Phái thiền Trúc Lâm nổi tiếng với ba vị Tổ đầu tiên:
-Trúc Lâm Đầu Đà (Trần Nhân Tông).
-Tôn giả Pháp Loa.
-Tôn giả Huyền Quang.
Sau đây, chúng ta tìm hiểu sơ qua về hành trạng của ba vị Tổ đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm (Ngữ lục của quý Ngài được trình bày đầy đủ hơn trong sách: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam (thời nhà Trần)” của Nguyễn Hiền Đức.
I. HÀNH TRẠNG SƠ TỔ TRÚC LÂM
(TRÚC LÂM ĐẦU ĐÀ - TRẦN NHÂN TÔNG: 1258-1308)
Trúc Lâm Đầu Đà hay Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, tức vua Trần Nhân Tông, là vị khai sáng phái thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, tên thật là Trần Khâm, con của vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Thiên Cảm (em của Thượng sĩ Tuệ Trung và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), dung mạo có sắc thái như vàng, thần khí tinh anh tươi sáng của bậc thánh nhân. Thượng hoàng Trần Thái Tông, Hoàng Thái hậu, cùng vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu đều cho là lạ, thường gọi là “Kim Tiên đồng tử”, trên vai bên trái có nốt ruồi đen (đảm đang việc lớn), có tài đức, dũng cảm, cùng mộ đạo Phật từ nhỏ.
Ngay từ nhỏ, Trần Khâm không muốn làm vua, có ý muốn xuất gia tu hành và muốn nhường địa vị “Đông cung Thái tử” cho em, nhưng vua cha không chịu. Dù vậy, một hôm, vào lúc nửa đêm, Trần Khâm trốn ra khỏi hoàng thành, định lên núi Yên Tử để tu, đến chùa ở núi Đông Cứu (thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay) thì trời sáng, trong người lại quá mệt nhọc, nên vào ẩn trong tháp để nghỉ. Vị sư trụ trì chùa nhìn thấy tướng mạo khác thường nên làm cơm khoản đãi. Vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Nguyên Thánh sai quần thần đi tìm kiếm khắp nơi, bất đắc dĩ Hoàng tử phải về.
Tháng chạp năm Giáp Tuất (đầu năm 1275), vua Trần Thánh Tông sách phong Hoàng trưởng tử Trần Khâm làm Hoàng Thái tử (lúc mới 17 tuổi), lấy con gái của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm phi cho Thái tử (sau này là Hoàng hậu Khâm Từ). Vua cử Thiếu sư Lê Phụ Trần làm Giáo thọ và chọn những đại thần tài đức dạy Thái tử (Nguyễn Sĩ Cố, Nguyễn Thánh Huấn…).
Ngày mùng 01 tháng 04 năm Đinh Sửu (1277), Thượng hoàng Trần Thái Tông băng ở cung Vạn Thọ (Thượng hoàng biết trước ngày chết một năm).
Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông.
Dù ở ngôi vua, nhưng Trần Nhân Tông vẫn giữ cuộc sống thanh tịnh, tu tập thiền định, nghiên cứu kinh sách Phật giáo và thường đến chùa Tư Phúc ở cạnh Hoàng cung trong hoàng thành để tham học. Một hôm, ngủ trưa ở chùa Tư Phúc, vua nằm mộng thấy trên rún của mình nở ra một hoa sen lớn như bánh đa, trên hoa sen có một Đức Phật bằng vàng, có một người đứng bên cạnh vua và hỏi: “Biết Đức Phật này không? Đó là Đức Phật Biến Chiếu”. Vua thức dậy, kể giấc chiêm bao cho Thượng hoàng nghe, ai cũng cho là việc kỳ đặc. Từ đó, vua thường ăn chay, không ăn thịt cá, thân thể ốm gầy. Thượng hoàng thấy thế nên hỏi nguyên nhân, vua trình với cha, Thượng hoàng Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, trông cậy vào mỗi mình con, nếu con làm như thế thì làm sao nối được thịnh nghiệp của tổ tiên?”. Vua nghe dạy cũng rơi nước mắt.
Vua thông minh lại hiếu học, đọc hết các sách, thông suốt cả kinh sách Phật và các sách ngoài Phật giáo. Những khi nhàn rỗi việc triều chính, vua vẫn thường mời các vị thiền khách đến cung điện để tham cứu Thiền học. Vua cũng thường tham học thiền với cậu là Thượng sĩ Tuệ Trung. Vua kính trọng Thượng sĩ Tuệ Trung như thầy dạy đạo.
Năm 1285, quân Nguyên xâm lăng Đại Việt, vua Trần Nhân Tông đành phải tạm xếp việc tu hành học Phật pháp để cùngThượng hoàng lãnh đạo quân dân chống giặc. Nhờ tướng sĩ tài giỏi và quân dân đoàn kết chiến đấu anh dũng nên đánh bại giặc, quân Nguyên lại chuẩn bị đánh phục thù.
Trong khi ngoài biên giới, quân Nguyên rốt ráo tổ chức xâm lăng Đại Việt, tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông bận lo ở triều đình, vua Nhân Tông phải về An Bang để mời cậu là Thượng sĩ Tuệ Trung về dự tang lễ. Trên đường về kinh đô bằng thuyền, có thời gian để vua tham hỏi thêm về Thiền học với Thượng sĩ Tuệ Trung. Vua nhớ đến việc Thượng sĩ Tuệ Trung ăn mặn trong buổi tiệc do Thái hậu khoản đãi trong cung điện: Trong buổi tiệc đó, Thái Hậu dọn ăn có đủ món mặn và món chay, Thượng sĩ ăn cả món chay và món mặn. Thái hậu ngạc nhiên hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần Phật, Phật cũng không cần anh. Em không nghe các bậc cổ đức tầng nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao!”. Lúc đó, vua Nhân Tông có dự, nhưng vẫn chưa hiểu ý nghĩ cao sâu trong câu nói của Thượng sĩ. Vì vậy, nhân dịp này, vua mới hỏi Thượng sĩ: “Thưa cậu, chúng sinhquen cái nghiệp ăn thịt, uống rượu thì làm sao thoát khỏi tội báo của nghiệp lực?”.
