Chính sách của vua Minh Mạng đối với Phật giáo

Thứ sáu - 26/08/2011 06:35
Chính sách của vua Minh Mạng đối với Phật giáo

Chính sách của vua Minh Mạng đối với Phật giáo

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu sau Tây lịch và đã nhanh chóng ăn sâu bám rễ trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Trải qua bao biến động, lúc thịnh lúc suy, nhưng Phật giáo đã tự khẳng định như một thành tố không thể tách rời khỏi văn hóa dân tộc và ở triều đại nào Phật giáo cũng luôn dành được nhiều thiện cảm, ưu ái của các tầng lớp vua quan, nho sĩ cho đến thứ dân. Chính sách của vua Minh Mạng đối với Phật giáo là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự quan tâm của nhà nước phong kiến mà đứng đầu là nhà vua đối với tôn giáo này.

 

 

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích thái độ, những việc làm cụ thể của vua Minh Mạng đối với Phật giáo, từ đó khái quát nên chính sách của vị vua này đối với Phật giáo, đồng thời khẳng định vai trò, sức sống của Phật giáo trong lòng dân tộc.

Sau khi đánh bại triều Tây Sơn, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Đàn Trong và Đàn Ngoài, ngày 01/06/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Huế, mở đầu cho vương triều Nguyễn qua 13 đời vua, tồn tại 143 năm (1802-1945).

Minh Mạng là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1820-1841, được đánh giá là vị vua anh minh nhất của nhà Nguyễn. Trong thời gian cầm quyền của mình, nhà vua rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Trong khi Thiên Chúa giáo bị triều đình coi là tà đạo, bị kỳ thị cấm đoán, thậm chí bị đàn áp, bắt bớ thì Phật giáo vẫn được xem là chính đạo, là một tôn giáo giúp ích cho đời. Vua Minh Mạng đã từng bảo quân hầu rằng:

“Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng chỉ dạy luân thường là môn dùng hằng ngày, song tóm lại chung quy cũng đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. Kể cả người ta sinh ra trong vòng trời đất nên làm điều thiện nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy họa phúc, báo ứng ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người làm thiện dẫu Thánh nhân có sống lại cũng không thể đổi bỏ đi được[9, XV, tr.54].

Từ việc nhìn thấy được những mặt tích cực của Phật giáo, vua Minh Mạng đã dành cho tôn giáo này nhiều ưu ái, hậu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho nó phát triển.

1.Trùng tu xây dựng các công trình Phật giáo, dành nhiều đặc ân cho các ngôi quốc tự:

Vua Minh Mạng đã cho phép và cung cấp rất nhiều tiền của để trùng tu, xây dựng chùa chiền, đúc chuông, dựng tượng trong phạm vi cả nước. Ở phía Bắc, nhà vua đã cho trùng tu chùa Sùng Ân (Hà Nội), chùa Trấn Bắc (Hà Nội), chùa Cổ Am (Ninh Bình). Ở Thuận Hóa, hai ngôi chùa cổ là chùa Kính Thiên (Quảng Bình), chùa Cảnh Tiên (Quảng Trị) được nhà vua cấp hơn 100 lạng bạc để tái thiết cho đẹp thêm. Đặc biệt, ở Quảng Nam, vua Minh Mạng đã ủng hộ số tiền rất lớn để trùng tu cả bốn chùa Tam Thai, Trang Nghiêm, Từ Lâm, Ứng Chân thuộc vùng núi Tam Thai. Châu Bản Triều Nguyễn chép việc này như sau:

“Ngày 20 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 6 (1825) thần Nguyễn Hữu Thận, thần Nguyễn Văn Thạc phụng chỉ:

Lần này tu bổ chùa cổ tích ở núi Tam Thai, Quảng Nam đã xuống chỉ truyền xuất tiền kho Quảng Nam 3 ngàn quan để thuê mướn nhân công. Nay nghĩ vì công trình khá lớn, truyền cho xuất thêm lúa kho dinh ấy phát gạo 500 hộc cho Nguyên phái viên Nguyễn Công Liễu và Vương Hưng Vân nhận lãnh chước lượng thuế cấp nhân công làm việc.

Khâm thử”[3, tr.40].

