Tìm hiểu thơ Trần Thái Tông

Thứ ba - 24/05/2011 07:30
Trần Thánh Tông (1240-1290) là tác giả văn học lớn của thời đại Lý Trần. Bài viết này tìm hiểu thi ca của ông với ba khía cạnh nổi bậc là tư tưởng Phật giáo-Thiền tông, tình cảm đời thường và vẻ đẹp thiên nhiên. Ông thực sự trở thành Thiền sư Thi sĩ với cảm hứng mạnh mẽ về tánh không, tinh thần vong nhị kiến, sức mạnh chân tâm….

Chất Thiền còn tỏa vào một cõi trời đất đầy siêu thoát và những khoảng trống tĩnh lặng tâm Thiền. Cảnh có khi đẹp nhưng buồn và ẩn chứa một tâm hồn tài hoa đa cảm. Giang sơn rạng ngời sức sống từ một nhân sinh quan tin tưởng cuộc đời. Thơ ông còn làm ấm áp lòng người bởi những tình cảm đời thường, đáng trân trọng…
 

Triết lý Phật giáo Thiền tông

Trần Thánh Tông am hiểu đạo Phật, đặc biệt là tư tưởng Thiền tông. Khi trao lại quyền bính cho con, Ngài tu tập cửa Thiền, viết nhiều sách vở Phật giáo Thiền tông như Di Hậu Lục, Cơ Cầu Lục, Thiền Tông Liễu Ngộ Ca, Phóng Ngưu, Chỉ Giá Minh… Vào thời đại Lý Trần, Phật giáo giữ một vai trò rất quan trọng, trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca nhiều tác gia đương thời. Trần Thánh Tông cũng đề cập trực tiếp đến tư tưởng Phật giáo-Thiền tông.

Cá trung vô khiếm diệc vô dư,

Phật dã vô hề nhân dã vô

                                                Tự Thuật

(Trong lòng ta không thiếu cũng không thừa,

Phật là không, người cũng là không)

                                                     (Tự Thuật)

Nhãn tiền vô sắc nhĩ vô thanh,

Nhất phiến tâm đầu tự đả thành.

Độc Đại tuệ ngữ lục hữu cảm

Trước mắt không có màu sắc, bên tai không có âm thanh,

Cái tâm của mình tự cho là có đó thôi.

(Cảm xúc khi đọc Đại tuệ ngữ lục)

Một trong những nội hàm tư tưởng quan trọng bậc nhất của tôn giáo này là Tính Không. Tính Không dẫn đến nhân sinh quan độc đáo là vong nhị kiến. Bản thể thế giới là Không cho nên sinh cũng như tử, hữu cũng như vô, Phàm cũng như Thánh, Ma cũng như Phật….

Sinh như trước sam, tử như khố

Tự cổ cập kim, cánh vô dị lộ

Bát tự đả khai phân phó liễu

Cánh vô dư sự khả tình quân.

                                                     Sinh Tử

(Sống như mặc áo vào, chết như trút bỏ quần ra

Từ xưa tới nay, không có con đường nào khác

Khi thông tám chữ dặn dò xong rồi

Không còn việc gì phải trình với Ngài nữa).

                                                      Sống và Chết

Sống chết là lẽ thường, con người không bị ràng buộc vào  nhị kiến, cái tâm không vọng động, tinh thần giải thoát trước thăng trầm, thành bại….

Hữu nhân vấn ngã hà tiêu tức

Vân tại thanh thiên thủy tại bình

Độc Phật sự Đại Minh lục hữu cảm

(Có người hỏi ta đầy vơi là thế nào?

Như mây trên trời xanh và nước trong bình)

                                            (Cảm xúc khi đọc Phật sự Đại Minh Lục)

Thế giới vô thường, vô định, không sinh không diệt. Những thực thể như con người, cỏ cây, hoa lá…. Chỉ tồn tại trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Vậy nên, chân tâm cần được giữ gìn trong dòng biến hóa bất tận này. Trong Thượng Sĩ Hành Trạng, Trần Nhân Tông kể lại: “Vua ốm, Thượng sĩ viết thư hỏi thăm bệnh. Vua trả lời bằng một bài kệ: Hơi nóng hừng hực toát mồ hôi, chiếc khố mẹ sinh chưa thấm ướt. Thượng Sĩ đọc kệ than thở giây lâu. Đến khi vua bệnh nặng, Thượng Sĩ khắp khểnh về kinh thăm, nhưng đến nơi vua đã quy tiên rồi”. Hình tượng chiếc khố mẹ sinh chưa thấm ướt đả phá trí huệ người đọc. Trần Thánh Tông ốm đau bệnh tật, cảm nhận cơ thể gần tan rã, mồ hôi hừng hực toát ra nhưng chân tâm nơi Ngài không đau đớn hay suy chuyển. Hình tượng này cũng như hình tượng gương mặt mẹ (nương sinh diện), đứa trẻ (đồng tử)… biểu trưng cho chân tâm trong mỗi con người. Ông từng viết về tác dụng của chân tâm:

