Xu hướng Tịnh Độ trong Phật giáo ở Việt nam và vai trò xã hội của nhà chùa trong đời sống hiện đại

Xu hướng Tịnh Độ trong Phật giáo ở Việt nam và vai trò xã hội của nhà chùa trong đời sống hiện đại
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam sự phân cách các tông phái không rõ rệt. Trong cả lịch sử lâu dài với nhiều chùa chiền ở khắp cả nước, chắc cũng có nhiều cao tăng tâm đắc với những kinh điển khác nhau, thực hành cách tu luyện khác nhau.

image

I


Trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã có một ảnh hưởng lâu dài từ đầu công nguyên cho đến ngày nay. Phật giáo đã để lại một phần không thể cắt bỏ trong tính dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam quan niệm “Nam mô A Di Đà Phật”; trong văn học cũng như trong đời sống thường, người ta thường nhắc nhở hình ảnh Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Chùa Việt Nam ngày nay có màu sắc tịnh độ đậm nét. Đó là kết quả của một quá trình lựa lọc, lựa lọc của nhiều thế hệ nhà tu hành và có lẽ quan trọng hơn còn là sự lựa lọc của quần chúng. Từ đó Phật giáo đi vào cuộc sống, vào tâm thức Việt Nam.

Từ thời xa xưa Phật giáo đã được truyền bá vào xứ này. Và từ lâu ở đây đã có mặt cả ba tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Sử sách, di tích chùa tháp và công trình nghệ thuật còn lưu lại dấu vết của cả ba tông phái. Thời hưng thịnh nhất gắn liền với sự truyền bá của Thiền tông, một tông phái mới hình thành ở Trung Quốc vào quãng thế kỷ VII và không lâu sau khi ra đời ở Trung Quốc đã được Tỳ - ni - đa - lưu - chi, đệ tử của vị tổ thứ ba Thiền tông là Tăng Xán đưa vào Việt Nam (năm 580). Từ đó, theo lịch sử hầu như Phật giáo vào Việt Nam phát triển theo xu hướng chung đó. Như thế là đã có những xu hướng nào đó trước khi Thiền tông vào và về sau Thiền tông nhường chỗ cho Tịnh độ. Tịnh độ tông là cái đọng lại sau một quá trình lựa lọc. Niệm Phật, tọa thiền, dùng mật ngữ đều là những phép tu hành thông dụng. Nhưng đến khi chuyển sang Tịnh độ thì niệm Phật và là Phật A Di Đà mới có ý nghĩa trọng yếu để vãng sinh Cực lạc. Và điều đó mới vạch ra được cho nhiều người, kể cả những người daan thường không xuất gia, con đường không quá khó khăn để đến với Phật giáo.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam sự phân cách các tông phái không rõ rệt. Trong cả lịch sử lâu dài với nhiều chùa chiền ở khắp cả nước, chắc cũng có nhiều cao tăng tâm đắc với những kinh điển khác nhau, thực hành cách tu luyện khác nhau. Giữa đệ tử các cao tăng đó và các tự viện do họ tu trì chắc cũng hình thành những truyền thống sinh hoạt khác nhau. Nhưng một điều đáng chú ý là ta không thấy có xung khắc đấu tranh giữa các tự viện, giữa các Phật phái.

Ba vị tổ mở đầu ba dòng Thiền ở Việt Nam đều là những đệ tử trực truyền của các tổ Thiền tông Trung Hoa. Tỳ - ni - đa - lưu - chi (thế kỷ thứ VI) là đệ tử của Tăng Xán, Vô Ngôn Thông (thế kỷ IX) là đệ tử của Bách Trượng, Thảo Đường (thế kỷ XII) là đệ tử của Tuyết Đậu. Phật giáo  do họ truyền bá hẳn là Thiền tông. Khi phái Trúc Lâm ra đời, các chùa hầu như cũng thống nhất vào đó. Trúc Lâm căn bản cũng thuộc Thiền tông nhưng ngày từ trong Khóa hư lục có trướ lúc phái Trúc Lâm ra đời, thì cũng đã thấy xu hướng dung hòa Thiền với Tịnh độ.

Một điều cũng đáng lưu ý là từ thế kỷ XIV, sau khi tổ thứ ba là Huyền Quang tịch, phái Trúc Lâm không đặt tổ thứ tư. Và trong lịch sử về sau ta thấy nói đến những nhà sư có đạo pháp cao như Đại Điên, Không Lộ mà cũng không thấy nói đến những nhà sư bàn về Thiền học như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ. Có lẽ bước chuyển sang Tịnh Độ đã xảy ra trước sau thời đó nhưg là một bước chuyển dần dà êm ả không có xung khắc gì nổi bật. Những yếu tố Thiền và Mật tông bớt dần.