Còn ở quanh kinh thành Huế và phủ Thừa Thiên, nhà vua thường xuyên cho sửa chữa, trùng tu các ngôi chùa, ban nhiều tiền của để đúc chuông, tô tượng. Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua đã ban 300 quan tiền và vôi ngói gạch cho chùa Quốc Ân, và giao cho Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng trùng tu chùa, mở rộng lớn hơn xưa. Vua lại lệnh cho Thiền sư đúc một cái đại hồng chung, một cái trống rất lớn và cho một pho tượng Phật A Di Đà[1, tr. 278].

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhân một cuộc tuần du ở Thừa Thiên Huế và cũng nhân dịp lễ thất tuần khánh thọ của bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, vua đã cho xây chùa Thánh duyên trên nền ngôi chùa cũ, đặt câu đối khắc trước cửa chùa, ban biển hiệu là “Thánh Duyên Quốc Tự”, tạo tượng Phật, pháp khí rất nhiều và tạo một đại hồng chung cân nặng 464 cân, cao 1m28, đường kính miệng 0,70m. Năm sau (1837), lại dựng bia “Ngự Chế Thánh Duyên Tự”. Bia cao 1m72, rộng 0,84m, dài 0,25m. Chuông bia và nhiều di tích đến nay đang còn. Vua lại cho trùng tu chùa Vinh Hòa ở Quy Cảnh và đổi tên là Trấn Hải Tự[1, tr.277].

Đặc biệt, vua Minh Mạng đã cho rằng kiếp trước mình là một vị sư tu hành đạo Phật, cho nên sau bao năm cho trùng tu, tái thiết các chùa khắp nơi, thì  vào năm Minh Mạng thứ 20 (1829) vua đã lấy tiền để của mình tại phường Đoan Hà, nay là khuôn viên Tam Tòa để cải biến thành chùa thờ Phật và ban biển ngạch là chùa Giác Hoàng. “Giác Hoàng” nghĩa là ông vua giác ngộ Phật pháp[1, tr.378].

Đối với các ngôi quốc tự, tức chùa công, chùa của nhà nước, nhà vua đã ban cho rất nhiều đặc ân, được nhà nước bao cấp, quan tâm xây dựng, tu sửa, được cấp ruộng công để chi tiêu, phụng thờ. Triều đình còn cấp phu để bảo vệ, quét dọn, coi giữ chùa chiền. Các sư Tăng tại chùa công do triều đình bổ nhiệm đều được cấp lương bổng, gạo thực phẩm, trang phục và các vật dụng khác, được miễn siêu dịch, thuế khóa. Hàng năm vào các dịp lễ lớn, các ngôi quốc tự được nhà nước chi cấp tiền bạc, gạo muối, hương đèn để tổ chức các việc Phật sự. Linh Hưu Quán, Thiên Mụ, Giác Hoàng, Thánh Duyên, Diệu Đế (Huế), Long Phước (Quảng Trị)… là những ngôi quốc tự lớn dưới thời Minh Mạng.

2.Thường xuyên tổ chức các nghi lễ Phật giáo

Không chỉ quan tâm đến việc xây dựng các công trình Phật giáo, vua Minh Mạng còn rất chú ý đến các nghi lễ Phật giáo. Có thể nói, Minh Mạng là vị vua tổ chức trai đàn nhiều nhất của Triều Nguyễn. Trong 20 năm cầm quyền, nhà vua đã tổ chức 17 lễ trai đàn ở nhiều chùa, trong đó nhiều nhất là chùa Thiên Mụ 5 lần. Ý nghĩa của các buổi trai đàn này là để cầu siêu, bạt độ, cầu quốc thái dân an hay cầu nguyện cho chính nhà vua hoặc các bà Hoàng Thái Hậu.

Lễ trai đàn ở các ngôi quốc tự được tổ chức rất trọng thể với sự chuẩn bị chu đáo của các quan đại thần trong Nội các. Kinh phí tổ chức trai đàn đều xuất từ tiền kho của nhà nước. Đổng lý trai đàn lập sách tiêu kê khai các khoản chi tiêu đưa về Nội các. Môi dịp trai đàn, các sư Tăng chúng ở khắp nơi được triệu tập , được khoản đãi cơm nước, cấp lộ phí đi đường. Hiện nay, Châu Bản vẫn còn lưu giữ nhiều bản kê khai chi tiêu trai đàn tại các chùa. Chẳng hạn:

Ngày 24 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 2 (1841), trấn thủ Quảng Ngãi Nguyễn Văn Soạn tâu đã gọi Hòa thượng Huệ Quang và 36 Tăng chúng lên đường về kinh dự lễ trai đàn Thiên Mụ.

