Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 1. Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết (1590 1644)

Thứ tư - 28/09/2011 07:39
Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 1. Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết (1590 1644)

Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 2: Hòa thượng Chuyết Công với phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài - 1. Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết (1590 1644)

Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết, thường được gọi là Hòa thượng Chuyết Công, tên tục là Lý Thiên Tộ, sinhnăm 1590, tại Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, nước Trung Hoa. Thiền sư Viên Văn còn có pháp hiệu là Hải Trừng, thuộc phái thiền Lâm Tế đời 31.

 

 

Hòa thượng Chuyết Công hay Thiền sư Viên Văn- Chuyết Chuyết, thuộc phái thiền Lâm Tế của Trung Hoa, thế hệ thứ 31, truyền thừa theo bài kệ truyền pháp của Tổ sư Trí Bảng-Đột Không:

Trí Tuệ Thanh Tịnh,

Đạo Đức Viên Minh

Chân Như Tánh Hải

Tịch Chiếu Phổ Thông.

 

Hòa thượng Chuyết Công cùng một số đệ tử, trong đó nổi tiếng nhất là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại, rời Trung Quốc, sang Chân Lạp, có lẽ hoằng dương Phật pháp ở vùng Đồng Nai, Bến Nghé, nơi đó đã có đông người Việt và người Hoa sinh sống (xem sách “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” cùng tác giả).

Sau đó, Hoà thượng cùng đệ tử đi thuyền ra Chiêm Thành, có lẽ dừng chân hoằng hóa ở vùng đất Khánh Hòa một thời gian. Hòa thượng lại ra Đàng Ngoài hoằng hoá ở nhiều chùa, cuối cùng trác tích ở chùa Vạn Phúc (hay chùa Phật Tích) và chùa Ninh Phúc (sau có tên là chùa Bút Tháp hay chùa Nhạn Tháp).

Qua thời gian hoằng hóa ở nhiều nơi, tiếp thu những tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm ở Đại Việt, cũng như tư tưởng Tam giáo đồng nguyên và phong tục tín ngưỡng cổ truyền Đại Việt, phối hợp với tông phong của phái thiền Lâm Tế của Trung Quốc, Hòa thượng Chuyết Công và cao đệ là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại, đã phổ truyền tông phong của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài khác với tông phong thuần túy của phái thiền Lâm Tế xưa, thích hợp với hoàn cảnh Đại Việt, nhờ đó phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài ( Lâm Tế pha Trúc Lâm và tín ngưỡng Đại Việt) phát triển rộng khắp Đàng Ngoài.

Ngoài cao đệ Minh Hành-Tại Tại, ở Đàng Ngoài, Hòa thượng Chuyết Công còn đào tạo một số đệ tử khác, đặc biệt nhất là Thiền sư Minh Lương-Nguyệt An. Hai thiền sư này chẳng những nối tiếp phổ truyền Thiền tông mà còn phát huy yếu chỉ của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài ngày càng hưng thịnh.

Chính vì phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài của Hòa thượng Chuyết Công và hai đệ tử này khác biệt với phái thiền Lâm Tế cũ nên Thiền sư Minh Hành-Tại Tại đã lập một bài kệ truyền phái mới cho phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài thay thế cho bài kệ truyền pháp cũ như sau:

Minh Chân Như Tánh Hải Kim Tường Phổ Chiếu Thông Chí Đạo Thành Chánh Quả Giác Ngộ Chứng Chân Không

Phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài phát triển mạnh với nhiều thiền sư tài đức nổi danh và truyền thừa cho đến sau này như: Chân Nguyên, Chân Trú, Chân An, Chân Hiền, Như Trừng (Lân Giác), Như Hiện (Nguyệt Quang),Như Trí, Như Sơn, Như Nhàn, Như Thông,Tánh Tuyền, Tánh Tuyên, Tánh Quản, Hải Thanh, Tịch Truyền, Chiếu Khoan,…

Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác đã kết hợp tông phong của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài và phát huy mạnh truyền thống của phái thiền Trúc Lâm, phục hưng và phát triển mạnh phái thiền Trúc Lâm Yên Tử ở Đàng Ngoài .Tổ sư Chân Nguyên chẳng những nhiệt tâm trong việc khắc in lại các kinh sách cũ của phái thiền Trúc Lâm mà còn biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm Thiền học chữ Nho và chữ Nôm còn truyền đến ngày nay.

 

 


 

THIỀN SƯ VIÊN VĂN - CHUYẾT CHUYẾT (1590 -1644)
VỚI PHÁI THIỀN LÂM TẾ Ở ĐÀNG NGOÀI

 

Thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết, thường được gọi là Hòa thượng Chuyết Công, tên tục là Lý Thiên Tộ, sinhnăm 1590, tại Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, nước Trung Hoa. Thiền sư Viên Văn còn có pháp hiệu là Hải Trừng, thuộc phái thiền Lâm Tế đời 31.

