Đại gia được xem là những doanh nhân tiêu biểu của đất nước, là biểu tượng của cả một nền kinh tế. Bởi vậy, đại gia ứng xử tùy tiện dễ khiến người ta nghĩ rằng doanh nhân nhà mình làm giàu bất thường bởi cách thể hiện ngoài đời của họ vốn bất thường.
Hai cái đám cưới siêu sang vừa qua (mỗi cái hàng chục tỷ đồng) quả thật tai tiếng hơn nổi tiếng. Cách đó vài hôm, dư luận cũng thẫn thờ trước câu chuyện của đại gia thứ ba trả lại con dâu chưa đầy 18 tuổi cho nhà gái vì cho rằng cô ấy mất trinh.
Lâu nay người ta chỉ tạm chấp nhận ba trường hợp dương oai diễu võ, đó là biểu dương sức mạnh quân sự ở cấp quốc gia; các hiệp sĩ, tướng quân trong “phim kiếm hiệp” và trò chơi đánh giặc của trẻ ở nông thôn.
Do đó, người giàu thể hiện mình bằng … đám cưới và chọn dâu theo chữ trinh tất nhiên bất thường.
Nhìn lại tháp nhu cầu của Maslow (học thuyết nổi tiếng về nhu cầu của con người) thì việc dùng mấy chục tỷ đồng để cưới hỏi và chuyện chọn dâu theo trinh tiết, là đi ngược hoàn toàn quy luật nhu cầu của con người mà xã hội ta hiện nay cần phải suy nghĩ nghiêm túc.
Học thuyết này biểu diễn nhu cầu của con người gồm năm thứ bậc từ tầm thường đến cao sang như sau: (1) nhu cầu sinh tồn - physiological needs, gồm không khí để thở, nước uống, thức ăn, sinh lý; (2) nhu cầu được an toàn - safety, thường được xã hội đảm bảo; (3) nhu cầu yêu và được yêu thương - love and belonginess, tức cần được hòa nhập với một cộng đồng; (4) nhu cầu được tôn trọng - esteem needs, và (5) nhu cầu thể hiện mình (self-actualization).
Tháp nhu cầu nổi tiếng của Maslow |
Như vậy không ai có thể phản đối cái nhu cầu thể hiện mình của quý tộc vì nó là một nhu cầu bình thường được ghi nhận trong một học thuyết nổi tiếng và chính thống.
Tuy nhiên, thể hiện mình bằng cách tổ chức đám cưới siêu sang giữa thời buổi kinh tế khó khăn và cưới dâu theo ý muốn chẳng những không thể hiện được mình ở bậc cao nhất - bậc 5 (self-actualization) mà chính họ đã vô tình tự đẩy mình xuống bậc…1 bởi làm vậy tất phải bị cộng đồng chỉ trích và không thể hòa nhập được với cộng đồng (no love and belonginess), nên không thể xếp vào bậc 3, 4 và 5 theo học thuyết này.
Còn bậc 2 (an toàn) đã được xã hội đảm bảo, không phải thuộc sở hữu của các đại gia; chính cộng đồng xã hội đảm bảo môi trường đủ an ninh để tổ chức lễ cưới và những con đường khang trang để biểu diễn siêu xe.
Không phải ngẫu nhiên các tổ chức quốc tế hữu nghị như Liên Hiệp quốc, CARE tại Việt Nam… thường ngại đi xe hơi vào những vùng dự án - nơi mà họ đang giúp chúng ta giảm nghèo.
Sở dĩ như thế vì họ sợ người nghèo vùng quê mặc cảm và tránh phản cảm, nên chúng ta đừng vô tình biểu hiện triệu chứng vô cảm. Những xe đắt tiền như Mercedes GLK, Audi A5 Sportback, Mercedes C250 CGI… xếp hàng biểu diễn trên từng cây số chỉ để rước dâu, chắc chắn đã đi qua hàng vạn người nghèo và nhiều bệnh nhân cần nhường đường để cấp cứu hoặc không có tiền điều trị.
Nếu các đoàn xe này đi ngang ông Bill Gates thì ổng sẽ mất ít nhất 10 phút, tức mất trên 67.000 USD bởi ông này mỗi phút kiếm được khoảng 6.700 USD mà chưa bao giờ tai tiếng.
Nước nào cũng vậy, đại gia được xem là những doanh nhân tiêu biểu của đất nước, là biểu tượng của cả một nền kinh tế. Bởi vậy, đại gia ứng xử tùy tiện dễ khiến người ta nghĩ rằng doanh nhân nhà mình làm giàu bất thường bởi cách thể hiện ngoài đời của họ vốn bất thường.
Trước đây nước ta chưa “mở cửa” thì chưa có ai giàu đến thế. Có lẽ do mới giàu và nhiều đại gia hiện nay chưa quen với cái vai siêu giàu nên ứng xử đôi lúc quá lố. Ai đó khá đúng khi cho rằng xã hội chưa dạy người giàu cách ứng xử mà chỉ dạy người nghèo “đói cho sạch rách cho thơm”.
Thật ra bài học này cũng nên dạy lại cho một số người giàu vì dù cho giàu đến mấy thì họ vẫn cói thể là những người nghèo xơ xác trước cộng đồng xã hội - không gian để làm giàu. Bởi vậy, thể hiện mình giàu không đúng cách là xúc phạm cộng đồng và dễ xấu hổ với quốc tế.
Danh Quốc Cường
Theo vnexpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 117
Hôm nay : 1589
Tháng hiện tại : 138240
Tổng lượt truy cập : 26936365