, bia , đồ thờ tự, trang phục…; văn hóa phi vật thể là ngôn ngữ, âm nhạc, phong tục, đạo đức…
Ở một số quốc gia, công tác tôn giáo được quan niệm chủ yếu là công tác văn hóa tôn giáo và phần lớn những hoạt động tôn giáo giao cho ngành văn hóa quản lý. Ở nước ta, các hình thức tín ngưỡng truyền thống, dân gian, trước nay vẫn do ngành văn hóa phụ trách, như một loại hình văn hóa. Ngày nay chúng ta chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, càng phải quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa Phật giáo.
Phật giáo không chỉ là những quan niệm triết học, mà thông qua kinh điển, nghi lễ, chùa chiền, các hình tượng thờ cúng, chế độ tổ chức tạo thành một lối sống đa dạng, phong phú để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong đạo đức, tư tưởng, văn học, nghê thuật.
Phật giáo nhấn mạnh chủ thể tự giác, đề cao tự lực bản thân tìm đến sự “giải thoát”. Phật giáo có một hệ thống tư tưởng, đạo đức sâu sắc, coi trọng sự tu dưỡng nhân cách cá nhân. Những quan niệm về thiện - ác, về từ bi thuộc những phạm trù cơ bản của đạo đức Phật giáo. Mỗi thời đại, dân tộc, nền văn hóa đều có quan niệm về thiện, ác khác nhau. Các nhà Nho cho rằng: cái gì phù hợp với lương tri con người là thiện, ngược lại là ác. Còn quan niệm thiện của Phật giáo Đại thừa lại có hai ý nghĩa: Một là thuận theo và phù hợp với tư tưởng “vô thường, vô ngã” (nghĩa là luôn luôn biến đổi và không có bản ngã); hai là vì lợi ích chung của chúng sinh. Đây chính là điều làm cho đạo đức Phật giáo có tính nhập thế cao.
Hồ Chí Minh cũng đã khái quát: “Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi "[5]. Từ là làm cho người ta lạc quan và bi là làm cho người ta thoát khỏi đau khổ và từ bi kết hợp với nhau tạo thành nguyên tắc sống của người Phật tử khi biết sống vì lợi ích của chúng sinh mà hành động cho phù hợp. Nếu như giới, định, tuệ về cơ bản là tự rèn luyện bản thân thì những quan niệm từ bi là để giải quyết quan hệ giữa người với người, giữa con người cá nhân với con người xã hội và với thiên nhiên trên nguyên tắc có lợi cho người khác.
Từ lâu, học thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo đã tác động mạnh mẽ và sâu rộng trong mọi tầng lớp dân cư đất Việt. Thuyết này chỉ rõ xu hướng vận động tốt hay xấu của đời người chính là do nghiệp quyết định. Nghiệp mà con người lựa chọn được phân ra thành hai loại là thiện và ác. Nếu gây dựng được thiện nghiệp sẽ đưa đến thiện quả, trái lại gây ác nghiệp tất yếu đưa tới ác quả. Nhận thức về nhân quả báo ứng, nhân dân ta thường có quan niệm: “gieo gió thì gặt bão”, “trồng cây gì ăn quả ấy”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”... Chính thuyết này đã phần nào ngăn cản và hạn chế những suy nghĩ và hành vi vô đạo của con người, nhất là đang có xu hướng nảy sinh ở cơ chế thị trường hiện nay.
