Mở đầu phẩm Hóa thành dụ, chương thứ bảy kinh Pháp hoa, Đức Phật kể lại câu chuyện về Đức Đại Thông Trí Thắng (Mahā-bhijñāa-jñānābhibhu), một vị cổ Phật đã nhập diệt cách đây rất lâu. Thời gian lâu xa đó được diễn tả bằng một thí dụ như sau.
Có người đem cả thế giới tam thiên đại thiênnghiền nát thành mực. Rồi đi qua mỗi một nghìn thế giới ở phương Đông thì chấm một điểm; cứ như thế chấm cho hết số mực đó. Sau cùng, đem tất cả thế giới đã đi qua, hoặc có chấm mực hoặc không có chấm mực, nghiền nát thành bụi; và cứ mỗi hạt bụi là một kiếp. Từ khi Đức Đại Thông Trí Thắng diệt độ đến nay, số kiếp lâu xa hơn số bụi đó vô lượng vô biên, trăm nghìn muôn ức lần. Ở đây, Đức Phật dùng số lượng hạt bụi của thế giới để ví cho sự lâu dài bất khả tư nghì.
Thông thường, thời gian được quan niệm như một chiều dài vô tận, kéo dài từ quá khứ đến vị lai. Với cách hiểu này, thời gian lâu xa tính bằng số lượng hạt bụi hay còn gọi là vi trần kiếp như trên quả là không thể đo lường được. Ngay cả với khả năng tư duy cao hay trí tưởng tượng phong phú, một nhà toán học cũng không thể đếm được có bao nhiêu hạt bụi trong căn phòng của mình, hà huống là đếm được số lượng hạt bụi của một thế giới, hai thế giới và cho đến trăm nghìn muôn ức thế giới.
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Vậy sự mô tả thời gian lâu xa của vi trần kiếp có ý nghĩa đích thực là gì? Thử một lần để lại đằng sau mọi ý niệm một, hai, ba... và chúng ta bắt đầu suy gẫm: Tại sao phải phóng tầm nhìn vào một quá khứ xa xôi, xa đến nỗi ngay cả trí tưởng tượng cũng không thể vươn đến được như thế? Phải chăng càng tư duy về điều đó, thì trí thông minh của chúng ta càng bị dồn đến chỗ tận cùng; đến một điểm mà ở đó mọi suy tính, phân biệt đành phải dừng lại, nhường chỗ cho thế giới vô phân biệt, một thế giới vốn vượt lên trên mọi khái niệm dài-ngắn, xa-gần?
Quả thật như thế, khi tư duy khép lại, và chỉ có mặt trong tỉnh thức một cách trọn vẹn, lúc bấy giờ cánh cửa không môn của thế giới chân thật-hiện tiền sẽ mở ra. Ở đó, một thế giới sống động, phi thời gian, từ bao giờ vẫn như thế, vẫn mải miết trôi giữa dòng thực tại vô ngã. Đây không phải là cái nhìn theo cách phân biệt của con đường tư duy-hữu ngã, mà là cái nhìn như thật, được phóng chiếu trực tiếp từ đời sống thực tại-hiện tiền, bây giờ và ở đây. Chính vì vậy, sau khi đưa ra thí dụ về sự lâu xa của vi trần kiếp, Đức Phật nói rằng, “Với tri kiến của Như Lai, sự lâu xa đó giống như là ngày hôm nay”.
Rõ ràng trong thế giới thực tại, tự thân nó không có khái niệm thời gian vật lý dài đăng đẵng. Ở đó, đời sống thực thụ trôi lăn trong mỗi niệm sinh diệt tương tục. Và vì vậy, sinh và diệt của mỗi ý niệm được xem là một kiếp. Đến và đi trong mỗi nhịp đập của trái tim là một kiếp. Mỗi cái nháy mắt là một kiếp; và cũng như thế, mỗi hạt bụi là một kiếp. Tại đây, với một cái nhìn vượt thời gian, chúng ta có thể đi đến gần hơn với Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai.
Chuyện kể rằng: Đức Phật Đại Thông Trí Thắng ở nước Hảo Thành, sống lâu đến 540 vạn ức na-do-tha kiếp. Lúc Ngài ngồi nơi đạo tràng phá ma quân, sắp sửa thành đạo nhưng Phật pháp không xuất hiện. Thuở đó, các vị trời Đao-lợi trải tòa sư tử cao một dặm dưới cội bồ-đề để cúng dường. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó, chư thiên tấu nhạc trời, các vị Phạm-thiên rải hoa trời, gió mang mùi hương lâu lâu thổi đến, dọn hoa héo rồi rải hoa mới để cúng dường. Trải qua suốt mười tiểu kiếp như thế, bấy giờ Phật pháp mới xuất hiện và ngài thành tựu Vô thượng Chánh giác... Câu chuyện của kinh Pháp hoa tạm dừng lại ở đây.
Hơn nghìn năm sau, một vị thiền sư tên là Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) trong tập sách công án thiền nổi tiếng có tựa đề là Vô môn quan (Ải không có cửa) đề cập đến câu chuyện của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, đại khái như sau:
- Có vị Tăng đến hỏi Hòa thượng: Tại sao Đức Phật Đại Thông Trí Thắng ngồi tịnh ở đạo tràng đến mười kiếp mà Phật pháp không xuất hiện?
- Hòa thượng trả lời: Câu hỏi của ông là câu trả lời rồi đó.
- Vị Tăng thưa: Đã ngồi ở đạo tràng... sao không thành Phật?
- Hòa thượng đáp: Vì ngài không thành Phật!
Mẩu thoại ngắn trong công án này ngầm mô tả cái khả tính giác ngộ vốn sẵn có trong tâm của mỗi chúng sinh. Đại Thông Trí Thắng nghĩa là bậc giác ngộ, có trí tuệ tối thượng, thông suốt tất cả các pháp (nhất thiết chủng trí). Và do đó, một bậc như thế khi ngồi ở Bồ Đề (giác ngộ) Đạo Tràng có nghĩa là ngài đã thành Phật rồi. Đã là Phật rồi... đâu cần phải trở thành Phật nữa? Ngài chỉ hóa thân thành Phật theo cơ duyên mà thôi. Vì thế, lời bàn của Vô môn tóm tắt rằng: “Người phàm nếu hiểu được sẽ trở thành bậc thánh; bậc thánh bây giờ mới hiểu trở thành kẻ phàm”.
Công án kết thúc với lời kệ tụng như sau:
Liễu thân hà tự liễu tâm hưu,
Liễu đắc tâm hề thân bất sầu.
Nhược dã thân tâm câu liễu liễu,
Thần tiên hà tất cánh phong hầu.
了 身 何 似 了 心 休
了 得 心 兮 身 不 愁
若 也 心 身 俱 了 了
神 仙 何 必 更 封 侯.
Tạm dịch:
Biết thân đâu bằng biết được tâm
Tâm đã ngộ rồi nhẹ nhàng thân
Tâm thân vô ngại cùng chung biết
Thần tiên rồi chức tước có cần?
Rốt cuộc, đâu cần phải trở về cát bụi, cuộc sống đã là cát bụi rồi. Mỗi kiếp sống vẫn như hạt bụi nhỏ. Dù một hạt bụi, hai hạt bụi, hay trăm nghìn hạt bụi, giữa vi trần ức niệm, cái nhỏ nhất cũng là cái gì lớn nhất. Sinh hay tử, mê hay ngộ... tất cả đều nằm ở đó.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 128
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 127
Hôm nay : 4735
Tháng hiện tại : 511856
Tổng lượt truy cập : 27309981