Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận

Thứ ba - 28/02/2012 08:53
Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận

Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận Vai trò PGVN nhìn từ góc độ phương pháp luận

Phương pháp luận khoa học thống nhất phân tích tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng về mặt triết học với phân tích về mặt xã hội học được kiến tạo trên cơ sở tồn tại và phát triển thực tiễn của mọi tôn giáo (trong đó có Phật giáo).

VAI TRÒ PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẦN ĐƯỢC NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHƯƠNG PHÁP LUẬN: THỐNG NHẤT PHÂN TÍCH PHẬT GIÁO VỀ MẶT TRIẾT HỌC VỚI PHÂN TÍCH VỀ MẶT XÃ HỘI HỌC

 

Phương pháp luận khoa học thống nhất phân tích tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng về mặt triết học với phân tích về mặt xã hội học được kiến tạo trên cơ sở tồn tại và phát triển thực tiễn của mọi tôn giáo (trong đó có Phật giáo).

Tôn giáo nào cũng được thể hiện vừa như là một hình thái ý thức xã hội, vừa như là một hiện tượng xã hội. Do đó nghiên cứu tôn giáo (ở đây chỉ xin được nói riêng Phật giáo, hơn nữa, Phật giáo Việt Nam), cần được đặt ra cả về mặt hình thái ý thức (hay mặt nhận thức luận) - được coi là sự phân tích triết học cũng như về mặt là một hiện tượng xã hội – phân tích về mặt xã hội học. Đương nhiên, do yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, chúng ta có thể tách tương đối hai mặt đó. Song để đánh giá vai trò của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc cần coi sự thống nhất hai cách phân tích trên như một nguyên tắc phương pháp luận khoa học.

Sự phân tích về mặt triết học (nhận thức luận) cho phép thấy được trong ý thức (thế giới quan và nhân sinh quan) Phật giáo những mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên cũng như giữa con người với nhau – quan hệ xã hội, được phản ánh đặc thù như thế nào, sự chứa đựng trong đó những mặt đúng (thậm chí khoa học) và những mặt còn hạn chế ra sao. Sự phân tích Phật giáo Việt Nam về mặt triết học, mặt hình thái ý thức, còn cho phép làm rõ được ý thức Phật giáo (cũng như ý thức tôn giáo nói chung) luôn tồn tại trong sự tác động qua lại với các hình thái ý thức xã hội khác (chính trị, đạo đức, nghệ thuật…) như là điều có tính quy luật của đời sống ý thức xã hội. Chính do quy luật tác động này mà ta thường thấy trong ý thức Phật giáo chứa đựng nhiều yếu tố của nền đạo đức xã hội, của văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tư tưởng triết  học duy vật và cả những tư tưởng khoa học. Trên nghĩa đó chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn để nói rằng, không chỉ đạo đức Phật giáo, mà cả ý thức Phật giáo nói chung có nhiều điều phù hợp với sự nghiệp xây dựng xã hội Việt Nam mới ngày nay. Thái độ khoa học khi xem xét ý thức Phật giáo là cần tránh sự tách rời khỏi ý thức Phật tử. Đồng bào Phật tử nói riêng và đồng bào có đạo Việt Nam nói chung tuyệt đại bộ phận là các tầng lớp nhân dân lao động. Trong ý thức của họ mang đầy đủ bản chất tốt đẹp ý thức người lao động. Từ khi có Đảng Cộng sản đồng bào theo đạo Phật cũng như đông đảo đồng bào do các tôn giáo khác đã một lòng đi theo Đảng, tham gia tích cực vào mọi quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, cho nên mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo là trái với quan điểm khoa học và thực tiễn của Đảng ta.

Phân tích Phật giáo về mặt triết học (mặt ý thức, mặt nhận thức luận mà hạt nhân là thế giới quan và nhân sinh quan của nó) cho phép chúng ta chỉ ra được mặt bản chất của Phật giáo. Tuy nhiên nếu sự phân tích này được thực hiện trong sự tách rời siêu hình với các yếu tố liên quan đi đến cường điệu, hoặc tuyệt đối hóa nó thì không những không khai thác được mặt tốt, mặt tích cực, tiến bộ trong ý thức Phật giáo cũng như Phật giáo nói chung, mà thậm chí đôi khi chỉ còn nhìn thấy ở nó mặt hạn chế, tiêu cực, cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội. Một thời trong giới nghiên cứu Mát xít đã không chú ý đầy đủ đến một tư tưởng rất quan trọng của Các Mác về tính cách mạng của ý thức tôn giáo và tôn giáo nói chung trong xã hội có áp bức giai cấp khi Ông nói “…Tôn giáo một mặt là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, và mặt khác là phản kháng chống lại sự nghèo nàn hiện thực ấy” .

