Niết bàn nằm trong thế giới trần tục, con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết bàn), tốt nhất nên bằng con người trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét dọn…
Đây là một tư tưởng quan trọng cho việc tu hành. Biển rộng mênh mông bao la bát ngát, nơi bao chứa tất cả các dòng sông dù trong hay đục. Trong cuộc sống ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó tiến dần đến giải thoát. Tư tưởng này được quốc sư Trúc Lâm làm rõ hơn khi khuyên vua đồng thời cũng là một vị Phật tử_Trần Thái Tông: “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình). Đó cũng là tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Theo tư tưởng này, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội. Trong quá trình đó tâm con người mở rộng, từ nông đến sâu, từ gia đình xóm làng đến quốc gia và thiên hạ. Càng trải rộng bao nhiêu thì càng đi gần đến giác ngộ bấy nhiêu, hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn-Trung. Đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cứu dân độ thế. Và trên con đường này, tâm con người càng khải mở bao trùm thiên hạ, muôn loài, vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật. Điều này, được Tuệ Trung Thượng Sĩ_ngôi sao sáng trên nền trời Thiền học Việt Nam nói khá rõ: “Tâm của muôn loài tức Phật tâm” (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm). Đi đến giác ngộ bằng cách như vậy, Phật giáo Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà không lấy nguyện vọng mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. “Lấy” ở đây không phài lấy cái chung chung trừu tượng ở trong tâm, mà phải bằng hành động thiết thực cụ thể. Chính quan điểm này đã dẫn Phật giáo Việt Nam đến Chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Mặt khác đạt đến “tâm vạn pháp”, cũng có nghĩa là hiểu và nắm được cái trung tâm cốt lõi, quy luật của vạn vật. Nắm được quy luật thì mới sống độc lập, tự do, tự tại được. Vì tự do là nắm được tất yếu. Ở đây, “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” tức là lấy cái tâm ích kỷ của mình làm tâm đồng loại. Nếu vô tâm mà chuyển cái tâm nhỏ bé của mình thành cái tâm bao la của muôn loài thì đây thật sự là quá trình vô tâm. Vô tâm là tâm tất cả, mà tất cả lại là vô tâm. Biện chứng ở đây cũng như không có gì mà lại là có tất cả và có tất cả lại là không có gì. Sức mạnh của chữ “Vô” “Không” “Hư” của đạo Phật là ở chỗ đó.
Ở đây, phải chăng đóng góp của Phật giáo Việt Nam là đã tìm ra một con đường mới vừa tương đối cụ thể, thiết thực, rõ ràng, vừa tương đối ngắn, dễ đi đến giác ngộ. Lịch sử Phật giáo từ trước tới nay theo một khía cạnh nào đó có thể nói là lịch sử ngày càng rút ngắn con đường đến Niết bàn. Nếu xét ở góc độ này thì đóng góp của Phật giáo Việt Nam quả thật không nhỏ. Hơn nữa trong Phật giáo đặc biệt là Thiền tông, khi đã giác ngộ thì con người hoàn toàn không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, mọi chấp thủ bị vỡ tung ra, họ tự do, tự tại, vô tâm vô ngại, vô bố úy, không chú tâm, không thiên chấp. Do đó, không còn tạo nghiệp. Nói một cách hình ảnh, có thể ví mọi hành vi, suy nghĩ, cử chỉ, lời nói của họ giống như gieo một hạt điếc, nó không còn nẩy mầm, sinh tử luân hồi nữa.
