Từ khi Nhà nước được thành lập, với sự kiện Đinh Tiên Hoàn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc phái Vô Ngôn Thông đã có công lớn trong việc xây dựng triều đình và được ban hiệu Khuông Việt quốc sư. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, thiền sư Khuông Việt cùng thiền sư Đỗ Pháp Thuận một lòng trung thành với tổ quốc, cùng nhau phò tá nhà Tiền Lê củng cố quốc gia. Tiếp đó lịch sử đã ghi dấu ấn thời Lý-Trần là giai đoạn đầy hiển hách mở đầu cho lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ở thời kỳ này, lịch sử dân tộc đã ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng và có tính nền tảng đối với sự phát triển đất nước sau này. Dưới hai triều này, Phật giáo mang tinh thần “nhập thế”, Phật giáo như quốc đạo, các nhà sư vừa là nhà giáo, vừa là nhà hoạt động chính trị. Nhiều nhà sư có tài, có tâm phục vụ tổ quốc được nhà vua mời giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Như vậy, Phật giáo thực sự gắn bó với dân tộc trên nhiều lĩnh vực văn hóa, đời sống xã hội, trước hết phải kể đến lĩnh vực văn học.
Các tác phẩm văn học là một tư liệu quan trọng trong việc tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, bởi văn học chính là sự phản ánh tư tưởng, tình cảm của một triều đại. Và các tác phẩm văn học thời đại Lý-Trần cũng đã thể hiện rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của cha ông ta thuở ấy.
Các tác phẩm văn học thời Lý-Trần chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhân sinh quan Phật giáo, có thể ở chủ đề cảnh chùa, cảnh Phật hoặc các triết lý Phật giáo. Nghĩa là có sự hòa nhập sâu sắc giữa đạo và đời, giữa cảm hứng sáng tác với xúc cảm tôn giáo. Những tiếng nói văn học ấy không do những tác giả chuyên nghiệp, mà do phần nhiều các sư trong quá trình hành đạo xúc cảm mà sáng tác, hoặc do các tri thức Phật học, trong đó có nhiều tác phẩm do các vua và quan sáng tác. Vì thế nội dung trong sáng tác ấy bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Phật giáo bác học. Những thành tựu văn học thời này được tổng hợp lại trong 3 tập thơ văn Lý-Trần, trong đó phần lớn là các tác phẩm về đề tài Phật giáo. Văn học Phật giáo thời kỳ này phản chiếu tinh thần từ ái, hòa đồng và thanh thoát của đạo Phật. Sự phát triển văn học Phật giáo thời kỳ này chứng tỏ các tác giả thực sự yêu mến, am hiểu về Phật pháp, bởi để có được sáng tác văn học phải có sự say sưa của cảm xúc tâm hồn.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, không thời kỳ nào có các sáng tác văn học nào mang đậm tinh thần Phật giáo có giá trị nhân văn Phật giáo sâu sắc như thời Lý-Trần. Chỉ ở thời Lý-Trần, khi Phật giáo trở thành tư tưởng chủ đạo trong hầu hết các lĩnh vực văn hóa của xã hội, sáng tạo văn học về đề tài Phật giáo mới thực sự hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của cả triều đại. Phật giáo trở thành nguồn cảm hứng cho văn học đúng với nghĩa tích cực nổi bật rực rỡ ở thời Lý-Trần.
Dưới triều Lý (1010-1224), việc giáo dục, thi cử tổ chức có hệ thống và Phật giáo cũng lan tỏa rất mạnh. Nhiều sách vỡ thơ văn trong thời kỳ này hầu hết là tự tay phái Tăng già, hay ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của phái ấy. Các nhà sư nổi tiếng thời kỳ này có Ngộ Ấn, Viên Chiếu, Cửu Chi, Viên Học, Thông Biện, Minh Không…
Sư Viên Chiếu (999-1090) có trước tác những sách như: Dược Sư Thập Nhị nguyện văn, Thập Nhị Bồ Tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng, Tham Đồ Thiền Quyết… Tăng Thống Khánh Mỹ (1067-1142) có soạn Ngộ Đạo Thi Ca Tập; sư Bảo Giáp (1080-1151) có soạn những sách: Viên Thông Tập, Chư Phật Tích Duyên Sự, Hồng Chung Văn Bi Ký, Tăng Già Tạp Lục, Hòa Thượng Huệ Sinh (?-1203) có soạn những sách: Thích Đạo Khoa Giáo và Nam Tông Tự Pháp Đồ.
