Từ thuở trời đất chuyển động sáu lần, chín rồng phun nước tắm Phật tại vườn Lâm Tỳ Ni, Đức tướng của Đức Thế Tôn hiển hiện trên Diêm Phù Đề, rồi trãi qua hơn 2500 năm lịch sử, Đức tướng của Bậc Đại Giác không những không phai mờ trên hiện thế, mà ngày một sáng hơn, vi diệu hơn, nhiều người quy hướng và chiêm ngưỡng hơn, có thể nói trong năm châu bốn bể, cho đến ngày hôm nay không nơi nào trên thế giới này mà không có sự xuất hiện hình tướng của Đức Phật, và cũng không chúng sanh nào khi chiêm ngưỡng dung nhan diệu tướng của Phật mà không khởi tâm cung kính, đây là công đức của tướng Phật, vì vậy hình tướng của Đức Phật được xưng tụng là "Đức Tướng".
Đức tướng của Đức Phật theo tư tưởng tín ngưỡng Đại Thừa Phật Giáo do đâu mà có, trang nghiêm vi diệu đến thế nào và hiển hiện ở thế gian ra làm sao? Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có đoạn chép về tướng của Phật như: "Nầy Long vương! Ngươi xem thân của Phật do trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra, các tướng trang nghiêm, quang minh chói rạng, phủ trùm tất cả đại chúng, dù có vô lượng ức các vị tự tại Phạm Vương đều không thể hiển hiện ra được. Những ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng lóa mắt.".
Rồi chốn Song Lâm sau hơn 49 năm hoằng pháp độ sinh Đức Phật nhập vô dư Niết Bàn, chân thân của Ngài cũng từ giây phút này, không còn hiển hiện ở thế gian, chính vì lòng tôn kính Đức Phật, lòng tiếc thương vô hạn của tứ chúng và điều quan trọng nhất là làm sao để cho những người đời sau, cũng như những chúng sanh chưa đủ duyên gặp Phật có được thắng duyên chiêm ngưỡng dung nhan đức tướng của Ngài, cho nên hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Phật, nhất là vua Ưu Điền dùng gỗ chiên đàn để điêu khắc hình tượng đức tướng của Phật.
Trong Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức có chép: "Tôi nghe như vầy; Một thời Đức Phật ở tại cung trời Đao Lợi... bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên cung trời ấy an cư ba tháng thuyết pháp cho mẹ, nhiều sự lợi ích đối với chư Thiên, vô lượng chư Thiên lìa khổ, giải thoát... Lúc ấy, trong Diêm Phù Đề không có Đức Phật. Ví như đêm tối, đầy những vì sao nhưng không mặt trăng, như nước không vua, như nhà không chủ... Khi đó chúng sanh dường như côi cút không chỗ nương tựa...Bấy giờ, vua Ưu Đà Diên đang ở trong cung thường mang nỗi buồn, luôn luôn xúc cảm, khát ngưỡng Đức Phật... Ta xem trong đời không có người nào mà về sắc tướng, phước đức trí tuệ có thể ngang bằng với Đức Như Lai, làm sao cho ta gặp người như thế để ta bớt sầu?....Khởi niệm ấy rồi, vua lại ngẫm nghĩ: “Nay ta hãy nên tạo hình tượng Phật, lễ lạy cúng dường...”.
Từ khi vua Ưu Điền phát tâm tạo tượng Phật, Đức Tướng của Đức Như Lai nương theo sự thể hiện từ lòng tôn kính của chúng sanh, dựa vào nghệ thuật tạo hình của nhân loại, hình thành từ vật chất của thế gian, để hiển hiện trên cuộc đời, tạo thành một nét đẹp nhân tướng mới ở nhân gian, nét đẹp hiền hòa của từ bi, trí tuệ, vẻ đẹp trang nghiêm của giới đức vô lậu, đẹp vô cùng trong vô tận diệu đức "Đại Trượng Phu Tướng Thế Tôn".