Ở các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã xảy ra một quá trình tương tự. Từ rất nhiều tông phái, hiểu Phật, Pháp khác nhau, chủ trương tu hành khác nhau, qua tranh luận gay go, thậm chí dùng đến cả đấu tranh võ trang, phá chùa, tiêu diệt lẫn nhau, cuối cùng cũng đến một hình thức kết hợp giữa Thiền và Tịnh độ. Ở Việt Nam, đánh dấu bước chuyển đó, ta không thấy nhắc đến những bậc cao tăng như loại Nguyên Không Thân Loan ở Nhật Bản. Phải chăng bước chuyển đó xảy ra tuần tự, lâu dài, có thể do tự thân mà cũng có thể chịu ảnh hưởng từ ngoài? Có thể do sự lựa chọn cách tu hành của thiền sư mà cũng có thể do nhu cầu của thập phương đệ tử?

Phải chăng có thể hình dung sự quảng bá của Tịnh độ tông là sự thích ứng của Phật giáo vùng Đông Á với thời đại, với xã hội của một giai đoạn lịch sử? Có điều chắc chắn là bước chuyển đó làm cho Phật giáo có vai trò khác đi trong đời sống văn hóa, trong đời sống xã họi. Ai chuyên tâm niệm Phật, nghĩ điều thiện, làm việc thiện thì được vãng sinh Cực lạc. Nước Phật không chỉ dành riêng cho người xuất gia, càng không phải dành riêng cho kẻ giàu sang. Không phải quần chúng đếnvới Phật mà Phật đến với quần chúng. Quần chúng hóa như vậy, Phật giáo có ảnh hưởng xã hội rộng rãi hơn nhiều. Kết quả của việc đó là người tu hành gắn với quần chúng nghèo khổ và nhà chùa gắn với làng xã.

II

Phật giáo từ một nước phương xa là Ấn Độ mà vào. Tiếp xúc đầu tiên có thể là những người dân thường nhưng ở các xã hội phương Đông lúc đó không chinh phục được những người cầm quyền, những người có uy tín xã hội thì nó không thể đi vào quần chúng. Nguyện vọng giải thoát thì là chung cho mọi người nhưng thiết tha với nó và tự tin có thể thực hiện thì cũng chỉ các tầng lớp thống trị đó. Phật giáo lúc đầu bắt rễ vào cung đình, vào đám vua quan, quý tộc chứ không phải vào quần chúng. Nhưng khi từng lớp thứ nhân (dân thường) lớn lên thì ý thức phát triển theo yêu cầu của hai từng lớp khác nhau: trí thức và nông dân.

