Công đức – hiểu sao cho phải để mà quản lý?

Công đức – hiểu sao cho phải để mà quản lý?
Triết lý nhà Phật cũng có câu rằng “lấy 1 đền 10”, nên chính những người tu hành hơn ai hết hiểu rằng họ sẽ phải sử dụng những đồng tiền công đức thế nào để đem lại lợi lạc cao nhất cho cộng đồng, xã hội. Vậy thì lý do gì không để cho họ tự quản?
 
Khi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa ra ý tưởng quản lý tiền công đức thì ngay lập tức, dư luận xã hội “dậy sóng”. Bởi muốn quản lý,  trước hết khái niệm về công đức và tiền công đức cần thiết phải làm rõ. Mà khi đã làm rõ thì câu chuyện về quản lý lại dường như là không cần thiết… 
CÔNG ĐỨC: QUẢN CHẶT ĐỂ BẢO VỆ LÒNG TIN!
Một vấn đề không mới nhưng vẫn mang tính thời sự, đấy là câu chuyện quản lý tiền và các hiện vật vật chất của bá tánh thập phương cúng dường cho những nơi thờ tự tôn giáo.
 
Hiện tại câu chuyện này đang gây bức xúc dư luận bởi lòng thành của những người mộ đạo, những người muốn làm việc thiện đang bị lạm dụng để biến thành nơi tích trữ vật chất của một số người “đại diện cho thánh thần” nhưng vẫn chưa diệt hết chữ “tham”.
 
Đã “tham” sẽ dẫn đên “sân”, “si” để rồi mê muội mà bất chấp đạo pháp và pháp luật. Vậy việc quản lý công đức, dẫu muộn nhưng cũng cần phải đặt ra để trả lại sự trong sáng như một vẻ đẹp vốn có của các loại hình tôn giáo. Trong Tâm điểm dư luận kỳ này, Pháp luật Việt Nam sẽ cùng những người trong cuộc nhìn nhận điều này.
 
Công đức - tại sao cứ phải là tiền?
 

Ngày nay, khi nói đến khái niệm công đức, rất nhiều người ngay lập tức nghĩ đến những hòm gỗ có, sắt có, thậm chí là két an toàn được niêm phong, khóa kỹ, bày biện với mật độ tương đối dày trong các đình, đền, chùa, miếu…  khắp Việt Nam. Và, “nội dung” trong đó trăm phần trăm là tiền các mệnh giá. Có vẻ như với thực tế đó, khái niệm công đức đã và đang được hiểu một cách hoàn toàn sai lệch.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Theo “Từ điển Tiếng Việt”, công đức theo quan niệm cũ là đạo đức trong đời sống công cộng, đời sống xã hội để phân biệt với tư đức, và công đức theo quan niệm mới là công ơn đối với xã hội (ví dụ: ghi nhớ công đức của các anh hùng liệt sĩ). Còn theo “Từ điển danh từ Phật học thực dụng”, công đức là những việc làm lành, những công năng phước lợi đem lại phước đức cho mình và cho người khác. Như vậy, công đức - ít ra trong phạm trù tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng - là hoàn toàn tự nguyện và không nhất thiết phải thể hiện qua tiền bạc.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh:
 
Đừng máy móc áp dụng mô hình quản lý tiền công đức 
 
Từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã bỏ việc thu phí (bán vé) cho phật tử và du khách đến hành hương tại di tích Yên Tử. Đây là một việc làm được đông đảo phật tử ủng hộ và họ cảm thấy tự tại, thanh tịnh khi đặt chân đến đất Phật.
 
Cùng với việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường thì chính việc được đến di tích “miễn phí” là những lý do khiến người dân hành hương về Yên Tử ngày càng đông.
 
Bỏ bán vé sẽ làm mất đi một khoản thu nhưng cái được sẽ rất lớn.
 
Nếu trong tâm của phật tử có sự thoải mái, có được cảm giác như về ngôi nhà tâm linh của mình, trở về với điểm tựa trong cuộc sống… thì  số tiền mà họ sẽ công đức, cung tiến hoặc chi tiêu tại đây sẽ lớn hơn nhiều.
 
Và quan trọng hơn là, người nghèo cũng có thể về với đất Phật Yên Tử… 
 
Theo tôi, không nên máy móc áp dụng mô hình quản lý tiền công đức tại tất cả các chùa. Ví dụ như ở chùa nhỏ, tiền công đức không đáng kể thì cũng không cần thiết phải có Ban Quản lý di tích…
 
Nhà nước nên dừng ở chức năng quản lý, hướng dẫn thu, chi sao cho đúng mục đích. Ví dụ như ở Yên Tử, chính quyền lo việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích cho phù hợp quy hoạch.
 
Nguồn kinh phí thực hiện dự án được nhà chùa huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa, tiền công đức… có sự giám sát của chính quyền.
 
Một khi đã xác định rõ khái niệm "quản lý” của Nhà nước chỉ là hướng dẫn chi tiêu, giúp cho các di tích sử dụng tốt tiền công đức thì các phật tử sẽ có tâm lý thoải mái hơn khi phát tâm công đức, cúng tiến. 

Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn người dân suy nghĩ rằng công đức là việc dùng tiền bạc đem lại lợi lạc thông qua đền chùa, nên có thể hiểu tại sao khái niệm công đức và tiền công đức lại “gắn bó” với Phật giáo như vậy. Trong khi như đã nói trên, công đức có thể xuất hiện ở rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều tôn giáo và không nhất thiết phải là tiền, thay vào đó là rất nhiều cách thể hiện khác như việc làm tốt, lời nói tốt, cách ứng xử thiện ý…

Vì sao tiền công đức ngày nay nhiều? 
 
Người viết bài này đã đem câu hỏi đó đến gặp một nhà nghiên cứu về tôn giáo và nhận được câu trả lời  rằng, có lẽ do ngày nay có nhiều người kiếm tiền quá dễ bằng nhiều “con đường” khác nhau, mà phần lớn là không chân chính, nên họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để “công đức” cầu xin Phật Thánh tha “tội ”cho họ và tiếp tục “phù hộ” họ trên con đường kiếm tiền, tài, danh, lợi.
 
Một lý do khác nữa là đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến nhiều người phải tìm đến chốn Phật, Thánh, tu hành mong tìm chỗ dựa về mặt tâm linh. Và khi tìm đến, trong họ vẫn mang theo tư duy đời thường rằng “có ba trăm lượng việc này mới xuôi” nên cho rằng phải có “đồng tiền đi trước” mới được phù hộ độ trì. Về nghĩa đen, những đồng tiền công đức kiểu như thế chính là những đồng tiền “mua  Thần bán Thánh”. 
 
Thế nhưng, cũng không thể “vơ đũa cả nắm”, bởi có rất nhiều người khi thả tiền công đức vào hòm chỉ có một ước nguyện duy nhất rằng tiền của mình sẽ được người tu hành sử dụng đúng mục đích như: góp phần giúp nhà tu hành tu tập đắc đạo, góp thêm giọt dầu thờ Phật hay chuyển đến những nơi thực sự cần.
 
Và, phần lớn những đồng tiền công đức đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt, tiền chắt chiu từ công sức lao động.  Thế nên, theo thống kê, trên toàn đất nước Việt Nam có gần 17.000 ngôi chùa thì chỉ có vài trăm ngôi chùa thấy hiện diện của nhiều hòm công đức, thu được nhiều tiền công đức mà chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, những nơi được đồn đại là linh thiêng, chứ con số phần lớn còn lại lấy đâu ra mà dồi dào đến vậy. 
 
Quản lý tiền công đức – ai quản, quản ai?
 
Đã có thông tin nêu rằng cá biệt có ngôi chùa có tới 20 chiếc hòm công đức, cứ cách khoảng đôi ba mét lại thấy bố trí một hòm. Về mặt tích cực, việc bố trí dày đặc như vậy là để cho khách đến lễ không để tiền bừa bãi vừa gây cảm giác thiếu tôn trọng, mất mỹ quan ở chốn linh thiêng, vừa không phù hợp với nếp sống cần, kiệm của người Việt.
 
Thế nhưng, một khi mục đích tốt đẹp đó bị đi quá đà, bị lợi dụng thì điều đó lại có nghĩa rằng thiện ý đã bị lợi dụng. Người công đức thì mong rằng mình sẽ dùng tiền để “mua chuộc ” được Phật, Thánh, còn người nhận công đức thì “càng nhiều càng tốt” để sử dụng vào nhiều mục đích, không loại trừ ham muốn tư lợi cá nhân.
 
Và, có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến cho vấn đề quản lý tiền công đức được đặt lên bàn cơ quan quản lý nhà nước và thậm chí cả ý tưởng phải được luật hóa. 
 
Thế nhưng, cũng chính vì vậy mà trong xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, khi đặt ra vấn đề quản lý tiền công đức thì mục đích nhắm tới của cơ quan quản lý nhà nước chính là “cái hòm đựng tiền công đức” chứ không phải hoạt động công đức được tạo ra từ nguồn lợi chứa đựng trong cái hòm đó .
 
Như đã nói trên, tiền công đức – tiền được đóng góp từ những tấm lòng thiện – thì có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, miễn sao phải đem lại lợi lạc cao nhất cho cộng đồng, xã hội. Nên nếu quản lý tiền công đức thay vì quản lý xem có bao nhiêu cái hòm công đức và trong đó chứa bao tiền, thì nên quan tâm tới việc khoản tiền đó được sử dụng ra sao để đem lại lợi lạc cao nhất cho xã hội mới là hợp lẽ. 

Có câu chuyện rằng, tại một ngôi chùa nọ, sư ông trụ trì thu được nhiều tiền công đức nhưng lại rất cặn kẽ chi tiêu với các chú tiểu, trong khi đó đối với sư bác đang đi học luân lý Phật giáo lại “đầu tư” rất rộng rãi.

Chạnh lòng, các chú tiểu mới hỏi và được sư ông trả lời rằng: “Lúc này các con chưa cần tới tiền, có tiền sẽ làm các con hư, còn sư bác đã hiểu được giá trị đồng tiền thì sẽ biết sử dụng đồng tiền một cách có ích nhất cho con đường học vấn, tu tập và giúp đỡ những bạn đồng học khác đang gặp khó khăn hơn”.

Triết lý nhà Phật cũng có câu rằng “lấy 1 đền 10”,  nên chính những người tu hành hơn ai hết hiểu rằng họ sẽ phải sử dụng những đồng tiền công đức thế nào để đem lại lợi lạc cao nhất cho cộng đồng, xã hội. Vậy thì lý do gì không để cho họ tự quản?

 

PVXH

Theo: Pháp luật xã hội