Nghệ thuật tạo hình đức tướng của Đức Phật có thể nói được dựa trên bốn thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ "Chân thân Phật"; Thời kỳ thứ hai là thời kỳ dùng các biểu tướng của Phật Giáo, tượng trưng cho đức tướng của Phật "Biểu Tướng Phật"; Thời kỳ thứ ba là thời kỳ đức tướng của Phật được mô tả hiện thực và chân thân hóa "Nhân tướng Phật tượng"; Thời Kỳ thứ tư là thời kỳ hình tượng đức tướng của Đức Phật được thần thánh hóa "Đại Thừa Hóa Thân Phật tượng".
Thời kỳ thứ I "Chân thân Phật tượng", đây là thời kỳ đầu chỉ cho Đức Phật còn tại thế và chính Đức Phật là hình mẫu để cho tứ chúng đệ tử nương theo đó để tạo hình, Vua Ưu Điền là người đầu tiên thực hiện việc tạo hình mẫu đức tướng cho tượng của Đức Phật.
Thời kỳ thứ II là thời kỳ "Biểu Tướng Phật" dùng Tháp tôn trí xá lợi của Đức Phật để tượng trưng cho đức tướng của Đức Phật, hay dùng những vật tướng có liên quan đến Đức Phật cũng như giáo lý của Ngài để biểu tượng cho đức tướng của Đức Phật.
Biểu tượng Hoa Sen, với ý niệm không để nước và chất bẩn bám vào lá, là biểu tượng của sự trong sạch và Phật tính trong mỗi chúng sinh. Hình tướng của hoa sen dưới dạng nở lớn hoặc dạng chỉ hé nhụy cũng là biểu tượng của đức tướng giáng trần của Đức Phật.
Cội Bồ Đề, với ý niệm Đức Phật giác ngộ thành đạo dưới gốc cây này, vì vậy cây này được đặt tên "Bồ-Đề", là ý phiên âm của từ "giác ngộ". Biểu tượng này cũng là do sự ảnh hưởng từ những phong tục tín ngưỡng phồn thực trong xã hội Ấn Độ, cây cối được xem là sự thể hiện của sức sống. Thường thì các trình bày của đức tướng này là một toà tu di trống không dưới cây Bồ đề, để nói đến sự kiện thành đạo của Đức Phật.
Bánh xe Pháp Luân, với ý niệm tượng trưng cho Giáo Pháp của Đức Phật như Tứ thánh đế và Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, bánh xe Pháp Luân cũng là biểu tượng cho lần đầu tiên Đức Phật chuyển Pháp luân tại vườn Lộc Uyển, ý niệm tượng trưng cho chánh pháp được lưu truyền khắp thế gian, hình tượng này được vua A Dục cho điêu khắc chạm trổ trên đỉnh các trụ đá mà nhà vua đã dựng trên khắp vương quốc của ông.
Hình tượng Sư tử là biểu tượng cho sự tôn quý của vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, vị Phật có huyết thống của hoàng tộc Ấn Độ. Thời vua A Dục, người ta cũng gọi Phật là Thích Ca Sư tử "Sư tử xuất thân từ dòng Thích Ca". Cũng như bánh xe Pháp luân, hình tướng của sư tử cũng là một biểu tượng của Đức Phật được vua A Dục chạm khắc trên đầu những trụ đá của thời đại ông. Quốc huy Ấn Độ hiện nay là một cột trụ có hình sư tử xuất phát từ trụ đá vua A Dục.
Thời kỳ thứ III là thời kỳ "Nhân tướng Phật tượng", thời kỳ đầu công nguyên khi Đại Thừa Phật Giáo phát triển hưng thạnh, những tượng Phật, Bồ Tát của thời kỳ này đều được làm theo phong cách nghệ thuật Kiên Đà La Ấn Độ, trường phái nghệ thuật này ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của Hy Lạp nên tính chất mô tả hiện thực trong nghệ thuật hội họa cũng như điêu khắc của Tây phương được thể hiện rất rõ nét trong các pho tượng Phật và Bồ Tát trong thời kỳ này, vì vậy hầu như hết thảy tượng Phật và Bồ Tát thời kỳ này đều được thể hiện tính chất nam tướng rất rõ ràng, trên khuôn mặt của mỗi tượng Phật, Bồ Tát nếu là nam giới đều có râu.
