"8/3 con quên... mẹ" do không được giáo dục
“8/3 con quên mẹ… xét về mặt đạo đức thì có thể coi đó là hành động vô tâm nhưng về bản chất, hành động này do không được giáo dục và hình thành để trở thành thói quen văn hóa” - chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể nêu quan điểm với Kienthuc.net.vn.
Việc tặng hoa cho phụ nữ trong những dịp lễ như 8/3 được khởi đầu từ nền văn hóa Phương Tây. Đây là một hành động đẹp thể hiện sự tôn vinh, tôn trọng phái đẹp. Nó cũng cho thấy sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Mỗi người đều được giáo dục từ nhỏ nên đã tạo ra ý thức và hành vi biết trân trọng người khác và nâng niu các giá trị sống tốt đẹp. Các kĩ năng sống đó đều hình thành qua sự giáo dục và trải nghiệm mang tính hệ thống từ gia đình đến xã hội nên các cá nhân tiếp thu và thực hiện nó một cách ý thức trong văn hóa giao tiếp.
Con quên mẹ… do không được giáo dục
“Ở Việt Nam, tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào đời sống xã hội đã tạo ra ý thức hệ chỉ coi trọng đàn ông và người phụ nữ luôn chịu sự bất bình đẳng trong giao tiếp ứng xử.
Chính vì vậy, bản thân người phụ nữ cũng tạo ra cho mình một thói quen chấp nhận, phục tùng và chịu nhiều thiệt thòi, không có sự đòi hỏi về quyền lợi được nâng niu và tôn trọng. Nên chính họ cũng không có thói quen đón nhận những hình thức tình cảm như tặng hoa, quà... khác với ngày thường mà họ đang có.
Ảnh minh hoạ
Điều này vô tình đã tạo ra suy nghĩ ở người con trai, đàn ông là không nhất thiết phải tặng quà một cách “hình thức” như vậy với những người thân như mẹ, chị gái, em gái trong gia đình. Sự quá gần gũi, thân thuộc giữa những người thân đã hình thành tâm lý bỏ qua những lễ nghi tặng hoa trang trọng trong ngày tôn vinh đó.
Xét về mặt đạo đức thì có thể coi đó là hành động vô tâm nhưng về bản chất, hành động này không được giáo dục và hình thành để trở thành thói quen văn hóa và nó không được củng cố bởi chính từ lễ giáo tại mỗi gia đình” - chuyên gia Tâm lý Mã Ngọc Thể khẳng định.
Các bà mẹ hụt hẫng
Cũng theo ông Thể: “Ở mỗi thế hệ có quan niệm khác nhau về lễ nghi tặng hoa và tặng quà trong những ngày trọng đại, ngày lễ nên tùy theo lứa tuổi mà mỗi bà mẹ có tâm lý khác nhau.
Các bà mẹ cao tuổi thì thường ít đánh giá việc con trai có tặng hoa hay không mà họ chỉ vui khi con cái họ trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, thành đạt và là chỗ dựa tin cậy cho họ khi về già.
Những bà mẹ trẻ (lứa tuổi 40-50) thì họ vẫn có quan niệm tiến bộ hơn về sự bình đẳng và họ thấy hụt hẫng, tủi thân khi không được chồng hay con trai quan tâm khi khi chồng và con trai mình vẫn thể hiện sự quan tâm chăm sóc của mình với đồng nghiệp, bạn gái, người yêu những lại quên mất vợ, mẹ của mình.
Tác động về lâu dài của việc này có thể gây sự ức chế về tâm lý của người mẹ, người vợ.
Muốn người chồng cân bằng việc tặng hoa cho mẹ và vợ thì người vợ chỉ có thể góp ý với chồng trong việc quan tâm tới nhu cầu tinh thần của mẹ và giáo dục con trai ngay từ khi còn bé để con hình thành ý thức và hành vi tặng hoa và quà cho bà, cho mẹ trong những ngày trọng đại”.
Huyền Thu (ghi)
Theo Bee