Thầy thuốc tâm linh

Thứ sáu - 23/12/2011 06:40
Thầy thuốc tâm linh

Thầy thuốc tâm linh

Dùng từ “Thầy thuốc tâm linh” cho dễ hiểu, thật sự chúng ta muốn nói về Đức Phật, mà kinh điển thường dùng từ là Vô thượng Y vương, nghĩa là trong tất cả thầy thuốc thì Đức Phật là vua, vì Phật chữa được tâm bệnh của chúng sinh để cuối cùng họ chứng được Vô thượng Đẳng giác đồng với Phật và đó chính là mục tiêu mà Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này.

 

Chúng ta hãy tìm hiểu về ý nghĩa thầy thuốc tâm linh. Khi nói đến thầy thuốc, chúng ta thường nghĩ thầy thuốc chữa thân bệnh, mà ít nghĩ đến thầy thuốc chữa tâm bệnh. Nhưng ngày nay, khoa học đã xác định rằng tâm bệnh là chính, thân bệnh là phụ; vì chữa được tâm bệnh là đã chữa được phân nửa bệnh rồi, một nửa bệnh còn lại thì dùng thuốc để chữa trị. Và vì thân bệnh thường phát sinh từ tâm bệnh, cho nên tâm bệnh chữa được rồi thì thân bệnh sẽ lành mạnh theo. Thật vậy, Đức Phật dạy rằng tâm sinh ra vạn pháp, cho nên tâm là chủ. Tâm bệnh đã có, nhưng chúng ta không biết và khi đã chuyển thành thân bệnh, chúng ta mới biết.

Tâm bệnh là gì? Trước nhất là tâm buồn phiền, lo âu sanh ra bệnh hoạn. Và tâm bực tức, hay tâm ham muốn, nhưng không được, cũng sanh bệnh. Tôi thấy một số vị tu hành, nhưng tánh hay nổi nóng, bực tức đến mức độ thổ huyết. Vì bực tức quá khiến cho bao tử bị rách, nên ói ra máu. Cái gốc của bệnh này do tâm sân hận mà phát sinh. Lịch sử Trung Quốc cũng ghi rằng ngày xưa, Châu Do thổ huyết, giận quá mới than rằng tại sao trời sanh Do, còn sanh Gia Cát Lượng.

Phải biết rằng khi chữa được tâm, thì thân sẽ được lành bệnh. Đa số chúng ta nhờ thầy thuốc chữa bệnh, nhưng tâm không chữa, là không chữa tận gốc mà chỉ chữa ngọn, nên bệnh chỉ hết tạm thời thôi.

Chúng ta cần phải kết hợp, một phần thầy thuốc chữa bệnh của thân vật chất và một phần thầy tu chữa về tâm lý. Thầy chữa về tâm lý, trước nhất chỉ lóng nghe bệnh nhân tâm sự, họ ức trong lòng mà không nói được, vì không ai chịu nghe, họ mới sinh ra bực tức, khổ sở. Vì vậy, phải có thầy chữa bệnh tâm để bệnh nhân được cởi mở tấm lòng và thầy xem gút mắc ở chỗ nào, buồn phiền cái gì thì gỡ cho họ. Ngày nay, phương pháp chữa bệnh tâm lý để giải tỏa ưu phiền cho con người được đánh giá cao.

Đối với Phật tử, chúng ta coi kinh Phật dạy như thế nào để tháo gỡ, nghĩa là nhắc nhở bệnh nhân lời Phật dạy để họ hiểu mà xả bỏ được sự vướng mắc ưu phiền. Nhờ vậy, tâm họ được an lạc, nhẹ nhàng, thì thầy thuốc trên cuộc đời sẽ chữa vết thương vật chất cho họ

Đặt vấn đề thầy thuốc tâm linh chữa tâm bệnh, theo Phật giáo, tâm có hai phần là vọng tâm và chơn tâm. Về phần vọng tâm, nếu căn cứ theo Duy Thức học thì tâm có 100 pháp. Chúng ta kiểm lại coi mình vướng mắc chỗ nào. Tôi thường kiểm chứng điều này. Vì ta tham vọng, bực tức, nên không thấy, không hiểu, cứ nghĩ sai lầm tại người này làm mình đau khổ, tại việc nọ làm mình mất mát.

