Tác giả, sau bao năm đối diện với những dằn vặt khổ đau ray rứt của tự thân. Năm vua lên hai mươi tuổi, hoàng hậu là Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) mới mười chín tuổi, chỉ vì muộn có con, Trần Thủ Độ bắt ép vua phải bỏ Chiêu Thánh để lấy người chị dâu đã có mang ba tháng là Thuận Thiên, vợ của anh mình, tức Trần Liễu. Có lẽ Trần Thủ Độ muốn vua có con ngay để sau này nối nghiệp nhà Trần. Hiển nhiên là vua đã kịch liệt phản đối việc làm trái lễ giáo này của Trần Thủ Độ. Nhưng uy quyền của ông ta quá lớn. Vua đành nhẫn nhục đau khổ, chịu đựng. Người con trai hai mươi tuổi mới lớn lên, lòng mang nặng một nỗi buồn u ẩn, vua đã nhất quyết bỏ ngai vàng ra đi, tìm lên núi Yên Tử, và xin ở lại đó để tu học Phật Pháp hầu tìm ra một lối thoát cho tâm tư uất nghẹn khổ đau; mặt khác, đứng trước tình cảnh rối bời của đất nước lúc bấy giờ, tuy tâm tư vua chưa nguôi hết nỗi đau buồn, do người chú họ Trần Thủ Độ gây ra, nhưng trên cương vị một người lãnh đạo quốc gia, vua không thể nhất đán phủi tay, buông xuôi, bỏ mặc cho vận nước nổi trôi…, và nhất là trước sự van nài khẩn thiết của Trần Thủ Độ: “Xin bệ hạ nghĩ đến trăm họ. Lòng dân như hoa hướng dương, luôn hướng về nẻo mặt trời mọc, là bệ hạ. Vậy xin bệ hạ gấp hồi loan[294].Vua cảm động rươm rướm nước mắt, rồi cùng các quan trở về kinh sư, gượng lên Ngôi báu. Trong 33 năm trị vì, vua đã làm tròn sứ mệnh của một đấng quân vương, hết lòng lo sửa sang việc nước: bên trong, bình trị nội loạn; phía ngoài, dẹp yên xâm lăng. Nhờ vậy mà toàn dân được sống an vui, hạnh phúc.
Với trí sáng như mặt trời, và với lòng thì rộng như biển cả, vua quả là một vị A la hán, một Đại Bồ Tát thị hiện ở Việt Nam để cứu nước Việt Nam. Nên sau khi đã hoàn thành sự nghiệp cứu nước, vua nhường Ngôi cho con là Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông. Chắc chắn sau đấy vua có nhiều thì giờ rảnh rỗi để dồn hết tâm tư vào việc tu niệm, và viết sách truyền lại cho đời.
Tất cả nỗi thao thức khổ đau đối với bản thân, đối với cuộc đời và với lòng từ bi thương xót chúng sinh, vì u mê tạo nghiệp xấu ác, nên phải luân hồi chìm đắm trong ba cõi, sáu ngả. Do những ý nghĩ ấy, tác giả đã viết Khoá Hư Lục, trước hết là để tự thức tỉnh mình trên đường tu niệm và thực hành, nhằm thanh lọc sáu quan năng, mong đạt đến chỗ “lục căn viên thông”, tức là chứng thánh quả; đồng thời khuyên mọi người nên hướng tâm lên đức Phật từ bi cao cả và hãy học hỏi giáo lý vô thượng của Ngài, và lấy đó làm chiếc bè đưa ta qua sông Mê, tới bờ Giác.
Trước hết ta tìm hiểu về hai chữ “Khóa Hư” Chữ Khóa (trong Khóa Hư Lục), theo Hán tự, có nghĩa là bài học dạy về cách thức tu trì đúng chính pháp. Chữ Hư, nghĩa là rỗng lặng, tâm luôn luôn thức tỉnh, không chấp vào hình tướng sự vật một cách giáo điều, cố định. Khóa, tượng trưng tinh thần hữu vi, minh chính, quả quyết. Hư, tượng trưng tinh thần vô vi, lồng trong một ý nghĩa: vạn hữu chuyển biến, khổ, không, vô thường, vô ngã. Hiểu được lẽ sinh hóa của vũ trụ vạn hữu, là đi vào cõi Niết bàn, bất sinh bất diệt, là chứng đạo, đạt tới trạng thái chân lý tối cao. Phật Đà.
Bây giờ chúng ta hãy đi vào nội dung tác phẩm1. Quyển Thượng:
-Lời Tựa.
-Tứ Sơn Kệ, và những bài bình giải về cảnh, Sinh, Già, Ốm, Chết.
-Phổ thuyết Sắc thân, tức nói về thân phận con người trước cuộc đời.
-Khuyến phát Bồ đề tâm (khuyên mọi người mở lòng Bồ đề).
“Xét đến ngọn nguồn thì tứ đại vốn không, ngũ uẩn (cũng) chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc; sắc vốn tự không. Bởi vọng theo không, không hiển vọng; vọng sinh các sắc. (Một khi) đã trái với lẽ không sinh không hóa, nên vạn hữu mới có hóa có sinh – Nếu không sinh hóa thời không hóa, không sinh. Vì có hóa sinh nên có sinh, có hóa –Hoặc sinh thánh, hiền, khôn, dại, hoặc sinh lông, cánh, vây, sừng, chìm đắm ở bến mê hoài, lênh đênh trong bể khổ mãi. Lờ mờ mù mịt, nào có biết chi; luống cuống luồng cuồng, không sao tỉnh đuợc. Thảy đều do phóng túng cái tâm đi, không một ai hay quay đầu trở lại. Mặc kệ (cho) đi lại sáu đường; lên xuống bốn núi. Bốn núi là gì? Tức là sinh, già, ốm, chết vậy.
Nay xin bàn rõ bốn núi, để cho sau này cùng noi:
Tứ sơn tiêu bích vạn thanh tùng
Liễu ngộ đô vô vạn vật không
Hỷ đắc lư nhi tam cước tại,
Mạch kị đả sấn thượng cao phong.
Rừng cây bốn núi xanh xanh biếc,
Vạn vật nhìn chung chẳng thực nào.
Vui tạm, “lừa con ba vó gác”
Gắng lên… thẳng tới đỉnh non cao.
