Duy Biểu Học và Phân tâm học

Thứ ba - 14/06/2011 20:58

 

 

Duy Biểu Học tương đương với Tâm Lý Học của Tây Phương nhưng nó không phải là Tâm Lý Học. Duy Biểu Học nếu muốn cho đúng thì phải gọi là Tâm Học (the study of the mind) hay là Tâm Siêu Hình Học. Tây phương chia triết học ra bốn ngành: Tâm Lý Học, Luận Lý Học, Luân Lý Học và Siêu Hình Học.

Nếu chúng ta so sánh Duy Biểu với Tâm Lý Học Tây phương, nhất là so sánh với Tâm Lý Học trong trường phái Phân tâm học (psycho-analysis), do Sigmund Freud khởi xướng vào cuối thế kỷ 19, thì chúng ta thấy có những điểm giống và khác.

Freud đã đề nghị dùng danh từ vô thức (The unconscious) để chỉ vùng sâu kín trong tâm thức mà ý thức không thể tiếp xúc được. Trước đó thì ông ta dùng danh từ tiềm thức (The subconscious). Nhưng vô thức trong Phân tâm học của Freud không giống với vô thức của A-lại-gia thức trong Phật giáo.

Trong vô thức của A-lại-gia thức chúng ta có nói đến những hạt giống và những hạt giống đó thay đổi từng giây từng phút (sát-na diệt). Chúng ta cũng nói rằng đối tượng (hạt giống) thay đổi thì chủ thể (nhận thức) cũng thay đổi cùng một lúc. Những điểm đó không được đề cập trong Phân tâm học.

Freud có nói tới một vùng năng lượng nằm sâu trong vô thức có gốc từ sinh lý tượng trưng cho tất cả ao ước, thèm muốn, khao khát, bực dọc sâu kín mà ông ta gọi là Cái Đó, tiếng Pháp gọi là "Le ca"'. Tiếng Anh dịch là The "Id".

Sở dĩ gọi là Cái Đó là vì nhiều khi trong ngôn ngữ thông thường chúng ta nhận ra Cái Đó rất quan trọng, nó mạnh hơn chúng ta, hơn lý trí, hơn sự hành xử của chúng ta. Khi mà Cái Đó hiện lên, nó kéo chúng ta đi. Cho nên chúng ta nói "Cái Đó mạnh hơn tôi". Ví dụ chúng ta biết rất rõ ràng là không nên nói một câu không tình, không nghĩa như vậy, sẽ gây đổ vỡ, nhưng lúc đó giận quá, Cái Đó mạnh hơn và bắt chúng ta phải nói ra câu đó. Nói xong thì hối hận: "Không biết ma xui quỷ khiến gì mà tôi nói như vậy", "Cái Đó mạnh hơn tôi". Cái Đó là những thèm muốn, ao ước, bực dọc có tính cách vô thức, những năng lượng rất mạnh được chôn vùi ở dưới từng sâu thẳm nhất của tâm thức.

Cái Đó tương đương với thức Mạt-na trong Duy biểu học. Trong thức A-lại-gia có những hạt giống của tham, của sân, của si, của thèm khát, của giận hờn, của thù hận và những Cái Đó là những khối nội kết rất lớn. Khi chúng có mặt thì đương nhiên chúng sẽ tạo thành một năng lượng. Năng lượng đó nếu càng tưới thì sẽ càng lớn. Và nếu chúng ta không thực tập chánh niệm thì mỗi khi nổi lên chúng sẽ cuốn chúng ta đi như dòng nước lũ cuốn khúc gỗ. Vì thế chúng ta nói "Cái Đó mạnh hơn tôi".

Ngoài ra Freud có nói rằng đầu phía dưới của Cái Đó có liên hệ với sinh lý (soma). Trong Phật học chúng ta có danh từ danh sắc (nāma-rūpa, psycho-soma). Danh đây tức là psycho còn sắc là soma. Vậy thì những mê mờ, hờn giận, thèm muốn cũng có những gốc rễ sinh lý. Chúng là danh mà có gốc ở sắc. Cũng như có những cái sắc có gốc ở danh.

