Lễ tưởng niệm lần thứ 14 Đại lão HT. Thích Thiện Hào

Thứ bảy - 16/07/2011 18:46
Lễ tưởng niệm lần thứ 14 Đại lão HT. Thích Thiện Hào

Lễ tưởng niệm lần thứ 14 Đại lão HT. Thích Thiện Hào

Vào lúc 8 giờ ngày 16 tháng 7 năm 2011, tại Nhà Văn hóa Truyền thống Phật giáo – chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Ban Thừa kế Tông phong Thiên Thai trọng thể tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 14 ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Chứng minh Đạo sư Thiên Thai Thiền giáo tông, Viện chủ chùa Xá Lợi, Thiền viện Quảng Đức, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.

 

 

pq6

 

Đến tham dự có HT. Thích Hiển Tu, HT. Thích Viên Giác, HT. Thích Giác Tường – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban KTTC TW; chư Tôn giáo phẩm HĐTS trú xứ tại Tp. Hồ Chí Minh, các Ban, Viện TW, 24 Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự viện trong và ngoài thành phố; Tăng Ni hành giả an cư tại các tịnh nghiệp đạo tràng.

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào là một trong những danh Tăng đương đại của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng đã hiến dâng trọn cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc. Đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981, Hòa thượng có rất nhiều đóng góp to lớn, là chỗ dựa vững chắc cho Tăng Ni, Phật tử ttrong sinh hoạt, hành đạo và tu học.

pq2

Để ôn lại công đức và đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS cung tuyên Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào:

“I. THÂN THẾ :

Hòa thượng Thích Thiện Hào, thế danh Trương Minh Đạt, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1911 (năm Nhâm Tý) tại làng An Phú Đông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay là Tp. Hồ Chí Minh. Thân phụ là cụ ông Trương Minh Phát, hiệu Đạt Vinh. Thân mẫu là cụ bà Đinh Thị Cang. Hòa thượng là con một trong gia đình.

II. THỜI GIAN XUẤT GIA TU HỌC :

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tin Phật, nhờ đã sẵn có hạt giống xuất trần từ nhiều kiếp, nên Hòa thượng sớm nhận thức cõi đời là giả tạm, thế sự phù vân, chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh. Năm 1927, Hòa thượng đã xin phép song thân xuất gia đầu Phật với Tổ Huệ Đăng, trụ trì chùa Thiên Thai – Bà Rịa, được Tổ ban pháp húy Trừng Thanh, tự Pháp Quang, hiệu Thiện Hào, đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông, năm ấy Hòa thượng vừa tròn 16 tuổi.

Sau khi xuất gia, Hòa thượng đã nỗ lực tinh cần tu học, dũng mãnh vượt xa các bạn đồng môn, được Tổ vô cùng yêu mến.

Năm 1930, Hòa thượng được Tổ cho đặc cách thọ Tam đàn Cụ túc giới tại chùa Giác Hoàng, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Năm 1931 – 1939, Tổ mở Trường gia giáo tại Tổ đình Thiên Thai, Hòa thượng đã cùng với các Pháp huynh như : cố Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Dõng, Hòa thượng Thiên Quang, Hòa thượng Long Thiền – Gò Công và pháp đệ là cố Hòa thượng Pháp Lan … tu học một tghời gian hơn 10 năm.

Trong thời gian tu học tại Tổ đình Thiên Thai, ngoài những thời khóa tu học, Hòa thượng còn được gần gũi, hầu cận bên Tổ sư Huệ Đăng và cụ Nguyễn Sinh sắc, thân sinh của Hồ Chủ tịch; qua đó, Hòa thượng đã nghe được nội dung những buổi mạn đàm về tình hình đất nước. Từ đó, Hòa thượng đã bắt đầu có ý thức về tinh thần yêu nước, dân tộc, giải phóng quê hương và luôn luôn có dự hướng hành động cho tương lai khi có đủ điều kiện thực hiện.