Bài kệ trên ngụ ý diễn tả bốn núi với bốn tướng (Sinh, Già, Ốm, Chết) mà mọi sinh vật đều không tránh khỏi. Khi một sinh vật sinh ra đời, có nghĩa là sinh vật đó đã thoát được một tướng sinh, (nói cách khác: nếu không sinh, làm gì có già, ốm và chết, ví như con lừa lúc nằm ngủ giấu kín một chân); nhưng kia, tức Già, Ốm, Chết, nó luôn luôn rình rập, định cướp đoạt sinh mệnh của mỗi loài… Biết rằng: mỗi loài hiện hữu trên cõi đời này, là do Nhân duyên sinh, nên chúng luôn mang trong mình cái lẽ dời đổi, khổ đau, vô thường, vô ngã. Sự tu của người ta vốn thường hay lười biếng, khác nào con lừa – bản tính nó chậm chạp – muốn cho nó leo núi thì phải thúc giục nó đi mau. Cũng như người tu hành phải tử công phu lắm mới mong chứng được đạo quả.
“Tầng núi thứ nhất, tức là tướng “Sinh”. Chỉ vì một niệm sai lầm, cho nên nhiều đường phiền phức. Hình hài gửi ở tinh cha mẹ, thai nghén nhờ nơi khí âm dương. Chùm cả ba “tài”,1 có mình đứng giữa; so trong muôn vật, người là khôn hơn. Chẳng kể chi người trí kẻ ngu, ai không từ buồng thai bọc trứng; dù trăm họ hay một người cũng thế, thảy đều khuôn trong lò bễ thợ trời. Hoặc là vầng nhật biến tướng, ấy điềm thánh chúa giáng sinh; hoặc bởi bóng sao hiện hình, ắt có người hiền xuất thế; hoặc kẻ tài hoa lỗi lạc, ngọn bút quét sạch ngàn quân; hoặc người võ nghệ cao siêu, sổ công thu hồi trăm trận; hoặc trai tài, lúc ra đường quả ném đầy xe2hoặc gái đẹp, cơn đắc ý nụ cười nghiêng nước. Bao kẻ cậy danh khoe sắc, bao người ganh khéo tranh khôn, xem ra đều trong kiếp luân hồi, rút lại chưa thoát vòng sinh hóa. Tướng “Sinh” của người là thế đấy, ví như mùa xuân trong một năm. Vận “tam dương”3gặp buổi hạnh thông, cảnh muôn vật chung màu tươi tốt. Một trời hừng sáng, khắp xóm làng hoa thắm liễu xanh; muôn dặm phong quang, cả nơi chốn oanh kêu bướm múa.
Kệ rằng:
“Chân tể huân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
Khước bội vô sinh, thụ hữu sinh.
Tị trược chư hương, thiệt tham vị,
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình”.
Dịch:
(Thiên địa giao thoa vạn vật thành,
Nhân duyên hội ngộ sắc4 và danh5
Vì sai hữu niệm quên vô niệm,
Bởi trái vô sinh chịu hữu sinh.
Mũi lưỡi mê hương ưa mùi vị,
Mắt tai đắm sắc thích âm thanh
Lang thang khách trọ đời phiêu bạt
Xa cách quê hương vạn dặm trình.)
“Tầng núi thứ hai, tức là tướng “Già”. Hình dong dần đổi, khí huyết đà suy. Mặt thì khô, tuổi lại càng cao, trước còn nghẹn sau thì vướng mắc. Đầu xanh da đỏ, đổi thành tóc bạc da mồi; ngựa trúc áo ban,1thèm có gậy cưu xe cói2. Dẫu mắt sáng tựa Ly Lâu, thấy sắc khôn tỏ; dù tai sính như Sư Khoáng, nghe tiếng khó rành. Thân hình tiều tụy, cành liễu lúc thu về; nhan sắc điêu tàn, bông hoa thuở xuân hết. Bóng chiều dần xế, gác nẻo non tây; dòng nước xa nguồn, xuôi về biển cả. Tướng “Già” của người đó, mùa hạ trong mỗi năm. Tiết trời nóng, đá kia còn chảy, muôn vật đều khô; ánh sáng hun, vàng nọ phải tan, trăm sông cũng cạn. Hoa tàn liễu úa, trong vườn bờ suối cảnh thấy đâu; bướm lả oanh gầy, dưới lá đầu cành già hiện tới.
Kệ rằng:
“Nhân sinh tại thế nhược phù âu,
Tho yểu nhân thiên mạc vọng cầu.
Cảnh bức tang du tương hướng vãn,
Thân như bồ liễu tạ, kinh thâu.
Thanh điêu tích nhật Phan Lang mấn,
Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu.
Thế sự thao thao hồn bất cố,
Tịch dương tây chiếu thủy đông lưu”
Dịch:
Bềnh bồng sóng nước kiếp con người,
Thọ yểu nào ai cưỡng số trời?3
Cảnh đã nương dâu làn nắng tắt,
Thân như bồ liễu hạt sương rơi.
Phan Lang thuở nọ đầu xanh mướt!
Lã Vọng năm nay tóc bạc rồi!
Sự thế bộn bề thôi ngoảnh lại,
Vầng hồng gác núi, nước trôi xuội.
“Tầng núi thứ ba, tức là tướng “Ốm”. Khi tuổi già lụ khụ, lúc ốm cần thuốc thang. Tay chân mệt mỏi, đường gân mạch máu khó thông; khớp xương rời rã, trái gió trở trời dễ cảm. Trái hẳn với tính chân thường, mất hết cả nguồn thư sướng. Ngồi đứng khó khăn, duỗi co đau đớn. Tính mệnh tựa ngọn đèn trước gió; thân hình như bọt nổi trên sông. Bóng ma vía quỷ, ẩn hiện trong tim; đom đóm chuồn chuồn, lập lòe khóe mắt. Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước chữa cho? Sức vóc suy vi, ai là Lư Y1cứu giúp? Bạn bè đã nhọc công thăm viếng; anh em càng uổng sức nâng dìu. Chứng liệt giường hàng tháng khôn lành; cơn gục gối mấy tuần chưa khỏi. Tướng “Ốm” của người là thế đấy, ví như mùa thu trong một năm. Gặp buổi tuyết sương rơi rụng; tới kỳ hoa cỏ úa tàn. Cây cao rừng rậm, gió vàng một trận chợt lơ thơ; núi biếc non xanh, móc ngọc vừa sa liền trơ trụi”.