Thân mẫu Thiền sư Chuyết Chuyết nằm chiêm bao thấy một hoa sen mọc lên từ rún, rồi có thai, đến ba năm mới sinh ra sư.

Thuở nhỏ, Thiền sư Viên Văn rất thông minh và đĩnh ngộ, theo học Nho giáo, thông hiểu cả Tứ thư và Ngũ kinh. Lớn lên, theo tu học với trưởng lão Tiệm Sơn. Khi sư Chuyết Chuyết mới lên tham vấn, Trưởng lão hỏi: “Ngươi tạo nghiệp gì?”. Sư thưa: “Giúp vua cứu dân”. Trưởng lão bảo: “Lành thay! Đây là chí xung thiên, nhưng hãy còn ham danh lợi, lão sẽ cố gắng xem”.

Sau một thời gian chuyên cần tu học, Thiền sư Chuyết Chuyết quán xét rõ cuộc đời là vô thường và khổ não. Từ khi ngộ được đạo lý đó, sư Chuyết Chuyết không còn màng đến danh lợi, tiền tài và chí tâm tu hành.

Sau đó Thiền sư Chuyết Chuyết đến tham yết Hòa thượng ĐàĐà ở Nam Sơn. Hòa thượng Đà Đà là một danh tăng, thường được vua Minh Thế Tông vời vào cung điện để tham vấn Phật pháp và bàn luận về việc triều chánh và quân quốc trọng yếu. Vua rất kính phục nên phong cho Hòa thượng Đà Đà danh hiệu là Đại sư Khuông Quốc (Đại sư giúp nước).

Hòa thượng Đà Đà nhận thấy Thiền sư Chuyết Chuyết thông minh và đạo đức phẩm hạnh cao nên rất thương mến và thường bảo với đồ chúng rằng: “ Ngày sau, ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này. Y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng”. Hòa thượng đem hết yếu chỉ Thiền học của mình chỉ dạy và giúp cho Thiền sư Chuyết Chuyết đạt được tâm tông của Thiền.

Sau khi được truyền tâm ấn, Thiền sư Chuyết Chuyết vân du trong nước (Trung Hoa) để Hoằng dương Phật pháp. Phật tử và học giả đương thời đều kính trọng và quý mến, danh tiếng Thiền sư Chuyết Chuyết truyền khắp chốn thiền lâm Trung Quốc.

Năm 1630, khi nước Trung Hoa xảy ra cuộc nổi loạn của Lý Tự Thành và sau đó nhà Thanh đánh bại nhà Minh, xâm chiếm Trung Quốc, Thiền sư Chuyết Chuyết và một số đệ tử (trong đó có trưởng tử tài đức là Minh Hành-Tại Tại) lên thuyền bỏ nước, qua Chân Lạp. Không biết khi đến Chân Lạp, Thiền sư Viên Văn hoằng hóa ở địa phương nào? Có lẽ là Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử đã đến hoằnghóa ở vùng Đồng Nai vì thời đó, có một số đông dân Trung Hoa cũng đã đến đó khai khẩn đất đai làm ăn chung với người Việt. Người Việt đã đến vùng đất Đồng Nai của Chân Lạp từ lâu, và năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1634) gả Công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II của Chân Lạp, đã xin với vua này cho người Việt đến sinh sống ở vùng đất Đồng Nai (từ Mô Xoài gần Bà Rịa đến cù lao Phố ở Biên Hòa) ; và năm 1623, chúa Sãi lại cử sứ giả xin vua Chân Lạp cho lập Sở Thuế ở Sài Gòn (thành phố Prey Nokor) và Bến Nghé. Với việc lập cơ quan thu thuế ở Sài Gòn, có nghĩa là triều đình chúa Nguyễn đã có phái một đơn vị quân đội đến Sài Gòn để bảo vệ cho các quan chức Việt này, và vùng ày đã có đông dân chúng làm ăn, buôn bán.

Trong khoảng thời gian đó, nhiều người Trung Hoa cũng rời bỏnước vì cuộc xâm lăng của nhà Thanh qua đất Đồng Nai làm ăn sinh sống với sự can thiệp của vương phi Ngọc Vạn với triều đình Chân Lạp và với sự mặc nhiên cho phép của chúa Nguyễn. Chẳng những thế, Công chúa Ngọc Vạn với vai trò vương phi của vua Chey Chetta II đã can thiệp để một số người Việt và người Trung Hoa làm quan chức trong triều đình Chân Lạp hoặc để buôn bán, làm ăn ở kinh đô Oudong của Chân Lạp. Có thể Thiền sư Chuyết Chuyết và các đệ tử đã đếnĐồng Nai hoằng hóa trong thời vương phi Ngọc Vạn nhưng hiện chúngta chưa biết Thiền sư Chuyết chuyết hoằng hóa ở chùa nào ở Đồng Nai và hoằng hóa ở trong đó thời gian bao lâu? Có thể nói Thiền sư Chuyết Chuyết là một vị sư hoằng hóa sớm nhất ở Đồng Nai (Chân Lạp).

