Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 7: Tổng lược lịch sử Phật giáo vào thời nhà Lý (1009 - 1225)

Thứ năm - 30/06/2011 16:06
Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 7: Tổng lược lịch sử Phật giáo vào thời nhà Lý (1009 - 1225)

Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 7: Tổng lược lịch sử Phật giáo vào thời nhà Lý (1009 - 1225)

Du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương thứ Mười tám (Thế kỷ III Trước Dương lịch), qua thời gian, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu xa trong lòng dân Việt và giữ vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam.

 

 

 Trong gần một ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ, Phật giáo vẫn giữ vai trò lãnh đạo quần chúng. Các Cao tăng, các Thiền sư là những bậc trí thức trong xã hội, là những nhà lãnh đạo trong đời sống của nhân dân trong khắp cả nước, từ thôn làng xã ấp cho đến triều đình. Các chùa chiền, thiền viện trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế … ở các địa phương.   

Năm 939, Ngô Vương đánh bại Nam Hán, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ Tự chủ (939 – 1009), dưới các Triều đại Nhà Ngô, Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê, đất nước mới độc lập, dân chúng chưa được giáo hóa, nên triều đình còn phải dùng những cực hình như vạc dầu, chuồng cọp beo …. để trừng phạt tội nhân. Trong triều đình thường xảy ra những cuộc tàn sát, đánh giết nhau để tranh giành ngôi vị … Nhưng với đức độ và trí tuệ của các bậc giác ngộ, các Cao tăng đã giáo dục cho nhân dân từ tâm từ bi, bình đẳng, năm giới (sát sanh, trộm cấp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt); cho đến sáu hạnh ba la mật của bậc Bồ tát (Lục độ : nhẫn nhục, trì giới, bố thí, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) … trình độ dân chúng và các vua quan trong triều đình đều tiến hóa …

I.SẤM KÝ CỦA CÁC CAO TĂNG BÁO TRƯỚC VIỆC NHÀ LÝ LÊN NGÔI  SẼ GIÚP ĐẤT NƯỚC VÀ PHẬT GIÁO HƯNG THỊNH.

    1.Trưởng lão Định Không (730-808).

       - Ngay từ thế kỷ thứ Tám, Trưởng lão Định Không đã biết trước : đất Cổ Pháp (Trung tâm Phật giáo Liên Lâu) là linh địa của nước Việt. Vùng đất Cổ Pháp sẽ là nơi phát sinh những nhân tài cho đất nước, nhưng sẽ bị “Người nước ngoài” trấn yếm; nên Ngài đã dặn đệ tử là Thiền sư Thông Thiền phải giữ những “mật pháp” để sau nầy truyền lại cho đệ tử họ Đinh; Vị nầy sẽ là thực hiện tiếp các công trình để chuẩn bị cho việc lên ngôi của vua Nhà Lý, giúp đất nước và Phật giáo hưng thịnh …

        - Họ Lý làm vua, quan hàng Tam phẩm.

        - Vị vua lên ngôi vào tháng Tý năm Dậu giúp Phật giáo hưng thịnh.

 

    2.Thiền sư La Quý (? - ?).

       Thiền sư La Quý phá trấn yếm và khai long mạch giúp cho Minh Vương xuất thế làm hưng thịnh đất nước và Phật giáo :

       - Đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng bằng vàng chôn ở chùa Lục Tổ.

       - Mở những nơi trấn yếm của Cao Biền.

       - Trồng cây bông gạo ở chùa Châu Minh để khai long mạch.

       - Bài Sấm báo trước Nhà Lý lên ngôi khi : cây bông gạo hiện hình rồng, vào ngày Thỏ tháng Chuột năm Gà.

 

    3.Quốc sư Vạn Hạnh (? – 1025).

      - Quốc sư Vạn Hạnh  báo trước việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua với các lời Sấm ký …

      - Những điềm báo trước việc vua Lý Thái Tổ lên ngôi giúp đất nước và Phật giáo hưng thịnh: Cây gạo bị sét đánh, Chó trắng ở chùa Thiên Tâm, cây đa ở chùa Song Lâm …

    4. Thiền sư Đa Bảo

      - Thiền sư Đa Bảo gặp Lý Công Uẩn khi còn nhỏ tuổi đã báo trước “sẽ làm vua”.

      - Truyện cây đa ở chùa Kiến Sơ của Thiền sư Đa Bảo.

II.CÁC VUA NHÀ LÝ với PHẬT GIÁO.

    Vua Lý Thái Tổ được Cao tăng Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp nuôi lúc 3 tuổi, sau đó theo học với Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ, nên thấm nhuần lý đạo Phật. Các vua Nhà Lý, Hoàng tử, công chúa trong Hoàng tộc cho đến các quan tướng của triều đình cũng chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo, nên các vua quan Nhà Lý đều là những nhà lãnh đạo nhân từ, độ lượng, thương dân …, còn có lòng khoan dung với tội phạm cho đến kẻ thù …, hết lòng hộ trì Phật pháp, có tâm bình đẳng và dung hòa với các tôn giáo khác (Nho, Lão) theo quan điểm “Tam giáo đồng nguyên” …

    1.Vua Lý Thái Tổ (1009 – 1028).

       Vua Lý Thái Tổ tên húy là Uẩn, quê ở Cổ Pháp (Bắc Ninh) thuộc Trung tâm Phật giáo Liên Lâu, sinh ngày 17 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), đời vua Đinh Tiên Hoàng, mẹ họ Phạm.

Ngày Ất Mão tháng Tý năm Kỷ Dậu [Ngày mồng 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009)], Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên triều đại Nhà Lý (1009 – 1225). Ngay khi lên ngôi, vua tha hết những người bị tù tội, đốt bỏ những dụng cụ tra tấn …

Năm 1010, vua cho dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi thuyền vua đến thành, thấy rồng vàng hiện ra nơi thuyền vua, nên cho đổi tên Đại La thành Thăng Long. Cho xây dựng cung điện.

Vua cho đổi cố đô Hoa Lư thành phủ Trường An, châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức. Vua cho xây dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức. Vua cho phát 1.680 lạng bạc để đúc đại hồng chung ở chùa Đại Giáo.