Tuy nhiên, để đánh giá đúng vai trò của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc – một vấn đề theo chúng tôi có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động nghiên cứu về tôn giáo nói chung ở nước ta hiện nay là cần tuân theo một nguyên tắc phương pháp luận: Thống nhất phân tích Phật giáo về mặt triết học với phân tích về mặt xã hội học.

Nếu phân tích Phật giáo về mặt nhận thức luận (mặt triết học) hướng chủ yếu vào giải thích vấn đề về mối tương quan của ý thức Phật giáo với thế giới hiện thực (giới tự nhiên và cả đời sống xã hội), thì sự phân tích về mặt xã hội học là làm sáng tỏ vị trí, vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội, nghĩa là nhìn Phật giáo như là hiện tượng xã hội có vai trò khách quan trong lịch sử phát triển của đời sống xã hội.

Với tính chất là một hiện tượng xã hội, Phật giáo phải được xem như một cấu trúc hệ thống, một kết cấu – chức năng, hay như một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng, trong đó là sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ của hàng loạt yếu tố cấu thành Phật giáo và mỗi yếu tố lại có những chức năng riêng - đó là các yếu tố như Giáo lý nhà Phật (thể hiện chủ yếu qua kinh sách), nghi lễ thờ cúng và hệ thống tổ chức. Trong đó đặc biệt quan trọng là xem xét yếu tố tổ chức. Tất nhiên, vai trò của ý thức Phật giáo phản ánh trong các giáo lý luôn thống nhất hữu cơ với vai trò các tổ chức của nó. Không một tư tưởng, một giáo lý, một tín ngưỡng nào của Phật giáo lại được thực hiện tách rời tổ chức của nó, mà chúng luôn được truyền bá trong giới Phật tử đông đảo (kể cả trong xã hội) nhờ các tổ chức (trực tiếp là giời tu hành – các nhà sư) bằng nhiều hình thức lễ nghi phong phú. Ở đây cần lưu ý, giới Phật tử không những chỉ là những người tiếp nhận thụ động giáo lý của đức Phật mà còn tham gia tích cực và hoạt động thờ cúng. Trong hệ thống cấu trúc của Phật giáo, còn phải kể đến một yếu tố quan trọng là Chùa – nơi thờ tự có vai trò như một không gian thiêng.

Các yếu tố cấu thành Phật giáo nói chung (ý thức, lễ nghi, tổ chức) tuy thống nhất hữu cơ nhưng không nên từ đó đồng nhất chúng. Chẳng hạn, với tư cách là một tổ chức, Giáo hội Phật giáo không chỉ thực hiện chức năng tư tưởng, thờ cúng thuần túy tôn giáo mà cả các chức năng không mang tính tôn giáo, như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục (thậm chí khoa học) v.v… Chính khi thực hiện các chức năng không mang tính tôn giáo như thế  mà tổ chức Phật giáo đã có những đóng góp cho sự phát triển tiến bộ xã hội. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sinh động quan điểm khoa học trên. Ở những thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, tổ chức nhà chùa đã tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi nhà chùa lớn thường là một trang trại có nhiều ruộng đất và nông dân. Về văn hóa, tổ chức Phật giáo đã góp phần đào tạo nhiều trí thức bản địa, nhiều nhà văn hóa lớn. Về chính trị, nhà chùa và nhà nước phong kiến cũng có nhiều mối liên hệ, ánh hào quang tốt lành và nhân đạo của một số triều đại phong kiến và cá nhân nhà Vua một phần quan trọng được đem lại bởi nhà chùa. Nhiều vị Sư là những viên quan có uy tín, là những nhà quân sự, nhà ngoại giao trong chính quyền nhà nước. Đặc biệt bằng nhiều hình thức hoạt động tích của mình, tổ chức Phật giáo đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Về phương diện tư tưởng Phật giáo triều đại nhà Lý còn quan tâm xây dựng một ý thức hệ làm nền tảng tư tưởng cho một quốc gia độc lập, tự chủ và thống nhất, trong đó Thiền Tông  với một hệ thống triết lý sâu sắc đã trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng của nền tảng ý thức hệ đó. Trong cấu trúc ý thức hệ xã hội thời Lý, như nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ rõ, mang tính “chung dung” các tư tưởng khác nhau, điều này phản ảnh quan điểm xã hội Triều Lý luôn đặt lợi ích độc lập đoàn kết thống nhất dân tộc, sự bình an, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, và tính tư tưởng này được thể hiện trong sự thờ cúng, trong cách bầy tượng của mỗi ngôi chùa (như chùa Diên Phúc ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội mà tôi được biết là một ví dụ). Tất nhiên khi nghiên cứu hiện tượng này cần phải đặt Chùa Phật giáo trong mối quan hệ với đình của Nho giáo – như một đặc trưng của quần thể văn hóa – tín ngưỡng làng xã Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam đương đại chức năng văn hóa, xã hội  (trong đó đặc biệt có hoạt động nhân đạo, từ thiện) của tổ chức Phật giáo Việt Nam càng được thể hiện rõ.