III. THỜI GIAN HÀNH ĐẠO :

Năm 1940, Hòa thượng xây dựng chùa Tường Quang, xã An Phú Đông, nơi quê nhà, do Hòa thượng làm trụ trì và cùng pháp huynh là Hòa thượng Pháp Dõng chung lo xây dựng và phát triển ngôi Tam Bảo.

Hòa mình với cao trào cách mạng tháng 8 – 1945, Hòa thượng đã cùng với toàn dân tham gia hoạt động cách mạng. Được sự lãnh đạo của Hòa thượng Minh Nguyệt - Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, do cố Hòa thượng Bửu Đăng làm Hội trưởng, Hòa thượng Pháp Dõng làm Phó Hội trưởng, Hòa thượng Bửu Ý làm Thư ký, Hòa thượng làm ủy viên Kinh tài cho Hội. Trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, xã An Phú Đông.

Năm 1947, vì sợ giặc càn quét, để bảo toàn lực lượng cách mạng, Hòa thượng đã lánh sang chùa Long Huê – Gò Vấp, rồi đến tá túc tại chùa Thiên Phước – Cầu Kho, quận 1, đồng thời được Hòa thượng Thiên Phước giới thiệu theo học tại trường Phật học Giác Nguyên – Khánh Hội, do Hòa thượng Thích Hành Trụ chủ giảng.

Năm 1948, Hòa thượng nhập hạ tại chùa Hưng Long – Chợ Lớn, do Hòa thượng Huệ Chánh làm Chủ hương.

Năm 1949, được Hòa thượng Kiểu Lợi thỉnh về giảng pháp tại chùa Linh Quang – Mỹ Tho.

Năm 1950, được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phước Nguyên – Bến Tre, và cuối năm 1950, trụ trì chùa Bửu An – Mỹ Tho.

Năm 1951 – 1954, Hòa thượng được Tăng Ni Phật tử suy cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Mỹ Tho.

Trong thời gian hoạt động tại Mỹ Tho và Bến Tre, Hòa thượng đã có đầy đủ nhân duyên hội kiến với các bậc cao tăng thạc đức, giàu lòng cách mạng và yêu nước, đang lãnh đạo các Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho – Bến Tre, như Hòa thượng Thái Không, Thành Đạo, Thành Lệ, Niệm Nghĩa …

Năm 1952, Hòa thượng được cố Hòa thượng Minh Nguyệt – Ủy viên Mặt trận Liên Việt, mời dự Đại hội liên hoan Tôn giáo Dân tộc tại Chiến khu Đồng Tháp Mười. Sau đó, Hòa thượng được theo học 3 tháng về chương trình bồi dưỡng chính trị, chính sách của Đảng Lao Động Việt Nam, tham gia công tác tôn giáo vận và phụ trách Phó ban Tuyên huấn Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ.

Năm 1955, Hòa thượng được tổ chức điều về hoạt động tại đặc khu Sài gòn – Gia Định, thường trú tại chùa Giác Ngạn – Phú Nhuận.

Năm 1957, Hòa thượng được Tăng Ni Phật tử suy cử làm Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử. Trụ sở đặt tại chùa Long Vân – Bình Thạnh.

Năm 1959, Hòa thượng được suy cử làm Hội trưởng Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam.

Giữa năm 1960, một cơ sở cách mạng bị lộ, nhiều đồng chí bị bắt, Hòa thượng đã lánh về miền Tây. Sau đó được cố Hòa thượng Pháp Tràng móc nối với tổ chức, đã đưa Hòa thượng về chiến khu Đồng Tháp Mười. Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập do cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Hòa thượng được mời làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giái phóng miền Trung Nam Bộ.

Năm 1961, Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1962, Hòa thượng chủ trì Đại hội Tăng Ni Phật tử tỉnh Bến Tre đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Đầu năm 1963, Hòa thượng được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á – Phi.

