1. Ở Sài Gòn, nói đến chùa Ngọc Hoàng thì hầu như ai ai cũng đều biết. Đó là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng về việc cầu con cái. Với những trường hợp linh ứng diệu kỳ về chuyện cầu con này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó trên các diễn đàn của các bà nội trợ.
Tất nhiên sẽ chẳng có ai khẳng định được rằng, chuyện con cái cứ đến đây cầu là được. Như chính ông Minh (ngoài 60 tuổi), người đã gắn bó với chùa suốt gần 30 năm qua, người đã chứng kiến bao nhiêu cặp vợ chồng nhang đèn đến đây cầu nguyện, cũng chỉ có thể nói rằng: Tùy duyên!
Chùa Ngọc Hoàng
Tùy duyên”, đó là câu trả lời chính xác nhất trong trường hợp cầu con nơi đây. Bởi như theo ông Minh chia sẻ từ những gì ông chứng kiến thì có cặp vợ chồng đến cầu nguyện 1 lần là có con ngay, có người cầu từ năm này qua năm khác nhưng đường con cái vẫn biệt vô âm tính!
Ông nói, có những người đến cầu và sau đó có con nên họ tin tưởng và cho rằng chùa linh thiêng, cầu là có, nhưng thật ra không hẳn là như vậy! Bởi theo nhà Phật, con cái là nhân duyên từ kiếp trước nên khi đủ duyên thì cầu nguyện mới có thành. Còn không đủ duyên thì dẫu cầu cũng không thể đạt, như cây chưa đủ tuổi thì chưa thể đơm hoa kết trái!
Dẫu không thể khẳng định về sự linh thiêng trong việc cầu con là như thế nào, song, ở chùa Ngọc Hoàng có hẳn một không gian riêng thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, đặc biệt là có 12 Mụ Bà – Mẹ Sanh Mẹ Độ. Đây cũng chính là nơi các cặp vợ chồng đến cầu con cái.
Theo quan niệm dân gian từ ngày xưa, 12 mụ bà làm việc nắn hình người cho bé từ lúc thai sinh. Tục thờ cúng 12 Mụ bà - Mẹ sanh gần như rất phổ biến tại nhiều gia đình, nhất là ở các miền quê.
Không gian thờ Thánh Mẫu, 12 Mụ bà và ông Tơ - bà Nguyệt
Bên cạnh các tượng Mụ bà có những tượng bé trai, bé gái. Người nào muốn cầu con trai hay con gái thì vuốt vào tượng tương đương rồi xoa lên bụng mình. Để tiến hành khấn nguyện, các cặp vợ chồng hay mua nhang đèn, hoa và trái cây dâng lên cúng Thánh Mẫu và 12 bà Mụ. Có thể nói, không gian thờ này lúc nào cũng đông nghịt người và dày đặt khói hương, từ ngày Rằm cũng như ngày thường.
“Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả” – ông Minh nói với chúng tôi.
Thêm một điểm đặc biệt khiến nơi thờ tự này lúc nào cũng đông đúc đó chính là ngoài Thánh Mẫu, 12 Mụ bà thì còn có thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Nên ngoài cầu con thì khách hành hương có thể cầu tình duyêntại đây.
Khách thấp hương và khấn tên mình, sau đó đến tên “người trong mộng” để ông Tơ, bà Nguyệt se duyên. Tiếng đồn về sự linh tiêng trong việc cầu tình duyên tại nơi đây cũng không hề kém gì so với việc cầu con.
2. Điện thờ Thánh Mẫu đã đông khách cúng bái, nhưng trong chùa Ngọc Hoàng thì điện Ngọc Hoàng mới thật sự là nơi đông nhất.
