Ngày nay, người phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số nước ta, cũng như trên thế giới. Chẳng những đông về số lượng, người phụ nữ còn giữ nhiều vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc gia hoặc quốc tế. Có thể nói song song với nhịp tiến hóa của nhân loại, người phụ nữ ngày nay đã thăng hoa tri thức và tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không riêng gì lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, từ thiện, mà ngay cả ở những lĩnh vực vẫn thường được coi như chỉ thích hợp với nam giới, người phụ nữ khó chen chân vào như ngành khoa học về năng lượng, điện tử, vũ trụ, vật lý... cho đến ngành công an, võ sĩ bảo vệ các nhân vật quan trọng... cũng đã có sự đóng góp không ít của giới phụ nữ.
Họ đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng trí tuệ và tài năng của người phụ nữ không thua kém gì nam giới. Khối óc và đôi tay của người phụ nữ đã làm nên những thành quả lợi ích thiết thực cho loài người nói chung và nâng cao giá trị của người phụ nữ nói riêng. Thậm chí ở vị trí cao nhất của hàng lãnh đạo một quốc gia cũng có hình bóng của người phụ nữ hiện hữu.
Thật vậy, gần chúng ta như trong 10 nước thuộc khối ASEAN hiện nay có hai phụ nữ giữ vị trí nguyên thủ quốc gia, đó là bà Gloria Arroyo Tổng thống Philippines và bà Megawati Sukarnoputri, Tổng thống Indonesia.
Riêng về giới phụ nữ Việt Nam ở thời cận đại, công sức đóng góp cho nền độc lập nước nhà của những bà mẹ anh hùng, những người chị đảm đang việc nước quả là vô cùng lớn lao, lưu lại những dấu ấn son sắt trong lịch sử nước ta. Cũng không thể quên được sự hiện hữu của giới phụ nữ hiện nay đang đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong guồng máy lãnh đạo của đất nước chúng ta.
Giới phụ nữ Việt Nam thời nay đang sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực phát triển sinh hoạt cộng đồng quốc gia như vậy, thì thử nghĩ ở vào thời xa xưa, người phụ nữ làm gì, vị trí của họ trong xã hội như thế nào, họ đã đóng góp gì cho xã hội? Ở đây, chúng ta giới hạn sự tìm hiểu về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời Bắc thuộc.
Lật lại trang sử khi đất nước chúng ta bị nhà Hán đô hộ, tức thời Bắc thuộc. Dưới sự cai trị vô cùng hà khắc của chính quyền phương Bắc, người đầu tiên dám khởi nghĩa chống lại giặc Hán lại chính là người phụ nữ lừng danh mà nhân dân Việt Nam muôn đời còn ghi công đức; đó chính là Hai Bà Trưng.
Tại sao nam giới lưng dài vai rộng, khỏe mạnh lại không đánh đuổi giặc, mà để cho người phụ nữ chân yếu tay mềm gánh vác việc khó làm như vậy. Nhất là ở giai đoạn đầu kỷ nguyên Tây lịch, người phụ nữ không hề biết gì ngoài sinh hoạt gia đình, đừng nói chi đến việc thế sự hay việc lớn lao như việc nước, việc dân. Khi chưa có chồng, thì họ nấu cơm hầu cha mẹ, anh em, lấy chồng thì họ “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, hầu hạ chồng con và sinh đẻ để nối dõi tông đường nhà chồng.
Dưới chế độ cai trị của nhà Hán, các quan Thái thú đã hạn chế tối đa mọi hoạt động của nam giới. Điều này cũng dễ hiểu vì họ e sợ cánh đàn ông khỏe mạnh, mưu lược sẽ nổi dậy chống lại sự cai trị tàn bạo của họ. Vì vậy, quân Hán luôn theo dõi, bám sát thanh niên, tiêu diệt mọi ý tưởng chống đối từ trong trứng nước.
