Những thuận lợi và thách thức Đối với Ngành Hoằng Pháp trong thời hội nhập

Thứ năm - 16/02/2012 19:54
Nói đến những thuận lợi và thách thức đối với Ngành Hoằng Pháp trong thời hội nhập là chúng ta nói đến những vấn đề trọng yếu, có liên quan đến các hoạt động của Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN, cũng như sự phát triển chung của các Ban, ngành, viện, trong GHPGVN.

Chúng tôi nghĩ rằng, Hoằng pháp là một trong những Ngành mũi nhọn rất quan trọng trong các hoạt động phát triển của GHPGVN. Do vậy, trong phạm vi bài tham luận này, bên cạnh những thuận lợi cơ bản của GHPGVN đang có được, chúng tôi chỉ nói đến những thuận lợi và thách thức đối với công tác Hoằng pháp của GHPGVN.

Ở trong bất cứ thời đại nào thì những thuận lợi hay thách thức trong công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành nó cũng luôn luôn hiện diện. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến những thuận lợi và thách thức của Ngành Hoằng pháp trong thời hội nhập và phát triển mà thôi.

1. Những thuận lợi đối với Ngành Hoằng Pháp:

Khi nói về những thuận lợi mà Phật giáo nước nhà đang có được trong hoàn cảnh đất nước phát triển như hiện nay. Nếu quan sát tình hình thế giới, chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta đang có quá nhiều cơ hội may mắn và thuận lợi để nâng cao chất lượng tu học và làm tốt hơn nữa vai trò Hoằng pháp độ sanh của mình.

Nhìn lại lịch sử, nếu nói nhà Lý là khởi đầu của sự phát triển Phật giáo Việt Nam, nhà Trần là sự thống nhất Phật giáo và là thời kỳ hưng thịnh tuyệt vời nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì thời đại Hồ Chí Minh hiện nay chính là thời kỳ Phật giáo có nhiều điều kiện hơn để tu hành và đóng góp cho đất nước. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam cũng như vai trò và sự thể hiện trong các lãnh vực hoạt động xã hội của Phật giáo đối với đất nước. Từ công tác Hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội, hướng dẫn Phật tử tu học đúng chánh pháp đến việc xây dựng chùa cảnh… phải nói đó là những đóng góp tích cực nhất của Phật giáo trong suốt 30 năm qua.

Cách đây đúng 30 năm, nhờ sự thống nhất của đất nước, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chư Tôn đức lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo cả nước, đã đứng ra vận động, tổ chức Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khởi đầu cho một thời đại mới. Kể từ đó Phật giáo Việt Nam mang diện mạo mới và trọng trách mới: Đồng hành cùng dân tộc với phương châm và định hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.  Đây là cơ hội thuận lợi để Phật giáo Việt Nam khẳng định vai trò đồng hành cùng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và dân tộc.

Trong hoàn cảnh đất nước mở cửa hội nhập, bên cạnh những thuận lợi về mặt vật chất, với các phương tiện hiện hữu, chúng ta còn có nhiều cơ hội quý báu khác để nâng cao chất lượng học Phật và phát triển Phật giáo nước nhà. Một trong những cơ hội quý báu mà Phật giáo thời hiện đại có được, đó chính là sự gắn kết giữa các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới. Những sự kiện Phật giáo quốc tế và khu vực thường xuyên tổ chức tại nước ta, các đoàn Phật giáo nước ta cũng thường xuyên giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức Phật giáo trên thế giới. Điều này tạo nên sự tương thông hấp thụ lẫn nhau giữa các nền văn hóa một cách có chắt lọc, có định hướng. Nhờ đó mà công tác Hoằng pháp được cải thiện, bồi dưỡng, nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác Hoằng pháp độ sanh trong thời đại hội nhập.

2. Những thuận lợi đối với Tăng Ni Phật tử Việt Nam:

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, được xem là thế kỷ văn minh, khoa học. Một thế kỷ mà cả thế giới đang thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và đang cố gắng để hoàn thiện mục tiêu toàn cầu hóa.

