Luận về Giàu & Nghèo

Thứ hai - 30/01/2012 07:59
Luận về Giàu & Nghèo

Luận về Giàu & Nghèo

Nghèo thì hèn, cái đó đã rõ nhưng giàu có khi còn hèn hơn.
Luận về Gi� u & Nghèo
 
Nghèo đến nỗi, như thời bao cấp ảm đạm, thì đúng là khổ thật. Đồng lương không đủ nuôi sống con người được một tuần, ba tuần còn lại biết trông vào cái gì? Chả lẽ lại ôm nhau nhịn đói hay ăn cắp ăn nhặt, xà xẻo của công, của chung vắt mũi bỏ miệng? Cái thời mà âm hưởng buổi sáng là tiếng ca nhôm quết vào đáy bể không có nước, là tiếng vòi nước công cộng chảy tí tách về đêm giữa những xô, những chậu rồng rắn xếp hàng, là nhân cách biến thành những hòn gạch, hòn đá mang ra xếp hàng giữa chợ mong mua được lít dầu, lạng mỡ, là bộ quân phục vừa nhận về chưa kịp đưa lên mũi xem mùi hồ thơm ngái ra sao đã vội lén đem ra chợ trời kiếm chút về bổ sung cho bữa ăn, là trưa trưa không điện, phải mồ hôi mồ kê bò qua khoảng rỗng mái nhà sang bên vườn trẻ ăn cắp chút điện để chạy được chiếc quạt tai voi cho thằng con mới đẻ, là đâu đâu cũng gào lên tiếng thét trống rỗng của những chiếc dạ dày...
Nhưng mà vui. Tất cả đều nghèo, như hồi trận mạc, đâm lại vui. Tháng nào tiêu khoản tháng ấy, chả lo nghĩ, chả giành dụm gì, đêm nằm chưa đặt mình đã ngáy vo vo, vô tư lự. Thiếu thế chứ thiếu nữa so với hồi chiến tranh đã thấm gì. Sướng chán! Mà lạ chưa, nghèo, cái anh nghệ sĩ lại viết lại sáng tác được nhiều như thể đang chịu sự tác động nghịch chiều của quy luật sáng tạo: Càng nghèo sức suy tưởng càng mênh mông.
Nhưng rồi vì một lý do vô cớ hay có cớ nào đó, bỗng nhiên khá giả lên, ví như chẳng may trúng mánh một vụ viết thuê, viết chân dung cuộc đời của một nữ đại gia nào đó chẳng hạn. Khá giả đến nỗi đồng tiền trở thành con quái thú làm cho các thành viên trong gia đình cứ rã ra. Chồng phòng riêng, vợ phòng riêng, con cái cũng có phòng riêng, thành ra động tý là sẵn sàng tiêu hủy chất kết dính vốn là thành lũy của gia đình năm xưa để lui về cõi riêng với thế giới riêng tư, vị kỷ của mình. Lại nữa, lòng tham thường vô đáy. Có tiền rồi là muốn có nhiều hơn. Bắt đầu lao vào công việc hoàn toàn trái khoáy với bản chất chữ nghĩa của mình như bất động sản, chứng khoán, thương trường đầy cạm bẫy để nhân nó lên. Nhân đâu chả thấy, chỉ thấy suốt đêm, ngày lo toan giá cả bổng trầm như cái anh bị táo bón mãn tính.
Thế là đầu óc khô vón lại. Sự mơ mộng biến mất, trong sọ lúc nào cũng hiện lên những con số cộng trừ nhân chia khô khỏng như hình nhân xác chết. Mặt mũi thì tối u u, mở mồm là lẩm bẩm như đang tính toán giờ ra pháp trường, cái cười cái nhìn trước đây khoáng đạt, bất cần đời là thế mà sao lúc này cứ thấy hèn hèn, khổ khổ giống kẻ mắc bệnh trĩ cả nội lẫn ngoại thế nào. Thế là hết viết. Viết làm cái đếch, viết là vô nghĩa, trúng một miếng đất thôi là bằng cả đời cầm bút nhọc nhằn, khổ ải, viết làm gì, họa có là điên. Kể cả chuyện