Giao tiếp với người độc đoán ở nơi làm việc

Thứ năm - 16/02/2012 21:47
Giao tiếp với người độc đoán  ở nơi làm việc

Giao tiếp với người độc đoán ở nơi làm việc

Michael Carroll, trong sự nghiệp kinh doanh suốt 25 năm của mình, đã giữ các chức vụ điều hành ở nhiều công ty như American Express, Simon & Schuster và Walt Disney. Ông còn tư vấn và tập huấn về kinh doanh thương mại cho các công ty như Procter & Gamble, Starbucks, AstraZeneca, v.v...
Michael đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng từ năm 1976, đã hoàn tất chương trình Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của Thiền sư Tây Tạng Chogyam Trunpa.

Michael đã dạy ở các trường như Đại học Columbia, Đại học St. Mary, Trường Cao đẳng Swarthmore, tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ, Canada và Âu Châu.

 

Trong công việc, người ta dễ nổi nóng một cách bất thường. Vì nhiều lý do, chúng ta có thể cảm thấy bị xúc phạm hay bị chọc giận bởi các bạn đồng nghiệp: chẳng hạn khi họ công khai nhận lãnh lời khen về một công việc do người khác làm; hay một khách hàng khó tính không bao giờ hài lòng; một nhà cung cấp luôn có đầy đủ các lý do chính đáng để không giao hàng đúng hẹn; hoặc tồi tệ nhất là một ông chủ độc đoán và không biết lỗi. Ta có thể cảm thấy bị tổn thương bởi các thái độ đó, nên khó kiềm chế cảm xúc, và thường hoàn toàn bị điên đảo bởi những sự xúc phạm không đáng gì đó. Đôi khi đồng nghiệp của chúng ta cũng có vẻ như là một kẻ bạo ngược, có khả năng làm ta bực bội, mất ngủ.

Khi bị những người bạo ngược tạo áp lực, chúng ta thường cố gắng tự khẳng định rằng chúng ta không có lỗi, rằng chúng ta không đáng bị xúc phạm và bị đối xử bất công như vậy. Chúng ta có thể tâm sự với người phối ngẫu hay bạn bè về việc chúng ta đã bị đối xử như thế nào. Nhưng càng phản kháng, sự xúc phạm dường như càng trương phình; chúng ta càng để ý đến người bạo ngược, kẻ ấy càng quấy nhiễu ta.

Chúng ta có thể thấy là mình cũng tìm cách trả đũa lại, bằng cách nhẫn nhịn chờ cơ hội để nắm tóm được những mánh khóe gian xảo của kẻ bạo ngược. Trong thời gian đó, chúng ta làm việc của mình với tâm trạng không thoải mái, luôn cảnh giác, lo tự bảo vệ và không an vui. Những kẻ bạo ngược, càn bướng luôn có cách làm cho chúng ta không thể thấy thoải mái với chính bản thân.

Khi quan sát họ kỹ hơn, ta khám phá ra rằng những kẻ bạo ngược kia chỉ phản chiếu chính những nỗi lo sợ và sự thiếu tự tin của ta. Chính những hoài nghi và lo lắng của chúng ta đã biến các tương quan đầy thử thách thành các tình huống gây đe dọa cho ta. Thực ra, các thái độ bạo ngược, càn bướng chỉ là những điều kiện làm việc thiếu tổ chức bình thường nhưng đã bị khuếch đại do sự thiếu tự tin của ta. Vì chúng ta lo âu về khả năng mất việc làm, nên một người sếp quá quắt trở nên có quyền lực đáng kể đối với chúng ta - trở thành một ‘bạo chúa’. Vì chúng ta e ngại về khả năng có thể bị đánh giá là vô tích sự, nên người đồng nghiệp hay khoe khoang gây áp lực đáng kể cho ta - trở thành một ‘bạo chúa’. Vì chúng ta lo lắng đến khả năng không thể kiểm soát công việc của mình, nên vị khách hàng đặc biệt dường như đang nắm tương lai của ta trong tay họ - trở thành một ‘bạo chúa’. Các hành động bạo ngược, càn bướng là những lời kêu gọi thẳng thắn để ta nhìn vào kiếng và quán sát sự tìm kiếm vô vọng của ta về sự an toàn trong một nơi làm việc không đảm bảo.

