Thật vậy, Phật và Tổ đã tạo điều kiện cho chúng ta tu và tu thì phải đắc đạo; cho nên trong mùa An cư, chúng ta phải nỗ lực tiến tu theo châm ngôn:
Tam ngoạt An cư
Chứng đắc tam thừa chi Thánh quả
Cửu tuần tu học đồng đăng cửu phẩm Liên Hoa.
Ba tháng An cư phải chứng đắc được những quả vị của tam thừa giáo mà kinh Pháp Hoa gọi là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát gồm tham thừa nhân và tam thừa quả. Chúng ta tu nhân, nhưng phải chứng quả Thánh. Tu cả cuộc đời mà không được thành quả nào là lãng phí cuộc đời mình. Nếu không tu thì thôi, mà đã tu thì phải chứng quả.
Đại chúng gồm Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát là tam thừa. Người tu Thanh văn thừa sẽ chứng quả vị của Thanh văn; người tu Duyên giác thừa chứng quả vị của Duyên giác và tu Bồ tát đạo thì chứng Bồ tát quả. Về Thanh văn thừa có bốn quả, mà quả vị thấp nhất của người sơ tâm là Tu đà hoàn, chúng ta phải đạt cho được; vì Tăng Ni tu hành không chứng được sơ quả là chưa vượt qua ngưỡng cửa thế gian. Lấy gì làm thước đo mức độ tu chứng quả vị này?
Người chứng sơ quả thì không còn bị trần lao, nghiệp chướng, phiền não quấy rầy và cả ba việc là ăn, mặc, ở cũng không chi phối được tâm của hành giả đi vào cửa Thánh. Ý thức sâu sắc yếu nghĩa này, chúng ta phải luyện tập cho cuộc sống của mình không bị hoàn cảnh thiên nhiên, hoàn cảnh xã hội chi phối và phiền não nội tâm không nổi dậy. Dù hoàn cảnh như thế nào, lòng chúng ta vẫn an nhiên tự tại. Thể hiện tinh thần này, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nói “Đối cảnh vô tâm”; đó là thành quả mà chúng ta phải đạt được trên bước đường tu.
Người ta thường dễ lầm ý nghĩa của “Đối cảnh vô tâm”. Người vô tâm không nghĩ gì, thì trở thành gỗ đá. Tu để thành gỗ đá, tức vô dụng, không làm được gì mà còn cản trở người khác không làm được, thì rất nguy hiểm. Chúng ta cần cân nhắc để đừng rơi vào tình trạng này.
Người vô tâm, vô học là hàng Thánh A la hán mà chúng ta cố gắng thực hiện cho được. Vô tâm là phiền não tâm, vọng tâm không nổi dậy, vì trong tiềm thức, nghiệp của chúng ta đã dứt sạch, nên vọng tâm không sanh khởi.
Vọng tâm không sanh là gì? Lúc mới tu, chúng ta bị vật chi phối, nhưng trải qua một thời gian thể nghiệm pháp Phật có kết quả, thì không còn bị vật chất tác hại, tức không còn vọng tâm, hay trong lòng chúng ta không còn nghĩ đến tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, chỗ ở, v.v…
Vô tâm là cắt đứt vọng tâm, nhưng muốn như vậy, phải tập sống đối cảnh mà vô tâm. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, trong hạ thứ nhất, thứ hai, thứ ba, phàm tâm còn, nên ham muốn nhiều, gần nhất là ham ăn, ham ngủ, ham được cúng dường. Điều này rất nguy hiểm trên bước đường tu. Khi tu, có Phật tử đến thăm viếng, cúng dường; cho nên mùa hạ thường có thức ăn nhiều, y phục nhiều, tiền bạc nhiều. Được như vậy, chúng ta tự xét xem mình có khởi lòng tham hay không. Người có lòng tham nặng thì vô hạ tu, coi chỗ ở có khang trang thoáng mát, vừa ý mình hay không. Nếu còn tham lam, thì cái gì cũng không bằng lòng, vì lòng tham con người vô tận, được cái này lại muốn cái khác. Nhưng nếu ta tập sống vô tâm, ở chỗ thế nào cũng được, thậm chí một manh chiếu rách cũng xong. Cái gì xảy ra, chúng ta đều chấp nhận, coi như bình thường. Ngày nay, chắc chắn chúng ta tu hành có nhiều điều kiện tốt hơn các Thầy Tổ ngày xưa, nhưng nếu bằng tham vọng còn so sánh trường hạ này với trường hạ khác là chúng ta còn cách đạo xa.