Năm 1011, vua cho xây dựng chùa Vạn Thọ (Vạn Tuế) và Kho Trấn Phúc để tàng trữ Đại Tạng kinh trong Hoàng thành Thăng Long. Ngoài thành cho xây các chùa Tứ Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ.

Năm 1014, Hữu nhai Tăng thống là Thẩm Văn Uyển xin mở Đại Giới đàn ở chùa Vạn Thọ, vua chuẩn y.

Năm 1015, sư chùa Tề Thánh ở huyện Thái Bình (nay thuộc tỉnh Hà Tây) dâng hòm quý đựng Xá lợi Phật.

Năm 1016, Vua cho độ hơn 1.000 người ở kinh sư làm Tăng đạo. Vua cho xây dựng các chùa Thiên Quang, Thiên Đức, đắp tượng Tứ Thiên Vương tại Thăng Long.

Khai Đại Giới đàn cho 1.000 tăng sĩ.

Năm 1018, vua sai Nguyễn Thanh Đạo và Phạm Hạc sang Nhà Tống thỉnh Tam Tạng kinh.

Năm 1020, vua xuống chiếu cho Tăng thống Phi Trí sang Quảng Châu đó phái đoàn Nguyễn Đạo Thanh thỉnh Đại Tạng kinh về nước. Năm sau, vua cho xây dựng Nhà Bát giác để tàng trữ Đại Tạng kinh.

Năm 1023, vua xuống chiếu chép Đại Tạng kinh để ở Kho Đại Hưng.

Năm 1024, vua cho xây dựng chùa Chân Giáo trong Hoàng thành để vua tiện ngự xem tụng kinh.

Năm 1025, Quốc sư Vạn Hạnh không bệnh mà chết, người bấy giờ nói là “hóa thân”.

Năm 1027, vua lại xuống chiếu chép Đại Tạng kinh.

Năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tổ băng, thọ 50 tuổi. Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi.

    2.Vua Lý Thái Tông (1028-1054).

Vua Lý Thái Tông húy là Phật Mã, hay Đức Chánh, sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000), tại kinh đô Hoa Lư, mẹ họ Lê. Vua bẩm tính nhân từ, tinh thông văn võ, am tường ngự xạ, thư số, lễ nhạc.

Năm 1012, Lý Phật Mã được phong tước Thiên Khai vương.

Năm 1020, Thiên Khai vương (Thái tử Phật Mã) được cử làm Nguyên soái đem quân đánh Chiêm Thành. Khi đại quân vượt biển, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, Thiên Khai vương đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về.

Ngay sau khi vua Lý Thái Tổ băng, đêm hôm trước ngày ba Vương (Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức) làm phản, vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Thần núi Đồng Cổ báo trước, nên ra lệnh phòng bị, nhờ đó dẹp được nội loạn nầy (1028), vì thế vua cho xây dựng Miếu thờ Thần núi Đồng Cổ ở sau chùa Thánh Thọ bên hữu thành Đại La để các quan cùng uống máu thề Trung thành với vua vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch hằng năm. [Xem Lĩnh Nam Chích quái, Bd Lê Hữu Mục, t.108]

Năm 1028, Thái tử Phật Mã lên ngôi vua (1028 -1054), đại xá thiên hạ.

Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) cũng là Thiền sư của Phái Thiền Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ bảy.

Vua thường đến tham vấn yếu chỉ thiền với Thiền sư Thiền Lão ở chùa Trùng Minh trên núi Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), nhờ đó vua ham thích tu thiền.

Vua thường thỉnh các bậc tôn túc Thiền tông đến cung điện để tham học, và nghiên cứu về thiền. Vua nói trước mọi người: Trẫm nghĩ bàn tới nguồn tâm của Phật tổ, các bậc thánh hiền thuở xưa còn không tránh khỏi điều chê bai, huống chi là những kẻ hậu học. Nay Trẫm muốn giãi bày tâm ý của mình. Mỗi người làm một bài kệ để xem chỗ dụng tâm như thế nào ?

Trong lúc mọi người đang tìm ý tứ thì vua đã làm xong bài kệ :

Bát nhã thực vô tông                                             Bát nhã chân vô tông

Nhân không, Ta cũng không                                 Nhân không, ngã diệc không

Phật trước, nay, mai sau                                        Quá , hiện, vị lai Phật

Pháp tánh vốn tương đồng.                                   Pháp tánh bản lai đồng.

Mọi người đều phục vua có tài ứng đối mau lẹ.

Năm 1031, vua cho xây cất 150 chùa quán ở các hương ấp trong nước.

Năm 1032, cây sung (ưu đàm?) ở chùa Thích Ca trổ hoa. Hoa ưu đàm là hoa thiêng liêng của Phật giáo, 3.000 năm mới trổ hoa một lần. Mỗi khi có hoa ưu đàm thì có Phật ra đời.

Năm 1034, hai Thiền sư Minh Tâm và Bảo Tánh ở chùa Cảm Ứng trên núi Ba Sơn (Tiêu Sơn) dùng lửa tam muội tự thiêu thân, di cốt kết thành thất bảo. Vua xuống chiếu đem thất bảo về chùa Trường Thánh để thờ cúng. [Xem TUTANL, Bd Ngô Đức Thọ, t.81]

Sư Hưu ở chùa Pháp Vân tại châu Cổ Pháp tâu rằng, trong chùa phát ra mấy luồng hào quang, theo chỗ ánh sáng đào xuống được một cái hòm bằng đá, bên trong có cái hòm bằng bạc, lại có hòm bằng vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly đựng xá lợi [5 hòm Xá lợi được vua Nhà Tùy tặêng cho Giao Châu vào năm 603, Thiền sư Pháp Hiền lập tháp thờ ở 5 nơi]. Vua cho rước vào Cấm điện, xem xong trả lại.

Năm 1035, vua xuống chiếu phát 6.000 cân đồng để đúc đại hồng chung chùa Trùng Quang trên núi Tiên Du (Bắc Ninh).