Chân tâm chi dụng, tinh tinh tịch tịch,

Vô khứ vô lai vô tổn vô ích,

Nhập đại nhập tiểu, nhậm thuận nhậm nghịch,

Động như vân hạc, tĩnh như tường bích,

Kỳ khinh như mao, kỳ trọng như thạch

Sái sái như tịnh, khỏa khỏa nhi xích

Bất khả đạc lượng, toàn vô tung tích,

Kim nhật vị quân, phân minh ngẫu phách

Chân Tâm Chí Dụng

(Dụng của chân tâm, thông tuệ lặng lẽ,

Không đi không đến, không thêm không bớt,

Vào nhỏ hay vào to, mặc kệ thuận hay nghịch,

Động thì như mây như hạc, tĩnh thì như tường như vách

Nhẹ thì như lông, nặng thì như đá

Làu làu trong sạch, trần bụi không có vật gì

Không thể đo lường, hoàn toàn không có tung tích

Nay ta vì ngươi tỏ bày rành mạch).

                                                  (Tính Năng của Chân Tâm)

Khi vong được nhị kiến, gìn giữ được chân tâm thì con người có thể đạt đạo. Vị Thiền sư đắc đạo diễn tả cuộc sống đạt tâm Thiền:

….Nhận đắc bản lai chân diện mục

Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu

Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm

Nhàn môn vô sự khả quan tâm

Cá trung khúc phá vô nhân hội,

Duy hữu tùng phong họa hữu âm…

                                                      Tự Thuật

(…Đã nhận được bộ mặt thật vốn có

Thì đến nơi nào mà lòng chẳng ung dung

Suốt ngày thảnh thơi gảy cây đàn không điệu

Trong cảnh cửa nhàn không có việc gì đáng làm

Khúc nhạc trong lòng ta đã hình thành mà không ai biết

Chỉ có gió trên cây tùng là họa được âm thanh ấy….)

                                                                                (Tự Thuật)

Con người yêu mến cửa Không này đã viết về nội dung triết lý Phật giáo-Thiền tông với sức truyền cảm mạnh mẽ. Một trong nhựng nhân tố tạo thành chất truyền cảm này chính là khả năng cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng của Phật giáo:

Động như không cốc phong xao hưởng

Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt lậu minh

Độc Phật sự Đại Minh Lục Hữu Cảm

(Động thì như tiếng gió vang trong hang trống

Tĩnh thì tựa ánh trăng lọt xuống đầm lạnh)

                                                       (Cảm xúc khi đọc Phật sự Đại Minh lục)

Động như vân hạc, tĩnh như tường bích

Kỳ khinh như mao, kỳ trọng như thạch

                                                        Chân Tâm Chi Dụng

(Động thì như mậy như lạc, tĩnh thì như tường như vách.

Nhẹ thì như lông, nặng thì như đá.)

                                                          (Tính Năng của Chân Tâm)

Tác giả cụ thể hóa khái niệm trừu tượng bằng những hình ảnh giản dị, gần gủi. Đặc điểm này của thơ ca mang cảm hứng tôn giáo ở Việt Nam khác thơ Haiku của Nhật Bản. Cùng chuyển tải tư tưởng của Thiền tông nhưng thơ Haiku không đưa ra những khái niệm Phật giáo, không cắt nghĩa phân tích lý giải những khái niện này mà chỉ  “cô đọng trong 17 âm tiết tựa như một bức tranh thủy mặc, với những nét chấm phá đơn sơ nhưng có sức ám ảnh mạnh mẽ” (Thiền Luận). Trong thơ mang màu sắc Thiền tông ở Việt Nam, ngôn từ Phật giáo xuất hiện tương đối dày đặc, được lý giải cụ thể và giàu chất thơ. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này có lẽ bắt nguồn từ đặc trưng tôn giáo trong hai nền văn hóa. Tinh thần Phật giáo Thiền tông ở Việt Nam là nhập thế còn ở Nhật Bản là xuất thế. Vì vậy, thơ Thiền  ở Việt Nam luôn gắn liền chức năng tôn giáo còn thơ Haiku của Nhật Bản không trực tiếp hướng đến con đường giác tha, chỉ lưu giữ vẻ đẹp tinh thần của những Thiền sư thi sĩ.