Chúng ta cần luyện tập vô tâm đối với chỗ ở. Theo tôi, ta được tu hành, được kiết giới An cư là tốt rồi. Nhưng nếu không được như vậy, chúng ta còn có pháp tâm niệm An cư, không có đàn việt cúng dường, chúng ta vẫn tâm niệm là mình đang tu hành trong mùa An cư, nên luôn giữ gìn cấm giới, luôn nghĩ đến Phật, đến Bồ tát và hành trạng của các Ngài.
Trong lúc tâm không vướng mắc vào chỗ ở, chúng ta suy nghĩ thêm việc thứ hai là vào trường hạ, lên quả đường, có để tâm đến ăn uống hay không, có xem thức ăn ngon dở hay không. Hòa thượng Trí Tấn nói với tôi rằng thời của tôi tu hành còn sung sướng hơn thời của Hòa thượng. Nhưng thời của tôi chỉ có nước muối, không có nước tương, không có đậu hủ, thức ăn của chúng tôi toàn là rau củ hư mà chợ vứt bỏ. Vậy mà Hòa thượng còn nói thời tôi sung sướng, thì không biết thời của Hòa thượng tu khổ đến mức nào. Được Hòa thượng nhắc nhở như vậy, thiết nghĩ ngày nay chúng ta tu hành có nhiều tiện nghi, phải nhớ nghĩ đến Thầy Tổ đã sống khắc khổ, phạm hạnh, chịu đựng cuộc sống thiếu thốn mọi bề; nhưng nương vào công đức của quý Ngài đã dày công xây đắp, chúng ta mới có đời sống sung túc thế này. Khi nào đoạn được lòng tham ăn, Phật dạy rằng sẽ được chư Thiên cúng dường những món thượng diệu.
Ngoài việc chỗ ở, ăn mặc, kế tiếp, chúng ta khắc phục sự ngủ nghỉ. Bây giờ chúng ta có điều kiện tốt đẹp là trong nước không có chiến tranh, cuộc sống được bình yên, thì phải nỗ lực tu. Nếu không, đến khi chiến tranh hoặc gặp chướng nạn, phước hết, phải khổ sở, bấy giờ muốn tu cũng không được.
Nỗ lực tu, đạt được vô tâm, nghĩa là không quan tâm đến việc ăn mặc, chỗ ở, ngủ nghỉ; nhưng không ngừng ở đây. Chúng ta đắc quả này rồi, Phật dạy rằng tất cả chư Bồ tát sẽ hiện ra và trợ hóa khiến chúng ta phát tâm Bồ đề. Nếu các Bồ tát không hiện ra thì từ sự vô tâm, chúng ta sẽ đi thẳng vô Niết bàn, gọi là thú tịch Thanh văn. Hàng Thanh văn tu hành thường rơi vô chỗ này là nhập Niết bàn.
Trước kia, tôi có dịp may được gặp Hòa thượng Giác Chánh tu theo Khất sĩ mà tôi rất kính trọng. Suốt đời Ngài tu hạnh dầu đà. Ngài nói với tôi rằng Ngài sanh ra không gặp thời kỳ phát triển Phật giáo được, tức không gặp các vị Hộ quốc nhân vương, không gặp vua chúa quý trọng Phật giáo, không gặp trưởng giả cư sĩ hết lòng với đạo; cho nên Ngài cố gắng phát triển Phật giáo trong nội tâm, nghĩa là nỗ lực thể nghiệm áo nghĩa của Phật pháp trong cuộc đời tu của mình.
Ngày nay, số lượng tịnh xá có rất nhiều. Những người không hiểu biết cho đó là do các Hòa thượng, Thượng tọa thuộc hệ phái Khất sĩ nỗ lực vận động xây dựng mà có. Nhưng nếu nghĩ như vậy thì dễ rớt vào tăng thượng mạn. Tôi nghĩ khác, không phải những người hiện giờ đang làm trụ trì, hay làm Viện chủ có công xây dựng, mà do công lớn nhất là Tổ sư Minh Đăng Quang và Ngài Giác Chánh. Nếu không có những vị này xây dựng đời sống phạm hạnh, xây dựng đời sống tâm linh làm biểu tượng mà quần chúng kính ngưỡng, thì quý vị dù vận động cũng không có ai cúng dường.