Phật Giáo Ấn Độ sau thời kỳ vua A Dục, thế kỷ thứ II Phật Giáo Thượng Tọa Bộ ở miền Nam Ấn Độ vẫn còn truyền thống biểu thị Đức Phật bằng những biểu tượng, nhưng Phật Giáo Đại Thừa ở khu vực miền Bắc Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ thứ I đã bắt đầu điêu khắc họa vẽ hình tượng Đức Phật. Các nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng Đức Phật được xuất hiện là do sự ảnh hưởng tư tưởng văn hóa nghệ thuật của Hy Lạp phương Tây.
Vào những năm 356 đến 323 trước công nguyên, sự ra đời của Alexander đại đế và những cuộc viễn chinh của ông đã tạo một bước ngoặc lớn trong việc giao thoa văn hóa của hai miền Đông Tây. Trong cuộc viễn chinh cuối cùng đã chiếm đóng một vùng đất rộng lớn của miền Bắc Ấn Độ, và văn hóa nghệ thuật của người phương Tây, nhất là nghệ thuật của Hy Lạp được truyền vào Ấn Độ, tính tả thực của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp được truyền vào nghệ thuật tạo tượng của Phật Giáo, từ đây hình tượng của Đức Phật được ra đời dưới sự phối hợp của hai dòng nghệ thuật tả thực của phương Tây và trừu tượng của phương Đông.
Hình tượng Đức Phật có "râu" được ra đời từ sự hòa hợp của hai nền nghệ thuật tạo hình này, vì hai nền văn hóa đều có chung một tư tưởng đại trượng phu tướng, tướng của đàn ông thì đều phải có râu, cho nên Đức Phật là "Nhân Trung Vương", là tướng tốt trên hết thảy các tướng tốt, trượng phu hơn hết thảy được gọi là trượng phu nên hình tướng của Ngài được các nhà điêu khắc thời kỳ đầu của nghệ thuật điêu khắc Phật Giáo, tạo hình chạm trỗ hay họa vẽ tượng Phật và Bồ Tát nào cũng đều có râu, để thể hiện và nói lên đức tướng "Đại Trượng Phu" theo quan niệm lúc bấy giờ.
Tướng râu trên diện của tượng Phật theo quan niệm của nghệ thuật tạo tượng Phật Giáo Đại Thừa Bắc Truyền, người Đông phương gọi là râu Bát Tự (râu hình chữ Bát) là tướng râu thể hiện nam tính rõ nét nhất của người đàn ông khác biệt với phụ nữ, ông bà xưa có câu: "Nam tu Nữ nhũ", cho nên trong xã hội ngày xưa đàn ông thường phải để râu để thể hiện tướng Trượng Phu, vậy nên hình tượng của Đức Phật được thể hiện có râu, cũng không có gì lạ trong tư tưởng văn hóa nghệ thuật xã hội lúc bấy giờ, và đôi khi còn được xem như là phong cách thời thượng được mọi người tôn sùng.
Theo quan niệm của người Đông phương râu mép trên miệng được tượng trưng cho tướng Đại Trượng Phu. Các bậc Đông phương Cổ đức cho rằng: "Người có tướng đại trượng phu là người có chí khí của người nam tử làm việc gì cũng thuận thời, thuận thế. Người có thể đem lại an lạc cho mọi người, tránh cho mọi người khỏi các khổ nạn đó là người chính nhân quân tử đại trượng phu".
Tướng Đại Trượng Phu theo quan niệm của các Thiền Lâm Cổ Đức Phật Giáo Bắc Truyền là: "Học Phật là việc làm của người Đại trượng phu, chưa chắc gì các bậc Đế vương có thể làm được. Cũng có thể nói, đế vương tướng anh hùng khí khái, nhưng chưa chắc gì đã đầy đủ những tư cách của người học Phật cần có. Cho nên Đức Phật mới được tôn xưng là Đại Hùng Thế Tôn, Thiên Nhân Sư, Điều Ngự Đại Trượng Phu".