Nhưng căn cứ vào pháp Phật thì tất cả mọi việc tốt hay xấu đều tại ta, không phải tại người. Lúc mới tu, ta thường nghĩ rằng tại sao mình tu mà họ lại đối xử xấu với mình, khiến cho ta ức lòng, rồi đổ thừa rằng tại nó thấy tôi nghèo, dở, xấu, nên khi dễ. Nếu nghĩ như vậy là chúng ta đã khám phá một phần của chúng ta rồi đó. Vì vậy, chữa bệnh là phải chữa ngay “cái Tại” này. Tại nghèo, xấu xí, ngu dốt, thì làm sao cho hết nghèo, hết xấu, hết dở. Tất cả những thứ này là nghiệp nhiều đời quá khứ của chính mình đã tạo ra, nên hiện đời chúng ta mới mang thân bệnh và tâm buồn phiền. Sanh ra, nghèo đói, xấu xí, hôi dơ đã đeo bám chúng ta rồi và trong lòng mình thì luôn bất an, nghĩa là cả thân và tâm chúng ta đều bệnh. Nhận ra ta có túc nghiệp như vậy thì chữa bệnh này là phá bỏ cái nghiệp đó của mình.

Phật nói rằng Ngài là Thầy chỉ dạy cho mọi người thấy bệnh, thấy nghiệp của mình để tự mình xóa bỏ. Phật không làm thay ta được. Phật cho biết nhiều kiếp xa xưa, Ngài cũng từng nghèo đói, bệnh hoạn, khổ sở, nhưng Ngài đã chữa hết bệnh, nên hiện tại Ngài mới có 32 tướng tốt, khỏe mạnh, thông minh và tu thành Phật được. Các vị phải đi theo con đường mà Phật đã đi, đã làm thì trong tương lai, quý vị cũng được như vậy.  Chúng ta căn cứ lời Phật dạy, lấy Phật làm gương cho chúng ta tự chữa bệnh nghiệp của mình.

Khởi đầu, chúng ta phải thấy được con người thật của mình trong sinh tử. Đương nhiên con người thật của chúng ta ở Niết bàn, chúng ta không thấy được; vì Phật và chúng ta đồng nhau, nhưng chúng ta không thấy được cái đồng nhau này. Trong khi trên mặt hữu hình sinh diệt thì ta và Phật không đồng nhau. Trên thật tướng, ta và Phật đồng nhau, nên ta có khả năng thành Phật như Phật, nhưng vì không biết khai thác cốt lõi này, nên chúng ta mới đi vào con đường tội lỗi. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này nhằm giúp chúng ta chữa lành căn bệnh trầm kha là bệnh sanh tử luân hồi.

Kinh Nguyên thủy chỉ phân tích ngũ uẩn gồm sắc thuộc tứ đại vật chất thay đổi không ngừng và thọ, tưởng, hành, thức thuộc vọng tâm sanh diệt. Như vậy, thân tâm sanh diệt là con người hiện hữu của chúng ta và chúng ta lấy cái ngũ uẩn này làm “Ta”.

Ngài Huệ Tư nói rằng thân này và vọng tâm này không phải là ta. Ta là tâm chơn như đồng với Phật. Còn chấp thân sanh diệt và vọng tâm là ta nên triền miên khổ. Đức Phật dạy chúng ta “Phá địa ngục muôn trùng kiên cố. Thoát thành sầu cùng khổ ấm duyên”. Địa ngục âm phủ có ngày mãn, nhưng địa ngục ngũ ấm nhốt chúng ta muôn đời, không có ngày thoát ra. Chỉ có tu theo Phật mới thoát được cái khổ của ngũ ấm.

Từ căn bản ngũ ấm thân là bệnh và Phật là bậc đại Y vương chữa lành ngũ ấm thân, thì ngũ ấm thân này biến thành ngũ phần Pháp thân. Thân bệnh là ngũ ấm khổ, nhưng hết bệnh là Pháp thân, không phải thân nào khác. Đức Phật xuất hiện cũng  mang thân người, nhưng Ngài chuyển hóa được ngũ ấm thân thành Pháp thân. Pháp thân và ngũ ấm thân khác nhau chỗ nào?