Trần Thánh Tông đã đưa triết lý Phật giáo Thiền tông trở thành đối tượng thẩm mỹ trực tiếp của nghệ thuật với Tính Không, tinh thần vong nhị kiến, khả năng gìn giữ chân tâm… Cùng nhiều tác gia khác, nội dung tôn giáo trong thơ ca của Trần Thánh Tông đã góp phần tạo nên mảng thi ca mang nội dung triết lý Phật giáo-Thiền tông với những nét đặc trưng thời đại và dân tộc. Mảng thơ ca này thể hiện chất trí tuệ, triết lý uyên áo đủ để đưa Trần Thánh Tông vào hàng những Thiền sư thi sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam như Trần Thái Tông, Trần Tung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang…

2. Tình Cảm Đời Thường

Tác phẩm ghi dấu đời sống tình cảm đời thường của Trần Thánh Tông còn lại không nhiều nhưng xúc tích. Nhà chính trị tài ba lãnh đạo cả dân tộc cũng là một con người có trái tim nhân hậu. Khi bàn về tình nghĩa anh em trong hoàng tộc, ông viết: Nước nhà là nước nhà của tổ tông truyền lại. Người kế thừa cơ nghiệp của tổ tông cùng với anh em trong dòng họ cùng hưởng phú quý. Tuy bề ngoài là cả thiên hạ phụng sự  một người, nhưng bên trong thì ta cùng các khanh đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên đem mấy lời này mà truyền cho con cho cháu, để nhớ mãi đừng quyên. Ấy là phúc muôn đời của tông miếu ta vậy. Trái tim nhân hậu ấy đã biết chăm lo, trân trọng và đoàn kết cả dân tộc. Khi chính sách ngoại giao mềm dẻo không thể cứu non sông thoát khỏi cơn binh lửa, vị vua anh minh đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng để phát huy sức mạnh yêu nước của toàn dân….  Và lòng nhân ái ấy đã gửi gắm vào thi ca những buồn vui, đau khổ rất con người:

Thống khốc Giang Nam lão cụ khanh

Đông phong thấp lệ vị thương tình

Vô đoan thiên thượng biên niên nguyệt

Bất quản nhân gian hữu tử sinh

Vạn điệp bạch vân già cố trạch

Nhất đôi hoàng nhưỡng phúc hương danh

Hồi thiên lực lượng tùy lưu thủy

Lưu thủy than đầu cộng bất bình

                                                      Vãn Trần Trọng  Trưng

(Đau Đớn Khóc Người Bề Tôi Giỏi Kỳ Cựu Đất Giang Nam

Trước gió đông đẩm lệ thương xót ông

Vô cớ mà sổ trời lại ghi năm tháng của ông

Chẳng kể đến trần gian ai nên sống ai nên chết

Mây trắng muôn tầng che ngôi nhà cũ

Đất vàng một nắm vùi lắp danh thơm

Sức xoay trời cũng phó cho dòng nước chảy

Dòng nước đầu ghềnh cũng chung nỗi bất bình).

                                                                     (Viếng Trần Trọng Trưng)

Trần Trọng Trưng là bề tôi kỳ cựu của nhà Nam Tống, không theo Nguyên mà chạy sang Việt Nam và được nhà vua đối đãi như bằng hữu. Khi Trần Trọng Trưng mất, Trần Thánh Tông không thể tự xoa dịu nỗi đau mất bạn bằng triết lý Không của đạo Phật. Những giọt nước mắt (thống khốc, thấp lệ), một nắm đất vàng (nhất đôi hoàng nhưỡng) day dứt mãi một nỗi đau như thế.

Cổ nhân từng khẳng định, cảm đồng lòng người không gì bằng tình. Tình là căn cội của thi ca. Niềm xúc động của nhân tình thế thái và quan hệ của con người với con người của Trần Thánh Tông đã bộc lộ tấm lòng giàu tình cảm của ông. Tâm lòng ấy cho thấy đầy đủ hơn chân dung nghệ thuật của thi nhân, góp phần làm phong phú diện mạo văn học thời Trần.

II.3. Vẽ đẹp đa diện của thiên nhiên

Cùng với những triết lý uyên áo của tư tưởng Phật giáo-Thiền tông và những tình cảm đời thường, thơ ca của Trần Thánh Tông còn hấp dẫn người đọc với cảnh giang sơn rạng ngời sức sống từ một nhân sinh quan tin tưởng cuộc đời. Cảnh có khi đẹp nhưng buồn và ẩn chứa một tâm hồn tài hoa đa cảm. Cuối cùng sự hòa nhập con người và vũ trụ đã tạo nên một cõi đất trời siêu thoát, phiêu du….

