Vào đời nhà Trần, Phật giáo Đại Việt thống nhất lại dưới danh nghĩa “Phái thiền Trúc Lâm”, Hoàng gia nhà Trần sáng lập phái thiền Trúc Lâm, vì vậy, phái thiền Trúc Lâm cũng như Phật Giáo đời nhà Trần liên hệ chặt chẽ với Hoàng tộc nhà Trần.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương thứ Mười tám (Thế kỷ III Trước Dương lịch), phát triển vào thế kỷ II, III, và hưng thịnh dưới đời nhà Lý (1010-1224) và nhà Trần (1224-1400). Khi nhà Minh xâm lăng Đại Việt (1407-1427), vua nhà Minh đã phá hủy nền văn hóa của Đại Việt, tịch thu và thiêu hủy hết tất cả kinh sách của Đại Việt, đập phá các di tích văn hóa (bia đá, đền miếu …).
Riêng về Phật giáo, đời nhà Trần đã có in lại bộ Đại Tạng kinh Phật giáo với hơn 5.000 quyển, trong đó in lại hầu hết kinh sách của bộ Đại Tạng kinh đời nhà Nguyên của Trung Hoa và in thêm vào đó một số kinh sách của Phật giáo Việt Nam (do các tăng sĩ Việt Nam biên soạn; từ khi Phật giáo mới du nhập vào Đại Việt cho đến đời Trần, có nhiều tăng sĩ tài đức biên soạn các sách rất có giá trị).
Trong thời gian đô hộ (1407 – 1427), Nhà Minh đã cho tịch thu đem về Trung Quốc hoặc thiêu hủy hết các kinh sách Phật giáo của Đại Việt, sau đó nhà Minh lại cho đưa sang Đại Việt các kinh sách trong bộ Đại Tạng kinh của Trung Hoa được in lại vào thời Nhà Minh với một số sửa đổi . Như vậy, tất cả các kinh sách do các tăng sĩ Việt biên soạn đều bị tịch thu đưa về Trung Hoa hoặc bị thiêu hủy.
Sau khi Bình Định vương Lê Lợi đánh bại quân Minh (năm 1427), quân Minh thỏa thuận rút quân về nước; nhà Minh lại bắt buộc vua Lê Thái Tổ phải tìm con cháu của nhà Trần để đưa lên ngôi; vì vậy, vua Lê Thái Tổ nhờ các đại thần và các bô lão trong nước dâng biểu lên vua nhà Minh nói rằng: Hoàng gia nhà Trần không còn ai để nối ngôi nữa, để xin vua nhà Minh sắc phong cho vua nhà Lê.
Vào đời nhà Trần, Phật giáo Đại Việt thống nhất lại dưới danh nghĩa “Phái thiền Trúc Lâm”, Hoàng gia nhà Trần sáng lập phái thiền Trúc Lâm, vì vậy, phái thiền Trúc Lâm cũng như Phật Giáo đời nhà Trần liên hệ chặt chẽ với Hoàng tộc nhà Trần. Một số đông Hoàng tộc và các đại thần nhà Trần đều quy y hay xuất gia theo phái thiền Trúc Lâm.
Do đòi hỏi của nhà Minh, phải đưa Hòang gia Nhà Trần lên ngôi vua ở Đại Việt mới chịu sắc phong, vua Lê Thái Tổ muốn giữ ngôi vua và củng cố quyền hành nhà Lê, bắt buộc là phải tiêu diệt nhà Trần. Muốn tiêu diệt hết nhà Trần thì các vua nhà Lê cũng phải diệt phái thiền Trúc Lâm của Phật giáo để trừ tận gốc nhà trần. Do áp lực chính trị thời đó, nhà Hậu Lê phải ngầm áp dụng chính sách diệt Phật giáo, do đó, phải nâng đỡ Nho giáo để thay thế cho Phật giáo. Chính vì lý do đặc biệt này mà dưới đời Hậu Lê (1427-1527) Nho giáo hưng thịnh, Phật giáo hầu như không còn hoạt động, sinh hoạt Phật giáo không được đề cập đến trong các sách sử của triều đình nhà Hậu Lê.
Cũng vì lý do chính trị đó, một số hoàng tộc nhà Trần và các thiền sư phái Trúc Lâm đã phải vào rừng núi ẩn tu, một số khác phải bỏ xứ, qua lánh nạn ở ngoại quốc, có thể vào vùng đất Ninh Hòa, Diên Khánh của Chiêm thành, hoặc vào tận đến vùng lưu vực sông Đồng Nai của Chân Lạp hoặc qua Trung Quốc (vùng Quảng Đông …) … phái thiền Trúc Lâm mai một, Phật giáo suy thoái.
Đến đời nhà Mạc (1527-1593), Phật giáo được phát triển trở lại chút ít, nhưng vì tình trạng chiến tranh (thời Nam-Bắc triều: Nhà Mạc ở miền Bắc phải đánh dẹp nhà Lê Trung Hưng ở miền Thanh Hóa-Nghệ An), nên cũng bị hạn chế.
Như vậy, chúng ta thấy rằng : Trong suốt hai thế kỷ 15 và 16, nhất là dưới thời nhà Hậu Lê (1427-1527), Phật giáo Đại Việt bị suy thoái trầm trọng. Trong lúc đó, Nho giáo được nâng đỡ nên phát triển mạnh và hưng thịnh trong thời Hậu Lê.
Đến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1778), Phật Giáo mới được phục hưng và phát triển trở lại ở cả hai miền : Đàng Ngoài (Bắc Hà) và Đàng Trong (Nam Hà).
Sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), nhấùt là từ năm 1600, chúa Nguyễn Hoàng quyết định chăm lo xây dựng và phát triển lãnh thổ Đàng Trong (xứ Thuận-Quảng) để chống lại Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Các chúa Nguyễn đều chăm lo củng cố và phát triển Đàng Trong, ngày càng hưng thịnh. Các chúa Nguyễn hầu hết đều sùng mộ đạo Phật, hết lòng hộ trì Phật giáo, nhờ đó Phật giáo đã phục hưng ở Đàng Trong và ngày càng phát triển mạnh.
Ngoài ra, sau mấy thế kỷ nội chiến tương tàn: chiến tranh Nam-Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng (1543-1593), đến chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1600-1672)…, người dân Việt thấy rõ những đau khổ của cuộc đời… thấy rõ sự vô thường, giả tạm của cuộc đời. Muốn tìm lại nơi nương tựa, an ủi về tinh thần nên hướng về Tôn giáo. Nhờ đó, Phật giáo phục hưng ngày càng phát triển ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Ở Đàng Ngoài, Phật giáo bắt đầu phục hưng sau khi Hòa thượng Chuyết Công (Thiền sư Viên Văn-Chuyết Chuyết) thuộc phái thiền Lâm Tế cùng đệ tử từ Trung Quốc sang hòa hợp với những tinh túy của phái thiền Trúc Lâm còn truyền lại trong thời suy tàn của Phật giáo Đại Việt, đem lại một sinh khí mới giúp cho Phật giáo ở Đàng Ngoài được chấn hưng mạnh mẽ.
Khoảng năm 1664, thiền sư Thông Giác-Thủy Nguyệt sang Trung Quốc tham học theo phái thiền Tào Động của Hòa thượng Tịnh Chu trên núi Phượng hoàng ở Hồ Châu. Sau sáu năm chí thành tu học, đạt được tông chỉ của thiền, thiền sư Thủy Nguyệt trở về nước phổ truyền phái thiền Tào Động ở Đàng Ngoài. Tổ sư Thông Giác-Thủy Nguyệt cùng đệ tử là Thiền sư Tông Diễn-Chân Dung kết hợp tinh hoa của phái thiền Tào Động của Trung Quốc với phái thiền Trúc Lâm của Đại Việt sáng tạo thành phái thiền Tào Động ở Đàng Ngoài có những đặc trưng riêng của Thiền tông Đại Việt.