Giữa năm 1963, Hòa thượng tham dự Đại hội Ủy ban Đoàn kết Á – Phi tổ chức tại chùa Quảng Tế – Bắc Kinh. Tại Đại hội, Hòa thượng đã tố cáo tội ác và chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam. Toàn thể Đại hội đã vô cùng cảm động và chú ý theo dõi lời phát biểu của Hòa thượng, đồng thời nhiệt tình ủng hộ các phong trào đầu tranh giải phóng dân tộc tại miền Nam, trong đó có Phật giáo. Sau đó, Hòa thượng đi thăm một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc và Hòa thượng trở về Hà Nội, đến yết kiến Hồ Chủ tịch lần đầu tiên. Một tháng sau, Hòa thượng đi thăm một số nước Xã hội Chủ nghĩa anh em.

Đầu năm 1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 2, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Giữa năm 1964, Hòa thưọng tham dự Đại hội Nhân dân ba nước Đông Dương, do Thái tử Norodom Sihanuk tổ chức tại Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia.

Cuối năm 1964, Hòa thượng được cử làm Chủ tịch Ủy ban tố cáo tội ác Mỹ – nguỵ tại miền Nam Việt Nam.

Năm 1968, tại Đại hội Quốc dân, thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, Hòa thượng được cử làm ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ.

Năm 1969, Hòa thượng tháp tùng phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc và yết kiến Hồ Chủ tịch lần cuối cùng.

Năm 1972, Hòa thượng dự kiến tham dự Đại hội Phật giáo châu Á tại Nhật Bản nhưng không thành. Sau đó, Ngài đã đi thăm một số nước như: Ấn Độ, Nepal, Mộng Cổ, Liên Xô … và trở về nước trong thời điểm Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết tại Paris.

Năm 1973, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hơn phân nửa. Văn phòng và nhà khách Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Thường trực để đón tiếp các phái đoàn khách quốc tế đến thăm Chính phủ và Văn phòng.

Cuối năm 1973, Hòa thượng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Tù chính trị miền Nam Việt Nam để đôn đốc việc thi hành Hiệp định Paris về tù binh.

Sau ngày 30/4/1975, Hòa thượng trở về Tp. Hồ Chí Minh và thường trú tại số 11B Phùng Khắc Khoan, Quận 1.

Tháng 8 năm 1975, ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh được thành lập do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch. Đến năm 1977, Hòa thượng được suy cử bổ sung làm Phó Chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1976, Hòa thượng tham dự Đại hội Phật giáo châu Á lần thứ 4 tại Nhật Bản.

Giữa năm 1976, trong cuộc bầu cử Quốc hội chung cả nước, Hòa thượng đã đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI, đơn vị tỉnh Tiền Giang, đồng thời được cử làm Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Gáo dục, Ủy viên Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội.

Cuối năm 1976, Hòa thượng tham dự Hội nghị Hiệp thương thống nhất ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một tổ chức thống nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ.

Năm 1980, Hòa thượng được tái đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VII và được cử làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng năm, trong tình hình đất nước đang nhất, giang sơn nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà; để đáp ứng nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử cả nước, chư Tôn giáo phẩm gồm 09 Hệ phái Phật giáo trong toàn quốc, quyết tâm thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Thường trực của Ban vận động.

Năm 1981, Hòa thượng làm Trưởng đoàn đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh, tham dự Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội, Hòa thượng đã được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vào năm 1982, Đại hội Đại biểu Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức, Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó ban Thường trực và Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1.

Năm 1984, theo sự thỉnh cầu của Ban Quản trị và nam nữ Phật tử chùa Xá Lợi, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Hòa thượng làm viện chủ chùa Xá Lợi, quận 3, cho đến ngày viên tịch.

Năm 1987, Đại hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ II được tổ chức. Tại Đại hội, Hòa thượng đã được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày xả báo thân.

Năm 1988, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh lần thứ V, Hòa thượng đã được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 1988 - 1993).

Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Hòa thượng đã được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cho đến ngày trở về cõi Phật.

Năm 1993, sau khi Giáo hội tiếp nhận cơ sở Quảng Đức, Văn phòng 2 Trung ương Giáo Hội được dời từ chùa Xá Lợi về trụ sở mới – Thiền viện Quảng Đức, quận 3, Hòa thượng đã được Giáo hội bổ nhiệm làm Viện chủ Thiền viện Quảng Đức.

Trong những năm 1984 – 1990, Hòa thượng được Thành hội Phật giáo cử làm Thiền chủ các khóa Hạ do Thành hội tổ chức tại chùa Xá Lợi và chùa Vĩnh Nghiêm để hướng dẫn Tăng Ni tu học và Trưởng ban Chỉ đạo an cư kiết hạ hàng năm.

Từ năm 1985, sau khi Hòa thượng Thích Minh Nguyệt viên tịch, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm báo Giác Ngộ – Cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh.

Từ năm 1987 – 1997, Hòa thượng luôn luôn được cử làm Trưởng Ban Tổ chức Đại giới đàn do Thành họi Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni tu học và hành đạo.

Đối với Tổ đình Thiên Thai và Thiên Tôn (Bình Định), Hòa thượng đã cùng với các môn hạ và Tăng Ni, Phật tử nỗ lực trùng tu ngôi Tổ đình và tái thiết ngôi Thiên Bửu tháp và Tháp Tổ tại Bình Định, do Tổ Huệ Đăng dày công xây dựng được  thành tựu viên mãn, trang nghiêm, huy hoàng, xứng đáng là cơ sở Tổ đình tại địa phương. Qua đó, hàng năm, tại Tổ đình Thiên Thai đều mở khóa an cư kiết hạ cho Tăng Ni tu học, đồng thời thành lập Trường Sơ cấp Phật học để đào tạo Tăng Ni tài đức của Phật giáo tại địa phương.

Từ năm 1975 đến năm 1996, Hòa thượng luôn luôn là bóng cây đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử cả nước và nhất là các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, thường xuyên tham dự và chứng minh các Đại hội, lễ hội cũng như sinh hoạt Phật sự tại các tỉnh, thành hội Phật giáo trong toàn quốc, góp phần xây dựng, phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.

Đối với công đức cao dày của Hòa thượng đã hiến dâng cho Đạo pháp và Dân tộc, nên Hòa thượng đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng các Huân chương cao quý :

-        Huân chương Hồ Chí Minh

-        Huân chương Độc Lập hạng Nhì

-        Huân chươgn Quyết Thắng hạng Nhất

-        Huân chương Kháng Chiến hạng Nhất

-        Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.

IV. THỜI GIAN VIÊN TỊCH :

Những tưởng Hòa thượng trên lộ trình phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh, trang nghiêm Giáo hội, Thành hội Phật giáo ngày càng hưng thịnh, huy hoàng, làm ngọn hải đăng cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Giáo hội lâu hơn nữa; nào ngờ trong những tháng cuối năm 1996, Hòa thượng lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được các bác sĩ Đông – Tây y tận tình chữa trị, nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Tuy bị căn bệnh hoành hành, nhưng Hòa thượng vẫn tỉnh sáng và nhất niệm, nhớ kỹ và nhớ rõ tất cả mọi vấn đề, thường xuyên nhắc nhở chư Tôn giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trong Giáo hội, Thành hội Phật giáo và môn hạ, hãy hòa hợp đoàn kết, phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm tốt đạo đẹp đời. Thế rồi, sức khỏe Hòa thượng ngày càng giảm dần như đèn hết dầu, đèn tắt, Hòa thượng đã xả báo an tường và thu thần thị tịch vào lúc 09 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1997 (nhằm ngày 16 tháng 6 âm lịch) tại chùa Xá Lợi, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Trụ thế 86 năm, hạ lạp trải qua 66 mùa an cư kiết hạ.

