Trường Đại học Khoa học Huế
1. Đặt vấn đề
Dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoang dung với mọi tôn giáo tín ngưỡng từ bên ngoài. Ở Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo, không có xung đột lớn về tôn giáo. Có thể nói trước thế kỷ XX, sự tồn tại của ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo chiếm một vị trí trọng yếu trong tiến trình lịch sử tư tưởng dân tộc. Sự kết hợp của Nho, Phật, Đạo (thường gọi là hiện tượng tam giáo đồng nguyên) là một trong những biểu hiện đặc sắc cho tinh thần khai phóng, khoan hòa/khoan dung đó của dân tộc.
Hiện tượng tam giáo đồng nguyên có thể diễn đạt ngắn gọn nhất là sự kết hợp, gắn bó mật thiết và bổ sung cho nhau giữa ba lý thuyết Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo; giữa chúng không có xung đột hay chiến tranh tôn giáo. Trong tiến trình lịch sử, hai giai đoạn có sự tồn tại rõ nét của hiện tượng tam giáo đồng nguyên là thời Lý – Trần và thời Lê Mạt (hay Lê Trung Hưng). Nếu trong giai đoạn Lê Trung Hưng, tam giáo đồng nguyên dựa trên nền tảng Nho học thịnh đạt thời Lê sơ (1428-1527) nhưng ngày càng suy yếu thì ở giai đoạn Lý Trần, hiện tượng đó dựa trên nền tảng từ sự thịnh đạt của Phật giáo ở thời Ngô Đinh Lê (939-1009).
Bài viết này trên cơ sở phân tích bối cảnh/ tiền đề tư tưởng từ cuối thời Bắc thuộc đến đầu giai đoạn độc lập để góp phần khẳng định hơn nữa một đạo lý hay quan điểm chính trị lớn “Vô vi cư điện các” của nhà sư Đỗ Pháp Thuận ở thế kỷ thứ X. Có thể dễ dàng nhận thấy đạo lý “Vô vi cư điện các” chính là kết quả của sự dung hợp đặc sắc của Phật học với Lão học và Nho học trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ ở nước ta. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng đạo lý trên là một viên ngọc của minh triết Việt: “Mấy lâu nay ta chỉ cảm nhận nó như là lời của một nhà sư, không thấy hết tầm vĩ mô, bàn việc nước của nó. Có thể đặt tên là Bản Tuyên ngôn Đại hành. Một bản Tuyên ngôn để làm việc “lớn” của dân tộc Việt Nam” [1].
2. Về Phật học
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ thế kỷ thứ VI TCN. Bước vào thời kỳ trung đại, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bà la môn giáo (dưới tên gọi mới Hindu giáo hay Ấn Độ giáo), Phật giáo đã kịp thời lan tỏa ra các nước xung quanh trở thành tôn giáo thế giới. Phật giáo truyền đến Việt Nam, Trung Quốc gần như đồng thời trong buổi đầu Bắc thuộc.
Trong giai đoạn đầu khi mới du nhập, Việt Nam xuất hiện trung tâm Phật giáo Luy Lâu – nơi gặp gỡ của Phật giáo với tín ngưỡng, phong tục tập quán bản địa của dân tộc, nổi tiếng với hệ thống “tứ pháp”. Nếu như Phật học giai đoạn đầu có sự hỗn dung pha tạp của khá nhiều yếu tố phi triết học, đặc biệt là đậm chất Mật tông, chưa có tính học thuật cao, thì đến thế kỷ VI trở đi, khi nhiều Thiền phái từ Trung Quốc lần lượt được truyền vào nước ta; thì triết học Phật giáo ngày càng rõ ràng hơn.