Phật giáo từ ngàn xưa cũng như hiện nay đã và đang tạo ra nền văn học, nghệ thuật Phật giáo khá đồ sộ, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc. Thành tựu của văn hóa Phật giáo thể hiện khá rõ trong các công trình kiến trúc và điêu khắc, hội họa và âm nhạc, lễ hội và lối sống… đã tạo thành một khuynh hướng thẩm mỹ độc đáo và là niềm tự hào của dân tộc. Trong lịch sử kiến trúc và điêu khắc Việt Nam không thể không nhắc đến các ngôi chùa như chùa Một Cột, chùa Phật Tích, chùa Giạm, chùa Bút Tháp, Thiên Mụ, Từ Đàm, Vĩnh Nghiêm… trong quá khứ và Trúc Lâm, Tây Thiên, Bái Đính, Yên Tử, Cái Bầu… trong hiện tại. Những công trình kiến trúc quy mô lớn, có kỹ thuật tinh xảo, độc đáo và cách sử dụng phối hợp giữa kết cấu kiến trúc và trang trí kiến trúc, cân đối hài hòa. Những tác phẩm điêu khắc như tượng nghìn tay, nghìn mắt (Bút tháp), các pho tượng La Hán - Bồ Tát (Tây phương)… là những công trình nghệ thuật tiêu biểu thể hiện sức sáng tạo của người xưa, là đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ của dân tộc. Cái đẹp của ngôi chùa còn là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, là sự tĩnh tại, khoan thai êm dịu, thư thái trong tâm hồn. Điều này, càng có giá trị trong hoàn cảnh nhịp sống gấp gáp, hối hả của xu hướng đô thị hóa và lối sống bon chen trong có chế thị trường. Ngày nay, ăn chay trở thành văn hóa ẩm thực độc đáo của Phật giáo có giá trị chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ cho những người trung niên và cao niên.
Là người Việt, không ai có thể phủ nhận những ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo trong văn hóa, đạo đức; cụ thể hơn là trong phong cách lối sống, trong văn học, nghệ thuật, trong kiến trúc điêu khắc và trong ẩm thực. Đó chính là sự tích tụ và kết quả lựa chọn của quá trình lịch sử dân tộc.
Sau năm 1975, nhất là từ năm 1981 và năm 1990 đến nay, văn hóa và đạo đức Phật giáo Việt Nam được phát huy sâu rộng trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Trên dưới 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, một sự kiện văn hóa Phật giáo làm nức lòng không chỉ hàng triệu Phật tử trong nước mà còn là niềm vui lớn cho cả dân tộc, đó là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Tam hợp diễn ra tại Hà Nội năm 2008. Tại Nhà hát Bến Thành, trong chương trình văn nghệ chào mừng đại lễ Phật đản PL 2550 (rằm tháng tư Bính Tuất, nhằm 12-5-2006), Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - VIETBOOKS công bố thêm 10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam mới được xác lập, trong đó có có những kỷ lục được lập ra gần đây. Đó là:
1. Tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam tại chùa Tùng Vân (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).Với tâm sức, lòng thiện tâm của mình, những người dân làng Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã đưa khối ngọc xanh nặng gần 20 tấn từ vùng Văn Chấn-Yên Bái, tạc nên hai bức tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam .
2. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam ở Khu Du lịch Văn hóa Tràng An. Tượng nặng 100 tấn, cao 10m, đúc tại thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đặt tại khu du lịch trên.
3. Quả cầu như ý lớn nhất Việt Nam được đặt tại Chùa Lân (Thiền Viện Trúc Lâm - Yên Tử) vào ngày 16-4-2005, với tên gọi quả cầu Như Ý báo ân Phật. Quả cầu này chế tác từ một khối đá hoa cương đỏ (rubi) lấy tại mỏ đá An Nhơn do ông Huỳnh Văn Phúc ở Quy Nhơn tìm ra và được thi công gần 2 năm bởi công ty Hà Quang, có đường kính 1.590 mm, nặng 6,5 tấn, đặt trên một bệ đá vuông nặng 4 tấn.
Phật tử trong và ngoài nước vui mừng khi chùa chiền được tu bổ, xây dựng khang trang, đẹp đẽ ở nhiều nơi, kể cả ở nước ngoài; hiện tượng đúc chuông, tạc tượng, xây tháp… diễn ra sôi động, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến vùng xuôi; sách báo Phật giáo cùng nhiều hình thức tuyên truyền giá trị văn hóa, đạo đức Phật giáo phát triển. Điều đó đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân về việc thưởng thức và chiêm ngưỡng văn hóa Phật giáo nước nhà. Có thể nói, hiếm có thời kỳ lịch sử nào mà văn hóa Phật giáo lại có điều kiện phát triển phồn vinh như ngày hôm nay.
2. NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM NHÌN LẠI HOẠT ĐỘNG TỪ TIỆN XÃ HỘI NHỮNG THẬP NIÊN QUA
Đức Phật dạy: Phật pháp không rời xa thế gian pháp. Muốn cầu sự giác ngộ mà xa rời thực tế đời sống thì chẳng khác nào đi tìm lông rùa, sừng thỏ. Phật giáo Việt Nam “thương người như thể thương thân”. Đó là những tư tưởng nhân văn, nhập thế ấy mà toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam những thập niên qua luôn sống hòa đồng cùng cộng đồng sẻ chia với niềm vui, nỗi buồn của chúng sinh.
Phật giáo là một trong số tôn giáo tham gia tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước mà Mặt trận Tổ quốc đã phát động như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn", "Lá lành đùm lá rách"...
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 30 năm qua, cho thấy GHPGVN đã có những đóng góp tích cực trên mấy phương diện sau:
Một là, Giáo hội đã phấn đấu để thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.
Hai là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hoạt động theo đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”.
Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thu được những thành quả to lớn trong việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam xứng đáng với sự nguyện vọng của Phật tử trong và ngoài nước, góp phần chống những mưu toan chia rẽ tôn giáo và dân tộc của các thế lực thù địch.
Bốn là, với tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn mà những thập niên qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huy động được tài lực, vật lực để tăng cường hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Có thể nói, hoạt động từ thiện xã hội của GHPGVN trong những thập niên qua là điểm sáng trên con đường nhập thế của nhiều Tăng Ni, Phật tử.
Cùng với quá trình hình thành, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì hoạt động từ thiện xã hội cũng phát triển theo. Hoạt động từ thiện xã hội vốn đã được xem là biểu tượng của tinh thần nhập thế của Phật giáo, nhưng trước năm 1981, do không được hướng dẫn của một tổ chức nên hoạt động này còn mang tính tự phát, rời rạc.
2.1- Khái quát hoạt động từ thiện xã hội qua những nhiệm kỳ Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Từ sau Đại hội Nhiệm kỳ I (1981 - 1987), được sự lãnh đạo của GHPGVN, các hoạt động này mới dần dần mang tính tự giác và ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ I GHPGVN đang trong thời kỳ xây dựng và củng cố, tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân cũng như đời sống Tăng Ni còn thiếu thốn, nên công tác từ thiện xã hội còn có nhiều hạn chế.
Sang Nhiệm kỳ II (1987-1992), hoạt động từ thiện xã hội mới chính thức được đưa vào Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là một trong 10 ban ngành của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự 55 tỉnh thành hội Phật giáo trên khắp cả nước”[6].
Vào thời kỳ này đất nước ta mới bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để thiết thực chia sẻ nỗi lo chung, các tổ chức từ thiện của GHPGVN các cấp đã dấn thân chia sẻ trực tiếp với nỗi đau của những con người bất hạnh. Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng liên tục và đều khắp như mạch nước ngầm trong lòng đất.
Kết quả của công tác từ thiện xã hội Nhiệm kỳ II đã đạt trên 2 tỷ đồng và nhiều tặng phẩm các loại[7].
Nhìn chung, hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ II tuy giá trị kinh tế đóng góp không nhiều, nhưng lại có chiều hướng đi vào nề nếp và phát triển.
Ở Nhiệm kỳ III (1992-1997), GHPGVN tích cực đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội từ trung ương đến các đơn vị cơ sở: tổ chức, quản lý và điều hành chặt chẽ, có phương hướng xây dựng, giúp đỡ và khuyến khích phát triển lâu dài. Do đó, kết quả công tác của lĩnh vực này trong Nhiệm kỳ III đã tăng lên gần 112 tỷ đồng.
Trong Nhiệm kỳ IV (1997 - 2002), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh Đường và các phòng thuốc y học dân tộc, nhất là tại những nơi đông dân lao động, ở vùng sâu, vùng xa. Giáo hội đề ra kế hoạch và khuyến khích Phật giáo địa phương tham gia vào công tác phát triển cộng đồng xã hội nông thôn nhằm xây dựng một đời sống thiết thực như cung cấp kiến thức cơ bản về y tế cộng đồng, văn hóa xã hội, xây dựng ý thức và tình cảm đoàn kết tương trợ trong nhân dân. Ban Từ thiện Xã hội còn đạt nhiều thành quả to lớn trong việc ủng hộ đồng bào bị thiên tai, thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và cơ nhỡ, khám chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo… Kết quả của công tác từ thiện xã hội Nhiệm kỳ IV tổng cộng là gần 300 tỷ đồng[8].
