Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Khóa cấm túc an cư: Một hướng đi lợi lạc thiết thực

Thứ sáu - 14/06/2019 05:54
GN - Khóa an cư tập trung cấm túc 10 ngày lần đầu tiên của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (cơ sở II, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), kết thúc vào sáng 30-5 (26-4 ÂL), đã để lại nhiều ấn tượng cho người tham dự, về hướng đi của giáo dục Phật giáo trong tình hình hiện tại.
Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Khóa cấm túc an cư: Một hướng đi lợi lạc thiết thực

Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: Khóa cấm túc an cư: Một hướng đi lợi lạc thiết thực

Nói về khóa cấm túc an cư đầu tiên này, TT.Thích Viên Trí, Phó Viện trưởng đặc trách đào tạo cho biết, trước hết, đây là khoảng thời gian để Tăng Ni chúng có dịp cùng ngồi lại với nhau, tụng kinh, quá đường, tọa thiền, dành những khoảng thời gian cùng nhau bàn luận Phật pháp và chia sẻ những kinh nghiệm tu tập trên tinh thần đạo vị, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

“Tại khóa an cư kiết hạ ngắn ngày lần này, Viện trưởng - HT.Thích Trí Quảng cũng đã luôn theo sát và sách tấn huynh đệ chúng tôi. Không chỉ cùng tham gia các thời khóa với huynh đệ và các Tăng, Ni sinh tại Học viện, Hòa thượng còn có những chia sẻ quý báu từ công phu tu tập, hành trì cũng như sự quyết đoán khi điều hành công tác ở Học viện… Từ đây, mỗi Tăng Ni nói chung có thể lấy đó làm tấm gương sáng cho mình, tự bổ sung những khiếm khuyết cá nhân để hoàn thiện hơn trên con đường tu học và đóng góp thêm nữa cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo chung, ở hiện tại và tương lai”, Thượng tọa chia sẻ.


Xem ghi nhận ý kiến của lãnh đạo, giảng viên và Tăng Ni sinh Học viện về khóa tu

Bên cạnh đó, một trong những điểm khiến khóa cấm túc 10 ngày trở nên đặc biệt hơn nữa, đó là sự cộng tu như vậy đã tạo nên một cầu nối giúp gắn kết các hội đồng điều hành, ban, khoa của Học viện, vốn trước đây còn tồn tại một số khúc mắc trong công tác quản lý, đến nay được chặt chẽ và mang tính đồng thuận cao. Như TT.Thích Viên Trí nhấn mạnh: “Có thể thấy, chính vì thiếu đối thoại nên trong quá trình cộng sự còn gặp nhiều khúc mắc và hạn chế, là điều khó tránh khỏi. Song, qua những buổi chiều của khóa an cư, được ngồi lại bên nhau với sự cởi mở và lắng nghe chân thành các ý kiến, góp ý... mọi người từ đó hiểu nhau hơn, tạo nên sự hòa hợp trong công tác Phật sự của Học viện. Điều đó được thể hiện rõ qua bầu không khí thân tình, hòa hợp thực sự trong Tăng-già suốt những ngày từ sau an cư đến nay”.

Cũng cùng quan điểm trên, NS.TN Như Nguyệt, Phó ban Quản viện Ni tại Học viện, chia sẻ: “Năng lượng của Hòa thượng Viện trưởng đã kết hợp hòa hợp cùng Hội đồng Điều hành, Ban Giảng huấn, Ban Quản viện Tăng Ni. Các buổi chia sẻ, những lời đạo từ của ngài đã thật sự giúp giải tỏa và tháo gỡ hết tất cả những khúc mắc trong nội bộ Tăng Ni chúng nói chung, trợ lực mạnh mẽ cho sự gắn kết của mỗi ban, ngành tại Học viện hiện nay. Hơn thế nữa, sau khóa an cư ngắn hạn, rất đông chư tôn đức Tăng Ni đã tiếp tục mong muốn ở lại để thực hiện kỳ an cư kiết hạ dài hạn tại trụ sở Học viện, đây có thể nói là hiệu ứng hết sức tích cực cho những chủ trương mà Hòa thượng Viện trưởng đề ra cho Phật giáo thành phố nói chung và Học viện Phật giáo tại TP.HCM nói riêng, trong thời gian sắp tới”.