Khi một em bé sơ sinh đói thì nó khóc ré lên đòi bú, khi muốn đi cầu thì cứ đi cầu không cần chọn lựa thời gian thích hợp là tại vì nó vâng theo Cái Đó, nó chưa biết thực tại ở ngoài. Khi lớn lên em bé tiếp xúc với thế giới thực tại và biết lúc nào thì nên đòi ăn, lúc nào thì nên đi cầu. Và vì vậy cho nên Freud nói rằng phát xuất từ Cái Đó có một Cái Ngã. Tiếng Pháp gọi là "Le Moi". Trong một cuốn sách "Cái Ngã và Cái Đó" Freud có nói tới sự liên hệ giữa Cái Ngã và Cái Đó. Ông ta nói rằng gốc rễ của Cái Ngã nằm sâu trong ý thức. Cái thấy đó cũng tương tự như trong Duy Biểu Học, cũng giống như thức thứ sáu phát sinh trên căn bản của thức thứ bảy, lấy thức thứ bảy làm căn cứ (ý căn).

Cái Ngã tuy có gốc gác ở nơi Cái Đó nhưng Cái Ngã một mặt thì vâng lệnh Cái Đó, một mặt thì biết được thực tế. Vì vậy cho nên Cái Ngã là môi giới giữa thực tại ngoài đời và nhu yếu của ước muốn bên trong. Khi em bé lớn lên, tiếp xúc với thực tại ngoài đời và học từ từ và không cho Cái Đó tung hoành, biết rằng khi nào đòi thì được và lúc nào đòi thì không được. Cái Ngã tìm cách làm thỏa mãn Cái Đó trong giới hạn có thể thực hiện được.

Freud còn đi xa hơn và nói rằng: Ở trên Cái Ngã có cái Siêu Ngã. Siêu Ngã cũng có gốc rễ từ trong ý thức. Siêu Ngã đóng vai trò như quan tòa, quán sát Cái Ngã, thấy được cái gì là hay, là lý tưởng, là nên làm để có thể thăng hóa. Những ước vọng về sự công bằng xã hội, về cái đẹp thuộc về Siêu Ngã. Nhưng Siêu Ngã vẫn có gốc ở nơi Cái Đó.

Nếu so sánh với Duy Biểu Học thì chúng ta thấy rằng tất cả những Cái Đó, Cái Ngã và Siêu Ngã đều từ hạt giống mà sinh ra. Điều này Phân Tâm Học không nói tới.

Chúng ta biết rằng có những hạt giống nằm trong A-lại-gia. Thức thứ tám ôm ấp duy trì nuôi dưỡng các hạt giống ấy. Cái Đó là tổng hợp của một số hạt giống của sự đòi hỏi, thỏa mãn tài, sắc, danh, thực, thùy trong thức A-lại-gia. Cho nên Cái Đó từ trong A-lại-gia thức mà phát hiện. Cái Ngã là một trong bảy chuyển thức cũng từ hạt giống ở trong thức A-lại-gia mà chuyển ra.

Cái Siêu Ngã cũng từ trong các hạt giống mà phát hiện. Chúng ta có những hạt giống thiện và những hạt giống bất thiện. Những hạt giống thiện khi hiện hành ra sẽ thành những cái thiện. Những hạt giống bất thiện khi hiện hành ra sẽ thành những cái bất thiện.

Ngoài ra Tâm Lý Học Tây phương không có nói nhiều về dị thục và nhất là không nói tới điều căn bản là thức dị thục là nguồn gốc tất cả các pháp không những tâm lý mà còn sinh lý và hoàn cảnh thiên nhiên. Dị thục thức ở trong Duy Biểu Học biểu hiện ra thế giới, sông núi, trời đất, tinh tú, khí thế gian và tình thế gian. Điều này Phân Tâm Học Tây phương không nói tới.

Trong Duy Biểu Học, chúng ta luôn luôn được dạy rằng tất cả các hiện tượng của tâm thức đều chuyển biến không ngừng trong từng sát-na và điều mà chúng ta được nhắc nhở nhiều nhất là tất cả các thức đều là những dòng nước trong đó mỗi giọt nước đều chứa đựng kiến phần và tướng phần, chứa đối tượng và chủ thể và luôn luôn sát-na diệt.

