Câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng: 3 năm bắn chim, 18 năm đau đớn

Thứ hai - 18/04/2016 10:17
Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo? Đây là câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng.

Thưa quý độc giả,

Khi còn đi học, tôi hoàn toàn không tin Phật, Bồ Tát, tội, phúc đức hay nhân quả báo ứng. Tôi cho rằng đây là chuyện của những người mê tín, thiếu học vấn, chứ còn người có học thức thì không tin những việc này.
 

Hơn 20 năm vở kịch kinh hoàng này mà tôi phải trải qua mới được diễn xong, máu và nước mắt đã làm tôi tỉnh ngộ, nhận thức của tôi thay đổi 180 độ. Vì không muốn ai dẫm lại lên vết xe đổ của tôi, tôi xin viết câu chuyện có thật của bản thân mình, để mọi người đừng làm việc như tôi đã từng làm, và đây cũng là cũng cách sám hối mà tôi đã thực hành bao năm nay…
 

Sống buông lung không mục đích…

Năm 1960 vì hoàn cảnh khó khăn, tôi buộc phải nghỉ học khi đang học trung học phổ thông. Tôi đã trở về quê hương để phụ gia đình làm ruộng. Do còn quá trẻ, nhận thức kém, tôi suốt ngày sống buông lung không có mục đích. Lúc bấy giờ thanh thiếu niên lớn lên chỉ tin khoa học, tuyệt đối không được tin Phật, tin Nhân Quả. Đương nhiên tôi cũng không là trường hợp ngoại lệ.
 

Do cuộc sống quá vô vị, tẻ nhạt, tôi nghĩ phải tìm cách giải trí gì đó để kích thích cuộc sống. Vả lại lúc đó vật chất, thực phẩm vô cùng thiếu thốn, thèm thịt còn hơn thèm á phiện nữa, do đó tôi tích cóp tiền trong nhiều năm mua được cây súng hơi. Từ khi có súng, tôi lấy việc bắn chim làm thú vui, bắn được chim tôi liền đem về làm thịt, ăn cho có thêm chất dinh dưỡng.
 


 

Trở thành xạ thủ…

Hai ba năm sau, nhờ bắn chim nhiều nên kinh nghiệm càng dày dạn, tôi trở thành xạ thủ bắn chim có tiếng. Tôi thường nấp vào những đám ruộng hoang, bên rừng cây, hoặc vào trong núi để tìm chim bắn. Chỉ cần nghe thấy chim hót trên cây, tôi liền mò đến và giương súng bắn; trong nháy mắt viên đạn trong nòng súng của tôi đã ghim vào con chim.
 

Máu nó tuôn chảy, nhỏ thấm vào lá cây, một lúc sau mới rớt xuống, nhưng mắt của nó vẫn giương to không chịu nhắm lại. Hình như nó còn luyến tiếc bầu trời trong xanh, cánh rừng tươi mát, đàn con dại trong tổ đang chờ Mẹ, Cha đi kiếm mồi về, hay là nó không nhắm mắt vì thù hận tôi?
 

Có nhiều khi con chim bị bắn trúng, rơi xuống đất, vẫy cánh yếu ớt vài cái rồi mới chết, lông mao bay tứ tung, máu chảy nhầy nhụa. Có những con chim chỉ bị thương, nó cố dùng chút hơi tàn để chạy trốn thì tôi đuổi theo ngay, quyết không để nó trốn thoát. Có khi đuổi mệt quá, tôi liền cho nó ăn thêm một viên đạn nữa. Cũng có khi tôi lần mò theo vết máu để tìm, rất nhiều con chim khôn lắm, biết trốn vào cỏ, khi tôi phát hiện ra thì thấy nó đang giẫy giụa, miệng há hốc, máu trong miệng túa ra…
 

Thế mà tôi nào biết thương nổi thống khổ của nó. Lúc ấy tôi chẳng mảy may động lòng hành động tàn nhẫn của mình, cũng không hề có cảm giác tội lỗi, mà còn cho đó là thú vui nhất trên đời, nên càng ra sức bắn giết. Tôi có thể bỏ cả ngày đi săn lùng chúng mà không thấy mệt mỏi.
 


