Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung GHPGVN

Thứ bảy - 21/01/2012 12:12
Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung GHPGVN

Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung GHPGVN

Người Khmer Nam bộ nhận thức rằng việc học tiếng phổ thông (tiếng Việt) là cần thiết cho nhịp sống mới, cho nền sản xuất công nghiệp để cải thiện đời sống vật chất, thay vì trước đây chỉ chú trọng học tiếng dân tộc mình để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

1. Dẫn nhập

Kể từ năm 1981, lịch sử các tổ chức, hệ phái trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, trong đó Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer là một trong 9 hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có nhiều đóng góp tích cực. Trải qua gần 30 năm, PGNT Khmer thực sự là một lực lượng rất quan trọng cùng với các hệ phái trong hệ thống GHPGVN thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội ”, có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần vào những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Qua đó, cũng thể hiện một cách trọn vẹn truyền thống đoàn kết hòa hợp của 09 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước, trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer với tư cách là thành viên sáng lập.

2. Vài nét về PGNT Khmer Đồng bằng sông Cửu Long

Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm (vào khoảng thế kỷ thứ IV). Đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đại bộ phận các Phum (xóm), Sóc (nhiều xóm hợp thành) của người Khmer đều có chùa thờ Phật. Tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 453 ngôi chùa với tổng số 8.017 chư Tăng, tăng hơn 20% so với thời điểm 1981, chiếm 19,3% tổng số sư trong cả nước)[1], tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh (thành phố) Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau).

Theo phong tục của người Khmer, khi người con trai đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu một thời gian với một hay nhiều ý nghĩa là trả hiếu cho ông bà, cha mẹ; để thực hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; để tỏ lòng thành kính với Đức Phật… Các thanh niên này cần phải tu tối thiểu ở chùa là một tháng, cũng có thể ở chùa tu lâu dài hoặc suốt đời, tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người. Sau thời gian một tháng họ có thể xin ra khỏi chùa (xuất tu) trở lại cuộc sống đời thường bất cứ lúc nào. Họ có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội, khi muốn họ lại có thể xin vào chùa tu một thời gian rồi sau đó lại có thể trở về với gia đình.

Người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long quan niệm, bất cứ người con trai Khmer nào cũng cần phải qua tu hành một thời gian để trau dồi đạo hạnh, trang bị tri thức và cách sống làm người. Người đã trải qua thời gian tu hành ở chùa được cộng đồng người Khmer nhìn nhận và đánh giá cao, mới dễ lập gia đình và dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội.

 

 

Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn tới người Khmer cũng như người theo Phật giáo Nam tông ở các quốc gia khác.

Theo truyền thống, Phật giáo Nam tông Khmer không có người nữ đi tu ở chùa. Tuy nhiên, những người phụ nữ Khmer lại được giáo dục và ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và đạo đức Phật giáo, thông qua nếp sống của những người đàn ông trong gia đình (là những người ông, người cha, người chồng) và thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý và nghi thức truyền thống mang đậm nét Phật giáo của dân tộc Khmer: Lễ Phật đản; lễ Dâng y; nghi thức dâng cúng vật phẩm cho chư tăng; lễ Chôl Chnăm Thmây (như tết nguyên đán ở Việt Nam); lễ Đôn-ta (lễ cúng ông bà); lễ cúng Trăng… Dù là lễ của Phật giáo hay lễ dân tộc nhưng mọi hoạt động này đều gắn liền với các nghi thức tôn giáo bởi mọi người cùng đến chùa, đọc kinh, thả đèn lồng… và có sự tham gia của các vị sư.

Giống như Phật giáo Bắc tông, Sư tăng Phật giáo Nam tông cũng thụ giới qua các bậc Sadi và Tỳ khưu, tuy nhiên số lượng giới phải giữ có sự khác biệt. Đối với Phật giáo Nam tông:

- Người thụ giới Sadi phải giữ 105 giới.

- Người đã thụ giới Sadi được thụ giới Tỳ khưu phải giữ 227 giới.

Cũng có thể người đi tu nếu không muốn thụ giới Tỳ khưu thì có thể giữ ở bậc Sadi suốt đời. Người nam đi tu theo Phật giáo Nam tông trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên chỉ được nhận vào chùa và được thụ giới Sadi khi đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản:

- Phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ). Người nam đã có gia đình muốn vào chùa tu phải được sự đồng ý của vợ.