Thời Kỳ thứ IV là thời kỳ "Đại Thừa Hóa Thân Phật tượng", hình tượng đức tướng của Đức Phật được thần thánh hóa theo các Kinh Điển của Đại Thừa Phật Giáo Bắc Truyền. Hình tướng có râu của Đức Phật được Kinh Điển Đại Thừa Phật Giáo Bắc Truyền nhắc đến từ rất sớm như trong Pháp Uyển Châu Lâm trích đoạn Kinh Phật Bổn Hạnh có chép: "Ta thấy chư Phật đều tự mình cắt bỏ râu tóc, hết thảy Thánh Phàm không thể thấy được Phật đảnh của Ta, duy chỉ có hai râu mép, tuy đã cạo nhưng không rụng...", đây là một trong những điển tích quan trọng trong kinh điển Phật Giáo nói về sự xuất hiện tướng có râu của Phật.
Tướng Phật có râu được các nhà nghệ thuật Phật Giáo thời xưa, lấy ý tưởng từ truyền thống văn hóa nghệ thuật của thời kỳ "Biểu Tướng Phật" làm nền tảng để xây dựng hình tượng tướng có râu của Phật. Phật Giáo thời kỳ đầu dùng các hình tướng biểu tượng hoa sen, bánh xe pháp luân.v.v... biểu trưng cho Đức Phật. Tướng râu trên diện của Đức Phật nói lên ý biểu trưng cụ túc tam thập nhị tướng và bát thập chủng hảo của đấng Pháp Vương, vì theo sự ghi chép của Kinh điển Đại Thừa hình tướng của Đức Phật người phàm phu không cách gì có thể diễn tả hết được.
Như trong Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức có chép về sự khó khăn trong việc tạo hình tượng của Đức Phật: "...Nhưng vua Ưu Điền lại quán xét: “Nếu ta tạo tượng mà không giống Phật, e khiến cho ta mắc vô lượng tội.”... Những tay thợ giỏi cùng tâu vua rằng: Nay vua ra lệnh, thật là việc khó. Tướng tốt nhiệm mầu của Đức Như Lai, trên thế gian này không ai sánh nổi. Nay đây chúng tôi làm sao có thể tạo hình tượng Phật? Giả sử Thiên thần Tỳ Thủ Yết Ma mà có tạo tượng, cũng chẳng thể nào giống Đức Như Lai...".
Theo quan niệm của truyền thống nghệ thuật tạo tượng của Đại Thừa Phật Giáo Bắc Truyền, râu chữ bát được tượng trưng cho Bát thập chủng hảo (80 vẻ đẹp), râu chữ bát cộng thêm chòm râu bên dưới cằm cả ba cộng lại tượng trưng cho con số 32 là hình tướng cụ túc biểu thị cho Tam thập nhị tướng (32 tướng tốt). Vì vậy khi tô vẽ hoặc là điêu khắc hình tượng đức tướng của Đức Phật là người phàm chúng ta không làm sao có thể thể hiện hết các đức tướng quang minh của Phật, cho nên tâm niệm rằng dùng tướng râu để thể hiện tính cụ túc 32 tướng tốt 80 vẽ đẹp trên bảo tượng của Đức Phật.
Trong Pháp Giới Thứ Đệ chép: "Thể tướng ứng hóa của Như Lai, đều hiện đầy đủ 32 tướng, đây là sự thể hiện viên mãn vô cùng của Pháp Thân, làm cho hết thẩy chúng sanh khi trông thấy đều sanh tâm cung kính và thương mến, biết được tôn sùng, công đức thù thắng. Bậc Nhơn Thiên Trung Tôn, là vua trong vô lượng Thánh chúng, vì vậy mà hiện 32 Tướng...".