Sau một thời gian ở Chân Lạp, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử lại qua hoằng dương Phật pháp ở Chiêm Thành; chúng ta cũng chưa biết rõ Thiền sư Chuyết Chuyết hoằng hóa ở chùa nào, ở nơi nào và trong thời gian bao lâu? Có lẽ là hoằng hóa ở vùng Diên Khánh và Ninh Hòa (Khánh Hòa) ngày nay (?).

Tiếp theo đó, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử lại rời Chiêm Thành qua hoằng hóa ở Đàng Trong. Thiền sư Chuyết Chuyết ghé Qui Nhơn (Bình Định) và Thuận Hóa, nhưng hiện chưa biết ngụ ở chùa nào, ở đâu? Có thể trong thời gian hoằng hóa ở Chân Lạp vàĐàng Trong, Thiền sư Chuyết Chuyết chịu ảnh hưởng của phái thiền Trúc Lâm. (Có nhân duyên tham khảo kinh sách của phái thiền TrúcLâm ở Đàng Trong, Khánh Hòa, Đồng Nai…).

Sau đó, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử lại lần ra Đàng Ngoài.Khi hoằng hóa ở Đàng Ngoài được biết rõ ràng hơn:

Trước tiên, Thiền sư Chuyết Chuyết dừng chân ở chùa Thiên Tượng thuộc trấn Nghệ An và chùa Trạch Lâm thuộc trấn Thanh Hóa hoằng hóa một thời gian (hiện ở chùa Trạch Lâm còn tượng chân dung Thiền sư Minh Hành-Tại Tại bằng đồng rất mỹ thuật ).

Năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử ra đến Đông Đô (kinh thành Thăng Long), có mang theo nhiều kinh sách, pháp tượng và pháp khí. Thiền sư Chuyết Chuyết ngụ tại chùa Khán Sơn để hoằng hóa Phật pháp, Phật tử đến tham học và quy y thọ giới rất đông , gồm cả người Việt và người Trung Hoa. Hoàng tộc vua Lê, chúa Trịnh, các quan tướng triều đình… cũng theo thọ giáo rất đông.

Sau một thời gian hoằng hóa ở chùa Khán Sơn, Thiền sư ChuyếtChuyết và đệ tử rời Đông Đô, đến hoằng hóa ở chùa Phật Tích hay chùa Thầy (chùa Vạn Phúc) trên núi Phật Tích, thuộc trấn Kinh Bắc(cách Đông Đô 30 km) về hướng Đông bắc. Trong thời gian Hòa thượng Chuyết Công hoằng hóa ở chùa Phật Tích (chùa Thầy), chúa Trịnh Tráng, vua Lê Thần Tông, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) và một số vương phi, cung tần của vua Lê và chúaTrịnh xin thọ giáo quy y. Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657 ) kính trọng Hòa thượng Chuyết Công như bậc thầy. Chúa Trịnh Tráng nhờ Hòa thượng cho người về Trung Hoa thỉnh kinh sách, pháp tượngvà pháp khí qua Đàng Ngoài. Hòa thượng Chuyết Công phái đệ tử là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại qua Trung Hoa thỉnh kinh. Kinh sách được thỉnh về được tàng trữ ở chùa Phật Tích, một số kinh sách đượckhắc bản gỗ và in lại để phổ biến ở Đàng Ngoài. Việc khắc bản in và bản gỗ được thực hiện và tàng trữ ở chùa Phật Tích.

Vào thời đó, các vua chúa ở Đàng Trong và cả Đàng Ngoài rất thường lập các trai đàn để cúng chiến sĩ trận vong và cúng vong hồn nghĩa sĩ chết trên bộ hay dưới nước. Trong các trai đàn này áp dụng nghi thức hành lễ trong sách “Thủy lục chư khoa”.

Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) là con của chúa Trịnh Tráng, cùng con là Công nữ Lê Thị Ngọc Duyên (cháu ngoại của chúa Trịnh Tráng ) đều xuất gia tại chùa Phật Tích. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được ban pháp danh là Pháp Tánh, Công nữ pháp danh là Diệu Tuệ. Năm 1643, Ni sư Pháp Tánh xin với cha cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc (sau gọi là chùa Bút Tháp hay Nhạn Tháp).

Sau khi chùa Ninh Phúc trùng tu xong, Hòa thượng Chuyết Công được thỉnh qua trụ trì chùa này, Thiền sư Minh Hành-Tại Tại trụ trì chùa Phật Tích.