Năm 1036, vua xuống chiếu chép Đại Tạng kinh cất ở Kho Trùng Hưng.

Năm 1038, có dấu vết Thần ở chùa Thiên Thắng. Vua cho dựng bia ở chùa Trùng Quang.

Khoảng năm 1034 – 1038, vua thường đến viếng chùa Trùng Minh. Vua hỏi Hòa thượng Thiền Lão : Hòa thượng trụ ở núi  nầy  bao lâu rồi ?

Sư đáp : Chỉ  biết ngày tháng này,                         Đản tri kim nhật nguyệt,

              Ai biết xuân thu xưa.                                Thùy thức cựu xuân thu.

Vua lại hỏi : Hàng ngày Hòa thượng làm gì ?

Sư đáp : Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh         Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

             Trăng trong mây trắng lộ toàn chân.       Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Vua hỏi : Có ý chỉ gì ?

Sư đáp : Nhiều lời vô ích.

Vua bừng tỉnh ngộ. Sau đó, vua sai sứ thỉnh Thiền sư Thiền Lão về kinh, nhưng sứ giả đến nơi thì Sư đã quy tịch rồi.

Năm 1040, vua cho mở hội La Hán ở Long Trì khánh thành việc đúc hơn 1.000 tượng Phật, vẽ hơm 1.000 tranh Phật, hơn một vạn lá phướn; cho đại xá, tha tội lưu, tội đồ và nửa tiền thuế cho dân.

Năm 1041, vua đến núi Tiên Du xem làm Viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7.650 cân đồng để đúc tượng Phật Di Lạc, hai bồ tát Hải Thanh và Công Đức, cùng đại hồng chung ở viện ấy.

Năm 1.043, vua đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh) đã hoang phế, thấy một cột đá nghiêng sắp đổ. Vua ý muốn sai sửa chữa, nhưng chưa kịp nói thì cột bỗng tự đứng thẳng lại. Vua lấy làm lạ, sai Nho thần làm phú để nêu rõ linh dị.

Năm 1044, vua đem quân đánh Chiêm Thành, chiếm kinh đô Phật Thệ, bắt Hoàng hậu, cung phi của vua Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên (Ấn Độ).

Năm 1049, vua cho xây dựng chùa Diên Hựu (chùa Một Cột).

Ngày mồng Một tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054), vua Lý Thái Tông băng, Thái tử Lý Nhật Tôn lên ngôi.

3.Vua Lý Thánh Tông (1054-1072).

Vua Lý Thánh Tông húy là Nhật Tông, mẹ họ Mai, khi trước chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang, sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Hợi (1023). Vua nhân từ và sùng mộ Đạo Phật, thương dân như con, lo dân thiếu ăn nên xuống chiếu khuyến nông, gặp năm hạn thì ban lệnh phát thóc, tiền, vải lụa chẩn cấp cho dân nghèo.

Vua lên ngôi năm 1054.

Năm 1055, vua cho xây chùa Đông Lâm và Tĩnh Lự trên núi Đông Cứu (Bắc Ninh).

Năm 1056, cho mở hội La Hán ở điện Thiên An. Mùa Hạ, vua cho xây dựng chùa Sùng Thánh Báo Thiên, phát 12.000 cân đồng để đúc đại hồng chung và vua làm Bài Minh.

Năm 1057, vua cho xây tháp Đại Thắng Tư Thiên (Tháp Báo Thiên) ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên.12 tầng, cao mấy chục trượng. (Đại Việt Sử Lược viết: Tháp Báo Thiên 30 tầng, cao 20 trượng). Tháng Chạp, vua cho xây chùa Thiên Phúc và chùa Thiên Thọ, đúc tượng Đại Phạn Thiên vương và Đế Thích Thiên vương bằng vàng để an trí ở hai chùa nầy.

Năm 1058, vua cho xây tháp Tường Long ở Đồ Sơn.

Năm 1059, vua cho xây chùa Sùng Nghiêm Báo Quốc ở châu Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh);  khánh thành Tháp Tường Long.

Năm 1060, vua phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát.

Năm 1061, vua cầu tự ở núi Ba Sơn (Tiêu Sơn), rồng vàng xuất hiện nơi Lễ đàn.

Năm 1063, vua đã hơn 40 tuổi mà chưa có con trai, nên vua thường đi các chùa cổ ở Trung tâm Phật giáo Liên Lâu làm lễ “Cầu tự”. Khi đi đến hương Thổ Lỗi, sau đổi lại là Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có một cô gái đẹp hái dâu, đứng tựa bụi cỏ lan, thấy xinh đẹp nên cho gọi đưa về cung, được sủng ái, phong làm Phu nhân Ỷ Lan. Vua sai dựng chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) để cầu tự.

Năm 1065, Vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi làm lễ Cầu Tự ở chùa Thánh Chúa tại làng Dịch Vọng (Hà Nội). Sư trụ trì  là Đại Điên giúp cho Nguyễn Bông thác sinh vào làm con Nguyên phi Ỷ Lan.  

Ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066), Ỷ Lan sinh Càn Đức, ngày hôm sau được lập làm Thái tử. Vua phong phu nhân Ỷ Lan làm Nguyên Phi (Thần Phi), đại xá cho dân. Tháng 3, rồng vàng hiện ra trong cung Thái tử.

Tháng 9, vua sai Lang tướng Quách Mãn xây tháp trên núi Tiên Du (Bắc Ninh).

Đầu năm Kỷ Dậu (1069), vua Thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ và 5 vạn tù binh. Vua tha cho Chế Củ về nước, Chế Củ xin dâng ba châu : Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị).

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để cho các Hoàng Tử đến học. Cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối (4 học trò của Khổng Tử : Mạnh Tử, Nhan Uyên, Tử Tư, Tăng Sâm), và vẽ hình 72 đệ tử của Khổng Tử.

Năm 1071, vua viết bia chữ “Phật” cao 1 trượng 6 thước đặt ở chùa trên núi Tiên Du.

Ngày Canh Dần tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), vua băng; con của Nguyên Phi Ỷ Lan là Thái tử Càn Đức lên nối ngôi.

