Theo lời kể của Đại Đức Thích Hải Định: Chùa Hoa Lâm có từ năm 1957, do bác Ngguyễn Hữu Đạt, quê ở Thừa Thiên - Huế, di cư lên làm ăn sinh sống tại thôn 5, xã Chư Plông ( nay là Km 4, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột ) phát tâm cho mượn một căn nhà tại tư thất của mình để thờ Phật, tạo điều kiện cho bà con trong thôn có nơi lễ Phật sau mỗi ngày lao động vất vả trên nương rẫy.
Mặt tiền chánh điện chùa Hoa Lâm
Gia đình bác Nguyễn Hữu Đạt, vốn là một gia đình Phật giáo có từ nơi chôn nhau cắt rốn, nên việc phát tâm của bác để có nơi thở Phật giữa vùng đất cao nguyên Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là điểm tựa tinh thần cho bà con ở miền xuôi lên đây làm ăn sinh sống nơi đất khách quê người thời bấy giờ có nơi sinh hoạt văn hóa Phật giáo.
Đến năm 1960, do nhu cầu sinh hoạt văn hóa Phật giáo của Phật tử ngày càng cao, số lượng Phật tử tăng lên khá nhiều, nên căn nhà thờ Phật của bác Nguyễn Hữu Đạt không còn đủ sức chứa. Do đó, Ban đại diện Phật tử Hoa Lâm thỉnh cầu Tỉnh hội Phật giáo can thiệp để xây dựng một ngôi chùa. Được sự đồng ý của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Daklak, với lòng hảo tâm của mình, các Phật tử, người hiến đất, người hiến cây gỗ, người hiến tấm lợp. Đến năm 1963, cư sĩ Chúc Tiến (Nguyễn Hữu Đạt ) cùng cư sĩ Chúc Giải (Trương Văn Truyện) đã đứng ra lo việc xây dựng ngôi chùa này. Một năm sau, ngôi chùa mới được hoàn thành đưa vào sinh hoạt. Ngôi chùa bằng gỗ đơn sơ đã được dựng lên tại thôn 5, xã Chư Plông. Đây là nền tảng của chùa Hoa Lâm ngày nay. Đến năm 1968, chùa được chỉnh trang thêm phần tiền đường. Rồi đến năm 1970, chùa được thay bằng tường gạch, mái lợp tôn (vì phần gỗ mái lợp bị mối mọt hư hỏng). Một năm sau chùa tạo dựng thêm bảo tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Tuy bảo tượng đơn giản, nhưng đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con Phật tử, chiêm bái và hành nguyện cứu khổ, độ sanh của Đức Bồ Tát, một sinh hoạt văn hóa tâm ling không thể thiếu được trong lòng người con Phật tử của người dân Buôn Ma Thuột, Daklak.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hoa Lâm giữa lòng TP Buôn Ma Thuột không ngừng thay da, đổi thịt và phát triển phù hợp với thời đại. Phật tử Hoa Lâm ngày càng phát triển đông đảo, nơi tu học lễ bái của chùa Hoa Lâm không đủ đáp ứng. Trước thực trạng đó, đạo hữu Chúc Giải đã mạnh dạn thỉnh lên Thượng Tọa Thích Châu Quang và mời Đại Đức Thích Hải Định về chỉ đạo xây dựng lại chùa Hoa Lâm. Được sự đồng ý của Thượng Tọa, trưởng ban trị sự Phật giáo Thích Châu Quang, và sự quan tâm chỉ đạo của Đại Đức Thích Hải Định, ngày 7/6/2008(nhằm ngày 4/5 năm Mậu Tý), lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Hoa Lâm được tiến hành đúng nghi thức Văn hóa Phật giáo.(Kinh phí xây dựng chùa lúc bấy giờ chỉ có vài chục triệu đồng).
Sự có mặt của Đại Đức Thích Hải Định trong việc chỉ đạo xây dựng chùa Hoa Lâm đã tiếp thêm sức mạnh cho bà con Phật tử nơi đây. Thầy trò một lòng, đồng tâm hiệp lực, với sự đóng góp cúng dường của Phật tử gần xa. Sau gần 4 năm xây dựng, đến đầu tháng 01/2011, chùa Hoa Lâm cơ bản được hoàn thành, bao gồm ngôi chánh điện hai tầng (trên thờ Phật, dưới làm hội trường) và một số hạng mục cần thiết cho sinh hoạt Phật sự của chùa đã được đưa vào sử dụng (trị giá trên 3 tỷ đồng). Như vậy, chùa Hoa Lâm được xây dựng mới, có diện tích trên 500 m2, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2 sào, có sân rộng gần 300 m2, tạo điều kiện thuận lợi cho Phật tử trong vùng đến lễ Phật vào các ngày Sóc vọng trong năm. Dự kiến đến hết năm 2012, sẽ xây dựng thêm một dãy nhà hai tầng, làm nơi đón tiếp, nơi nghỉ của chư Tăng mỗi khi đến chùa làm Phật sự, đồng thời xây dựng nhà thư viện, phòng đọc sách, phục vụ sinh hoạt văn hóa Phật giáo cho chư Tăng ni, Phật tử.
Điện Quán Âm
Đặc biệt, ngày 19/2 năm Tân Mão, tại chùa Hoa Lâm đã diễn ra một đại lễ vô cùng quan trọng. Đó là, Ban Trị sự Phật giáo Daklak, và các Thượng Tọa, Đại Đức của các chùa trong khu vực miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên đã đến chùa Hoa Lâm dự lễ đón Ngọc Xá Lợi Phật, Lễ An Vị Phật (gồm các bảo tượng: bộ Tam Thế, tượng phù điêu 2 vị Phật Tổ, tượng Bổn sư và nhị vị A Nan, Ca Diếp bằng gỗ đã được tôn trí)… cùng các đồ thờ, hoành phi, câu đối, tạo thêm phần trang nghiêm cho khu nội cung phạm vũ. Cũng tại đại lễ này, Thượng Tọa Thích Châu Quang, trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Daklak đã công bố quyết định bổ nhiệm Đại Đức Thích Hải Định làm trụ trì chùa Hoa Lâm. Sự kiện này đã đánh dấu một móc son lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của chùa Hoa Lâm, sau hơn nửa thế kỷ, đến nay chùa mới có Thầy Trụ Trì, để dẫn dắt Phật tử làm tròn bổn phận của những người con Phật.
Có thể khẳng định rằng: Chùa Hoa Lâm có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của, giúp đỡ tận tình của Ban trị sự Phật giáo tỉnh và các chùa trong khu vực miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên; đặc biệt là nhờ lòng hảo tâm, công sức đóng góp của toàn thể tín đạo tâm, kẻ nhiều, người ít, kẻ góp công, người góp của (đó là những tấm lòng vàng của Phật tử) đã góp phần xây dựng ngôi chùa Hoa Lâm một kiến trúc văn hóa Phật giáo bề thế, khang trang giữa lòng TP Buôn Ma Thuột, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, văn minh và giàu đẹp của Tây Nguyên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập :
27
Hôm nay :
2782
Tháng hiện tại
: 589698
Tổng lượt truy cập : 32088337