Mưa lạnh và gió bấc vẫn từng cơn nhưng trong lòng tôi lại thấy ấm áp đến kì lạ…
Đây không phải lần đầu tiên mẹ dạy tôi bài học về bố thí nhưng với tôi, lúc nào cảm xúc cũng vẹn nguyên như lần đầu. Cái cảm giác rưng rưng xúc động khi những người ăn xin hay những người hát rong nắm lấy tay mình rồi liên tục nói lời "cảm ơn". Tôi chẳng thể nào quên được những ánh mắt tuy đã mờ đục nhưng ánh lên sự biết ơn. Hay những đôi bàn tay thô ráp, đầy chai sạn nhưng ấm áp xiết xao!
Sự kính trọng và biết ơn của tôi dành cho mẹ cứ thế vun đầy theo năm tháng.
Cảm ơn Người đã dạy cho con những bài học đầu tiên về sự bố thí.
Mỗi lần tôi hỏi lý do vì sao mẹ hay giúp đỡ và bố thí cho mọi người thế thì mẹ chỉ cười rồi nói:
“Mình là phật tử, là con của đức Phật. Người đã dạy cho chúng ta rằng một món quà bố thí không lệ thuộc vào số lượng cho mà quan trọng là ở cách bố thí.”
Bố thí trong Phật giáo là một hành vi đạo đức, xuất phát từ tấm lòng hảo tâm, tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách. Bố thí là tôn chỉ đặc thù của Phật giáo, là chất keo hàn gắn mọi người, mọi giới lại với nhau bằng tình thương bao la, bằng tấm lòng rộng mở không phân biệt.
Trong một ý nghĩa sâu xa, bố thí được xem như một hành động gột rửa cái tâm bủn xỉn, tham lam để mài dũa tâm hồn trở nên quảng đại hơn, cao thượng hơn. Người thực hiện bố thí theo tôn chỉ Phật giáo sẽ đạt được hai mục tiêu lợi ích: một là ban đến niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người khác và hai là trau dồi tinh thần từ bi, độ lượng ở chính mình.
Người phật tử bố thí không bao giờ tự phụ rằng mình là người ban ân và người nhận là người thọ ân. Họ bố thí bằng cái tâm chân thành, thanh khiết. Đó chính là sự bố thí viên mãn, tròn đầy nhất. Bố thí không chỉ được quan niệm như là một pháp môn hướng đến sự hoàn thiện nhân cách tự thân. Mà còn là phương tiện đi đầu một cách hữu hiệu nhất trong công cuộc hoằng pháp độ sinh của người con Phật. Có chăm lo được đời sống vật chất thì sau đó mới dễ dàng chăm sóc đời sống tinh thần.
Tuy nhiên nhiều người có nhiều tiền, bố thí cũng nhiều nhưng lại chẳng có lợi ích gì. Vì sao lại vậy?
Vì họ bố thí chỉ trên phương diện hình thức, bố thí bằng cách ném tiền xuống đất chẳng có chút trân trọng. Một vài trường hợp còn bố thí một cách lấy lệ vì không muốn những người ăn xin lại gần làm dơ mấy bộ quần áo hào nhoáng của mình. Bố thí bằng cách ấy một chút phước đức mảy may quý vị cũng chẳng có được.
Trong vấn đề bố thí vật chất, điều đáng quý và đáng học hỏi là những người tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng lại giàu tình thương, sẵn sàng trang trải cho người khác có đời sống chật vật, thiếu thốn hơn mình.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện: “Người ăn xin” của Tuốc-ghê-nhép đã từng được học thời trung học.
“Một người già ăn xin với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi chìa tay ra “xin tiền tôi”. Thật không may, “tôi” chẳng có gì cả, ngay cả một đồng xu dính túi cũng không. Bàn tay tôi “nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông cố nói rằng tôi xin lỗi vì chẳng có gì để cho cho ông cả. Thế nhưng, đáp lại “tôi”, ông nói: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Khi ấy “tôi” chợt hiểu ra: cả tôi nữa, “tôi” cũng vừa nhận được một cái gì đó từ ông lão.”
Có lẽ các bạn ngạc nhiên lắm vì rõ ràng cả “tôi” và ông lão trong câu chuyện đều không nhận được gì nhưng vẫn nói là nhận. Thế cái “đã cho” từ ông lão và “một cái gì đó” từ nhân vật “tôi” là gì?
Thứ đó phải chăng là tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ mà họ cảm nhận được?
Câu chuyện đã được học từ rất lâu nhưng giờ khi đọc lại một lần nữa dường như lại mang đến cho tôi những chiêm nghiệm bài học mới. Dẫu cho chúng ta không thể bố thí tiền của nhưng chúng ta đã bố thí bằng lời nói, bố thí bằng ánh mắt, bố thí bằng cả cái tâm đồng cảm và chân thành của mình. Sự bố thí này còn đáng quý hơn gấp ngàn vạn lần việc bố thí bằng những thứ vật chất khác.
Rõ ràng, giá trị hạnh phúc của con người được tôn vinh thực sự không phải chỉ thể hiện qua sự giàu có. Quan trọng là chúng cần được sẻ chia với những người còn nghèo khó, khiếm khuyết và chia vui cho người khác, gánh vác trách nhiệm cùng cộng đồng.
Đạo Phật đã dạy: “Không ai có thể sống một mình. Con người cần chung sống với nhau qua sự biểu hiện yêu thương và hiểu biết.” Thế nên, người ta nói đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ là vậy. Nó bắt đầu từ cách sống vô tham, nghĩa là thực hành bố thí.
Dẫu cho cuộc sống ngày một phát triển vô hình chung khiến cho chúng ta bận bịu và ít quan tâm đến mọi người xung quanh hơn. Nhưng một ngày xin bạn hãy sống chậm lại, dừng chân ở góc phố, nơi có những người vô gia cư hay những mảnh đời đáng thương rồi trao cho họ một chút tiền hoặc một tấm chăn, cái áo. Hãy trao cho họ bằng cả hai tay, cúi gập người thật sâu đủ để đọc được lời cảm ơn ánh lên sau đôi mắt.
Lời cảm ơn ấy chẳng thể nói ra vì rưng rưng xúc động, rưng rưng vì “tình người” ấm áp…
Kim Tâm