Với tư cách là một tông phái Phật giáo ra đời năm 520, Bồ Đề Đạt Ma (xứ Thiên Trúc) được xem là người sáng lập của Thiền tông Trung Quốc. Các môn đệ người Trung Quốc đã kế thừa, làm cho nó nổi tiếng, hình thành nhiều tông phái khác nhau. Từ đó, Thiền tông được xem như là một sản phẩm Phật giáo thuần túy Trung Quốc, là sự dung hợp giữa các tư tưởng triết học cổ đại Lão giáo, Khổng giáo với tư tưởng thiền Ấn Độ. Trong các thế kỷ thứ VI – VIII, các môn phái Thiền tông của các vị tổ Tì-ni-đa-lưu-chi, Huệ Khả, Huệ Năng, Hoàng Nhẫn, Vô Ngôn Thông nối tiếp nhau truyền vào nước ta. Trung tâm tiếp nhận các môn phái này tập trung ở các chùa Pháp Vân (Thuận Thành, Bắc Ninh) và chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, Hà Nội)… Lúc này, Thiền tông đã chiếm địa vị chủ đạo so với Khổng giáo và Đạo giáo truyền nhập vào lãnh thổ nước ta cùng thời kỳ. Tầng lớp tăng lữ đã trở thành tầng lớp trí thức trọng yếu của đất nước. Bản thân Thiền tông Việt Nam thời này cũng có nhiều tông phái: Lâm Tế, Tào Khê, Quan Bích… Cả hai phái Thiền: Tì-ni-đa-lưu-chhi (năm 580) – Pháp Hiền (620) và Vô Ngôn Thông (820), hai phái duy nhất mà tài liệu còn ghi lại, đều ít nhiều thể hiện diện mạo tư tưởng Phật học nước ta vào cuối thời Bắc thuộc.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh tư tưởng Thiền tông, một số tông phái Phật giáo khác như Tịnh Độ tông, Mật tông cũng đã và đang tồn tại như một thực thể tự nhiên trong quá trình truyền nhập cùng với Thiền, Nho và Đạo. Điều đó đòi hỏi một sự “nhất thống” tư tưởng, một sự hợp lưu các tông phái Phật giáo nói riêng, hợp nhất tam giáo nói chung trên cơ sở truyền thống tín ngưỡng bản địa đậm tính khoan hòa của dân tộc.
Sự ra đời của phái thiền Thảo Đường thời Lý Thánh Tông (1069) mà nhà vua là đệ tử của thiền sư sáng lập Thảo Đường, chính là sự kết hợp giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông. Trên cơ sở đó, nhà Trần bắt buộc phải lựa chọn Thiền tông làm hệ ý thức tiêu biểu, đồng thời cũng phải thay đổi nội dung của các phái Thiền tông để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, bảo đảm cho ý thức hệ này những nét mới hơn, đậm tính dân tộc hơn, gạt đi những yếu tố xa lạ, thống nhất các tông phái Phật giáo; đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng dung hợp giữa Phật giáo với nhiều tư tưởng khác đang tồn tại thời bấy giờ. Chính trong bối cảnh đó mà Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Có thể nói, phái Thiền Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập chính là sự “nhất thống” cao nhất; nó không chỉ dung hợp các phái Thiền mà còn dung hợp cả những yếu tố Lão, Khổng thời bấy giờ. Thơ Thiền thời Lý – Trần thể hiện rất rõ sự dung hợp đó, tiêu biểu là hành trạng và thơ văn của nhân vật kiệt xuất Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung thời Trần.
Ngay trước thời kỳ thống nhất tư tưởng đó, sau khi Đại Việt giành được độc lập đầu thế kỷ X, Phật giáo đã trở thành quốc giáo dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Lý. Các thiền sư trở thành những đại trí thức, không chỉ uyên thâm diệu lý Phật học mà am tường cả tư tưởng Lão – Trang, Khổng học. Họ trở nên nổi tiếng, được mời làm quân sư cho các vị vua triều Đinh, Tiền Lê và đã đóng góp nhiều công lao xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền Việt Nam thời kỳ đầu độc lập tự chủ. Có thể kể đến những Thiền sư kiệt xuất như Khuông Việt đại sư (vị sư lớn khuông phò nước Việt) [2], Pháp sư Đỗ Thuận [3], Quốc sư Vạn Hạnh [4]…
Chính trong bối cảnh thống nhất tư tưởng Thiền (kể cả Tịnh độ tông, Mật tông) với Lão học, Khổng học như thế, nhà sư Đỗ Pháp Thuận đã dâng bài thơ trả lời nhà vua khi nhà vua hỏi về vận nước/kế sách dựng nước:
"Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh"
3. Về lão học
Lão Tử - người sống cùng thời với Khổng Tử được xem là ông tổ của Đạo gia với học thuyết Đạo học (thiên về vũ trụ quan) vô cùng nổi tiếng ở Trung Quốc. Về chính trị, ông đề xướng tư tưởng “vô vi nhi trị” (không làm mà thịnh trị). Không làm ở đây không phải là không làm gì cả (“vô bất vi”) mà là không làm điều gì trái với các quy luật của tự nhiên, của xã hội, mà làm thuận theo tự nhiên, thuận theo các quy luật khách quan. Người kế tục Lão Tử là Trang Tử nên hậu thế thường gọi tư tưởng ông là Lão học hay tư tưởng Lão – Trang. Sau khi chế độ quân chủ tập quyền ra đời (thời Tần), Đạo gia tiếp tục phân hóa thành hai xu hướng lớn: Một là, khi đi sâu vào tầng lớp trí thức nó biến thành một học phái mang tính triết học (phái Hoàng Lão – thời Tây Hán, rồi phong trào Huyền học thời Tam quốc, Nam Bắc triều), kế tục triết học của Lão Tử. Hai là, khi đi sâu vào quần chúng nhân dân ít học nó biến thể thành một tôn giáo (ta gọi là Đạo giáo). Cả hai hình thái này, tư tưởng Lão Trang và Đạo giáo (kể cả Đạo giáo Thần tiên và Đạo giáo phù thủy) đều được du nhập vào nước ta trong thời Bắc thuộc nhưng Đạo giáo bám rễ sâu hơn, còn tư tưởng Lão Trang chỉ tồn tại trong một ít trí thức đương thời.