Thượng sĩ đáp: “Nếu như có một người xây lưng đứng lại, bất ngờ có nhà vua đi qua phía sau lưng, người kia không biết, lỡ cầm vật gì đó ném trúng mình vua ở phía sau, lúc đó người ấy có sợ bị bắt tội không? Và vua có giận mà bắt tội hay không? Nên biết, hai việc đó không dính dấp gì với nhau cả”.
Rồi Thượng sĩ đọc tiếp cho vua nghe hai bài kệ:
Vô thường các pháp hiện,
Tâm ngờ tội liền sinh,
Xưa nay không một vật,
Không giống cũng không mầm.
Ngày ngày khi đối cảnh,
Cảnh cảnh theo tâm xuất,
Tâm cảnh vốn là không,
Khắp nơi là “Niết bàn”.
Vua suy nghĩ giây lâu nhưng vẫn chưa hiểu được hết ý nghĩa cao sâu của Thượng sĩ nên lại hỏi Thượng sĩ: “Tuy là như vậy, nhưng tội và phước rõ ràng thì thế nào? “. Thượng sĩ biết là Nhân Tông chưa hiểu nên đọc thêm một bài kệ để chỉ bảo rõ hơn:
Ăn chay cùng ăn thịt,
Chúng sinh tùy sở thích,
Xuân về cây cỏ tươi,
Chỗ nào thấy tội phước!
Vua lại hỏi: “Như vậy, việc công phu giữ giới tinh nghiêm không chút lơi lỏng là để làm gì?”.
Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp câu hỏi, vua cố nài nỉ, Thượng sĩ đọc hai bài kệ ấn tâm vua:
* Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc,
Muốn biết không tội phúc,
Không nhẫn nhục trì giới.
* Như người đang leo cây,
Đang yên lại tìm nguy,
Như người không leo cây,
Gió trăng làm được gì.
Và liền ngay khi đó, Thượng sĩ cẩn thận dặn kỹ vua: “Đừng nói những lời này với những người không hiểu biết” (vật thị phi nhân).
Từ đó, vua mới biết được môn phong Thiền học của Thượng sĩ Tuệ Trung cao thâm siêu việt.
Một hôm khác, vua hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung về “yếu chỉ của Thiền Tông” và muốn biết được bí quyết giác ngộ mà Thượngsĩ được Thiền sư Tiêu Dao trao truyền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay về tự quán xét ngay chính bản thân mình chứ không thể nhờ một người nào khác mà đạt được! (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc).
Nhờ vào lời dạy thâm sâu bí yếu này củaThượng sĩ Tuệ Trung mà vua Trần Nhân Tông ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và thấy được đường vào đạo. Từ đó, vua hết lòng tôn kính Thượng sĩ và thờ Thượng sĩ làm thầy.
Ngày 14 tháng 11 năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên tiến chiếm ải Phủ Lương ở biên giới, mở đầu cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ ba. Thượng hoàng Thánh Tông và vua cùng triều thần hết lòng đoàn kết quân dân chống giặc, đánh đuổi được quân giặc. Nhưng vua Nguyên là Hốt Tất Liệt vẫn còn ý định chuẩn bị lực lượng để đánh chiếm Đại Việt một lần nữa. Vua Trần Nhân Tông vẫn phải lo chuẩn bị quân đội và dự trữ lương thực… Mãi đến khi vua Hốt Tất Liệt chết (tháng 12 năm 1294), vua kế vị mới bỏ ý định xâm lăng Đại Việt.
Ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông băng hà ở cung Nhân Thọ. Trong thời gian để tang, vua Nhân Tông vẫn dùng kiệu, Ngự sử Đại phu Đỗ Quốc Kế tâu rằng: “Khi để tang không nên làm tổn thương người, bệ hạ dùng kiệu là phạm, vì vậy xin cỡi ngựa”. Vua nghe theo, chẳng những thế, khi cỡi ngựa, vua không dùng yên bằng da mà dùng yên bằng gỗ.
Ngày mùng 1 tháng 4 năm Tân Mão (1291), Thượng sĩ Tuệ Trung mất, vua Trần Nhân Tông có bài kệ ca tụng:
Nhìn càng thêm cao, (Vọng chi di cao,
Khen càng thêm cứng, Tán chi di kiên,
Bỗng nhiên ở sau lưng, Hốt Nhiên tại hậu,
Nhìn lại thì trước mặt, Chiêm chi tại tiền,
Chính đó mới là, Phù thị chi vị,
Thiền của Thượng sĩ! Thượng sĩ chi Thiền!).
Ngoài ra, vua cũng làm bài tụng “Đốt hương báo ân” để tri ân Thượng sĩ. Sau này, mỗi khi lên đàn nói pháp, vua đều nhớ đến ơn dạy Thiền của Thượng sĩ Tuệ Trung, nên cho họ lại chân nghi Ngài để dâng cúng và làm bài tụng như sau:
Lão cổ chùy ấy, (Giá lão cổ chùy,
Sâu xa khó tả, Nhân nan danh mạc,
Thước của Lương Hoàng, Lương Hoàng khúc xích,
Chuông xe Thái Đế. Thái Đế đạc lịch.)