4.Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128).

Vua Lý Nhân Tông húy là Càn Đức, sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066), mẹ đẻ là Thái hậu Linh Nhân, mẹ đích là Thái hậu Thượng Dương ; xương trán dồ cao như hình chữ nhật (tướng của bậc vua chúa), tay dài quá đầu gối (bậc hiền tài), giỏi về âm nhạc (vua sáng tác nhạc cho nhạc công).

Vua lên ngôi lúc 7 tuổi nên Thái hậu Thượng Dương buông rèm nhiếp chính. Lý Đạo Thành được phong làm Thái sư kiêm Thượng thư Bộ Binh, Lý Thường Kiệt làm Thái úy.

Mưa dầm, vua cho rước Phật Pháp Vân ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu) về kinh đô để cầu tạnh mưa; cúng hần núi Tản Viên.

Năm 1073, Thái hậu Thượng Dương và 72 thị nữ bị bắt giam rồi bị bức tử, chôn theo Thương hoàng Lý Thánh Tông. Thái úy Lý Đạo Thành bị đổi ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng thờ Phật và Thượng hoàng Thánh Tông.

Năm 1074, Chiêm Thành quấy rối biên giới. Vua phong cho Lý Đạo Thành chức Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự.

Năm 1075, vua xuống chiếu tuyển Minh kinh Bác học và thi Nho học Tam trường. Lê Văn Thịnh được trúng tuyển, được cho vào hầu vua học.

Vua Tống cấm các châu huyện buôn bán với nước ta, luyện tập binh sĩ chuẩn bị đánh nước Việt. Vua sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân thủy bộ đánh Trung quốc : Lý Thường Kiệt  đem thủy quân đánh  chiếm châu Khâm và châu Liêm; Tông Đản đem bộ binh tiến đánh châu Ung. Hai đạo quân thủy bộ họp lại đánh, Tri Ung châu là Tô Giam không chịu hàng, 40 ngày mới chiếm được thành châu Ung, giết hết 58.000 người, cộng với số người chết ở châu Khâm và châu Liêm lên đến hơn 10 vạn người.

Năm 1076, vua Tống sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem quân họp với quân Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm chiếm nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu), giết được một ngàn quân giặc, quân Tống lui về, chiếm châu Quảng Nguyên của ta. Năm 1078, vua sai Viên ngoại lang Đào Tông Nguyên đem tặng vua Tống 5 con voi xin trả lại các châu Quảng Nguyên (có mỏ vàng), Tô Mậu; và những quân dân ở các châu ấy bị bắt đi.

Năm 1081, vua sai Viên ngoại lang Lương Dụng Luật sang Tống xin Đại Tạng kinh.

Năm 1085, Lê Văn Thịnh được thăng chức Thái sư.

Thái hậu Linh Nhân muốn sám hối tội giết Thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ nên đi khắp nơi trong nước để chọn nơi xây dựng chùa tháp.

Tháng 11 năm Bính Dần (1086), vua cho xây dựng chùa Đại Lãm (chùa Giạm) trên núi Lãm Sơn (Bắc Ninh). Mùa đông năm Đinh Mão (1087), vua ngự đến chùa Lãm Sơn, đêm ban dạ yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ “Lãm Sơn Dạ yến”.

Năm 1088, vua phong Thiền sư Khô Đầu (Thảo Đường) làm Quốc sư.

Vua cho chia các chùa trong nước làm ba hạng : đại, trung và tiểu danh lam; cử quan văn làm “Đề Cử” để quản lý điền nô, ruộng đất va øtài sản của chùa. Tháng 10, cho xây tháp ở chùa Lãm Sơn.

Tháng 9 năm Giáp Tuất (1094) chùa Lãm Sơn hoàn thành (1088 -1094), vua Lý Nhân Tông đặt tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, vua viết chữ triện trên bức hoành phi.

Mùa Xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096), Hoàng Thái hậu Linh Nhân thiết lễ trai tăng tại chùa Khai Quốc tại kinh đô Thăng Long. Trong lúc đàm đạo với các bậc Cao tăng kỳ lão, Thái hậu hỏi về Lịch sử Phật giáo và Lịch sử Thiền Tông Việt Nam, trụ trì chùa là Thiền sư Trí Không trả lời mạch lạc rõ ràng, Thái hậu vô cùng kính phục nên phong Sư làm Tăng thống, ban cà sa màu tía, ban hiệu là Đại sư Thông Biện. Sau Thái hậu lại thỉnh Đại sư vào đại nội, phong làm Quốc sư để tham vấn, nhờ đó hiểu sâu tôn chỉ của Thiền tông và ngộ đạo. [Xem Quốc sư Thông Biện và Nguyên phi Ỷ Lan].

Năm 1097, Thái hậu cho xây dựng nhiều chùa trong nước.

Năm 1098, vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Văn Tín sang Tống xin Đại Tạng kinh.

Năm 1100, vua cho xây chùa Vĩnh Phúc ờ núi Tiên Du (Bắc Ninh).

Năm 1101, vua cho trùng tu chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) đẹp hơn xưa. [1105 mới hoàn thành]

Năm 1102, vua sai Hoàng hậu và các phi tần trai giới lập đàn chay “cầu tự”.

Năm 1106, vua đi viếng Chương Sơn, rồng vàng xuất hiện.

Tháng Giêng năm Mậu Tý (1108), vua cho xây tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định).

Năm 1110, Thiền sư Đạo Hạnh giết chết sư Đại Điên. Sư Đại Điên đầu thai làm đứa bé ở Thanh Hóa. Năm 1112, mới 3 tuổi, đứa bé tự xưng là Giác Hoàng, vua Lý Nhân Tông làm gì ở kinh đô nó đều biết hết. Quan Thái giám đến hỏi, Giác Hoàng nói đều ứng nghiệm hết cả; vua chưa có con nên cho rước Giác Hoàng về chùa Báo Thiên để lập đàn cho Giác Hoàng thác sinh làm con vua. Nhưng Thiền sư Đạo Hạnh biết, trấn yếm nên Giác Hoàng chết. Thiền sư Đạo Hạnh bị kết tội, nhưng Sùng Hiền hầu (em vua) xin tội. [Vì thế, Thiền sư Đạo Hạnh phải chịu thác sinh làm con của Sùng Hiền hầu (1116), tên Lý Dương Hoán, được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi; năm 1117 được lập làm Thái tử và lên ngôi vua năm 1128 tức Lý Thần Tông].

