- Ngay sau khi đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất (1975), trong thời duyên mới, Tăng Ni của Hệ phái Khất sĩ có sự điều chỉnh về nếp sinh hoạt, không du hành mà dừng chân ở các trú xứ, tham gia sản xuất, góp sức cùng xã hội xây dựng hòa bình, ổn định với tinh thần “dĩ nông vi thiền, dĩ hòa vi quý, dĩ tâm vi Phật”.
Cho tới tháng 2-1980, khi tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, và trong mùa an cư năm đó, chúng tôi bắt đầu có chương trình an cư tập trung cho chư Tăng tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh), với số lượng ban đầu 21 vị. Năm thứ nhì, số lượng tăng lên 45 vị…; mỗi năm mỗi tăng dần, cho đến nay trung bình khoảng từ 120 - 140 vị. Trường hạ tịnh xá Trung Tâm thực hiện liên tục 34 mùa hạ; từ năm 2015 trường hạ tập trung của hệ phái chuyển qua Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2).
Các giáo đoàn thuộc hệ phái đều hoan hỷ với định hướng an cư tập trung này và duy trì trở thành nếp đều đặn, hòa vào truyền thống chung theo Nội quy về Tăng sự của Giáo hội.
* Từ chủ trương khất sĩ du hành, không ở nơi cố định quá ba tháng, cho đến nay hệ phái đã có bước thay đổi, và đặc biệt là nếp an cư tập trung. Sự thay đổi đó có gặp những khó khăn nào lớn không, thưa Hòa thượng?
- Ngay từ thời Tổ hiện tại, theo nếp sinh hoạt của Tăng đoàn thời Đức Phật, ngài cũng chủ trương Tự tứ Tăng hàng năm vào rằm tháng Bảy âm lịch. Khi chưa thành lập Giáo hội (1981), Hệ phái Khất sĩ vẫn duy trì truyền thống đó.
Nhân đó, chư vị giáo phẩm thuộc hệ phái ngồi lại với nhau, trước hết chúc mừng hạ lạp được tăng trưởng, tự kiểm điểm và chia sẻ những thành tựu Phật sự trong tinh thần lục hòa cộng trụ, sống chung tu học, để cùng giúp nhau thăng tiến trên con đường tu học và hành đạo.
Chính nhờ đó, tuy được hình thành muộn, Hệ phái Khất sĩ như người em út trong ngôi nhà Giáo hội, số lượng Tăng Ni, cơ sở tự viện cũng không nhiều, và theo đặc điểm của chủ trương du hành… nhưng Hệ phái Khất sĩ giữ được tinh thần đoàn kết nội bộ, tương đối ổn định như chúng ta thấy.
* Được biết, tại Pháp viện Minh Đăng Quang, trường hạ tập trung của Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì cho chư Tăng Ni, xin Hòa thượng chia sẻ thêm về nội dung và chủ trương của sinh hoạt đó?
- Về việc mở các khóa bồi dưỡng trụ trì, hệ phái đã làm 5-7 năm gần đây để hỗ trợ tinh thần tu học, sinh hoạt tại các trú xứ tịnh xá.
Đối tượng học là chư Tăng, Ni trụ trì hoặc chuẩn bị trụ trì, tri sự ở các tịnh xá trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh thành lân cận và các hành giả an cư tại Pháp viện.
Về nội dung khóa bồi dưỡng tương tự như quy định của Trung ương Giáo hội. Chúng tôi đã cung thỉnh HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP, ngài cũng là Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ của Phật giáo thành phố đến thuyết giảng; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đến nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm với hội chúng; TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH đến trình bày về Hiến chương, giới thiệu hệ thống hành chánh cũng như các nội quy liên quan của Giáo hội…
Về phía hệ phái, chúng tôi cũng cung mời chư vị giáo phẩm niên trưởng như HT.Giác Giới, HT.Giác Hà, chúng tôi cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa: Giác Pháp, Giác Nhân, Minh Bửu, Minh Thành… phụ trách giảng dạy các môn học Kinh, Luật, Luận gắn kết với vai trò và chức năng của vị trụ trì.
* Trong nhiều năm qua, Hòa thượng là vị giáo phẩm được cung thỉnh giảng dạy tại nhiều khóa bồi dưỡng trụ trì tổ chức ở các tỉnh thành, với kinh nghiệm đó, Hòa thượng có thể cho biết những yếu tố cần thiết đối với một vị trụ trì trong thời hiện đại?
- Chúng tôi luôn quan tâm tới tâm đức, chức năng và nhiệm vụ thiêng liêng của vị trụ trì. Với người tu, việc quan trọng là phải thực hiện cho tốt ý chỉ, những điều trưởng dưỡng, un đúc tinh thần phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo, phải có tố chất cầu học cầu tu.
Vị trụ trì cần phải tự tích lũy tâm đức, tự ý thức trách nhiệm, sứ mạng của một người xuất gia đó là làm thầy Tỳ-kheo, sứ giả của Như Lai làm Phật sự hoằng dương Chánh pháp, đưa Đạo vào Đời.
