Trung tâm Đắc-bun-gia chú trọng giảng dạy văn học Sanskit (vừa có văn học Phật giáo vừa có văn học Ấn Độ giáo).
Trung tâm Mi-thi-la chú trọng giảng dạy cổ ngữ Pra-krip rất thịnh hành ở một số tiểu bang của Ấn Độ.
Mỗi trung tâm điều có liên hệ chặt chẽ với các nước xung quanh có mối quan hệ chung về ngôn ngữ để trao đổi kinh nghiệm trong việc nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Ví như trung tâm Na-lan-đà liên hệ với các nước Lào, Cam-pu-chia, Thái lan, Miến Điện, Tích lan, Ban-gla-desh, Nê-pan, Nhật…
Chúng tôi ra đi từ Sài Gòn đến trung tâm Na-lan-đà từ năm 1952… để nghiên cứu kinh Phật viết bằng chữ Pa-li. Lúc bấy giờ đất nước ta còn bị chia cắt hai miền Bắc Nam, nhưng hai cảm xúc nổi bật đã đến với tôi lúc mới bước chân đến quê hương đạo Phật. Một là người dân Ấn Độ hết sức cảm phục và kính mến Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta, coi đó là biểu tượng cho tinh thần anh dũng, bất khuất vô song của Việt Nam. Hai là họ đối đãi với người nước ngoài rất tốt, đặc biệt là đối với chúng tôi, họ hết lòng giúp đỡ trong mọi việc, làm cho chúng tôi có một mối cảm tình nồng nàn về nhân dân Ấn Độ, nổi tiếng là giàu lòng vị tha thương người.
Năm 1958, nghe tin Hồ Chủ tịch đến thăm hữu nghị Ấn Độ, chúng tôi vội vã đến New Delhi đón Người. Hai thành phố Bi-ha và New-delhi, một ở phía Đông Bắc Ấn Độ, một ở tận phía Tây, cách xa nhau mấy nghìn cây số, đi tàu hỏa phải hai ngày một đêm mới tới. Tôi ra đi một mình trong bụng còn lắm nỗi băn khoăn, mà bất cứ ai ở địa vị tôi lúc đó, chắc cũng có. Đến New Delhi, tôi liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và được đón tiếp niềm nở. Và ngay từ đầu, tôi đã thấy niềm tin yêu cảm phục và kính mến đối với Hồ Chủ tịch là có cơ sở. Cụ Hồ đến sứ quán ta, ân cần cầm tay thăm hỏi mọi người, từ cán bộ cao đến nhân viên cấp thứ, từ ông Đại sứ, Tham tán đến người láy xe, nấu ăn, quét dọn. Thấy con cán bộ trong sứ quán, cụ bồng lên cho kẹo ăn. Thật hiếm có một vị quốc trưởng nào lại gần gũi quần chúng nhân dân đến như vậy….
Trong cuộc mít tinh lớn do chính phủ Cộng hòa Ấn Độ tổ chức chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thủ tướng Nê-ru mời Hồ Chủ tịch cùng Chủ tọa cuộc mít tinh. Ban tổ chức đặt trên bụt cao hai chiếc ghế cổ lấy từ trong điện ra, thân ghế và tay dựa dát toàn vàng và mời hai vị Nguyên thủ hai quốc gia cùng ngồi. Hồ Chủ tịch nhã nhặn từ chối. Thủ tướng Nê-ru hỏi Hồ Chủ tịch trả lời chắc là thú vị lắm nên Thủ tướng Nê-ru mỉm cười và nói lại cho dân chúng Ấn Độ biết, dân chúng hoan hô vang dậy. Lúc bấy giờ tôi đứng xa, xung quanh mọi người bàn tán sôi nổi quá nên không nghe rõ. Sau đó, Ban tổ chức đem hai chiếc ghế khác nhỏ hơn và giản dị hơn rất nhiều ra đổi, Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Nê-ru mới chịu ngồi. Tự nhiên cả biển người bỗng dậy lên tiếng vỗ tay rền vang như sấm động
Ở Ấn Độ trong những ngày đó, đâu đâu cũng bàn tán về nhân cách đặc biệt của Hồ Chủ tịch. Nào là cụ đang đi thăm ở một nơi nào đó ở Thủ đô, đoàn xe hộ tống rầm rầm rộ rộ trước sau, nhưng xe đang chạy bỗng cụ bảo dừng lại. Và thế là vị Chủ tịch nước Việt Nam bước xuống, đến gặp một cụ già trên hè phố bắt tay, ân cần hỏi thăm và chúc sức khỏe cụ. Cho đến khi đoàn xe đã mất dạng mà cụ già Ấn Độ kia còn ngẩn ngơ, tưởng chừng như sự việc vừa xảy ra chỉ là một giấc mơ.