 

Thân mang đầy “sát khí”…

Vì đã giết quá nhiều chim, cho nên bất luận tôi đi đến đâu, trên tay có cầm súng hay không, tất cả chim muông vừa thấy tôi là tự dưng chúng đều bay mất dạng. Thậm chí, có những đàn chim rất lớn, chúng đang tìm mồi, vừa thấy bóng dáng tôi từ xa là chúng lập tức bay ngay, động tác của chúng vô cùng vội vàng, chẳng những vậy mà chúng còn hốt hoảng kêu la nữa.
 

Do vô minh, tôi không biết rằng do sát khí của mình quá nặng khiến chim muông vừa thấy bóng tôi liền chạy trốn vì quá sợ hãi.
 

Thời gian tôi bắn chim không lâu, chỉ trong khoảng ba năm, từ năm 18 tuổi cho đến năm 20 tuổi, nhưng vì là tay thiện xạ, lại rất say mê, nên số lượng chim trời bị tôi bắn rất nhiều, có ngày bắn được mấy chục con. Không có người thân bên cạnh, người trong làng cũng không ai khuyên bảo, tôi lại càng dấn thân sâu vào tội lỗi. Mãi sau, tôi dần nhận thấy hành động của mình quá tàn nhẫn, tôi mới bỏ việc bắn chim.

Bắn chim
 

Một lần nọ, tôi tình cờ gặp được một người bị dân trong làng cho là “gàn dở mê tín” và “côn đồ”. Tôi và ông ta cùng đi chung một đoạn đường. Ông kể cho tôi nghe một chuyện có liên quan đến báo ứng.
 

Thú thật, lúc ấy những tư tưởng được nhồi sọ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ăn sâu trong tâm trí nên tôi không một chút tin tưởng vào lời ông. Nhưng, sâu trong tâm khảm tôi, vẫn còn lắng đọng âm hưởng những gì ông nói, tôi thường thấy bất an vì những hành động trước kia của mình. Tôi bắt đầu đi tìm người để thỉnh giáo. Nhưng những người trong làng họ đâu có tin tội nghiệp và phúc đức, đâu có tin nhân quả báo ứng, biết hỏi ai bây giờ?
 

May sao, giữa cánh đồng có một ngôi miếu bị bỏ hoang, trong ngôi miếu ấy có một ông lão ngày ngày lo việc hương khói, tôi liền đến thỉnh giáo.
 

Sau khi nghe tôi kể về những hành động tội ác trước kia của mình, ông suy nghĩ một lúc rồi nói:

“Theo chỗ tôi được biết, vấn đề của anh thì nếu đã biết sợ tội ác, thì phải mau chóng quyết tâm sửa lỗi lầm, lúc nào anh cũng phải có tâm nguyện: thà chết chớ không làm việc ác nữa, thì mới mong cứu vãn bớt việc ác báo sau này.”

Đó chỉ là lý thuyết, nhưng thực tế chẳng hề dễ dàng, đơn giản như vậy.
 

Bắt đầu gánh nhận hậu quả…

Hai năm sau, tôi phát hiện ở hậu môn của mình có năm sáu cục trĩ, nó thường làm cho tôi đau đớn thống khổ vô cùng, nhất là những lúc đi vệ sinh. Trước giờ bệnh trĩ là căn bệnh mà mọi người thường gặp, chỉ cần tìm một vị bác sĩ chuyên khoa thì sẽ chữa bớt ngay. Tôi liền đi mời một vị bác sĩ giỏi về bệnh trĩ đến chữa bệnh.
 