Như vậy, suốt triều Lý, Phật giáo hầu như chi phối toàn thể văn học Việt Nam. Vua tôi nhà Lý cũng đã sáng tác nhiều bài thơ để tặng, đáp các vị thiền sư, Lý Thái Tông có bài thơ khen sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruici). Thượng thư Đoàn Văn Khảm có bài thở tặng sư Quảng Trí. Phải nói rằng các thiền sư thời Lý trong sáng tác văn thơ họ đã đạt tới chỗ rực sáng, với quan niệm của người nhập thế nhúng tay vào hành động nhìn bao quát cả thiên nhiên lẫn nhân sự, thấy nhân và quả, phương tiện và cứu cánh đã chằng chịt với nhau. Mà người nắm được yếu quyết hành động phải là người có pháp lực siêu phàm, tự vượt mình khỏi vòng ràng buộc của nghiệp quả:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Dịch:
Lựa nơi rồng rắn đất ưa người
Cả buổi tình quê những mảng vui,
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm
Một hơi sáo miệng lạnh bầu trời.
Một tứ thơ thật chưa từng ai dám nghĩ ra, tứ thơ khiến người đọc thấy rợn người về điểm thiền sư băng mình lên đỉnh núi, thổi phồng một hơi sáo miệng mà làm lạnh cả bầu trời. Trong trang 71 của sách văn học Việt Nam Triều Lý đã viết:
“Tất cả cái thần tình của thơ đã nằm trong ba chữ “Hàn Thái Hư”. Chính cảm tưởng làm lạnh thái hư (bầu trời, chỗ đất trống rỗng) thoát sinh tự quan niệm vũ trụ nhân sinh đã là một xúc động của tâm linh. Khi đến tột đỉnh núi cao, xa nhân loại và muôn loài, nhà thơ thấy mình sống với hoang sơ, với cái bản thể hư linh tịch mịch có trước thiên đại là thái hư nên khi thổi một hơi sáo thì có cảm tưởng làm ghê lạnh tới cái bản thể ấy. Qua tiếng sáo đã truyền hơi lạnh vào trong người mình vào bầu thái hư ấy làm cho nó cũng lạnh”[1].
Với văn chiếu lệnh trong thời kỳ này cũng đã tiến nhiều: Tờ chiếu của Lý Thái Tổ (1010-1028) trước khi dời đô vào Thăng Long, tờ di chiếu của Lý Nhân Tông (1012-1127) khuyên vua kế vị và định thần làm đám tang mình theo chính sách kiệm-ước của Hán Văn Đế, bài bố cáo của vua Lý Thái Tông (1028-1054) sau khi đánh thắng Nùng Tồn Phúc, bài hịch của Lý Nhân Tông trước khi thân chính động Masa, đều là những áng văn chương hùng hậu, cổ kính. Ngoài ra cũng phải kể bài thơ của Lý Thường Kiệt làm tinh thần bất khuất của dân tộc ta.
Sang đời Trần (1225-1400) văn học đã tiến đến một trình độ khá cao. Những tác phẩm xã hội trong thời kỳ này gồm đủ các thành phần: triết học, sử học, hình học, luật học, thi phú, tiểu thuyết…
Đời Trần, đạo Nho đã được vua quan và dân chúng tôn sùng. Tuy vậy, Nho giáo cũng chưa chiếm địa vị độc tôn, vì Phật giáo rất thịnh và Lão giáo cũng được tự do phát triển.