cô vợ rửng mỡ tối nào cũng đi giải ngân bằng cách đàn đúm rủ nhau đi nhảy cho nó khỏe, cho nó liên thông huyết mạch thì thây kệ, kể cả có người mách dạo này cô ấy hình như có anh bồ nào trẻ lắm cũng kệï, có sức cứ đi, miễn là bà không được nắm kinh tế, cho đồng nào biết đồng ấy thôi. Chỉ đến khi thằng con rách giời rơi xuống kia, thấy nguồn tiền vào nhiều quá, dễ quá, nó đâm coi thường đồng tiền, coi thường công sức dưỡng dục, bắt đầu chán học, lao vào nghiện ngập, đua xe… thì mọi chuyện đã muộn rồi. Một lần ra đồn bảo lãnh cho nó khi bị bắt còn cầm một cái kim tiêm trên tay dưới gầm cầu, bị mấy chiến sĩ công an đáng tuổi con gần như mắng vào mặt về tư cách làm bố mà nhục quá, nhục muốn chết quách đi cho rảnh.
Nghèo mất vợ, giàu mất chồng, cổ nhân đã đúc kết như vậy.
Người đàn bà sinh ra đã có thói quen thích so sánh, thích tỵ hiềm, thích nhấp nhênh. Tại sao cũng là thằng đàn ông cột trụ như người ta mà nhà họ tầng trên tầng dưới, ô tô, xe máy chình ình, con cái họ ra đường ăn vận cứ như công tôn công tử, còn nhà mình… Mà anh có kém cạnh gì đâu, chữ nghĩa đầy đầu, chiến tích chiến trận đủ cả chỉ hiềm mỗi tội ngu ngơ. Mỗi lần so sánh là vóc dáng anh chồng mỗi lùn dần đi, lùn đến nỗi trở thành của nợ, thành thứ bỏ đi để rồi đến một ngày, như quy luật tình yêu hay quy luật đồng tiền, cô vợ có thân mình tròn căng, nhức nhối bỗng một sớm bỏ đi theo một gã bóng nhoáng từ đầu đến chân mặc cho anh chồng ở lại ôm đứa con mới vài năm tuổi.
Còn nhà nọ, thật trái chiều, người vợ làm nghề gõ đầu trẻ lại chấp nhận hoàn toàn cuộc sống thanh đạm, nghèo một chút lại ấm tình ấm nghĩa, vợ chồng rau cháo tối lửa tắt đèn có nhau, lâu lâu đến kỳ lương, ra chợ mua rẻ được con gà là ghớm rồi, cả nhà tưng bừng, say đắm cứ như có đại tiệc. Sáng sáng dắt nhau đi bộ quanh công viên, tối đến chồng đọc báo, vợ đan len thuê, căn phòng 12 thước vuông cứ nồng lên cái hương vị hạnh phúc ngàn đời. Thế rồi người chồng do bạn bè quý mến mà mách cho một dự án làm phim nhiều tập, làm các chương trình sự kiện, các lễ hội công ít màu nhiều, thế là có đồng ra đồng vào. Dự án gọi dự án, đồng tiền đẻ ra đồng tiền, chẳng mấy nỗi họ bỗng trở thành đại gia trong trường văn trận bút, cuộc sống bật lên một đẳng cấp khác hẳn. Dù vậy, người vợ mang bản chất nhà giáo phong cách tâm hồn vẫn thế, vẫn chỉ âm thầm thờ chồng nuôi con song anh chồng bắt đầu thay đổi. Đẹp trai, nam tính, có tài, lại rủng rẻng tiền bạc, đám gái trẻ đủ loại sắc màu trước đây ơ thờ lúc này ngày ngày đua nhau tìm đến. ở đời chả có mèo nào chê mỡ, nhất là cái thứ mỡ ngon lành, thơm tho, rưng rức chỉ mới ngửi đã thấy dãi rớt tứa ra rồi. Cái máu đa tình dâm tình bị kìm nén do nghèo khó bấy lâu được dịp tha hồ phát lộ. Thì tặc lưỡi nếm của lạ một cái xem sao, nếm cái nữa, cái nữa, rốt cuộc thành nghiện, đến nỗi cả năm trời không mảy may động chạm gì đến da thịt cô vợ đã vào tuổi tứ tuần nhưng vẫn giữ được cái độ đẹp mặn mòi. Anh chồng trở thành một sát thủ đào hoa và lạnh lẽo.