Kế tiếp sau đó, năm 1682, Tổ sư Minh Châu-Hương Hải cùng khoảng 50 đệ tử từ bỏ Đàng Trong ra Đàng ngoài, đem thêm những tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm ở Đàng Trong phổ truyền ở Đàng Ngoài .
Với thời gian các thiền sư của các phái thiền Lâm tế, Tào Động và Trúc Lâm ở Đàng ngoài hòa hợp nhau để cuối cùng chấn hưng và sáng tạo đem lại sinh khí mới cho truyền thống thiền tông Yên Tử của phái thiền Trúc Lâm ở Đại Việt; ngoài ra, các vua Lê chúa Trịnh, vương phi, cung tần cùng các quan tướng trong triều đình và các thiện nam tín nữ ở Đàng ngoài cũng chí tâm học đạo và hết lòng hộ trì phật pháp, nhờ đó phật giáo đàng ngoài phục hưng và phát triển mạnh với nhiều thiền sư nổi tiếng như: Chân Nguyên-Chánh Giác, Chân An-Tuệ Tĩnh, Chân Trú-Tuệ Nguyệt, Chân Lý Hiển Mật, Như Nguyệt, Như Đức, Như Nhàn, Như Trí, Như Sơn, Như Hiền (Nguyệt Quang) và Thượng sĩ Cứu Sinh hay thiền sư Như Trừng-Lân Giác sáng lập thêm phái liên hoa (sau này đổi thành Liên tông) giúp cho Phật giáo phổ truyền khắp Đàng ngoài.
Ngoài ra, các vua Lê, chúa Trịnh, cùng các vương phi, cung tần… đã thực hiện rất nhiều các công trình trùng tu hoặc xây dựng lại mới các chùa cổ nổi tiếng ở Đại Việt thời Lý và thời Trần, nhờ đó khôi phục lại phần nào sự hưng thịnh huy hoàng của Phật giáo Việt Nam thời Lý và thời Trần. Chính nhờ các công trình xây dựng và trùng tu chùa chiền này mà ngày nay chúng ta mới có thể thấy được phần nào thời hoàng kim của Phật giáo Đại Việt thời xưa với các chùa cổ như: chùa Dâu, Quỳnh Lâm, Phổ Minh, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Keo, chùa Tây Phương, chùa Tiên Lữ, chùa Đậu…
Vào đầu thời Tây Sơn, chiến tranh làm cho Phật giáo bị suy thoái, chùa chiền bị hư hoại; đến thời vua Cảnh Thịnh (1792-1802), Hải Lượng (tức Ngô Thời Nhiệm), cùng một số huynh đệ như Hải Âu, Hải Huyền, Hải Hòa… cố gắng chấn hưng lại phái thiền Trúc Lâm.
Vì vậy, Phật giáo ở Đàng Ngoài (1592-1802) chỉ bị suy yếu một thời gian ngắn trong thời Tây Sơn, đến thời nhà Nguyễn, Phật giáo phục hưng và phát triển trở lại.
......................................
Trong chương này, chúng tôi chỉ lược qua về hành trạng của các thiền sư thuộc truyền thống Yên Tử và hành trạng của Tam Tổ Trúc Lâm, chứ chúng tôi không đi sâu vào tư tưởng thiền học và ngữ lục của các vị trên. Vì đó là phần khảo cứu thuộc Phật giáo đời Trần, kính mong đọc giả đón đọc đầy đủ hơn về phái thiền Trúc Lâm trong sách “Lịch sử Phật giáo đời Trần” thuộc bộ sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của chúng tôi.
CHƯƠNG I
TRUYỀN THỐNG TRÚC LÂM YÊN TỬ
Phái thiền Trúc Lâm được thành lập vào đời nhà Trần. Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông) thành lập phái thiền Trúc Lâm với ý định thống nhất Phật giáo Đại Việt ; vì trước đó, vào thời nhà Lý, Phật giáo Đại Việt có ba phái thiền: Phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái thiền Vô Ngôn Thông, phái thiền Thảo Đường, ngoài ra có thể còn có một số chi phái thiền khác nữa.
Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia với pháp danh là Trúc Lâm Đầu Đà (hay Hương Vân Đại Đầu Đà) thành lập phái thiền Trúc Lâm để kết hợp các phái thiền ở Đại Việt vào thời đó. Phái thiền Trúc Lâm nổi danh với ba vị Tổ đầu tiên là: Trúc Lâm Đầu Đà, Tôn giả Pháp Loa và Tôn giả Huyền Quang, nhưng thực ra, phái thiền Trúc Lâm bắt nguồn từ truyền thống ở núi Yên Tử, nên người ta thường gọi là Trúc Lâm-Yên Tử.
Vị Tổ sư khai sơn truyền thống Yên Tử là Tổ sư Hiện Quang (1183-1222). Tổ sư Hiện Quang thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông, nhưng thực ra, thiền sư theo học rất nhiều thầy: Lúc đầu theo học với Thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ, sau đó lại theo học với Thiền sư Trí Không ở chùa Thánh Quả, tiếp theo đó, Thiền sư Hiện Quang lại vào đến Nghệ An, theo học với Thiền sư Pháp Giới trên núi Uyên Trừng. Cuối cùng , Thiền sư Hiện Quang mới về ẩn tu trên núi Yên Tử.
Sau khi Tổ sư Hiện Quang viên tịch, nối tiếp truyền thống Yên Tử là Quốc sư Phù Vân (hay Viên Chứng-Đạo Viên?), Thiền sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Dao, Thiền sư Huệ Tuệ… Thuộc truyền thống Yên Tử lúc đó còn có vua Trần Thái Tông (đệ tử của Quốc sư Phù Vân), Thượng sĩ Tuệ Trung (đệ tử của Thiền sư Tiêu Dao) …
Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia với pháp danh là Trúc Lâm Đầu Đà, thành lập phái thiền Trúc Lâm chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Yên Tử như trên, nhất là chịu ảnh hưởng của Thượng hoàng Trần Thái Tông và Thượng sĩ Tuệ Trung. Vì vậy, muốn hiểu rõ sự phục hưng của phái thiền Trúc Lâm ở Đàng Ngoài, chúng ta cần xem sơ lược qua về truyền thống Trúc Lâm-Yên Tử như sau:
A - Núi Yên Tử - quê hương của Phái thiền Trúc Lâm.
B - Các thiền sư thuộc truyền thống Yên Tử: Hiện Quang, Phù Vân, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ, Trần Thái Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung.
C - Tam Tổ Trúc Lâm (ba vị Tổ của Trúc Lâm) : Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa, Huyền Quang.
Trong chương này, chúng tôi chỉ lược qua về hành trạng của các thiền sư thuộc truyền thống Yên Tử và hành trạng của Tam Tổ Trúc Lâm, chứ chúng tôi không đi sâu vào tư tưởng thiền học và ngữ lục của các vị trên. Vì đó là phần khảo cứu thuộc Phật giáo đời Trần, kính mong đọc giả đón đọc đầy đủ hơn về phái thiền Trúc Lâm trong sách “Lịch sử Phật giáo đời Trần” thuộc bộ sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của chúng tôi.
Sau đây, chúng ta trở về quê hương của phái Thiền Trúc Lâm và các vị thiền sư thuộc truyền thống Trúc Lâm-Yên Tử.