So với thời Lý thì thời Trần có những điểm nổi trội hơn. Các vua Thái Tông (1225-1258) Thánh Tông (1258-1278), Nhân Tông (1279-1293), Minh Tông (1314-1329), Nghệ Tông (1370-1372) đều có ngự tập, Anh Tông (1293-1314) có soạn tập Thủy Văn Tùy Bút. Các danh thần, danh Nho, danh Tăng cũng đều có thi tập: Trần Quang Khai (1241-1294) có Lạc Đạo tập; Phạm Sư Mạnh có Hiệp Thạch Tập; Trần Nguyên Đán (1320-1390) có Băng Hổ Ngọc Hắc tập, Nguyễn Phi Khanh (TK XIV-XV) có Nhị Khê tập; Sự Huyền Quang (1254-1334) có Ngọc Tiên tập…Tiếc rằng, đến nay không còn tập nào nguyên vẹn vì đã bị giặc Minh thu lấy đem về Tàu. Nên mỗi thi gia chỉ còn lại một ít bài chép trong Toàn Việt thi Lục của Lê Quý Đôn và trong Hoàng Việt Thi Thi Tuyển của Bùi Huy Bích. Các văn gia đời Trần thì trước hết phải kể Lê Văn Hưu (TKXIII) tác giả bộ Đại Việt Sử Ký, Hà Tống Thốc, tác giả hai bộ sử Việt Nam Thế Chí và Việt Sử Cương Mục; Lê Tắc (TKXIII-XIV) có soạn bộ An Nam Chí Lược… Ngoài các bộ sử kể trên, những tác phẩm sau cũng rất quan trọng như: Bình thư Yếu Lược, Vạn Kiếp Bí Truyền và Hịch Tướng Sĩ Văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (?-1300); Tứ Thư thuyết ước Thất Trâm Sớ của Chu An; Vạn Ngôn Thư của Lê Cảnh Tuân (Cuối TK XIV- Đầu TK XV); Ngọc Tinh Liên Phú của Mạc Đĩnh Chi (TK XIV); Bạch Đằng Giang Phú, Linh Tứ Pháp Ký và Khai Nghiêm Từ Bi Văn của Trương Hán Siêu (?-1354) Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên (nhất thiết cho là của một tác giả thời Lý); Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông; Đoạn Sách Lục của Pháp Loa (1284-1330); Thiền Uyển Tập Anh hoặc Đại Nam Thiền Uyển Tập Đăng Tập Lục của một tác giả đời Trần nhưng không truyền tên lại. Ngoài ra còn thơ Hồ Quý Ly và cũng là tác giả của sách Minh Đạo gồm 11 thiên (1392).
Kế đến phải kể đến sách Thiền Tông Chỉ Nam và Lục Thời Sám Hối Khóa Nghi của vua Trần Thái Tông, một kinh điển văn bản ghi dấu ấn một giai đoạn lịch sử mới, cải tiến cả nề nếp tu hành của đời trước và tạo điều kiện cho sự xây dựng cả một dòng tu cho đời sau. Thứ đến Trúc Lâm Đại Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục do Trần Nhân Tông viết, có bài tựa của Trần Khắc Chung, nhiều bài tán của các vị đương thời và hơn 50 bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ góp lại[2].
Ngoài ra có: Trần Thái Tông Ngự Tập, cả tập đã thất truyền còn hai bài. Trần Thánh Tông thi tập nay còn 5 bài. Trần Nhần Tông Thi Tập nay còn hơn 20 bài, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập của Trần Nhân Tông tựa của Trần Minh Tông. Thủy Vân Tùy Bút của Trần Anh Tông nay còn 8,9 bài. Minh Tông Thi Tập nay còn hơn 10 bài, Nghệ Tông Thi Tập Sầm Lâu Tập của uy Văn Vương Trần Quốc Toản nay không còn, Lạc Đạo Tập của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.