Đến Nhiệm kỳ V (2002-2007), khi toàn xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến công tác từ thiện, khi đời sống kinh tế của nhân dân nâng cao hơn trước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo sâu hơn và hệ thống hơn các hoạt động từ thiện xã hội như xây dựng thêm trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi viện, xây cầu bê tông, xoá cầu khỉ, xây trường, lớp học tình thường, củng cố hệ thống Tuệ Tĩnh Đường... Kết quả công tác từ thiện xã hội Nhiệm kỳ V đạt trên 400 tỷ đồng, trong đó riêng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 200 tỷ đồng[9].
Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội ngày càng được thực hiện rộng khắp ở cả những vùng sâu, vùng xa – những vùng mà đồng bào đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa , xã hội... Những năm gần đây, việc hàng nghìn người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tự nguyện quy y tập thể một phần do ảnh hưởng từ sự nỗ lực trong công tác từ thiện xã hội của Giáo hội các cấp.
Nhiệm kỳ VI (2007-2012). Kế thừa kinh nghiệm của 5 nhiệm kỳ qua, nằm trong chương trình và kế hoạch hoạt động của Nhiệm kỳ VI, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt, triển khai chương trình hoạt động, hội thảo và vận động tài chính, lập quỹ từ thiện vào ngày 4 tháng 6 năm 2009 tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Để công tác từ thiện xã hội thời gian tới được thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn, trong dịp này, một cuộc hội thảo chuyên đề đã được tổ chức với 8 chủ đề chính sau:
- Từ thiện xã hội trong thời kỳ hội nhập;
- Từ thiện xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa;
- Từ thiện xã hội với vấn đề nuôi dạy trẻ mồ côi;
- Từ thiện xã hội với vấn đề lớp học tình thương;
- Từ thiện xã hội với các tầng lớp xã hội;
- Từ thiện xã hội với việc hướng dẫn Phật tử tu tập;
- Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức công tác từ thiện trong thời đại mới;
- Thực hiện một số hoạt động từ thiện xã hội với trẻ em mồ côi tại trung tâm trẻ.
Mục tiêu của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đặt ra trong cuộc hội thảo này là tạo lập nền tảng cho việc tập họp và hệ thống hóa các cơ sở từ thiện Phật giáo đang hoạt động trong cả nước.
Tóm lại, có thể thấy quá trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động từ thiện xã hội trong các nhiệm kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều cơ sở của Phật giáo được sự giúp đỡ của Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, đã tổ chức những lớp học tình thương, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, chăm sóc, giúp đỡ những người già yếu, cô đơn… đã tổ chức những đoàn đến thăm, ủy lạo các bệnh viện, trại phong, quân y viện, tham gia vào công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, bảo trợ các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường; nhiều Tăng Ni, Phật tử không quản khó khăn, vất vả trực tiếp đến tận nơi xảy ra thiên tainhư lũ lụt, hạn hán v.v… Đây là những việc làm thiết thực của Phật giáo, góp phần xoa dịu nỗi đau thương của những cuộc đời bất hạnh, những mất mát do thiên tai gây nên.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ VII (2012-2017). Toàn dân và Phật tử hy vọng, công tác từ thiện xã hội sẽ phát triển theo xu hướng như những nhiệm kỳ qua để góp phần thiết thực cho an sinh xã hội.
2.2. Một hoạt động từ thiện xã hội của GHPGVN trên một số lĩnh vực
30 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dấn thân vào những hoạt động cụ thể trên một số lĩnh vực.
2.2.1- Lĩnh vực y tế
Từ thiện xã hội trong lĩnh vực y tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những nhiệm kỳ qua chủ yếu là hoạt động của hệ thống Tuệ Tĩnh Đường và các cơ sở chẩn trị y học dân tộc. Nhiệm kỳ I, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới thành lập, hoạt động y học dân tộc trong điều kiện tự phát để tiến tới việc thiết lập hệ thống Tuệ Tĩnh Đường sau này.