Kệ rằng:
“Âm dương khiên đức bản tương nhân,
Biến tác tai truân cập thế nhân.
Đại để hữu thân phương hữu bệnh,
Nhược hoàn vô bệnh diệc vô thân.
Linh đan mạn sá trường sinh thuật,
Lương dược nan linh bất tử xuân.
Tảo nguyện viễn ly ma cảnh giới,
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân”
Dịch:
(Âm dương họa phúc vốn theo nhau,
Gieo rắc nhân gian nỗi thảm sầu.
Vì bởi có thân, nên có bệnh,
Nếu như không xác, ắt không đau.
Phép tiên, đã mấy ai không chết?
Thuốc thánh nào đâu kẻ sống lâu!
Xa lánh cõi ma mau tỉnh thức,
Trên đường tu đạo, sớm quay đầu).
“Tầng núi thứ tư, tức là tướng “Chết”. Bệnh ngày càng nặng, mệnh lúc hầu tàn, tuổi thọ kia luống hẹn trăm năm, tấm thân nọ chợt thành giấc mộng. Mấy kẻ khôn ngoan lanh lợi, tránh sao đại hạn tới kỳ? Bao người dũng lực oai hùng khó gỡ vô thường ập đến. Vợ ngoan, hầu khéo, bỗng trở thành những vết đau thương; anh thảo em hiền, đành để lỡ đôi đường chia cách, vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời, tường hoa nhà rộng có làm chi? Ngọc chất vàng chồng vô dụng cả! Dạ đài2khép kín mít, chợt nghe gió bấc rì rào; Tuyền lộ3đóng bít bùng, chỉ thấy mây sầu mờ mịt. Tướng “chết” của người là thế đấy, ví như mùa đông trong một năm. Trời đất cùng sao Thái Tuế4xoay đã hết vòng; nhật nguyệt theo Ngôi Huyền hư5hợp vào một mối. Âm tinh cực thịnh, một trời mưa tuyết rụng tơi bời; dương khí dần tan, tám nước6giá băng tuôn lạnh lẽo”.
Kệ rằng:
“Bãi đẵng cuồng phong quát địa sinh,
Ngư ông túy lý điếu chu hoành
Tứ thùy vân hợp âm mai sắc,
Nhất phái ba phiên cổ động thanh.
Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch
Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh.
Tạm thời trần liễm thiên biên tĩnh,
Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh”.
Dịch:
(Lồng lộng khắp nơi trận gió ngàn,
Ông chài say khướt mặc thuyền lan.
Bốn bề mây kéo trời u ám,
Một giải sóng gầm trống giục ran
Tầm tã cơn mưa bay lả tả
Ì ầm tiếng sấm nổ lan man
Giây lâu, tan bụi bầu trời tạnh
Đêm xuống dòng sông bóng nguyệt tan).
Tác giả Khoá Hư Lục đã thống thiết nói cho ta rõ về bốn nỗi khổ: Sinh, Già, ốm, Chết của một kiếp người.7Thật vậy, không một đứa trẻ nào lúc mới ra chào đời mà không khóc. Khóc, là sự báo hiệu một sự nhận chịu nỗi khổ đau ở đời, một khi con người đã mang lấy nghiệp vào thân. Con người từ khi sinh ra, lớn lên và sống trong một khoảng thời gian dài ngắn không nhất định; cuối cùng bao giờ cũng đi đến cái chết, dù (người ấy) là trai hay gái, da vàng, da trắng, da đen, thông minh hay ngu tối, đẹp, xấu, sang, hèn, giàu, nghèo…, tuy có khác nhau về hình thể, nhưng trên danh nghĩa: mọi con người đều gọi chung bằng một chữ “Người”. Đức Phật dạy: “Con người vốn có Phật Tính và có khả năng thành Phật”. Có điều Phật Tính ấy được hiển lộ – khi con người nghĩ và làm điều thiện – hay bị mờ – khi con người nghĩ và làm viêc ác – chỉ khác nhau giữa hai tuyến Mê và Ngộ. Con người, theo Đạo Phật, thường được đề cao một cách toàn triệt, vì con người có năng lực trí tuệ bén nhạy hơn hẳn muôn loài vạn vật; mà các sinh vật khác chúng thường sống theo bản năng. Do đó, con người có thể tiến hóa để trở nên những nhà bác học, vĩ nhân, hiền triết, bậc thánh, và cũng rất dễ sụt lùi, sa ngã, đắm chìm trong ba ngả, sáu đường, để nhận lấy cái Nghiệp hoặc “thiện” hoặc “ác” do chính mỗi người đã tạo từ kiếp trước hay kiếp này và liên hệ ở kiếp mai sau. Nói cách khác, “Loài người có thể tiến hóa đi lên, nhưng cũng rất có nguy cơ bị đào thải, vì không có gì bảo đảm rằng loài người tất yếu tiến hóa tốt”.
Ca dao Việt Nam có câu:
“Lênh đênh qua cửa thần phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.
Vì ý thức được nỗi khổ đau của kiếp người, nên tác giả khóa Hư Lục, trong bài “PHỔ THUYẾT SẮC THÂN”, đã khuyên chúng ta hãy luôn luôn thức tỉnh:
“Các người ơi! Thân là gốc mọi sự khổ (mà) chất là nhân của cái nghiệp. Nếu cứ lấy thế làm thật, tức là nhận giặc làm con. Người nên xem lại kỹ càng: Chỉ vì cái sắc thân này, trước khi đầu thai làm người, do nghiệp lực duyên khởi, ngũ uẩn hợp thành, mà vọng sinh ra thể mạo, giả hiện ra hình dong, quên cỗi gốc thực, hiện hão huyền xằng. Hoặc gái hoặc trai, hoặc đẹp hoặc xấu, đều là phóng tâm đi mất, tịnh không lui gót trở về. Giong ruổi vào đường sinh tử, bỏ quên bản tính thuần nhiên. Bởi thế chỉ nhìn ngoài mặt, không đoái trong thân. Lúc sinh ra chỉ theo lẽ hóa sinh, sống trong cảnh mộng, nói chuyện mộng ảo. Rập rờn cuồn cuộn, bối rối loay hoay. Lấy “ảo” làm “chân”, trái “không” theo “sắc”. Bộ xương khô cài hoa điểm ngọc, túi da bẩn xoa xạ ướp hương. Cắt lương the bọc bao máu mủ, nhào son phấn bôi thùng phân dơ. Ngoài dù trang điểm như thế, trong vẫn nhơ bẩn gớm ghê. Không biết tự xét sượng sùng, lại cứ quyến luyến thân đó.