Ngay ở thế kỷ X, Đạo học nói chung là sự pha tạp một ít triết lý Lão – Trang với các hình thức tín ngưỡng dân gian, bùa chú, phù phép. Trong lịch trình phát triển tư tưởng dân tộc Việt Nam từ khi độc lập, Đạo giáo vẫn luôn tồn tại không chỉ trong cung đình mà mạnh mẽ hơn trong dân gian, gắn bó mật thiết và chặt chẽ với các tín ngưỡng bản địa đến nỗi rất khó tách bạch đâu là Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng dân gian.
Còn tư tưởng Lão – Trang/Lão học ở Việt Nam không nhiều những đại biểu xuất sắc như bên Trung Quốc. Tư tưởng này chỉ có thể tồn tại đâu đó trong ý niệm về sự rút lui khỏi chốn quan trường (vốn theo Nho học) của một số trí thức như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ; trong triết lý về lẽ đời của Đặng Dung, Nguyễn Công Trứ… hoặc của cụ Cao Xuân Huy thời hiện đại…
Thế nhưng, ngay thời kỳ đầu độc lập tự chủ, triết lý Lão – Trang đã hiện hữu trong quan niệm của các nhà sư. Tư tưởng “vô vi”, hạt nhân trong đường lối chính trị của Lão học lại xuất hiện trong đường lối chính trị Việt Nam ở ngay thế kỷ X khi mà đất nước ta đang từng bước xây dựng nhà nước tập quyền sau tình trạng cát cứ phân quyền, từng bước đánh ngoại xâm để phân định Nam Bắc, khẳng định dứt khoát nền độc lập dân tộc… Rõ ràng, tư tưởng “vô vi” trong quan niệm trị nước từ lời một nhà sư chính là biểu hiện đặc sắc của sự kết hợp triết lý Lão – Trang với tư tưởng Phật học thời bấy giờ.
Có thể khẳng định rằng, về mặt tư tưởng, cha ông ta cũng đang từng bước thâu quá, dung hòa các luồng tư tưởng bên ngoài – vốn như những “hỗn hợp” nằm rời rạc để kết hợp chúng lại trong truyền thống khoan hòa của dân tộc, biến chúng thành một “hợp chất” nhuần nhuyễn, thành tam giáo đồng nguyên làm bể đỡ tư tưởng cho công cuộc dựng nước và giữ nước, công cuộc phục hưng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên Đại Việt.
4. Về Nho học
Nho giáo khi mới ra đời ở Trung Quốc do Khổng Tử (551-479 TCN) sáng lập không phải là tôn giáo mà là một học thuyết chính trị - xã hội, đạo đức luân lý và giáo dục đặc sắc. Tuy nhiên, đến thời Tây Hán dưới sự nhào nặn của Đổng Trọng Thư (174-104 TCN), nó mới trở thành một học thuyết chính trị khắc nghiệt, đồng thời mang đậm dấu ấn tôn giáo với “đạo thờ vua”. Vua bấy giờ không chỉ là “Thế quyền” mà còn là “Thần quyền”. Nho giáo được chế độ quân chủ tôn làm quốc giáo, được dùng để thiết chế xã hội từ đó.
