Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Chủ nhật - 12/06/2016 06:04
“Thượng: trên, hạ: dưới, bất chính: không ngay thẳng, tắc: thì, loạn: lộn xộn - Người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được”

 

 Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1995) đã giải nghĩa “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” như sau: “Thượng: trên, hạ: dưới, bất chính: không ngay thẳng, tắc: thì, loạn: lộn xộn - Người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được”. Một câu nói ngắn gọn và đơn giản nhưng chứa đựng một giá trị đạo đức quan trọng và căn bản trong thuật lãnh đạo.
 

Linh hồn của câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là ở chữ Chính. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (1997) có chỉ ra hai âm đọc, một là ‘Chính’ và hai là ‘Chánh’, và có tới 16 ngữ nghĩa khác nhau. Nhưng dù ở ngữ nghĩa nào, ghép với từ ngữ, văn cảnh nào thì chữ Chính vẫn là cốt lõi, vẫn mang một giá trị nội dung cao đẹp về sự ngay thẳng, đúng đắn, chân chính.
 

Vậy ngay thẳng, chân chính là đạo đức, là kim chỉ nam để duy trì ổn định trong xã hội. Nhưng gần đây lại có quá nhiều những quy tắc đạo đức căn bản bị vi phạm, từ việc không đếm xỉa gì đến cháu bé bị xe đụng ngay giữa đường cho đến việc bỏ những chất độc hại trong thực phẩm để buôn bán kiếm lời nhiều. Cũng như việc làm ô nhiễm môi sinh trầm trọng vì nguồn lợi tức cho công ty, ảnh hưởng đến đời sống của mọi người.  Nhưng điều đáng nói nhất là sự thờ ơ của đại đa số dân chúng trong xã hội. Có vẻ như là tiền tài, danh lợi đang vượt thắng lương tâm, đạo đức căn bản làm người. Nhân tâm nhân loại đang mất dần giá trị và ích kỷ cá nhân cũng như lợi lộc về kinh tế trở thành tiêu chuẩn thiết yếu, một mốt sống của con người hiện đại.
 

Sự phục hồi lại nhân tâm và đạo đức là trách nhiệm của mọi người nhưng chủ yếu nằm trong tay của các vị chính phủ đương quyền, các tổ chức giáo dục và nhiệm vụ của các đoàn thể tôn giáo. Riêng đối với Phật giáo, đây là một đề tài cấp bách cần phải được khuyến cáo thường xuyên. Nhắc nhở mọi người về năm giới Phật đã dạy, trong Nghi thức tụng Năm giới, Sư ông Làng Mai viết: “Đại chúng! Năm giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc của gia đình và của xã hội. Học hỏi và thực hành theo Năm giới, ta sẽ đi đúng con đường Chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hòa bình của xã hội”.
 

Trong kinh Mi Tiên vấn đáp (HT.Giới Nghiêm soạn dịch), nói về sự liên quan chặt chẽ và mật thiết về đức hạnh của một bậc Sa-môn và cách sống, pháp môn tu tập (pháp hành) của người đó: “Tâu, cái kèn sở dĩ được phát ra thành tiếng, thành âm thanh trầm bổng là tùy thuộc vào hơi gió của người thổi. Nói cách khác, cái kèn không thể tách rời hơi gió thổi, hơi gió thổi không thể tách rời cái kèn. Phàm Sa-môn tu hành giải thoát cũng y như thế, hạnh Sa-môn phải được dính chặt, không được buông lơi pháp hành. Nói cách khác, vị Tỳ-khưu là pháp hành, pháp hành là vị Tỳ-khưu. Cái kèn không thể rời hơi gió, rời hơi gió thì cái kèn không có âm thanh. Sa-môn hạnh mà rời pháp hành thì không thể gọi là Sa-môn”.
 

Cũng vậy, vai trò của một người gắn liền với hành động sống của người đó.  Một người nông phu phải biết chăm sóc mảnh ruộng của mình vì mảnh ruộng là mạng sống của họ. Nếu người nông phu mà không biết chăm sóc ruộng nương thì không thể gọi là nông phu được. Một tu sĩ, một nhà lãnh đạo, một quân nhân v.v… đều phải sống trung thực theo vai trò của mình. Tuy nhiên, vai trò càng lớn thì trách nhiệm và giá trị càng cao vì sức ảnh hưởng của mình lên những người phụ thuộc. Cho nên, hễ ngôi vị càng cao thì càng phải thận trọng trong lời ăn, tiếng nói, cách hành xử và phong cách sống. Một khi chúng ta lạm dụng vai trò của mình mà sống theo một phong cách sai lầm, xấu xa thì chúng ta đã đánh mất giá trị và danh nghĩa mà mình đang sống.
 

Ý thức được trách nhiệm và bổn phận của một con người trong xã hội, dù mình là người không chức tước quyền hành, chúng ta phải hiểu rằng mình có quyền được chọn lựa sống theo một nguyên tắc căn bản đạo đức nào đó cho cá nhân mình. Dù mình chưa phải hoàn toàn trong sạch, nhưng nếu chúng ta biết nhận thức được tư cách sống của mình và ‘cho mình’, biết mình cần phải làm gì khi nằm trong một tình huống thách đố hay thử thách cái căn bản đạo đức do mình tự tạo để sống theo, như hành động biến những loại thịt bẩn thành tốt, hay tưới rau bằng những hóa chất độc hại rồi đem bán để kiếm lời.
 