Nhất là các quan Thái thú đã thực hiện chính sách ác độc, bắt thanh niên ta đi làm phu với mục đích cô lập nam giới khỏe mạnh, không cho họ có cơ hội chiêu mộ binh lính khởi nghĩa, cứu nước. Với sự đề phòng mọi hoạt động của nam giới một cách chặt chẽ như vậy, những thanh niên, phụ lão, nói chung là nam giới không còn cách nào hành động chống giặc được.
Tuy nhiên, trái với điều mà quan quân Hán thường nghĩ là chỉ có thanh niên mới nuôi chí lớn và có khả năng dẹp giặc, họ đâu ngờ rằng nữ giới Việt Nam ta thâm nhập sâu sắc tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vì vậy, bọn giặc không đề phòng phụ nữ, nhất là đối với hàng nữ nhi xuất gia thì họ lại càng không để ý.
Với tư chất thông minh và tinh thần yêu nước cao độ, người phụ nữ Việt Nam đã lợi dụng việc bọn giặc lơ là, không theo dõi sinh hoạt của nữ giới, nên ban ngày ở chùa, họ làm việc bình thường, tự nhiên, đơn giản như trồng trọt hoa màu và màn đêm buông xuống thì vấn đề trọng đại là luyện tập võ nghệ mới diễn ra. Thật là đáng nể phục khi các Ni sư đã âm thầm tập hợp hàng trăm, hàng ngàn người để chuẩn bị đánh đuổi giặc mà quan quân Hán không hay biết.
Vì vậy, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa thì khắp vùng đồng bằng ở đâu cũng có những đội binh nữ của Hai Bà xuất hiện; đặc biệt nhất trong số 8 nữ tướng đã có 4 Ni cô cầm đầu.
Thật vậy, theo sử sách còn ghi rằng đầu kỷ nguyên Tây lịch, ở Việt Nam đã có nhiều chùa ở nhiều địa phương. Vì vậy, đến thời Hai Bà Trưng, nhiều nữ tướng của Hai Bà đã xuất gia tu hành như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, v.v...
Chúng tôi xin đơn cử việc lãnh đạo anh dũng đánh thắng giặc Hán của 8 vị Tỳ kheo ni ở thời Hai Bà Trưng. 1. Công chúa Bát Nàn Trước nhất là Công chúa Bát Nàn. Bà họ Vũ, ở làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thân phụ của bà là thầy thuốc làm nhiều việc phước đức. Bà nổi tiếng là phụ nữ xinh đẹp và giỏi võ nghệ. Vì vậy, Thái thú Tô Định đã sai quan quân đến bắt Bà về làm hầu thiếp. Thân phụ và vị hôn phu của Bà đã bị chúng giết chết. Nhờ giỏi võ, Bà đã cầm song đao chống cự, nhưng vì thế cô, Bà đã bị thương. Nhưng Bà cũng đã phá được vòng vây và chạy đến chùa xã Tiên La, huyện Diên Hà (nay là xã Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Vị sư trụ trì biết trước việc này qua điềm mộng, nên đã che giấu Bà và làm lễ quy y cho Bà tu ở chùa.
Khoảng năm 36-39, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán. Cũng mang chí lớn là trả thù nhà và nợ nước như hai Nữ vương, Bà đã triệu tập được một đạo nữ binh đến 3.000 người, đánh giặc giỏi, Bà được cử làm tướng tiên phong. Sau đó, Bà lập được nhiều chiến công, nên được phong là Tướng quân Bát Nàn (nghĩa là tướng quân dẹp nạn). Năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng chiếm lại 65 thành của Lạc Việt, giành độc lập cho nước nhà và lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà đã được Trưng vương thương mến, ban thưởng công trạng, nên phong cho nữ tướng Bát Nàn làm Công chúa.
Mặc dù được sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, nhưng nhờ căn lành sâu dày với Phật pháp, Công chúa Bát Nàn lại nhớ đến nghĩa lý sâu xa của Phật pháp mà Bà đã từng tu hành lúc còn ẩn thân nương náu ở chùa. Với thì giờ rảnh rang suy tư, quán tưởng, Bà đã trực nhận được lý đạo, nên quyết tâm xin từ quan để tiếp tục tu hành. Công chúa đã xuất gia trở lại ở chùa xã Tiên La.
