1. Bối cảnh lịch sử thời Ngô – Đinh – Tiền Lê
Lịch sử giai đoạn này được đánh dấu bằng sự kiện vĩ đại: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên song Bạch Đằng( năm 938). Từ đây, đất nước ta chính thức thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của riêng mình.
Tuy nhiên, mới bước vào kỷ nguyên độc lập, nước ta lúc ấy đứng trước hai thách thức to lớn:
Một là yếu tố các từ bên ngoài: sự dòm ngó, rình rập của phương Bắc và nguy cơ tái xâm lược của kẻ thù nhằm thực hiện âm mưu biến nước ta thành quận, huyện của chúng.
Hai là tình hình trong nước vẫn còn lộn xộn, ngổn ngang – nghĩa là nhà nước chưa có chính sách cai trị rõ ràng, còn luật pháp cũng như các kỷ cương, phép tắc duy trì và củng cố trật tự xã hội mới đi được những bước đầu tiên.
Đứng trước tình hình đó, may mắn thay, những người đứng đầu nhà nước ta đã nhanh chóng nhân thức được: muốn xây dựng một nhà nước Đại Việt vững mạnh, chỉ có cách dựa vào sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, chảy suốt mấy ngàn năm lịch sử. Vấn đề là ở chỗ: trong bối cảnh lúc bấy giờ, phát huy sức mạnh ấy ở đâu và như thế nào?
Một cách ngẫu nhiên, Phật giáo với những tương đồng về tâm tư, tình cảm, lối sống… ngay lập tức phát huy được giá trị tinh hoa, có nhiều đóng góp quan trọng đối với đời sống xã hội. Phật giáo xâm nhập bằng con đường hòa bình, tự nguyện lại chan chứa tinh thần nhân văn, nhân đạo đã bám rễ trong đời sống và có ảnh hưởng sâu rộng từ vua quan, tang lữ lẫn đến dân. Sức mạnh đoàn kết chính là ở chỗ này.
2. Đóng góp của Phật giáo trên những phương diện cụ thể
2.1 Về chính trị
Thực tế đã chứng minh rằng các vị vua của các triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê đều là những người coi trọng và yêu đạo Phật, biết trân trọng tầng lớp tăng lữ. Vào thế kỷ thứ X, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, nhận thấy tầm quan trọng của Phật giáo, đã có lúc đặt ngạch quan riêng cho họ. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức Tăng thống Phật giáo trong lịch sử nước ta, và “Quốc sư” đầu tiên chính là Khuông Việt. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tân Mùi, năm thứ 2( 971) Tống, Khai Bảo năm thứ 4 … cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ni làm Tăng đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi” [1]. Không ngạc nhiên khi sử sách nước nhà từng ghi nhận một đội ngủ đông đảo các nhà sư và tăng lữ tham chính, có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước như: Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh.
Bên cạnh công việc suy tư – nghiền ngẫm các kinh điển Phật giáo, truyền bá tư tưởng cho các môn đệ nhằm đào tạo ra một lớp người am hiểu, tinh thông Phật pháp; các nhà sư còn đồng thời là những vị cố vấn đắc lực cho triều đình. Họ vừa tham gia đối nội, vừa tham gia đối ngoại. Công trạng họ để lại không chỉ đánh dấu bằng những sự kiện được sử sách ghi chép lại mà còn phần nào thể hiện ở chính trước tác mỗi người.
Trước tiên, phải kể đến Thiền sư Khuông Việt – Ngô Chân Lưu(933 – 1011). Ông là cố vấn trực tiếp cho Lê Hoàn, được Lê Hoàn ban hiệu Khuông Việt, có nghĩa là “yêu nước Việt”. Với bài thơ Vương lang quy, ông được xem như một nhà ngoại giao “tầm cỡ”, mở đầu lịch sử bang giao Việt Nam.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 978, nhà Tống sai Lý Giác sang phong vương cho Lê Hoàn. Lê Hoàn đón tiếp rất đàng hoàng, long trọng. Sứ giả nhà Tống bối cảnh đó, Lê Hoàn sai Ngô Chân Lưu tiễn sứ và Vương lang Quy ra đời:
Tường quan phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý phuc thương lang
Cửu thiên qui lộ trường
Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tình lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Bài này đã được dịch:
Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương
Thần tiên lại đế hương
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương
Về trời xa đường trường
Tình thảm thiết
Chén lên đường
Vin xe sứ vấn vương
Xin đem thâm ý vì biên cương
Tâu vua ta tỏ tường [2]
Đặt bài thơ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ mới thấy tài năng và tầm vóc của Khuông Việt đại sư. Một mặt, tác giả hết lời ca ngợi “thiên triều” và sứ thần phương Bắc; mặt khác, là thông điệp chính trị kín đáo mà tinh tế muôn truyền tải tới nhà Tống nên “lưu ý về chốn biên cương” để tâu rõ lên thánh hoàng. Trong ý nghĩa như vậy, Khuông Việt với tư cách là Tăng thống, Quốc sư đã đưa ra những kế sách, chiến lược đối phó với phương Bắc; có những đóng góp trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt và “thiên triều” – vừa giữ cho nước nhà được yên ổn lại tránh được thảm họa binh đao.