“Vâng mệnh đến cộng đồng truyền, trong đó có nói tại kinh có thiết lập (….) Hòa thượng và Tăng chúng 36 người đều được cấp tiền mỗi người 6 quan làm lộ phí và chiếu chuẩn cho (…) về kinh bằng đường thủy, ước vào khoản thượng tuần thứ 6 đến hầu trai đàn chùa Thiên Mụ. Bọn thần khâm tuân gọi Hòa thượng ấy cùng Tăng chúng đến đông đủ, cấp chiếu nhân số cấp phát tiền lộ phí, cộng là 144 quan và xuất lấy một ghe trong hạt của Đặng Văn Thái thuê trai bạn 5 người, tiền thuê là 7 quan, tính chung là 151 quan và cấp giấy đi đường cho Hòa thượng. Đáp ghe của y giờ Mẹo ngày 24 tháng này đi đường biển lên kinh”[3, tr.51].

Qua việc tổ chức trai đàn một cách trọng thể, quy mô, thường xuyên chuẩn bị và tiến hành một cách chu đáo của các đại thần trong triều, cùng sự tham gia của nhà vua và nhiều triều thần đã cho thấy sự quan tâm của triều đình đối với các buổi lễ Phật giáo nói chung và trai đàn nói riêng. Đồng thời, những ưu đãi của nhà nước đối với các ngôi quốc tự đã phần đã phản ánh thái độ cũng như chính sách khoan dung của vua Minh Mạng đối với Phật giáo.

Không chỉ vậy, đối với các vị cao Tăng chân tu có nhiều uy tín, vua Minh Mạng cũng rất coi trọng và ban nhiều đặc ân như trường hợp sư Nguyễn Giác Ngộ trụ trì ở Long Sơn Bát Nhã tại Phú Yên thời Minh Mạng. Trong bài thượng dụ ngày 18 tháng 10 năm Minh Mạng 21 (1840) cho biết:

Lần này về kinh có Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã là người tĩnh tâm tu luyện, tịch cố đã hơn 40 năm, khổ hạnh cao phong như thế thật là quý hóa. Truyền cấp cho một văn bằng Tăng cang và gia ân thưởng cho 20 lạng bạc, trang phục, áo quần vải màu mỗi thứ 5 bộ, cho trạm dịch đưa về chùa cũ trụ trị. Trên lộ trình đi qua các hạt phải phái người hộ tống để đi đường được an toàn tốt đẹp.

Lại truyền cho viên  tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật  dụng thuê dân phu sửa chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ đang trụ trì cho được quan chiêm. Số dân phu thuê bao nhiêu người, truyền cấp  khá khá cho mỗi người mỗi tháng 4 quan tiền và 1 vuông gạo để chúng vui vẻ làm sớm hoàn thành công việc. Sau khi xong các việc cứ khai tiêu.

Khâm thử”[3, tr. 81-84].

3.Tổ chức cuộc thi sát hạch giới luật.

Sự quan tâm của vua Minh Mạng  đối với Phật giáo không chỉ dừng lại ở công việc xây dựng chùa chiền hay tổ chức trai đàn, cúng tế, mà nhà vua còn chú ý cải tổ và chấn chỉnh lại tổ chức và hoạt động của Phật giáo. Minh Mạng là vị vua đầu tiên tổ chức cho tất cả các chư Tăng trong nước tham dự cuộc thi sát hạch giới luật. Sau cuộc thi này nhà sư nào tinh thông về giới luật mới được cấp giới đạo, độ điệp để tiếp tục tu hành, được miễn hoàn toàn thuế, lao dịch, cử làm trụ trì trong nước và  được kính trọng. Còn ai không được phải hoàn tục, phải tự làm ăn và chịu sưu dịch như bình thường. Trong cuộc thi năm 1830, tại chùa Bảo Quốc đã có 53 sư Tăng trong cả nước về kinh dự lễ sát hạch, trong đó có 50 sư Tăng được cấp giới đạo, độ điệp. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ có chép lại sự việc này.