Nếu tưởng tượng rằng trong chúng ta có Cái Đó, Cái Ngã, Cái Siêu Ngã nằm riêng rẽ thì không đúng tại vì những cái đó luôn luôn chuyển biến và nếu không có đối tượng thì sẽ không có chủ thể. Và khi nói tới Phân tâm học chúng ta có cảm giác rằng họ nói tới Cái Đó, Cái Ngã và Cái Siêu Ngã như những thực tại thuần túy chủ thể mà không cần đối tượng. Trong khi đó Duy Biểu Học nói rằng cái thức chỉ được biểu hiện khi nào có đối tượng. Giận tức là giận cái gì, buồn là buồn cái gì.

Phương pháp trị liệu của Phân tâm và Duy Biểu

Sáng lập nên trường phái phân tâm trị liệu (Psycho -analysis) là Bác Sĩ Sigmund Freud (1856-1939). Theo trường phái này, chúng ta có khuynh hướng đè nén những niềm đau nỗi khổ của tuổi thơ vào vùng vô thức (the unconscious). Vô thức tương đương với một phần của A-lại-gia. Những đau khổ bị đè nén đó luôn luôn tìm cách trỗi dậy, biến hình và sai sử chúng ta, khiến chúng ta có những ý nghĩ, hành động bất thường. Mục đích của phân tâm trị liệu(1) là giúp bệnh nhân trở về quá khứ, tiếp xúc với những đau khổ, uẩn ức bị đè nén. Và từ đó những gì cất chứa trong vô thức sẽ trở thành có ý thức và lần lần bệnh sẽ thuyên giảm.

Nhưng theo Duy Biểu Học thì không cần "phục kích để nắm đầu" những gì thuộc về quá khứ. Tại vì, như ta đã biết, quá khứ và tương lai nằm trong giây phút hiện tại. Cho nên phương pháp của chúng ta là phải tiếp xúc với giây phút hiện tại trước, và tiếp xúc một cách đơn thuần, chưa cần tìm tòi gì cả. Rồi khi chánh niệm được gia tăng thì chúng ta sẽ thấy được những yếu tố làm ra hiện tại, trong đó có những yếu tố thuộc về quá khứ, những yếu tố tổ tiên, những yếu tố xã hội. Những đau buồn, lo sợ, những bực dọc được làm bằng những chất liệu mà nếu tiếp xúc được một lần, hai lần, ba lần bằng chánh niệm thì chúng ta sẽ trông thấy được bản chất, nguyên nhân của chúng. Cho nên câu "phút hiện tại thu nhiếp quá khứ và vị lai" cho thấy rằng con đường thực tập không cần phải tìm về quá khứ, không đi tìm thơ ấu, không cần phương pháp phân tâm. Chúng ta tiếp xúc với hiện tại và nếu tiếp xúc sâu sắc thì sẽ thấy được quá khứ ở trong hiện tại.

Trường phái Nhân Bản và Duy Biểu

Gần đây ở Tây phương có trường phái Nhân Bản (Humanistic psychology). Trường phái Nhân Bản nói rằng không cần tìm về quá khứ mà phải lo cho hiện tại nhiều hơn. Trường phái này có rất nhiều nhà trị liệu trong đó có Carl Rogers. Chủ trương của ông là:

1/ Hãy chú tâm đến hiện tại hơn là quá khứ.

2/ Khi có một cảm thọ thì chú tâm vào cảm thọ hơn là chú tâm vào lý do của nó.

3/ Sử dụng những nguyên liệu (raw material) của ý thức, không cần tìm những nguyên liệu của vô thức.

4/ Phải lãnh trách nhiệm lập tức về những gì xảy ra cho mình trong lãnh vực cảm thọ.

5/ Lo sao sống cho an lạc, hạnh phúc hơn là lo chữa bệnh. Tìm cách sống cho an lạc thì tự nhiên bệnh sẽ bớt.

Chúng ta thấy trường phái Nhân Bản gần với phương pháp thực tập tại Làng Mai (Pháp quốc).