- Phải là công dân tốt, không trong tình trạng vi phạm pháp luật.

- Phải có thầy dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.

Về đời sống hàng ngày, Phật giáo Nam tông thực hành theo giới luật Phật giáo Nguyên thủy nên không ăn chay như Phật giáo Bắc tông, họ sống bằng sự dâng cúng thức ăn mỗi ngày của Phật tử. Các sư chỉ ăn 2 bữa một ngày, vào buổi sáng sớm và trước giờ Ngọ (12 giờ trưa). Sau 12 giờ trưa cho đến hết đêm nhà sư chỉ được dùng vật lỏng để uống, như nước, sữa, trà… Trong một năm có thời gian do bận việc mùa vụ, Phật tử không được rảnh rỗi thì Ban Quản trị chùa có thể trao đổi với các gia đình Phật tử dâng cúng theo từng ngày nhất định, tránh ngày thì quá nhiều, ngày lại quá ít. Nếu tín đồ bận, các sư có thể nhận thực phẩm do các gia đình dâng cúng, đem về chùa nhờ người nấu.

Đối với người Khmer, các vị sư có vị trí và ảnh hưởng rất lớn. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, bởi vậy vị sư luôn là người thầy được tôn kính và tin tưởng. Theo truyền thống từ xa xưa của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, tuyệt đại bộ phận người dân theo Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông, do đó khi nói đến dân số người Khmer ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc có thể hiểu đó là số lượng Phật tử, tín đồ Phật giáo (trừ những vị sư đang tu trong chùa được coi là nhà tu hành). Có thể nói, đời sống thường nhật của đồng bào Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer không thể tách rời. Các vị sư đến chùa tu đều là con em của đồng bào dân tộc Khmer, chùa là nơi tu hành của các vị sư sãi, là nơi làm lễ của đồng bào, là nơi giáo dục đào tạo dạy chữ, dạy nghề cho con em của đồng bào dân tộc, là trung tâm văn hóa của dân tộc, là bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ đồ thờ tế tự, điêu khắc, chạm trổ, ghe ngo (để dùng đua trong các lễ hội dân gian)… đồng thời cũng là nơi thờ cúng những người thân của đồng bào dân tộc Khmer sau khi mất. Sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng Phum, Sóc của người Khmer đa phần đều gắn với tín ngưỡng và triết lý của đạo Phật. Các công việc của gia đình cũng như sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng đều có sự tham dự của các vị sư. Đại bộ phận các ngôi chùa Khmer đã trở thành nơi hội tụ, điểm đến và là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã Khmer Việt Nam.

Năm 1964, Phật giáo Khmer Nam bộ thành lập Hội đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ do Hòa thượng Thạch Som làm Hội trưởng. Tiếp sau đó là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt thành lập, hoạt động. Hội đoàn kết sư sãi yêu nước đã là nơi quy tụ sư sãi, đồng bào, Phật tử Khmer nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi độc lập dân tộc, chống lại mọi sự xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phật giáo Nam tông Khmer luôn sát cánh cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến đến ngày toàn thắng.

Sau năm 1975, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ nói chung và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ở các tỉnh nói riêng vẫn tiếp tục hoạt động, tập hợp sư sãi, đồng bào Phật tử tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết nước nhà. Đến năm 1980, ủng hộ chủ trương chung của lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước cũng như thể theo ý nguyện của đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong cả nước, đại diện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ đã tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo trong cả nước. Đến tháng 11/1981, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ do Hòa thượng Dương Nhơn làm trưởng đoàn cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo đã thống nhất thành lập một tổ chức chung đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ngay tại Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”.

Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 30 năm qua, Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục có những đóng góp công sức xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

3. Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung GHPGVN

Như chúng ta đã biết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, họ là những tín đồ Phật tử thuần thành của Phật giáo Nam tông Khmer, trong đời sống sinh hoạt tu học và các họat động có liên quan đến xã hội thì các vị sư sãi của Phật giáo Nam tông Khmer cùng với Tăng Ni, Phật tử cả nước đã có nhiều hoạt động nhằm ổn định sinh hoạt Phật giáo, phát huy truyền thống yêu nước gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng cuộc sống mới, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, từ thiện.