Trí thức lúc đó là nhà Nho. Họ học chữ Hán, trau dồi văn chương để thi đỗ làm quan. Tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Lão Trang gần với họ hơn là tư tưởng Phật giáo. Và trong Phật giáo, Thiền gần với họ hơn là Tịnh độ với Phật giáo. Còn nông dân trong cuộc sống lam lũ, bưng bít và lạc hậu, vẫn giữ những tín ngưỡng xa xưa. Họ mơ ước được giải thoát, mong muốn thế giới Cực lạc nhưng vẫn chờ đợi ở tha lực, tin ở phép lạ ở những pháp sư cao tay ấn quyết, những vị thần linh hơn là khả năng tự giải thoát, tìm đến chân lý của chính mình. Mật tông trong Phật giáo hay Đạo giáo hù thủy còn gần gũi với họ hơn Phật giáo Thiền tông. Có lẽ là vì đám quần chúng đó mà lúc đầu Mật tông kết hợp với tín ngưỡng bản địa đi vào quần chúng, chùa và đền không khác biệt, có ki gắn với nhau. Phật giáo có ảnh hưởng từ chính trị của triều đình đến sinh hoạt cua rnhân dân thôn xóm. Khi chính quyền đã thống nhất được đất nước, bộ máy quan liêu ra đời, Nho giáo thay cho Phật giáo chỉ đạo công việc chính trị nhà nước làm chủ địa hạt giáo dục và học thuật thì cũng hình thành một sự phân vùng giữa Tam giáo và một sự chuyển biến trong nội bộ từng hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo; Nho giáo được độc tôn trong chính trị, tổ chức xã hội và học thuật, tức là gắn với từng lớp thống trị thì Phật giáo và Đạo gia (tư tưởng Lão Trang và Đạo giáo) chuyển sang gắn với “thứ nhân” (dan thường). Phật giáo xa lìa với quý tộc cầm quyền mà xuống với quần chúng. Mật tông cũng có một địa hạt với Đạo giáo và Thiền tông có cùng địa hạt với tư tưởng Lão Trang. Một bên đi vào quần chúng lao động và một bên đi vào trí thức. Trong tình hình đó Phật giáo đã chuyển từ Thiền sang Tịnh đọ, không những dựa vào quần chúng đông đảo một Phật giáo dễ hiểu, dễ thực hiện mà còn là một Phật giáo gắn bó với đời sống thường hơn. Với xu hướng Tịnh độ, Phật giáo không là xa vời ở cung cấm hay non cao mà ở ngay trong cuộc đời. Nhfa chùa ở ngay trong xóm làng; nhà sư dạy học, chữa thuốc và làm người cố vấn cho dân làng. Từ lúc sinh đến lúc chết khi vui cũng như khi buồn, nhà sư đều có mặt bên cạnh họ. Vai trò của họ không khác gì người giáo sĩ nông thôn của Gia tô giáo. Cũng là với sự thay đổi như vậy mà Phật giáo có một tác dụng xã hội khác trước, có một vai trò khác trước trong văn hóa dân tộc. Từ thế kỷ XIV – XV về sau ta không nghe nói đến những thiền sư như Khuông Việt, Vạn Hạnh với vai trò chính trị ảnh hưởng đến cả tiến trình đất nước. Ta cũng không gặp một tời kỳ mà Phật giáo chi phối tư tưởng và học thuật, văn học và nghệ thuật như thời Lý Trần. Nhưng ảnh hưởng có thể lại sâu hơn vì có quần chúng rộng hơn. Tư tưởng bác ái cứu nhân độ thế vị tha của A Di Đà, Quan Thế Âm bồi dưỡng them vào lòng nhân ái thương người của tâm hồn Việt Nam.

Tâm thức Việt Nam vốn có xu hướgn chọn cái thiết thực, đơn giản, thích sự hòa đồng, dung hợp, cho nên Phật giáo phát triển theo hướng Thiền kết hợp với Tịnh độ, cũng là sự thích ứng với đặc điểm trên của tâm thức dân tộc.

III

Đến thế kỷ XVIII – XIX thì Phật giáo Việt Nam chứng kiến một cảnh sa sút. Khi xã hội bước vào khủng hoảng đòi hỏi cải cách, nhất là đến giữa thế kỷ XIX trước nguy cơ dân tộc với đòi hỏi chống chủ nghĩa đế quốc bảo vệ độc lập, Phật giáo – đúng hơn là cả Tam giáo của truyền thống – đã không đưa ra được một giải pháp cho tình hình mới, không làm an tâm được đông đảo quần chúng hoang mang, lo sợ, mất lòng tin. Tiếp theo đó khi nước đã mất, đời sống chuyển sang đô thị hóa, công nghiệp hóa theo văn minh phương Tây thì Phật giáo xa lạ với lớp quần chúng mới của thời đại đó. Tuy cũng có những nét thay đổi, những có gắng thay đổi, nhưng đang chỉ ở bè ngoài chứ chưa phải là thích nghi, hóa thân vào thời đại mới. Không phải trong đời sống hiện đại thì Phật giáo sẽ mất hết ý nghĩa, mất lý do tồn tại. Bước sang một thời đại khác, cuộc sóng và con người thay đổi rất căn bản, nhưng con người mới vẫn có những nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hóa mà Phật giáo rất thích hợp để đáp ứng. Đồng thời, Phật giáo cũng chỉ có thích ứng với những đòi hỏi của thời đại như vậy mới phát triển được.

1. Đời sống văn minh hiện đại là một đời sống công nghiệp, đô thị, sôi động, theo đuổi khoa học kỹ thuật. Nó đòi hỏi con người khôn ngoan trí tuệ, linh hoạt, biết tính toán cạnh tranh; hoạt động tất bật. Cuộc sống như vậy thúc ép con người lao vào hoạt động căng thẳng, dễ sao nhãng một mắt rất nhân bản khác là đời sống tâm linh. Với hoạt động tất bật căng thẳng con người cần những giờ phút tĩnh tâm để thư giãn. Tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật là liều thuốc an trụ làm cho tâm tĩnh chỉ, làm tươi nhuân đời sống tâm hồn, là một phương sách dưỡng sinh cho con người hiện đại.