Vuông được tròn được, | : | Năng phương năng viên, |
Dày được mỏng được, | : | Năng hậu năng bạc, |
Biến pháp “Một mắt” | : | Pháp hải “Độc nhãn” |
Rừng thiền “Ba góc”. | : | Thiền lâm “Tam giác”. |
Vua Nhân Tông có ý định xuất gia tu hành từ lâu, nhưng việc nước trọng đại, lại phải lo đối phó với cuộc xâm lăng của quân Nguyên, nên vua vừa lo việc triều chính, vừa lo tu tập, vẫn tham học kinh điển Phật và thiền định.
Ngày mùng 9 tháng 3 năm Qúi Tỵ (1293), vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, tức vua Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Từ đó, Thượng hoàng bớt việc triều chính, nên tu tập rốt ráo hơn và lo cho thế nước được vững mạnh hơn hầu có thế, yên tâm xuất gia tu hành.
Ngày 13 tháng 9, Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh mất ở Lỗ Giang, phủ Long Hưng. Tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Nhân Tông đem quân đánh dẹp giặc Ai Lao, sau đó Thượng hoàng vẫn đóng quân ở biên giới Việt-Lào để bình định biên giới, Thượng hoàng lập hành cung ở làng Vũ Lâm, huyện Yên Khang (sau này là huyện Yên Khánh) thuộc phủ Trường Yên (vùng kinh đô Hoa Lư thời nhà Đinh và Tiền Lê, nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), để chuẩn bị xuất gia tu hành.
Nơi đây vào thời trước, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã lập chùa trong động núi để tu hành (chùa Thái Vi). Thượng hoàng Trần Nhân Tông tu tập ở đây đến tháng sáu năm Ất Mùi (1295) mới trở về kinh.
Ngày mùng một tháng Hai năm Ất Mùi (1295), sứ giả Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang Đại Việt, vua Anh Tông sai Viên ngoại langTrần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo sứ giả để thỉnh bộ Đại Tạng kinh của nhà Nguyên (đem về tàng trữ ở phủ Thiên Trường và sau này cho khắc bản in để lưu hành trong nước). Trong sách Đại Việt thông sử, mục “Nghệ văn chí”, Lê Quý Đôn cho biết: Đại Tạng kinh nhà Nguyên thỉnh về gồm có 2.565 quyển, có lẽ đến khi Lê Quý Đôn tìm thấy, chỉ còn lại bao nhiêu đó; thực ra, bộ Đại Tạng kinh được nhà Nguyên in ở chùa Hoằng Pháp tại Bắc Kinh từ năm 1277 đến năm 1294, gồm 7.812 quyển.
Trong thời gian ở Vũ Lâm, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi viếng nhiều nơi có phong cảnh đẹp, có bài thơ “Vũ Lâm thu vãn”:
Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành, Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh, Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
Băng Thanh dịch: Chiều Thu ở Vũ lâm.
Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.
Trong thời gian ở Vũ Lâm và ở phủ Thiên Trường để chuẩn bị xuất gia (1294-1299), Thượng hoàng Nhân Tông tự giữ giới hạnh như một “sơn tăng” (vị sư ở núi). Ở phủ Thiên Trường, Thượng hoàng ngự ở điện Trùng Quang và chùa Phổ Minh ở cạnh đó. Thượng hoàng có vịnh bài thơ “Đề Phổ Minh tự thủy tạ” (Đề nhà thủy tạ chùa Phổ Minh) như sau:
Huân tận thiên đầu mãn tọa hương,
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương,
Lão dung ảnh lý tăng quan bế,
Đệ nhất thiền thanh tống tịch dương.
Tạm dịch:
Ngàn hương đốt hết, thơm ngào ngạt,
Làn nước lăn tăn, gió lạnh qua,
Dưới bóng đa già, chùa vắng vẻ,
Ve sầu khởi tiếng, tiễn chiều tà.
Tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng cho lập am Ngự Dược trên núi Yên Tử. Tháng 8 năm đó, Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia lên núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi vắn tắt như thế. Tuy nhiên, trong thực tế, chắc chắn là lễ xuất gia của Thượng hoàng Trần Nhân Tông phải tổ chức theo nghi lễ hết sức long trọng. Nhưng rất tiếc là không còn sách nào ghi chép về buổi lễ đó. Thượng hoàng Trần Nhân Tông tôn kính Thượng sĩ Tuệ Trung là thầy, nhưng theo nghi lễ xuất gia của tăng sĩ Phật giáo là phải có giới đàn và có đủ “tam sư, thất chứng” tức là phải có ba Hòa thượng và bảy vị sư khác chứng minh. Trong buổi lễ đó là ai? Hay là Thượng hoàng Trần Nhân Tông tổ chức nghi lễ khác, không theo nghi thức đó?
Dù Thượng hoàng thừa nhận Thượng sĩ Tuệ Trung là thầy, nhưng Thượng sĩ vẫn là cư sĩ, chưa phải là thiền sư, vì vậy, trong buổi lễ xuất gia đó, Hòa thượng Đường đầu có thể là Thiền sư Huệ Tuệ là sư huynh của Thượng sĩ Tuệ Trung, đồng thời là vị Tổ trụ trì sơn môn Yên Tử lúc đó.
Hiện cũng chưa biết là buổi lễ xuất gia của Thượng hoàng Trần Nhân Tông tổ chức ở chùa nào? Tuy nhiên, có thể buổi lễ được tổ chức ở một trong chùa quan trọng liên hệ với triều đình và sơn môn Yên Tử là chùa Phổ Minh ở cạnh điện Trùng Quang nơi Thượng hoàng ngự tại phủ Trường Yên (làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định ngày nay).
Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia với pháp hiệu là “Hương Vân Đại Đầu Đà”, tu hành khổ hạnh theo hạnh “Đầu đà” theo gương của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (trưởng tử của Phật Thích Ca Mâu Ni). Sau đó, đổi pháp hiệu lại là “Trúc Lâm Đầu Đà” hay được gọi là “Trúc Lâm Đại sĩ “.
Để kỷ niệm lễ xuất gia của Thượng hoàng, cũng như là để ban hành một “nghi lễ thống nhất” cho một tổ chức Phật giáo thống nhất đầu tiên của Đại Việt, do Trúc Lâm Đầu Đà thành lập, đó là “phái thiền Trúc Lâm”, vua Trần Anh Tông cho ban hành sách “Phật giáo pháp sự đạo tràng tân văn công văn cách thức” (sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết là sách “Pháp Sự tân văn”). Có lẽ cuốn sách này ban hành các nghi lễ Phật giáo như lễ thọ giới, cầu an, cầu siêu, khánh thành chùa, đàn chẩn tế… cùng các bài văn, sớ, tấu, điệp… dùng trong các buổi lễ đó.
Ngay sau khi xuất gia, lên núi Yên Tử hoằng hóa ở chùa Vân Yên, Trúc Lâm Đầu Đà hoạt động tích cực trong việc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thống nhất mới tổ chức vào thời nhà Trần.
Ngoài việc thuyết giảng Phật pháp để tiếp độ Tăng Ni và Phật tử ở chùa Vân Yên, chùa Long Động ở núi Yên Tử, chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường, chùa Báo Ân, chùa Siêu Loại, Vĩnh Nghiêm…, Trúc Lâm Đầu Đà còn lập nhiều chùa chiền, tịnh xá… Trúc Lâm Đầu Đà cùng với khoảng mười đệ tử theo hầu, cũng thường vân du hoằng hóa khắp nơi trong nước, từ thành thị đến nông thôn, rừng núi…
Năm 1301, Trúc Lâm Đầu Đà vân du về phương Nam, đến tận biên giới phía Nam của Đại Việt, lập am Tri Kiến ở châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay).
Trong các cuộc vân du hoằng hóa, Trúc Lâm Đầu Đà khuyên dân chúng thực hành giáo lý “Thập thiện” của Phật giáo, bỏ các luật lệ cúng bái tà thần và dâm thần. Với vai trò Thượng hoàng của triều đình và Trúc Lâm Đầu Đà của Phật giáo, chắc hẳn là những lời khuyên bảo, giảng dạy của Ngài có tác dụng to lớn và sâu rộng khắp tầng lớp dân chúng trong nước. Và nhờ thế, Phật giáo đã phát triển rộng rãi và mạnh mẽ khắp nước.
Trúc Lâm Đầu Đà muốn lấy giáo lý “Thập thiện” của Phật giáo làm nền tảng căn bản cho đạo đức xã hội Đại Việt. Giáo lý “Thập thiện” là giáo lý căn bản nhập thế của Phật giáo, dạy cho con người thực hành mười điều thiện trong cuộc sống hằng ngày và hoạt động xã hội:
1- Không sát sinh: chẳng những không sát hại sinh mạng người hay thú mà còn tha thứ và phóng sinh.
2- Không trộm cắp, ăn cướp, mà còn bố thí.
3- Không tà dâm: không lấy vợ, con của người mà còn phải tôn trọng phụ nữ.
4- Không nói láo, mà phải ăn nói thành thật, ngay thẳng .
5- Không chửi bới thô tục, có lời nói ác mà phải có lời nói ôn hòa, nhân nghĩa.
6- Không dùng lời nói đâm thọc làm cho người ta thù hận nhau, mà phải nói cho người hòa hiệp, thương yêu nhau.
7- Không nói thô tục, trái đạo nghĩa, mà phải nói lời có ích cho mọi người.
8- Không tham lam xảo quyệt, mà phải giúp người.
9- Không hờn giận, sân hận, thù hằn, mà cần phải có lòng từ bi biết thương người và vật.
10- Không si mê, mê muội, mà phải sáng suốt, phân biệt chánh tà, làm theo điều chánh đáng.
Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Trúc Lâm sang Chiêm Thành. Hiện không biết mục đích chính của việc vân du này là gì và các hoạt động của Trúc Lâm ở Chiêm ra sao? Chỉ biết Trúc Lâm sang Chiêm Thành với tư cách một du tăng vì Ngài đi với một số tăng sĩ tùy tùng. Không biết các vị thiền sư nào đã đi cùng với Trúc Lâm?
Trong sử chỉ cho chúng ta biết được một việc là: Trúc Lâm đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành với điều kiện đổi lấy hai châu Ô và Lý làm sính lễ.
Không biết Trúc Lâm có những hoạt động nào ở Chiêm Thành mà mãi đến tháng 11, Trúc Lâm mới trở về Đại Việt? Có thể trong thời gian đó, Trúc Lâm đã qua nước Chân Lạp ở phía Nam của Chiêm Thành?.
Rằm tháng 01 năm Qúi Mão (1303), Trúc Lâm Đầu Đà về phủ Thiên Trường, mở hội Vô Lượng Pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc, chẩn cấp cho dân nghèo trong nước, thuyết giảng Phật Pháp và khuyên dân thực hành “Thập thiện”.