Từ việc khó có thể diễn tả hết những vẻ đẹp trang nghiêm trên thân tướng của Đức Phật, các nhà nghệ thuật tạo tượng ngày xưa vận dụng tướng biểu trưng trong Phật Giáo để làm viên mãn cho ý niệm Phật thân cụ túc, cho nên vẽ râu lên tượng Phật là thể hiện đức tướng cụ túc của Thế Tôn, trong Kinh Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải có chép về cách họa vẽ tướng râu của Đức Phật: "...có ba cách họa râu mép của Như Lai, họa thứ nhất là vẽ râu dưới cằm cuộn tròn như viên bảo châu, chuyển theo vòng xoay của tóc, tượng trưng cho ánh sáng của bảo châu chiếu sáng trăm ngàn màu sắc, sau đó họa râu trên mép chạy theo trên môi đến cùng cuối uốn cong ba vòng là tướng quang minh râu mép của Như Lai".
Râu của Đức Phật cũng là một trong những chân thân Xá Lợi, được trời người xây tháp tôn thờ, trong Kinh Phật Bổn Hạnh có chép: "Bấy giờ Phạm Vương bay lên hư không để cạo tóc cho Ta, sau đó cạo hai râu trên mép, cạo râu mép rụng xuống, liền phóng đại quang minh, rơi xuống Diêm Phù, hóa thành hai bảo tháp, cao đến đỉnh trời, cụ túc hết thảy trang nghiêm. Từ khi Ta thành Phật đến nay, hai tháp này đã có trước, mười phương chư Phật đều bảo với Ta rằng, nên đem hai tháp râu mép này mà giao cho Phạm vương để trông coi và bảo hộ".
Lại nữa khi Phật nhập diệt, trà tỳ xong, các vị quốc vương đến phân chia Xá Lợi để về xây tháp phụng thờ thì trong Kinh Đại A Dục Vương phẩm thứ 13 có nói đến vua A Xà Thế chia Xá Lợi râu Phật cho Long Vương về xây tháp như trong phần Tháp Râu của Phật Thích Ca ở Long Cung Ký có đoạn chép: "Tám nước cùng nhau phân chia xá lợi của Phật, Vua A Xà Thế được phân 8 vạn 4 ngàn viên và được xá lợi râu mép của Phật đem về nước, trên đường về nước gặp Long Vương và Nan Đầu, hai vị này cầu xin nhà vua chia cho Xá Lợi. Vua A Xà Thế không cho, Long Vương bảo rằng ta là Long Vương nếu không cho ta Xá Lợi Phật thì ta có thể làm mưa lũ để làm tổn hại đất nước của ông, Vua A Xà Thế lo sợ nên lấy Xá Lợi râu Phật mà cho Long Vương. Long Vương về dưới núi Tu Di xây tháp bằng thủy tinh, cao 8 vạn 4 ngàn thiên lý để thờ Xá Lợi râu Phật...".
Qua đó cho chúng ta thấy đức tướng có râu đại trượng phu của Đức Phật trong Phật Giáo Bắc Truyền là một trong 10 đức hiệu của Như Lai: "Nam Mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.", đồng thời biểu thị cho sự cụ túc của 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật ứng với câu mô tả về đức tướng của Phật trong nghi thức thỉnh Phật trong nghi lễ Phật Giáo Bắc Truyền: "Ngồi trên liên hoa đài, phóng ra trăm ngàn muôn ức hào quang, Đức Năng Nhân đủ 32 tướng tốt, Bậc Đại Giác trọn đầy 80 vẻ đẹp.."
Hình Tượng của chư Phật và Bồ Tát được tạo ra đều căn cứ theo sự ghi chép trong kinh điển của Phật Giáo như "Pháp Giới Thứ Đệ", "Đại Trí Độ Luận", "Đại Thừa Nghĩa Chương", "Kinh Trung A Hàm".v.v... trong các Kinh điển đều có ghi chép về nội dung mô tả hình tượng của Đức Phật, như thủ ấn, phục sức, dáng ngồi, đi đứng.v.v... đều được thể hiện trong quy tắc 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.
Trong Kinh Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Độ còn quy định cả kích thước của các hình tướng trên thân của tượng Phật, không được tùy ý chỉnh sửa, ví dụ làm một pho tượng Phật có đủ bao nhiêu phân lượng độ thì mới có thể ứng với bao nhiêu phần Phật tánh, được bao nhiêu phần Phật tánh mới có thể độ bao nhiêu chúng sanh khi lễ bái và được phước đức khi lễ bái, còn nếu làm không đúng thước tấc thì Phật tánh không có trong tượng Phật và như vậy thì không cụ túc tướng của Phật.
