Tính tất yếu của sự thành lập GHPGVN

Thứ năm - 12/01/2012 10:08
Tính tất yếu của sự thành lập GHPGVN

Tính tất yếu của sự thành lập GHPGVN

Nền tảng hình thành tổ chức Tăng già là những người theo Phật và tin theo, thực hành theo giáo lý của đạo Phật hay còn gọi là tín đồ đạo Phật. Khái niệm tín đồ đạo Phật và thế nào được coi là một tín đồ đạo Phật hiện nay là một khái niệm gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu.
1. Tổ chức Tăng già trong lịch sử

1.1.  Sự hình thành tổ chức Tăng già

Phật giáo do Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Khi đức Phật thành đạo và bắt đầu quá trình đi thuyết pháp, ông được gọi là Sa môn. Phật được coi là vị Đại Sa môn còn các đệ tử của ông được gọi là Sa môn Thích tử. Các đệ tử tu sĩ của Phật còn tự gọi mình là Bhikkhu (Tỳ kheo). Cộng đồng Tỳ kheo được gọi là Bikkhu Sangha (Tăng già). Như vậy, tổ chức Tăng già được bắt nguồn từ từ Sangha. Sangha xuất phát điểm không phải là thuật ngữ riêng của Giáo hội Phật giáo. Trong kinh Vêđa, Sangha hay Gana là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm người tu hành. Về sau, hai từ này được dùng để chỉ những cộng đồng khất sĩ của bất kỳ môn phái nào. Sau đó, giáo đoàn Phật giáo tự nhận là Sangha còn giáo đoàn Kỳ na giáo tự nhận là Gana và từ đó được xem chính thức là thuật ngữ chỉ Giáo hội của Phật giáo và Kỳ na giáo.

Tổ chức Tăng già được thành lập ngay từ thời Thích Ca còn sống. Mục đích của việc hình thành Tăng đoàn là để duy trì Phật pháp. Thời kỳ đầu của tổ chức này, Thích Ca là người đầu tiên giác ngộ còn các thành viên trong Tăng đoàn là những người giác ngộ sau. Để thực hiện được mục đích duy trì đạo pháp nối tiếp nhau cho đến ngày nay, chỉ một cách duy nhất là hình thành tổ chức của những người giác ngộ. Đó chính là tổ chức Tăng già - tổ chức của những người giác ngộ. Luận đề “Phật ở trong chúng Tăng”  đã thể hiện rõ quan điểm Tăng còn thì Phật còn hay đúng hơn là Tăng còn thì pháp Phật còn.

Đi kèm với sự hình thành Tăng đoàn là sự hình thành giới luật Phật giáo. Tăng đoàn đựa vào giới luật để tồn tại và thực hiện mục đích rốt ráo duy trì Phật pháp của mình. Tư tưởng lục hòa được coi là bản chất của Tăng đoàn. Lục hòa bao gồm: Kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng hành, lợi hòa đồng quân, ý hòa đồng duyệt, chân hòa đồng trụ và cuối cùng là ngữ hòa vô tranh. Trong đó ba hòa đầu tiên là bản chất của hòa hợp, ba hòa sau là biểu hiện của hòa hợp. Lục hòa này là nền tảng cho sự hòa hợp cả kinh tế và tư tưởng. Tăng đoàn xây dựng trên nguyên tắc kiến hòa, giới hòa, lợi hòa tạo nên sự bình đẳng hài hòa, dân chủ, tự do và chỉ trên cơ sở đó mới có thể gánh vác trách nhiệm trụ trì Phật pháp. Biểu hiện của tam hòa ra ngoài như sau: Về tinh thần đó là tình đồng chí đồng đạo, về hành động là có kỷ luật và hợp tác còn về ngôn ngữ là chân thực, chính xác. Tăng đoàn hội đủ được các yếu tố đó được coi là mô hình của một Tăng đoàn lý tưởng do Thích Ca Mâu Ni đặt ra.

1.2. Cơ cấu của tổ chức Tăng già trong lịch sử

Nền tảng hình thành tổ chức Tăng già là những người theo Phật và tin theo, thực hành theo giáo lý của đạo Phật hay còn gọi là tín đồ đạo Phật. Khái niệm tín đồ đạo Phật và thế nào được coi là một tín đồ đạo Phật hiện nay là một khái niệm gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Thời kỳ đầu tiên, ngay sau khi Phật thành đạo, Phật có 5 vị đại đệ tử đầu tiên, tiếp đó là thập đại đệ tử. Như vậy giai đoạn đầu chỉ có các đệ tử hàng xuất gia. Sau đó được hình thành theo hai cấp bậc Tăng đoàn và cư sĩ.