A- NÚI YÊN TỬ
QUÊ HƯƠNG của PHÁI THIỀN TRÚC LÂM
Núi Yên Tử là quê hương và là thánh địa của phái thiền Trúc Lâm. Núi Yên Tử cao 1.068m, là núi cao nhất và là núi nổi danh nhất trong vùng núi Đông Triều của vùng đất thuộc bộ Ninh Hải, một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang thời Hùng Vương; thuộc vùng đất Tịnh Bang hay An Bang vào đời Trần; An Quảng đời Hậu Lê; trở thành hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh vào thời kỳ nhà Nguyễn và hiện nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Núi Yên Tử nằm ở vùng ranh giới của ba tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Yên ngày trước. Núi Yên Tử là “phúc địa” thứ tư của nước Giao Châu, tức của Đại Việt.
Núi Yên Tử đã có chùa thờ Phật từ xưa, theo lời tương truyền: Ngày xưa, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến luyện phép trường sinh ở núi này, nên núi có tên là Yên Tử; có thuyết nói rằng: Yên Kỳ Sinh đến núi này lập chùa và tu hành đắc đạo, người thời đó gọi là “Yên tự” tức “chùa của Ông Yên”, về sau gọi thành Yên Tử như ngày nay. Yên Kỳ Sinh người nước Tề, có quen với Khoái Thông và thường bày kế sách cho Hạng Vũ chống lại nhà Tần. Đến thời nhà Hán, qua tu ở Yên Tử.
Núi Yên Tử cao và gần bờ biển, thường có mây trắng bao phủ, nên còn có tên là “Bạch Vân sơn” (núi mây trắng). Núi Yên Tử ở xa trông giống hình một con voi đang quay đầu hướng ra vùng biển Đông và vùng Vịnh Hạ Long nên còn được gọi là “Tượng sơn” hay núi Voi.
ĐƯỜNG VỀ YÊN TỬ
Từ Hà Nội về núi Yên Tử có hai lối đi:
-Từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 5 đến Hải Phòng, từ Hải Phòng qua phà Bính, qua phà Rừng (sông Bạch Đằng), đến thị trấn Uông Bí, quẹo trái theo đường vào mỏ than Vàng Danh và vào núi Yên Tử.
-Từ Hà Nội theo quốc lộ 18 (đường Hà Nội-Hồng Gai), đi qua Bắc Ninh, Phả Lại, Đông Triều, đến Uông Bí, quẹo vào mỏ than Vàng Danh và đi vào núi Yên Tử.
Đến thị trấn Uông Bí, khách hành hương nghỉ ngơi, ăn uống, mua lương thực cho hành trình leo núi Yên Tử. Uông Bí là một thị trấn khá lớn, với khu Nhà máy điện Uông Bí và hai khu chợ trù phú.
Từ Uông Bí vào núi Yên Tử xa 17km, là đoạn đường đèo núi quanh co, phong cảnh xanh tươi thanh tịnh, đi bộ nửa giờ là đến Lán Tháp (gần mỏ than Vàng Danh). Từ Lán Tháp vào núi Yên Tử (khoảng 8km) đường xấu là vì đường đất đỏ, leo đèo vượt suối, phải qua chín đoạn suối (suối Giải Oan chảy quanh co trong vùng) vì không có cầu, nước suối trong veo và mát lạnh, bước trên những lớp đá cuội, con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy giữa vùng thung lũng hẹp và dài nằm giữa núi Bảo Đài ở phía Bắc và núi Cánh Gà cao vút ở phía Nam.
Ngày xưa, từ Lán Tháp vào đến chùa Long Động (hay chùa Lân Động) phải đi bộ, nhưng đường đi quanh co trong khu rừng thông, trúc, khe suối trong mát, cây cảnh tươi đẹp: khi thì qua khu rừng thông già với các cây thông cao vút, thẳng tấp, soi bóng dưới làn suối trong, gió thổi thông reo vi vu, nước chảy róc rách … Khi thì qua khu rừng trúc, cành lá xanh tươi lã lướt bên ngàn hoa tươi thắm …; khi phải vượt qua những cầu tre chông chênh vươn mình trên dòng suối nước trong, chảy lửng lờ quanh co tươi mát … Giữa cảnh rừng thông, rừng trúc, phong cảnh thanh tịnh, xa cảnh trần gian tục lụy náo nhiệt, phiền não; những mái chùa, những ngọn tháp cổ ẩn hiện dưới những hàng cây cổ thụ xanh tươi trên những sườn núi xa xa, làm cho tâm hồn lắng đọng, lòng trần phai lãng, chán cảnh vô thường, phiền não của cuộc đời, nên ca dao xưa có câu:
Nào ai quyết chí tu hành,
Có vào Yên Tử mới đành lòng tu.
CÁC CHÙA AM TRONG NÚI YÊN TỬ
Từ Uông Bí đi vào vùng núi Yên Tử, trước tiên là gặp chùa Bí Thượng ở trên ngọn đồi cao. Đi tiếp nữa là đến suối Cửa Ngăn.
Suối Cửa Ngăn là cổng vào vùng Yên Tử, suối này ngăn cách giữa vùng đồng bằng xung quanh với vùng Thánh địa Yên Tử. Suối Cửa Ngăn còn gọi là suối Tắm vì khi xưa Trúc Lâm Đầu Đà ghé tắm ở suối này trước khi lên núi Yên Tử xuất gia tu hành. Suối nước trong vắt, chảy quanh co, tiếng reo vang dội cả khu rừng núi yên tĩnh.
Qua sáu suối nữa là đến chùa Linh Nham. Từ xa, khách hành hương có thể nhìn thấy ngọn tháp và mái chùa ẩn hiện giữa những ngọn thông xanh. Chùa cất trên một ngọn đồi thông cao. Chùa Linh Nham còn gọi là chùa Cầm Thực vì tương truyền rằng “Trúc Lâm Đầu Đà” đến đây chỉ ăn rau vì và rau sống, uống nước suối (không ăn cơm).
Từ đây, đường bắt đầu lên cao dần, dốc hơi đứng hơn, băng qua hai dốc Mụ Chị và Mụ Em, và vượt qua nhiều suối nữa mới đến chùa Lân.
- Chùa Lân hay chùa Long Động ở thôn Năm Mẫu ở chân núi Yên Tử, nơi Điều Ngự Giác Hoàng hoằng pháp. Từ chùa Lân đi vào chân núi khoảng 2 km, vượt qua nhiều suối nước trong, bắt đầu lên núi Yên Tử.
- Chùa Giải Oan ở lưng chừng núi Yên Tư, nơi mấy trăm cung nữ trầm mình dưới suối, Trúc Lâm Đầu Đà phải lập đàn cầu siêu và dựng chùa Giải Oan.
- Chùa Vân Yên hay chùa Hoa Yên, nơi Điều Ngự Giác Hoàng và chư Tổ của phái thiền Trúc Lâm tu hành và hoằng dương Phật pháp, nối tiếp ngọn đèn pháp của Thiền tông Việt Nam.
- Chùa Một Mái hay chùa Hang, nơi Trúc Lâm Đầu Đà xem kinh sách, ngữ lục.
-Chùa Thiền Định bên suối Ngự Dội, nơi Điều Ngư thiền định.
-Am Vân Tiêu với năm ngôi tháp cổ, nơi Tam Tổ Huyền Quang thường thiền định.
-Am Bảo Sát của thiền sư Bảo Sát.
-Am Ngọa Vân, nơi Điều Ngự Giác Hoàng viên tịch.
