Người ngu & người trí

Chủ nhật - 26/02/2012 21:08
Người ngu & người trí

Người ngu & người trí

Triết gia La Rochefoucauld đã nói: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”. Có thể người nào cũng đều có ba thứ ngu dốt đó.

 

Bởi có những điều cần biết nhưng ta chưa biết, có nhiều điều tuy biết mà lại biết sai bậy… Trong khái niệm thông thường, người ngu là người dại, không hiểu biết gì cả. Nhưng trong học thuật, danh từ người ngu lại có nhiều khái niệm, phân loại khác nhau. Cho nên, không phải hễ thấy người không biết gì rồi mặc nhiên gán cho họ là loại người ngu được.

Kinh điển Phật giáo cũng có đề cập đến loại người ngu. Khái niệm về người ngu được định nghĩa qua kinh tạng Nguyên thủy như sau: “Này các Tỳ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân? Và vì rằng, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân” (kinh Hiền Ngu). Lời kinh chỉ ra ba đặc điểm của loại người ngu: tâm ý tư duy điều ác, miệng nói lời ác, thân làm các điều ác.

 Tư duy là suy nghĩ, nhận thức của một người về biểu tượng, khái niệm, phán đoán. Người tư duy ác tư duy là người chuyên nghĩ đến điều ác, gây đau khổ, tai họa cho người khác như: nghĩ đến việc hãm hại người, nghĩ đến việc trả thù người, nghĩ đến việc cạnh tranh hơn thua, nghĩ đến việc những khát khao ái dục... Người nói lời ác ngữ là nói những lời lẽ gây đau khổ, tai họa cho người khác như: mắng chửi, nói lời hận thù, nói lời dua nịnh, nói lời gây rối, nói lời tục tĩu, nói lời khiêu khích,... Người hành ác hạnh là người làm những việc gây đau khổ, tai họa cho người khác như: dùng vũ lực đánh người, hãm hại người yếu hơn mình, dùng sức mạnh để cưỡng đoạt, trộm cướp của người,... Tóm lại, người ngu ba nghiệp cả thân miệng ý đều ác.

Ngược lại với người ngu là người có trí. “Trời và đất, này các Tỳ-kheo, là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỳ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỳ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư rất xa, rất xa với nhau” (kinh Tăng Chi Bộ). Người trí là người có khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán… đúng đắn, chính xác về các phương diện trong đời sống xã hội. Những tính chất của người trí biểu hiện ở các phương diện như trí nhớ, trí khôn, trí lực, trí năng, trí óc, trí thức, trí tuệ. Theo Phật giáo, người trí là người biết phát huy tuệ giác biết rõ thiện và ác cùng nguyên nhân của nó; biết rõ Nhân quả, biết rõ Bốn sự thật khổ tập diệt đạo; biết rõ Duyên khởi (kinh Chánh Tri Kiến). Tóm lại, người trí ba nghiệp của thân miệng ý đều hiền thiện.

Tu học là vận dụng tuệ giác để biết rõ Nhân quả nên tạo nhân tốt để tránh quả báo khổ đau. Kinh Tạp A-hàm, số 281, nói đến quả báo của người ngu làm ác như sau: Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: Ác hành của thân này, đời này và đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, Đại sư cũng chê trách, những người phạm hạnh cũng chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung thì sẽ rơi vào địa ngục”. Và, kinh Tăng Chi Bộ, cũng nói đến sự nguy hiểm tà kiến, của sự tư duy không chơn chánh:“Những Tỳ-kheo nào, này các Tỳ-kheo, nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỳ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Và hơn nữa, này các Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất”.