Tùy nơi tùy thời, nhậm vận, đó là hành động của những người giác ngộ ở một đất nước mà mọi người đều bận rộn, hăm hở, hăng hái chống giặc cứu nước. Nếu cứ ôm khư khư những giáo lý Phật giáo, đóng kín cửa chùa thì thật không hợp thời đúng lúc chút nào. Đi sâu một chút ta thầy Phật là thiện, trong thiện có nhiều mức độ, có thiện lớn thiện nhỏ. Thiện lớn như đức Phật từ bỏ ngai vàng đi tìm con đường cứu chúng sinh ra khỏi sông mê bể khổ. Thiện nhỏ như làm một điều lành nho nhỏ, chẳng hạn như cho người khốn khó đồng tiền bát gạo. Người Phật tử Việt Nam luôn nhìn ra và làm theo những cái thiện lớn, khi đứng giữa ngã ba đường cần phải lựa chọn, dù có phải vi phạm giới luật. Chấp vào những điều giới luật để làm những điều thiện nhỏ mà bỏ qua các điều thiện lớn thì chẳng khác nào như “ngu trung” “ngu hiếu” trong Nho giáo vậy. Những người này theo Khổng Tử mới có khả năng thích nghi với đạo lý mà chưa có khả năng huyền biến. Ở đây muốn hợp thời đúng lúc, muốn theo đức lớn phải học tập theo Thượng Sĩ là không trái ngược với đời, trộn lẫn cùng thế tục, phải đứng trong hàng ngũ dân tộc, cầm gương lên đánh đuổi quân xâm lược, đó chính là bất đức, cho nên có đức; cái đức thấp nhất là không bất đức, cho nên vô đức. Đã giác ngộ thì mọi hành động, cử chỉ, suy nghĩ đều là thiền. Và ở đây, đánh giặt cứu nước cũng là thiền.
Trong công cuộc bảo vệ đạo pháp và dân tộc, các tín đồ Phật giáo đã trở thành một thực thể trong cộng đồng Phật giáo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không ít Tăng Ni Phật tử đã hăng hái tham gia cách mạng và trở thành nồng cốt của các phong trào Phật giáo cứu quốc. Đặc biệt có người đã trở thành nhân sĩ cao cấp, đóng góp nhiều công lao trong việc tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trên thế giới đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam như Cư sĩ Lê Đình Thám. Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Đức Tâm, Hòa thượng Thích Tố Liên… Một bộ phận các cư sĩ, huynh trưởng tuy còn những quan điểm chưa thực sự khoa học và cách mạng, nhưng cũng đã thấy rõ được sứ mạng cứu quốc với tinh thần: “Là công dân của nước, cá nhân Phật tử góp phần vào cuộc đấu tranh chính trị, ủng hộ chính quyền của dân, nhằm giải thoát cho tổ quốc, đồng bào ra khỏi lầm than”. Trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, các tín đồ Phật giáo là một nòng cốt, sung kích: “Phong trào đấu tranh của Mỹ và Ngụy quyền trong những năm qua đối với quần chúng Phật tử tham gia đông đảo, trong đó phải kể đến lực lượng sinh viên Phật tử… là phong trào quần chúng Phật tử đấu tranh bảo vệ đạo pháp gắn với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo”. Thông qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp chống chiến tranh, vãn hồi hòa bình… Các huynh trưởng, đoàn sinh, sinh viên Phật tử đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước và tinh thần thanh niên. Như vậy, về mặt truyền thống, Phật giáo Việt Nam hơn nữa thế kỷ qua luôn gắn bó với dân tộc, kề vai sát cánh cùng toàn dân cứu nước, dựng nước, giữ nước, gắn bó cùng vận mệnh của đất nước và đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của truyền thống tinh thần dân tộc. Đảng ta cũng rất khách quan nhìn nhận rằng: “Cuộc đấu tranh đó vừa có nội dung và mục tiêu Phật giáo đòi tự do, bình đẳng tín ngưỡng tôn giáo, và tự do bảo vệ mình, vừa là một bộ phận của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai của nhân dân ta ở vùng đô thị tạm chiếm”. Và trong một chừng mực nào đó: “…Cũng đã góp được một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc đạo pháp và dân tộc… đã trở thành một thực thể không những trong cộng đồng Phật giáo mà còn là một thực thể trong cộng đồng dân tộc việt Nam”.