Đầu tiên là sắc, hay thân tứ đại vật chất thì thân tứ đại của ta và của Phật giống nhau, không có gì khác; nhưng thân ta người nhìn thấy ghét bỏ, còn thân Phật thì người thấy sanh kính trọng. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta chuyển hóa tâm bên trong thì vật chất bên ngoài chuyển đổi theo, vì tâm sanh pháp. Từ thân đáng ghét, chuyển thành thân quý kính, từ thân bệnh hoạn xấu xí chuyển thành thân mạnh khỏe có 32 tướng tốt, chuyển thành Pháp thân. Tuy thân tốt đẹp cũng là thân vật chất nhưng là biểu tượng của Phật, nên người kính trọng. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng không có gì không phải là Phật, vì Phật, chúng sinh và tâm, tam vô sai biệt. Phật đã chuyển đổi tâm bên trong là Phật rồi, nên thân bên ngoài của Ngài cũng là Phật.

Đối với người đang tu, có lúc chúng ta kính họ, nhưng có lúc chúng ta ghét họ, vì tâm họ đã thay đổi. Tôi nhớ có một lần tôi đi thuyết pháp ở chùa Xá Lợi. Lúc tôi đi vào chùa, đang nhiếp tâm thì có một người đi lễ Phật trông thấy tôi, họ sụp lạy. Tôi bảo họ vô chùa lạy Phật, đừng lạy tôi. Họ trả lời rằng con lạy Phật rồi, nhưng con muốn lạy Thầy. Tôi phát hiện ra lúc đó tâm tôi hoàn toàn thanh tịnh, nên ông này muốn lạy; nhưng lúc khác nếu tôi không thanh tịnh thì họ không kính trọng.

Chữa lành thân vật chất bệnh, thân này sẽ biến thành Pháp thân. Vì vậy, Ngài Huyền Giác nói rằng huyễn hóa sanh thân tức Pháp thân. Hoặc một khúc gỗ vô tri được người tín tâm tạc thành tượng Phật. Do tâm thành của người đầu tư vô tượng, nên tượng trở thành Phật và người ta muốn lạy, gọi là vô tình thuyết pháp theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm.

Bắt đầu tu, chúng ta chữa thân vật chất, Phật dạy rằng do tu giới, giữ giới nên chuyển thành đức. Tại sao chúng ta hôi dơ xấu xí. Vì kết tinh từ tâm tham dục nhiều đời mà ta có thân hôi dơ xấu xí này và gần nhất là chúng ta sanh trên cuộc đời này do nghiệp tham ái của chúng ta kết hợp với ái dục của cha mẹ ta. Tham ái của cha mẹ và tham ái của thần thức ta, ba tâm này tạo nên con người hôi dơ tội lỗi là đương nhiên. Nhưng cũng có các vị Thánh, hay Bồ tát muốn độ loài người nên sanh làm người. Tiêu biểu là Phật Thích Ca là Bồ tát vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này. Vì vậy, tâm của Ngài là Phật, là Bồ tát thuần khiết. Ngài thọ thân do ái nghiệp của cha mẹ, nhưng do tâm thuần khiết bên trong của Ngài, cho nên thân Ngài có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Thân luôn chuyển biến theo tâm. Tâm hung ác, tham lam sẽ hiện tướng hung dữ, tham lam. Vì vậy, cũng cùng một thân vật chất, nhưng với tâm Phật bên trong mới hiện tướng toàn hảo bên ngoài. Còn chúng ta vừa có thân vật chất tội lỗi và cũng có tâm chúng sinh tham muốn đủ thứ, nghĩa là nghiệp cũ tạo thêm nghiệp mới mà kinh Hoa Nghiêm gọi là trùng trùng duyên khởi, đợt sóng sau luôn cao hơn đợt sóng trước, cứ như vậy mà trôi lăn trong sinh tử.