Tiếp nữa, phải kể đến nhà sư Đỗ Pháp Thuận(915 – 990). Cũng giống như Khuông Việt, ông được vua Lê Đại Hành tin tưởng và trọng dụng. Sách Thiền uyển tập anh ghi: “sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long thọ làm thầy. Sau khi đắc pháp, sư nói ra lời nào cũng phù hợp với sấm ngữ. Đang vào lúc nhà Lê dựng nghiệp, trù kế hoạch định sách lược, sư tham dự đắc lực. đến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong thưởng. Vua Lê Đại Hành càng thêm kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư và đem việc soạn thảo văn thư giao phó cho sư”[3]
Có lần, sư được vua Lê Hoàn cử làm khách đò giang đón sứ giả Lý Giác. Vốn là người ưa thích nói chiện văn thơ, lúc bấy giờ, bỗng có 2 con ngỗng lội trên mặt nước, Giác ngâm đùa rằng:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nga
(Ngỗng ngỗng 2 con ngỗng
Ngửa mặt nhìn lên trời)
Pháp sư đương cầm chèo, liền đáp lại:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng chạo bãi thanh ba
(Nước lục phô long trắng
Chèo hồng sóng xanh tươi)
Lý Giác nghe xong rất hài lòng và cảm phục.
Đó chỉ là minh chứng nhỏ cho thấy tài năng của vị thiền sư này. Tuy nhiên, nhắc đến ông, người ta quan tâm đến bài thơ “Quốc tộ”
“Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình,
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh”.
(Vận nước như mây cuốn,
Trời Nam hưởng thái bình.
Vô vi trên điên các,
Chốn chốn dứt đao binh).
Về nội dung bài thơ, thiết tưởng không cần phải bàn thêm. Nó đề cập đến phương châm trị nước lúc bấy giờ: muốn đất nước ổn định, thái bình thịnh trị dài lâu thì nhà vua phải lấy vô vi làm kế sách chủ đạo. Lời khuyên của Thiền sư Pháp Thuận đã đáp ứng được thực tiễn và yêu cầu lịch sử. Trong bối cảnh nước nhà vừa giành được độc lập – một nền độc lập “mong manh” – thì nguy cơ nội chiến và tái xâm lược vẫn là hiểm họa không lường. Vậy nên, rất cần việc cũng cố nên tự chủ, xây dựng đất nước thái bình. Theo cố PGS. Bùi Duy Tân, bài thơ là một bản “Tuyên ngôn hòa bình sớm nhất, có tầm chiến lược của thời kỳ đầu dựng nước”
Vị thiền sư nữa cần được được nhắc tới ở các triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê là Vạn Hạnh. Sách Thiền uyển tập anh cho biết: ông là “Người Cổ Pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thời Phật. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, gồm thông ba học nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng với Đinh Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, Sư học tập quên cả mỏi mệt. Sau k hi Thiền Ông viện tịch, Sư chuyên tập pháp môn Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm công việc riêng mình. Bây giờ Sư nói ra lời nào thiên hạ đều cho là phù sấm.
Năm Thiên Phúc thứ 1 (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp, Lãng Sơn. Vua mời Sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi, Sư đáp: “Trong vòng 3,7 ngày giặc phải lui”. Sau quả nhiên như thế.
Đến khi vua muốn đánh Chiêm Thành, việc bàn định chưa dứt khoát, Sư tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Sau đánh quả nhiên thắng trận”
Như vậy, từ thưc tế đã nêu, không thể phủ nhận vai trò của các Thiền sư đối với “vận nước” buổi đẩu thời tự chủ. Chính đội ngũ thiền sư ấy đã góp tiếng nói đáng kể - trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại – giúp nước nhà tránh được những cuộc binh đao, chém giết, tàn sát lẫn nhau, Ở một góc độ náo đó, có thể xem họ đã đồng hành cùng dân tộc qua các chặng đường lịch sử, hay nói rộng ra: Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc.
