Nàng Kiều thành Phật bà: sáng tạo quá đà?

NSND Lan Hương mong muốn làm mới sân khấu kịch bằng Nguyễn Du với Kiều - vở diễn vừa ra mắt tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) tối 10-3. Nhưng cái kết của vở kịch thử nghiệm đang gây tranh cãi trong khán giả.

 

image

- NSND Lan Hương mong muốn làm mới sân khấu kịch bằng Nguyễn Du với Kiều - vở diễn vừa ra mắt tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) tối 10-3. Nhưng cái kết của vở kịch thử nghiệm đang gây tranh cãi trong khán giả.

Trong vở kịch, không giống như trong truyện, nàng Kiều đoàn tụ gia đình và sống thanh thản, cái kết khép lại với hình ảnh nàng Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Chi tiết này đã gây ra những ý kiến trái chiều và phần lớn không đồng tình.

Truyện Kiều của Nguyễn Du không có gì lạ lẫm với người dân VN không chỉ qua sách, truyện mà còn qua những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: chèo, cải lương... Nhưng diễn Kiều bằng nghệ thuật hình thể có lẽ đây là lần đầu tiên.

Vở kịch bám sát tiến trình câu chuyện của Kiều nhưng có thêm hai nhân vật mới vào vai người dẫn chuyện: đại thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hai nhân vật nữ được diễn song hành: Thúy Kiều - Ðạm Tiên. Cây đàn tì bà được thi hào Nguyễn Du xẻ làm đôi. Mỗi nàng mang một nửa để mà vận vào số kiếp: "hồng nhan bạc phận". Nghệ sĩ trẻ Như Quỳnh đã tròn vai với một Thúy Kiều sắc sảo, mặn mà. Các nhân vật trong Truyện Kiều được đưa lên sân khấu lần này khá đầy đủ, song sự thể hiện lại được chia theo nhóm tính cách nhân vật để một nghệ sĩ đảm nhiệm.

Thông thường kịch hình thể biểu đạt nội dung của vở diễn thông qua hành động, cử chỉ của nghệ sĩ chứ không bằng lời. Nhưng trong vở diễn này, ngoài phần dẫn chuyện của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, số phận nàng Kiều còn được mở ra theo những câu Kiều của Nguyễn Du. Và diễn tả nội tâm Kiều qua bao lần gặp tai ương còn có những lời hát chèo, hát văn, thậm chí còn có cả bài chòi (Huế) khi Kiều đến nhà Thúc Sinh, hay làn điệu Dạ cổ hoài lang khi Kiều trôi dạt đến đất phương Nam. Việc ép yếu tố vùng miền vào câu chuyện vượt khỏi "không gian" này có thể gây gợn đôi chút khi đang trong nhịp chèo của phương Bắc, bỗng đâu nghe bài chòi miền Trung, hay nghe khúc Dạ cổ hoài lang...

Nhưng điều đáng nói và gây "gợn" nhất chính là cái kết của Nguyễn Du với Kiều. Không giống như trong truyện, nàng Kiều đoàn tụ gia đình và sống thanh thản, cái kết khép lại với hình ảnh nàng Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Chi tiết này đã gây ra những ý kiến trái chiều và phần lớn không đồng tình. Ðạo diễn - NSND Lan Hương giải thích: sự hi sinh và đức hiếu hạnh của nàng Kiều được sánh bằng Phật bà. Trong khi đó một khán giả cho biết: "Ta không bàn về phẩm chất của Kiều vì ai cũng đã hiểu, nhưng đẩy Kiều lên thành một biểu tượng của đức tin thì thật bốc đồng, không nên".

 

Theo TTO