Sau nhiều năm tu hành miên mật và hoằng pháp độ sinh, Công chúa Bát Nàn đã viên tịch ở chùa Tiên La. Dân chúng ở xã này thương mến và nhớ ơn Bà, đã lập đền thờ; hàng năm đều mở lễ hội vào ngày 16/03 (Âm lịch), dân chúng về cúng rất đông. Tục truyền rằng Bà tu hành đắc đạo, nên dân chúng cầu nguyện bà đều được linh ứng. Ở tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn còn hàng chục ngôi đền thờ Bà.
2. Bà Thiều Hoa Bà sinh ngày 02/01/Quý Tỵ (năm 03, sau Tây lịch), quê ở vùng động Lăng Xương (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), một vùng đất nổi tiếng linh thiêng từ thời Hùng Vương. Cha của Bà là Hoàng Phụ và mẹ là bà Đào Thị Côn. Bà cũng nổi tiếng đẹp, hiếu hạnh và giỏi võ thuật. Lúc 16 tuổi, nhiều gia đình muốn rước bà về làm dâu, nhưng bà Thiều Hoa từ chối vì rất có hiếu, chỉ muốn ở kề cận săn sóc cha mẹ già. Mấy năm sau, cha mẹ Bà qua đời, Bà liền xin tu học ở chùa Phúc Khánh, làng Hiền Quang (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Bà Thiều Hoa đã dẫn 500 quân về dự lễ hội thề xuất quân. Cũng giống như Công chúa Bát Nàn, khi Hai Bà Trưng đánh thắng quân Hán, nữ tướng Thiều Hoa đã xin từ quan, trở lại chùa tu hành. Trưng Vương đã hỗ trợ Bà trong việc trùng tu chùa Phúc Khánh. Bà cũng rất tinh tấn hoằng truyền Phật pháp.
Năm sau, Bà mất tại chùa Phúc Khánh. Trưng vương truy phong Bà làm “Phù Vương Công chúa” (nghĩa là công chúa phò giúp vua) và cho lập đền thờ Bà. Từ đó, mỗi năm vào ngày mùng 02 Tết Âm lịch là ngày sinh của Bà, dân làng tổ chức lễ hội kỷ niệm công đức của Bà. Hàng năm, đến ngày 12,13 tháng Giêng (Âm lịch), dân chúng địa phương và chùa Phúc Khánh xưa, ở làng Hiền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, đều tổ chức Hội Phết ở đền Hiền Quang để tưởng nhớ Công chúa Phù Vương.
Đánh phết là đánh cầu gỗ bằng gậy cong ở đầu. Bà Thiều Hoa đã khai sáng ra Hội Phết Hiền Quang. Ở nhà tiền tế của đền Hiền Quang, còn treo tấm hoành ghi: “Diệt bạo tướng Phật” và nhiều câu đối nói về Bà từng phò Hai Bà Trưng dẹp giặc và tu hành, viên tịch ở chùa Phúc Khánh.
3. Bà Vĩnh Huy Quê của Bà ở huyện Đông Triều, trấn Hải Dương. Mới 16 tuổi, Bà Vĩnh Huy đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán. Sau khi Hai Bà Trưng thua trận, tuẫn tiết, Bà Vĩnh Huy đã ẩn tu ở chùa làng Cổ Châu (làng Dâu), huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).
4. Nữ tướng Phương Dung Bà Phương Dung và hai người con nuôi là Trung Vũ và Đài Liệu đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Hán. Năm 40, Hai Bà Trưng giành được độc lập cho dân tộc, lên ngôi vua, Trưng vương phong cho Bà Phương Dung làm Công chúa, Trung Vũ làm Tả Tướng quân, Đài Liệu làm Hữu Tướng quân.
Năm 43, quân Hán lại sang xâm lăng nước ta, Hai Bà Trưng thua trận và tuẫn tiết. Công chúa Phương Dung trở về ẩn tu ở chùa Thanh Vân, trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, trấn Sơn Nam (nay là thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Sau khi Bà mất, dân làng thờ Bà ở chùa Thanh Vân (Thanh Vân cổ tự). Trung Vũ và Đài Liệu cũng được dân chúng thờ làm thần Thành hoàng của làng, giỗ ngày mùng 07/11 (Âm lịch).