Tu là nhận ra con người thật của chúng ta là tâm tham dục của ta và của cha mẹ kết hợp lại, nhưng may mắn được gặp Phật pháp, ta lấy Phật pháp làm tấm gương soi bóng để tìm con người thật của ta, thì Ngài Huệ Tư nói rằng thân và tâm này không phải là ta, nhưng là vọng. Ta ở đâu sanh lại đây? Ta từ địa ngục lên, hay từ thiên đường xuống, hoặc từ Cực Lạc qua? Thuận Trị hoàng đế đời nhà Thanh ở Trung Quốc, khi ông gặp  Ngọc Lâm quốc sư và nhờ Ngài khai ngộ, liền thức tỉnh, tu hành, mới thốt lên rằng tại sao ta từ Cực Lạc của Đức Phật Di Đà mà lại qua đây cầm gươm chém giết biết bao sinh mạng như thế này.

Ngài Huệ Tư nhận ra ngũ uẩn không phải là mình, thì buông ngũ uẩn, hay xả bỏ thọ, tưởng, hành, thức, chuyển đổi thành Trí là Pháp thân. Nghiệp thức của chúng ta tích tụ nhiều đời, nên hiện đời thân và tâm chúng ta đều ô uế. Vì vậy, bị người đánh chửi, khinh dễ, hành hạ là tất yếu, là cần thiết. Thật vậy, Ngài Huệ Tư nhận ra yếu nghĩa này mới nói rằng họ đánh đập, hành hạ, chửi bới cái nghiệp của tôi, chứ không hành hạ được chân thân tôi. Nhưng nhờ họ hành hạ như vậy mà vọng tâm và thân vật chất này rớt xuống, chân thân tôi hiện ra, nghĩa là Ngài thể hiện được tư chất thuần khiết của Thiền sư thật. Và thực tế cho thấy đúng như lời Ngài nói, khi Ngài diệt được vọng tâm và và an trụ trong chân thân, người ta chẳng những không dám đánh mắng, mà phải kính trọng Ngài và vua phải phong Ngài là Đại Nhạc Thiền sư.

Trên bước đường tu, chúng ta học và ứng dụng giáo lý Phật để chuyển hóa thân và tâm. Có khi chuyển thân trước, chuyển tâm sau; nhưng có lúc chuyển tâm trước, chuyển thân sau. Vì :

Tâm sanh pháp

Pháp sanh

Tâm pháp bất tức bất ly

Hành thâm tự tại.  (HT. Thiền Ấn)

Thật vậy, khi thân bệnh hoạn và xấu xí, bị người mắng chửi, nên tâm buồn phiền, mà tâm buồn thì thân xấu thêm, bệnh thêm. Hay trái lại, tâm an lạc, hiện tướng dễ thương, được người quý mến làm cho tâm an hơn. Và tâm an lạc thì người càng mến hơn, tướng càng sáng hơn. Nghĩa là thân và tâm tác động qua lại

Vì vậy, nếu thuận đường sinh tử thì thân tâm như vậy, cho nên cứ trôi lăn trong sinh tử. Nhưng nếu thuận đường Niết bàn thì chuyển hóa thành tâm an lạc và thân theo đó tốt lần.

Đức Phật là bậc đại Y vương chữa lành được thân bệnh, tạo thành thân người toàn hảo với 32 tướng tốt, ai thấy cũng kính quý. Và Ngài cũng chữa lành được tâm bệnh, trở thành đấng toàn giác, toàn trí, toàn năng được tôn danh là vị Thầy của Trời người.

Với cuộc sống toàn mỹ toàn bích và vĩnh hằng bất tử ở Thường Tịch Quang chơn cảnh, Đức Phật vì thương nhân gian mà hiện thân trên cuộc đời này để hướng dẫn mọi người từng bước chữa dứt căn bệnh trầm kha sanh tử, có được thân tâm thanh tịnh, sáng suốt, hữu ích cho cuộc đời, cho đến thành tựu Pháp thân bất tử như Phật không khác. Ý thức sâu sắc mục tiêu của Đức Phật như vậy, chúng ta nỗ lực tinh tấn chuyển hóa thân tâm theo lời Phật dạy để sớm gặt hái được quả vị Vô thượng Đẳng giác, không cô phụ công ơn giáo dưỡng của bậc Vô thượng Y vương, của Thầy Tổ./.

 

HT Thích Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: đức phật
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 98


Hôm nayHôm nay : 25711

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 409875

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22484300


Ảnh đẹp