Quá mù ra mưa, một ngày cảm thấy gia đình là địa ngục, người vợ là quản giáo, thi thoảng tù nhân lại bạo hành, chì chiết, mắng chửi thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay với quản giáo, anh ta quyết định cuốn tém tài sản ra đi, về một miền thật xa ra ngoài biên cương cùng cô học trò có vòng ngực rất khủng, cặp đùi căng nhức, mặt mũi thì thơ ngây nhưng cung cách chăn gối lại rất lão luyện. Căn hộ sang trọng không còn mùi đàn ông, người vợ vẫn tuân thủ cái phong dáng nhà giáo, chỉ nhẫn chịu đêm đêm ôm con khóc tấm tức. Hàng xóm hỏi anh ấy đi đâu mà lâu không thấy mặt, chỉ nhẹ cười, nhà em đi công tác Nam Phi, bên ấy người ta đang cần chuyên gia điện ảnh, rõ khổ, chắc là sa mạc nóng lắm.
Mấy năm sau, trong khi người vợ không phải không có những gã đàn ông tìm đến nhưng vẫn một mực cài then đóng cửa, anh chồng bỗng lù lù dẫn xác về. Râu ria, gầy guộc, mắt lồi ra, bạc phếch. Anh ta quỳ xuống chân vợ xin tha thứ. Người vợ không nói gì, chỉ lặng lẽ đi vào nhà trong quệt nước mắt…
Hôm rồi có đọc bài văn của em học sinh trường Ams nói về đồng tiền, vừa rất cần vừa thật sự căm ghét khi người mẹ phải tuần tuần chạy thận trong lúc nhà không còn một xu mà ứa nước mắt. Chợt thấy đồng tiền vừa có nghĩa vừa vô nghĩa làm sao! Giống như thời chiến tranh, ngày nào cũng hừng hực gồng lên để cố sống đến ngày chiến thắng nhưng chiến thắng rồi, lòng dạ lại bỗng hụt hẫng, chưng hửng không biết làm gì, đi đâu, tan rã cả người.
Kẻ suốt một đời vật vã, bươn chải kiếm tiền cũng thế, khi có đồng tiền dư dả rồi, đầu óc lại bỗng ngẩn ngơ tự hỏi bao năm tháng nay mình đã làm, đã khổ sở vì cái gì thế nhỉ, ô hay, vô nghĩa. Chả thế mà có tỷ phú bỏ nhà đi lang thang, có đại gia đô la lái phi cơ ra biển cả mênh mông mặc cho sóng cồn, bão tố.
Lại có đôi vợ chồng nhiều tiền quá, những đồng tiền kiếm bằng con đường chính đáng đàng hoàng, chợt một ngày thấy phía trước không còn gì nữa, hoàn toàn mông lung mờ mịt, rủ nhau làm liều thuốc vĩnh biệt cõi đời với triết lý rất ư là hư vô, siêu thực: “Chúng tôi làm chủ cuộc sống của chúng tôi và làm chủ cả cái chết một khi thấy cái sống đã quá viên mãn chẳng còn khát vọng gì nữa”.
Điều đó lý giải các cuộc xung đột, các cuộc chiến tranh thường được khoác lên những ánh hào quang diêm dúa như chủ thuyết, lòng tự trọng, tôn giáo, lãnh thổ, lịch sử… nhưng thực chất bao giờ cũng bắt đầu từ đồng tiền, từ nền tài chính, từ dầu hỏa, từ khoáng sản biển trời. Và nếu có một quốc gia nào đó đang trên đà ổn định, ổn định đến bảo hoàng, cũ kỹ, con người không còn khát vọng no đủ, giàu sang nữa thì đó cũng là lúc họ tạo nên những bi kịch tự thân bằng những cuộc tự tử một người hay nhiều người.