“Các người ơi! Dường như tượng gỗ máy quay, chỉ cậy sợi tơ lôi kéo. Quanh đi quanh lại, cũng cùng lối sinh; khi phóng khi thu, khác gì xác chết. Lại còn tính thiệt suy hơn, đều bởi sáu căn ganh lộn. Chẳng lo già, ốm, chết theo, chỉ mãi tửu, sắc, tài mãi. Tranh giành những cái nhỏ nhặt, mà bó buộc trong vòng danh lợi. Ban ngày hết sức cầu may; buổi tối hóa ra tưởng mộng. Chất chứa bợn nghiệp như giếng, biết đâu mái tóc tựa sương. Một mai mắc bệnh nặng nề; trăm năm đều về mộng lớn. Tim gan đau xót tựa mối oán thù; da thịt hao mòn khác chi ma đói. Vẫn còn muốn sắm lễ vật cầu đảo cho sống lâu, không biết rằng giết loài vật là tổn sinh. Những mong một đời trường thọ như tùng bách, có biết đâu tứ chi khác nào nhà dột. Hồn vía tạm về lối quỷ; xác thây còn bỏ cõi người. Tóc, lông, răng, móng chưa kịp tiêu; rớt, rãi, bọt, hơi đã thấy ứa. Thối nát chảy máu chảy mủ; tanh hôi xông khắp đất trời. Đen rộp mắt chẳng dám nhìn; xanh xùi cũng đều chết mất. Để trong nhà thì làm tổ cho trùng; bỏ ngoài đồng thì làm mồi cho quạ. Người đời đều bịt mũi mà qua; con hiếu phải lấy đất mà lấp. Thu nhặt thịt xương, chôn đi hài cốt. Quan quách phó mặc cánh đồng ma trơi; nấm mộ chôn nơi núi non hoang vắng. Xưa kia tóc mướt má hồng; ngày nay tro tàn xương trắng. Khi mưa lệ tưới mây mờ mịt; lúc gió sầu lay chuyển mơ màng. Canh tàn thì quỷ khóc thần sầu, lâu năm thì ngựa quần trâu phá. Lửa đóm lập lòe trong cỏ rậm, tiếng dế rên rĩ ngọn dương trơ! Bia kỷ niệm nửa mờ rêu phủ, kẻ mục tiều dày đạp đường ngang. Xưa kia dẫu văn chương hơn chúng, hay tài sắc nghiêng thành, đến đó thì chẳng ai hơn ai, chung qui người nào cũng thế. Mắt bị sắc lôi về rừng kiếm. Tai nghe tiếng dẫn đến non dao. Mũi thường ngửi hít khói hôi tanh. Lưỡi phải nếm ăn viên sắt nóng. Giội nước đồng sôi thân co quắp, bỏ vào vạc nấu ý chua cay. Trăm năm trong cõi người ta, một ngày cõi ngục kể đã dài ghê! Nếu ai có mắt tinh đời, phải kíp hồi tâm xem lại, hòng cất mình vượt qua bể sinh tử; dang tay xé toạc lưới ái ân. Chả nề trai gái, ai cũng nên tu; chẳng cứ trí ngu, đều có phận cả. Nếu chưa đạt được tâm Phật ý Tổ; trước hết hãy trì giới tụng kinh. Nhưng đến khi ngộ được Phật cũng không mà Tổ cũng không thì làm gì còn có giới để trì, kinh để tụng? Lúc ấy thân tuy ở trong cảnh giới ảo sắc mà như đã ở trong cảnh giới chân sắc (vì ảo sắc cũng là chân sắc), ở trong phàm thân mà kỳ thực là ở trong pháp thân. Phá sáu giặc (lục tặc) thành sáu thần thông; biến tám khổ ra tám tự tại. Tuy nói như thế, nhưng người ta đã có cái sắc thân này, thoát ra cũng là khó lắm.
“Các người ơi! Chỉ mong chu toàn cái sắc thân ấy thì làm sao mà thoát ra được. Nếu chưa thoát được, xin hãy lắng nghe:
Vô chân nhân thịt đỏ lòm,
Rõ ràng trắng đỏ rõ ràng nom.
Ai hay mây cuốn trời quang sạch,
Ánh biếc bên trời một dạng non.
Ôi! Đời chỉ biết vàng là quý, nhưng xét kỹ đến chỗ khinh trọng thực không bằng mệnh người được. Ví dụ như một nhà giàu kia: lên làm quan đại tướng, dùng vàng giát vào áo giáp để hộ thân, đến khi chiến trận, đang lúc đao binh giao tiếp, có khi phải cởi giáp vứt gươm mà chạy, chỉ mong cho toàn một thân thôi, còn áo giáp vàng kia rồi đâu nhìn đến, thế mới biết vàng tuy là trọng, cũng không thể ví với mệnh người được, là nghĩa thế đó. Nay không hiểu thế, lại quí vật mà rẻ thân, chẳng biết thân mình có ba điều khó gặp được. Những gì là ba? Một là: Ở trong sáu đường, chỉ người là quí, đến khi tinh lạc về âm, tối tăm mờ mịt, chẳng biết đường đi. Hoặc vào những ngả: địa ngục, A tu la, súc sinh, ma đói, chẳng được làm người, ấy là một điều khó gặp đó. Hai là: Tuy được làm người, sinh nơi mọi rợ, tắm cùng một vũng, ngủ cùng một giường, sang hèn ở lẫn, trai gái nằm chung, chẳng đượm gió nhân, không nhuần phép thánh, ấy là hai điều khó gặp đó. Ba là: Đã được sinh nơi văn hóa, sáu căn chẳng đủ, bốn thể không toàn, mù điếc ngọng câm, thậm thọt còng ưỡn, miệng mũi tanh hôi, thân hình thối loét, thầy chẳng cho tới, chúng chẳng dám gần. Tuy ở trong nơi thanh lịch, cũng như ngoài cõi hoang cùng. Ấy là ba điều khó gặp đó.