Thế là Hòa thượng đã viên thành đại nguyện của một hiện thân Bồ tát trên cõi đời này. Giác linh Hòa thượng đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của hàng Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam, cũng như trong trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.”

pq5

HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đọc lời tưởng niệm Đại lão HT. Thích Thiện Hào và chư Tôn thiền đức Phật giáo hãu công của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh:

“Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,

Hôm nay, trong giờ phút trang nghiêm hòa hợp, với lòng thành kính vô biên và tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, nhân ngày Lễ húy kỵ lần thứ 14 và hiệp kỵ Chư Tôn Thiền đức Tiền bối hữu công, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Tăng Ni Phật tử và Môn đồ Pháp quyến xin có đôi lời tưởng niệm:

Bằng thiện căn đầy đủ, hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã hiện thân Đại sĩ, nương thân tứ đại, tạm mượn các duyên thực hành Bồ tát đạo, Hòa thượng đã sớm phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, Tổ Thiên Thai truyền thụ Tâm tông, đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, cho đến độ tâm hoa khai phát, suối nghĩa rạt rào, đèn thiền tỏ rạng, diệu dụng vô phương.

Thế rồi, Cố Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí hy sinh phụng sự cõi trần, trần duyên mai một pháp thân sáng ngời. Qua đó, không những Hòa thượng đã làm tỏa ngát hương lành, gióng trống lôi âm vang rền tiếng pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, tự tại thong dong, tùy duyên hóa độ chúng sinh, thừa hành Phật sự. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới, làm cho chí khí sáng soi dòng diệu sử, đậm nét non sông, thắm nghĩa đồng bào, mà còn làm cho đèn thiền Liễu Quán ngày càng tỏ rạng, Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạng, ân đức bay xa, chan hòa tình Đạo pháp.

Với đức tính khiêm cung độ luợng, vô ngã vị tha, từ bi, hỷ xả, dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng luôn thể hiện tinh thần đạo pháp, nghĩa đồng bào, đoàn kết toàn dân, giải phóng quê hương, thống nhất tổ quốc, góp phần xây dựng xã hội, đất nước phồn vinh. Khi nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp. Bằng nghĩa cử thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm và cuộc sống hiện thực mà Hòa thượng đã hiến dâng cho Đạo pháp và Dân tộc, đã động viên Tăng Ni, Phật tử đoàn kết một lòng trong khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng đất nước theo hướng đi lên của xã hội.

 

Bằng tinh thần lục hòa cộng trụ, tứ chúng đồng tu, Hòa thượng đã mở ra một trang sử mới sáng ngời cho Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử thật sự trong lòng dân tộc, thể hiện trọn vẹn tinh thần, nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni, Phật tử cả nước trong suốt hai ngàn năm lịch sử mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đỉnh cao của thời đại.

Bằng tinh thần Đạo pháp kiên định, Hòa thượng đã một dạ hết lòng, quyết chí duy trì Đạo mạch, phát huy chánh pháp, làm cho khắp chốn tòng lâm phạm vũ được đượm nhuần, Tăng Ni, Phật tử lợi lạc vô biên; góp phần làm cho xã hội an vui hạnh phúc, đất nước hòa bình thịnh vượng. Quả thật: “Chánh pháp sáng soi tình Đạo pháp, anh hào chí khí nghĩa đồng bào”.

Với ân đức trang nghiêm, giải thoát, trí tuệ viên dung, tòng lâm thạch trụ, ánh sáng của rừng thiền, Đạo tâm trác thế, mỗi lời nói của Hòa thượng là những đạo từ thâm thúy đã in đậm trong tâm mỗi người con Phật. Mỗi bước chân đi của Hòa thượng đã ghi dấu biết bao tình Đạo pháp nghĩa đồng bào. Mỗi cử chỉ khoan thai, từ hòa hỷ xả của Hòa thượng là những hình ảnh giải thoát bất diệt của Đạo pháp.