Cách trị liệu của ông ta là dùng một loại thuốc nước có mùi rất thối xoa vào những cục trĩ đó, mục đích để cho thuốc này ăn mòn dần dần những cục trĩ. Hàm lượng thạch tín trong thuốc nước của ông rất cao (thạch tín là hợp chất Arsenium, ký hiệu As, màu vàng, vị đắng, rất độc).
 

Mỗi ngày ông đến nhà để thoa thuốc, sau đó mỗi cục trĩ ông châm một cây kim. Nhiều năm lão luyện, tay nghề ông rất giỏi, cộng thêm ông dùng thuốc tê, vì vậy khi châm kim vào tôi không có một chút cảm giác đau đớn. Nhưng khoảng năm giây sau khi châm, tôi thấy trong tim hồi hộp khó chịu, hô hấp bắt đầu khó khăn, thấy trời tối sầm, tình hình không mấy khả quan.
 

Bắn chim
 

– Không được rồi! Bác sĩ!…

Tôi dùng hết sức mới nói được mấy tiếng đó, nói xong tôi không còn sức để thở nữa. Lúc ấy trước mắt chỉ là màn đen tối mịt, dù tôi cố mở to mắt cũng không thấy được gì hết, tay chân run rẩy, rung lắc giống như thây ma treo cổ bị gió lùa; tiếp theo là co giật giống như người mắc bệnh kinh phong, cảm giác như bay lơ lửng trong không trung; tâm tôi tuy vẫn tỉnh táo sáng suốt, nhớ rõ từng hành động cử chỉ của mình, nhưng vô cùng khó chịu. Tôi nghe rất rõ tiếng hô hoán của bạn tôi đang đứng bên cạnh để chăm sóc:
 

– Bác sĩ! Không ổn rồi! Anh ta sẽ chết mất! Không cần thoa thuốc nữa! Hãy mau rút kim ra đi!
 

Anh ta la tiếp:

– Máu chảy ra nhiều quá kìa, Bác sĩ! Chất độc trong thuốc nước của ông đã xâm nhập vào máu của bạn tôi rồi…

Rồi anh ta làm náo động cả lên, cảm giác của tôi lúc đó rất lạ kỳ, tôi thấy hình như có người rót nước vào miệng cho tôi uống… Khoảng nửa giờ sau, tôi dần dần tỉnh lại. Kiểm tra lại, thì đâu có ai cho tôi uống nước lúc đó, và nguyên nhân là do vì muốn bệnh mau lành nên ông bác sĩ đã bỏ hàm lượng thạch tín vào trong nước thuốc khá cao, chất thạch tín theo cục trĩ xâm nhập vào mạch máu, mà mạch máu thì thông với tim, vì vậy mới khó thở khi thoa thuốc. Nhờ phúc duyên, tôi đã trở lại từ cõi chết, đây là lần thứ nhất tôi nếm sơ mùi vị của cái chết.
 

Những lỗ kim châm lần này lại là nguyên nhân chính khiến cho sau này càng khó chữa trị. Trải qua 18 năm, những lỗ kim vẫn không lành, do trĩ ngoại liền với mạch máu nên những lỗ kim này giống như cái ống dẫn máu ra ngoài, do đó máu cứ liên tục chảy ra nhưng chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây.
 

Do lần chữa trị đầu tiên đã mắc sai lầm, nên máu càng ngày càng ra nhiều, lúc bình thường thấy ít ra máu, lâu lâu mới chảy ra vài giọt. Nhưng khi đi đại tiện thì thật kinh hồn. Vừa ngồi xuống, thấy máu chảy ra như nước từ trong người chảy ra qua đường tiểu tiện, máu chảy mạnh giống như lúc bác sĩ châm kim vào. Máu chảy xong , tiếp theo là huyết tương chảy ra thành vòi (huyết tương là chất nước màu vàng của máu sau khi loại bỏ hết huyết cầu). Mỗi ngày tôi phải đi đại tiện một lần, mỗi lần như vậy đồng nghĩa là tôi mất cả một bô huyết tương.
 