Năm 1114, rồng vàng hiện, quấn quanh tháp Chương Sơn ba vòng. Vua cho dựng chùa Thắng Nghiêm.

Năm 1115, khánh thành chùa Sùng Phước ở Siêu Loại (quê của Thái hậu Linh Nhân).

Mùa xuân năm 1116, vua cho mở hội Hoa đăng Quảng Chiếu ở cửa Đại Hưng, tạc tượng Nhà sư bằng gỗ, có đeo chuông bên mình. Thiền sư Đạo Hạnh hóa ở chùa Thiên Phúc, trên núi Sài Sơn (núi Thạch Thất, Hà Tây), thác sinh làm con Sùng Hiền Hầu tên là Lý Dương Hoán, lên 3 tuổi, vua Nhân Tông nhận làm con nuôi và sau phong làm Thái tử. [Xem Thiền sư Đạo Hạnh]

Năm 1117, vua đến núi Chương Sơn khánh thành Tháp Vạn Phong Thành Thiện, có rồng vàng xuất hiện.

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Hoàng Thái hậu Linh Nhân (Nguyên phi Ỷ Lan) băng, hỏa táng cùng 3 hầu gái, dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu.

Tháng 5 năm Mậu Tuất (1118), vua cho xây dựng chùa Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đội Sơn (huyện Duy Tiên, trấn Sơn Nam). Tháng 9, mở hội Thiên Phật, khánh thành chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, cho sú Chiêm Thành đến xem.

Năm 1119, khánh thành chùa Tịnh Lự.

Năm 1121, vua cho dựng chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du.

Năm 1122, khánh thánh Bảo tháp ở chùa Sùng Thiện Diên Linh trên núi Đội Sơn.

Năm 1123, khánh thành chùa Phụng Từ (tháng 2 âm lịch); khánh thành chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du, truy dâng lễ cúng Thái Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Thượng Dương.

Năm 1124, dựng chùa Hộ Thánh.

Năm 1126, mở Hội đèn Quảng Chiếu. Làm lễ khánh hạ năm Bộ kinh ở chùa Thọ Thánh.

Năm 1127, khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ.

Ngày Đinh Mão tháng Chạp năm Đinh Mùi (1127) vua Lý Nhân Tông băng. Làm lễ hỏa thiêu vua và các cung nữ ở Na Ngạn (Lục Ngạn, Bắc Ninh), vua Nhân Tông đến xem.

 

5. Vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) .

Vua Lý Thần Tông húy là Dương Hoán, sinh năm con của Sùng Hiền hầu, mẹ họ Đỗ, con nuôi của vua Lý Nhân Tông, tư chất thông minh, nhân từ độ lượng, biết dùng người hiền tài, sửa sang chính sự, lên ngôi năm 1128. tôn mẹ nuôi là Phu nhân Thần Anh làm Hoàng Thái hậu.

Tết năm Mậu Thân (1128), vua tha tội cho các tăng đạo và tù nhân bị tội “đồ” (điền nhi, lộ ông).

Lá phướn ở hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa, Vua ngự xa giá đến hai chùa để lễ tạ.

Mùa Hạ (tháng 4) bị hạn, vua trai giới ăn chay, cầu đảo được mưa.

Tháng 5, vua cho lão binh Đô tào là nhóm Vũ Đại gồm 4 người làm Tăng.

Năm 1129, mở hội khánh thành 84.000 bảo tháp nhỏ bằng đất nung (cao 20, 30cm) ở gác Thiên Phù,  xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước.

Năm 1130, khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thắng. Xây dựng nhà cho Đại sư Minh Không.

Năm 1134, xây dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích, vua ngự đến xem.

Năm 1135, vua đến quán Ngũ Nhạc khánh thành tượng Tam tôn (Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí) bằng vàng bạc. Tháng Chạp, mở hội độ tăng ở Nghênh Tiên đường.

Năm 1136, vua bị bệnh hóa hổ, Đại sư Minh Không trị hết, phong làm Quốc sư.

Năm 1137, Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.

Khánh thành chùa Linh Cảm, tha người có tội trong nước.

Ngày 26 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), vua Lý Thần Tông băng.

6.Vua Lý Anh Tông (1138 – 1175).

Vua Lý Anh Tông tên húy là Lý Anh Tộ, con vua Thần Tông, và Thái hậu Cảm Thánh (họ Lê)

Tháng 8 năm Tân Dậu (1141), Quốc sư Minh Không viên tịch, hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ.

Năm 1145, xây dựng các chùa Vĩnh Long, Phúc Thánh. Năm 1169, trùng tu chùa Chân Giáo.

Ngày Ất Tỵ tháng 7 năm Ất Mùi (1175), vua Lý Anh Tông băng, thái tử Long Trát mới 3 tuổi lên nối ngôi, Thái phó Tô Hiến Thành nhận di chiếu Nhiếp chính sự.

7.Lý Cao Tông (1176 – 1210).

Vua Lý Cao Tông húy là Lý Long Trát, sinh năm 1173, mẹ là Thái hậu Chiêu Thiên (họ Đỗ), em Thái hậu là Đỗ An Di được phong chức Thái sư, Tô Hiến Thành thăng chức Thái Uùy.

Năm 1179, Thái Uùy Tô Hiến Thành chết, Đỗ An Di làm Phụ chính.

Năm 1182, Lý Kính Tu được cử làm “Đế sư” (Thầy của vua).

Năm 1188, mùa Hạ bị đại hạn, vua đến chùa Pháp Vân để cầu mưa, sau đó cho rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long làm lễ tiếp.

Năm 1190, Thái phó Ngô Lý Tín chết, Đàm Dĩ  Mông được cử làm Thái phó.

Năm 1198, theo lời tâu của Thái phó Đàm Dĩ Mông, vua xuống chiếu sa thải các tăng đồ.

Năm 1200, Thái hậu Chiêu Linh băng.

Năm 1209, Thái giám Phạm Bỉnh Di cùng thuộc tướng Quách Bốc làm phản, tôn Hoàng tử Thầm làm vua, vua Lý Cao Tông phải chạy lên miền Quy Hóa giang (Miền núi Phú Thọ, Yên Báy), Hoàng Thái Tử Lý Sảm chạy về lánh nạn ở thôn Lưu Gia, Hải Ấp (tỉnh Thái Bình), lấy con gái Trần Lý làm vợ, phong cho Trần Lý tước Minh Tự, cậu của người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện Tiền Chỉ huy sứ. Anh em họ Trần Lý họp hương binh đem quân về kinh thành trừng trị bọn Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc; Trần Lý chết, con thứ là Trần Tự Thành lên thay đem quân về kinh, được vua Cao Tông phong làm Thuận Lưu bá.

Ngày 28 tháng 10 năm Canh Ngọ (1210), vua Lý Cao Tông băng, Đỗ Kính Tu nhận mệnh ký thác tôn Thái tử Lý Sảm (Lý Hạo Sảm) lên ngôi.

8.Lý Huệ Tông.

Lý Huệ Tông húy là Sảm (16 tuổi), con trưởng Cao Tông và Hoàng hậu họ Đàm, lên ngôi năm 1210. Vua sai Phụng ngự Phạm Bố đi đón Trần Thị về kinh, phong làm Nguyên phi, Tô Trung Từ làm Thái úy Phụ chính, Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu.

Năm 1213, trong nước loạn lạc, Trần Tự Khánh chuyên quyền, vua giáng Nguyên phi làm Ngự nữ, Thái hậu cho Trần Tự Khánh là phản trắc, bảo vua đuổi bỏ Ngự nữ đi, nhưng vua không nghe.

Cuối năm 1216, vua phong Phu nhân Trần Thị làm Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Thái úy Phụ chính, cho anh Tự Khánh là Trần Cảnh làm Nội thị Phán thủ.

Thái úy Trần Tự Khánh và Thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, luyên tập binh sĩ, quân thế dần dần phấn chấn.

Vua Huệ Tông bị bệnh, dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Quyền triều chính nằm trong tay Trần Tự Khánh.

Năm 1218, sinh công chúa Lý Phật Kim (Chiêu Thánh).

Năm 1223, Thái úy Trần Tự Khánh chết, Trần Thừa được cử làm Phụ quốc Thái úy, Trần Thủ Độ làm Điện Tiền Chỉ huy sứ.

Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), vua Huệ Tông xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử để truyền ngôi, vào tu ở chùa Chân Giáo trong đại nội.

9.Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225).

Lý Chiêu Hoàng tên húy là Phật Kim lên ngôi vua năm 1224, vua Huệ Tông được tôn làm Thái Thượng vương. Thái Thượng vương ra tu ở chùa Phù Liệt, lấy hiệu là Thiền sư Huệ Quang. Có lần Thiền sư Huệ Quang ra chơi ở chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Trần Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn nên cho dời Thiền sư Huệ Quang vào chùa Chân Giáo trong kinh thành. Có lần Trần Thủ Độ đi qua chùa, thấy sư Huệ Quang ngồi nhổ cỏ, Thủ Độ nói : “Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc”. Huệ Quang đứng dậy, phủi tay nói :”Điều ngươi nói, Ta hiểu rồi”. Ngày mùng 10 tháng 8 năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ sai người đem hương hoa đến chùa bảo sư Huệ Quang : “Thượng phụ sai thần đến mời”. Huệ Quang nói : “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”. Nói rồi vào buồng khấn rằng : “Thiên hạ Nhà ta đã về tay Nhà ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay Ta chết, đến sau nầy, con cháu của các ngươi cũng bị như thế”. Thiền sư Huệ Quang được cho hỏa thiêu, thờ ở tháp chùa Bảo Quang. Giáng Hoàng hậu của Huệ Tông làm công chúa Thiên Cực, gả cho Trần Thủ Độ.

Năm 1225, con Thái úy Trần Thừa là Trần Cảnh mới 8 tuổi được chọn làm Chính thủ.

Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt triều đại Nhà Lý (1009 – 1225).

III.CÁC THIỀN SƯ THỜI NHÀ LÝ.

 

Vào thời Nhà Lý, hai phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông vẫn tiếp tục phát triển với nhiều Cao tăng nổi tiếng. Năm 1069, sau khi đánh Chiêm Thành, bắt được nhiều tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường, vua Lý Thánh Tông phong cho Thiền sư Thảo Đường làm Quốc sư, lập thêm Phái thiền Thảo Đường.

Phái thiền Thảo Đường cũng có nhiều Thiền sư và Cư sĩ nổi tiếng.

1.Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Vào thời Nhà Lý, phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi phát triển với các Thiền sư thuộc thế hệ 11 đến thế hệ 19 như sau :

    - THẾ HỆ THỨ XI : Sách TUTANL viết : 4 Thiền sư, khuyết lục 2.

       Sách viết tiểu sử THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ  và THIỀN SƯ SÙNG PHẠM. Ngoài ra, Thiền sư     MA HA MA GIA cũng thuộc thế hệ XI.

a. THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ (902 – 979)

b. Thiền sư SÙNG PHẠM (1004 – 1087).

c. Thiền sư MA HA MA GIA

    - THẾ HỆ THỨ XII : Sách TUTANL viết : “7 người, 2 người khuyết lục”.

a. Thiền sư vạn hạnh ( ? – 1025)

b. Thiền sư định huệ.

c. Thiền sư ĐẠO HẠNH ( ? – 1116)

d. Thiền sư TRÌ BÁT (1049 – 1117)

e. Thiền sư THUẦN CHÂN ( ? – 1105)

   - THẾ HỆ THỨ XIII : Sách TUTANL viết: “6 người, 2 người khuyết lục”.

a. Tăng thống HUỆ SINH ( ? – 1064)

b. Thiền sư THIỀN NHAM (1093 – 1163)

c. Quốc sư MINH KHÔNG (1066 – 1141)

d. Thiền sư BẢN TỊCH ( ? – 1139)                             

  - THẾ HỆ THỨ XIV : sách TUTANL viết : “4 người, 3 người khuyết lục”.

         Tăng thống KHÁNH HỶ (1067 – 1142)

  - THẾ HỆ THỨ XV : Sách TUTANL viết : “3 người, 1 người khuyết lục”.

a.Thiền sư GIỚI KHÔNG

b.Thiền sư PHÁP DUNG ( ? – 1174)

         - THẾ HỆ THỨ XVI : Sách TUTANL viết : 3 NGƯỜI.

a. Thiền sư TRÍ NHÀN

b. Thiền sư CHÂN KHÔNG ( 1046 – 1100)

c. Thiền sư ĐẠO LÂM ( ? – 1203)

   - THẾ HỆ THỨ XVII : sách TUTANL viết : 4 người, 1 người khuyết lục.

a. Ni sư DIỆU NHÂN (1042 – 1113)

b. Thiền sư VIÊN HỌC (1073 – 1136)

c. Thiền sư TỊNH THIỀN ( 1121 – 1193)

   - THẾ HỆ THỨ XVIII : Sách TUTANL viết : 2 người, 1 người khuyết lục.

- Quốc sư VIÊN THÔNG ( 1080 – 1151)

   - THẾ HỆ THỨ XIX : Sách TUTANL viết : 2 người, 1 người khuyết lục.

- Thiền sư  Y SƠN ( ? – 1213)

 

2.Phái thiền Vô Ngôn Thông.

Vào thời Nhà Lý, phái thiền Vô Ngôn Thông phát triển với các Thiền sư thuộc thế hệ 5 đến thế hệ 15 như sau :

    - THẾ HỆ V : Thiền sư ĐA BẢO.

    - THẾ HỆ THỨ VI : Ba người, khuyết lục Một người.

- Trưởng Lão ĐỊNH HƯƠNG ( ? – 1050)

- Thiền sư THIỀN LÃO

    - THẾ HỆ THỨ VII : Bảy người, khuyết lục Một người.

                  - Thiền sư VIÊN CHIẾU (999 -1090)

                  - Thiền sư CỨU CHỈ

                  - Thiền sư BẢO TÍNH ( ? – 1034)

                  - Thiền sư MINH TÂM ( ? – 1034)

                  - Thiền sư QUẢNG TRÍ

                  - Vua LÝ THÁI TÔNG (1023 – 1072)

    - THẾ HỆ THỨ VIII : 6 người, khuyết lục 3 người.

                  - Quốc sư THÔNG BIỆN ( ? – 1134)

                  - Đại sư MÃN GIÁC ( 1052 – 1096)

                  - Thiền sư NGỘ ẤN (1020 – 1088)

    - THẾ HỆ THỨ IX : 8 người, khuyết lục 3 người.

- Thiền sư ĐẠO HUỆ ( ? – 1172)

- Thiền sư BIỆN TÀI

- Thiền sư BẢO GIÁM ( ? – 1173)

- Thiền sư KHÔNG LỘ ( ? – 1119)

- Thiền sư BẢN TỊNH ( 1100 – 1176)

    - THẾ HỆ THỨ X : 12 người, khuyết lục 2 người         

                   - Thiền sư MINH TRÍ ( ? – 1196)

- Thiền sư  TÍN HỌC ( ? – 1200)

- Thiền sư TỊNH KHÔNG ( 1091 – 1170)

- Thiền sư ĐẠI XẢ ( 1120 – 1180)

- Thiền sư TỊNH LỰC ( 1112 – 1175)

- Thiền sư TRÍ BẢO ( ? – 1190)

- Thiền sư TRƯỜNG NGUYÊN ( 1110 – 1165)

- Thiền sư TỊNH GIỚI ( ? – 1207)

- Thiền sư  GIÁC HẢI

- Thiền sư NGUYỆN HỌC ( ? – 1181)

    - THẾ HỆ THỨ XI : 9 người, khuyết lục 8 người.

                  - Thiền sư QUẢNG NGHIÊM (1122 – 1190)

    - THẾ HỆ THỨ XII : 7 người, khuyết lục 6 người.

                  - Thiền sư  THƯỜNG CHIẾU ( ? – 1203)

    - THẾ HỆ THỨ XIII : 5 người, khuyết lục 3 người.

                  - Thiền sư THẦN NGHI ( ? 1216)

                  - Cư sĩ THÔNG SƯ ( ? - 1228)

    - THẾ HỆ THỨ XIV : 5 người, khuyết lục 3 người.

                  - Thiền sư TỨC LỰ

                  - Thiền sư HIỆN QUANG ( ? – 1221)

    - THẾ HỆ THỨ XV : 7 người, khuyết lục 6 người.

                  - Cư sĩ ỨNG VƯƠNG

3.Phái thiền Thảo Đường.

   Phái thiền Thảo Đường chép trong sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ lục truyền thừa như sau :

    - THẾ HỆ I : Có 3 người :

                   - Vua Lý Thánh Tông.

                  - Thiền sư Bát Nhã.

                  - Cư sĩ Ngộ Xá.

   - THẾ HỆ II : Có 4 người :

                  - Thiền sư Không Lộ.

                  - Thiền sư Hoằng Minh (Thiệu Minh).

                  - Thiền sư Giác Hải (Định Giác).

                  - Tham chính Ngô Ích.

   - THẾ HỆ III : Có 4 người :

                  - Thiền sư Phạm Âm.

                  - Thiền sư Đỗ Đô.

                  - Vua Lý Anh Tông.

                  - Thái phó Đỗ Vũ.

   - THẾ HỆ IV : Có 3 người :

                  - Thiền sư Trương Tam Tạng.

                  - Thiền sư Chân Huyền.

                  - Thái phó Đỗ Thường.

   - THẾ HỆ V : Có 4 người :

                  - Thiền sư Hải Tịnh.

                  - Vua Lý Cao Tông.