Sau lễ hội đó, Trúc Lâm vân du hoằng hóa: kinh thành Thăng Long, chùa Sùng Nghiêm ở núi Chí Linh, Hải Dương…
Năm Giáp Thìn (1304), khi du hành đến huyện Nam Sách (trấn Hải Dương), Đồng Kiên Cương (1284-1330) xin xuất gia quy y thọ giáo, Trúc Lâm dẫn về viện Kỳ Lân ở núi Linh Sơn, huyện Chí Linh làm lễ thọ giới Sa di, đặt pháp danh là Thiện Lai. Sau đó, Trúc Lâm gởi Thiện Lai theo học với Hòa thượng Tánh Giác ở chùa Quỳnh Quán (?).
Thiện Lai đã hỏi Hòa thượng nhiều câu hỏi, nhưng Hòa thượng chưa khai thị cho ông được. Thiện Lai học kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn A Nan hỏi Phật bảy lần về “Tâm ở đâu?” và đoạn nói về “Khách trần” thì bỗng thấy có chỗ sở ngộ, Thiện Lai từ tạ Hòa thượng Tánh Giác để đến tham yết với Trúc Lâm. Khi về đến chùa, gặp lúc Trúc Lâm đang thăng đường cử bài tụng “Thái Dương Ô Kê”, Thiện Lai thưa hỏi thêm và nhờ đó được tỉnh ngộ. Trúc Lâm nhận biết, nên cho Thiện Lai theo hầu bên mình (thị giả). Một hôm, Thiện Lai trình bày một bài tụng về “Tam Yếu”, bị Trúc Lâm gạch một gạch dài từ trên xuống dưới, Thiện Lai thỉnh cầu Trúc Lâm giải thích bốn lần mà Trúc Lâm không chỉ giáo gì cả, mà chỉ bảo rằng: “Phải tự tham khảo lấy”. Đêm ấy, Thiện Lai nỗ lực dụng công thiền quán, quá nửa đêm, nhận thấy tim đèn tàn rụng xuống, bất ngờ Thiện Lai ngộ được yếu chỉ. Thiện Lai đến trình sở ngộ, được Trúc Lâm Đầu Đà ấn chứng. Từ đó, Thiện Lai phát nguyện tu hành theo mười hai hạnh Đầu đà theo gương của Trúc Lâm.
Cuối năm này, vua Trần Nhân Tông thỉnh Trúc Lâm về kinh thành làm lễ thọ giới Bồ tát.
Năm Ất Tỵ (1305), Trúc Lâm làm lễ thọ giới Tỳ kheo và thọ giới Bồ tát cho Thiện Lai, đặt pháp hiệu là Pháp Loa tại viện Kỳ Lân. Cũng trong năm đó, sứ giả Chiêm Thành sang cầu hôn Công chúa Huyền Trân.
Mùng 9 tháng 01 nhuần năm Bính Ngọ (1306), Trúc Lâm thuyết pháp ở viện Kỳ Lân, Trúc Lâm cử Tỳ kheo Pháp Loa làm giảng chủ ở chùa Báo Ân (huyện Siêu Loại). Thiền sư Bảo Phác cử đệ tử là Huyền Quang làm thị giả cho Trúc Lâm thay Pháp Loa.
Tháng Sáu năm này, vua Chế Mân cho rước Huyền Trân về Chiêm Thành và dâng cho vua Trần Anh Tông hai châu Ô và Lý. Sau đó vua Anh Tông cho đổi châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hóa (Thuận Hóa là vùng đất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam ngày nay).
Mùa Hạ năm Đinh Mùi (1307), Trúc Lâm Đầu Đà mở khóa kiết hạ ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Trúc Lâm đã giảng “Đại Tuệ ngữ lục” cho Pháp Loa và 6 đệ tử khác ở am Quán Trú.
Tháng 5, vua Chế Mân chết, Công chúa Huyền Trân đã sinh Thế tử Chế Đa Da. Tháng 9, Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê dâng voi trắng cho vua Anh Tông. Tháng 10, vua Anh Tông cử Tả bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách cứu Công chúa Huyền Trân về nước (sợ Công chúa bị hỏa thiêu cùng với vua Chiêm, theo tục lệ Chiêm Thành).
Mùng Một Tết năm Mậu Thân (1308), Trúc Lâm Đầu Đà truyền bài kệ phó chúc và y bát cho Pháp Loa, trong buổi lễ hết sức long trọng tại chùa Báo Ân (huyện Siêu Loại) để chánh thức trao truyền cho Pháp Loa làm Tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm và kế thế trụ trì chùa Báo Ân, với sự tham dự của vua Trần Anh Tông cùng triều thần và chư Tăng. Buổi lễ này được ghi lại trong “Tam Tổ thục lục” như sau:
“Bắt đầu buổi lễ, Trúc Lâm cùng Pháp Loa và chư Tăng lễ Tổ ở Tổ đường chùa Báo Ân, đại nhạc tấu lên, các loại danh hương được xông đốt… Sau khi lạy xong, xuống trai đường để ăn cháo sáng. Xong buổi triêu thực (ăn sáng), nhạc tấu lên, trống lớn nổi lên, triệu tập chư tăng vào pháp đường Cam Lộ. Vua Trần Anh Tông ngự giá tới chùa, được mời ngồi ở ghế khách tại pháp đường, Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Tảng cùng các đại thần của triều đình đứng phía ngoài sân”.