Hoặc ở tỉnh Bình Dương, Thầy Thiện Duyên mới thưa rằng ở huyện Tân Nguyên đã xây dựng mới và sửa chữa được mấy chục ngôi chùa. Theo tôi, làm được việc lớn này là nhờ Hòa thượng Trí Tấn, dù vào thời Hòa thượng làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà không xây dựng được ngôi chùa nào. Thật vậy, nhờ công đức của Hòa thượng tu hành từ thời sơ tâm, Ngài đã lặn lội từ chùa Phước Tường ở Thủ Đức để nghe kinh và tu tạo được ngôi chùa tâm linh. Ngày nay, Thượng tọa Thiện Duyên kế thừa công đức của Thầy Tổ để lại, mới phát triển được sinh hoạt Phật giáo tỉnh nhà.
Có thể nói những gì thấy được bằng mắt thì người ta có thể lấy được, đánh cắp được. Còn những gì chúng ta không thấy bằng mắt, không dùng phàm tâm thấy được, mới là công đức. Vì vậy, việc quan trọng là xây dựng đạo đức của mình và nối kết tâm mình với tâm của Thầy Tổ, với tâm của Phật.
Những người thật tu đạt đến đối cảnh vô tâm sẽ vào Niết bàn, nếu lúc đó không có mười phương Phật phóng quang gia bị, không có các Bồ tát khuyến khích trợ tuyên chánh pháp và không có Đại Phạm Thiên vương khẩn thỉnh trụ thế độ sanh. Chính Đức Phật Thích Ca cũng nói rằng khi Ngài thành đạo ở cội Bồ đề, Ngài muốn nhập diệt; vì thấy hiểu biết của Ngài không thể nói cho mọi người hiểu được. Ngài đã vào Hoa Tạng thế giới, tức giữa Ngài và chư Phật thông nhau trong thế giới bản thể, an lạc vô cùng. Nhưng nay phải rời bỏ bản thể tu chứng để vào trần gian mang thân tứ đại, sống khất thực, là việc mà Ngài hoặc bất cứ người nào cũng e ngại.
Thật vậy, người đắc Thánh quả tạm ví như người đã rời bỏ cuộc sống nghèo hèn, bước lên cuộc sống cao sang nhất; nhưng lại bảo họ từ bỏ cuộc sống tốt nhất để làm ăn mày, hay làm thợ thuyền, thì không ai chấp nhận cả. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng khi chúng ta tới chỗ vô tâm, kinh Pháp Hoa gọi là bãi đất trống, thì mười phương Phật hiện ra. Người có căn tánh Đại thừa lúc đó được Phật an ủi, có Bồ tát hợp tác và có Hộ pháp long thiên giữ gìn, mới dám vào trần lao độ sanh.
Trên bước đường tu hành, bước đầu làm sao xây dựng được đời sống tâm linh để chứng quả vị nào đó, mới kết nối được với chư Phật. Điều này tạm hiểu như ngày nay chúng ta nối mạng. Chúng ta ngồi đây, không thể biết diễn biến trên thế giới, nhưng nếu có nối mạng toàn cầu, mọi việc xảy ra trên thế giới, chúng ta thấy được, nghe được. Cũng vậy, chúng ta tu hành, làm sao nối mạng được với chư Phật mười phương. Phật dạy nếu đạt được vô tâm thì chấm dứt thế giới sanh tử, Niết bàn sẽ hiện ra; giống như chúng ta thức thì không chiêm bao được, nhưng ngủ mới có thế giới chiêm bao. Hoặc muốn biết sau khi chết là gì, phải chết mới biết. Chết thì thế giới chết mới hiện.
Tu hành, muốn vào thế giới Phật, phải gia công Thiền quán, nghĩa là tuy còn sống, nhưng đã cắt đứt thế giới sanh tử là vô tâm. Bấy giờ, nhờ có kinh điển đã huân tập từ trước, nên trong Thiền quán chúng ta thấy thế giới Phật xuất hiện, thấy Bồ tát hành đạo mười phương. Chưa đạt tới sở đắc này mà tu, vẫn là tu mù.
Tu hành có hai hạng người là tu mù và tu huệ. Tu mù là tu theo may rủi, gặp may, chúng ta thành công một số việc; nhưng gặp rủi ro thì mất trắng; cho nên tu suốt đời cũng không được gì.
Tu huệ là tu sáng mắt, vì có Phật phóng quang gia bị, hộ niệm, nên chúng ta có tánh linh. Tánh linh đó sẽ báo cho biết việc sắp xảy ra tốt hay xấu, người sắp gặp là người tốt hay ác, chỗ nào nên tới và chỗ nào chúng ta cần tránh. Người có tánh linh được Phật hộ niệm giống như chỗ có nối mạng toàn cầu thì có âm thanh và hình ảnh truyền tới. Nếu tu lâu, nhưng tánh linh không phát, Phật huệ không rọi vào, chúng ta không biết việc xảy ra như thế nào, việc đáng tránh mà cứ làm là chuốc họa vào thân, còn việc nên làm mà không làm là bỏ mất cơ hội tốt.