So sánh phương pháp đối trị khổ đau của Duy Biểu và trường phái Nhân bản:

Chúng ta nhớ lại bài tụng 45 (trong 50 bài tụng) về ba phương pháp để đối trị với những hạt giống khổ đau của quá khứ. Chúng ta đã đưa ra ba phương pháp:

Phương pháp thứ nhất là gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong hiện tại. Những hạt giống hạnh phúc mà khi lớn mạnh sẽ tự động chuyển hóa những hạt giống khổ đau. Đây là phương pháp mà Trường phái Trị liệu Nhân bản đã đề nghị.

Nhưng trong Duy Biểu còn có hai phương pháp khác: thực tập chánh niệm và mời những khổ đau, những nội kết của năm xưa lên vùng ý thức.

Thực tập chánh niệm để có thể nhận diện được những hạt giống đau khổ mỗi khi chúng biểu hiện. Chúng sẽ luôn luôn biểu hiện, nhiều khi biến hình dưới một dạng khác. Cho nên đôi khi trong khi đi, đứng, nằm, ngồi thì những đau khổ, những trầm luân sẽ phát hiện. Nếu có tu tập thì chúng ta sẽ nhận diện ra chúng. Ban đầu chỉ nhận diện thôi. Nhưng nhờ công tác nhận diện đó mà từ từ thấy được bản chất, thấy được căn cứ của chúng. Chúng ta biết đó là những khối nội kết nằm sâu trong tiềm thức chúng ta. Và mỗi khi nhận diện được thì tự nhiên năng lượng của chúng giảm bớt.

Khi đã nhận diện ra hạt giống khổ đau và biết nó có ở dưới A-lại-gia thức thì thỉnh thoảng chúng ta mời hạt giống đó lên để "ngồi uống trà" và nói chuyện với ta, chuyển hóa chúng thành những nguồn năng lượng khác.

Chúng ta đồng ý với chủ trương của trường phái Nhân Bản - chú ý tới hiện tại - nhưng ta cũng biết: không thể chỉ chú ý tới hiện tại mà từ bỏ quá khứ. Chúng ta biết rằng trường phái Phân Tâm Học chủ trương tìm về quá khứ. Đạo Bụt dạy rằng: hiện tại có chứa đựng cả tương lai và quá khứ. Khi tiếp xúc với hiện tại thì sẽ có cơ hội tìm thấy quá khứ trong hiện tại.

Trường phái Nhân Bản cũng chủ trương là phải ý thức được những cảm thọ khi chúng xảy ra trong tâm tư mình. Điều đó rất đúng với giáo lý Đạo Bụt. Tuy nhiên, với phương pháp của chúng ta, ý thức không phải chỉ là ý thức suông. Khi ý thức về một cảm thọ thì luôn luôn phải có năng lượng chánh niệm. Khi năng lượng chánh niệm tiếp xúc với cảm thọ thì cảm thọ sẽ được chuyển hóa.

Chúng ta cần nhấn mạnh với những người theo trường phái Nhân Bản rằng chánh niệm rất quan trọng. Đây là phương pháp quán chiếu trong đạo Bụt. Quán là nhìn sâu, nhìn kỹ. Quán là công trình của chánh niệm vững mạnh. Khi một sư anh đi ngang mà ta nhận diện được sư anh, đó là do ta có chánh niệm. Nhưng nếu chánh niệm của ta vững mạnh hơn ta có thể thấy được tình trạng (thể chất cũng như tinh thần) của sư anh ngày hôm đó.

Điều thứ ba của trường phái Nhân Bản: chỉ cần những tư liệu trong ý thức mà không cần những tư liệu trong vô thức. Theo Duy Biểu, ý thức chứa đựng hết những tư liệu trong vô thức. Khi tu tập chánh niệm - cả người trị liệu và con bệnh - có ý thức về hiện tại là đủ.

Điều thứ tư: trường phái Nhân Bản chủ trương mình phải chịu trách nhiệm về những gì xẩy ra cho mình. Điều này rất hay. Đứng về phương diện Duy Biểu Học hiện tượng nào cũng có tính cách tự biểu và cộng biểu. Cái giận của tôi, tôi chịu trách nhiệm, nhưng anh, người nói câu làm tôi giận, cũng chịu trách nhiệm một phần nào đó và chị, tuy chị không nói câu gì, không làm điều gì để cho tôi giận, chị cũng dự một phần vào tính cộng biểu của cơn giận của tôi. Vì vậy, không ai là không có trách nhiệm những gì xẩy ra trong tôi cả. Tuy nhiên, cơn giận của tôi có nhiều tính cách tự biểu hơn cộng biểu và tôi là người chịu trách nhiệm chính.

Khi biết rằng mình là người trách nhiệm chính về những gì xẩy ra trong tâm thức mình thì có nhiều điều lợi: Thứ nhất, khỏi lo mất thì giờ đi tìm những nguyên do trong quá khứ mà phải dành năng lượng và thì giờ để xử lý cái giận của mình. Thứ hai, không đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Mình chịu trách nhiệm tới 90% và phải có thái độ chấp nhận rằng mình chịu trách nhiệm về đau khổ của mình trước.

Thông thường, chúng ta không chú ý đến những gì vui mà chỉ chú ý đến những gì buồn. Khi không đau răng thì không thấy hạnh phúc, chỉ khi nào đau răng mới thấy khổ. Cho nên phương pháp là làm thế nào để sống ngày hôm nay cho có an lạc, cho có hạnh phúc. Phương pháp đó là tiếp xúc với những gì tươi mát, lành mạnh, đẹp đẽ trong hiện tại. Điều đó chỉ có thể làm được bằng chánh niệm

Chú thích:

(1). Phương pháp của Phân Tâm Học là để cho một người bệnh nằm thoải mái trên đi-văng và nhà phân tâm (analyst, therapist), thường thường là một bác sĩ y khoa, sẽ ngồi phía sau bệnh nhân và khuyến khích bệnh nhân bộc lộ tất cả những kỷ niệm, những cảm thọ hoặc xa hoặc gần của mình. Căn cứ vào những bộc lộ của bệnh nhân (có khi là một vài chi tiết nhỏ nhặt mà bệnh nhân cho là không quan trọng) mà nhà phân tâm đặt thêm những câu hỏi để giúp đưa người bệnh trở về với vùng vô thức của mình và nói ra những niềm đau nổi khổ ẩn tàng trong đó. Một trong những phương pháp được Phân Tâm Học ưa chuộng nhất là phân tích những giấc mơ của bệnh nhân. Sau một thời gian khi đã có niềm tin nơi nhà trị liệu (therapist) bệnh nhân sẽ có thể nói ra những ưu uất sâu kín nhất, có khi là xấu xa, thô tục. Nhờ những tư liệu (information) đó mà cả nhà trị liệu lẫn bệnh nhân có cơ hội trở về vô thức và nắm bắt được "con rắn", tức là nguồn gốc sâu xa nhất của nhận thức bất thường hay triệu chứng sinh lý bệnh hoạn (ví dụ như tê liệt hay câm điếc) - sinh ra không phải do khuyết tật của cơ thể.

Duy Biểu Học và Tâm Lý Học

Tâm Lý Học là khoa học của các hiện tượng tâm lý và chú trọng về phần tướng chứ không chú trọng về phần thể. Trái lại trong Duy Biểu Học thì phần thể rất quan trọng. Ngay trong Tâm Lý Học hiện đại nếu nói tới vô thức (the unconscious) thì cũng chỉ nói về phần tướng mà thôi, không nói về phần thể.

Kiến thức của Tây phương về vô thức chỉ có lịch sử khoảng 100 năm, bắt đầu từ nhà Tâm Lý Học Freud. Trong đạo Bụt thì A-lại-gia thức đã được dạy từ 2600 năm trước. A-lại-gia thức không những chỉ được dạy về phương diện hiện tượng mà cả về phương diện bản thể, tức là cả tướng lẫn tánh. Nói về A-lại-gia thức chúng ta nói luôn cả đại viên cảnh trí, nói về chân như, nói về tánh cảnh. Tất cả những cái đó thuộc về tánh.

Duy Biểu Học và Siêu Hình Học

Siêu hình học là môn học về bản thể, tức là về tự tính. Tây phương định nghĩa Siêu Hình Học là "La Science de l'être en tant qu'être". Chữ être có thể dịch là thực tại, là reality, hay là ultimate reality. "en tant que" tiếng Anh là "as it is". Thì đây chính là ý niệm chân như của vạn pháp trong đạo Bụt. Chân như là thực tại trong tự thân của nó.

Siêu hình là không thể dùng giác quan để mà nhận thức được. Không có tính cách vật chất , không thể thấy nghe sờ mó được. Ngay từ xưa, đối tượng của Siêu Hình Học là linh hồn, là Thượng đế. Linh hồn đây là bản chất của những hiện tượng tâm lý, tương đương với A-lại-gia thức. Nếu Thượng đế được nhận thức như là một con người có tai mắt, mũi, lưỡi thì không phải là đối tượng của Siêu Hình Học và nghiên cứu về tâm lý con người chưa phải là nghiên cứu về linh hồn con người.

Đối tượng của Siêu Hình Học không thể nào sờ mó tới bởi năm giác quan, vì nó không phải là vật chất (immaterial). Đối tượng của Siêu Hình Học là đi tìm bản chất của sự vật chứ không phải đi tìm hình tướng của sự vật (vạn pháp) và theo triết gia Descarte, Siêu Hình Học là cái hiểu biết cơ bản và cao tột (connaissance fondamentale et suprême). Đối với những triết gia như Descarte thì sự hiểu biết về thực tại tuyệt đối là căn bản. Nhưng đã có người cho tư tưởng của Siêu Hình Học không thực tế.

Vậy thì Duy Biểu Học không phải là Tâm Lý Học. Nói rằng tôi sẽ dạy anh về Tâm Lý Học Phật giáo là không đúng. Nếu muốn cho người Tây phương có một ý niệm về Duy Biểu Học thì có thể tạm nói rằng Duy Biểu Học là Tâm Siêu Hình Học (Psychometaphysic system). Trong triết học Tây phương Tâm Lý Học và Siêu Hình Học tách rời ra khỏi nhau. Ở Đông phương Tâm học luôn luôn đưa tới Siêu Hình Học và Tâm là căn bản. Điều này là điều chúng ta phải nhớ.

Trong đạo Bụt và trong triết học Đông phương Tâm Học và Siêu Hình Học là một. Duy Biểu Học không phải là Tâm Lý Học, cũng không phải là Siêu Hình Học. Nó là một môn học đi từ tâm lý đi tới siêu hình. Triết học Tây phương thường nói linh hồn là cái bản thể còn trong Phật học thì Tâm là bản thể mà không cần phải bỏ nhận thức của năm giác quan. Năm giác quan vẫn có thể đóng góp được vào sự tiếp xúc và hiểu biết cái thực tại tuyệt đối gọi là tánh cảnh, hay là chân như. Không hẳn là phải vượt khỏi cái "physical" mới tiếp xúc được cái "metaphysical", phải vượt khỏi cái hình mới tiếp xúc được với cái siêu hình. Trong Phật học, hình và siêu hình là một. Và cái chìa khóa của Duy Biểu Học là y tha khởi (paratantra). Y tha khởi tức là nương nhờ vào những yếu tố khác để phát hiện. Y tha khởi chẳng qua chỉ là một danh từ khác của nhân duyên quán, tức là quán sát sự sinh khởi của mọi sự, mọi vật căn cứ trên những điều kiện khác nhau gọi là nhân duyên sinh. Trong cuộc sống hằng ngày nhìn vào tất cả hiện tướng và thấy được tính duyên sinh của tất cả mọi sự, mọi vật, thấy được tính vô thường, vô ngã, tương tức, tương nhập của mọi sự, mọi vật. Khi tiếp xúc được tính vô thường, vô ngã, duyên sinh, tương tức, tương nhập của mọi sự, mọi vật thì tự nhiên tiếp xúc được bản chất; cho nên hình và siêu hình không phải là hai. Tiếp xúc cái hình bằng chìa khóa Tam Pháp Ấn là đạt tới siêu hình. Siêu hình không phải là cái có thể tìm tới khi bỏ cái hình lại sau lưng. Chính trong cái hình mà tìm được cái siêu hình. Chính trong cái tướng mà tìm được cái tánh.

Thiền sư Nhất Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 28


Hôm nayHôm nay : 783

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 542113

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32040752


Thiết kế website