 Kinh Hiền Ngu cũng dẫn dụ rất nhiều về hậu quả của người ngu, cảm thọ ba loại khổ ưu ở kiếp hiện tại, sau khi chết bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ba loại khổ hiện tại của người ngu, thứ nhất là bị gièm pha, chê cười: “Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, tư) đường, tại đấy có nhiều người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy” (kinh Hiền Ngu). Nỗi khổ thứ hai, ví như một tên trộm bị bắt. Nếu người ngu thấy một tên trộm bị bắt, chịu nhiều hình phạt khác nhau rất đau đớn cho đến bị tử hình, người ngu biết mình cũng là tên trộm, liền sợ bị bắt, bị phát hiện nên hắn thấy lo lắng, sợ sệt, không yên. Nỗi khổ thứ ba, người ngu gieo ác nghiệp sẽ bị ác nghiệp đeo đuổi, giống như người bị treo, bị cái gì đó đè nặng lên người, người ấy sợ bị đọa ác thú vì nghĩ mình không làm điều gì phước thiện, người ấy rơi vào tâm trạng sầu muộn, đấm ngực, rên la, than van… không thể an ổn được. “Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí” (kinh Tăng Chi Bộ).

Như vậy, người ngu không chỉ gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Đức Phật đã chỉ ra hậu quả mà người ngu phải gánh chịu: Tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, tiếng ác đồn khắp, chết rơi vào địa ngục, làm thân súc sanh, khi tái sanh ở cõi người sẽ sinh vào nhà hạ tiện. “Muốn nói một cách đúng đắn về địa ngục, phải nói rằng, địa ngục hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý… Đây là địa xứ hoàn toàn viên mãn của kẻ ngu” (kinh Hiền Ngu).

Đối với chư vị đệ tử của Phật, “Duy tuệ thị nghiệp” là điều luôn tâm niệm để hướng đến thành tựu. Nếu không chuyển hóa ba đặc điểm của người ngu thì hệ quả sẽ là “tạo điều vô phước” cho bản thân đồng thời làm cho “diệu pháp” của Phật biến mất trên thế gian này. Ngày nay trên bước đường hoằng pháp độ sanh, các bậc tôn túc phải tiếp nhận môn đồ để duy trì mạng mạch Phật pháp và kế thừa tông môn. Công tác tiếp Tăng, độ chúng thật không dễ dàng, nếu quá dễ dãi và thiếu chọn lọc thì về sau đạo pháp sẽ không có nhân tài trí tuệ kế thừa, đó là chưa kể đến hậu quả đạo hạnh người tu xuống cấp, Phật pháp suy đồi.

Trong xã hội có nhiều hạng người khác nhau, nhưng tóm lại có hai hạng người: người ngu và người trí. Người trí đem lại sự an vui cho cá nhân và cho cả xã hội. Người ngu thì trái lại, gây khổ đau cho bản thân, gia đình và làm ảnh hưởng sự phát triển tích cực của xã hội. Không có người ngu thì xã hội hoàn toàn an lạc, con người văn minh, đời sống hòa bình, không có gì phải lo sợ.

Ngày nay, các vấn đề như trộm cướp, giết người, bạo hành phụ nữ và trẻ em, kinh doanh gian dối, tham nhũng, ma túy, xung đột, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, mua bán bằng cấp, v.v… khiến mọi người ưu tư, lo lắng chính là những biểu hiện của người “ngu”, bị tham ái vô minh chi phối. Muốn chuyển hóa si mê và tham ái của những hạng người này không gì hơn là nâng tầm nhận thức của họ bằng giáo dục đạo đức, tin sâu Nhân quả, phát huy tuệ giác để nhận chân sự thật, thấy rõ lợi ích của mình cũng chính là lợi ích cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức của cá nhân, gia đình và xã hội trong mối tương quan với nhau vì sự phát triển, vì hòa bình và niềm an lạc của số đông.

Kinh điển Phật giáo là một kho tàng về giáo dục và nghệ thuật sống an lành. Người Phật tử chân chính cần nên học tập, nhận thức đúng đắn về bản chất của con người và thế giới xung quanh để sống tích cực, lợi mình và lợi người. Nếu như trong cuộc sống thường ngày, người Phật tử không thể sửa đổi được những tật xấu, không thể hóa giải được những sân hận, si mê, không thể xả bỏ được lòng ham muốn vị kỷ, kiêu mạn, tự đắc,… thì người ấy chưa phải là đệ tử đích thực của Đức Như Lai, vẫn còn là người “ngu” trong thế gian này. Hiện tại người ấy bị phiền não trói buộc, mai sau chẳng thể nào giải thoát khỏi dòng khổ đau sinh tử vô tận.
 

Diệp Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: biết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 131


Hôm nayHôm nay : 383

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 137034

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26935159


Ảnh đẹp