- Chùa Đồng hay chùa Thiên Trúc ở đỉnh núi Yên Tử.
Bên cạnh các chùa am, bảo tháp của phái thiền Trúc Lâm, còn có các di tích của Yên Kỳ Sinh : Tượng đá Yên Kỳ Sinh, Am Dược, Am Thung (Am giả thuốc).
CHÙA LÂN - (CHÙA LONG ĐỘNG )
Chùa Long Động còn gọi là chùa Lân vì bên cạnh chùa có một ngọn núi giống hình con Lân.
Từ dưới suối Lân nhìn lên cổng chùa: những bậc đá xanh từ đường nhỏ dẫn lên cổng chùa nằm giữa những cội thông già và cây cỏ xanh tươi. Hai bên những bậc đá dẫn lên chùa ở đỉnh đồi là những ngôi tháp cổ, tháp nhỏ xây dưới thấp, tháp lớn dựng lên cao, trông rất trang nghiêm và mỹ thuật.
Chùa Lân bắt đầu phát triển hưng thịnh từ khi Điều Ngự Giác Hoàng, sơ Tổ phái thiền Trúc Lâm (Vua Trần Nhân Tông) mở hội thuyết pháp và lập đàn độ tăng ở đây (từ năm Kỷ Hợi-1299). Các hội thuyết pháp của Điều Ngự Giác Hoàng có cả vạn người đến tham học. Như vậy chùa Long Động ngày xưa phải rộng lớn, uy nghiêm và tráng lệ.
Nhưng vào đầu thế kỷ 15, quân Minh xâm lăng và đô hộ Đại Việt, giặc Minh đã tịch thu hết kinh sách, pháp tượng, pháp khí, và tàn phá đền chùa, lăng tẩm … các chùa lớn của phái Trúc Lâm chắc hẳn là bị tịch thu và phá hủy trước. Chùa Long Động có lẽ cũng cùng tình trạng đó.
Đến thế kỷ 17, khi nhà Lê Trung Hưng, vua Lê và chúa Trịnh mới hộ trì Phật giáo phục hưng và phát triển. Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác tức Hòa thượng Huệ Đăng (1647-1726) đã trùng hưng chùa Long Động, mở đạo tràng, phục hưng phái thiền Trúc Lâm ở Tổ đình này.
Năm Bính Ngọ, Bảo Thái thứ bảy (1726), Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác viên tịch tại chùa Long Động. Đồ chúng hỏa táng, xá lợi được thỉnh về nhập tháp Tịch Quang ở vườn phía sau chùa Long Động và tháp ở chùa Quỳnh Lâm để thờ cúng.
Năm 1727, Thiền sư Tánh Chúc-Như Chúc (1691-1735), pháp tôn của Hòa thượng Chân Nguyên kế thế trụ trì chùa Long Động(1). Sau đó, khoảng năm 1727-1735, Thiền sư Tánh Chúc về trụ trì chùa Bút Tháp và viên tịch tại chùa này vào năm 1735.
(1) Thiền Sư Tánh Chúc là đệ tử của Thiền Sư Như Trí (? – 1722) ở chùa Tiêu Sơn. Thiền Sư Như Trí là đệ tử của Hòa thượng Chân Nguyên.
Kế tiếp Thiền sư Tánh Chúc trụ trì chùa Long Động là Thiền sư Tuệ Nguyên. Thiền sư Tuệ Nguyên đã san định và viết bài tựa cho sách “Trúc Lâm Tổ Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” vào năm Qúi Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (tức năm 1763), vì trong bài lược dẫn ở sách này có viết:
“Trên hội Trúc Lâm, núi Yên Tử, chùa Long Động, đồng tử là tỳ kheo Tuệ Nguyên trân trọng san định bộ “Trúc Lâm Tổ Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” đốt hương kính cẩn đề Tựa”…(1)
Trụ trì chùa Long Động còn có Thiền sư Tuệ Hiền, người đứng ra lo khắc in lại sách “Khóa Hư Lục” của Trần Thái Tông.
Tiếp sau đo, chúng ta hiện chưa biết được các thiền sư nào đã kế tiếp trụ trì ở chùa Long Động.
Chùa Long Động hiện nay đã hư cũ, không có trụ trì, chỉ có một bà lão lo hương khói cúng lễ.
Chánh điện chùa Long Động có câu đối khá đặc biệt như sau:
- Vô Ngã, Vô Nhân, Vô Chúng Sinh, Vô Thọ Giả.
-Nhất Hoa, Nhất Diệp, Nhất Thế Giới, Nhất Như Lai.
Chùa hiện còn đại hồng chung được chú tạo vào năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái, tức năm 1905.
Chùa Long Động còn nhiều tháp cổ, quan trọng nhất là “Tịch Quang tháp” ở sau chùa.
-Tháp Tịch Quang là tháp thờ xá lợi của Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác ở phía sau chùa, trên tháp có đề: “Sắc kiến Tịch Quang tháp”.
Bia tháp có ghi rõ: “Trúc Lâm Đầu Đà, sắc tứ Tăng thống Chánh Giác Hòa thượng, Tỳ kheo Chân Nguyên Thiền sư, hóa thân Bồ tát”.
Trên tháp có khắc về tiểu sử của Thiền sư Chân Nguyên, bia được viết vào năm Bảo Thái thứ tám, tức là năm 1727.
Trong khuôn viên chùa Long Động còn có các tháp sau:
-Tháp Viên Minh (không còn bia).
-Tháp Viên Quang (không còn bia).
-Tháp Giao Quang: lập năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1771).
-Tháp của Thiền sư Hải Ngân, bia có đề: “Lâm Tế Chánh Tông -Trúc Lâm Yên Tử, Long Động Tự, Sắc Tứ ( … ) (…) Đại Giác-Thiên Phước, Sa Môn Hải Ngân”.
-Tháp Phổ Minh của Thiền sư Tuệ Hải, bia có ghi: “Nam mô Yên Tử sơn, Long Động tự, Phổ Minh tháp, Trúc Lâm Ma ha Thiền tọa Tuệ Hải...”
CHÙA GIẢI OAN
Từ chùa Lân hay Long Động, vượt qua nhiều khe suối sâu và đường đèo dốc quanh co thoai thoải. Khách hành hương qua nhiều đèo dốc thấp, quanh co và qua nhiều suối có bờ dốc sâu, nước trong vắt và mát lạnh. Vượt chín con suối dốc sâu và qua nhiều đèo dốc thấp là đến núi Voi xô (hay đèo Voi), đường quanh co giữa những rặng cây thấp xanh tươi (ngày xưa vùng này là rừng thông và rừng trúc rậm, ngày nay đã bị chặt phá hết), cây cảnh xinh đẹp, gió thoáng mát. Đi bộ gần một giờ, vượt hơn 10 suối sâu và nhiều đèo dốc thấp là đến chân núi Yên Tử.
Trên đường đi, vào những ngày nắng ráo không có sương mù hoặc mây đen che lấp, khách hành hương có thể thấy được cổng chùa hoặc mái chùa Hoa Yên ẩn hiện ở gần đỉnh núi phía xa xa.
Từ chân núi, bắt đầu leo dốc cao và đứng hơn, vượt qua dốc Voi xô và nhiều dốc cao, đi giữa rừng trúc xanh mát xen lẫn những rặng thông già bát ngát, cảnh thật đẹp.