5. Hai nữ tướng Nguyệt Thai và Nguyệt Độ Nguyệt Thai và Nguyệt Độ là hai chị em sinh đôi. Mẹ của hai Bà là Tống Nga tu ở chùa Thiên Thai trên núi Đông Cứu, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Khi hai Bà mới 16 tuổi thì mẹ qua đời, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ vẫn tiếp tục sống ở chùa Thiên Thai.
Nguyệt Thai và Nguyệt Độ đã mộ tập được 1.000 nam nữ nghĩa binh theo Hai Bà Trưng kháng chiến. Hai Bà là nữ tướng nổi danh trong trận đánh ở làng Me.
Sau khi Hai Bà Trưng thua trận và tử tiết, hai Bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ đã về ẩn tu trên núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Dù hai nữ tướng đã viên tịch ở núi Yên Tử, dân làng Me vẫn lập miếu thờ hai Bà. Mỗi năm, vào ngày sinh của hai Bà (mùng 10 tháng giêng âm lịch) và ngày mất (mùng 08 tháng 05 âm lịch), dân làng đều mở lễ hội để tưởng niệm ở Miếu Cổ tại làng Me, nay là xã Mỹ Thử, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
6. Công chúa Chiêu Dung Công chúa tên thật là Lý Thị Ngọc Ba, chồng của Bà là Đặng Thanh, quê ở quận Cửu Chân, sau về ở vùng Đất Cốc. Hai ông bà có 05 người con trai đều quyết tâm chống giặc Hán.
Sau khi chồng chết, Bà cùng 05 người con tiếp tục chống giặc ở vùng phía Tây sông Đáy. Bà cùng con trai trưởng đóng quân ở giữa làng Cốc, đồn tiền tiêu đóng ở Cốc Thượng do Đặng Nghiễm và Đặng Liễu chỉ huy, đồn Cốc Hạ do Đặng Diên và Đặng Tiên trấn thủ.
Bị quân Hán tấn công tiêu diệt căn cứ Đất Cốc, Bà Ngọc Ba và các con phải rút lui, về ẩn trú ở chùa Hương Lang. Được Thiền sư Đạo Uẩn che giấu, mẹ con Bà ban ngày tụng kinh niệm Phật, ban đêm vẫn luyện tập võ nghệ.
Sau đó, Bà và các con cùng thuộc hạ đã quy tụ về tham gia kháng chiến và phát triển căn cứ ở Đất Mới dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi giành lại độc lập cho nước nhà, Trưng vương đã phong cho Bà Ngọc Ba làm Công chúa Chiêu Dung cai quản đội nghĩa binh và căn cứ Đất Cốc. Đến khi Hai Bà Trưng thua trận, Công chúa Chiêu Dung đã về ẩn tu, học đạo với Thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương Lan, vùng Đất Cốc, nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
7. Nữ tướng Hương Thảo Bà xuất thân nhà nghèo, nhưng rất khỏe mạnh, tên thật là Thảo. Trong phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà đã theo nữ tướng Thánh Thiên đánh giặc, lập được nhiều chiến công, nên được ban cho tên hiệu là Hương Thảo.
Nữ tướng được giao cai quản đội nữ quân chuyên nuôi voi trận và ngựa chiến. Bà tổ chức những nông trại trồng cỏ ở vùng đồng bằng châu thổ ở Bích Tràng. Bà thường đến cúng dường và lo trùng tu chùa Cỏ ở vùng đó.
Khi Mã Viện đem quân sang thôn tính nước ta lần thứ hai, nữ tướng Hương Thảo đã tổ chức một trận hỏa công lớn ở Bích Tràng, tiêu diệt được nhiều tướng sĩ giặc; nhưng sau cùng, Bà cũng đã tử trận. Dân làng đã thờ cúng nữ tướng Hương Thảo ở chùa Cỏ.