Chỉ vài tháng sau, da tôi trắng bạch, tay chân run rẩy, mắt bắt đầu mờ dần. Nhiều người thấy tình cảnh như vậy họ thương quá, ai cũng bảo tôi đi mời bác sĩ về chữa, bằng không hậu quả khó lường được.
 

Tôi lại đi mời một vị bác sĩ giỏi về bệnh trĩ, ông ta là bác sĩ chuyên khoa rất nổi tiếng ở một bệnh viện lớn. Ông bảo tôi hãy yên tâm, ông chữa mau và đặc biệt không đau, vì không tiêm chích chỉ thoa thôi. Ông dùng thuốc giã nhuyễn, mỗi ngày thoa lên cục trĩ, cục trĩ sẽ khô và tự rụng. Ông còn bảo đảm chỉ sau một tuần toàn bộ những cục trĩ của tôi đều rụng hết, mà vĩnh viễn không còn chảy máu nữa. Đương nhiên khi nghe vị bác sĩ nổi tiếng hứa như thế, tôi vô cùng vui mừng, đặt hết hy vọng vào ông.
 

Bắn chim
 

Ngờ đâu, ngay đêm hôm đó, tôi rất muốn đi đại tiện. Nó thúc giục giống như bị tiêu chảy vậy. Tôi nhờ người bạn dìu đến nhà vệ sinh, mà hơn nửa tiếng không ra được một chút phân. Trải qua mấy tiếng, càng ngồi lại càng mắc. Tôi cố nhẫn nại ngồi, cho đến khi hai chân không còn cảm giác, đến nỗi ngủ gục trong nhà vệ sinh. Anh bạn chờ lâu quá đã vào phòng ngủ một giấc, giật mình dậy mới dìu tôi vào phòng ngủ. Nhưng chưa kịp leo lên giường, tôi lại trở ra đi cầu tiếp…

Cứ như thế, suốt đêm tôi cứ chạy đi chạy lại liên tục. Thống khổ đến mức chảy nước mắt, toàn thân run lên. Vậy mà sự thống khổ này kéo dài liên tục suốt 7 ngày đêm, mà thống khổ của đêm sau lại hơn đêm trước.
 

Trong lúc thống khổ cực độ, tôi ngước mặt lên hỏi ông trời:

– Ông trời ơi! Tôi đã phạm tội gì mà phải chịu thống khổ như thế này?

Dẫu bị như vậy, tôi vẫn chưa tỉnh ngộ đấy là lúc quả báo đến, sự trừng phạt giống như ở địa ngục.
 

Nhưng qua bảy ngày, tôi bỗng dưng dần dần khỏe trở lại, những búi trĩ cũng khô và rụng từ từ, máu không còn chảy nữa, tôi hết sức vui mừng.
 

Nhưng, chỉ 6 tháng sau, bệnh trĩ lại tái phát trở lại, chẳng những thế mà còn phát rất mau, máu cũng bắt đầu chảy ra như trước. Bi kịch tiếp tục tái diễn, tôi lại phải tiếp tục tốn kém tiền bạc để chữa trị.
 

Ngày nào cũng chảy máu, thân thể tôi suy nhược hẳn đi, dẫn đến chứng mất máu kinh niên. Các búi trĩ làm tôi vô cùng khó chịu giống như bị lửa thiêu, dao cắt, tôi đau đớn trong từng giây từng phút không lúc nào yên. Biết bao nhiêu vị bác sĩ giỏi, nổi tiếng đều bó tay đành giương mắt nhìn tôi quằn quại trên giường mà không còn biết làm gì cả. Rồi tôi sinh ra bị hội chứng sợ hãi bác sĩ, vì bao nhiêu người chữa trị bệnh cũng không bớt mà còn đau đớn đủ kiểu nên tôi quyết định không chữa trị theo y học nữa.
 

