Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người trẻ thích đi chùa lễ Phật và ăn chay mùa Vu Lan. Có người ăn vào một số ngày như 30, mùng 1, 14 và Rằm, có người ăn chay cả tháng 7 Âm lịch.
Có thể nhận thấy xu hướng ăn chay và cúng kiến ông bà tổ tiên mùa Vu Lan bằng thức ăn chay ngày càng trở nên gần gũi và quen thuộc của người dân từ thành thị đến nông thôn. Thức ăn chay bây giờ rất đa dạng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người dùng từ các món đơn giản như: cơm, phở, mì, hủ tiếu đến các loại lẩu, “cù lao”, các thức ăn nhanh, khô được đóng gói, các thức ăn được chế biến qua các công đoạn: chiên, xào, kho,… để có được những món ăn ngon miệng, hấp dẫn.
Thực phẩm chay hiện rất đa dạng, nhiều cách chế biến, đóng gói, phổ biến nhất là các món ăn nhanh, đồ hộp, đông lạnh, món ăn khô như: cá, tôm, thịt bò, thịt heo, hải sâm, mì, phở, miến, mắm thái, mắm nêm, mắm tôm, cơm cháy chà bông, bánh pía, rong biển sấy, chả các loại... Một số người khác lại thích các món nóng, ăn liền tại chỗ như: phở, bún mắm, bún riêu, bún Kim Tiền, bún bò Huế… Cạnh đó, hiện có nhiều người ăn thực phẩm chay để chữa bệnh, giảm chất đạm, chất béo…
Nhiều người có chung suy nghĩ: cúng ông bà bằng thức ăn chay để tỏ lòng thành kính sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, siêu thoát rất lạ thường.
Nào. Nếu có thể, xin mời bạn cùng ăn chay mùa Vu Lan để cảm nhận cái cảm giác thật diệu kỳ, lạ lẫm trong tiếng chùa đâu đây văng vẳng nhẹ buông.
Phương Anh