“Nay được làm người, sinh nơi văn hóa, sáu căn toàn vẹn, há chẳng quí sao? Khắp mặt người đời, cứ mải miết trong vòng danh lợi, làm nhọc cả xác, mà thương cả thân. Thân mệnh là rất trọng mà nỡ bỏ, của cải rất khinh mà lại chăm. Ví với bọn ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên mép, có khác gì không? Thân mệnh tuy là chí trọng thật, song cũng chưa trọng bằng chí đạo vậy. Thế cho nên Khổng Phu Tử có câu rằng: “Sớm nghe đạo, tối chết cũng cam”. Lão Tử thì nói: “Ta có sự lo lớn vì ta có cái thân”. Đức Thế Tôn cầu đạo xả thân cứu khổ, thế chả phải là ba đấng thánh đều khinh thân mà trọng đạo đó ư? Than ôi! Thân mệnh là rất trọng mà còn nên bỏ để cầu lấy đạo Vô Thượng Bồ Đề, phương chi vàng ngọc châu báu là vật rất khinh, tiếc làm gì nữa? Ôi! Trong ấp mười nóc nhà còn có người trung tín, nữa là khắp mặt người đời, lẽ nào lại không có ai thông minh sáng suốt hay sao?
“Nếu nghe lời này, phải nên chăm học; đừng có ngờ chi. Kinh có câu rằng: 'Một mất thân người muôn kiếp chẳng lại” đáng đau đớn biết bao! Khổng Phu tử nói “Người mà không chịu làm, ta cũng chẳng làm sao được” chính là thế đó”.
Và tác giả đã kết thúc quyển thượng bằng một bài “Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm” nhằm khuyến thỉnh mọi người hãy phát tâm Bồ đề để tạo sự tốt lành cho chính bản thân và làm đẹp cho xã hội.
“...Chẳng cứ đại ẩn, tiểu ẩn, chẳng kể tại gia, xuất gia, nếu biết phản chiếu hồi quang thì ai ai cũng có thể kiến tính, thành Phật. Hơn nữa, thân người dễ mất, đạo pháp khó có dịp may để gặp, nếu muốn thoát khỏi vòng lục đạo, duy có đạo Nhất Thừa là con đường tắt dành cho mọi người cùng đi vào. Khi đã có được chính kiến, (cần phải tránh) đừng nên tin nhảm ở bọn tà sư. Ngộ rồi thì ra vào tự tại, tu được là thoát vòng tử sinh”.
“Núi kia thấp xuống trông trời rộng
Sen nọ trổ bông thoảng nước hương…”
Quyển Trung và Hạ gồm các nghi thức tu niệm mà hành giả phải thực hiện trong 6 THỜI KHÓA MỖI NGÀY, nhằm mục đích thanh tịnh hóa 6 quan năng. Mọi tội lỗi mà con người mắc phải (nguyên nhân) là do 6 quan năng tiếp xúc với 6 trần cảnh, rồi khởi vọng tâm ham muốn (tham), sân hận (Sân), si mê (Si) v.v..
Trong “Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi” tác giả trình bày lý do vì sao cần phải sám hối, và sám hối có những lợi ích gì. Sám hối, không có nghĩa thuần túy như người ta thường hiểu lầm là xin kể tội với Phật để cầu Phật tha thứ, mà đích thực là sự tự nhắc nhở mình phải luôn luôn thức tỉnh. Vì tội vốn không có tự tính, chẳng qua do nhân duyên phối hợp 6 quan năng tiếp xúc với 6 trần cảnh khiến cho vọng tâm điên đảo phát sinh. Nó đã bởi nhân duyên mà sinh khởi. Thì nó cũng bởi nhân duyên mà tiêu diệt.1
Nguyên văn bài tựa
“… Sự đi lại dưới sông trên đất được tiện lợi là nhờ có thuyền xe; những bụi nhơ trong thân tâm được tẩy sạch là do ở lễ sám. Muốn rửa sạch bụi nhơ nơi thân tâm mà không dùng đến lễ sám, khác gì muốn tiện lợi đi lại mà không dùng đến thuyền xe?
“Nên biết công dụng của sự lễ sám thật là lớn lao. Trong kinh Đại Tập có nói: “Như chiếc áo bẩn trăm năm, có thể chỉ trong một ngày giặt được tươi sạch. Như vậy, những “nghiệp bất thiện” của trăm nghìn kiếp hợp lại, nhờ vào Phật lực và khéo suy xét thuận theo, có thể nội trong một ngày, một giờ, tiêu diệt được hết”. Vả chăng chúng sinh vốn có tính hiểu biết rất là trong sạch, tròn sáng, lồng lộng như bầu thái hư, mảy bụi không thể bám dính; chỉ vì cái “bóng sai lầm” ánh tới, hòn đất dơ bẩn hiện lên, thành ra có “năng”, “sở” chia cách, Phật và mình khác nhau, “căn” và “tính” chia ra thành nhánh, trí và ngu tách làm hai ngả. Nếu bảo họ bằng một cửa, khó lòng khiến họ giác ngộ mà đi vào. Cho nên đức Phật ta rộng nguyện đại trí, mở cửa phương tiện, vạch đường chỉ lối, tùy bệnh cho thuốc. Biết rằng cái “dơ ảo huyễn” của chúng sinh đều do ở sự sai lầm mà ra, nên cần phải một lòng tinh thành, qui y lễ sám, khiến cho thân tâm trở lại trong sạch như xưa, ví như gió im sóng lặng, bụi hết gương sẽ trong. Là vì tâm xấu ác trước kia dấy lên chỉ như làn mây che lấp vầng trăng, mà tâm thiện sau đó được nảy nở thì như bó đuốc soi vào bóng tối vậy. Công dụng lớn lao của phép lễ sám cũng như thế đó. Trẫm nhờ lòng trời yêu mến, được ở Ngôi vị chí tôn, việc dân khó khăn, việc nước bề bộn, bên ngoài bị cảnh phồn hoa cám dỗ, bên trong bị ham muốn khiến xui, miệng chán cao lương, thân đầy vàng ngọc, tai mắt phục dịch cho sắc đẹp tiếng hay, thân thể ở trong lầu cao nhà rộng; lại thêm vận đời kiêu bạc, cõi người suy hèn, kẻ học lờ mờ, căn lành yếu mỏng, ngày thì bụi trần rối rít, lưới nghiệp bủa vây, đêm nằm ngủ trùm che, nút lười thắt buộc, ngày đêm bận bịu, hết thảy là những trò gây vạ chiêu tai. Trẫm đã suy nghĩ về những việc đó mà lòng thương cảm bồi hồi, quên ăn quên ngủ. Nhân khi chính sự được rảnh, xem khắp kinh luận và các nghi văn, bèn soạn thành một tập hầu làm khuôn phép “tự lợi, lợi tha” để bảo cho đời. Ngẫm kỹ bao nhiêu tội nghiệp tích lại, đều do sáu căn gây ra, đến như Đức Thích Ca khi chưa thành Phật, trước hết phải vào núi Tuyết tu khổ hạnh sáu năm, đó cũng là vì muốn ngăn che sáu căn vậy.