“Đoàn xe lửa đưa Hồ Chủ tịch đi thăm nhiều nơi. Tàu đến ga, đỗ dừng lại, Hồ Chủ tịch lại xuống sân ga, lên tận đầu máy, nắm bàn tay nhem nhuốc bụi than của người tài xế, thân mật trò chuyện với họ như những người bạn đồng nghiệp thân lâu ngày mới gặp lại.
“Đến thành phố Calcutta – một thành phố lớn phía Đông, Hồ Chủ tịch đến thăm Hội Ma-ha-Bồ Đề. Chúng tôi cũng được vinh dự cùng đến thăm nơi này. Tôi thắp nén hương và kính cẩn đưa cho cụ. Trước bàn thờ Phật Hồ Chủ tịch nghiêm trang vái rồi cấm nén hương vào bát… trong khói hương nghi ngút nhìn một cụ già mặt phương phi, đôn hậu, râu đen nhánh, hoàn toàn là một cụ già Việt Nam, mà lại là một người Cộng sản đã từng sống bôn ba khắp các nước trên thế giới tìm con đường cứu nước cứu dân, gót chân đã từng đặt lên các thành phố hoa lệ Paris, Luân Đôn, Nữu Ước, La Mã, Bá Linh, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Hồng Kông, ….nay lại là Chủ Tịch nước Việt Nam vừa đánh thắng thực dân Pháp, một trong tứ cướng đế quốc thấy Người thành kính cuối đầu dâng hương đức Phật, lòng chúng tôi xiết bao xúc động, tưởng chùng như nước mắt muốn trào ra.
Đây là buổi diện kiến trực tiếp đầu tiên với Hồ Chủ Tịch, nhưng tấm lòng chúng tôi đã đến với Người từ lâu. Chính vì vậy nghe tin Người đến thăm Ấn Độ là chúng tôi tìm đến dù chỉ để nhìn thấy Người một lần thôi cũng đủ (cũng xin nói thêm là Ngô Đình Diệm cũng có là sang thăm Ấn Độ. Sứ quán Sài Gòn lúc đó viết thư cho chúng tôi bắt buộc chúng tôi phải đến New Delhi để đón họ Ngô, trong thư còn ghi rõ là khi đến phải mặc áo dài, đội khăn đen! Nhưng chúng tôi không đến. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân mà sau khi tốt nghiệp tại Đại học Viện[1] chúng tôi xin về nước nhưng chính quyền Sài Gòn nhất định không cho. Mãi đến năm 1964. Sau khi Ngô Đình Diệm đổ, chúng tôi mới về được).
Tôi vốn quê ở tỉnh Nghệ An cũ (nay là Nghệ Tĩnh), từng theo học trường quốc học ở Huế. Tại đây tôi được cụ Lê Đình Thám một nhà nghiên cứu uyên thâm về đạo Phật, giác ngộ cho và hướng dẫn đi vào con đường Phật pháp.
Chúng tôi cùng với một số bạn bè là học sinh trường Quốc học Huế lúc bấy giờ đều tôn cụ Thám là thầy. Các bạn đó ngày nay người còn kẻ mất, có bạn sau này nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê-nin và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản, hiện giữ những trọng trách trong nhà nước ta. Cụ Lê Đình Thám tham gia kháng chiến chống Pháp và tập kết ra miền Bắc. Cụ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Đi vào con đường Phật nhưng trong tâm trí tối lúc nào cũng vang vọng cái tên Nguyễn Ái Quốc, mà lúc bấy giờ, sự thật chúng tôi chỉ mới bắt đầu kính phục tấm lòng son sắc và ý chí bất khuất của một người Việt Nam yêu nước.
Đến nay hơn 40 năm đã trôi qua, nhìn lại quãng đường đời không mấy chỗ là bằng phẳng, tôi càng tin chắc rằng tấm lòng kính mến, tìn yêu Hồ Chủ tịch từ thuở thiếu thời của tôi đã là một trong những ngọn lửa giữ cho tôi luôn luôn trong sáng trên con đường phụng đạo yêu nước của người Phật tử Việt Nam….
Chú thích
*Hòa thượng Thích Minh Châu_Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, nhiệm kỳ I, II, III, IV, V. Hiện là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Trích tập văn Phật đản 2529 (1985), tr.19.
- Thượng tọa Thích Minh Châu đã đỗ thủ khoa và được Thủ tướng Nê-ru tặng huy chương vàng.
(Theo tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo)