Vị trí lịch sử Chùa Khải Đoan

Chùa Khải Đoan đối với nhân dân Đak Lak ngày nay đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo gần gũi thân quen. Khải Đoan chẳng những là ngôi chùa lịch sử, một thắng tích du lịch ở Tây Nguyên mà còn là chiếc nôi của sinh hoạt Phật giáo Đak Lak.
 
Vị trí lịch sử Chùa Khải Đoan
 
 
 
 
Chùa Khải Đoan đối với nhân dân Đak Lak ngày nay đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo gần gũi thân quen. Khải Đoan chẳng những là ngôi chùa lịch sử, một thắng tích du lịch ở Tây Nguyên mà còn là chiếc nôi của sinh hoạt Phật giáo Đak Lak.
 
Với ý nghĩa đó, Khải Đoan có quyền hãnh diện và mãi mãi xứng đáng đi lên trong lòng Phật tử ĐakLak cũng như cả nước, hoà mình cùng bước thăng trầm của vùng đất Bazan mầu mở và của cả dân tộc. Khải Đoan mãi mãi xứng đáng với niềm ước vọng của những kiến tạo nên nó và của hàng ngàn Phật tử đang quy ngưỡng “Sắc tử  Khải Đoan tự”, mà thói quen thường gọi là chùa Lớn, chùa Tỉnh hội.
 
Khải Đoan ra đời trong thời kỳ chín mùi của phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 30, tiến tới giai đoạn thống nhất Phật Giáo 3 miền Trung, Bắc, Nam năm 1951; là giai đoạn trưởng thành của Hội Phật học mà trước đó Đak Lak hầu như chưa có dấu vết đạo Phật với những sinh hoạt quy củ.
 
Năm ấy (1951), cố Hoà ThượngThích Trí Thủ. Hội trưởng hội Phật giáo Trung phần, với niệm hoằng dương chánh pháp, đem đạo vào đời, mang ánh sáng đạo Phật đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh. Ngài đã đứng ra vận động chính quyền pháp thuộc, chính quyền Nam triều và nhờ sự giúp đỡ của Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại đương triều, sau đó sắc chỉ của triều đình được ban hành cấp đất xây dựng chùa. Đất gồm 7 mẫu 8 sào, chạy dài từ phía Đông giáp đường Trần Bình Trọng, Tây giáp vùng đất nghĩa địa Lạc Giao, Nam giáp dường Lê Văn Duyệt nối dài( nay là đường Quang Trung), Bắc giáp đường Phan Bội Châu. Toàn bộ diện tích đất chùa nằm về phía Tây cách trung tâm thị xã Ban Mê Thuột chừng 500 mét.
 
Ngôi chùa lịch sử đầu tiên có mặt tại Đak Lak cùng với người dân phu đồn điền Tây Nguyên gây dựng nên sinh hoạt tín ngưỡng Đạo Phật được đặt dưới sự bảo trợ và quản lý của hội Phật giáo trung phần.Thầy Thích Đức Thiệu, vị trưởng tử của Ngài Trí Thủ coi xây dựng. Đến cuối năm 1953 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hoà thượng Đức Thiệu cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa này. Sau đó, vì niệm hoằng hoá hoà thượng Đức Thiệu rời Ban Mê Thuột đi xây dựng cơ sở Phật giáo tại Pleiku. Trại Mát, Đà Lạt v.v....Đại Đức Thích Quảng Hương được hội Phật học trung phần bổ nhiệm kế vị trụ trì. Đến năm 1963, trước yêu cầu đòi hỏi Tự do tôn giáo, chống chính quyền bất công Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, Đại đức đã phát nguyện tự thiêu ngày 17/8/1963 tại chợ Bến Thành Sài Gòn, với tâm niệm tác động tâm thức của toàn thể giới nhân kỳ Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại Nữu Ước, thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên hợp quốc sớm đến miền Nam Việt Nam, chứng kiến tại chỗ chính sách bất công tàn bạo của Ngô Đình Diệm với nhân dân yêu nước, tự do độc lập và công bằng xã hội tại miền Nam Việt Nam. Vị trụ trì kế tiếp phát triển ngôi chùa Khải Đoan đi vào lịch sử  đấu tranh Phật giáo. Năm ấy, Đại đức Thích Quang Huy được giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bổ nhiệm trụ trì và duy trì ngôi Tam Bảo. Kế vị trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Châu Quang.
 
Đương kim trụ trì Thượng tọa Thích Châu Quang
 
Với nguyện vọng ban đầu của những người sáng lập, ngay từ buổi đầu đưa vào sử dụng, Khải Đoan giữ vai trò Trung tâm Phật giáo tỉnh. Trụ sở Hội Phật học tỉnh Đak Lak đầu tiên đặt tại đây với người đứng đầu guồng máy là cụ Hoàng Trọng Quang thường gọi là cụ Hường, vị hội trưởng đầu tiên . Kế đến các đời hội trưởng có thầy Thích Đức Thiệu, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Nhơn, Thích Viên Đức, Thích Thuyền Ân. Sau 1963, Phật giáo miền Nam thống nhất sinh hoạt các giáo phái, các hội tăng già và hội Phật học, Khải Đoan lại tiếp tục sứ mạng của mình là trung tâm sinh hoạt giáo hội tỉnh với các nhiệm kỳ chánh đại diện gồm thầy Thích Minh Đức, Thích Đức Thiệu, Thích Nguyên Thanh, Thích Quán Tâm, Thích Toàn Anh, Thích Định Hương, Thích Quang Huy, Thích Giác Dũng.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, Phật giáo cùng dân tộc đi vào ổn định cuộc sống. Năm 1981 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, Khải Đoan lại một lần nữa lãnh xứ mạng cao cả của mình trong vai trò lảnh đạo Giáo hội tỉnh. Hai nhiệm kỳ đại hội phật giáo tỉnh ( 1986 - 1990) Khai diễn nơi đây, cũng như văn phòng Ban trị sự  đặt tại đây đã xác minh hùhg hồn vị trí, vai trò của Khải Đoan mà không một ai có thể phủ nhận.
 
Một nét khá đặt biệt ở cương vị lãnh đạo trung tâm sinh hoạt phật giáo Khải Đoan là thượng toạ Thích Quang Huy, trưởng ban trị sự lại là một tu sĩ suốt mấy nhiệm kỳ giữ chức vụ phó đại diện giáo hội tỉnh từ năm 1963 đến năm 1975, là nhân chứng trước bao thăng trầm của cơ sở này. Khải Đoan vẫn vươn lên sứ mạng lãnh đạo của nó.
 
Ngoài sứ mạng lãnh đạo, Khải Đoan còn là ngôi chùa mang nét nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên, hài hoà trong nét cổ kính của phương Đông. Toàn cảnh chùa quay mặt chênh chếch hướng Tây- Nam. Trông xuống vùng dân cư suối Đốc học, xưa kia là suối, nhận hai nguồn nước từ thị xã đổ về. Lưng chùa tựa vào thế đất dày của phố chợ Buôn Ma Thuột. Phù hợp với thể hình địa lý của người Á Đông; tiền thuỷ hậu sơn mà quan niệm địa dư gọi là 1 thế vững chải miên trường.
 