Nhận thức được rằng, thực ra, chính ta đã cho phép người khác biến thành ‘bạo chúa’ của mình - rằng chính những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của chúng ta đã cung cấp nhiên liệu cho quyền lực của họ đối với ta - là điều cơ bản để lấy lại sự cân bằng cho ta. Trong truyền thống Phật giáo, việc gặp được những người khó chịu, càn bướng như vậy là điều đáng mừng. Bất kỳ hoàn cảnh sống nào mà có thể phơi bày sự bất an trong ta, được coi là một món quà đáng chào đón và khám phá.

Nhưng ta có thể hỏi: “Tại sao tôi phải kết giao với những người thô lỗ như vậy? Tại sao tôi phải đón nhận mớ hổ lốn như thế này vào cuộc đời tôi?” Nhưng việc chấp nhận kẻ bạo ngược, càn bướng không cần phải khó khăn đến vậy. Việc làm đó, trong cốt lõi của nó, có thể rất đơn giản và trực tiếp. Để chấp nhận được kẻ bạo ngược, chúng ta phải sẵn lòng buông bỏ sự tự vệ, đối kháng bên trong - dù chỉ trong khoảnh khắc - và trải nghiệm với các ‘bạo chúa’ của mình mà không có thành kiến hay định kiến. Thường những kẻ bạo ngược khiến chúng ta càng bám chặt vào quan điểm, luận cứ của mình. Họ điều khiển ta bằng cách làm cho ta chấp chặt và tự chống chế cho bản thân. Nhưng ở đây chúng ta phải làm ngược lại; ta buông xả thay vì chấp chặt. Bằng cách đột nhiên thay đổi cách ứng xử, là cách chúng ta có thể tước đoạt vũ khí của các ‘bạo chúa’. Nỗi bất an bên trong ta không còn tạo thêm sức cho kẻ gây sự với ta, nhưng lại cho ta cơ hội để nhìn nhận các tình huống một cách rõ ràng hơn.

Một giám đốc phòng kinh doanh sau khi tham dự một khóa học về Tỉnh thức trong công việc đã nói với tôi: “Hãy chấp nhận những kẻ độc tài, càn bướng, nghe thật hay. Nhưng tôi không thể thẳng thắn với sếp của tôi. Ông ta quá hung hăng, thường la hét, hạch sách nhân viên trong các buổi họp, không ai dám đối đầu với ông ta. Tôi dám chắc là ông ta sẽ đuổi cổ tôi ngay tại chỗ nếu tôi nói thẳng những nghĩ suy trong đầu một cách công khai, thẳng thắn”.

Đó chính là điều khiến ta sợ những kẻ độc đoán. Nếu ta thực sự đối đầu với họ, thì khác nào ta chọc cho họ nổi cơn thịnh nộ, ta đâu muốn thế! Nhưng đối đầu trực diện với họ như thế thực sự không cần thiết. Chấp nhận kẻ bạo ngược, độc đoán không có nghĩa là đột nhiên chúng ta tuôn xả tất cả mọi bực tức dồn nén đối với họ ngay trước mặt mọi người. Trái lại, việc đó bắt đầu chỉ bằng một nỗ lực đơn giản bên trong ta. Tôi chỉ đề nghị như thế này: “Trong cuộc họp lần tới, hãy buông bỏ đi tất cả mọi định kiến của bạn về ông chủ của mình, dù chỉ trong chốc lát, và chỉ cần có mặt trong phòng họp. Hãy quan tâm, để ý đến những gì đang xảy ra. Hãy chấp nhận hoàn cảnh”.

Vài tuần sau, vị giám đốc này lại nói với tôi sau buổi học: “Vâng, tôi đã nghe theo lời khuyên của ông. Tôi đã buông bỏ sự bất mãn đối với ông chủ của tôi, dù trong chốc lát, tại một cuộc họp nhân viên và chỉ quan sát. Thật đúng vậy, trong những giây phút đó, tôi không hề bận tâm tới việc người đó là một người ngông cuồng, và tôi có thể quán sát những gì thực sự đang xảy ra”.

Tôi hỏi: “Bạn đã thấy gì?”

“Vâng, đầu tiên là ông ta có vẻ rất vội vã - dường như ông cần phải đi đâu đó. Ông ta không lắng nghe và có vẻ đang bị phân tâm. Ông ta có vẻ rất bực bội suốt trong buổi họp, hay ít nhất là nó giống như thế trong mắt tôi”.

“Còn những người khác trong phòng thì sao - chẳng hạn như các vị quản lý kinh doanh? Bạn đã nhận thấy gì?”