Ở Việt Nam, thời Đông Hán chính là thời kỳ các nhà nước đô hộ bắt đầu áp dụng tư tưởng Hán hóa/đồng hóa một cách mạnh mẽ với những chính sách áp bức dân tộc, bóc lột kinh tế và “khai hóa lễ nghĩa” dân ta một cách triệt để. Cũng do đó, những yếu tố chính trị Nho giáo từng bước thâm nhập vào Việt Nam một cách có hệ thống thông qua chính quyền đô hộ, qua tầng lớp sĩ phu lánh nạn, qua các “học hiệu” mà các viên Thái thú mở để dạy “lễ nghĩa” và dạy chữ Hán cho dân ta.
Tuy nhiên, có thể thấy, con đường quan phương, áp đặt từ trên xuống như thế của Nho giáo không mang lại hiệu quả cao như sự du nhập một cách tự nhiên của Phật giáo, Đạo giáo. Hơn nữa, các chính quyền đô hộ phương Bắc chỉ áp đặt được dấu ấn đô hộ trên diện rộng mà không có chiều sâu; chính quyền đô hộ chỉ duy trì được quyền lực ở các cấp chính quyền quận, huyện bên trên mà không duy trì được quyền lực trong các công xã nông thôn/làng xã người Việt. Cũng do đó mà dấu ấn Nho giáo, Nho học hết sức hạn chế. Chỉ đến cuối thời Bắc thuộc, khi mà cơ cấu kinh tế - xã hội có những biến đổi nhất định, chế độ hành chính quận huyện thay thế được cho chế độ bộ lạc, Lạc tướng trước đó thì Nho giáo mới ít nhiều có chỗ đứng trong tầng lớp Hào trưởng. Để rồi khi bước sang thời kỳ độc lập, tự chủ, nắm trong tay vận mệnh xây dựng nhà nước độc lập tự chủ, tầng lớp Hào trưởng này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài mô hình phong kiến Trung Quốc, mà mô hình đó cơ bản dựa trên tư tưởng “tôn quân”, với những thiết chế chính trị tập quyền của Nho giáo. Nhưng cũng phải thấy rằng vấn đề quân quyền, tư tưởng “tôn quân”, trung quân trong quan niệm chính trị ở thế kỷ X chưa mạnh, chưa phổ cập trong chốn triều nghi, nên các thế lực chính trị thời bấy giờ còn mang đậm yếu tố thủ lĩnh quân sự, cát cứ phân quyền. Điều đó lý giải hiện tượng các triều đại họ Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Tiền Lê vô cùng ngắn ngủi, sự thoán đoạt/chuyển giao ngôi vua giữa các dòng họ diễn ra một cách phổ biến ở thế kỷ thứ X.
Lúc này, đội ngũ trí thức chưa nhiều, khi tầng lớp Nho sĩ chưa có hoặc chỉ mới xuất hiện; để trị nước, các vua thời này không thể không nhờ đến các đại trí thức xuất thân Phật học, trưởng thành từ trong các ngôi chùa – trường Phật học nổi tiếng thời bấy giờ…
Cũng phải khẳng định rằng, nhu cầu xây dựng nhà nước tập quyền mạnh mẽ đáp ứng công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt thịnh trị theo mô thức Trung Hoa không thể không dùng đến Nho giáo. Trần Thái Tông từng viết trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam “… cái phương tiện để mở lòng mê muội, cái đường lối soi rõ sống chết chính là đại giáo của đức Phật, giữ cái cân để làm mức cho hậu thế, nêu khuôn phép cho tương lai là trách nhiệm nặng nề của Tiên Thánh (tức Khổng Tử - NVĐ) vậy”. Ngay từ đầu triều đại, nhà Lý đã nhận thấy điều đó nên đã lập Văn miếu (1070) để thờ Khổng Tử, mở trường Quốc Tử giám (1076), mở khoa thi (1075) tạo nên các thiết chế chính trị văn hóa để đưa Nho giáo vào trong cung đình Việt Nam. Nho giáo đã biết bám vào nhu cầu đó mà ngoi lên và từ đó Nho giáo đi cùng/ trở thành chỗ dựa, trở thành bệ đỡ tư tưởng cho nhà nước tập quyền quân chủ Việt Nam như lịch sử đã cho thấy.