Nhận cả thị phi, coi thường, ngờ vực của mọi người: Đó cũng là đang gánh chịu nghiệp báo

Cũng chính vì quyết định đó nên tôi lại bị điều tiếng thị phi trong làng là trốn tránh lao động (kỳ thực lúc này tôi cũng chẳng còn chút hơi sức để làm việc chi nữa). Thời đó là còn thời kỳ bao cấp, ai nấy cũng phải lao động sản xuất làm ruộng, rẫy nên việc tôi không chịu chữa chạy bác sĩ dấy lên mối nghi hoặc của người dân trong làng. Người thì nói: “Có bác sĩ mà không chịu chữa, vậy rốt cuộc nó bị bệnh thật hay giả?”, người khác thì bồi thêm: “Bệnh trĩ của nó là giả, trốn tránh lao động mới là thật!”
 

Sau đó, trưởng thôn, phó thôn, gọi bác sĩ lấy cớ cùng đến thăm tôi nhưng thật ra để dò la, điều tra. Biết mục đích của họ, tôi vào nhà vệ sinh đại tiện, giống như thường ngày, máu chảy ra cả một đống lớn rồi tôi gọi mọi người vào xem. Trưởng thôn vốn không tin tôi bị bệnh thật, nên vào xem ngay. Vừa nhìn thấy, ông vô cùng kinh hãi thốt lên: “Ôi máu ra nhiều thế này à!”
 

Sau đó, nể lời mọi người khuyên bảo tôi quyết định để ông bác sĩ, được cho là ‘thần tiên giáng thế’ chữa trị thêm một lần nữa. Than ôi, lại thêm một lần nữa, máu vẫn chảy, đau đớn vẫn còn nguyên, ông bác sĩ ‘thần tiên’ cũng đành bó tay rồi lặng lẽ bỏ đi.
 

Có lúc tôi chịu đựng đau đớn hết nổi, tôi khóc than rên la thảm thiết. Trên gò má, nước mắt trộn lẫn mồ hôi chảy ròng ròng, tóc tai bù xù. Tôi bấu chặt quần áo, mền mùng có lúc xé rách, hai chân đạp tấm nệm đến mức rách bươm, chẳng khác chi người điên là mấy. Ai thấy cũng đều lắc đầu thở dài, có nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy cảnh thống khổ của tôi.
 

Trong lúc quằn quại trên giường chịu đựng đau khổ, tôi chợt phát hiện ra nếu để mông cao hơn đầu thì sự đau đớn sẽ giảm đi một ít, tức là nằm theo tư thế treo ngược. Tôi nhờ bạn tôi lấy mền gối chồng lên nhau, để lài lài giống như mái nhà, rồi tôi leo lên đó, đầu thấp xuống và nâng cao mông, như thế trồng cây chuối. Tôi không nhớ rõ mình trải qua bao nhiêu ngày đêm như vậy, tôi chỉ nhớ trừ lúc ăn cơm, đi vệ sinh ra, còn suốt ngày luôn sống với tư thế treo ngược kể cả lúc ngủ nghỉ.
 

Bắn chim
 

Rồi đến một ngày, khi đang ở tư thế ‘treo ngược’ như thế, khi máu chảy ra đọng thành vũng rồi thấm vào mền chiếu, nằm trên vũng máu đỏ tươi, tôi thảng thốt nhận ra cảnh tượng đó rất giống những con chim trước kia bị tôi bắn giết, máu của chúng nó cũng chảy rớt xuống những cành, lá cây. 
 

Trời ơi! tư thế “treo ngược” của mình với tư thế những con chim bị tôi bắn trước đây không sai không khác. Đây không phải là quả báo nhãn tiền đó sao? Đúng là “Nợ máu phải trả bằng máu, Nhân-Quả công bằng, một sợi tơ cũng không sót”. Cái cảnh tôi đang chịu đựng trong đau đớn đó không phải là hình phạt trong địa ngục đó sao?