Ba tháng An cư là mùa tu tốt nhất để thực hiện cho được sự vô tâm, từ đó tánh linh chúng ta mới phát lên. Trong lúc An cư, quý Thầy nghĩ gì? Đối với tôi, cố thực hiện pháp vô tâm, nghĩa là không quan tâm đến ăn uống, chỗ ở, ngủ nghỉ, không quan tâm đến việc xảy ra chung quanh, không quan tâm đến bà con, cha mẹ, anh em, tín đồ… Nhưng còn một việc duy nhất chúng ta phải để tâm; vì nếu vô tâm luôn việc này sẽ trở thành gỗ đá. Đó là để tâm đến kinh tạng Đại thừa, vì trong kinh điển Đại thừa luôn nói về chư Phật, về chư Bồ tát mười phương. Ngày đêm siêng năng đọc tụng kinh điển và suy nghĩ về ba đời chư Phật, siêng năng sám hối tội căn để nghiệp chúng ta nhẹ dần. Siêng năng đọc tụng kinh Đại thừa là đọc danh hiệu Phật, Bồ tát, đọc hành trạng của các Ngài, thì danh hiệu và hành trạng đó sẽ thâm nhập vào tâm chúng ta. Vô tâm trần tục, Thánh tâm sẽ hiện. Trong tâm chúng ta có Phật, có kinh điển, có việc của các Ngài làm. Kinh nghiệm của tôi là nhờ đọc kinh nhiều, nhờ sám hối, nhờ lực hộ niệm của Phật, nên tánh linh tôi có những điều kỳ diệu. Có hôm tôi định đi đâu, làm gì mà thấy tâm bất an, tôi không đi, dù đã có hứa; vì tâm bất an chứng tỏ phiền não, nghiệp khởi dậy mà ta đi làm Phật sự là làm bằng nghiệp và phiền não thì đó là ma sự.
Thực tế cho thấy một số Thầy phát tâm làm Phật sự. Có người thưa rằng thích tu Bồ tát đạo, thích bố thí, cúng dường, làm từ thiện; nhưng về sau thối Bồ đề tâm, không làm nữa. Vì lầm tưởng ma sự là Phật sự, mà quyết tâm làm, nên càng làm, nghiệp càng sanh ra. Thật vậy, định làm nhưng ta thấy bất an; vì lỡ hứa, phải cố gắng đi trong tâm trạng bất an, trong cái không muốn làm. Ví dụ có người mời tôi thuyết pháp, nhưng lòng bất an mà cố gắng đi, thì tôi sẽ thuyết cái pháp không muốn thuyết, là điều nguy hiểm.
Khi đạt được vô tâm rồi, Phật lực gia bị đến, lòng chúng ta sáng lên, nghĩ rằng hôm nay mình đi đâu và cảm thấy an vui là được một điểm. Nhưng nghĩ tới điều thứ hai là đến đó để làm gì, câu hỏi này được Phật huệ, hay tánh linh hóa giải. Ta đến thuyết pháp, hay làm từ thiện là đã có mục tiêu trước. Nếu đến để thuyết pháp, nhờ Phật hộ niệm làm tâm chúng ta lóe lên tia sáng, biết nên nói pháp gì, lòng chúng ta thấy an vui và hội chúng nghe pháp cũng được an vui. Ba điều vui này xảy ra như vậy, chắc chắn Phật sự sẽ thành tựu.
Nếu định đến thuyết pháp, nhưng không tìm được bài pháp nào để thuyết là Phật không hộ niệm, chúng ta phải chuyển sang hướng khác, không thuyết pháp nữa, mà tới để thăm người bạn nào đồng hạnh nguyện với mình để trao đổi điều gì đó, thì lòng chúng ta cũng cảm thấy an vui. Có Phật huệ rọi vào, mọi việc sẽ được hóa giải tốt đẹp.
Vì vậy, có Phật huệ soi sáng, chúng ta thấy đúng, làm dúng và làm cho người an vui, đó là pháp, là Phật sự. Nhưng nếu đến thấy khác với suy nghĩ của ta, chứng tỏ cái thấy của ta đã sai lầm, nên cân nhắc để trở lại trạng thái tu hành vô tâm. Vì cái khởi niệm đến để làm gì cũng là vọng tâm, nên khởi niệm đó sai thì phải dừng lại, trở về thất, lạy Phật để đạt vô tâm.