Phần chính của chùa được xây đựng đầu tiên là một ngôi chánh điện, phối trí theo kiểu nhà Rồng, kết hợp nghệ thuật kiến trúc của Nguyễn qua tám mái chồng diêm và đỉnh nóc có hình dáng tượng trưng lối kiến trúc “Lưỡng long chầu nguyệt”, mái chùa nhô ra như mái nhà Rồng của các dân tộc Tây Nguyên, bốn góc có hình đào uốn lượn. Các bậc tam cấp lên chánh điện, sân được lát bằng gỗ khá công phu tạo một cảm giác gần gũi thân quen của các ngôi nhà sàn dân tộc . Chánh điện chia làm 3 gian, kiểu nhà 3 gian 2 chái cổ xưa, rộng rãi thoáng mát. Trung tâm chánh điện, một bảng hoành phi chạm trổ công phu chữ Hán được mạ vàng là bảng tên chùa vua ban “Sắc tứ Khải Đoan tự” ,thêm hàng chữ nhỏ “Bảo Đại Quý Tỵ niên xuân cát nhật”, do các nghệ nhân kinh thành Huế tôn lập. Việc thờ tự nơi đây đã thoát lối thờ ngày trước, chỉ thờ tượng độc tôn và hai bên là các vị đại Bồ Tát. Các pho tượng đều mang dáng dấp nghệ thuật thời Nguyễn.
 
Đặc biệt, chùa không kiến tạo tháp chuông, trống mà đã được thay vào những mái nhà Rông cao ngất uốn lượn. Tiếng chuông trên mặt sàn cao đã đủ sức vang vọng khắp vùng. Đại hồng chung là một công trình nghệ thuật triều Nguyễn, nặng 380kg, do thái tử Nguyễn Phúc Bảo tặng và các nghệ nhân phường đúc Huế tôn tạo ngày 15/12/1963, với đường nét khắc chạm tinh xảo,công phu.
 
Sau 1963, do nhu cầu mở rộng, đáp ứng sinh hoạt ngày càng lớn, phần lớn chính điện đã được mở rộng bằng một nhà hai tầng bê tông cốt sắt .tầng trên tiếp giáp với chánh  điện nhằm mở rộng diện tích thờ tự và hành lễ, phần dưới làm văn phòng ban đại diện tỉnh hội những năm trước, hai bên làm tăng phòng cho các chức sắc thường trú –Đại đức Thích Nguyên Thanh, chánh đại diện giáo hội tỉnh đồng thời là người phát triển thêm phần sau chánh  điện này. Được biết dự  tính trên mái bằng của phần hậu tẩm này trong tương lai sẽ tạo dựng một ngôi bảo tháp, tạo cho cảnh quang  ngày thêm tráng lệ , hùng vĩ. Trứơc chùa cách một sân rộng là cổng Tam quan  với  hai tầng tháp  ,tầng trên tôn thờ đức Hộ pháp Bồ tát.Cảnh trái chánh diện là Quan Âm Cát được tạo dựng rất công  phu. Tượng Quan Thế Âm dựng trên toà sen, giữa một chiếc hồ tròn, phía trước có hình long mã phù  đồ, một chiếc cầu xi măng bắc qua.Toàn cảnh Quan Thế Âm là một biểu tượng cứu khổ độ sanh của đức Quan Thế Âm trên biển Nam Hải. Cách phối trí hài hoà thật là hữu tình non nước. Cánh phải chánh điện là khu nhà giảng đường tỉnh hội Đaklak được xây dựng vào năm 1970. Tiếp giáp là khu vực văn hoá xã hội, gồm trường Bồ đề, cô ký nhi viện Khải Đoan. Phía sau chánh điện là nhà thờ tổ, trí linh cùng một dãy tăng phòng phía trái. Tất cả được phối trí hài hoà kim cổ. Đó là tất cả địa hình và kiến trúc của chùa Khải Đoan.
 

Sân trước  chánh điện (ảnh chụp khoảng năm 2000)

Ngày nay, Khải Đoan và vị trí thực dụng của nó chỉ còn không đầy một mẫu. Nhưng Khải Đoan vẫn mãi trong lòng Phật tử Đaklak. Một ngôi chùa Lớn, chùa Tỉnh hội . Vị trí và tầm quan trọng của ngôi chùa vùng đất đỏ này đã tự nó khẳng định trong lòng người dân Đaklak, qua nhiều biến cố chiến tranh. Khải Đoan không sao tránh khỏi ảnh hưởng, song vẫn giữ được những nét cơ bản của phong cách nghệ thuật ban đầu.