Tóm lại, qua những nhân vật lịch sử kể trên, chúng ta thấy rõ hình ảnh của người phụ nữ thuộc giới xuất gia cũng như tại gia đã có công rất lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Hán, giành lại độc lập cho dân tộc nước nhà. Họ đã thật sự đóng góp trí tuệ, tài đức, kể cả mạng sống trong việc chiêu binh mãi mã, tập trung quần chúng, tập luyện võ nghệ... để cùng tham gia phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Giới nữ lưu Việt Nam, đặc biệt là Ni giới ở thời Bắc thuộc đã nhập thế tích cực theo tinh thần Đại thừa. Họ đã thể hiện thật đặc sắc tinh thần người phụ nữ Việt Nam là giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Dứt khoát là vậy, không thể khác và không thể chần chừ.
Trước cảnh cai trị bạo tàn của quân Hán, gây ra sự lầm than, đau khổ, chết chóc, tủi nhục cho dân tộc Lạc Việt, người phụ nữ chân yếu tay mềm đã chuyển đổi được sự yếu mềm của họ thành ý chí dũng cảm đáng nể, thành những chiến thắng hào hùng vô cùng đáng kính.
Những trang sử vàng son còn ghi dấu ấn về những kỳ tích vẻ vang của Ni giới hay cư sĩ tại gia đã nói lên vai trò vô cùng quan trọng của Phật giáo trong việc hun đúc trí tuệ, tài năng cho những người đi theo hướng Phật dạy. Các vị sư tu hành đắc đạo, cũng như tinh ba của giáo pháp Phật Đà từ thời sơ khai lập quốc đã là những tác nhân tích cực trong việc đào tạo con người mang chí lớn, làm việc lợi ích cho nước nhà.
Những trang nữ lưu thông minh, gan dạ, tài giỏi, khỏe mạnh, với tài điều binh khiển tướng có khác gì những trang nam tử. Điều này cũng thể hiện tinh thần Phật dạy rằng nam nữ bình đẳng bất nhị, nếu biết khai thác những ưu thế của mỗi giới.
Và tinh thần cao cả đáng kính quý hơn nữa mà chúng ta bắt gặp ở các nữ tướng Việt Nam xuất thân từ Ni giới hay hàng phật tử tại gia như đã nói trên; đó là việc đánh đuổi giặc không tiếc thân mạng và sau khi giành được chiến thắng vẻ vang, nước nhà được độc lập, được Trưng vương phong chức, họ đã nhẹ nhàng treo ấn từ quan.
Trở về chùa tiếp tục nếp sống tu hành cao quý, không màng bổng lộc, lợi danh, quả là hình ảnh tuyệt đẹp của hàng nữ lưu Ni giới và nữ cư sĩ phật tử Việt Nam ở thời Bắc thuộc. Đó cũng chính là hình ảnh của các vị Bồ tát hiện hữu trong cuộc đời như hoa sen xinh đẹp, tỏa hương thơm ngát cho đời, chẳng hề bị mùi tanh của danh lợi làm nhơ bẩn.
Ôn lại phần nào trang sử hào hùng của hàng nữ lưu Ni giới Việt Nam ở thời Bắc thuộc cũng chính là sự nhắc nhở của chúng tôi đối với Ni giới và nữ cư sĩ phật tử trong thời hiện đại. Nhất là ở thế kỷ XXI, một thế kỷ mà hàng nữ lưu được trọng vọng, được tham gia vào hàng lãnh đạo đất nước, hoặc giữ những vị trí quan trọng ở nhiều lãnh vực của xã hội, làm thế nào quý vị đóng góp đôi tay và khối óc cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, cho đạo pháp hưng thạnh.
Có như vậy, hàng nữ lưu Ni giới và nữ cư sĩ tại gia Việt Nam mới xứng đáng kế thừa sự nghiệp của các bậc nữ lưu tiền bối và làm gương sáng cho đàn hậu tấn nương theo trên bước đường phục vụ đẹp đạo, tốt đời.
Hòa thượng Thích Trí Quang