2.2 Đóng góp của Phật giáo đối với Văn hóa – Xã hội và Văn học về phương diện xã hội
Sau khi giành độc lập, nhân dân ta có điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn trước những khả năng của mình… nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc của phương Bắc. Nhà nước quân chủ muốn bảo vệ nền độc lập mới, càng phải dựa vào nhân dân. Chính “lòng từ bi, quảng đại, vô lượng, vô biên của nhà Phật đang là lý ý chí của nhân dân để thương yêu đùm bọc nhau sau mười thế kỷ bị ngoại tộc đô hộ”. Muốn tận dụng được lòng dân, phải dựa vào đức tin của họ. Người dân ta từ bao đời nay, hướng tới Phật giáo không phải ở những triết lý cao siêu mà “thờ Phật theo lối thế gian, theo lối bình thường của thế giới hữu tình, nặng cầu xin, luyện tâm tính để hướng thiện răn ác”. Nhà vua và tầng lớp tăng thống đã tận dụng những ưu việt của Phật giáo để giáo hóa dân chúng, tìm sử ửng hộ, cố kết tính cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu: “vua tôi đồng lòng, cả nước đánh giặc”.
Hơn nữa, giai đoạn này, nhiều ngôi chùa cũng được nhà nước quân chủ cho xây dựng nhằn đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của nhân dân. Và chính những ngôi chùa ấy, đến lượt nó trở thành di sản quý báu, mang đậm hơi thở của văn hóa Việt và phản ánh hồn dân tộc.
Về phương diện văn hóa:
Người Việt Nam có câu: “Đất vua chùa làng”. Hàng nghìn năm, dân ta có lúc mất nước nhưng không mất làng. Văn hóa làng – trong đó chất chứa nhiều “hàm lượng” văn hóa Phật giáo – vẫn tồn tại. Chùa là của làng xã, nơi tập hợp lòng người ở đơn vị cơ sở của xã hội.
Chúng ta có kiến trúc Phật giáo Việt Nam nằm ở cố đô Hoa Lư – nơi nhà Đinh và tiếp đó là nhà Tiền Lê vì mục đích quân sự đóng đô. Nơi đây cũng để lại những di sản hết sức độc đáo như chùa Đại Vân, chùa Vạn Tuế, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… đánh dấu bước phát triển mới của chùa Tháp Việt Nam. Gọi là Nhất Trụ vì chùa có một cột đá cao hơn 3 mét, có 8 mặt, trên các mặt khắc bài thần chú trong kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ. Đây là một cột hinh đá do vua Lê Đại Hành làm ở niên hiệu Ứng Thiên thứ 2(năm 995) để dâng nhà nhà Phật. Các nhà sử học và mỹ học đều thống nhất cho đây là thạch kinh cổ nhất Việt Nam vì nó được cấu thành và lắp ghép từ 6 bộ phận – cả 6 bộ phận đều được làm bằng đá, gá lắp vào nhau bằng các lỗ mộng và ngõng tròn. Không phải ngẫu nhiên mà nói tới nghệ thuật điêu khắc đá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, người ta thường kể đến các tượng Phật bằng đá và bia đá chùa Nhất Trụ. Hay nói như PGS. Vũ Ngọc Khánh: với kiến trúc chùa Nhất Trụ, “phải chăng, nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp trên đá của cư dân Hoa Lư đã cớ từ lâu đời, cách ngày nay trên 1.000 năm?”
Thạch kinh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 971 khi vua Tống cho khắc kinh Đại tạng lên cột đá để cóng dường. Chỉ hai năm sau, Việt Nam Vương Đinh Liễn (con trai Đinh Tiên Hoàng) đã cho dựng 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh đà la ni ở Hoa Lư, mờ đầu dòng chạy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam. Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng) – với mong muốn làm nên những cuốn kinh Phật bền vững tới muôn đời sau. Sau nhà Đinh, Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ cuối thế kỷ X về sau, nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng thạch kinh trước điện thờ Phật.
Theo GS. Hà Văn Tấn, từ năm 1963 cho đến nay, “đã tìm được ở Hoa Lư gần 20 cột đá khắc các văn minh liên quan đến Phật Giáo, bên bờ sông Hoàng Long, cách đền thờ vua Đinh khoảng 2 km. Đó là những cột có 8 mặt, dài trong khoảng từ 0,5 đến 0,7 m. Trên cột đá tìm được năm 1963, có dòng chữ ghi rõ rằng Việt Nam vương Đinh Khuông Liễn, tức con trai của vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng 100 cột kinh như thế vào năm Quý Dậu – 973”. Rõ ràng, đây là một di sản rất quý báu, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của chùa tháp Việt Nam mà còn bao trùm len cả nền văn hóa bản địa. Kết quả là chúng ta có một nền nghệ thuật chạm khắc đá với các nghệ nhân tài ba mà dấu tích còn lại chính là kiến trúc ở cố Hoa Lư – Ninh Bình.