“Trẫm phỏng theo ý đó, chia sáu căn làm sáu giờ, mỗi giờ lễ sám một căn. Trẫm lại tự chế ra các nghi văn, gọi là “Lục Thời Lễ Phật Sám Hối Khoa Nghi” Sợ văn rườm rà thì việc sám hối trễ lười, mà nói xa xôi thì nghi ngờ theo đó nảy ra, cho nên ở đây không dùng những lời phù hoa, chỉ cốt làm cho gọn quyển, khiến kẻ tụng đọc đều vui và người nghe dễ hiểu, ngõ hầu bọn có lòng tin, có thể ngày đêm phát tâm chí thành, dùng khoa nghi này mà sám hối với đấng mình lễ, ấy là không phụ điều “tự lợi, lợi tha” mà trẫm hằng mong mỏi. Những ai sáng mắt sau này, chớ vì văn pháp mà cười. Dù thế,
“Vì SEN sớm nở nơi cung thắm,
Nhộn nhịp oanh vàng rặng liễu xanh”1
“Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi vốn là một phương tiện cảnh tỉnh tâm hồn, không hơn không kém. Sự cảnh tỉnh này được thực hiện trong mọi mặt, (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và vào mọi lúc trong ngày (tang tảng sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi nhá nhem, buổi tối, buổi quá nửa đêm).
“Tự nhắc nhở về tính chất vô thường, bất tịnh và hư giả của cuộc đời không phải là để buồn nản buông xuôi mà là để dốc lòng tinh chuyên thực hiện sự đạt ngộ. Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi đã được vua ngự chế để thực hành sám hối một ngày sáu lần, có lẽ trong những ngày ít bận rộn việc triều chính và có lẽ cả ở chùa Phổ Minh hay Chân Giáo. Khoa nghi chia làm sáu phần, để thực hành sáu lần trong ngày. Mỗi lần lâu khoảng 20 phút. Nghi thức gây tác động cảnh giác rất cao và rất tha thiết: sám hối ở đây không phải là xin tội với Phật mà là gạn lọc và thức tỉnh tự tâm. Vào thế kỷ thứ sáu vua Lương Võ Đế bên Tàu cũng có ngự chế một nghi thức sám hối tên là Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, mười quyển, những là để nhờ các vị tăng sám hối cho bà hoàng hậu đã vì sân si mà nhảy xuống giếng chết để sau trở thành một con độc long. Nghi thức này sau được gọi là Lương Hoàng Sám. Người ta nói rằng sau khi các vị tăng sám hối xong thì hoàng hậu được siêu thăng và về báo mộng cho vua hay. Trong trường hợp vua Thái Tông, ngài không ngự chế để xin tội cho ai khác. Chắc chắn những hành động của Trần Thủ Độ, như ép Lý Huệ Tông tự tử, giết tôn thất nhà Lý, giết hết binh sĩ theo Trần Liễu làm loạn ngoài sông Cái, ép vua lấy chị dâu đã có mang… đã đè nặng trên trên tâm tư Thái Tông, và những khổ đau này có dự phần vào động cơ sáng tác sám pháp. Nhưng các tội lỗi trên, Thái Tông không nghĩ là của riêng Trần Thủ Độ mà là tội lỗi của cả gia đình và dòng họ, là tội lỗi của chính mình. Tuy vậy, suốt sáu nghi thức sám hối, ta thấy nhu yếu cầu sám thì ít mà nhu yếu thức tỉnh và tinh chuyên thì nhiều. Sám pháp ở đây được thực dụng như một phương tiện yểm trợ thiền định, gạn lọc nội tâm, tạo nên trạng thái thao thức của sự cảnh giác.
“Mỗi nghi thức bắt đầu bằng một bài kệ cảnh giác, rồi đến lễ dâng hương, một bài kệ dâng hương, một bài kệ dâng hoa, một bài trần bạch có tác dụng cảnh giới, một bài văn sám hối, một bài kệ khuyến thỉnh, một bài kệ tùy hỷ, một bài kệ phát nguyện, và cuối cùng là một bài kệ Vô Thường. Lời văn rất diễm lệ, hình ảnh rất phong phú, tư tưởng rất sâu sắc. Sáu nghi thức là sáu hòn bích ngọc: Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi của Trần Thái Tông là một sám pháp gọn gàng, thực tiễn và đẹp đẽ và thực dụng hơn. Không biết tại sao ở các thiền đường xứ ta, sám pháp vua Trần Thái Tông lại được rất ít người sử dụng trong khi các sám pháp Lương Hoàng, Dược Sư, Thủy Sám lại rất phổ thông…!”1(Sđd, trang 279, 280).
Trong sáu thời khóa lễ, mỗi khóa có những nghi thức khác nhau. Ngoại trừ các bài kệ Dâng Hương, Dâng Hoa, Khuyến Thỉnh, Tùy Hỷ, Hồi Hướng là có tính cách đồng nhất, vì là kệ. Còn những bài văn khác như: Khải bạch, Sám Hối, Phát nguyện… tuy có chung một tiêu đề nhưng, về nội dung, mỗi bài văn mang những tâm tư ý nghĩa khác nhau.
BÀI KỆ VÔ THƯỜNG:
“Muôn tiếng vừa yên lặng
Canh ba trống mới hồi
Tiếng quốc kêu thảm thiết
Giấc bướm vẫn miệt mài
Kiến lẩn cây hòe mục
Cá ngoi mặt nước bơi
Không coi vầng trăng mọc
Những mến đóa hoa cười
Lạc nhà xa ngàn dặm
Giấc ngủ vẫn tham hoài
Chẳng biết thân là giả
U mê suốt một đời”.
LỄ DÂNG HƯƠNG LÚC QUÁ ĐÊM:
Phục dĩ: Chuôi sao quay bắc, sông hán về tây, giấc bướm bên gối còn say, tiếng ốc trên lầu đã dứt. Sắp hàng tăng chúng tới pháp đàn, trước tượng Thế Tôn dâng hương báu.