“Minh Mạng thứ 11 (1830) chỉ dụ: Lần này sư ở chùa các hạt gọi đến kinh gồm gồm 53 người, đã qua bộ lễ sát hạch dựng thành danh sách tâu lên, nay chuẩn thưởng cấp. Cho 12 người vào hạng xảo thông đều cấp 5 lạng bạc; 38 người vào hạng hơi thông đều cấp 3 lạng bạc, lại ban tiệc chay ở chùa Thiên Mụ 1 lần, chuẩn đều cấp độ điệp giới đạo, còn 3 người không thông, không chuẩn cho thưởng cấp để tỏ ra có phạt, điều khiến cho về”[6, VI, tr. 139].

Qua các cuộc thi sát hạch Tăng sĩ, cấp giới đạo, độ điệp đã giúp triều đình có thể kiểm soát số lượng Tăng sĩ trong nước, từ đó quan lý hoạt động của họ, cũng như để loại bỏ những người không thật chân tu trong Phật giáo, ngăn chặn một số tội phạm, hung đồ lợi dụng chùa chiền để ẩn nấp. Đồng thời qua các kỳ thi sát hạch triều đình đã giúp Phật giáo tìm thấy được những vị sư chân tu, thực tu, thực chứng, uyên thâm Phật học và những người này được triều đình tạo điều kiện tiếp tục con đường đạo pháp. Đây là một việc làm hữu ích cho Phật giáo, góp phần vào làm sáng tỏ chánh pháp nhà Phật, đưa sinh hoạt Phật giáo đi vào nền nếp.

Nhìn chung, dười triều Minh Mạng, Phật giáo đã được triều đình đặc biệt quan tâm nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây là giai đoạn nhiều chùa chiền đã được trùng tu, xây dựng, sinh hoạt, đàn chay, cúng tế cũng được tổ chức thường xuyên, trọng thể và quy mô, nhất là các ngôi quốc tự rất được triều đình quan tâm với nhiều hậu đãi. Sự khoan dung cùng nhiều ưu ái của vua Minh Mạng dành cho Phật giáo chính là chính sách kế thừa của các triều đại trước. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, chưa có triều đại nào đàn áp hay quá khắc khe với Phật giáo mà phần lớn đều dành cho Phật giáo nhiều thiện cảm. Bởi lẻ trong thời gian tồn tại của mình, Phật giáo đã chung sống hòa bình và có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển chung của dân tộc, là nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân Việt.

Chính sách của triều Minh Mạng đối với Phật giáo đã một lần nữa khẳng định vai trò sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của Phật giáo trong dòng chảy của dân tộc. Dầu ở triều đại nào, Phật giáo cũng sẽ sống đồng hành cùng dân tộc Việt Nam và được dân tộc Việt Nam che chở, nuôi dưỡng và phát triển. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Văn hóa Sài Gòn, Tp Hồ Chí Minh.

2.  Đỗ Bang (2006), “Chính sách tôn giáo của triều Nguyễn, những bài học kinh nghiệm lịch sử”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 77, trang 19.

3.  Châu Bản triều Nguyễn (2003), Tư liệu Phật giáo, Lý Kim Hoa sưu khảo biên dịch, Văn hóa thông tin.

4.  Phan Đại Doãn (1996), “Vài nét về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam thế kỷ XIX” Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 3, trang 23.

5.  Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử Luận, Tập 3, Lá Bối.

6.  Nội các triều Nguyễn (1993) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Viện sử học dịch, Thuận Hóa, Huế.

7.  Quốc sử Quán triều Nguyễn (1972) Minh Mệnh chính yếu, Phủ Quốc Vụ đặc trách, Văn Hóa Sài Gòn.

8.  Quốc sử quán triều Nguyễn (1963) Đại Nam thực lục chính biên, Sử học Hà Nội.

9.  Quốc sử quán triều Nguyễn (1978) Đại Nam thực lục chính biên, Viện sử học dịch, Khoa học Xã hội Hà Nội.

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002) Đại Nam thực lục chính biên, Giáo dục sử học dịch, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1971) Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Viện sử học.  

 

 

 

Ths.Nguyễn Duy Phương

Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẳng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: phật giáo
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 67

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 65


Hôm nayHôm nay : 5174

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 167965

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29107019


Ảnh đẹp