Trúc Lâm thăng đường thuyết pháp, thuyết giảng xong, Trúc Lâm rời pháp tòa đến dẫn Pháp Loa đến pháp tòa, Trúc Lâm đứng chắp tay đối diện với Pháp Loa làm lễ thăm hỏi, Pháp Loa đáp bái lại. Trúc Lâm trao pháp y cho Pháp Loa, Pháp Loa khoác y xong, Trúc Lâm đi đến ngồi ở ghế Khúc Lục ở một bên pháp tòa để nghe Pháp Loa thuyết pháp. Pháp Loa giảng xong, Trúc Lâm chính thức trao cho Pháp Loa vai trò vị Tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm và kế thế trụ trì chùa Báo Ân.
Buổi lễ này được tổ chức long trọng với sự tham dự của vua Anh Tông và triều thần, các đại thần phải đứng ngoài sân để hầu lễ, trong lúc chỉ có Trúc Lâm và vua ngồi ghế, có lẽ Trúc Lâm muốn rằng vua Anh Tông và các đại thần trong triều đình phải chánh thức tôn kính Pháp Loa như “bậc thầy” giống như tôn kính Trúc Lâm. Ngoài ra, Trúc Lâm cũng muốn cho biết rằng: Từ vua, triều thần cho đến tất cả chư Tăng Ni, Phật tử cả nước phải công nhận Pháp Loa là vị Tổ thứ hai, thay thế Trúc Lâm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo thống nhất từ thời Trần, tức lãnh đạo phái thiền Trúc Lâm do Trúc Lâm Đầu Đà khai sáng.
Tháng 4 năm đó (Mậu Thân-1308), Trúc Lâm lại trao chức trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm ở Đức La, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cho Pháp Loa trong lễ “Kết hạ” tại chùa. Trong trường Hạ này, Trúc Lâm giảng “Truyền đăng lục” cho đại chúng. Ngoài ra, Trúc Lâm còn mời Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa.
Sau khi hết hạ (giải hạ), Trúc Lâm trở về chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Trúc Lâm chỉ cho 12 thị giả thường theo hầu ở lại chùa, còn tất cả các người khác trong chùa đều phải xuống núi hết. Trúc Lâm lập Ngộ Ngữ viện, là một ngôi nhà đá (thạch thất) ở am Tử Tiêu. Tại đây, vào tháng Bảy, Trúc Lâm chỉ truyền giảng riêng cho Pháp Loa “Truyền đăng lục” (có thể Trúc Lâm giảng cho Pháp Loa “Thượng sĩ ngữ lục” để Pháp Loa biên chép lại), lúc đó chỉ có Bảo Sát theo hầu hạ Trúc Lâm mà thôi.
Tháng 8, Công chúa Huyền Trân về đến Thăng Long, lên Yên Tử thăm Trúc Lâm. Sau đó Huyền Trân xuất gia đi tu hành ở chùa Nộn Sơn trên núi Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Tháng 9, Trúc Lâm với Bảo Sát theo hầu, đi viếng hết khắp các hang động trên núi Yên Tử. Bảo Sát hỏi rằng: “Bạch Điều Ngự, Ngài tuổi đã cao, già yếu rồi mà còn dầm dãi sương gió như thế này lỡ có mệnh hệ nào thì mạng mạch Phật giáo biết trông cậy vào ai?”. Trúc Lâm bảo: “Thời tiết đã đến, ta đang tính việc đi lâu dài đây”.
Ngày mùng 5 tháng 10, Công chúa Thiên Thụy cho gia đồng lên núi Yên Tử, tâu với Trúc Lâm rằng: “Công chúa bị bệnh nặng, muốn được gặp em trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời”. Trúc Lâm bùi ngùi nói: “Đây chẳng qua là “thời tiết” mà thôi”, Trúc Lâm chống gậy xuống núi, chỉ có một đệ tử theo hầu.
Mồng 10, Trúc Lâm về đến kinh thành Thăng Long, đến thăm Công chúa Thiên Thụy và bảo: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm Đại sĩ sẽ tới ngay” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ngày rằm tháng 10, Trúc Lâm rời Thăng Long, đi bộ về Yên Tử. Trên đường đi, Trúc Lâm ghé nghỉ đêm ở chùa Siêu Loại (chùa Pháp Vân?). Sáng sớm hôm sau, Trúc Lâm lên đường, ghé chùa Cổ Pháp (có lẽ chùa Lục Tổ?), tự tay viết lên vách bài kệ sau:
Thế số nhất tức mặc ( Số đời một hơi thở,
Thời tình lưỡng hải ngân Tình đời hai biển trăng,
Ma cung hồn quản thậm Cung ma đâu đáng kể,
Phật quốc bất thăng xuân Đất Phật xuân đời đời.)
Ngày 17, Trúc Lâm nghỉ đêm ở chùa Sùng Nghiêm (Chí Linh). Hoàng Thái hậu Tuyên Từ thỉnh về am Bình Dương thọ trai, Trúc Lâm nhận lời cười nói: “Đây là buổi cúng dường cuối cùng”.
Ngày 18, Trúc Lâm lên đường về Yên Tử, hai vị Tỳ kheo chùa Sùng Nghiêm là Tử Dinh và Hoàn Trung đi theo hầu Ngài, khi lên đến am Tú Lâm trên núi Kiết Đặc (núi Phụng Hoàng) ở Yên Sinh, Trúc Lâm nghe nhức đầu và mỏi mệt, Trúc Lâm nói với hai Tỳ kheo: “Ta muốn về am Ngọa Vân ngay, nhưng sức khỏe quá yếu, làm thế nào bây giờ?”. Hai Tỳ kheo nói: “Chúng con xin đưa Ngài đi”. Khi đến am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong (thuộc núi Yên Tử), Trúc Lâm cám ơn hai sư và nói: “Quý vị xuống núi về chùa ráng lo tu hành, chớ xem thường sự sinh tử”. Tại am chỉ có hai vị thị giả Pháp Đăng và Pháp Không.