Cảnh sắc trong thơ Trần Thánh Tông thấm đượm chất Thiền qua con mắt của Thiền sư đắc đạo, ẩn chứa những phút giây ngộ Thiền với sự hòa hợp tuyệt đối giữa con người và trời đất cỏ cây….

Triêu du phù vân kiêu

Mộ túc minh nguyệt loan

                                      Hạnh An Bang Phủ

(Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi

Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng)

                                              (Chơi Phủ An Bang)

Sự hòa nhập mà Bashô, Thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản, đã thốt lên con ngựa phi qua cánh đồng, ô hô ta là một phần của bức tranh này. Phật giáo Thiền tông quan niệm vạn vật đồng nhất thể. Con người cũng như ngọn núi, vầng trăng, đám mây, ngọn cỏ, cánh hạc, giọt sương...Tất cả những Tiểu ngã bình đẳng và nằm trong Đại ngã. Khi con người cảm nhận được cái tôi cá nhân chỉ là một phần bé nhỏ của thiên nhiên, một phần của bức tranh này thì con người sẽ không bị giằng xé bởi một cái tôi vĩnh hằng. Khi đó cái tâm bình yên và hồn thơ nhẹ nhàng. Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung cũng trải nghiệm sự hòa nhập kỳ diệu này:

Thiên địa diếu vòng hà hề mang mang

Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương

Hoặc cao cao hề vân chi sơn

Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.

                                                                Phóng Cuồng Ngâm

(Ngấm trời đất sao mà mênh mang

Chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian

Hoặc đến chỗ núi mây cao cao

Hoặc đến chỗ nước mây sâu sâu)

                                                                (Khúc Ngâm Phóng Cuồng)

Ngoài sự hòa nhập giữa con người và vũ trụ, những khoảng trống tĩnh lặng cũng tạo nên ấn tượng mạnh về thiên nhiên thấm đượm chất Thiền:

Vân yểm huyền thiên động

Yên khai Ngọc Đế gia

Bộ hư thanh tịch

Điểu tán lạc sơn hoa.

                                         Đề Huyển Thiên Động

(Mây che động Huyền Thiên

Khói tỏa nhà Ngọc Đế

Tiếng tụng kinh im ắng

Chim bay hoa núi rơi.

                                                 (Đề Động Huyền Thiên)

Cái động được tái hiện trực tiếp qua những động thái như yểm, (che, đậy), khai (mở), tán (tán loạn, tản mạn, thưa thớt), lạc (rụng) và tiếng tụng kinh. Thi nhân đã dĩ động để làm ấn tượng hơn cái tĩnh của khói mây, chùa chiền, rừng núi và nhân tâm. Bài thơ phảng phát vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ của Vương Duy:

Nhân nhàn quế hoa lạc

Dạ tĩnh xuân sơn không

Nguyệt xuất kinh sơn điểu

Thời minh tại giản trung

                                                        Điểu Minh Giản

(Người thảnh thơi, hoa quế rụng

Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không

Trăng lên làm giật mình chim núi

Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi).

                                                          (Chim Kêu Trong Khe Núi)

Thiên nhiên và cách phô bày vẻ đẹp của thiên nhiên cũng có sự đồng điệu với thơ Haiku:

Làn gió xuân thoảng qua

Cánh diệc trắng xóa,

Lướt đi giữa ngàn thông xanh

Basho

Có một nhà sư

Đi trong sương mù

Tiếng chuông lắc leng keng

Meisetsu

Tôi lắng nghe trong sâu thẳm lòng mình

Bài học lặng thinh

Từ đóa hoa âm thầm kia

Onitssura

Cảnh sắc trong thơ Trần Thánh Tông còn vô cùng diễm lệ, trong sáng và tràn đầy sức sống.