Hương này trồng ở cung trăng đem lại, rễ ăn trong núi quấn quanh. Dáng màu khác tục, thể chất vô trần, xa vượt “thước đầu” nước Ngô nọ, cao hơn “qui giáp” rừng quế kia. Đốt lên tắt ngay lửa giận, xông ra nhờ trận gió Từ, nào phải giống thơm hạ phẩm, thực là mùi lạ thượng phương. Mảnh khảnh như tơ hồng khí đẹp, ngạt ngào mùi tốt hóa điềm lành, nghi ngút trước nơi bảo tọa, tờ mờ ngoài chốn rèm châu. Quay đầu tìm kiếm, quang minh nơi đó tự nhiên sinh; thấy mặt ngát mùi, tịch diệt bởi đây thân chứng được. Nay buổi quá đêm, đốt hương dâng cúng.
BÀI KỆ DÂNG HƯƠNG:
Hương này lấy ở rừng thiên,
Trồng trong tuệ uyển thiên nhiên ngạt ngào
Giới đao vót hình núi cao,
Đốt lò tâm nguyện muôn sao cúng dường”
BÀI KỆ DÂNG HOA:
“Hoa tâm nở màu tốt tươi
Mùi thơm sực nức hoa trời kém xa
Trước Phật, xin dâng đóa hoa
Muôn thu gió nghiệp khó mà chuyển lay”.
KHẢI BẠCH
Kính tâu: “Đại giác thập phương, Hùng sư tam thế. Rót cam lồ cứu kẻ cơ hàn; cầm thần châu soi nơi tăm tối. Trộm nghe, sâu kêu năm dạo, gà giục ba hồi. Bóng đuốc tiệc mồi hồ tàn hết; ánh sao ngân hán đã lặn rồi. Giấc điệp lại quay về thế mộng; tiếng chuông khua tan chốn âm thầm. Trăng mờ vừa ngậm vành non biếc; trời hồng chưa nhô mặt bể xanh. Tiếng sâu tường cổ gấp kêu; vó ngựa đường quai mới động. Đầu thành mịt mù khói nhạt bay; ngoài trời lả tả sương mờ tỏa. Chính là lúc đạo sĩ triều chân; vừa giữa buổi tăng già hành đạo. Nghìn nhà muôn họ cửa còn đóng; một đêm sáu dạo công đã thành. Đường thế mịt mùng; quần sinh tất tả. Tuy kinh giấc ngủ ôm gối nằm; chửa tỉnh trọn đời mở mắt dậy. Các con Phật ơi! Nếu cứ suốt đêm chơi túng tứ, thì thấy trọn ngày tâm tối tăm. Đến nỗi chằng trói một đời; đều do vẩn cơ hai chữ. Vì ngươi chỉ mở tia sáng soi, để lại sau này mà tự xét. Nên biết mệnh người vô thường, chớ để lúc này lỡ mất. Di Đà thấy rõ trong tâm; tịnh độ hiện ngay trước mắt. Nếu hay đảm đang nhận lấy, liền được hiện tiền tức thì. Vậy bọn chúng con kính cẩn bây giờ làm lễ quá đêm”.
SÁM HỐI NGHIỆP Ý CĂN
“Dốc lòng sám hối, bọn chúng con từ bao nhiêu kiếp tới nay, bỏ mất bản tâm, không biết chính đạo, đọa ba đường khổ, bởi sáu căn sai, trước chẳng hay sám hối, sau khó mà ăn năn. Nghiệp Căn Ý là: nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mưu tình trần, lấp tâm chấp tướng, như tằm kéo kén, càng buộc càng bền; như ngài vào đèn, tự thiêu tự đốt, tối tăm không tỉnh, nghiêng ngửa sinh xằng khuấy rối tấc lòng, đều do tam độc. 1- tội keo tham là: mưu ngầm ghen ghét, keo cú vơ vào; mười vốn nghìn lời, còn cho chưa đủ; tiền như nước chứa, lòng tựa chén dò; rót vào lại hết, vẫn nói chưa đầy. Tiền mục thóc vàng, không cứu đói rét; lượt chồng là súc, nào có giúp cho; được người mấy trăm, chưa nói là nhiều; hại mình một đồng, làm như hao lớn, trên từ của quí, dưới đến tơ gai, kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí. Biết bao nhiêu sự, ngày tính đêm lo, khổ tứ lao thần, đều do tham nghiệp. 2 tội sân nộ là: lấy tham làm gốc, lửa sân bốc cháy, quắc mắt quát to, đốt thương hòa khí, không những kẻ tục, cả đến chúng tăng; kinh luận bàn pha, cùng nhau công kích, chê cả sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha; héo lá úa cành, nồng nàn lửa độc; buông lời tổn vật, cất tiếng hại người; không nghĩ từ bi, không theo luật cấm; bàn suông tựa thánh, tới cảnh như ngu; dẫu ở cửa Không, chưa thành vô ngã; mồi cây sinh lửa, lửa cháy đốt cây, những lỗi như thế, đều bởi nghiệp sân. 3. Tội ngu si là: tính căn ngu độn, ý thức tối tăm, không biết tôn ti, không chia thiện ác, giết gấu gãy tay, chặt cây đau xác; nhiếc Phật chiêu tai nhổ trời ướt mặt; quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân; không xét không hay, đều vì si nghiệp. Những tội như thế, rất nặng rất sâu; đến khi chết rồi, đọa vào địa ngục; trải ngàn ức kiếp, mới được thác sinh; dục thác sinh, bị báo ngoan ác; nếu chẳng sám hối, sao được tiêu trừ. Nay đối trước Phật, đều xin sám hối.”
BÀI KỆ KHUYẾN THỈNH:
Khuyến thỉnh mười phương ba đời Phật
Các đấng Bồ Tát, Thánh Hiền Tăng
Xin rủ lòng thương cứu chúng sinh
Độ cho hết thảy… sang bờ Giác.
BÀI KỆ TÙY HỶ:
Con nay vui vẻ xin theo Phật
Hôm sớm tu hành diệt tội xưa
Ngôi Thập Địa, con xin bước tới
Bồ đề đạo quả nhập “vô dư”.
BÀI KỆ HỒI HƯỚNG:
Chúng con hồi tâm qui đạo chính
Cúi đầu kính lạy Đức Từ Bi
Nguyện đem phúc báo tới muôn loài
Nhờ nhân tốt ấy thành chính giác.