Sự phân tích Phật giáo về mặt xã hội học còn nhằm làm sáng tỏ  một vấn đề là những nhu cầu xã hội nào đã sinh ra và tái hiện Đức tin trong Phật giáo, những nguyên nhân nào đã làm cho nó có vị trí và một đời sống lâu dài trong xã hội.  Quan điểm khoa học Mác - Lênin về tôn giáo (trong đó có Phật giáo) luôn cho rằng, tôn giáo không phải là một hiện tượng ngoài xã hội, mà là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc trong những điều kiện vật chất và tinh thần của xã hội. Có thể nói nhu cầu tôn giáo (ở đây là nhu cầu về Phật giáo) là một nhu cầu khách quan của một bộ phận thành viên xã hội  (ở nước ta bộ phận này không nhỏ). Hơn nữa như trên đã phân tích, Phật giáo được xem như một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng, ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, Phật giáo cũng đáp ứng những nhu cầu ngoài tín ngưỡng. Điều này làm cho Phật giáo trở thành một bộ phận tất yếu cấu thành đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của xã hội Việt Nam trong lịch sử và hiện đại. Chẳng hạn, lịch sử Việt Nam triều đại Nhà Lý, tiếp nối các triều đại trước phải giải quyết hai nhiệm vụ trọng đại là độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia. Gắn với hai nhiệm vụ lớn lao này là hàng loạt nhiệm vụ cụ thể và quan trong về chính trị, kinh tế – xã hội, quân sự như: Đặt tên nước, dời Đô về Thăng Long, xác lập nền kinh tế của chế độ tập quyền, xây dựng quân đội, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, tạo không khí dân chủ, mở rộng tự do tín ngưỡng trong xã hội. Trong điều kiện lịch sử cụ thể thời Lý, thì tín ngưỡng, Phật giáo đáp ứng được nhu cầu của xã hội và do đó, đã phát triển mạnh mẽ.

Trong xã hội Việt Nam đương đại (và có lẽ nhiều nước trên thế giới cũng vậy) một cộng đồng người đông đảo đến với Phật giáo, thì ngoài nhu cầu được đáp ứng về mặt tín ngưỡng còn muốn được đáp ứng nhiều nhu cầu ngoài tín ngưỡng khác như nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ (vãng cảnh chùa, chiêm ngưỡng tượng Phật, tìm hiểu kiến trúc…), nhu cầu giao tiếp (qua các hội chùa), tham gia cùng nhà chùa vào các hoạt động công đức, từ thiên, nhân đạo, đặt biệt với giới trẻ là các nhu cầu về tâm lý (làm vợi đi nỗi cô đơn, sự âu lo, mong có một cuộc sống an lành, hạnh phúc, thành đạt) v.v…

Như vậy, nguyên tắc phương pháp luận thống nhất giữa phân tích Phật giáo về mặt triết học (nhận thức luận) và về mặt xã hội học giúp làm sáng tỏ thêm bản chất tốt đẹp cũng như nhu cầu, sự tồn tại khách quan lâu dài của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam lịch sử và đương đại, hướng mọi hoạt động tích cực của cả cộng đồng dân tộc (bao gồm cộng đồng Phật giáo) vào thực hiện mục tiêu của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

NGND, GS, TS. Nguyễn Hữu Vui

ĐHQG Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 250


Hôm nayHôm nay : 25866

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 286708

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26149555


Ảnh đẹp