Hòa thượng Chuyết Công trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến ngày viên tịch.

Ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), Hòa thượng Viên Văn-Chuyết Chuyết cho gọi đồ chúng lại, truyền bài kệ:

Phiên âm:

“Sấu trúc trường tùng trích thủy hương,
Lưu phong sở nguyệt đổ vi lương,
Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự,
Mỗi nhựt chung thanh tống tịch dương”

 

Dịch nghĩa:

Trúc gầy thông vút, nước thơm rơi,
Gió thoảng trăng non lành lạnh mát,
Chẳng biết ai trụ Nguyên Tây tự,
Mỗi ngày chuông nổi tiễn hoàng hôn.

 

Ngâm bài kệ xong, Hòa thượng bảo đồ chúng: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải là đệ tử của ta”.

Rồi Hòa thượng Chuyết Chuyết ngồi yên thị tịch, thọ 55 tuổi, mùi hương lạ lan đầy chùa trong cả tháng mới tan.

 Sau khi Hòa thượng Viên Văn-Chuyết Chuyết viên tịch, vua Lê Chân Tông ban thụy hiệu là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại đức Thiền sư”.

Thiền sư Minh Hành-Tại Tại và đồ chúng lập tháp Báo Nghiêm ở chùa Vạn Phúc (hay chùa Phật Tích) để an trí kim thân Hòa thượng Chuyết Công và tháp Vọng ở chùa Bút Tháp.

Tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp hình bát giác cao 5 tầng, cao 13m, xây bằng 15 tảng đá xanh lớn nhỏ khác nhau, chồng lên nhau mà không hề có mạch vôi vữa (hay hóa chất giống xi-măng). Các tảng đá được mài bóng và chạm trổ giống ngọn bút, nên dân địa phương gọi là “Tháp Bút” hay “Bút Tháp”. Vì vậy, chùa Ninh Phúc cũng được dân gọi là “chùa Bút Tháp”. Tương truyền rằng: sau khi tháp Báo Nghiêm xây xong, có một đàn chim nhạn không biết từ đâu bay đến, đậu ở tháp nên chùa Bút Tháp còn được gọi là “chùa Nhạn Tháp”. Chân tháp rộng 3m68 (phía trong tháp trống rỗng từ dưới lên đỉnh). Tầng dưới có cánh cửa bằng đá, đóng mở dễ dàng.

Thiền sư Minh Hành-Tại Tại nhờ cư sĩ Thanh Nguyên (tên Âu Dương Vựng Đăng, người Trung Hoa) viết bài văn khắc vào bia, gọi là “Hiển Thoại am Báo Nghiêm tháp bi minh” để kể về hành trạng của Hòa thượng Chuyết Công, bia được dựng vào năm 1645.

Bài văn bia này cho biết: Hòa thượng Chuyết Công có khí tượng lạ lùng và có tài cảm hóa người, được vua Lê tôn làm thầy, các bậc đại thần trong triều đình vua Lê chúa Trịnh đều kính phục. Trong bia có đoạn viết: “Tôi học Phật, lánh sang nước Nam, có dịp được hội đàm với Hòa thượng Chuyết Công ở chùa Khán Sơn ở kinh đô Thăng Long, lúc mới gặp, ta có thể nghĩ rằng Hòa thượng là người khùng, nhưng lâu ngày, tôi mới thấy Ngài là một người thông minh và phóng khoáng, trong tâm không còn vướng mắc điều gì cả. Ngài lại có tài biện luận, bỡn cợt cả với các bậc công khanh, đức độ trung hậu, kính già yêu trẻ, coi các bậc thiền giả như bạn thân, khinh tiền như cỏ rác…”.

Hòa thượng Chuyết Công có rất nhiều đệ tử đắc pháp, nhưng xuất sắc nhất là hai Thiền sư Minh Hành-Tại Tại và Minh Lương-Nguyệt An (người Việt). Các vị này có vai trò quan trọng trong việcphục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Ngoài.

(*) Khoảng năm 1990, kẻ trộm vào tháp Báo Nghiêm ở chùa Phật Tích, thấy tượng người, tưởng là tượng bằng đồng, nhưng lấy ra, chân bị gãy mới biết là xác người đã bị chết khô lại, nên bỏ chạy. Có thể xác này là kim thân của Hòa Thượng Chuyết Công? (Giống như kim thân của hai Thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm ở chùa Đậu).

 

Tháp Báo Nghiêm ở Chùa Bút Tháp.

 

Khám thờ  Hòa Thượng Chuyết Công trong Tháp Báo Nghiêm.

Tượng Hòa Thượng Chuyết Công ở Tháp Báo Nghiêm (Chùa Bút Tháp).

 

 

Nguyễn Hiền Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 3563

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 590479

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32089118


Thiết kế website