Đầu xuân năm mới luôn có những lễ hội, lễ hội quốc gia, lễ hội làng... Bên cạnh những nét đẹp truyền thống gìn giữ tại các lễ hội thì tình trạng mê tín dị đoan, thương mại hóa cũng như những ứng xử thiếu văn hóa đang gia tăng tại nhiều lễ hội.
Nạn cờ bạc diễn ra công khai tại nhiều lễ hội. Ảnh minh họa
Bát nháo trên đường... cầu kinh
Theo thống kê của ngành văn hóa, mỗi năm Việt Nam có khoảng 500 lễ hội lớn nhỏ, tất cả trong số này đều là lễ hội truyền thống trong đó có những lễ hội lớn diễn ra vào dịp đầu xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách như Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), chùa Bà (Bình Dương) hay Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình)...
Trước đây, những lễ hội lớn thường diễn ra trong bình yên. Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm trở lại, khoảng bình yên mong manh đó đã bị chính những người đi hội và cả những người tổ chức lễ hội phá vỡ.
Với đồ lễ trên tay, đội trên vai, ai ai cũng cố chen vai, thích cánh vào dòng người đông nghẹt để có thể thắp hương, đặt lễ. Cũng bởi không khí hỗn loạn, xô đẩy rất phản cảm ấy nên ai ai cũng phải đứng lễ trong tư thế... chênh vênh như đang đứng trên mỏm đá cao.
Đoàn người ùn ùn vượt qua con đường hẹp, vượt qua đội ngũ "cò mồi" trông xe, bán lễ giăng đầy trước lối vào, để tới được trong gian phủ chính, nhiều người phải đặt đồ lễ lên vai, lên đầu, miệng bai bải hô... dẹp đường.
Trước “biển người” như vậy, kẻ gian dễ dàng ung dung lộng hành. Nhiều người dù đã cẩn thận kẹp chặt túi vào người vẫn bị mất cắp như thường. Sau khi lễ xong, chen được ra khỏi đám đông xì xụp khói hương, các nạn nhân mới tá hỏa phát hiện mọi tiền, giấy tờ, tài sản trong túi đã không cánh mà bay. Tức tối vì bị mất cắp đầu xuân, nhiều người chẳng kìm chế tuôn ra lời chửi rủa.
Các hình thức cờ bạc vốn vẫn bị cấm như xóc đĩa, bầu cua... cứ đến dịp lễ hội bỗng trở thành “hợp pháp”. Nhiều trò “rút thăm có thưởng”, thậm chí mạo danh cả một game show truyền hình là “Chiếc nón kỳ diệu” nhưng thực chất là sát phạt đỏ đen, cũng hoạt động vô tư.
Ở những trò cờ bạc, đỏ đen ăn theo lễ hội này, du khách rất dễ sập bẫy bởi những người tổ chức luôn có “chân gỗ” dụ khách và có nhiều thủ thuật lừa bịp người chơi. Nhiều người dễ dàng mất bạc triệu vì ham mê đỏ đen trong những mùa lễ hội từ những trò chơi “hái lộc đầu Xuân” mang nặng tính lừa đảo.
Đến lễ hội lại... lên còn là những chuyện ùn tắc giao thông; mất vệ sinh an toàn thực phẩm; việc “chặt, chém” với giá cả “trên trời”; nạn trộm cắp móc túi, cướp giật tài sản; các biến tướng hủ tục mê tín dị đoan, bói toán, ăn xin lộng hành tràn lan, lôi kéo khách hành hương... Và rồi, báo chí cứ lên tiếng, nhưng khắc phục thì “treo”, dù năm nào cũng có những lời hứa của các Ban tổ chức lễ hội.
Tình trạng này “bám rễ” nhiều năm làm giảm tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hoá trong hoạt động lễ hội gây nên sự bức xúc của dư luận và báo giới như: Lễ hội Chùa Thầy, Lễ hội Chùa Hương, Bà Chúa Kho...
Cán bộ bảo vệ tại các lễ hội lớn đều ngán ngẩm cho hay, trước hàng ngàn, hàng triệu du khách tới tập trung một điểm, chỉ riêng việc nhắc nhở du khách thập phương cắm hương cho đúng chỗ, đúng quy định cũng đã đủ... hết hơi. Vì đông quá, nên mỗi người một phách, sẵn sàng ngả lễ cắm hương xuống bất cứ gốc cây, bãi đất nào còn chỗ trống. Rồi nơi tâm linh bị “tra tấn” bởi những đồ lễ bày “hổ lốn” và những lời cầu khẩn xen với câu chửi thề của các “phật tử”.
Phản cảm nhất là phải kể đến rác. Rác tứ tung, lổn ngổn khắp mọi nơi, rải từ đường cái vào đến ngôi chùa thiêng. Mặc dù ban tổ chức các điểm lễ hội đều sắp xếp thùng rác công cộng và lực lượng dọn rác khá hùng hậu nhưng vẫn “thua” hàng ngàn người vừa đi lễ vừa ăn uống và xả rác.
Người đi lễ hội chùa Hương. Ảnh VOV
Trách nhiệm “đẩy ra”, công đức “vơ vào”
Hiện nay, việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích chưa thống nhất. Có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý: Uỷ ban nhân dân xã, phuờng, Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ. Việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích của từng địa phương cũng khác nhau, có nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội, có nơi giao cho UBND xã, phường tổ chức và quản lý, có nơi do Ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ.
Chính vì vậy, mà việc quản lý nguồn thu công đức, tiền giọt dầu lộn xộn dẫn tới đi tới chùa, phủ nào cũng thấy hòm công đức, giọt dầu… “phong toả” khắp nơi. Trách nhiệm thì đùn đẩy nhau nhưng quyền lợi thu tiền bán vé dịch vụ, công đức thì ai cũng muốn... “vơ vào”!. Đây là điều không khó hiểu bởi các nguồn lợi từ lễ hội quá lớn trong khi tâm lý của những người đi lễ thường “thoáng tay”... rải tiền.
Vì tín ngưỡng dân gian, vì cội rễ văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào nhiều thế hệ; vì đời sống vật chất khá hơn nên con người đâm ra sính lễ nghĩa; hay vì tình hình kinh tế khó khăn mà người ta cần một vài chỗ nương náu tinh thần; vì trục lợi, buôn thần bán thánh; vì tâm lý đám đông, thậm chí a dua...
Tranh nhau xỉa tiền để mua ấn đền Trần; bỏ tiền thật hàng triệu để vay tiền hàng mã đốt ra tro ở Bà chúa Kho; tràn ra lòng đường để lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh?. Biến đường lên chùa Hương thành một cái chợ?...
Liệu có linh thiêng khi người sau vái vào mông người trước vì quá đông, cây nhang vừa cắm vào bát hương là có người rút ra nhúng ngay vào nước để hạn chế khói và tránh hỏa hoạn?. Văn hóa ở đâu khi có không ít người bằng mọi cách ngoi lên, đạp đồng loại ngã dúi dụi xuống đất đến mức ngất xỉu để tiến về phía thánh thần?...
Những cảnh tượng như trên đã quá phổ biến khiến một số người người nặng lòng với văn hóa không dám đến những chỗ lẽ ra phảng phất hương trầm và thấm đẫm phong vị, bản sắc, chứ không phải đầy mùi người và mùi tiền kia.
Giá trị, lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hoá dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại vốn sinh lời, chưa chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Và dường như, văn hóa du xuân là cái gì đó rất đỗi…xa xỉ?.
Thùy Dương
Theo phapluat