Sang Nhiệm kỳ II, hoạt động chẩn trị y học dân tộc là một trong những ưu điểm của lĩnh vực từ thiện xã hội đã thành lập một số Tuệ Tĩnh Đường, các phòng thuốc Nam, châm cứu, chữa trị bằng phương pháp trị liệu dân tộc là những việc làm kịp thời, phù hợp với hạnh nguyện từ bi của Tăng Ni, Phật tử.
Ở Nhiệm kỳ III, toàn quốc hình thành 25 Tuệ Tĩnh Đường. Trong Nhiệm kỳ này, Tăng Ni và Phật tử đã ủng hộ xây dựng hệ thống Tuệ Tĩnh Đường với số tiền là 30.000.000.000 đồng[10].
Đến Nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh Đường, tăng 5 lần so với Nhiệm kỳ III, với 115 phòng thuốc chuẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám phát thuốc trị giá trên 9 tỉ đồng[11].
Trong Nhiệm kỳ V, Bên cạnh hệ thống Tuệ Tĩnh Đường, còn là hàng trăm phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc tại các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo hoạt động có hiệu quả, đã khám, châm cứu, bấm huyệt và bốc hàng triệu thang thuốc, phát thuốc trị giá trên 35 tỷ đồng.
Tính đến năm 2010, tức là giữa Nhiệm kỳ VI, toàn quốc có trên 250 Tuệ Tĩnh Đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc trị giá trên 13 tỷ đồng.
Bên cạnh việc khám chữa bệnh miễn phí tại sơ sở, còn tổ chức các đợt khám chữa bệnh lưu động cho đồng bào nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường còn tham gia vào công tác phòng chống và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.
2.2.2. Lĩnh vực giáo dục
Hoạt động từ thiện xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp thể hiện chủ yếu qua các lớp mẫu giáo tình thương, các cơ sở dạy nghề miễn phí cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo. Lĩnh vực từ thiện này cũng được Giáo hội quan tâm với những kết quả đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ I, một số ngôi chùa ở địa phương đã có sự giúp đỡ, chăm nuôi các trẻ em lang thang, cơ nhỡ dưới hình thức tập trung nuôi dưỡng chứ chưa có điều kiện mở trường lớp. Nhưng sang Nhiệm kỳ II, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo nhiều Tỉnh, Thành đã tổ chức những lớp học tình thương cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, những trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, các lớp mẫu giáo tình thương, cơ sở dạy nghề miễn phí.
Đến Nhiệm kỳ III, cả nước có 196 lớp học tình thương và 116 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nhà nuôi trẻ em mồ côi, khuyết tật… với 6.467 em. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên chuyên môn do Tăng Ni, Phật tử đảm trách trong các cơ sở này còn hạn chế. Do đó, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đã tổ chức khóa bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 Tăng Ni để tăng cường hiệu quả hoạt động giáo dục từ thiện. Ở Nhiệm kỳ này, Tăng Ni, Phật tử cả nước tích cực hưởng ứng phong trào từ thiện xã hội trong lĩnh vực giáo dục, với một số kết quả cụ thể sau: trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học là 2.430.000.000 đồng, trợ cấp lương giáo viên các lớp học tình thương là 950.000.000 đồng[12].
Nhiệm kỳ IV, cả nước có trên 1.500 lớp học tình thương và 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật… với trên 20.000 em. Vào Nhiệm kỳ V, cả nước có trên 100 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật… với trên 20.000 em. Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn Bồ Đề của Phật giáo tỉnh Bình Dương được thành lập và đi vào hoạt động[13].Tính đến năm 2010, cả nước có 165 lớp học tình thương, 16 cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, với 4.467 em theo học .
Hoạt động từ thiện xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế là một trong những ví dụ tiêu biểu.