Thế giới của ta tu là thế giới vô vi, thế giới Thiền định, thế giới của tâm. Và khi tâm bừng sáng, ta dùng tâm này rọi vào cuộc đời, rọi vào xã hội. Ý này được Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng vào Thiền định, phát sanh trí tuệ và dùng Trí thân này, hay lấy trí tuệ làm thân mạng để quán sát lại trần thế, chúng ta sẽ thấy khác, không giống người trần thế thấy theo tham sân si. Người trần thế thấy tốt thì ham, thấy xấu thì bực tức, thấy có lợi thì tìm đến, thấy người giàu có thì muốn kết thân, thấy người quyền thế thì cầu cạnh, thấy người nghèo khổ thì tránh xa. Cái thấy sai lầm như vậy của thế nhân dẫn họ đi vào sáu đường sanh tử khổ đau triền miên.
Thấy của đệ tử Phật là thấy theo nhân duyên, mà thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai. Thấy sự việc theo nhân duyên thì thấy nhân duyên tốt hay xấu từ quá khứ giữa ta và đối tác hôm nay, không phải mới gặp nhau ở đời này, mới có mối liên hệ tốt xấu trong hiện đời.
Thấy theo nhân duyên, đầu tiên, chúng ta thấy cuộc đời, thấy xã hội, gọi là thấy quốc độ và chúng sinh; cho nên lấy quốc độ và chúng sinh làm đối tượng tu hành. Sống trong đất nước vào thời kỳ bình yên ngày nay, chúng ta phải nỗ lực phát triển đạo tâm, đạo hạnh để làm biểu tượng cho quần chúng quy ngưỡng. Tỉnh Bình Dương có nền kinh tế đang phát triển, nên rất cần đạo đức của Tăng Ni; vì đạo đức phát huy sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, trong đó thành phần quan trọng là những người làm kinh tế trở thành người tốt, thì xã hội mới bền vững. Còn người làm kinh tế giỏi, nhưng tâm không tốt sẽ tác hại rất nhiều cho xã hội.
Nếu sống trong quốc độ nghèo đói, chúng ta chia sẻ nổi khổ với người để họ hướng tâm về đạo mà vơi bớt niềm đau. Nếu lúc chiến tranh gọi là Nhà lửa tam giới, ta thấy đủ thứ xấu ác, nghèo đói, hung dữ, cướp giựt xảy ra, kinh Pháp Hoa diễn tả là quỷ ma, rắn độc, thú dữ… Chúng ta bình tâm quan sát sẽ thấy có các vị Hiền Thánh xuất hiện, ta nên làm bạn với các Ngài. Có huệ và thấy nhân duyên là thấy như vậy. Tôi sanh trong thời chiến, thường quan sát những người trên, những người đồng thời và người dưới mà tôi tìm được những người bạn tốt. Trong hoàn cảnh nguy hiểm mới thấy người tốt, người tài xuất hiện, người anh hùng dám hy sinh thân mạng để cứu dân cứu nước. Tuy nhiên, bên cạnh cũng có những người xấu. Ta có Phật huệ thấy đúng đắn, nên tránh người xấu. Vì vậy, trong thời kỳ khó khăn, những người tìm tôi, dù có quyền thế, tôi cũng tránh mặt, không gặp; vì không cảm hóa được họ mà lại bị ảnh hưởng ngược lại. Không phải thấy người giàu có, quyền thế là nhờ vả. Phải thấy người tốt thực và có tâm Phật, có hạnh Bồ tát, ta mới hợp tác.
Được Phật huệ rọi vào, thấy nhân duyên giữa ta và Phật, giữa ta và quốc độ mười phương, giữa ta và xã hội đương thời; theo đó, ta nên làm gì, gặp ai và làm đúng như vậy thì tâm ta an lạc và xã hội phát triển. Nhưng không đoạn trừ được phiền não, không dẹp được trần lao, mà lo làm việc thì rất nguy hiểm.
Tôi mong ba tháng An cư, Tăng Ni nỗ lực tu hành, đạt được thành quả tối thiểu là vô tâm và sau đó, hướng tâm về Phật pháp thì Phật pháp mới phát triển. Có trí huệ, thấy rõ nhân duyên giữa ta và đất nước này, giữa ta và xã hội; theo đó hành Bồ tát đạo, giúp người thăng hoa đời sống đạo đức và tri thức, mới thật sự là đệ tử của Phật./.
HT. Thích Trí Quảng