Cảnh thanh u vật diệc thanh u

Thập nhất tiên châu thử nhất châu

Bách bộ sanh ca cầm bách thiệt

Thiên hàng nô bộc quất  thiên đầu

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu

Tứ hải di thanh trần dĩ tĩnh

Kim niên du thắng tích niên du

Hạnh Thiên Trường Hành Cung

(Cảnh thanh nhã vật cũng thanh nhã

Đây là một trong mười châu thần tiên

Trăm giọng chim là trăm bộ sáo đàn

Nghìn ngọn quýt là nghìn hàng tôi tớ

Trăng nhàn hạ soi người nhàn hạ

Nước mùa thu lồng trời mùa thu

Bốn biển đã trong bụi đã lắng

Cuộc đi chơi năm nay khác hẳn cuộc đi chơi năm trước)

(Chơi hàng cung Thiên Trường)

Không gian rộn tiếng ca, cuộc sống nhân dân trù phú hiển hiện trong cái nhìn đầy tin tưởng của người luôn lo lắng về sự an nguy của dân tộc. Bài thơ mở ra niềm vui thanh bình của tổ quốc sau bao phen binh lửa:

Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường

Hà hoa xuy khởi Bắc song lương

Viên Lâm vũ quá lục thành ác

Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương

                                                                Hạ Cảnh

(Nhà hoa thăm thẩm, bóng ngày rủ dài

Hoa sen đưa hướng mát đến cửa sổ phía Bắc

Vườn rừng sau mưa trở thành tấm màn biếc

Vài tiếng ve khua rộn bóng chiều)

                                                                           (Cảnh mùa hè)

Cảnh tươi sáng mà thanh tịnh, không gian yên tĩnh mà ngời sức sống. Nếu như tâm hồn không bình yên và lòng yêu đời không tha thiết thì không thể tận hưởng được hoa sen đua hương mát hay vài tiếng ve khua rộn bóng chiều... Đó là những khoảnh khắc thật đáng quý trong đời, đặc biệt của một người luôn đau đáu niềm tiên ưu.

Thiên nhiên trong thơ Trần Thánh Tông còn thể hiện tâm hồn thi sĩ tinh tế, nhạy cảm:

Cung môn bán yểm kính sinh đài

Bạch trú trầm trầm tiểu vãng lai

Vạn tử thiên hồng không lạn mạn

Xuân hoa như hứa vị thùy khai?

                                                          Cung Viên Xuân Ức Cựu

(Cửa cung khép hờ, lối đi rêu mọc

Giữa ban ngày mà sâu lắng ít người qua lại

Muôn tía nghìn hồng rực rỡ suông mà thôi

Hoa xuân đẹp như kia vì ai mà nở?

                                                            (Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người xưa)

Cảnh yên tĩnh quá lại thành tịch mịch, không gian vắng người trở nên hoang phế. Muôn hồng ngàn tía chẳng thể níu kéo niềm vui. Hoa càng rực rỡ bao nhiêu thì nỗi nhớ cố nhân càng bâng khuâng nhường ấy. Xuân hoa như hứa vị thùy khai? Hoa xuân đẹp như kia vì ai mà nở? Câu hỏi ám ảnh về cuộc chia ly và niềm tiếc nuối.  Hồn thơ phảng phất chút hương vị Đường thi trước cảnh cũ người xưa:

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

                                                         Đề Hồ Thành Nam Trang-Thôi Hộ

(Năm ngoái ngày này trong cửa này

Hoa đào cùng với mặt người ánh lên sắc hồng

Người thì chẳng biết bỏ đi chốn nào?

Hoa đào vẫn như xưa đang cười gió đông)

                                                       (Đề vào trang trại phía nam Thành Đô-Thôi Hộ)

Trần Thánh Tông là một thi nhân tin tế với những bức bách tranh Thiền đẹp mà buồn. Trong thơ ông, giang sớn đất nước còn bừng lên sức sống từ cái nhìn của người lãnh đạo dân tộc vượt cơn binh lửa.  Ông thật sự trở thành Thiền sư thi sĩ với cảm hứng mạnh mẽ về tính Không, tinh thần vong nhị kiến, sức mạnh chân tâm.... chất Thiền còn tỏa vào một cõi trời đất đầy siêu thoát và khoảng trống tĩnh lặng tâm Thiền. Thơ ông còn làm ấm áp lòng người bởi những tình cảm đời thường, đáng trân trọng. Cho du những sáng tác thi ca còn lại không nhiều nhưng Trần Thánh Tông thực sự là một nhà thơ của dân tộc./.

************************

 

Tư liệu trích dẫn

1. Thơ văn Lý Trần, Tập II, Quyện Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.

2. Thiền Luận, D.Suzuki, Nxb TP. Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, 2001.

3. Lối lên miền Oku, Masuo Bashô (Vĩnh Sĩnh dịch, giới thiệu và chú thích) Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999.

4. Thiền trong hội họa, Stewrt. Holmes &Chimyo Horiorea (Thanh Châu biên dịch), Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí

Minh, 2004.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thanh Chung

Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 78

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 76


Hôm nayHôm nay : 4931

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 352580

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30009295


Ảnh đẹp