Leo dốc, lội suối băng qua những cánh rừng thông, nay là rừng chồi bát ngát gọi là Xếp Ngoài, rồi lại Xếp Trong, từ cao nhìn xuống tựa như những bậc thềm. Đến Hổ Khê, là dòng suối phát nguyên từ trên đỉnh núi, lòng suối rộng (ngày xưa rộng độ hai trượng tức là 8m), trong có nhiều hòn đá lớn, lại gần rừng Lim nên nước có màu đỏ. Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên núi tu, cung tần mỹ nữ đi theo khuyên giải Ngài trở về, không được, lại bị Ngài đuổi về nên một trăm cung nữ đã tự trầm ở suối này. Thượng hoàng biết được bèn lập chùa bên cạnh suối Hổ Khê để lập trai đàn, tụng kinh cầu siêu cho linh hồn các cung nữ được siêu thăng tịnh độ. Vì thế, suối Hổ Khê được gọi là suối Giải Oan, chùa được gọi là chùa Giải Oan.
Số cung phi được cứu sống, Ngài cho tập trung dưới chân núi, làm nhà cho ở, cho lập gia đình, lấy chồng sinh con, sau đông dần, thành làng Nương, làng Mụ, tức xã Thượng Yên Công ngày nay.
Chùa Giải Oan ngày xưa đã bị hư hoại, chỉ còn nền đá. Chùa hiện nay là ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nhưng khung cảnh xung quanh xanh tươi, u tịch. Xung quanh chùa là những cây cổ thụ vươn cao, tàn cây bao phủ che mát mái chùa.
Từ trước chùa Giải Oan nhìn xuống phía trước chùa, dòng suối Hổ Khê ngày xưa, nay gọi là Suối Giải Oan, nước trong mát chảy quanh co giữa khu rừng lá xanh tươi chen lẫn những cành hoa tươi đẹp. Những hòn đá cuội xanh thẳm, tròn lẵn ở đáy suối hiện rõ dưới làn nước trong. Nhìn ra xa phía chân núi, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, quanh co như rắn lượn, đó là đường đã đưa khách hành hương vào núi Yên Tử. Trong sườn núi phía sau chùa Giải Oan còn có chùa Thanh Thạch (đá xanh) nằm giữa những rặng thông.
Nơi chùa Giải Oan, thi sĩ Nguyễn Thế Hiền đã xúc cảm thành thơ như sau:
Giải hết tấm lòng ngay với chúa,
Oan theo dòng nước sạch cùng vua.
Từ chùa Giải Oan, khách hành hương tiếp tục leo núi, đường đi dốc cao hơn và đứng hơn, cũng leo núi giữa những rặng thông tùng già, rừng trúc, cây cảnh xanh tươi. Theo lời truyền: những cây tùng dọc hai bên đường lên núi Yên Tử được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông xuất gia lên núi tu hành (năm 1299). Trải qua gần bảy trăm năm, với bao biến đổi vô thường trong cuộc đời, nhiều chùa am, lăng tháp xây bằng gạch đá cũng bị hủy hoại, chỉ còn phế tích; những rặng thông tùng cũng bị mai một, tuy nhiên, trên núi Yên Tử hiện vẫn còn một số cây tùng già; các cây tùng cổ thụ càng già càng vươn cao khoẻ khoắn, thân và cành uốn lượn khúc khuỷu, tạo thành nhiều hình dáng kỳ lạ, phong phú, rễ ăn sâu bám chắc vào vách núi, tàn lá xanh thẳm mềm mại tỏa rộng như những chiếc lọng khổng lồ che mát con đường lên chùa Vân Yên. Có đến Yên Tử (hay có đến Côn Sơn, “quê hương” của Băng Hồ Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi) chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp kỳ thú, hiên ngang và phóng khoáng của các cây tùng và cổ thụ mà trong văn học, các thi nhân tiền bối vẫn thường so sánh với hình tượng của bậc quân tử anh hùng. Tùng cổ thụ trên núi Yên Tử hiện còn khoảng gần 300 cây, với ba loại chính là Thanh tùng, Thủy tùng và Xích tùng; trong đó Xích tùng là loại quý hơn cả, vân của cây có màu đỏ như màu bông dâm bụt. Hòa thượng Thạch Liêm qua Đàng Trong vào năm 1695-1696, khi viếng chùa Hà Trung ở Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên ngày nay) có kể trong sách “Hải ngoại kỷ sự” về cây tùng cổ ở chùa Hà Trung như sau: “Sau chùa có những cây tùng lớn mấy ôm, ngọn cong queo cành cỗi rậm rạp kỳ dị, thực là những cây cổ thụ xưa hàng nghìn năm. Trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn thành tầng nắm tròn, đào dưới gốc rễ sẽ có củ phục linh và hổ phách, nhưng ta chẳng dám nói thuyết ấy ra vì sợ làm hại đến cây quý”.
Đi lên đến độ cao hơn 400 mét, đến núi Hạ Kiệu hay Hòn Ngọc. Gọi là núi Hạ Kiệu vì nơi đây, vua quan viếng núi đều phải xuống kiệu, đi bộ lên chùa Vân Yên. Núi Hạ Kiệu là một gò đất nhô lên cao, mặt rộng và phẳng. Nơi núi Hòn Ngọc này hiện còn khoảng mười ngôi tháp cổ, hình trụ tứ giác, cao từ 1m đến gần 2m, tường và mái tháp rêu phong cổ kính, đây là những ngôi tháp của chư Tăng tu hành ở núi Yên Tử vào thời Hậu Lê và thời nhà Nguyễn. Tiếp tục leo núi, đến độ cao 500m (từ chùa Giải Oan lên đến đây mất độ gần một tiếng đồng hồ) là đến tháp Huệ Quang và khu tháp cổ của chùa Vân Yên, trước khi đến chùa.
THÁP HUỆ QUANG
(HUỆ QUANG KIM THÁP)
Tháp Huệ Quang còn được gọi là “Tháp Tổ” là nơi thờ Xá lợi của Điều Ngự Giác Hoàng, Tổ đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông). Nhưng tháp xưa hình trụ bát giác đã bị sụp đổ, tháp hiện nay hình trụ Tứ giác, mới được làm lại vào thời Lê Trung Hưng. Tháp mới này có thể do Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, hay Ni sư Pháp Tánh trùng tu lại vào giữa thế kỷ 17, sau khi Ni sư trùng tu chùa Phật Tích và chùa Bút Tháp (năm 1643). Ni sư Pháp Tánh tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, con của Trịnh Tráng, được gả cho vua Lê Thần Tông (1619-1643), sau làm Thượng hoàng (1643-1649) và trở lại làm vua (1649-1662).
Nền Tháp Huệ Quang và khu tháp cổ cao hơn lối đi 4m. Sau khi lên hết các bậc đá là đến khu tháp cổ, mặt nền rộng hơn 300 mét với 45 ngọn tháp, với nhiều kiểu dáng, qui mô lớn nhỏ khác nhau.
Tháp Huệ Quang ngày xưa được xây dựng với qui mô lớn, tháp cáo vút, cư sĩ Bạch Liên đến viếng Yên Tử đã viết:
Tháp biếc trăm tầng cao ngất ngất
Lầu son mấy nóc rộng thênh thang.
Tháp hiện nay chỉ còn qui mô nhỏ hơn xưa nhiều. Đường vào tháp Huệ Quang được lót bằng những hàng đá xanh lớn ghép sát nhau, mặt mài láng (lối đi hiện nay chỉ còn rộng có 2m với 4 hàng đá xanh). Tháp là cổng vào chùa Vân Yên và chùa Đồng trên đỉnh núi.
