Con đường về

Thứ ba - 15/11/2011 06:11
Con đường về

Con đường về

Không ai trong chúng ta là không thở, nhưng lại chẳng mấy ai để ý đến hơi thở của mình, và lại ít ai biết được hơi thở của mình liên hệ như thế nào và do đâu mà có?

 

 

Hơi thở liên hệ trực tiếp đến mệnh sống của con người. Không có hơi thở, thì con người không thể nào tồn tại được. Hơi thở ngắn, thì mệnh sống con người sẽ ngắn lại. Hơi thở dài, thì làm cho mệnh sống của con người dài ra. Hơi thở vẩn đục, thì mệnh sống của con người sẽ dẫn sinh nhiều ưu lo, bệnh hoạn và hơi thở thanh trong, thì đời sống con người có nhiều hạnh phúc, an hòa.

Hơi thở đưa oxy trực tiếp vào máu để lọc máu và nuôi máu, khiến cho máu tốt lành nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể của ta, đồng thời thải những độc tố trong máu đi ra ngoài thân thể. Hơi thở là vậy, nên ta thở vào bao nhiêu là ta phải thở ra bấy nhiêu. Nếu ta thở vào, mà không thở ra, hay ta thở ra, mà không thở vào, thì sinh mệnh của ta không thể nào tồn tại.

Sự an hòa và sống lâu của ta liên hệ trực tiếp đến hơi thở. Ta phải biết chọn không khí trong lành để thở và ta phải biết cách thở để điều hòa thân tâm của ta mỗi ngày. Thực phẩm ăn uống hàng ngày của ta, cũng liên hệ trực tiếp đến hơi thở của ta. Những thực phẩm có chứa nhiều chất béo và có những nồng độ cao, có thể làm tắt nghẽn những liên thông hơi thở của ta đối với các bộ phận trong cơ thể.  Vì vậy, không những ta chỉ biết chọn lựa không gian để thở, mà còn phải biết chọn lựa những thực phẩm lành mạnh để uống và ăn, nhằm hỗ trợ cho hơi thở vào và ra của ta mỗi ngày một cách lành mạnh.

Sự an hòa của thân tâm có rất nhiều sự liên hệ, nhưng hơi thở là sự liên hệ trực tiếp. Nên, ta cần phải thông qua hơi thở để đưa thân về với tâm và đưa tâm về với thân. Thân và tâm của ta đều có mặt, an hòa và nhất như với nhau ngay trong từng giây phút hiện tiền ở giữa cuộc đời nầy. “Thở vào, ta biết ta thở vào, thở ra ta biết ta thở ra; thở vào ngắn, ta biết ta thở vào ngắn, thở ra ngắn, ta biết ta thở ra ngắn; thở vào dài, ta biết ta thở vào dài, thở ra dài, ta biết ta thở ra dài; thở vào toàn thân, ta biết ta thở vào toàn thân, thở ra toàn thân, ta biết ta đang thở ra toàn thân; thở vào, ta biết, ta đang có thân hành an tịnh; thở ra, ta biết ta đang có thân hành an tịnh; thở vào, ta biết ta đang có ngữ hành an tịnh; thở ra, ta biết ta đang có ngữ hành an tịnh”.

Thân hành an tịnh, là hơi thở thuần nhất với tầm và tứ. Tầm (vitakka) là ý thức hướng đến hơi thở. Tứ (vicàra) là ý thức bám sát hơi thở. Thân hành an tịnh là hơi thở thuần nhất với tầm và tứ, khiến tâm an tịnh, phiền não không còn có điều kiện để sinh khởi nơi tâm.

Các phiền não như tham sân si, bị nhiếp phục bởi tâm thuần tịnh. Bấy giờ do tâm lìa xa các loại phiền não, liên hệ đến tham dục, sân hận và si mê, mà hỷ và lạc sanh khởi, có mặt cùng khắp cả thân thể, và khiến cho thân không bị rơi vào các hoạt động liên hệ đến sát hại, trộm cắp và dâm dục, đó gọi là thân hành an tịnh.