Tỉnh ngộ…

Tôi bắt đầu tỉnh ngộ ra rằng: Tất cả những nỗi đau khổ của con người chẳng phải do ông Trời làm ra mà chính là những tư tưởng xấu, hành động ác mà con người đã tạo trong đời này hoặc trong đời trước mới là nguyên nhân con người phải chịu mọi thống khổ trong hiện kiếp. Muốn cải đổi vận mệnh chỉ có một con đường duy nhất là năng làm việc lành, tích chứa âm đức mà thôi.
 

Khi được thấu suốt, tôi đã không còn oán hận những vị bác sĩ đã ‘hại’ mình nữa, ngược lại, tôi lại vô cùng biết ơn họ, vì họ đã giúp tôi sớm trả xong món nợ máu. Nếu họ không chữa sai, có lẽ tôi còn mang bệnh tới già hoặc tiếp đến đời sau tiếp tục trả.
 

Sám hối, lấy công chuộc tội

Sau khi có nhận thức đứng đắn về cuộc đời, tôi luôn luôn sám hối trong tâm, có lúc sám hối cho đến khi chịu không nổi khóc rống lên mới thôi. Tôi quyết tâm “lấy công chuộc tội”, tự nhủ tranh thủ lúc còn trẻ, gấp rút lo tu hành để cải thiện vận mệnh đời mình.
 

Sau đó tôi thường nhờ bạn bè đi mua động vật để phóng sinh, hằng ngày gặp những cơ hội phóng sinh cứu sinh vật là tôi đều không bỏ qua, đồng thời tôi cũng dùng hết khả năng của mình để giúp đỡ người bệnh tật, nghèo đói. Tôi cũng thường ráng hết sức lực để bí mật đến ngôi đền giữa cánh đồng, cúng thí cho các oan hồn uổng tử ở mười phương, giúp họ được ấm no…
 

Nói ra cũng thật kỳ lạ, từ sau khi tôi bố thí phóng sinh, cơn thống khổ của bệnh trĩ của tôi dần dần giảm thiểu một cách rõ ràng, máu cũng chảy ít hơn, dần dần cách hai ba ngày, rồi đến một tuần mới phát một lần mà không cần tới thuốc men chi cả.
 

Nửa năm sau, bệnh bắt đầu bình phục, người tôi có da thịt trở lại, có thể đi lại mà không cần người dìu như suốt mười mấy năm qua. Tôi càng vui mừng nên ra sức làm việc thiện quanh năm suốt tháng như vậy. Bệnh trĩ từ tám, rồi mười ngày, một tháng, hai tháng mới phát một lần. Đến mùa xuân năm trước nó hết chảy máu và cơn đau hết hẳn. Tính ra từ khi phát bệnh cho đến khi lành hẳn hết cả thảy là 18 năm.
 

Bảy năm trước, tôi may mắn được đến Hồng Kông, nhưng còn may mắn hơn nữa là gặp được Phật Pháp. Từ đó niềm tin của tôi đối với Nhân-Quả báo ứng càng thêm kiên cố.
 

Tôi giác ngộ sâu sắc rằng: “Mục đích đời người, chẳng phải là tiền rừng bạc biển, nhà cao cửa rộng, hoặc danh cao chức trọng mới làm rạng rỡ tông phong. Mà siêng năng làm thiện, tích chứa âm đức, không sát sinh, làm lợi vật lợi người, Cửu huyền thất tổ nhờ đó mà được rạng rỡ thì ta sẽ không thấy hổ thẹn một đời. Còn nếu có duyên hơn nữa, đắc được Phật Pháp, thì vĩnh viễn tìm thấy con đường thoát khổ siêu sinh…”
 

Tác giả câu chuyện: Lưu Tâm Bình

Nguon: quangduc.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 59


Hôm nayHôm nay : 11370

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 389239

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21819062


Ảnh đẹp