Tháp nằm giữa một vòng thành hình vuông, mỗi cạnh 27m, cao 2m50. Tường thành xây bằng gạch thẻ xưa, khổ lớn 20 x 40 x 2,5cm. Trải qua mấy trăm năm chịu đựng giữa mưa rừng, gío núi mà tường thành vẫn đỏ sẫm và bền chắc. Bờ tường lợp ngói mũi hài xuôi thấp xuống hai bên vách. Vòng thành có hai cửa ra vào ở phía Nam và phía Bắc. Cửa có vòm cong, cao 1,75m rộng 1,5m.
Cửa phía Nam nhìn xuống chân núi, cửa phía Bắc hướng lên chùa Vân Yên và đỉnh núi. Muốn đến viếng chùa Vân Yên phải đi ngang qua Tháp Huệ Quang, đi vào cửa Nam nhiễu tháp xong, ra cửa Bắc để đến chùa Vân Yên và lên chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử.
Tháp Huệ Quang có bảy tầng (từ nền đỉnh), cao khoảng 10m. Tháp là khối trụ hình vuông, có 4 mặt, tầng dưới lớn, lên cao nhỏ dần. Tháp được ghép bằng nhiều tảng đá xanh được mài láng, gắn liền với nhau bằng những lớp mộng vững chắc (có thể tháo ráp được).
-Nền tháp hình lục lăng (6 cạnh), ghép bằng 46 tảng đá xanh, khắc hoa văn sóng nước, hình núi mềm mại, uyển chuyển. Các tảng đá có ghép mộng và đổ chì nên ghép lại với nhau vững chắc.
-Bệ tháp hình đài sen với 162 cánh mở rộng, ôm lấy tháp hình trụ tứ giác.
-Tháp hình trụ tứ giác có 5 tầng:
-Tầng thứ nhất hình vuông, mỗi cạnh 2,40m ba mặt được bít kín, chỉ có mặt hướng Nam có cửa tò vò vòm cong, phía trong tháp đặt pho tượng Điều Ngự Giác Hoàng bằng đá cẩm thạch trắng, tượng cao 65cm, tượng ngồi kiết già, hai tay để tự nhiên thoải mái trên hai chân, vẻ mặt tự tại thanh thản. Tượng đặt trên bệ đá kiểu chân quì chạm rồng.
-Tầng thứ hai nhỏ hơn, cũng có cửa ở hướng Nam, nhưng phía trong rổng, không có tượng.
-Các tầng ba, tư thu nhỏ đột ngột, bốn mặt đều bít kín (không có cửa) khiến cho thấy tháp cao vút lên.
-Đỉnh tháp là một búp sen bằng đá xanh chạm nổi. Sân tháp phía trong vòng thành hình vuông cũng được lót đá xanh mài láng.
-Các tầng tháp ngăn cách nhau bằng các mái đá, bốn gốc uốn cong hình mũi hài, trông nhẹ nhàng thanh thoát.
Ra khỏi cổng Bắc của tháp, là lối đi lên chùa Vân Yên lót bằng gạch hình vuông lớn, nung đỏ, trên chạm hoa văn hoa cúc.
THÁP TÔN ĐỨC VÀ KHU THÁP CỔ
Xung quanh tháp Huệ Quang có 44 ngôi tháp cổ bằng đá xanh là nơi thờ các thiền sư, các tôn thất trong Hoàng tộc nhà Trần tu hành và tịch ở chùa Vân Yên, trong đó có một tháp lớn nhất (lẽ dĩ nhiên là vẫn nhỏ và thấp hơn tháp Huệ Quang), đó là tháp Tôn Đức.
Tháp Tôn Đức thờ thiền sư Minh Hành-Tại Tại, do đệ tử là Pháp Tánh xây dựng vào ngày 16 tháng 6 năm Vĩnh Thọ thứ hai (1659). Trên mặt ngoài tháp là văn bia kể về hành trạng của Thiền sư Minh Hành do Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác biên soạn.
Theo tài liệu xưa, chúng ta chỉ biết Thiền sư Minh Hành-Tại Tại (1596-1659) là đệ tử của Hòa thượng Chuyết Công (hay Thiền sư Viên Văn-Chuyết Chuyết) hoằng hóa ở chùa Phật Tích và chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh ngày nay) và viên tịch ở chùa Bút Tháp. Đồ chúng lập tháp thờ ở chùa này và đúc tượng đồng thờ ở chùa Trạch Lâm ( Thanh Hóa), nhưng nay, chúng ta phát hiện được thêm tháp Tôn Đức thờ Thiền sư Minh Hành-Tại Tại ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, cho biết rằng Thiền sư Minh Hành có thời gian hoằng hóa ở chùa Vân Yên.
Tháp Tôn Đức hình trụ tứ giác làm bằng đá xanh, mặt mài láng được ghép bằng mộng. Tháp gồm 5 phần:
-Nền tháp là khối hình vuông cao khoảng 1m, xây bằng đá xanh.
-Tầng thứ nhất, mặt trước có cửa vòm cong, phía trong có thờ tượng Thiền sư Minh Hành-Tại Tại bằng đá cẩm thạch trắng, ba mặt kia bít kín, phía ngoài có khắc bài minh kể về hành trạng của Sư.
-Tầng thứ hai, bốn mặt bít kín, có làm khung cửa.
-Tầng thứ ba bốn mặt cũng bít kín, nhưng có chạm giả cửa ở phía trước, trên có khắc tượng Đức Phật đứng.
-Đỉnh tháp là một búp sen bằng đá chạm nổi.
CHÙA VÂN YÊN
Từ tháp Huệ Quang đi một quãng đường dốc thoai thoải giữa vùng cây xanh tươi, ngày xưa nơi đây là khu vườn hoa với nhiều loại hoa nhiều màu sắc đẹp tươi; rải rác hai bên đường là những cây hoa sứ (cây đại) xưa cổ, vỏ sù sì, cành cong queo cổ kính, hoa trắng ửng vàng hoặc đỏ hồng tươi đẹp, những cây hoa dong với những hoa đỏ vút lên từ cuống lá như những ngọn lửa nhỏ.
Từ đường đi, chắn ngang là một nền đá cao 8m, với nhiều bậc đá đưa khách lên chùa Vân Yên.
Ngày xưa, chùa Vân Yên rộng lớn và đẹp nhất trong số chùa trên núi Yên Tử, nên chùa còn có tên là chùa Cả. Chùa được dựng trên sườn núi có mặt bằng phẳng, ở độ cao hơn 500m cách chân núi. Xung quanh chùa trồng nhiều cây tùng, trúc, hoa sứ, hoa mai, hoa cúc …
Chùa xưa có nhiều tòa nhà đồ sộ, nguy nga, với mười tầng mái uy nghi. Trước chùa có tháp lớn (phù đồ), lầu chuông, lầu trống… Chùa cũng gồm đủ tiền đường, thượng điện, hậu điện, nhà giảng, nhà khách, nhà Tăng, trai đường…
Chùa Vân Yên được dựng ngay giữa của “long huyệt” (huyệt rồng): Tháp Huệ Quang là chính huyệt, 44 tháp cổ bao quanh, bên mặt là chùa Thiền Định với ngọn Long Khê (suối Rồng) hay suối Ngự Dội, như đuôi rồng. Bên trái là chùa Một Mái như đầu rồng ngoảnh lại chầu tháp Tổ. Xung quanh là rừng núi, suối khe xinh đẹp.
Từ sân chùa nhìn quanh, thấy thiên sơn vạn thủy chầu lại, tạo thành một thắng cảnh, một kỳ quan của nước Việt.
-Chùa Một Mái làm sát dựa vào vách núi, chỉ có một mái che ra ngoài, nơi đây, ngày xưa là tịnh thất để Trúc Lâm Đầu Đà ngồi xem kinh sách.