Ngày 19, Trúc Lâm bảo Pháp Không lên am Tử Tiêu gọi Bảo Sát về am Ngọa Vân gấp. Pháp Không đến nơi lúc trời tối, Bảo Sát phải đợi sáng sớm hôm sau (ngày 20) mới lên đường. Đi được nửa đường đến suối Doanh (Doanh tuyền) mưa đen phủ đầy núi và mưa rơi như thác đổ, nước suối dâng cao, không có cách gì đi được, phải tạm trú ở một quán trọ (sơn điếm) gần đó. Đêm đó, Bảo Sát rất nóng lòng, bức rức, nằm ngủ chiêm bao thấy những điềm không lành. Sáng ngày 21, bớt mưa, Bảo Sát lên đường về am Ngọa Vân, đến nơi vào lúc trưa, Trúc Lâm thấy Bảo Sát thì cười và nói: “Ta sắp đi rồi, sao ngươi đến chậm thế? Có chỗ nào trong Phật pháp mà ngươi chưa hiểu thì hãy hỏi đi”. Bảo Sát hỏi: “Ngày xưa, khi Tổ sư Mã Tổ trong người bất an (bị bệnh), sư trụ trì đến thăm hỏi: Tổ cảm thấy thế nào? Tổ sư nói: Ngày đối diện Phật, đêm đối diện Phật! Như thế là Tổ muốn nói gì?”. Trúc Lâm lớn tiếng nói: “Tam hoàng, Ngũ đế là vật gì? “. Bảo Sát hỏi tiếp: “Hoa nở rực rỡ, gấm phô sắc màu, tre phương Nam, gỗ phương Bắc “ là thế nào? Trúc Lâm nói: “Mắt ngươi mù rồi!”. Bảo Sát rất mừng và không hỏi nữa. Bảo Sát cùng Pháp Không, Pháp Đăng hầu hạ bên cạnh Trúc Lâm, không rời am một bước. Mấy hôm sau, trời mưa gió liên tiếp, mây đen đầy nước phủ kín, cây cối u ám, chim kêu vượn hú rất bi thảm.
Nhưng đêm mùng 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), đến nửa đêm thì tự nhiên trời hết mưa bất ngờ, gió hết thổi, Bảo Sát ra nhìn trời, sao sáng giăng khắp trời! Bảo Sát trở vào am thì Trúc Lâm hỏi: “Bây giờ là giờ gì?”. Bảo Sát thưa: “Bạch Thầy, giờ Tý!” Trúc Lâm lấy tay đẩy cánh cửa sổ, nhìn ra trời đầy sao nói: “Đến giờ ta đi rồi đây!”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu bây giờ?”. Trúc Lâm nói kệ đáp:
Mọi pháp đều không sinh, (Nhất thiết pháp bất sinh,
Mọi pháp đều không diệt, Nhất thiết pháp bất diệt,
Nếu hiểu được như thế, Nhược năng như thị giải,
Chư Phật đều trước mặt, Chư Phật thường hiện tiền,
Cần gì biết đến, đi! Hà khứ lai chi liễu giả!).
Bảo Sát hỏi tiếp: “Còn khi bất sinh bất diệt rồi thì sao?”. Trúc Lâm khoát tay nói: “Thôi đừng nói mê nữa!”. Nói xong Trúc Lâm nằm như kiểu sư tử nằm mà tịch.
Theo di chúc viết trước khi tịch hai ngày, Trúc Lâm dặn rằng: Ngài là người xuất gia của sơn môn Yên Tử nên Ngài chỉ muốn chính đệ tử của Ngài làm lễ hỏa táng theo nghi thức đơn sơ của Phật giáo, chứ không muốn có một lễ quốc táng do triều đình tổ chức. Trúc Lâm còn dặn kỹ rằng: dựïng dàn hỏa ngay trong am Ngọa Vân và làm lễ hỏa thiêu xong rồi, mới báo về triều đình cho vua biết. Đễ tránh việc triều đình làm khó dễ sơn môn, Trúc Lâm đã tự tay thảo di chúc để lại.
Suốt ngày mùng hai, Bảo Sát cùng Pháp Không, Pháp Đăng lo đốn gỗ thơm để dựng hỏa đàn. Đêm mùng hai, Bảo Sát cùng vài huynh đệ trên núi làm lễ hỏa táng nhục thân Trúc Lâm. Mùi hương thơm bay khắp núi, trên hư không nghe như có tiếng nhạc của chư Thiên trỗi lên vang lừng, có đám mây ngũ sắc bao phủ am Ngọa Vân.
Bảo Sát sai Pháp Không về kinh đô thông báo cho Pháp Loa và vua Trần Anh Tông biết sự việc. Pháp Loa ở chùa Báo Ân nghe tin, lập tức cùng chư Tăng lên núi Yên Tử, Pháp Loa và chư Tăng lên đến am Ngọa Vân, Pháp Loa sai nấu nước thơm rưới lên hỏa đàn và làm lễ thu xá lợi, được hơn ba ngàn hạt xá lợi năm màu (ngũ sắc), trong đó có 500 hạt cỡ lớn.