Quả thật, đối với công đức của Hòa thượng đã to lớn như  thế, thì đối với công đức của Chư tôn Thiền đức Tiền bối hữu công lại càng sâu thẩm như biển Đông, cao hồ non Thái, dài tựa trường sơn. Quý Ngài là những viên gạch góp phần xây dựng nên ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, là những chất keo sơn tạo thành sự đoàn kết hòa hợp trong ngôi nhà Chánh pháp, là những vì sao sáng trong vòm trời Đạo pháp, là những bông hoa muôn sắc tô thắm vườn hoa đạo, để có ngày hôm nay:

Hoa đời, hoa Đạo đua nhau nở,

Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Với công đức của Cố Hòa thượng và Chư Tôn Thiền đức Tiền bối hữu công đã hy sinh cho Đạo pháp, cho Dân tộc và cho chúng sinh, để hôm nay đàn hậu học kế thừa cơ đồ sự nghiệp vĩ đại của Đạo pháp; Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sứ mạng truyền trì đạo mạch cùng truyền thống tốt Đạo đẹp Đời của tiền nhân đã dày công xây dựng và phát triển. Quả thật: “Công Ngài đổ xuống đất này, cho hoa đạo pháp ngày càng thêm tươi”.

Thế rồi, dù năm tháng có qua đi, không gian có biến đổi, lịch sử đã sang trang, song công đức và đạo hạnh của Cố Hòa thượng và chư Tôn Thiền đức Tiền bối hữu công đã suốt đời hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc sẽ sống mãi trong ký ức của người con Phật và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Như người xưa đã nói: “Một mai thân xác tiêu tan, danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời”.

Hôm nay, nhân ngày lễ húy kỵ lần thứ 14 Cố Hòa thượng và hiệp kỵ Chư vị tiền bối hữu công, trước linh đài khói hương nghi ngút, đèn Bát nhã lung linh, chúng tôi là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ trong chánh pháp, tình Thiên thai cốt nhục, nghĩa Linh sơn trong sáng đời đời, và tinh thần tri ân báo ân của hàng hậu bối, xin đốt nén tâm hương với lòng thành kính, nước Bát đức trắng trong, hoa giải thoát thơm tho, kính dâng lên cúng dường Pháp thân Hòa thượng và Chư Tôn Thiền đức Tiền bối hữu công để gọi là thể hiện mối tâm giao, lòng tưởng niệm chân thành đối với Hòa thượng và Chư Tôn Thiền đức

Kính mong Pháp thân Hòa thượng và Chư Tôn Thiền đức Tiền bối hữu công thùy từ gia hộ, để chúng tôi đầy đủ nghị lực, đầy đủ sự gia trì, để tiếp tục phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc, góp phần thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội, cùng trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Nhất là công tác tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập ghi Phật giáo Việt Nam được thành công tốt đẹp.”

Sau phần cung tuyên Tiểu sử và lời tưởng niệm, toàn thể chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử đồng dâng hương tởng niệm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào.

pq6

Linh đài Đại lão HT. Thích Thiện Hào

pq1

 

pq3

Chư Tôn giáo phẩm, Tăng Ni tham dự lễ Tưởng niệm

pq4

 

pq15

 

pq8

Chư Tôn giáo phẩm, Tăng Ni đồng dâng hương tưởng niệm

pq9

 

pq20

HT. Thích Thiện Tánh cảm tạ

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Tp. Hồ Chí Minh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Trần Thị Bình Minh - 28/08/2011 18:17
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Con Được Biết Cố Đại Lão Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Hào.Ngài Đã hiến Dâng Cho Đao Pháp & Dân Tộc.&phụng sự Cho Chúng Sanh dc Hòa Bình...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 62

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 59


Hôm nayHôm nay : 5617

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 168408

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29107462


Ảnh đẹp