- Bên mặt chùa Vân Yên là chùa Thiền Định, nơi Trúc Lâm Đầu Đà thiền định. Cạnh chùa Thiền Định là Suối Ngự Dội, suối rộng một trượng (4m), nước đổ từ trên cao xuống rất mạnh như bay, phía dưới có tảng đá vuông lớn, nơi Trúc Lâm Đầu Đà tắm, bên cạnh có hang đá và khu rừng cây cảnh um tùm, xưa gọi là “Ô hàng thuốc “. Nơi đây, vào những mùa kiết hạ, chư Tăng về đông, phải ra đây kết lá dựng thành những tịnh thất nhỏ để tham cứu kinh sách.
Cảnh đẹp trang nghiêm của chùa được Tổ sư Huyền Quang tả lại trong bài thơ cổ “An Tử Sơn cư am” (ở am Yên Tử) như sau:
Am bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng tầng,
Dĩ can Long Động nhật,
Do Xích Hổ khê băng
Bảo Chuyết vô dư sách, Phù suy hữu sâu đằng, Trúc Lâm đa túc điểu,, Quá bán bạn nhàn tăng.
Tạm dịch:
Am giữa đỉnh cao lạnh,
Cửa mở tận mây xanh,
Trời chiếu sáng Long Động,
Tuyết dầy che Hổ Khê,
Vụng về không mưu lược,
Nương gậy chống thân gầy,
Rừng trúc nhiều chim hót,
Quá nửa bạn tăng nhàn.
Tổ sư Huyền Quang còn vịnh chùa Vân Yên trong bài phú chữ Nôm “Vịnh Vân Yên tự phú” có đoạn như sau:
… Cảnh tốt hòa lành,
Đồ tựa vẽ tranh,
Chĩnh ấy trời thiêng mẽ khéo,
Nhèn chi vua Bụt tu hành.
Hồ sen trương tán lục,
Suối trúc bấm đàn tranh,
Ngự sử mai hai hàng chầu rập,
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh,
Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng,
Tử vi bày liệt vị công khanh.
Chim vi bạn cắn hoa dâng cúng,
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh,
Nương am vắng, Bụt hiện từ bi,
Gió hiu hiu, mây nhè nhẹ,
Kề song thưa, Thầy ngồi thiền định,
Trăng vằng vặc, núi xanh xanh …
Nguyễn Trãi đã viếng Yên Tử, sáng tác bài thơ “Đề Vân Yên tự” (Đề thơ chùa Vân Yên) với bốn câu đầu như sau:
Yên sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng,
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại,
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
Tạm dịch:
Yên Tử núi cao đỉnh tột cùng,
Canh năm đã thấy mặt trời hồng,
Vũ trụ ngút trông xanh màu biển,
Vẵng nghe cười nói giữa mây xanh.
Thái Thuận (1440-?) trong Hội Tao đàn thời vua Lê Thánh Tông, vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), đến viếng núi Yên Tử có bài thơ:
ĐĂNG YÊN TỬ SƠN TỰ
Dã hoa đề điểu cộng phân vân,
Thạch man yên la khứ lộ phân,
Tị tục tăng vô yết giác niệm,
Nhất thanh thu tại mộc tê hoa.
LÊN CHÙA NÚI YÊN TỬ
Hoa nở chim kêu tiếng rộn hòa,
Rêu đá giây leo bước khó qua,
Lánh tục sư chẳng màn chuyện phiếm,
Một sớm thu về, đại nở hoa.
(Nam Sơn)
Chùa Vân Yên nguy nga tráng lệ như thế, nhưng qua các cuộc chiến tranh, và thời gian tàn phá. Chùa Vân Yên ngày xưa bị hư hoại hoàn toàn, ngày nay chỉ còn lại một vài di tích và được dựng lại quá đơn sơ.
Chùa Vân Yên hiện nay chỉ là gian nhà năm gian thấp, hai bên có hai trụ biểu vuông. Sáu cột và hai trụ biểu trước chùa có khắc các câu đối bằng chữ Quốc ngữ như sau:
*Bốn mùa vãng cảnh khách đề thơ
Muôn thuở mến Sư chim lắng kệ.
*Miệng niệm Di Đà lòng tin tưởng,
Tai nghe chính giáo dạ in sâu.
*Hoa xuân dưới ấy người đương bán,
Quả phúc trên đây Phật vẫn dành.
*Yêu nước hăng say yêu đạo nồng,
Làm Vua dễ dãi làm Sư khó.
Hai bên cửa chánh vào chùa có cặp câu đối:
*Làm dân tu thiền giáo, yêu đạo yêu đời,
Dẹp giặc độ chúng sinh, làm vua làm Phật.
Chánh điện chùa Vân Yên thờ quá đơn sơ. Phía trên bàn thờ Phật là tấm hoành: “Trúc Lâm Tam Tổ”. Ngoài hai bàn thờ Phật, còn có bàn thờ Tổ của phái thiền Trúc Lâm. Trước sân chùa Vân Yên chỉ còn những bia đá xưa, những viên đá lót sân, một vài viên gạch nung đời Trần và vài cây hoa sứ già.
CÁC CHÙA AM
TRÊN ĐỈNH NÚI YÊN TỬ
Từ chùa Vân Yên lên đến đỉnh núi Yên Tử có nhiều chùa am, nhưng ngày nay hầu hết bị hủy hoại, chỉ còn di tích.
- Đi lên phía sau chùa Vân Yên, lên cao khoảng 20m là chùa Phổ Đà. Bên chùa có tháp Độ Nhân. Tháp này khác hẳn các tháp ở Yên Tử, tháp có một tầng, được ghép bằng gạch đúc thành hình bệ, trên gạch chạm nổi đầu rồng, đầu lân hoặc hoa sen và mặt in hoa văn đều được tráng men xanh. Bốn cây tùng cổ thụ đứng quanh bốn gốc tháp, cành đan vào nhau, tạo nên mái lá dày che mát khu tháp.
-Vòng ra phía sau chùa Vân Yên, theo đường vắt qua sườn núi, khách hành hương đến thác Tử, từ trên cao 10m, nước trên thác đổ mạnh xuống dội vào các khe đá, tràn qua mặt đường, lao xuống vực sâu ào ạt, tiếng dội vang xa. Qua khỏi thác Tử là đến am Ngọa Vân.
Am Ngọa Vân tựa vào sườn núi, đứng giữa hai cây tùng cổ thụ to lớn, tàn lá che mát am. Trước am là khoảng không gian trống, không một đỉnh núi lớn hay một cây cao nào che khuất trước mặt; từ am nhìn ra xa là biển Đông, hơi nưóc từ biển theo gió bay vào núi Yên Tử, gặp khí lạnh của đá núi biến thành những vầng mây trắng bàn bạc như sương khói, mây trắng lùa vào am, vương vấn trên tàng cây tùng, bồng bềnh trong rừng trúc hai bên am, mây trắng lơ lửng bay nhè nhẹ bao phủ am suốt ngày đêm, tạo thành một bức tranh thủy mạc thiên nhiên làm say đắm lòng người trần tục, và cũng vì vậy mà am được gọi là “Am mây ngũ”.
Am Ngọa Vân là nơi Điều Ngự Giác Hoàng đọc kinh, xem kinh sách và nghỉ ngơi, và là nơi Điều Ngự viên tịch:
Ngày mùng Một tháng 11 năm Mậu Thân (1308) đúng nửa đêm, sao sáng đầy trời. Trúc Lâm Đầu Đà hỏi đệ tử Bảo Sát: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý. Trúc Lâm lấy tay đẩy cửa sổ nhìn ra xem, nói: Đến giờ ta đi rồi đây! Bảo Sát hỏi: Tôn đức đi đâu bây giờ?