Thời nay, đời sống vật chất của Tăng Ni Phật tử ngày càng được nâng cao, phương tiện tu học với nguồn kinh sách dồi dào, văn hóa phẩm Phật giáo từ báo chí đến băng đĩa quý thầy thuyết giảng về giáo lý rất đa dạng phong phú. Các đạo tràng Hoằng pháp được hình thành khắp các nơi. Các cơ sở tu học được xây dựng tầm cở, không chỉ khang trang kiên cố mà còn rất thẩm mỹ. Tăng Ni thời nay có rất nhiều thuận lợi trong việc tu tập, muốn học thì có trường lớp, muốn nhập thất tu hành thì có nơi chốn để tu trì, muốn ra nước ngoài học tập hay giảng kinh thuyết pháp thì cũng có thể thực hiện. Khi cần một tư liệu để tham khảo, chỉ cần vài giây nối mạng là chúng ta có ngay những thông tin cần thiết, muốn liên lạc với bất kỳ ai chỉ cần bấm số điện thoại là xong. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, đối với đời sống tu học của Tăng Ni Phật tử thời đại ngày nay, chúng ta có quá nhiều thuận lợi để trợ duyên cho sự nhận thức, sinh hoạt và cống hiến cho công tác Hoằng pháp, điều mà vài thế kỷ trước đây chúng ta có vọng tưởng cũng chẳng dám nghĩ đến.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng rất thuận lợi trong việc xây dựng giảng đường, chùa chiền tịnh viện, xây dựng niệm Phật đường, thành lập thiền đường, để phục vụ nhu cầu Hoằng pháp và chuyên tu của quần chúng Phật tử. Cũng trên phương diện xây dựng kiến tạo cơ sở tu học, chúng ta có thể kết hợp việc kiến trúc những cảnh quan vừa đậm đà dấu ấn nghệ thuật, vừa lắng sâu thiền vị, bởi thông qua những “tịnh tâm viên”, những “già lam”, những “rừng thiền”, những “trung tâm Hoằng pháp”, “trung tâm văn hóa Phật giáo” đã tạo sức thu hút mạnh mẽ khiến quần chúng đến với đạo Phật một cách tự nhiên và tự nguyện. Cảnh trí thiền môn nghiêm tịnh, thanh thoát lắng sâu, sẽ là những bài pháp vô ngôn nhưng hữu hiệu đối với những tâm hồn nhạy cảm, sẽ hấp dẫn và níu chân họ trở về với cội nguồn nguyên sơ, mà những nơi khác ắt sẽ khó gợi lên trong tâm hồn họ những giây phút nội tĩnh lắng sâu như vậy. Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp cho quần chúng đến với đạo Phật.

3. Những thách thức đối với Ngành Hoằng pháp trong thời hội nhập:

Nói về những khó khăn mà Phật giáo phải chung sống thì thời đại nào cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên trong bối cảnh đời sống thời hội nhập thì những khó khăn mà Phật giáo phải đối mặt mang tính thách thức và có phần gây áp lực nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản của Phật giáo nói chung, của ngành Hoằng pháp nói riêng, trước hết phải nói là yếu tố chủ quan xuất phát từ sự giới hạn trong công phu tu tập của hàng tứ chúng. Những khó khăn như vậy chỉ có thể khắc phục bởi ý thức giác ngộ nơi mỗi người và sự nỗ lực hành trì nơi mỗi bản thân.

Xuất phát từ tinh thần nhập thế, tùy thuận và thích nghi của Phật giáo, thì việc hòa nhập vào đời sống trong xu thế đất nước mở cửa hội nhập và xã hội đang phát triển là điều vô cùng ý nghĩa. Chúng ta mừng cho đất nước thời hội nhập toàn cầu để chẳng những nhân dân ta vừa tiếp nhận mà đồng thời còn chia sẻ những tinh ba của đất trời bốn phương. Nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn nạn, thách thức từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Từ đó chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng, thách thức lớn nhất đối với Phật giáo đồ trong thời hội nhập, chính là sự cám dỗ đáng sợ của thế giới vật chất vô cùng dồi dào sung mãn. Trong khi đó khả năng khống chế tham vọng nơi tự thân người tu hành trong thời mạt pháp thì lại có giới hạn. Trước hoàn cảnh ấy, nếu Tăng Ni nào chưa thật sự nỗ lực tu hành, thì đạo đức phẩm hạnh của một bậc xuất gia chân chánh cũng khó mà toàn vẹn. Đối với quần chúng thì đời sống vật chất phát triển thời hội nhập cũng sẽ là một thách thức lớn trên bước đường học Phật của người Phật tử còn sơ cơ.