Người sống có đạo đức biết ‘tri hành hiệp nhất’, lời nói đi đôi với hành động, đặc biệt là những người có địa vị và chức tước. Chức tước và địa vị càng cao thì phải sống cho trung thực và đạo đức chừng nấy. Vì nếu sống không trung thực, ngay thẳng thì một khi bị phát hiện, phơi bày, tất cả những công phu bồi đắp địa vị của mình suốt cuộc đời sẽ tan ra mây khói. Còn tệ hại hơn, không những mình đã chìm xuống hố sâu mà, đôi khi, cả một hệ thống lệ thuộc vào mình cũng tan hoang, hỗn loạn. Cho nên, sự quan trọng của một người lãnh đạo biết dừng lại đúng lúc, biết khi nào phải từ bỏ chức tước và quyền lợi nếu thấy mình không còn xứng đáng. 
 

Như chúng ta biết tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới, dù họ là con người trần tục, cũng phải sống theo một nguyên tắc đạo đức căn bản. Nếu họ vi phạm thì họ không còn xứng đáng với trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Cho nên, khi những vị lãnh đạo này phạm phải những sai lầm đạo đức căn bản nào đó, họ liền từ chức, nhìn nhận mình không xứng đáng, và cũng để tránh tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nói chi đến chuyện người lãnh đạo lại là một bậc tu hành, đại diện cho đạo đức trong xã hội, quốc gia.
 

Giới luật Phật dạy không phải là một sự răn đe, dọa dẫm, mà là một hàng rào nhắc nhở chúng ta mỗi khi mình bước ra ngoài cái rào cản đó là mình đang đánh mất đạo đức, lương tâm của chính mình. Mình đang bôi bẩn lấy mình! Sống theo tinh thần Giới luật giúp ta vượt qua những cám dỗ, những khó khăn trong đời sống. Là con người “nhân vô thập toàn” nên, đôi khi, chúng ta cũng bị cám dỗ và phạm những sai lầm. Cho nên, việc sám hối là thể hiện tinh thần tự giác, biết mình làm sai nên tự hối quá. Đức Phật đã dạy: Có hai hạng người tốt nhất. Một là người không bao giờ phạm lỗi. Hai là người phạm lỗi mà biết hối quá, ăn năn, chừa bỏ.
 

Theo tư tưởng Đại thừa, trì giới là không chỉ giữ cho mình mà còn dùng giới như là một nguyên tắc sống để giúp người, giúp đời. Các kinh của Đại thừa dạy về ba nhóm tịnh giới (Tam tụ tịnh giới). Một là Nhiếp luật nghi giới, là giữ gìn giới pháp cho bản thân.  Hai là Nhiếp thiện pháp giới, là nguyện làm các hạnh lành, không chỉ cho mình mà cho cả những người khác. Trong kinh Úc-già trưởng giả, Sư ông Làng Mai giải thích hai giới này như sau: “Ví dụ khi không sát sanh, mình chỉ giữ được Nhiếp luật nghi giới. Nếu khi có thể cứu được người mà mình không cứu thì mình phạm Nhiếp thiện pháp giới. Một vị Tỳ-kheo có thể nói rằng tôi không giết cho nên tôi không phạm giới, tuy nhiên đối với một vị Bồ-tát thì nếu có cơ hội cứu người mà mình không cứu tức là mình phạm giới”. Ba là Nhiêu ích hữu tình giới, là nguyện làm lợi ích cho tất cả các loài hữu tình. Giới đầu là giới dành cho tu tập tự thân. Hai giới sau là giới dành cho các vị phát tâm tu hạnh Bồ-tát. “Tóm lại giữ giới Bồ-tát là chẳng những không làm những điều ác, mà còn phải làm những điều lành, và trong tâm luôn luôn có ý nguyện thực hiện những điều có an lạc, có hạnh phúc cho tất cả các loài hữu tình. Tất cả những giới điều của Bồ-tát đều được căn cứ trên ba nhóm giới đó, gọi là Tam tụ tịnh giới. Tịnh giới chỉ có nghĩa là giới, vì trong bản chất, giới đã là thanh tịnh. Tam tụ tức là ba trung tâm, ba nhóm giới: Nhóm Nhiếp luật nghi, nhóm Nhiếp thiện pháp, và nhóm Nhiêu ích hữu tình”(Kinh Úc-già trưởng giả - Sư ông Làng Mai).
 

Là những người đại diện cho đạo đức trong xã hội, nếu đạo đức bị suy đồi hay yếu kém trầm trọng, chư Tăng Ni nói riêng và các tôn giáo nói chung, có một phần trách nhiệm.  Nếu người Phật tử chúng ta chỉ biết khoanh tay, “điềm nhiên tọa thị” thì chúng ta sẽ đánh mất tư cách của một hành giả Đại thừa. Xã hội đang rất cần những bàn tay xây dựng đạo đức. Xin hãy sống trung thực với chính mình và đóng góp phần mình trong xã hội. Đừng thờ ơ trước những hành động bất nhân tâm đang xảy ra và đừng vì lợi ích trước mắt mà có thể đánh mất đi giá trị đạo đức mà mình đã bỏ công xây dựng suốt cả cuộc đời. 

Thiện Ý


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 251

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 249


Hôm nayHôm nay : 2398

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 509519

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 27307644


Ảnh đẹp