Ngữ hành an tịnh, là tâm thanh tịnh thuần nhất, không còn có sự hoạt khởi của tầm và tứ nữa. Tầm và tứ là tác nhân của ngôn ngữ. Nếu không có tầm và tứ, thì ngôn ngữ không thể biểu hiện. Ngôn ngữ không thể biểu hiện, thì khiến cho ngữ nghiệp không thể hoạt khởi những lời nói dối trá, thêm thắt, thô lỗ, ly gián. Ngữ biểu không hoạt khởi theo những cách ấy, đó gọi là ngữ hành thanh tịnh. Lại nữa, ngữ hành thanh tịnh là tâm thanh tịnh thuần nhất, không còn những hoạt khởi của các tưởng.Tưởng là tác nhân sinh khởi tầm và tứ, vì vậy tưởng cũng là tác nhân của ngôn ngữ. Nên, an tịnh ngữ hành không những là an tịnh về tầm và tứ, mà còn chính là tâm an tịnh các tưởng vậy.

Hơi thở của ta, không những chỉ liên hệ đến những tác động tương quan sinh học nội tại, như tim, phổi, mũi, miệng, máu,… mà còn nhiều yếu tố khác, như không gian vật lý, thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, môi trường sinh thái và ngay cả không gian hoạt khởi của tâm thức nữa. Khi ta nhìn một đối tượng với tâm rung động, khả ái, thì bấy giờ hơi thở của ta vào và ra trở nên vội vã. Và khi ta nghe âm thanh của một đối tượng với tâm không khả ái, thì chính tâm ấy có ảnh hưởng đến hơi thở của ta, khiến cho hơi thở của ta vào và ra ở trong trạng thái thân tâm mất quân bình. Những vị tu tập thiền định giỏi, phần nhiều họ thông qua hơi thở để tiếp xúc với tâm và làm chủ tâm qua tầm và tứ, hay qua sự trì niệm danh hiệu của một vị Phật, hoặc trì niệm một câu thần chú, mà họ thường ngưỡng mộ hay ưa thích. Và khi họ đi vào Diệt thọ tưởng định, hay họ nhất tâm hội nhập vào bản thể của một vị Phật, hay thần chú mà họ đang trì niệm ấy, thì họ không còn thở bằng mũi, mà thở bằng tất cả lỗ chân lông, nghĩa là tất cả lỗ chân lông trong thân thể của họ đều thở, để tạo ra thức ăn và nuôi dưỡng các tế bào sinh học.Đồng thời, họ được nuôi dưỡng bằng niềm vui của pháp hành, và chính niềm vui ấy, làm tươi nhuận thân tâm và đời sống của họ. Vì vậy, hơi thở của con người không đơn thuần chỉ liên hệ đến những tương tác của những bộ phận cấu trúc sinh học trong cơ thể, mà nó còn liên hệ chặt chẽ đến những cấu trúc nhân quả tâm học của con người.

Một người có tâm phiền muộn, hay bức xúc không thể nào có những hơi thở sâu lắng và thanh trong.Và những người sống với tâm nhiều tham dục, với tâm nhiều sân hận, si mê, cố chấp và mù quáng, họ khó có những hơi thở nhẹ nhàng và thanh thoát. Hẳn nhiên, thân thể của họ hoạt khởi trong thô động và lời nói của họ ở trong tình trạng ấm ức hay vụt chạc. Do đó, hơi thở của ta liên hệ chặt chẽ đến những hành sử về thân của ta, liên hệ chặt chẽ đến những biểu lộ ngôn ngữ và âm thanh của ta, liên hệ đến các cảm thọ của ta, liên hệ đến tâm ta và liên hệ đến mọi sự hiện hữu từ nội thân đến ngoại cảnh mà ta đang hiện hữu. Vì vậy, ta thấy toàn thể vũ trụ đang có mặt nơi một hơi thở vào và ra; và thấy ngay trong một hơi thở ra và vào là đang có mặt cả toàn thể nhân sinh và vũ trụ. Đời người chỉ là một hơi thở và toàn thể vũ trụ đang vận hành ngay nơi từng hơi thở vào và ra của mỗi chúng ta.

Và như vậy, ta có thể thông qua hơi thở để hội kiến Phật tính và chứng nhập thể tính bất sanh diệt của toàn thể vũ trụ, ngay nơi hơi thở vào và ra của ta trong mỗi ngày. Thông qua hơi thở, ta có một con đường về thật sáng đẹp, thiết thực, giản dị, sâu lắng và an toàn.

 

Thích Thái Hòa 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 45

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 3686

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 199552

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29138606


Ảnh đẹp