Trúc Lâm nói kệ đáp:
Nhất thiết pháp bất sinh, Nhất thiết pháp bất diệt, Nhược năng như thị giải, Chư Phật thường hiện tiền.
Tạm dịch:
Tất cả pháp không sinh,
Tất cả pháp không diệt,
Nếu biết rõ như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Bảo Sát hỏi thêm: Còn khi bất sinh bất diệt thì thế nào?
Trúc Lâm khoát tay nói: Thôi, đừng nói mê nữa! Nói xong, Trúc Lâm Đầu Đà nằm như kiểu sư tử mà tịch, thọ 51 tuổi.
-Từ Am Ngọa Vân đi lên, con đường lên núi dốc thẳng đứng, hành trình vất vả hơn nhưng phong cảnh hết sức thi vị. Người đi sau, đầu gần như chạm vào người đi trước. Dọc theo bên đường hoa sen đất, hoa lan màu sắc tươi đẹp, mùi hương tỏa nhẹ nhàng. Ở cuối đường này là chùa Bảo Sát. Bảo Sát là đệ tử được Trúc Lâm Đầu Đà yêu mến và giao cho việc trông nom Ngộ Ngữ viện, phía sau chùa Bảo Sát. Chùa Bảo Sát thờ tượng ba vị Tổ của phái thiền Trúc Lâm và tượng Thiền sư Bảo Sát bằng đồng.
-Ngộ Ngữ Viện ở phía sau chùa Bảo Sát là am nhỏ bằng đá, bên vách có hai câu đối:
Thạch hóa Trúc Lâm lưu điển tích, Sơn cao bảo tọa kết lâu đài.
(Trúc Lâm lưu tích nơi am đá, Tòa sen kết lầu trên núi cao).
Trong Am có bệ đá hình khối chữ nhựt giống ghế trường kỷ, nơi đây Trúc Lâm Đầu Đà giảng đạo cho Pháp Loa.
Ở cạnh Am có giếng Thiêng, sâu chừng 70cm, nước trong mát. Dưới gốc cây gạo ở trước Am có tượng con cọp đá cao 60cm, quỳ hai chân trước chống thẳng đứng, nhìn vào Am như đang nghe kinh.
- Cách chùa Bảo Sát vài trăm mét ở về phía Tây và ở cùng độ cao là Am Vân Tiêu (hay chùa Vân Tiêu).
Am Vân Tiêu nằm trên cao chót vót gần đỉnh núi, mây trắng giăng phủ bồng bềnh mịt mù, khách hành hương đi lại ở am Vân Tiêu như đang đi trong mây. Đứng trước Am, vào ngày tốt trời, nhìn ra xa thấy biển Đông và đầu canh năm đã nhìn thấy mặt trời mọc từ biển lên. Tổ sư Huyền Quang có bài thơ chữ Nôm “Vịnh Am Vân Tiêu” như sau:
Ta nay ngồi đỉnh Vân Tiêu,
Cởi chơi cánh diều,
Cõi Đông Sơn tựa hòn kim tuyến,
Xem Nam Hải tựa miệng con ngao.
Nức đài lan, ngỡ hương đan quế,
Nghe Hằng Nga thiết khúc tiêu thiều.
……
Am Vân Tiêu là nơi có người ở cao nhất trên núi Yên Tử, cảnh hết sức thanh tịnh, sống nơi đây như đang ở trên mây hay như ở trên cõi trời, có vẻ thiêng liêng huyền bí: Ngày xưa, có một vị Sơn tăng ngũ đêm tại Am, thấy một vị sơn thần đến bảo: Nơi đây là cung Thanh Hư của cõi trời, không phải là nơi nghỉ ngơi của kẻ phàm tục. Từ đó trở về sau, Tăng chúng và Phật tử chỉ lên Am Vân Tiêu dâng hương, lễ Phật rồi về, không ai dám ở lại đêm, chư Tăng lấy tiếng chuông công phu chiều ở chùa Thần Khê làm hiệu để biết giờ trở xuống.
Ở đây còn có lệ là không được nói to, nhất là không được đánh chuông, vì nếu ai gõ đại hồng chung thì trời sẽ u ám lại vì mây kéo đến, và rồi mưa sẽ đổ xuống.
Vua Trần Anh Tông (1275-1320) đến viếng Yên Tử có bài thơ “Vân Tiêu Am” như sau:
Đình đình bảo cái cao ma vân,
Kim tiên cung khuyết vó phàm trần.
Tuyệt phong cách hữu học tiên giả,
Thanh phong minh nguyệt tương vi lân.
Thanh phong táp địa vô hưu yết,
Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết.
Thử phong thử nguyệt dử thử nhân,
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.
Dịch nghĩa:
Núi cao như tàng lọng chạm mây,
Cung tiên chẳng bợn chút bụi trần.
Đỉnh núi có người tu học đạo,
Gió mát trăng thanh bạn tháng ngày.
Gió mát lướt mặt đất không ngưng,
Trăng thanh giữa trời giống như băng.
Trăng đây, gió đây, cùng người đây,
Hợp thành thiên hạ ba kỳ tuyệt.
-Tiếp tục lên đỉnh núi sẽ đến đèo Trúc Hoa, nơi đây có nhiều trúc và hoa đẹp và thấy một khối đá có hình dáng một người đứng mặc áo choàng dài, đó là tượng Yên Kỳ Sinh.
- Lên đến đỉnh núi là chợ Trời (Thiên Thị ), nơi cao nhất của núi Yên Tử, cách mặt biển 1.068m, nơi đây có một khoảng đất tương đối bằng phẳng rộng một mẫu ta (3.600m2), trúc, hoa và đá chen lẫn nhau.
- Ngay đỉnh núi Yên Tử một vương phi của chúa Trịnh đã dựng chùa Thiên Trúc, ngói lợp bằng đồng, nên được gọi là Chùa Đồng (Đồng Tự), trong có thờ mấy pho tượng Phật (bằng đồng hoặc bằng vàng). Trước chùa có đào ao sen, hoa sen nở vào mùa Hạ rất tươi đẹp. Chùa Đồng đã bị trộm cắp và hư hoại vào thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).
Phía sau chùa Đồng có một phiến đá vuông, rộng và phẳng với những quân cờ bằng đá xanh, tục gọi là Bàn cờ tiên.
Trong sách An Nam chí lược của Lê Tắc có viết:
“Núi Yên Tử gọi là Yên sơn hoặc Tượng sơn, bề cao quá tầng mây. Vào giữa niên hiệu Đại Trung Tường Phù (1008-1016) đời vua Tống Chân Tông, Đại sư Lý Tư Tông có dâng lên vua Hải nhạc danh sơn đồ và Vịnh thư tán, cho biết “Phúc địa thứ tư của Giao Châu là núi Yên Tử” và có bài thơ sau:
“Sổ đóa kỳ phong tân đăng lục, Nhất chi nham lựu nỗn tiếp lam, Khóa loan tiên tử tu chân xứ, Thời kiến long hạ ký bích đàm .
(Tân kỳ chóp núi nên vài nụ,
Yểu điệu hình khe trổ một ngành,
Tiên cởi loan qua tu cảnh tịnh,
Nhìn xem rồng xuống giỡn đầm xanh ).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 149
Hôm nay : 3140
Tháng hiện tại : 182271
Tổng lượt truy cập : 29121325