Nhất là việc giữ vững ổn định chính trị xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Tạo nên một khu vực an ninh tốt, phát triển đời sống, đoàn kết giữa đồng bào Khmer với đồng bào Kinh, Hoa và các tầng lớp nhân dân theo phương châm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Với những thành quả đã đạt được của Phật giáo Nam tông, những nỗ lực cống hiến đóng góp của đồng bào Khmer nói chung, các vị sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng là rất đáng ghi nhận.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống của đồng bào Khmer và sinh hoạt của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, vì thấy được những khó khăn nhất định về đời sống kinh tế. Sau khi khảo sát, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ 7 điểm nhằm hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó chú trọng đến khâu tu học của chư tăng và giúp đỡ tín đồ Phật giáo Nam tông. Ban Tôn giáo Chính phủ đã giúp in Đại tạng kinh và kinh nhựt tụng cùng các tài liệu có liên quan phát hành phổ biến cho các nơi, vì cần thiết thông qua kinh sách để hiểu giáo lý của đạo Phật. Kinh sách còn phát huy truyền thống hòa bình nhân ái của Phật giáo, tăng cường tình đoàn kết, hiểu thêm về đất nước con người để xây dựng cuộc sống mới góp phần làm giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Khâu thứ hai là hỗ trợ việc hình thành các trường lớp, tạo điều kiện giúp cho việc tu học của chư tăng và tín đồ Phật tử ngày càng tốt hơn. Các phần còn lại trong 7 điểm cũng đã từng bước tổ chức thực hiện như khắc khuôn dấu mới, cấp chứng điệp thọ giới, chứng nhận tu sĩ cho chư tăng… Trong những năm gần đây, cùng với sự trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình Thủ tướng và được Thủ tướng quan tâm cho phép thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đặt tại Quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ. UBND Tp. Cần Thơ cũng rất quan tâm đến việc này và cấp 11 hecta đất để xây dựng Học viện. Ban Tôn giáo Chính phủ cố gắng thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất giúp Học viện Phật giáo Nam tông Khmer sớm đi vào hoạt động. Và trong năm 2011 này đã cấp bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa I (2007 - 2011) cho 62 tăng sinh và khai giảng Khóa II (2011 - 2015) để các sư sãi có điều kiện tu học tốt hơn.

Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt Phật sự mà còn là trung tâm giáo dục cho cộng đồng về đạo đức, văn hóa, sinh hoạt tâm linh. Là một địa chỉ để tụ hội các vị sư sãi và đồng bào Phật tử tiếp nối truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer trong lòng dân tộc; đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp xóa đói giảm nghèo, thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc… Vì vậy, Đảng và Nhà nước thường xuyên giúp cho các trường chùa xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tu học; hỗ trợ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer nâng cao trình độ không chỉ thông qua các cơ sở đào tạo trong nước mà còn được đào tạo ở nước ngoài; phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác trên tinh thần Phật giáo với các quốc gia trong khu vực; tăng cường giao lưu giữa hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer với các hệ phái trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trao đổi cùng giúp nhau phát triển, thắt chặt tình đoàn kết đạo đời, cùng phấn đấu cho sự ổn định và phát triển chung của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với những thành quả đạt được của các cấp Giáo hội trong gần 30 năm qua, không thể không tính đến một khối lượng tu sĩ gần 10.000 người và trên 2 triệu tín đồ Phật tử của Phật giáo Nam tông Khmer trong hệ thống GHPGVN. Qua đó, cho thấy tính thống nhất về mặt tổ chức, lãnh đạo, hành động trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tính đoàn kết hòa hợp của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có từ hơn 2000 năm nay trên đất nước Việt Nam thân yêu này. Và ngày nay, trong xu thế phát triển bền vững và hội nhập của Đất nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tinh thần đoàn kết hòa hợp cần được phát huy để tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ trước đến nay, các sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam Tông Khmer đã có nhiều hoạt động tích cực đưa giáo lý, đạo đức, văn hóa của đạo Phật vào cuộc sống góp phần ổn định sinh hoạt Phật giáo, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Các vị sư Nam tông Khmer  gương mẫu vận động nhân dân, bà con Phật tử tương trợ, giúp đỡ nhau nhằm xóa đói giảm nghèo và nhiều gia đình Phật tử đã có mức sống trung bình, khá. Đã và đang xuất hiện những “Triệu phú” người Khmer ở vùng đồng bằng này, đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc trong khối đại đoàn kết toàn dân. Những việc làm nêu trên đã thể hiện rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo, tăng cường sự gắn kết giữa đạo với đời, khẳng định vị thế của một tôn giáo có truyền thống yêu nước, có bề dày lịch sử và luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Những vấn đề trên luôn được Ban Tôn giáo Chính phủ cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số ban, ngành các cấp quan tâm, dành nhiều thời gian công sức để thực hiện theo nguyện vọng của chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Điều này cho thấy Gíao hội Phật giáo Việt Nam thật sự là chỗ dựa tinh thần cho Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng và cho cả 9 hệ phái Phật giáo anh em nói chung.