Con chí thành kính lễ Phật Pháp Tăng ở khắp mười phương và xin dốc lòng pháp nguyện:
Nguyện nguồn linh thường vẳng lặng
Nguyện tạng thức thoát ưu phiền
Nguyện mọi mối ngờ chấm dứt
Nguyện trăng thiền sáng vô biên
Nguyện ngã, pháp trần bất nhiễm
Nguyện lưới ái sạch phan duyên
Nguyện tu chứng Ngôi Thập Địa
Nguyện sớm vượt cõi tam thiên
Nguyện tâm viên hết quấy nhiễu
Nguyện ý mã sạch triền miên
Nguyện nhất tâm truyền chính pháp
Nguyện ưa mộ đạo tham thiền
BÀI KỆ VÔ THƯỜNG:
“Trống pháp dạo tan phù thế mộng,
chuông chùa khua động khắp gần xa.
Vẫn ham giấc ngủ đang mài miệt;
Chẳng quản vầng đông đã chói lòa.
Dằng dặc đêm trường còn có sáng;
Mịt mù lối quỷ khó tìm ra.
Nay không cố gắng công tu đạo,
Ngày khác làm sao gặp Phật Đà”.
BÀI KỆ KHUYÊN MỌI NGƯỜI:
(thay cho lời kết)
“Sinh, lão, bệnh, tử
Lý chi thường nhiên
Dục cầu giải thoát
Giải phọc khiên triền
Mê nhi cầu Phật
Hoặc nhi cầu thiền
Thiền dã bất cầu
Đỗ khẩu vô Ngôn”.
(Sinh, già, ốm, chết,
Lẽ thường tự nhiên.
Muốn cầu giải thoát,
Lại càng rối ren.
Mê mà cầu Phật,
Hoặc mà cầu thiền.
Thiền không cầu nữa,
Ngậm miệng ngồi yên.)
Khóa Hư Lục, quyển Trung và Hạ, chấm hết bằng tám câu kệ trên đây.
[293]lối văn biền ngẫu mà các vị đại nho nước ta thuở xưa thường hay dùng để viết những bài phú, hoặc sơ, biểu v.v..
[294]Lấy ý ở câu “dân chi sở dĩ hễ tác ư bệ hạ giả diệc do xích tử chi mộ phụ mẫu dã” trong bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam thuật lại lời Trần Thủ Độ nói với vua.
1Phần trích dẫn sách Khóa Hư Lục chúng tôi căn cứ bản dịch Hán việt đối chiếu của THIỀU CHỮU và, cùng lúc, có tham khảo bản dịch Tứ Sơn Kệ của NGÔ TẤT TỐ, Văn Học Đời Trần, ấn bản năm 1960.
1BA TÀI, tức là trời, đất và người.
2Những chú thích dưới đây dẫn theo sách VHDT. Trịch quả: ném quả. Sách Thế Thuyết nói: Phan Nhạc rất đẹp mỗi khi ra đường, đàn bà lấy các thứ quả ném đầy cả xe. Vì vậy người ta hay dùng điển này để nói người đẹp trai.
3TAM DƯƠNG: Ba khí dương, tức là mùa xuân.
4SẮC: các hiện tượng vật chất
5DANH: các hiện tượng tinh thần.
1TRÚC MÃ: ngựa bằng tre. Sách Tân Thư nói: Hoàn Oân lúc nhỏ, thường hay bẻ tre cưỡi làm ngựa.
Ban y: Thứ áo sặc sỡ của trẻ con. Sách Hậu Hán thư nói: Lão Lai ngoài bảy mươi tuổi, hãy còn cha mẹ, ông ta thường mặc áo năm màu sắc sỡ, chơi đùa dưới đất như trẻ con, để mua vui cho hai thân.
2BỒ LUÂN: Bánh xe có bọc cỏ cói. Sách Sử Ký chép: Đời xưa làm lễ Phong Thiện, thường dùng cỏ cói bọc vào bánh xe mà đi, sợ rằng hại đến cây cỏ trên núi. CƯU TRƯỢNG: Cái gậy khắc hình con cưu, gậy của người già. Sách Hậu Hán Thư nói: người nào tuổi đến bảy mươi, nhà vua ban cho một chiếc gậy ngọc, đầu gậy chạm hình chim cưu. Cưu là giống không nghẹn, tặng chiếc gậy đó, có ý muôn người già khỏi nghẹn.
3TRỜI: Không có nghĩa chỉ định mệnh hay thiên mệnh, mà chỉ có ý nói rằng: con người sinh ra đời, khi thân mệnh đã suy tàn, con người sẽ chết, không nhất định là già hay trẻ.
1Lư Y cũng là Biển Thước. Vì Biển Thước nhà ở đất Lư, cho nên người ta gọi là Lư Y.
2DẠ DÀI: Đài đêm, chỉ về âm phủ.
3TUYỀN LỘ: Cửa của suối vàng, chỉ về âm phủ.
4THÁI TUẾ: Tức là sao Mộc; đi mười hai năm mới hết một vòng. Vì vậy ngươi Tàu ngày xưa mới dùng tên của những ngôi sao đặt tên cho mỗi năm.
5HUYỀN HƯ: Một sao trong đoàn nhị thập bát tú.
6BÁT THỦY: Tám dòng nước của tám con sông: Kinh, Vị, Lao, Bá, Sản, Lễ, Lạo, Tuyết.
7Lão Tử nói: “ta có sự lo lớn vì ta có cái thân”
1Trong Từ Bi Tam Muội Thủy Sám có câu: “Tội tính không giả, tội vô tự tính, tòng nhân duyên sinh, điên đảo nhi hữu, kỳ tòng nhân duyên nhi sinh, diệc tòng nhân duyên nhi diệt”
1Tuy Vậy, do trẫm sớm giác ngộ, mới làm văn sám này cho mọi người, từ quan tới dân, biết mà noi theo.
1NGUYỄN LANG:, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Lá Bối xuất bản 1974.
2Chúng tôi chọn lấy khóa lễ nửa đêm là giờ yên tịnh nhất, tức khóa lễ cuối cùng trong ngày, nhằm thanh lọc Ý căn. Trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Ý) thì ý căn là chủ động…
HT.Thích Đức Nhuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 66
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 64
Hôm nay : 5595
Tháng hiện tại : 168386
Tổng lượt truy cập : 29107440