Tăng đoàn bao gồm Tăng và Ni. Người phụ nữ đầu tiên quy y theo Phật là bà Mahapajapati di mẫu của đức Phật. Về cơ bản, tín đồ đạo Phật thời đó gồm có:

Ưu bà tắc: Đệ tử tại gia nam

Ư bà di: Đệ tử tại gia nữ

Tỳ khưu: Đệ tử xuất gia nam

Tỳ khưu ni: Đệ tử xuất gia nữ

Sa di: Những người trẻ tuổi nam đã xuất gia và chưa hoàn toàn thực hành theo giới luật.

Thức xoa ma ni: Chính học nữ là những người trẻ tuổi nữ đã xuất gia và chưa hoàn toàn thực hành giới luật.

Sa di ni: Những người trẻ tuổi nữ đã xuất gia và chưa hoàn toàn thực hành giới luật mức độ tu học thấp hơn Thức xoa ma ni.

Các dòng phái Phật giáo tại Việt Nam như các dòng thiền hoạt động và phát triển dưới hình thức các tổ chức Tăng già. Hoạt động theo sơn môn, hệ phái với hệ thống chùa tổ.

Trước thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam nói chung không tự tổ chức thành một “Giáo hội” có thứ bậc theo mô hình nhà nước thế tục; phân cấp trên dưới, cao thấp, trung ương cơ sở mà là tổ chức Tăng đoàn theo tổ đình và sơn môn. Mỗi tổ đình và sơn môn đào tạo tăng tài riêng rẽ và có giá trị như nhau. Các sơn môn có mối liên hệ qua lại song đó là những mối liên hệ đồng tu, không có sự chỉ đạo nhất quán trên toàn quốc của bất kỳ một tổ chức Phật giáo nào.

Các tổ chức, hội đoàn Phật giáo tại Việt Nam bắt đầu được thành lập cùng với phong trào Chấn hưng Phật giáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Làn sóng văn hoá Kitô giáo, bối cảnh lịch sử xã hội thời kỳ, các hội đoàn phương tây du nhập vào Việt Nam, áp lực của thực dân Pháp với cách quản lý nhà nước theo kiểu phương tây là những nguyên nhân chủ yếu hình thành tư tưởng thành lập hội đoàn Phật giáo thời kỳ đó. Nhìn chung, các bối cảnh kinh tế xã hội đã làm cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ này đứng trước nhu cầu phải liên kết các sơn môn hệ phái lại với nhau. Từ đó các tổ chức, hội đoàn Phật giáo ra đời. Chúng tôi xin trình bày sơ lược về các tổ chức này trong phần dưới đây.

Từ năm 1981, khi GHPGVN chính thức được thành lập, mọi hoạt động Phật pháp tuân thủ và trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động theo hình thức hoạt động của các sơn môn, hệ phái không được coi là hình thức hoạt động chính thức. Tuy vậy, các sơn môn vẫn tồn tại và hoạt động theo hệ thống chùa tổ truyền thống. ĐĐ TMH cho rằng: Hiện nay, Giáo hội như là một hệ thống tổ chức hành chính còn sơn môn là một hệ thống tổ chức đạo pháp, tu tập.

2. GHPGVN thành lập là một sự kiện mang tính tất yếu

Theo sự nghiên cứu của M. Weber và Troelsh thì Giáo hội và Giáo phái là hai hình thức tồn tại chủ yếu của lịch sử tổ chức của các tôn giáo. Điều này là đúng với các tôn giáo Âu, Mỹ. Với Phật giáo Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử, dường như đạo Phật chủ yếu tồn tại theo các tông phái. Việc đạo Phật có nhiều tông phái do các nguyên nhân: Thứ nhất, bản thân đạo Phật tự coi khoan dung là đặc tính hàng đầu, thứ hai Đức Phật cũng như các đệ tử Phật sau này đều cho rằng chân lý là một nhưng phương tiện đạt tới chân lý lại có nhiều.

Tuy nhiên, qua những bước thăng trầm cùng những điều kiện khách quan của tiến trình vận động xã hội, tự bản thân PGVN cũng cần phải hiện đại hóa và nhập thế. Nhu cầu thống nhất các tổ chức Phật giáo là sự đáp ứng yêu cầu thời đại. Mỗi lần thống nhất tổ chức PGVN đều dựa trên nền tảng những điều kiện xã hội nhất định.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo từ đầu thế kỷ XX, nhất là cải cách Phật giáo ở Trung Quốc trên 3 bình diện: cải cách giáo lý, cải cách giáo chế và cải cách giáo sản đã có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống Phật giáo nước ta. Một trong những mục tiêu chung của phong trào Chấn hưng Phật giáo là hướng tới sự đoàn kết, thống nhất các tông phái để có thể tiến hành tu học, duy trì và khuếch trương hoằng dương chánh pháp. Với những mục tiêu trên, các tổ chức, hội đoàn PGVN được hình thành.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ 20 đã thổi bùng lên truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc và đạo pháp của Tăng Ni Phật tử, nhất là sau thành công của Cách mạng Tháng Tám. Trong bối cảnh đất nước đang chịu cảnh chiến tranh cần sức mạnh đoàn kết để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Tinh thần đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước lan rộng ảnh hưởng mạnh mẽ tới Phật giáo. PGVN đã ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự cần phải cùng nhau đoàn kết, tập hợp cùng đứng chung trong một tổ chức để chấn hưng đạo pháp, bảo vệ văn hóa truyền thống, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lý do để PGVN tiến hành các cuộc vận động thống nhất Phật giáo trong cả nước.

Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất diễn ra vào năm 1951. Các tổ chức, hội đoàn Phật giáo được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX. Đến năm 1951, tư tưởng hình thành một tổ chức Phật giáo thống nhất trên toàn quốc đã xuất hiện. Sáu tổ chức Phật giáo quan trọng nhất thời kỳ đó tại ba miền là: Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, Tăng già Bắc Việt tại miền Bắc; Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt, Tăng già Trung Việt tại miền Trung; Hội Việt Nam Phật giáo Nam Việt, Tăng già Nam Việt tại miền Nam đã thống nhất bước tới hình thành một tổ chức Phật giáo toàn quốc. Theo lời hiệu triệu của các vị trưởng lão Hòa thượng của ba miền, một hội nghị Phật giáo toàn quốc gồm 51 đại biểu của sáu tổ chức Phật giáo đã nhóm họp tại chùa Từ Đàm, Huế để thống nhất Phật giáo vào ngày 06 tháng 5 năm 1951. Tổ chức Phật giáo toàn quốc này có tên là Tổng hội Phật giáo Việt Nam, có điều lệ quy định các thành phần tổ chức và điều hành Phật giáo trong toàn quốc. Đây là một tiền đề quan trọng cho những bước phát triển của các Giáo hội Phật giáo tiếp theo.

Thứ hai là cuộc vận động thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở các tỉnh thành phố phía Bắc. Cuộc vận động này bắt đầu từ tháng 9 năm 1957 cho đến tháng 3 năm 1958, Phật giáo các tỉnh phía Bắc tổ chức Đại hội đại biểu, với tổng số trên 200 đại biểu đại diện cho Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Hoa tông và Phật giáo Khmer Nam bộ tham dự. Tổ chức này được thành lập lấy tên là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hà Nội do HT. Thích Trí Độ làm hội trưởng. Hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm: Hoằng dương Phật pháp; lợi lạc quần sinh; phục vụ Tổ quốc; bảo vệ hòa bình. Mục đích của Hội là quy tụ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam để góp phần xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, sự thống nhất này chỉ mang ý nghĩa thống nhất Phật giáo của miền Bắc.

Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ ba là cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam, thành lập GHPGVNTN. Sự thành lập GHPGVNTN là hệ quả của cuộc đấu tranh năm 1963. Nét chính của bối cảnh xã hội hình thành nên tổ chức này là sự gia tăng chú ý của các lực lượng chính trị bên ngoài Phật giáo đối với các tổ chức Phật giáo. Cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đã chứng tỏ Phật giáo đã trở thành một lực lượng xã hội mạnh mẽ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã đặt ra vấn đề tham gia chính trường của Phật giáo cũng như vấn đề cần liên kết các tổ chức Phật giáo lại với nhau. Trong bối cảnh đó, ngày 31 tháng 12 năm 1963, các tổ chức, hội đoàn Phật giáo họp tại chùa Xá Lợi thành lập GHPGVNTN và soạn thảo bản Hiến chương. Các tổ chức Phật giáo gồm: Ủy ban Liên phái Phật giáo, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Thiền định đạo tràng, Giáo hội Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Theravada, Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam, Giáo hội Tăng già Trung phần, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Hội Phật giáo Nguyên thủy, Hội Phật giáo Trung phần, Hội Việt Nam Phật giáo, Đại diện phật tử Theravada. GHPGVNTN vẫn chưa thực sự thống nhất theo đúng danh nghĩa của nó, vì mới chỉ thống nhất Phật giáo trong các vùng bị tạm chiếm và cũng chưa phải quy tụ được tất cả các hệ phái Phật giáo ở các tỉnh miền Nam.

GHPGVNTN đã có những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại đa số các vị giáo phẩm và Tăng Ni, Phật tử luôn đi cùng dân tộc. Tổ chức này mới được thành lập một thời gian ngắn đã bị rạn nứt và chỉ đến năm 1966 đã tách thành 2 tổ chức, là: GHPGVNTN phái Việt Nam Quốc tự và GHPGVNTN phái Ấn Quang. Cho tới giải phóng miền Nam tháng 4 năm 1975, PGVN vẫn chưa thống nhất trọn vẹn như mong ước của Tăng Ni, Phật tử trong cả nước.

Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ tư năm 1981 là cuộc thống nhất Phật giáo mang tính trọn vẹn đầu tiên trên cả nước, thành lập GHPGVN. Bối cảnh hình thành tổ chức GHPGVN là sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đỗ Quang Hưng cho rằng: “Chính cách mạng Việt Nam đã tạo ra sự giúp đỡ cho sự thống nhất Phật giáo” [120]. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, thể theo nguyện vọng của các vị cao Tăng và toàn thể Tăng Ni, Phật tử, đầu năm 1980, các vị giáo phẩm đại diện cho các tổ chức hệ phái lớn của Phật giáo họp tại TP Hồ Chí Minh để xem xét tình hình Phật giáo cả nước và thấy rằng: đất nước hòa bình, thống nhất là thời cơ thuận lợi cho việc thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Quyết định thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo để xúc tiến công cuộc vận động trong phạm vi cả nước đã được ban hành.

Sự hình thành GHPGVN là sự kiện mang tính tất yếu lịch sử. Tham luận của đoàn đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam cũng đã chỉ rõ:

Thống nhất Phật giáo cả nước trong bối cảnh thống nhất xã hội chính trị của toàn dân, đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là ước nguyện từ lâu là mục tiêu hoạt động và phấn đấu không bao giờ xao nhãng của toàn thể Phật tử trong Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam”.

Hòa thượng Thiện Siêu cũng đã có nhận định trong quá trình lịch sử, đạo Phật Việt Nam đã tùy hoàn cảnh khách quan mà đạo gọi là tùy căn cơ thời sự mượn những hình thức tổ chức làm phương tiện ứng dụng Đạo và Đời, sao cho có lợi ích, còn nội dung bản chất, tinh thần đạo Phật vẫn là một. Điểm nổi bật rõ nét nhất trong Phật giáo sử là Đạo Phật Việt Nam không có đường phân chia rõ rệt mang tính mâu thuẫn giữa các giáo phái, tôn phái, hệ phái. Tinh thần chân chính của đạo Phật Việt Nam là bao giờ trong tâm niệm cũng thấy đạo Phật Việt Nam là một thể thống nhất, một khối không thể tách rời ra được. Tâm niệm đó đã được cố gắng thể hiện qua bao nhiêu giai đoạn cao nhất phải nói là sự thành lập GHPGVNTN tại miền Nam trước đây. Đó là sự thực hiện trong một giai đoạn lịch sử khó khăn và không phải đã không có những hy sinh cao đẹp đối với dân tộc và đạo pháp mà kẻ hữu tâm với đạo với đời hằng thương kính. Nhưng Giáo hội đã không lấy đó làm thoả mãn vì sự thống nhất đó chưa trọn vẹn. Sau khi nước ta được hoàn toàn giải phóng, Giáo hội đã đề đạt nguyện vọng lên Chính phủ xin giúp đỡ cho Phật giáo được tiến hành thống nhất trong cả nước. Đánh giá về thời điểm thống nhất Phật giáo năm 1981, Hòa thượng cho rằng:

“Nay cơ duyên đã đủ, cả nước thống nhất mọi mặt và đang tiến lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội được Đảng, Chính phủ và Mặt trận giúp đỡ, hai năm qua Ban vận động Thống nhất Phật giáo đã tích cực hoạt động để có ngày hôm nay. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất trọng đại đối với tiền đồ Phật giáo”.

Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cũng đã bày tỏ lòng mong muốn thống nhất Phật giáo trong bài tham luận của mình tại Đại hội và hoàn toàn tán thành với nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã được thực hiện từ lâu nhưng chưa được trọn vẹn vì cơ duyên chưa hội đủ cũng như tán thành tư cách đại diện duy nhất cho PGVN về mọi mặt quan hệ trong và ngoài nước của tổ chức Phật giáo do đại hội bầu ra trong tương lai.

Ngoài ra Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, GHPGVN Thiên thai Giáo quán tông, giáo phái Khất sĩ Việt Nam, đoàn đại biểu Hội Phật học Nam Việt, Hội sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ đều thể hiện tinh thần tán thành thống nhất Phật giáo trong các báo cáo tham luận của mình tại Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981.

Có thể khẳng định rằng, sự thành lập GHPGVN mang tính tất yếu phù hợp với yêu cầu phát triển của Phật giáo Việt Nam. Kể từ khi thành lập tới nay, qua 30 năm phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực sự khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển Phật giáo nước nhà./.

 

Nguyễn Minh Ngọc

Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: đạo phật, tín đồ
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 80

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 79


Hôm nayHôm nay : 15198

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 465143

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 31963782


Thiết kế website