Chợt ngẫm ra một điều không mới nhưng cũng không đến nỗi cũ lắm: Có lẽ làm kiếp người sống vừa đủ là tốt nhất, vừa đủ để cho niềm say, khát vọng cống hiến, sự câu thúc đồng tiền có chỗ xen vào. Nhưng thế nào là đủ? Mỗi người tùy theo hoàn cảnh của mình có thể trả lời một cách nhưng kẻ viết bài này, một kẻ kiếm đồng tiền quá đỗi nhọc nhằn hoàn toàn bằng mồ hôi nước mắt xin tạm một câu trả lời: “Đủ là mỗi sáng ngủ dậy đang mệt mỏi nếu có một chiếc phong bì mời cưới mà thời thượng người ta hay gọi là cơm bụi giá cao trị giá ba trăm, năm trăm ngàn đút qua khe cửa mà không cần nhìn xem tên người mời là ai, tặc lưỡi, chuyện nhỏ, thế là đủ. Còn khi cầm chiếc thiếp cưới lên, trợn mắt, quát nhặng:” Bà có biết cái tay này là tay nào không? Hắn đã đến nhà mình lần nào chưa mà tên tuổi lạ ngoắc? Có đi dự cưới của thằng con mình lần ấy không? Mẹ khỉ! Chắc lại là một cú rà soát danh sách thân sơ rồi truy nã lấy được đây, mệt quá” Thế là chưa đủ. Vậy thôi, chứ còn cái chuyện cầm tay nhau đi du lịch khắp năm châu hay sở hữu một con xe vài tỷ cho đời nó sướng thì quả thật, thèm lắm nhưng không dám tơ mòng.
Đồng tiền luôn là con dao hai lưỡi, lưỡi nào cũng sắc lẻm, lơ mơ là nó chém vào giữa mặt mình không thương tiếc, nhưng lại không thể không có nó. Chỉ còn cách luôn tỉnh táo biết làm chủ nó, bằng giá nào cũng không thể khom lưng làm nô lệ, tôi đòi cho nó thì mới may ra tránh được hiểm họa. Triết lý cụ Khổng bao giờ cũng thấm thía:  “Biết đủ là đủ”. Lại canh cánh cái triết lý mang đậm chất Fonclore của ông bà: “Tham thì thâm” Lòng tham là vô đáy. Đời là bù trừ, được cái này mất cái khác, trời không cho hết và cũng không lấy đi hết của ai bao giờ. Sông có khúc người có lúc. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hóa ra xung quanh câu chuyện tiền bạc này, lịch sử loài người, lịch sử nước mình đã phải trả giá đã phải đúc kết nhưng lạ chưa, biết vậy nhưng vẫn tiếp tục trả giá và lại tiếp tục đúc kết rồi lại trả giá, luân hồi. Giống như ai cũng biết chui đầu vào vòng hôn nhân là khổ ải nhưng rồi xểnh ra lại chui đầu vào, vứt khóa đi.
Vậy mới có vấn nạn này nội xâm kia đang từng ngày hủy hoại xã hội, hủy hoại lòng tin của con người vào cuộc đời, vào lẽ sống. Ai nói câu này ấy nhỉ: “Không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền, không mua được bằng nhiều tiền thì mua bằng rất nhiều tiền, xong!” Hãy rợn người, đau xé khi đụng phải câu nói này còn nếu như chỉ nghe nó một cách bàng quang, vô cảm, tất nhiên, bình thản, chuyện thường… thì đồng tiền sẽ còn réo gào, nhe nanh nhe vuốt ngoạm vào các giá trị tinh thần mà con người phải mất hàng ngàn năm xương máu, khổ đau mới kết tụ được.

Ôi đồng tiền!

Chu Lai

Theo baocongthuong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 40


Hôm nayHôm nay : 1517

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 567246

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 32065885


Thiết kế website