5. Lời kết
Trở lại bối cảnh ra đời của bài thơ Thiền “Đáp Quốc vương quốc tộ chi vấn” (Trả lời nhà vua hỏi về ngôi nước) mà Thiền sư Đỗ Pháp Thuận dâng lên vua Lê Đại Hành khi được mời đến hỏi về kế sách dựng nước:
"Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh"
Nghĩa là:
Ngôi nước như mây cuốn, như dây leo quấn quít,
Ở góc trời Nam nghìn dặm (cần phải) ở trong cảnh thái bình.
Trong triều chính mà (nhà vua) thực hành đạo vô vi,
Thì mọi nơi sẽ không còn cảnh đao binh loạn lạc
Dịch thơ:
Ngôi nước như mây cuốn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện các,
Xứ xứ tắt đao binh [5]
Thông qua bài thơ này, nhà sư vạch ra sự tồn tại của ngôi vua và mối quan hệ của ngôi vua với cảnh thái bình thịnh trị của đất nước. Điều nhà sư muốn nhấn mạnh là muốn có cảnh thái bình thịnh trị ấy, đường lối trị nước của nhà vua phải là “vô vi”. Chỉ một câu thơ nhưng hàm chứa cả một đường lối chính trị an dân sâu sắc. Một câu thơ thôi nhưng cô đọng, súc tích ngắn ngủi thể hiện đường lối trị nước mang tư tưởng chủ đạo của Lão gia nhưng được “tuyên cáo” từ lời khuyên/ cố vấn của vị Quốc sư cho nhà vua nói lên tư tưởng hạt nhân/ cốt lõi của Lão học. Đó chính là sự dung hợp Phật học, Lão học và Nho học một cách tuyệt vời mở đường cho tam giáo đồng nguyên sau đó.
Đạo lý “vô vi cư điện các” chính là nguyên lý trị nước đề cao dân “trên theo lẽ trời dưới theo lòng dân”, là triết lý để tổ chức, điều hành việc nước. Lịch sử thăng trầm của dân tộc đã gắn liền với sự vận hành, sử dụng nguyên lý đó như thế nào của các triều đại đã qua. Nguyên lý đó chính là hạt ngọc sáng trên nền trời minh triết Việt, lấp lánh soi tỏ con đường con cháu thời đại Hồ Chí Minh hôm nay. Vấn đề đặt ra là phải mài giũa, nhận thức lại, đối chiếu và soi tỏ lại quan niệm vì dân, thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh của chúng ta hôm nay./.
Chú thích:
1. Trích lời đề dẫn của Ban tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu giá trị Minh triết trong tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam – Những vấn đề cơ bản” ngày 24 tháng 11 năm 2009 tại Huế.
2. Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu (933-1011) người làng Cát Lợi, huyện Trường Lạc (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông thuộc thế hệ thứ 4 dòng thiền Quan Bích do Thiền sư Vô Ngôn Thông người Trung Quốc đến nước ta năm 820, lập ra. Ông được Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu là Khuông Việt đại sư. Khi Lê Đại Hành lên ngôi, ông được dự vào công việc quan trọng của triều đình.
Tác phẩm hiện còn bài từ Vương lang quy, 2 câu thơ, một bài kệ Nguyên hỏa ứng khẩu lúc sắp mất. [Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập3, Văn học thế kỷ X-XIV, PGS.TS Nguyễn Đăng Na chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 501].
3. Đỗ Pháp Thuận (915-990) không rõ tên thật về quê quán, là một nhà sư thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Nam Phương do Thiền sư người Thiên Trúc Tì-ni-đa-lưu-chi đến nước ta năm 580, lập ra. Ông từng giữ những công việc cố vấn quan trọng dưới triều Tiền Lê.
Tác phẩm hiện còn một bài thơ Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn. [Trung tâm… sđd… tr. 500].
4. Nguyễn Vạn Hạnh (?-1018) tên thật và năm sinh chưa rõ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ông thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương, từng góp nhiều ý kiến giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm và dựng nước, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi. Lý Thái Tổ phong ông làm Quốc sư.
Tác phẩm hiện còn 5 bài thơ, có tính chất những sấm, lời kệ. Ngoài ra còn một ít lời phát biểu về thời cuộc. [Trung tâm … sđd … tr. 504].
5. Thơ văn Lý – Trần, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.204.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
40
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 39
Hôm nay :
13361
Tháng hiện tại
: 540898
Tổng lượt truy cập : 32039537