“Trước kia tôi không thực sự để ý đến điều này, nhưng họ chỉ có mặt lấy lệ. Tất cả mọi thứ dường như quá giả tạo, không thành thật. À, tôi cũng nhận thấy rằng họ đã ém nhẹm rất nhiều tin tức tốt lành. Một trong những người cộng sự của tôi cố tình tránh báo cáo với tất cả mọi người về một thành tích bán hàng mà anh ta vừa thực hiện được. Tôi ngộ ra rằng ngay cả nói đến những tin tốt lành cũng trở nên quá nguy hiểm. Và cô quản lý kinh doanh giỏi nhất của tôi cũng tỏ vẻ chán chường. Bất chợt tôi nghĩ hay cô đang tính chuyện tìm việc làm chỗ khác”.

“Thế thì bạn đã học được điều gì?”, tôi hỏi.

“Chắc chắn là ông chủ của tôi vẫn còn khiến tôi căng thẳng. Nhưng giờ tôi có thể buông xả, để quán sát sự việc mà không lo lắng, ít nhất là trong chốc lát. Trước đây, tôi đã không quan tâm đến nhiều điều: các vị quản lý quá kín kẽ, các thông tin tốt lành cũng không được nói ra, và cô quản lý kinh doanh giỏi nhất của tôi thất vọng trước tất cả mớ hổ lốn này”.

Người giám đốc kinh doanh này đã học được rằng việc chấp nhận người độc tài, càn bướng chỉ là một sự thực tập đơn thuần về việc tìm hiểu điều gì đã gây áp lực cho mình. Điều gây ngạc nhiên là ‘bạo chúa’ của cô đã bị tước đoạt vũ khí - dù chỉ trong chốc lát. Các hiệu ứng tăm tối của chính nỗi bất an trong lòng của cô đã tan biến và cô có thể thấy một hình ảnh rõ ràng hơn về những gì đang thực sự xảy ra - đối với bản thân cô, ông chủ cô và nhóm người cộng sự kinh doanh bán hàng của cô.

Bằng cách tập chấp nhận những kẻ bạo ngược, quá quắt lần này tới lần khác, dần dần ta sẽ trở nên thoải mái nhờ biết buông bỏ sự bất an của ta đối với những kẻ khiến ta bực bội. Chúng ta sẽ phát hiện ra rằng phần lớn những điều khiến chúng ta không vừa ý là do ta tự tạo ra. Việc một đồng nghiệp không chào hỏi ta, không có nghĩa là họ muốn xúc phạm ta. Nếu tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ biết rằng cuộc sống riêng tư của người ấy đang rối bời, ông ta sắp phải ly dị. Vì thế người đó đi làm với tâm trạng buồn nản - chứ không phải bất lịch sự, thô lỗ. Việc cô nhân viên mới hay ngắt lời trong các cuộc họp không phải là vì cô thiếu lễ độ. Nếu xét kỹ hơn ta sẽ thấy rằng chẳng qua là vì cô ấy khớp sợ, và vụng về khi cố gắng thích ứng với hoàn cảnh. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng nhiều cách hành xử trong công việc bị đánh giá là xem thường, coi khinh thì không đúng là như vậy chút nào.

Biết chấp nhận người càn quấy sẽ giúp cho trí thông minh và lòng tự tin của chúng ta thêm sắc bén, đem đến cho ta nhiều hiệu quả và ta trở nên linh hoạt hơn. Theo thời gian, sự bất an của chúng ta đối với những kẻ càn bướng sẽ tan biến, nó được chuyển đổi thành sự quan tâm nhạy bén. Tại sao cô đồng nghiệp của ta phải tự xấu hổ trước đám đông vì đã nhận điểm cho những việc cô không có công? Điều gì đã xảy ra trong cuộc đời của ông sếp khiến ông ta luôn tức giận, lạnh lùng và cao ngạo đối với nhân viên dưới quyền? Bằng cách chấp nhận những kẻ bạo ngược, chúng ta tập quán sát những tình huống bất công một cách cẩn trọng, chớ không phải xua đuổi chúng - để chấp nhận kẻ càn bướng, chứ không phải loại trừ người đó. Bắng cách hành động như thế, chúng ta sẽ tìm được sự can đảm để tự giải mình, hầu có khả năng thiện xảo trong việc giải quyết những điều kiện làm việc không như ý.  n

(Chuyển ngữ theo Awake at Work - Welcome The Tyrant, NXB. Wisdom Publications)
MICHAEL CARROLL  - GIÁC NGHIÊM NGUYỄN TẤN NAM dịch
(Nguyệt San Giác Ngộ)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 123


Hôm nayHôm nay : 1834

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 138485

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26936610


Ảnh đẹp