Dai dẳng và nhức nhối nạn sư giả

Thứ tư - 17/08/2011 14:46
Dai dẳng và nhức nhối nạn sư giả

Dai dẳng và nhức nhối nạn sư giả

Sự kính ngưỡng đối với chư Tăng Phật giáo là tấm lòng của Phật tử ở tất cả các quốc gia. Cũng vì sự kính ngưỡng này, mà những phần tử “bất hảo” trong xã hội đã lợi dụng nhiều hình thức để… trục lợi. Phật giáo đang và sẽ đối mặt với nạn sư giả hoành hành. Một hiện tượng đã cũ, lặp đi lặp lại và tốn nhiều giấy mực của báo chí, nhưng hầu như chưa được ngăn chặn.

 

Mặc nhiên tồn tại

Trên những con đường của thành phố Sài Gòn, kể cả hang cùng ngõ hẻm, hình ảnh của những “nhà sư” với bộ y vàng, chân đất, đầu trần, tay cầm bình bát,…trong dịp Vu lan Báo hiếu khiến người ta liên tưởng đến truyền thống hạnh khất thực của người tu sĩ ở TP.Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước trước đây. Tuy nhiên, thời gian qua vì sự bành trướng của những kẻ hành nghề... giả sư, nên Giáo hội, THPG các tỉnh thành đã ngừng duy trì hạnh tu cao đẹp này.

2.jpg

Chân dung đối tượng hành nghề giả sư trên đường 3 tháng 2
 Ảnh chụp vào sáng 31-7-2011

Có rất nhiều cách để những phần tử này tiếp cận lòng kính ngưỡng của người dân. Trong Nam hay ngoài Bắc cũng vậy, khi thì với bộ quần áo nâu sồng, khi thì với bộ y vàng thanh thoát. Với rất nhiều lý do như: xin kinh phí xây dựng chùa cảnh, bán hương để phụ thêm chi tiêu cho... sư trụ trì. Nhưng phổ biến nhất vẫn là việc giả sư đi dự lễ trai tăng, đi khất thực.

Nghề giả sư cũng lắm công phu, chỉ cần bất cứ ở đâu, hễ “đánh hơi” được chùa, tự viện hay tịnh thất nào có lễ trai tăng là “sư” có mặt. Riết rồi cũng thành quen nên có chùa, tịnh thất,… các Sư trụ trì còn sắp hẳn một khu vực dành riêng cho... khách tăng không mời mà đến. Còn trên các con đường như Thành Thái (Q.10), Châu Văn Liêm (Q.5), 3 tháng 2 (Q.10)… thì hình ảnh ung dung, với những bước chân chậm rãi của sư giả lại rất dễ... ghi điểm với người đi đường. Nhưng nếu khi “cúng dường”, quan sát thật kỹ, tùy thuộc việc cho tiền nhiều hay ít sẽ thấy sắc mặt của những vị thầy đội lốt này lộ... nguyên hình.

1.jpg

Việc bài trừ tệ nạn này, trách nhiệm thuộc về ai?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ!

Có dịp theo chân sư giả hành nghề, khi đã “vét cho đầy túi tham” những vị thầy “bất đắc dĩ” rảo bước nhanh hơn để kết thúc công việc của mình. Địa bàn tập kết của những phần tử này nằm trong hẻm 202, Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5, TP.HCM (đầu đường Châu Văn Liêm và Hải Thượng Lãn Ông (Q.5). Vừa về đến nơi, họ đã lột ngay lớp y vàng để trở lại với những bộ quần áo của đời thường. Sau đó không quên gọi cho mình một ly cà phê, vừa đi vừa uống để bù cho mấy tiếng đồng hồ làm việc… miệt mài.

Một vốn... bốn lời

Với những kẻ hành nghề... giả sư này, thì việc đầu tư và “hy sinh” cần thiết nhất là bỏ đi mái tóc của mình, còn quần áo thì ai mà chẳng phải mặc. Chỉ bỏ ra một khoản tiền nho nhỏ và duy nhất, không tốn chút sức lực, không phải tính toán về rủi ro, rồi thu về khoản “lời” gấp mấy lần thì xem ra nghề giả sư này là một nghề thời thượng.

3.jpg

Một người giả dạng sư cô khất thực trên đoạn đường
Cao Thắng (Q.10). Ảnh chụp ngày 3-8-2011

Đối tượng hành nghề sư giả thì muôn vàn, nhưng điểm lại đa phần là những kẻ lười lao động, giang hồ và cờ bạc. Tại sao họ lại chọn công việc... giả sư này, mà không phải là giả một nghề khác? Câu trả lời đơn giản đến mức đứa trẻ con cũng hiểu được vấn đề. Giả sư là một nghề “hot”, luật lao động không quy định, không có nhà chức trách quản lý, không phải nộp thuế thu nhập,… cho đến chính Ban Tăng sự TƯGH cũng chưa có giải pháp nào hữu hiệu để bài trừ tệ nạn nhức nhối này. Thực tế như vậy, việc bỏ ra một vốn, mà thu về... bốn lời không phải là điều hiển nhiên và dễ hiểu hay sao?

Mới đây, trên báo Bưu Điện Việt Nam đã đưa tin và hình ảnh của loạt bài “Đột kích xóm sư giả, và theo chân sư giả, hành nghề giả sư” của tác giả Nghệ An. Mới đây nhất là BTS THPG Đắc Nông và BTS THPG Bạc Liêu đã kết hợp với chính quyền địa phương đã xử lý một số sư giả trên địa bàn, cho thấy kẻ giả danh là  người không nghề nghiệp hành nghề giả sư để lừa đảo.