Có thể khẳng định rằng, thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên các phong trào đấu tranh cũng chứng minh được phần nào tinh thần đấu tranh dân tộc, góp phần tiếng nói và công sức vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Việc phát huy “giáo dục các truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất tổ quốc, làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân của Đảng.
Phủ nhận những giá trị truyền thống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Phật giáo Việt Nam là không công bằng với lịch sử, nhưng cũng thật sai lầm nếu quá tuyệt đối hóa vai trò của nó trong sự nghiệp đấu tranh mà không xét tính cách mạng của cuộc đấu tranh đó. Đó là tính chất chiếc trung chủ nghĩa trong cách nhìn nhận của một số Tăng Ni, Cư sĩ Phật giáo về lý tưởng của mình. Một bộ phận huynh trưởng còn có thái độ định kiến, nghi ngờ sự nghiệp kháng chiến bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Một số Tăng Ni huynh trưởng khác lại tuyệt đối hóa vai trò của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 và ngộ nhận rằng đó là yếu tố duy nhất quyết định sự sụp đổ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Hơn thế, trong công cuộc hoằng dương chính pháp và phục vụ dân tộc, Phật giáo Việt Nam cũng không khỏi chịu sự tác động của các yếu tố chính trị-xã hội, mà biểu hiện của nó là “Sự phân hóa, chia rẽ do âm mưu lôi kéo của các lực lượng thù địch, tạo nên hiện tượng phân tranh, nồi da xáo thịt”. Do vậy, nội bộ của nó thường hay bị phân hóa thành ba bô phận: “bộ phận bảo thủ cực đoan, chống lại sự cải cách về giáo lý, giáo luật chống phá cách mạng; bộ phận ôn hòa muốn thay đổi để thích nghi, để bảo vệ đạo; bộ phận tiến bộ vì cách mạng, chống chủ nghĩa đế quốc”. Điều này không chỉ tồn tại trong các giai đoạn trước đây; mà hiện nay vẫn còn một số cư sĩ, huynh trưởng vẫn chưa coi trọng đoàn kết hòa hợp, phụng đạo yêu nước, vẫn còn ngộ nhận, cố chấp và cố ý phá hòa hợp Tăng. Những hoạt động đó không chỉ dừng lại trong phạm vi tôn giáo mà đã gây sự ảnh hưởng không tốt đến sự đoàn kết nhân dân, ổn định chính trị-xã hội và ý thức hệ của tín đồ Phật giáo. Việc chống lại sự lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị chống lại tổ quốc là vấn đề cần đặc ra. Nghĩa là, các tổ chức tôn giáo nói chung và sinh hoạt Phật giáo nói riêng không thể có bất kỳ hành vi nào lợi dụng nó để “làm mất trật tự an toàn xã hội, phương hại đến nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mà phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Đây cũng là một trong những giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo đã chĩ rõ: “Tăng cường cảnh giác cách mạng, xây dựng phương án cụ thể, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chai rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm lợi ích quốc gia”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Lữ Hồ (1964): Sứ mệnh gia đình Phật tử, Nxb Sài Gòn.
2. Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (2000): Báo cáo ngày 15/05/2000 của Ban Mặt trận Thanh niên.
3. Nguyễn Tài Thư (1996): Phật giáo Việt Nam những vấn đề hiện nay, Nxb Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
4. Ban Tôn Giáo Chính Phủ (1999): Bản tin Tôn giáo, số 9 ngày 3/9/1999.
5. Gai đình Phật tử Việt Nam (2001): Kỷ yếu Hội nghi huynh trưởng cấp Tấn toàn quáo năm 2001, Nxb Từ Đàm, Huế.
6. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2003): Văn kiện Hội nghị lần thứ VII, BCHTƯ khóa IX, Nxb, CTQG, Hà Nội.
7. Lê Cung (1999): Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam 1963, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
8. Đặng Nghiêm Vạn (2001): Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội.
Thích Diệu Luyến