Về thể loại truyện ký có Cơ Cấu tập của Trần Thánh Tông, Di Hậu Lục của Trần Thánh Tông hai quyển để dạy Hoàng tử, Trung Hưng Thập Lục của Trần Nhân Tông ghi việc bình giặc Nguyên, Bảo Hòa điện dư bút của Trần Nghệ Tông để dạy Phế Đế, tựa của Đào Sư Tích. Ngoài nhưng tác phẩm khác có tính cách tôn giáo, phải đặc biệt kể đến tập truyện ngắn gồm 28 truyện của Lý Tứ Xuyên nhan đề Việt Điện U Linh Tập.
Ngoài ra còn có những tác phẩm nhỏ khác, nhưng cũng rất xuất sắc. Đó cũng là những bài phú, mà Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục đã phải lớn tiếng ca tụng: “Đời Trần có nhiều bài phú lạ kỳ, hùng vĩ, trôi chảy, tươi đẹp. Văn trí và cách điệu gần giống lối phú đời Tống. Còn những bài biểu viết bằng lối văn từ học có chép trong bộ Quốc Triều Hiến Chương Tập của Trần Văn Mô ( đời Lê) được nhắc lại trong Kiến Văn Tiểu Lục và một bài vừa bia, vừa minh khắc vào chuông đồng bia đá nữa.
Ngoài những tác phẩm bằng Hán văn đã kể, còn cái công lớn của nhà Trần là khơi màu ra việc dùng chữ Nôm làm thi văn. Ta có thể hiểu đây là một việc làm táo bạo đối với người thời bấy giờ, một cuộc cách mạng về văn chương, nói không lấy gì làm ngoa, khi nhớ rằng kẻ học chữ Nho, chữ của Thánh hiền vẫn còn mặc cảm vẫn coi tiếng Nôm là nôm la mách qué, không đủ chất sang trọng để làm văn thơ.
Mới đây ông Hoàng Xuân Hãn có cho biết về sách Thiền Tông Bản Hạnh như sau:
1.Yên Tử Sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền Tông Bản Hạnh bằng văn Lục bát dài 746 vế, kể gốc tích ý nghĩa thiền tông và sự tích tu hành của Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.
2.Yên Tử Sơn đệ nhất Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự chư Phật Cư Trần Lạc Đạo Phú dài 160 vế, tán dương và giải ý sự tu thiền.
3.Đắc Tú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca: Bài Phú tứ tự 84 vế, kể thú ẩn dật tu đạo.
4. Yên Tử Sơn Trúc Lâm đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả vịnh Hoa Yên Tử Phú, bài phú bát vận, tả cảnh Hoa Yên dài 98 vế.
Còn bài cuối cùng Phụ Hậu Ngô Đạo nhân duyên đẳng kệ gồm hai tờ văn xuôi, 2,5 tờ văn kệ và trang cuối mang niên hiệu, tên Sa môn Liễu Viên Bảo Sa Di Ni Diệu Thuần đem khắc lại và đem tên chùa Liên Hoa là nơi Liễu Viên trụ trì và cũng là nơi tàng trữ bản sách này.
Theo ông Hoàng Xuân Hãn bài nôm thứ nhất, tác giả là hòa thượng Tuệ Đăng, đời Lê, trụ trì chùa Long Động ở núi Yên Tử và Dược Am cũng trên núi ấy ( nên thơ lục bát đã có vẻ chải chuốt). Bài nôm thứ hai Cư Trần Lạc Đạo Phú là của vua Trần Nhân Tông. Bài nôm thứ ba Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo. Bài nôm thứ tư Vịnh Hoa Yên Tử của Huyền Quang tôn giả đời Trần.
Có thể thấy qua di sản văn học giai đoạn này Phật giáo chính là cảm hứng tư tưởng chủ đạo của nền văn chương Việt Nam, nó đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm bất hủ, những áng thi ca diễm lệ, thanh thoát có sức sống vượt thời gian.
Thứ hai về kiến trúc nghệ thuật: Bàn về nghệ thuật nhất là về phương diện kiến trúc, trong sách “L’ Art Vietnamien” đã chia nghệ thuật nước ta thành 4 thời kỳ:
1)Thời kỳ Đại La (TK IX-XI)
2) Thời kỳ Nhà Trần (TK XII- XIV)
3)Thời Kỳ Nhà Lê (TK XV-XVIII)
4) Thời kỳ Nhà Nguyễn (TK XIX-XX)
Đại La là tên thành do Cao Biền xây năm 866 ( năm Hàm Thông thứ 7 đời Đường Ý Tông) và có lịch sử như sau:
Thành này do kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp năm 767 để phòng ngự người bên ngoài đến cướp phá, đô hộ Triệu Xương đắp thêm vào năm 791, tức là năm Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) khởi binh tấn công phủ đô hộ. Năm 808 (Đường Hiến Tông, Nguyên Hòa thứ 3) Độ hộ Trương Chu sửa sang lại thành. Năm 824 (Đường Mục Tông, Trưởng Khánh thứ 4) Đô hộ Lý Nguyên dời thành xa chỗ cũ một quãng và xây bên bờ sông Tô Lịch, vì lý do phong thủy, đến năm 866, Cao Biền giành lại phủ thành trong tay quân Nam chiến và đắp lại thành Đại La (là thành do Lý Nguyên Gia đã xây trước đây) chu vi 1982 trượng 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, có 55 vọng lầu, 6 cửa cống, 3 ngòi nước, lại đắp thêm con đê vòng quanh dài 2125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, rộng 2 trượng và làm hơn 40 vạn gian nhà.
Từ đó, Đại La là thủ đô của nước ta cho đến năm 939, năm Ngô Quyền mở kỷ nguyên độc lập và đóng đô ờ Cổ Loa, chỗ thành cũ của Thục An Dương Vương tại Phúc Yên. Nhà Đinh đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình). Đến đời Lý năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) vua Thái Tổ mới dời đô ra Đại La và đổi tên thành này là Thăng Long.
Theo sách “L’ Art Vietnamien” Nghệ thuật kiên trúc của ta từ Ngô đến Lý là thuộc thời kỳ Đại La, còn các đời sau thì gọi theo tên của mỗi triều đại.
Từ Ngô đến Tiền Lê các vua đóng đô tại Cổ Loa và Hoa Lư, dĩ nhiên có xây thành quách cung điện, song những vết tích còn lại hoặc tả trong sử cũng không có gì vĩ đại. Nghệ thuật kiến trúc sang đời Lý mới đáng kể.
Chịu ảnh hưởng Phật giáo rất sâu đậm, nghệ thuật đời Lý đã đến tới một trình độ khá cao. Tuy đời Lý đã xây dựng Văn Miếu (1070), song, những chùa, tháp thuở ấy mới là quan trọng. Năm 1031, Lý Thái Tông lập 950 ngôi chùa. Năm 1056 Lý Thánh Tông lập chùa Sùng Khánh ở phường Bảo Thiên dùng 11 nghìn cây đồng đúc chuông lớn để ở chùa và năm sau (1057) Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp chùa trước Báo Thiên, cao vài chục trượng và có 36 tầng. Còn những tháp khác cũng đồ sộ, như tháp Phật Tích tại Bắc Ninh (xây năm 1057), móng tháp mỗi chiều 8m 50. Theo tấm bia ở chùa Vạn Phúc thì tháp này cao 10 trượng tức là 42m, tháp Bình Sơn tại Vĩnh Yên, xây vào khoảng thế kỷ thứ X và XI, Diên Linh bảo tháp và bia tại Long Đọi Sơn (Hà Nam) xây năm 1121 đời Lý Nhân Tông.
Ngoài ra còn có chùa Một Cột (tức Diên Hựu Tự), kiến tạo vào năm 1019 đời Lý Thái Tông, chùa này tuy không lớn nhưng có một lối kiến trúc đặc biệt, tượng hình hoa sen, cột đá cọng sen, còn phần trên là đóa sen. Sự tích chùa này cũng ly kỳ. Khâm Định sử Việt thông giám cương mục, chính biện quyển 111, tờ 14 ab chép: Lý Thái Tông mộng thấy Quan Âm ngồi lên tòa sen và mời vua cùng lên. Tỉnh dậy vua đem chuyện ấy nói đình thần thì đều cho rằng điềm đó không tốt. Vua mới sai xây dựng cột đá giữa hồ, phía trên làm chùa thờ Phật Quán Âm, rước thầy đến tụng kinh để cầu được sống lâu và đặc tên chùa là Diên Hựu”.
Những kiến trúc trên về phương diện mỹ thuật, có tương quan mật thiết với những cổ vật- phần nhiều bằng đất nung đã đào được trong khu thành Đại La xưa. Cho nên người ta mới sắp xếp vào thời kỳ Đại La. Những hình điêu khắc ở Phật Tích cho ta thấy rõ nghệ thuật kiến trúc đời Lý không những chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa, mà còn chịu ảnh hưởng kiến trúc Chiêm Thành. Vì ngoài những hình người, khắc chạm theo lối Trung Hoa đời Đường còn có thần Garuda là thần điểu mình người mà thần Vichnou thường cưỡi. Cái án điểu thờ tại chùa Thầy (Sơn Tây) làm năm 1132 đời Lý Thần Tông cũng có hình Garuda nhưng so với hình ở Phật Tích thì hình này kém vẻ linh động. Bởi vậy, người ta mới lý luận rằng hình Garuda ở Phật Tích do nghệ sĩ Việt Nam điêu khắc, tuy mượn đề tài của Chiêm Thành nhưng vẫn giữ được những nét uyển chuyển của nghệ thuật Trung Hoa. Vả lại, cái tinh thần dân tộc Việt Nam lúc ấy đang lên. Vì đối với Chiêm Thành thì Garuda tại chùa Thầy có lẽ là một tác phẩm của một nghệ sĩ Chiêm Thành bị ta bắt làm tù binh, vì nặng lòng luyến quốc tư hương cho nên nét điêu khắc thiếu sự vui tươi và linh động.
Sang thời Trần nghệ thuật kiến trúc tuy không rạng rỡ như thời Lý, song cũng có những nét tích đáng chú ý. Tháp mộ Trần Nhân Tông trước chùa Phổ Minh ở Tức Mặc (Nam Định) xây năm 1310 đời Trần Anh Tông, bia ở làng Thị Đức (Hải Dương) dựng năm 1331 đời Trần Hiến Tông và thành nhà Hồ ở Thanh Hóa làm năm 1397, còn lại cửa đá to có khối đá dài 7 mét, cao 1m50 và nặng 16 tấn.
Tóm lại nghệ thuật kiến trúc dưới hai triều Lý-Trần có tính chất hùng kiện, trang vĩ, là do sự gắn kết giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa Việt Nam. Do vậy Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, nó đã góp phần đáng kể tạo nên sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Điểm sáng 4.000 ngàn năm của Phật giáo Lý- Trần luôn là móc lớn là điểm tựa cho mọi thời đại về văn học, kiến trúc nghệ thuật về truyền thống gắn bó giữa đạo với đời. Bởi vậy, Phật giáo Lý Trần là một niềm tự hào, một dấu son còn mãi với thời gian, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại. Tìm hiểu về văn hóa Phất giáo thời Lý Trần không phải chỉ để thưởng thức mà còn để suy ngẫm về chính mình, về lịch sử của dân tộc và trách nhiệm giữ gìn bản sắc của dân tộc của chính những người trong xã hội hôm nay./.
Chú thích:
1. Văn học Việt Nam thời Lý Trần, Hướng Dương, xb, 1957, tr 71.
2. “L’ Art Vietnamien”. Bezacier, Paris 1955, tr.179.
TS. Trần Thị Kim Oanh
Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc Gia Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 66
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 64
Hôm nay : 5532
Tháng hiện tại : 168323
Tổng lượt truy cập : 29107377