Điện thờ Ngọc Hoàng
Trong chánh điện, chính giữa là thờ Ngọc Hoàng, hai bên là chư tiên và các bậc thiên tướng… Trước bàn thắp nhang lễ Ngọc Hoàng lúc nào cũng có một người đứng túc trực, người này sẽ nhận những lọ tinh dầu mà khách mua tại quầy bán nhang đèn trong chùa để rót vào ngọn đèn cúng dường lên Ngọc Hoàng và chư thiên. Khách sẽ nói tên và điều mình mong cầu để người này vừa rót dầu cúng, vừa khấn nguyện cho gia chủ.
Dừng lại ở điện Ngọc Hoàng lắng nghe một hồi lâu thì nhận thấy rằng, cứ mỗi người đến đây lễ cúng thì có một ý nguyện không giống nhau. Người thì cầu sức khỏe, người cầu bình an, người cầu tài, cầu lộc, người cầu công việc suông sẽ, người cầu cho người thân an lành…
Ngoài ra, trong chùa Ngọc Hoàng còn có điện thờ Phật Dược Sư để khách cầu sức khỏe, điện Thần Tài để cầu tài, lộc và đặc biệt là điện thờ Đức Quan Thế Âm được đặt trên lầu.
Cúng dầu cầu nguyện
Chùa có một khoảng sân khá rộng phía trước và được che mát bởi bóng cây Bồ Đề cổ thụ. Trong khoảng này có hồ nuôi cá nằm ngay chính giửa và hồ nuôi rùa bên tay phải từ ngoài vào. Trên mái chùa, thỉnh thoảng có đàn bồ câu đông hàng trăm con bay sà xuống sân chùa nhặt thóc rồi lại tung cánh bay lên trời; tất cả tạo nên một cảm giác bình an, thư thái cho khách hành hương.
Ông Minh cho chúng tôi biết, Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào năm 1892 bởi người Hoa. Trải qua hơn 100 năm nay, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa đặc trưng. Trừ phần sân được lát gạch lại cho sạch sẽ thì toàn bộ kiến trúc trong chánh điện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn so với ban đầu.
Vào năm 1994, Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vị Trụ trì hiện tại của chùa là Thầy Thích Minh Tông.
Thầy trụ trì (Y vàng) và các Phật tử tại Điện Quan Âm
Lâu nay, Phước Hải Tự không chỉ đón khách trong nước mà còn là một trong những ngôi chùa được khách quốc tế đến tham quan nhiều nhất tại TP HCM. Và có thể, sau sự kiện Tổng thống Mỹ Obamađến thăm thì ngôi chùa này sẽ càng trở thành một địa chỉ tâm linh nổi tiếng và thu hút khách thập phương hơn nữa.
Như nhiều ngôi chùa khác trên đất nước này, chùa Ngọc Hoàng khoác lên mình một vẻ đẹp của sự linh thiêng kỳ bí mà không ai có thể lý giải được. Ngôi chùa đã và đang là địa chỉ niềm tin cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, cho bao đôi tình nhân trắc trở… Họ đến cầu nguyện để tìm lại sự bình tâm và cân bằng.
Như vài người mà chúng tôi có dịp trò chuyện tại chùa, họ gặp trục trặc trong công việc hay những bất trắc xảy ra trong cuộc sống, họ đến chùa cầu nguyện. Dẫu họ không biết chắc về sự linh ứng thế nào, nhưng họ vẫn đến bởi khi khấn nguyện xong, lòng họ bình tâm không còn lo lắng.
Đàn bồ câu trước sân chùa
Cuộc sống là vậy, còn niềm tin là còn lẽ sống, còn hy vọng. Việc nhiều người đặt niềm tin vào một sự nhiệm màu nào đó có thể là mơ hồ, song đáng sợ nhất ở đời là không còn niềm tin vào điều gì! Tất nhiên, sự thành tâm kính tin ở đây không phải là sự mê muội mù quáng!
Theo Trúc Vân
Nguồn: petrotimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 211
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 210
Hôm nay : 1592
Tháng hiện tại : 508713
Tổng lượt truy cập : 27306838