                  - Phụng ngự họ Phạm.

                   - Xướng nhi Quản giáp Nguyễn Thức.

IV.CÔNG TRÌNH THỈNH VÀ CHÉP ĐẠI TẠNG KINH vào THỜI NHÀ LÝ.

      Vào thời Nhà Lý, ngoài việc cử các Sứ giả sang Nhà Tống thỉnh Đại Tạng kinh nhiều lần, các vua còn cho biên chép Đại Tạng kinh và cho xây dựng các Nhà tàng trữ Đại Tạng kinh.

      Năm 1007, vua Lê Ngọa Triều cho Sứ thỉnh Đại Tạng kinh của Nhà Tống, năm 1009 mới đem về kinh đô Hoa Lư. Năm 1011, vua Lý Thái Tổ  cho xây dựng Nhà chứa kinh Trấn Phúc tại kinh đô Thăng Long để tàng trữ Bộ Đại Tạng kinh đó.

      Năm 1018, vua Lý Thái Tổ sai Nguyễn Thanh Đạo và Phạm Hạc sang Nhà Tống thỉnh Tam Tạng kinh. Năm 1020, kinh về đến Quảng Châu, vua sai Tăng thống Phi Trí đi đón. Năm 1021, vua cho dựng Nhà Bát giác để tàng trữ Đại Tạng kinh. Năm 1023, vua xuống chiếu chép Đại Tạng kinh để ở Kho Đại Hưng. Năm 1027, vua lại xuống chiếu chép Đại Tạng kinh một lần nữa.

       Năm 1034, vua Lý Thái Tông cho dựng Nhà chứa kinh Trùng Hưng ở chùa Trùng Quang trên núi Tiên Du. Cùng năm đó, Hà Thụ và Đỗ Khoan sang sứ Tống, được vua Tống tặng một Bộ Đại Tạng khinh nữa. Năm 1036, vua xuống chiếu sao chép Đại Tạng kinh cất ở Kho Trùng Hưng vùa dựng.

      Năm 1081, vua Lý Nhân Tông sai Viên ngoại lang Lương Dụng Luật sang Tống xin Đại Tạng kinh. Năm 1098, vua lại sai Viên ngoại lang Nguyễn Văn Tín sang Tống xin Đại Tạng kinh một lần nữa.

V.ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG VĂN HỌC THỜI NHÀ LÝ.

 

Văn học thời Nhà Lý chịu ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo, các Thiền sư, Cao tăng đến vua quan, hoàng tộc Nhà Lý, đến cư sĩ … có nhiều kinh sách hay thơ văn.

Các Thiền sư, các Cao tăng là tầng lớp trí thức trong xã hội, có tư tưởng “nhập thế” và hành đạo theo hạnh Bồ tát, sống gần gủi với quần chúng, hiểu biết và thông cảm những nỗi khó khăn, đau khổ của dân chúng, lại có tâm từ bi hỷ xả, thương yêu mọi người, nên ảnh hưởng đến cuộc sống an hòa của xã hội ; và giúp rất nhiều cho việc cai trị của các vua quan triều đình Nhà Lý, đưa đến thời kỳ thịnh trị cho đất nước và hưng thịnh cho Phật giáo.

Hầu hết các tác phẩm văn học thời Nhà Lý đều là sáng tác của các Thiền sư, Tăng sĩ và cư sĩ …

1.Các kinh sách Phật giáo của các Thiền sư :

     Vào thời Nhà Lý các Cao tăng, Thiền sư biên soạn nhiều kinh sách :

    - Thiền sư Huệ Sinh : Pháp sự trai nghi, Chư Đạo tràng khánh tán văn.

    - Thiền sư Khánh Hỷ : Ngộ đạo Thi ca tập.

    - Thiền sư Viên Chiếu : Tán Viên Giác kinh, Dược Sư Thập nhị nguyện văn, Thập nhị Bồ tát hạnh tu chứng đạo tràng, Tham đồ hiển quyết.

    - Thiền sư : vâng sắc chỉ của vua Lý Thánh Tông biên soạn sách Chiếu đối lục.

          - Quốc sư Viên Thông : Tăng già Tạp lục (50 quyển), Chư Phật tích duyên sự (30 quyển).

           - Thiền sư Thường Chiếu : Nam Tông Tự pháp đồ.  

           - …………………………………………………………………………………………………..

           Nhưng các sách nầy không còn nữa.  

      2.Các bài kệ của các Thiền sư trong sách Thiền uyển Tập anh Ngữ lục :

        Các Thiền sư các Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường  đều có các bài kệ hay các Bài Sấm ký được ghi lại trong sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục hay sách Đại Việt Sử ký Toàn thư. [Xem sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, và Đại Việt Sử ký Toàn thư].

      3.Các Bài Minh khắc trên các bia đá hay các đại hồng chung.

Ngoài ra, còn có rất nhiều Bài Minh, Bia ký khắc trên đá hay trên các đại hồng chung có giá trị văn học rất cao và là những tài liệu lịch sử vô cùng quí báu :  

            - Bia chùa Báo Ân trên núi An Hoạch : Chu Văn Thường soạn năm 1100.

            - Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc : Lý Thừa Ân soạn dưới triều Lý nHân Tông (1072-1127).

            - Bia chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn : Thiền sư Pháp Bảo soạn năm 1101.

            - Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh : Thiền sư Pháp Bảo soạn năm 1118.

            - Bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh : Nguyễn Công Bậc soạn năm 1127.

            - Bia chùa Viên Quang : Dĩnh Đạt soạn năm 1167.

            - Bia chùa Hương Nghiêm trên núi Càn Ni : soạn năm 1125, chưa biết tác giả.

            - Bài Minh trên chuông chùa Thiên Phúc: Thiền sư Huệ Hưng soạn năm 1109.

            - Bia chùa Diên Phúc : Nguyễn Diêm soạn năm 1121.

            - Bia chùa Báo Ân : Ngụy Tư Hiền soạn năm 1209.

 

 Nguyễn Hiền Đức

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 52


Hôm nayHôm nay : 12949

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 540486

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32039125


Thiết kế website