Về thành quả đạt được từ năm 1981 đến nay, Phật giáo Nam tông Khmer đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận như:

- Phật giáo Nam tông Khmer có tất cả 453 ngôi chùa, trong đó có trên 70% chùa đã được xây dựng, sửa chữa lại khang trang hơn và có gần 10.000 chư tăng tu học.

- Về tăng sự:

* Hòa thượng Danh Nhưỡng được suy tôn Phó Pháp chủ HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Phân ban Tăng sự đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer; Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Phân ban Tăng sự đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer; Hòa thượng Đào Như - Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.

* Văn phòng 2 Trung ương tại Tp. HCM đã giúp cho Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức nhiều hội thảo, chuyên đề và các cuộc họp đạt kết quả khả quan tại chùa Candarangsây (Chanh Tarangsây).

* Nét mới của Phật giáo Nam tông Khmer là tiến hành bổ nhiệm trụ trì và thành lập Ban Quản trị cho các chùa. Đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Ban Tôn giáo Chính phủ trợ giúp cho tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu và Kiên Giang… bàn về các giải pháp của Ban Tôn giáo Chính phủ đối với Phật giáo Nam tông Khmer và kiểm điểm đánh giá những ưu điểm, những tồn đọng cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

- Về Giáo dục: 

Ngày nay, đất nước ta đang trên đà tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì người dân Khmer Nam bộ cũng không nằm ngoài làn sóng ấy. Người Khmer Nam bộ nhận thức rằng việc học tiếng phổ thông (tiếng Việt) là cần thiết cho nhịp sống mới, cho nền sản xuất công nghiệp để cải thiện đời sống vật chất, thay vì trước đây chỉ chú trọng học tiếng dân tộc mình để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế, xu hướng học tập được mở rộng, ngày càng phát triển. Vả lại, Đảng và Nhà nước đã mở ra chính sách nâng cao dân trí cho toàn dân nói chung và quan tâm ưu đãi cho con em dân tộc Khmer, nhiều em trở thành học sinh giỏi và vào học cao đẳng, đại học; nhiều em phấn đấu học cao hơn lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ trên mọi lĩnh vực. Về phần Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc tu học, sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer như tạo điều kiện mở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và đã in ấn nhiều tài liệu kinh sách phân phát cho các chùa. Từ đó, để chư tăng và Phật tử người dân tộc có điều kiện học tập, phát triển kịp với nhịp độ chuyển mình của đất nước và sự phát triển tiến bộ của Phật giáo Việt Nam.

Đối với chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer theo cách đánh giá hàng năm có những tiến triển tích cực cụ thể như hàng chục ngàn con em đồng bào Khmer đến chùa học lớp cơ sở (song ngữ Khmer - Việt) trong những ngày nghỉ hè, hơn 200 lớp sơ cấp Pali, Vini với trên 3.500 sư theo học; 01 Trường Pali Nam bộ mỗi năm thu nhận 50 vị tăng sinh, chương trình học 4 năm. Tại chùa Khleang - Sóc Trăng mở thêm Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng. Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho ra mắt Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp Cần Thơ với số lượng tăng sinh từ 60 đến 100 vị, xúc tiến việc in ấn giáo án, giáo tài và kinh sách đọc tụng cho chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Về in ấn kinh sách, tính đến nay đã in ấn và cấp phát được 135.000 đầu sách các loại và in xong mẫu giấy chứng nhận tu sĩ (Tỳ Khưu và Sadi).