Trong các bài giảng, chúng tôi thường nhấn mạnh ý nghĩa của trụ trì là “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”.
Ở trong ngôi nhà của Phật, đương nhiên phải có Phật, Pháp, Tăng; có Kinh, Luật, Luận và Giới, Định, Tuệ. Đó chính là “tài sản” của chư Phật ba đời. Trách nhiệm, sứ mệnh của vị trụ trì là làm cho giá trị của tài sản đó hiển lộ, sống động, không chỉ qua hình tướng mà còn phải biểu hiện được sức mạnh tinh thần thiết thực hiện tại để phụng sự bá tánh nhân sinh. Để làm được điều đó, vị trụ trì phải không ngừng nỗ lực tăng trưởng sự học và tu; từ những kinh nghiệm thực hành như vậy mới có được chất liệu để giới thiệu giáo pháp đến với số đông.
Bên cạnh đó, vị trụ trì có chức năng chăm sóc cho Tăng Ni trong trú xứ mà mình trách nhiệm, để Tăng chúng thuận duyên tu học; hướng dẫn tín đồ tu học đúng tinh thần Chánh pháp qua biểu hiện của hành động (thân), lời nói (khẩu) và tư duy (ý).
Phẩm chất của vị trụ trì thường được nhận biết qua chính sinh hoạt tại trú xứ nơi mình làm Phật sự, ở đó thể hiện được tinh hoa của đạo Phật với bốn đức tính căn bản mà chúng ta thường gọi là “Tứ vô lượng tâm”: Từ, bi, hỷ và xả. Đồng thời, trong tự tâm của vị tu sĩ làm trụ trì phải có bốn đức Niết-bàn: Thường, lạc, ngã, tịnh. An trú trong Tứ đức Niết-bàn, vị trụ trì mới có năng lượng “giữ gìn tài sản của Như Lai” (trì Như Lai tạng) trong mọi biến hiện của dòng đời.
Một buổi trao đổi kinh nghiệm trụ trì tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ảnh: Vũ Giang
* Được biết Hòa thượng là một trong những vị giáo phẩm được cử làm trụ trì sớm và liên tục trong nhiều năm, đặc biệt ở những trú xứ có số lượng chư Tăng đông (tịnh xá Trung Tâm, Pháp viện Minh Đăng Quang…), Hòa thượng có thể chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân Hòa thượng để làm tốt vai trò trụ trì trong bối cảnh hiện nay?
- “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” từ xưa nay như là một chỉ định, cơ sở để xác lập sứ mạng, trách nhiệm thiêng liêng cao trọng. Do vậy, một vị Tăng, Ni từ khi xuất gia trải qua các chặng đường tu tập, phải có bổn nguyện nương bóng mát của Phật, Pháp và Tăng, tinh tấn tu học Kinh, Luật, Luận; phải thường xuyên khế hợp, học tập, hành trì và ứng dụng Giới, Định, Tuệ. Học đến đâu ứng dụng đến đó. Chúng ta không thể giới thiệu giáo pháp của Đức Phật như một sản phẩm tinh thần, lý luận thuần túy, mà cần phải tùy thời duyên để hành trì, cảm hóa.
Khác với Tăng chúng, vị trụ trì là người có phúc duyên tích tụ nhiều đời, được Thầy Tổ giao việc, ý thức điều đó, để làm tốt trách nhiệm và sứ mạng của mình thì vị trụ trì đem tinh thần vô ngã của Đức Phật dạy mà ứng xử, đồng thời tự điều nhiếp tâm tánh mình an trú vào Tứ đức Niết-bàn, từ đó tâm mình được yên. Khi tâm yên thì trí sẽ sáng, việc dễ thành tựu, an vui.
Không nên xem trụ trì là chức vụ quyền hành, mà đó là trách nhiệm phải gánh vác để lập công bồi đức, “vui gánh những gánh nặng đang gánh”. Vị trụ trì cũng cần phải tăng trưởng sự tu học, biết lắng nghe và chọn lọc ý kiến để có giải pháp cho việc bảo quản, chăm sóc sự tướng - cảnh quan của ngôi chùa, ngôi tịnh xá trong ý nghĩa kế thừa “tục diệm truyền đăng”. Vị trụ trì cũng phải biết thương Tăng, Ni trong trú xứ cũng như Phật tử, tín đồ hữu duyên, biết cách nâng đỡ để cùng thăng tiến trong tu tập và giáo dưỡng trong Chánh pháp.
Vị trụ trì đương nhiên là người cần nắm rõ Hiến chương, các Nội quy về Tăng sự cũng như các ban ngành khác của Giáo hội; hiểu và nắm vững pháp luật, Pháp lệnh Tín ngưỡng - tôn giáo do Nhà nước ban hành bên cạnh nắm vững nếp sinh hoạt của đạo, đó là những yếu tố chính giúp vị trụ trì làm tốt công việc thiêng liêng mà mình được giao phó.
* Xin cảm ơn Hòa thượng!
Diệu Nghiêm thực hiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 41
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 40
Hôm nay : 3364
Tháng hiện tại : 199230
Tổng lượt truy cập : 29138284