2.2.3. Lĩnh vực cứu tế an sinh
Hoạt động từ thiện xã hội trong lĩnh vực cứu tế an sinh cũng luôn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện. Nội dung hoạt động trong lĩnh vực này gồm cứu trợ nạn nhân thiên tai, giúp đỡ những gia đình khó khăn, chăm sóc người già neo đơn, thăm hỏi thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo, xây dựng cầu đường, nhà tình nghĩa v.v… Đối tượng thụ hưởng trong hoạt động từ thiện này không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn chung, trong gần ba mươi năm qua, hoạt động từ thiện xã hội thể hiện tinh thần từ bi, dấn thân, nhập thế một cách tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra liên tục, đều khắp; chương trình hoạt động mỗi năm thêm phong phú, đa dạng; kết quả đạt được tăng cao hơn sau mỗi nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển chưa thật đồng đều.
2.2.4. Lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Phòng chống HIV/AIDS là một vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trước tình hình đó, giới Phật giáo Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia cùng các tổ chức xã hội và các tổ chức tôn giáo khác để “cùng nhau góp tay ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch HIV/AIDS”.
Một số Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành đã thành lập các văn phòng tư vấn sức khỏe, các cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng Ni, Phật tử học tập phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh công tác tư vấn sức khỏe, chăm sóc bệnh nhân phơi nhiễm, giới Phật giáo Việt Nam cũng tích cực tham gia các hội nghị, các diễn đàn trong nước và ngoài nước về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng chống HIV/AIDS nói riêng.
Qua hơn 3 năm triển khai Dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo tham gia phòng chống HIV/AIDS”, các chùa mô hình điểm ở Thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã tư vấn tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại cho hàng chục nghìn lượt người các kiến thức về HIV và AIDS; tổ chức trên 30 lớp tập huấn cho các Tăng Ni, Phật tử và nhân dân địa phương, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, phát học bổng và hỗ trợ kinh phí cho trên 1.000 em nhỏ mồ côi cả bố lẫn mẹ do HIV/AIDS; tổ chức khâm liệm, tụng kinh cho hàng trăm người bị chết vì AIDS, tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc Nam miễn phí cho trên 8.000 lượt người; giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 100 người nhiễm[14].
30 năm qua, với tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội một cách thiết thực. Công tác ấy của Giáo hội qua các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc người già, trẻ em, mở trường dạy nghề, cứu tế an sinh... đã có những tác động tích cực và hiệu quả lớn trong đời sống xã hội. Vì thế vai trò, uy tín của GHPGVN ngày càng được đề cao trong và ngoài nước./.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H., 1995, tập 5, tr.197
[2] Nguyệt san Công giáo dân tộc số 1/1989
[3] Bản tin hiệp thông từ số 1-35, tr. 171
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb C.T.Q.G, H., 1995, tập 3, trang 431
[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.., 1995, tập 6, tr.272
[6] Thích Giác Toàn: Đôi nét về hoạt động từ thiện trong thời hội nhập”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 160, năm 2009, tr.26
[7] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết Nhiệm kỳ II và chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ III của Hội đồng Trị sự tại Đại hội đại biểu kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam. , tr.28.
[8] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết Nhiệm kỳ IV và chương trình hoạt động Phật sự Nhiệm kỳ V của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội đại biểu kỳ V Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.25.
[9] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2007), Kỷ yếu Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ VI (2007- 2012), Nxb Tôn giáo, tr.63.
[10] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết Nhiệm kỳ II và chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ III của Hội đồng Trị sự tại Đại hội đại biểu kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.24-25.
[11] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết Nhiệm kỳ III và chương trình hoạt động Phật sự Nhiệm kỳ IV của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc Nhiệm kỳ IV, tr.23.
[12] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo tổng kết Nhiệm kỳ II và chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ III của Hội đồng Trị sự tại Đại hội đại biểu kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.25.
[13] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002), Kỷ yếu Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ V (2002 – 2007) ngày 4 -5/12/2002, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh ,tr.61.
[14] Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam trong phòng, chống HIV và AIDS, Nxb Hà Nội, 2010, tr.62-63.
PGS, TS Nguyễn Đức Lữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
56
Hôm nay :
1730
Tháng hiện tại
: 396922
Tổng lượt truy cập : 31282107