Tướng có râu của Phật, nếu y theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải do Ngài Thiên Trúc Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La đời Đông Tấn dịch mà tu pháp quán tưởng râu mét của Phật thì sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng tội lỗi trong nhiều kiếp, trong Kinh có đoạn chép: "Như thế nào là quán tướng râu mép của Như Lai, râu mét của Như Lai đoan nghiêm ngay ngắn chạy theo hai bên của môi trên có màu tử tía quang minh hồng sắc, phóng ánh sáng tỏa khắp từ trên diện cho đến dưới cổ của Như Lai, Viên mãn chiếu diệu... Sau khi Ta diệt độ theo như lời dạy này mà quán tưởng, có thể tiêu trừ tội lỗi trong 30 kiếp sanh tử...".
Phật tướng cũng như vậy, tùy thuận theo chúng sanh để thị hiện độ chúng, như trong Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật đã dạy: "Tùy theo tâm của chúng sanh, để biết mà ứng hiện...". ngày nào chúng sanh là Phật rồi thì Tâm, Phật, Chúng Sanh cả ba là một thì Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng, Thiên Bá Ức Hóa Thân Tướng cũng chỉ là một, không hai không khác, thì tướng có râu cũng là chân tướng, tướng không râu cũng là thật tướng và cuối cùng là đạt đến Vô Tướng, đâu còn tướng nào để giả để chân, như vậy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật, vì vậy mỗi tướng của chúng sanh đều là tướng Phật trong ba đời, tương ưng tùy duyên ứng hiện.
Đức Phật vốn thành tựu vô lượng công đức cho nên có vô lượng tướng hảo nhưng vì độ chúng sanh mà tùy cơ ứng hiện, trong Đại Trí Độ Luận quyển thứ 88 có chép: "Chư Phật đều hiện tướng của bậc Đại nhân, vì vậy theo quan niệm của người Trung Thiên Trúc ở Diêm Phù Đề cho rằng đầy đủ đại trượng phu tướng gồm có 32 tướng... vậy nên Phật vốn là lìa bỏ hết thảy các tướng, nay lại hiện tướng là thuận chúng sanh vậy...".
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng", tất cả các tướng đều là hư vọng không chân thật, chỉ là tùy duyên độ chúng nên thị hiện tướng mà thôi, vậy nên trong Kinh Pháp Hoa phẩm Hóa Thành Dụ có ý nói hết thảy đều từ nhân duyên mà "Có" rồi cũng tùy duyên rồi "Không". Nhưng "Có Không", không phải là vấn đề cần phải lưu tâm để rồi sanh cố chấp phiền não, mà "Có Không" nơi ấy chúng ta có đắc được an lạc hay không? nếu đắc được an lạc thì cái "Có" ấy vẫn là Phật Pháp. Còn bảo rằng không mà chính chổ chấp "Không" tạo nên phiền não thì cái "Không" ấy vẫn là điều chướng ngại không phải là pháp của Phật, vậy nên tùy duyên trong "Có Không" là cốt lỏi tạo nên Niết Bàn tịch tịnh.
Theo Phật Giáo Bắc Truyền tướng râu bát tự trên diện Phật không phải do các họa sư hay nhà điêu khắc tự ý sáng tạo hay vẽ lên, mà tất cả đều y cứ theo kinh điển của Đại Thừa cũng như lời Phật dạy ở trong Kinh mà tạo nên hình tượng có tướng râu, như Kinh Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải, Kinh Đại A Dục Vương, Kinh Phật Bổn Hạnh.v.v... Cho nên tướng râu của Phật ngoài sự thể hiện tướng Đại Trượng Phu ra còn nói lên công đức thành tựu đức tướng của Phật, và sự thể hiện tư tưởng tinh thần Đại Thừa Giáo Hải của Phật Giáo Bắc Truyền.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 46
Hôm nay : 3882
Tháng hiện tại : 199748
Tổng lượt truy cập : 29138802