2. Con người dầu ở thời đại nào cũng mong ước hòa bình yên vui, mong ước một xã hội trong đó cái thiện ngự trị bước đi sôi động, gấp gáp của thời hiện đại bên cạnh việc tạo ra một nền văn minh cao (kể cả văn minh tinh thần) đã không ngớt dần nhưnân loại đến bờ vực của những hiểm họa của áp bức, bóc lột và chiến tranh, nhất là nỗi đe dọa của chiến tranh hạt nhân, chiến tranh từ vũ trụ ngày nay. Phật giáo với tư tưởng hòa bình và khuyến thiện, kêu gọi con người suy nghĩ, sống theo điều thiện, làm việc thiện, cứu trợ người khác sẽ góp phần thức tỉnh lương tri con người làm cho xã hội sống trong hòa bình và nhân ái, ngăn ngừa cái ác có tính hiện đại. Phật giáo rất dễ thích nghi với một thế giới mửo rộng và tạo ra sự cân bằng giữa tâm hồn và thể xác giữa văn minh tinh thần và văn minh vật chất ngày nay.

3. Một mối lo lớn cho nhân loại ngày nay là môi trường sinh thái đang bị con người đông đúc và nền văn minh công nghiệp phá vỡ. Núi rừng bị đào, đốn; nước sông nước biển bị ô nhiễm. Cây cối bị chặt trụi, chim muông bị săn bắt đến tuyệt diệt. Trong làng xóm, đô thành ít có những đảo xanh che gió, he nắng, làm mát con mắt… Trong cuộc sống trước kia không những Phật giáo lên án sát sinh, khuyên bảo lối sống chay tịnh mà nhà chùa còn là những cảnh đẹp trong thôn xóm. Chùa thường chọn đặt ở những nơi có phong cảnh đẹp lại được quan tâm xây dựng thành một thứ công viên có ao hồ, có vườn cây. Chùa không chỉ là nơi cho khách thập phương đến ngoạn cảnh mà còn là chỗ cho chim chóc đến làm tổ, muông thú đến trú ngụ không bị ai đến săn bắt.

Nếu có thể xây dựng lại được các chùa chiền với các khuôn viện rộng rãi thành nhữgn thứ đảo xanh công viên cho làng xóm làm nơi cho người già đến nghỉ ngơi trò chuyện và tập dưỡng sinh, trẻ con đến dạo chơi cắm trại, người ốm đau đến thăm bệnh xin thuốc… thì nhà chùa sẽ trở lại có vai trò một trung tâm văn hóa của xóm làng.

*

*            *

Thích ứng với thời đại cũng là đáp ứng những nhu cầu của con người thời đại mới. Để thích ứng với thời đại ngày nay có lẽ cũng dòi hỏi ở Phật giáo những sáng tạo lớn như khi nó xây dựng Thiền tông để tìm con đường vào Tâm thức Trung Hoa và truyền bá rộng ở Đông Á, như khi nó đề xướng pháp môn niệm Phật, phát triển Tịnh độ tông để đi vào đại chúng.

Hiện nay nhiều địa phương đang chủ trương trùng tu, khôi phục nhiều ngôi chùa cổ. Và nhân dân hưởng ứng rất nhiệt liệt. Trong khu vực làm đó hầu như chỉ nổi lên hai yêu cầu: bảo vệ các di tích văn hóa, làm nơi du lụch và có chỗ cho nhân dân lễ bái. Nếu những ngôi chùa được trùng tu như vậy trở thành những trung tâm khuyến thiện, những điểm bảo vệ môi trường thiên nhiên, những cảnh đẹp giúp con người tĩnh tâm, thì lợi lạc mà nhà chùa mang lại cho cuộc sống hiện đại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong tâm thức người Việt Nam, A Di Đà và Quan Thế Âm đã là hình ảnh tượng trưng cho tấm lòng cứu nhân độ thế thương con người và vị tha. Con người vốn có tâm hướng thiện, tôn trọng người làm điều thiện, được khích lệ vì tấm gương làm việc thiện trong xã hội. Phật giáo sẽ tìm thấy lý do tồn tại của mình ở họat động vì điều thiện của con người, con người của thời đại mới./.

 

Trần Đình Hượu

Nguồn: Văn Hóa Nghệ An