2.3 Về văn học
Chúng ta đều biết rắng các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê (939 – 1009) kéo dài chưa đầy một thế kỷ, lại ở giai đoạn đầu của quá trình tự chủ nên ngần ấy thời gia, khó có thể hình thành nên một diện mạo văn học hoàn chỉnh. Ở triều đại Ngô, chưa có gì ngoài lời bàn của Ngô Quyền về kế sách của Hoằng Thao (Dự phá Hoằng Thaochi kế). Triều Đinh cũng chỉ có lời sấm nhằm đả kích Đỗ Thích. Chỉ đến thời Tiền Lê (980 – 1009), mới thấy xuất hiện những tác phẩm thi ca như “Quốc tộ” của Đỗ Pháp Thuận, “Vương lang quy” của Ngô Chân Lưu.
Những tác phẩm này đều có tính chính luận sâu sắc, phản ánh những vấn đề liên quan trực tiếp đến thế sự và vận mệnh dân tộc.
Trước hết, nói về bài Vương lang quy của Ngô Chân Lưu. Chúng tôi tán thành với quan điểm của cố PGS. Bùi Duy Tân:”Vương lang quy thể hiên một tình cảm chân thành, một thái độ thân mật, một giọng điệu chữ tình, vừa đằm thắm, hôn hậu, vừa cứng cáp, sáng trong, vượt lối thơ bang giao thù tạc nhiều sáo ngữ, lắm từ chương”. Bài từ, ngoài cảm xúc chân thành, làm nên giá trị như đã nói ở trên, còn giàu ý nghĩa về thể loại. Vương lang quy là tác phẩm mở đầu cho thể tài từ khúc trong văn học cổ, một tài đăng thăng hoa để trở thành danh ngữ Tống từ, tiếp nối Đường thi, Hán phú… Tác phẩm quả thực có nhiều chữ hay, tứ đẹp, vừa lụa là gấm vóc, vừa tao nhã điển chương”
Cũng theo cố PGS. Bùi Duy Tân, ngoài tính chất chính luận mang hơi hưởng luận bàn về các vấn đề chính trị xã hội thì thi phẩm Quốc tộ là những “ hình ảnh giàu biểu tượng của tư duy logic, giản dị, chân chất, nghiêm chỉnh, hàm súc. Thơ làm theo thể ngũ ngôn tuyệt cú, đối ngẫu câu chữ chỉnh tề, vần luạt chặt chẽ, tạo nên khí sắc mạnh mẽ, giọng điệu hùng hồn, cảm giác thâm thúy”[12]
Với Thiền sư Vạn Hạnh, ông nổi tiến với thể loại sấm ký. Thiền uyển tập anh cho biết: “ hễ ông nói ra điều gì, thiên hạ đều coi như sấm”. Tuy nhiên, bài sấm nổi tiếng của ông được nhiều người nhắc đến là bại dự báo về triều đại Lý sẽ thay thế triều đại Lê.
Tật lê trấn Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình yên
(cây tật lê – tức nhà Lê chìm biển Bắc
Cây lý – tức nhà Lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám cõi được bình an).
Xét ở góc độ nào, sấm cũng có nhiều giá trị. “sấm cho ta biết một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đọc đáo của cộng đồng, lý tưởng muôn đời của dân tộc: muốn cho thánh minh đế vương để an nguy trị loạn. sự phồn thịnh của sấm thi, sấm ngữ, ở cái thời còn tao loạn và lắm thần linh, ma quỷ này là nét đặc biệt của tinh thần thời đại”[13]
KẾT LUẬN
Với tên bài viết là “ảnh hưởng của Phật giáo đối với lịch sử Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập”, chúng tôi muốn khẳng định vai trò của Phật giáo và những đóng góp trên các phương diện cụ thể. Điều này chứng tỏ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử - dù có lúc thăng có lúc trầm. Bên cạnh đó, còn là vấn đề giao lưu và tiếp thu biến văn hóa. Phật giáo là tôn giáo ngoại lại nhưng lại có sức sống bền bỉ trong lòng dân tộc vì triết lý Phật giáo khá gần gũi, có sự tương đồng với nếp cảm, nếp nghĩ của nhân dân ta.
CHÚ THÍCH
10. Bùi Duy Tân, Tuyển tập, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr.48
11. Bùi Duy Tân, Tuyển tập, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr.49
12. Bùi Duy Tân, Tuyển tập, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr.68
13. Bùi Duy Tân, Tuyển tập, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr.47
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 48
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 47
Hôm nay : 4551
Tháng hiện tại : 167342
Tổng lượt truy cập : 29106396