Nhìn chung, không chỉ đối với chư tôn đức lãnh đạo Học viện, khóa an cư ngắn hạn lần này cũng mang lại nhiều niềm hoan hỷ cho Tăng Ni sinh đang theo học nội trú. Theo đó, tại đây, Tăng Ni sinh lần đầu tiên được cộng tu cùng chư tôn đức lãnh đạo Học viện, các giáo thọ sư, giảng viên… Từ đó, được trực tiếp tiếp nhận và học hỏi những oai nghi về thân giáo và khẩu giáo, nâng cao trình độ Phật học thông qua các buổi thuyết giảng, chia sẻ từ chư tôn đức lãnh đạo, đặc biệt là tấm gương tinh tấn trong các thời khóa của vị giáo phẩm lãnh đạo, dẫu năm nay ngài đã ngoài 80.

“Đây là một cơ hội hết sức quý báu và sự quan tâm sâu sát của Hòa thượng Viện trưởng cũng như quý chư tôn đức trong Hội đồng Điều hành. Những lời đạo từ, đạo lực từ quý chư tôn đức như truyền lửa cho Tăng Ni sinh chúng tôi suốt khoảng thời gian cộng tu của khóa cấm túc 10 ngày vừa qua. Riêng bản thân tôi, một Ni sinh trẻ, tôi đã cảm thấy vô cùng xúc động, khi khoảng cách lớn giữa những bậc tôn túc trưởng thượng với lớp Tăng Ni sinh trẻ ngày càng gần hơn. Điều này giúp cho lớp Tăng Ni sinh trẻ được học hỏi một cách chân thực hơn oai nghi, đạo lực, đạo từ trực tiếp từ chính các ngài”, SC.TN Nhuận Bảo chia sẻ với phóng viên.

Một nội dung sinh hoạt khác dành cho các giảng viên, trợ giảng của Học viện trong khóa an cư này là chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. “Học viện cũng đã thống nhất sẽ mở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm như vậy, vào mùa an cư hàng năm để các giảng viên theo học. Bởi lẽ, đây là một trong số những chứng chỉ bắt buộc, nếu các vị giảng viên tốt nghiệp từ các nước muốn tham gia giảng dạy tại những Học viện Phật giáo trong và ngoài nước”, TT.Thích Viên Trí cho biết.

 

 

Nhị vị Hòa thượng lãnh đạo Học viện nhận định

BTN_0096.JPG

Căn cứ Tỳ-ni Luật tạng, Tỳ-kheo phải cấm túc an cư trong ba tháng. Nhưng thực tế hiện nay, các vị giáo thọ đều phải đi giảng dạy tại các trường hạ. Cho nên, tôi quyết định mở khóa an cư cấm túc 10 ngày hạ đầu tiên để quý thầy tu theo luật Phật, vừa trao đổi các vấn đề trong công tác giáo dục để định hướng cho mỗi năm. 

Qua 10 ngày tổ chức, tôi thấy kết quả rất tốt, vì các thầy, các cô có cơ hội gặp gỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm tu tập cũng như giảng dạy. Tôi tin tưởng qua khóa tu này, các thầy, cô sẽ có kinh nghiệm cũng như kỹ năng tốt hơn trong việc giảng dạy và truyền bá Chánh pháp của Đức Phật”.

HT.Thích Trí Quảng
Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, 
Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

BTN_0032.JPG

Học viện về nền tảng giáo dục Phật học thì có chủ trương rất chuẩn, rất tốt để đào tạo thế hệ Tăng, Ni sinh trẻ. Lực lượng giảng dạy tại Học viện rất phong phú, tốt nghiệp từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giảng dạy. Điều mà tôi luôn băn khoăn là về nghiệp vụ sư phạm, việc soạn giáo án để lên lớp cho thống nhất với chủ trương hiện nay.  

Tôi nhớ vào thập niên 1990, tôi có cơ duyên đi học khóa đào tạo về nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Tôi nhận thấy những điều này vô cùng hữu ích cho việc giảng dạy, nên đã nhiều lần đề xuất đến Hội đồng Điều hành, năm nay mới được chấp nhận để mở. Tôi vô cùng hoan hỷ và mong rằng những thế hệ giảng dạy tiếp theo cũng được đào tạo như vậy”.

HT.Thích Giác Toàn, 
Phó Chủ tịch HĐTS, 

Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Giao Hảo - Quảng Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 137


Hôm nayHôm nay : 224

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 136875

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26935000


Ảnh đẹp