Dư luận của người dân thuộc cộng đồng Phật và đại đa số ý kiến của người dân đều bất bình trước việc lợi dụng lòng tin của những phần tử này, và hy vọng các cơ quan ban ngành chức năng, cũng như các vị lãnh đạo của Phật giáo kiên quyết, mạnh mẽ hơn trong việc bài trừ tệ nạn đang ngày càng bành trướng này.

Một bạn đọc ở địa chỉ email: hoangquanghoanghoathanhhoa@yahoo.com.vn nói: “Tóm lại, cơ quan chức năng hoặc truyền hình nên đưa tin cho người dân biết là không có chuyện sư đi khất thực, bán hương,… để người dân không bị lừa. Cúng dường thì vào chùa mà cúng, chỉ có như vậy thì sư giả mới hết đất mà sống”.

Còn bạn đọc ở địa chỉ phat_tu bienvangkhongten1010@yahoo.com thì bức xúc hơn: “Đối với những kẻ giả danh nhà sư, lường gạt mọi người như vậy mong Giáo hội và công an sớm vào cuộc, trừng trị thẳng tay những kẻ đó, để chừa thói biếng nhác, lười lao động, sống bằng mồ hôi của người khác”.

Báo chí chỉ là công cụ hỗ trợ thông tin cho người dân chứ không đóng vai trò quyết định trong việc bài trừ tệ nạn giả sư. Người dân cũng vậy, không phải ai cũng có điều kiện đến chùa, để thân cận với chư Tăng, để tìm hiểu và phân biệt giữa sư thật và sư giả. Việc làm cần thiết nhất bây giờ, là các ban ngành của Giáo hội phải phối hợp với các cơ quan chức năng từ cơ sở đến địa phương, lập đường dây nóng để người dân có thể phát giác, báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, xử lý bằng… luật định. 

Ngoài ra, Giáo hội nên có văn bản gửi các ngành chức năng để chính quyền có hướng xử lý không thừa nhận việc sư giả hoạt động đối tượng tệ nạn xã hội này như những công dân vi phạm pháp luật.

Nhìn những hình ảnh lộng hành của sư giả đi trên đường, có khi nào mỗi cá nhân trong Tăng đoàn cảm thấy lòng mình bị tổn thương. Mong rằng, tất cả chúng ta cùng chung tay, chung lòng để đẩy lùi tệ nạn đang làm mất đi hình ảnh thanh tịnh của Tăng đoàn. Và cấp bách hơn, là mỗi cá nhân trong Tăng đoàn phải đề cao trách nhiệm của bản thân, không chỉ trăn trở mà phải hành động để chấm dứt tình trạng giả sư này.

Đừng xem cách giải quyết này cho có, đừng chạy theo như một cách để hưởng ứng phong trào, đừng coi tệ nạn này như một thực trạng tất yếu... Đừng để mang tiếng là những người thiếu trách nhiệm với chính mạng mạch của Tăng già. Có như vậy, sự manh nha của nạn sư giả mới vĩnh viễn được loại trừ ra khỏi đời sống hôm nay!

 

 

*HT.Thích Thiện TánhPhó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM, khẳng định:

 “Việc khất thực của nhà sư gần như không còn, cũng không được cấp phép từ sau năm 1975. Những người mặc áo nâu sòng, hay khoác trên mình bộ y vàng, đi ngoài đường để xin tiền hiện nay đều là sư giả. Phật tử muốn làm từ thiện thì nên tới chùa, hoặc tham gia quyên góp vào các tổ chức từ thiện, các chương trình vì người nghèo…. 

Tuyệt đối không cho tiền những người khất thực ngoài đường, làm như vậy là tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động mượn danh nghĩa nhà chùa đi làm những chuyện trái với tư tưởng của nhà Phật. Giáo hội giao cho 24 Ban đại diện Phật giáo các quận huyện, có trách nhiệm phát hiện những người mặc đồ tu hành đi khất thực trên đường thì báo cho công an nơi gần nhất xử lý”.

 

*Nhà báo Nguyễn Duy Thanh Hiền Biên tập viên Tạp chí HTV chia sẻ:

"Theo chân sư giả hành nghề trên đường 3 tháng 2, đoạn ngã tư Cao Thắng, chỉ vỏn vẹn có 30 phút, chúng tôi thấy được việc hái ra tiền từ công việc này là rất nhiều (khoảng 3 đến 4 trăm ngàn đồng). Phần lớn người đi đường khi được hỏi đều trả lời, cũng chẳng biết sư thật hay sư giả, nhưng cứ thấy bộ dạng khắc khổ của “các sư” là chúng tôi cho tiền. 

Nên chăng, Giáo hội sớm kết hợp với ngành Công an, hay ủy ban phòng chống tệ nạn xã hội để vào “hang cọp” và bắt … trọn ổ. Còn để người đi đường biết được việc sư giả đi khất thực chỉ là chiêu lừa đảo, chúng ta có thể phát tờ rơi, với nội dung đề cập tới vấn đề này, để người dân không bị mắc mưu của những kẻ hành nghề …giả sư".


Bài, ảnh: Đinh Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 27


Hôm nayHôm nay : 3663

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 590579

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32089218


Thiết kế website