- Về Ban Phật giáo quốc tế: Chư Tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer hiện tham gia vào Ban Phật giáo quốc tế gồm có: Hòa thượng Dương Nhơn tham gia đoàn đi dự Đại hội Phật giáo vì Hòa Bình (ABCP) tại Mông Cổ. Hòa thượng Đào Như cùng Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi dự Hội nghị về “Tự do tôn giáo” tại Hoa Kỳ hồi tháng 5 năm 2002. Hòa thượng Dương Nhơn trưởng đoàn, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Hòa thượng Đào Như tham gia đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi thăm và làm việc chính thức với Giáo hội Phật giáo Campuchia và Giáo hội Liên minh Phật giáo Lào từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 10 năm 2005. Sau đó quý ngài cùng với Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tp HCM tiếp đoàn Giáo hội Liên minh Phật giáo Lào đến thăm Việt Nam tại Hà Nội và Tp HCH từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 12 năm 2006. Đặc biệt, vào ngày 22 tháng 3 năm 2011, tại chùa Chăngtarăngsây, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh trọng thể tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Tối thượng chiếu quang chánh pháp sư” do Chính phủ Myanmar, Hội đồng Tăng già Myanmar trao tặng cho Hòa thượng Danh Nhưỡng - Phó Pháp chủ HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ và mừng thọ Hòa thượng tròn 83 tuổi.

Đào tạo chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer du học trong và nước ngoài gồm  12 vị. Đã in ấn được 24 đầu kinh sách với hơn 110.000 cuốn phân phối cho các trường lớp và các chùa. Ở lĩnh vực giáo dục, trước đây các chùa chỉ có lớp sơ cấp Pali - Vini nhưng từ ngày thành lập Giáo hội, hệ phái đã mở nhiều lớp từ sơ cấp đến trung, cao đẳng Pali - Vini và Cao cấp Phật học là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ. Hệ thống giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện có hơn 4.500 tăng sinh, phân hiệu Phật giáo Khmer tại các trường Phật học tại địa phương đã có gần 400 tăng sinh tốt nghiệp và gần 500 vị đang theo học, sơ cấp Pali, vini có hơn 1.500 tăng sinh tốt nghiệp và gần 3.000 vị đang theo học, còn lại theo học tại các chùa ở vùng sâu, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có 69 tăng sinh.

- Về văn hóa và nghi lễ:

Về nghi lễ, các hoạt động trong lĩnh vực này được tổ chức khá chu đáo từ lễ khánh kỵ, húy kỵ, lễ tang, lễ tấn phong giáo phẩm và một số lễ hội khác được tổ chức hoành tráng, có sức thu hút lớn.

Về văn hóa, để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, hầu hết các chùa đều được trùng tu sửa chữa, xây dựng thêm kể cả các ngôi chùa ở vùng sâu, các sala được nâng cấp thành chùa, tất cả mô hình kiến trúc đều mô tả được nét đặc thù của truyền thống văn hóa. Các lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây, Dolta, Dâng y, Oóc - om - boc, Phật đản và các lễ hội truyền thống ngày càng có thêm nhiều loại hình văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc được phát huy. Văn hóa văn nghệ dân gian ngày càng khởi sắc; đời sống sinh hoạt tu học của chư tăng được cải thiện rất nhiều bởi xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer được từng bước ổn định. Phật giáo Nam tông Khmer tích cực vận động thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng và rất quan tâm đến lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, xây nhà tình nghĩa, cất nhà tình thương, bắt cầu bồi lộ, cung cấp giếng nước sạch, nuôi dưỡng người già neo đơn, vận động thành lập quỹ khuyến học, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hỗ trợ đồng bào nghèo, mở các lớp phổ cập dạy văn hóa cho các em… Nhiều hòa thượng, Phật tử tham gia vào các tổ chức dân cử như Hòa thượng Danh Nhưỡng là đại biểu Quốc hội, một số các vị là Ủy viên chính thức, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X và XI, là thành viên UBTW MTTQVN và hầu hết  đều có tham gia vào tổ chức HĐND, UBMTTQVN và các tổ chức khác của Nhà nước. Nhà chùa theo Phật giáo Nam tông Khmer chính là trung tâm văn hóa luôn thể hiện và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc điểm của người Khmer gắn liền với Phật giáo, vì các sư đến chùa tu đều là con em của đồng bào Khmer. Chùa là nơi tu hành của các vị sư - là cội nguồn, là nơi làm lễ của đồng bào Khmer với ông - bà, cha - mẹ, là trung tâm văn hóa, là môi trường đạo đức và là nơi giáo dục đào tạo con em của đồng bào Khmer. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc lễ kỳ siêu cho anh linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong thiên tai bệnh tật vào các cuộc lễ lớn tại các các chùa và các nghĩa trang trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sư sãi và đồng bào Phật tử tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, phụng đạo giúp đời như lịch sử đã từng ghi nhận. Thời kỳ nào cũng có các nhà sư giúp đời, hộ quốc an dân, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp “Hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh”, không ngừng nỗ lực tu dưỡng trí huệ và đạo đức, ra sức thực hiện nghĩa vụ công dân, khắc phục những mặt hạn chế trong việc đạo, việc đời, đề cao tinh thần hòa hợp của Phật giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, vì mục tiêu “cứu khổ chúng sanh”,  hướng đến Chân - Thiện - Mỹ.