Pháp Loa thỉnh xá lợi và linh cốt của Trúc Lâm đem về triều đình. Nhưng trong buổi lễ nhận xá lợi ở chùa Tư Phúc, thiếu mất mấy hạt, vua Anh Tông nghi ngờ Pháp Loa đã lấy bớt, vài đại thần triều đình đề nghị vua bắt tội Pháp Loa. Nhưng trong lúc đó, Thái tử Trần Mạnh đứng hầu cạnh (mới có 9 tuổi), thấy có mấy hạt xá lợi có ánh sáng bay vào trong tay áo, nên lấy đưa ra cho mọi người xem. Nhưng vừa lấy ra thì lại bay vào, lúc đó vừa xúc động vừa phát khóc, mới hết nghi ngờ Pháp Loa và vua mới quyết định sẽ lập Trần Mạnh làm Thái tử để truyền ngôi.
Nguyên trước đó, vua Trần Anh Tông có Hoàng hậu Thuận Thánh (con của Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng) và hoàng phi họ Trần (con của Bảo Nghĩa đại vương Trần Bình Trọng), cùng thứ phi họ Phạm (con của Đại tướng Phạm Ngũ Lão). Chỉ có hoàng phi có con là Hoàng tử Mạnh, Hoàng hậu và thứ phi chưa có con. Vua định chờ Hoàng hậu có con trai mới lập làm Thái tử cho nối ngôi, chứ không chịu lập Trần Mạnh làm Thái tử.
Nhưng cái điềm “xá lợi bay vào tay áo” của Hoàng tử Trần Mạnh khiến cho vua Anh Tông tin rằng: Thượng hoàng muốn lập Trần Mạnh làm Thái tử, nên vua nguyện rằng: “Con xin tuân theo mệnh của Thượng hoàng, chọn Trần Mạnh làm Thái tử để truyền ngôi”. Chừng đó, lấy xá lợi từ trong tay áo Trần Mạnh ra thì xá lợi mới không bay trở vào nữa. Nhờ vậy, sau này Thái tử Trần Mạnh lên ngôi, hiệu là Minh Tông. Sau đó Hoàng hậu Thuận Thánh có sinh con trai nhưng cũng bị chết. Thứ phi họ Phạm thì xin xuất gia tu hành, pháp danh là Tĩnh Huệ (năm 1399).
Ngày 16 tháng 9 năm Canh Tuất (1310), linh cữu (ngọc cốt) của Trúc Lâm Đại sĩ được đưa về táng ở lăng Qui Đức, phủ Long Hưng, xá lợi thờ trong tháp Huệ Quang được dựng ngay am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, một phần xá lợi được thờ ở Phổ Minh (phủ Thiên Trường). Thiền sư Trí Thông ở chùa Siêu Loại về tháp Huệ Quang để phụng hầu Trúc Lâm Đại sĩ. Ngày trước, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử tu hành, sư Trí Thông tự đốt cánh tay mình (từ bàn tay đến khuỷu tay) vẫn ung dung không biến sắc. Thượng hoàng đến xem, sư Trí Thông lạy và nói: “Thần Tăng đốt đèn đó!”. Đốt đèn xong, sư về viện ngủ tự nhiên như thường, nhưng khi tỉnh dậy thì chỗ lửa làm phỏng phồng lên đã hết. Khi nhập tháp thờ Trúc Lâm trên núi Yên Tử, Thiền sư Trí Thông theo hầu ngay bảo tháp. Đến triều đại vua Trần Minh Tông (1314-1329), Thiền sư Trí Thông tự thiêu mà chết. Tháp này có lẽ bị hủy hoại khi nhà Minh xâm lăng Đại Việt (14071427). Tháp Huệ Quang thờ Trúc Lâm Đại sĩ (vua Trần Nhân Tông) ở chùa Vân Yên ngày nay, mới được lập vào thời nhà Lê Trung Hưng, có lẽ do Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ Thượng hoàng Lê Thần Tông) xin với cha là chúa Trịnh Tráng cho xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, sau khi Thái hậu qui y với Hòa thượng Chuyết Công và Thiền sư Minh Hành - Tại Tại.
Đại sĩ Trúc Lâm có những đệ tử nổi danh sau:
- Pháp Loa, Pháp Không, Pháp Đăng, Pháp Tràng, Pháp Cổ…
-Bảo Sát, Bảo Phác…
- Hương Tràng, Hương Sơn, Huệ Nghiêm, Mật tạng… Đại sĩ Trúc Lâm có những tác phẩm:
-Đại hương hải ấn thi tập.
-Thạch thất mỵ ngữ.
-Tăng già toái sự.
-Hành trạng Thượng sĩ Tuệ Trung (viết trong sách “Tuệ Trung ngữ lục”).
-Trần Nhân Tông thi tập (người đời sau biên tập lại).
-Bộ Trung Hưng thực lục (Trần Nhân Tông ra lệnh cho các đại thần biên soạn).
Các tác phẩm của Trúc Lâm đã bị thất lạc, hiện chỉ còn thấy: Hành trạng Thượng sĩ Tuệ Trung trong sách “Tuệ Trung ngữ lục”, hơn 30 mươi bài thơ, đặc biệt nhất là hai bài “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca “ (viết bằng chữ Nôm), cùng một số ngữ lục (những câu vấn đáp về Thiền học).
(Xem thêm về “Tư tưởng thiền học và các tác phẩm của Trần Nhân Tông” trong “Lịch sử Phật giáo đời Trần” của Nguyễn Hiền Đức).
Đại sĩ Trúc Lâm đã mở ba giới đàn:
-Tại chùa Chân Giáo trong đại nội.
-Tại chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại.
-Tại chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường.
Vua Trần Anh Tông đúc hai tượng của Trúc Lâm bằng vàng, thờ ở chùa Vân Yên và chùa Báo Ân (huyện Siêu Loại).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
20
Hôm nay :
2574
Tháng hiện tại
: 589490
Tổng lượt truy cập : 32088129