Kết luận:

Qua 30 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tự khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc và cộng đồng thế giới. Thành tựu của các hoạt động Phật sự của GHPGVN, chính là nhờ vào trí huệ tập thể, tập trung dân chủ, tiềm năng và cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động. Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đã cùng các hệ phái Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhau viết nên những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ và thời hiện đại, tích cực xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm, phát triển bền vững trên mọi phương diện trong lòng dân tộc.

Nhất là việc chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer phát huy truyền thống yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử luôn cùng các dân tộc anh em phát huy truyền thống yêu nước, lập nên những kỳ tích lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; đoàn kết hòa hợp để hướng dẫn đồng bào Phật tử Khmer nêu cao ý thức phục vụ đạo pháp và dân tộc; cùng nhau giúp đỡ đồng bào Khmer phát triển về mọi mặt, góp phần làm cho kinh tế xã hội của đất nước không ngừng phát triển bền vững; đồng thời phát huy vai trò là thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là thành viên đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer cùng các hệ phái Phật giáo trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tích cực đưa Đạo Phật đi vào cuộc đời bằng chính trái tim, khối óc của dân tộc Việt Nam, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, mở ra một kỷ nguyên mới với một tổ chức Giáo hội duy nhất, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước theo tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Chú thích:

[1] Theo Báo cáo sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2010 của GHPGVN  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa (1984), Dân tộc Khmer trong các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 91-97 tr.

[2]. Phan An (1995), Cơ chế quản lý xã hội truyền thống phum, sóc của người Khmer Nam Bộ trong làng xã ở Châu Á và Việt Nam - Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 195-200 tr.

[3]. Phan An (1984), Một số vấn đề kinh tế-xã hội của vùng nông thôn Khmer Đồng bằng sông Cửu Long (Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long),  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 109-169.

[4] Ban Tư tưởng văn hoá trung ương (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Ban Tư tưởng văn hoá trung ương, Hà Nội, 306 tr.

[5]. Nguyễn Chí Bền (1991), Lễ hội và nguồn gốc dân gian Khmer, Tạp chí Văn hóa - nghệ thuật, số 05, tr 41.

[6]. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hoá và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 452 tr.

[7]. Bộ Chính trị (1998), Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội.

[8]. Nguyễn Khắc Cảnh (1997), Chùa Khmer Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng - một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, Tập san Khoa học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, số 01.

[9]. Nguyễn Khắc Cảnh (2000), Sự hình thành cộng đồng Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á), Nxb Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh,  tr 217 - 229.

[10]. Đoàn Trung Còn (2001),  Lịch sử nhà Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 251tr.

[11]. Nguyễn Xuân Diệu (2000), Góp phần tìm hiểu về mối quan hệ và sư giao lưu văn hóa giữa các tộc người Việ t- Khmer - Hoa ở Sóc Trăng trong tiến trình phát triển, Tài liệu hội thảo khoa học lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm 1945, tr 143 - 147.

[12]. Trần Kim Dung (2000), Văn hóa truyền thống của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc sống hiện nay, (Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á), Nxb Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, tr 229-241.

[13]. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2006), Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2010, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 578 tr.

[14]. Đảng cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 68/CP-TW - công tác ở vùng đồng bào Khmer.

[15]. Thu Giang, Nguyễn Duy Cần (1999), Phật học tinh hoa, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 311 tr.

[16]. Sơn Phước Hoan (1998) (chủ biên), Lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 143 tr.

[17]. Võ Thành Hùng- Nghi lễ Vòng đời người Khmer tỉnh Sóc Trăng – 2011, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

 

Ths Võ Thành Hùng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 195


Hôm nayHôm nay : 976

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 566484

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22640909


Ảnh đẹp