Một thách thức lớn mà Phật giáo nói chung và ngành Hoằng pháp nói riêng phải đối mặt, đó là chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh và khoa học. Trong xã hội thời hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần chúng rất dồi dào phong phú. Do vậy nhu cầu thính pháp của quần chúng Phật tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao, họ không đơn thuần là đến để nghe những bài giảng vốn đã đọc qua hay đã thông hiểu, mà còn cần được chia sẻ kinh nghiệm hành trì cũng như những pháp ngữ đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Cho nên họ rất cần những nhà Hoằng pháp thực tu, thực hành, mỗi lời nói ra đều là pháp ngữ, chứ không chỉ có quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn giảng là có thể thu nhiếp được họ. Trong khi đó, các nhà Hoằng pháp hiện nay phần lớn chỉ chú trọng đến công tác truyền bá kiến thức giáo lý một cách chung chung, nặng về hình thức, chứ chưa quan tâm đến nhu cầu thực tiễn của thính chúng. Một điều đáng quan tâm nữa là đội ngũ Giảng sư làm công tác Hoằng pháp hiện nay rất mỏng, căn bản tu hành còn nhiều giới hạn, chưa học đúng trường đúng lớp của ngành đào tạo. Việc phân bổ nhân sự Hoằng pháp cũng chưa hợp lý, hay đúng hơn chưa đào tạo đúng mức để ngành Hoằng pháp có đủ Giảng sư thuyết giảng và hướng dẫn Phật tử tu học.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Sự phát triển này đã làm thay đổi cuộc sống, tầm nhìn và sinh hoạt của xã hội trong đó có sinh hoạt của giới Phật giao chúng ta. Điều đáng nói, sự thay đổi trong sinh hoạt của một bộ phận Tăng sĩ thời nay, là mang tính bị cuốn theo và nặng về tính đáp ứng, chứ hiếm có trường hợp thích nghi nhằm phục vụ cho lý tưởng và Hoằng pháp độ sanh. Trong khi đó, Phật giáo được xem là một tôn giáo có khả năng thích ứng, khế lý, khế cơ, khế thời với mọi đổi thay của hoàn cảnh. Thế nhưng trên thực tế thì khả năng thay đổi để thích nghi hòa nhập hầu nh­ư chưa được thể hiện một cách thỏa đáng, điều này khiến cho Phật giáo luôn bị hạn chế. Từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự, từ quan niệm, khuynh hướng đến cách thức điều hành, dường như chưa thể bắt nhịp với sự phát triển nhảy vọt của thời đại. Phải chăng điều đó đặt ra cho Ngành Hoằng Pháp một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực cho Ngành Hoằng pháp lẫn về mặt tổ chức, thuyết giảng, điều hành chuyên ngành hoạt động của mình ngày càng đởi mới hơn.

Trong thời đại toàn cầu hóa, trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa, vàng thau lẫn lộn, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy Phật giáo không thể đánh mất vai trò chủ động của mình, bởi bản sắc văn hóa dân tộc chính là nền tảng căn bản của nền văn hóa độc lập dân tộc. Đồng thời cũng là nét đặc thù của nền văn hóa Phật giáo được phổ cập trong đời sống nhân dân.

Nhân đây chúng ta cũng nên nhận chân đến một vấn đề không kém phần quan trọng. Đó là, từ nền tảng truyền thống thờ phượng ông bà tổ tiên có tự ngàn xưa, huân tập nền văn hóa tín ngưỡng của dân tộc, thêm vào đó là ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, nên vùng nông thôn nước ta từ bao đời nay vốn là địa bàn của Phật giáo, luôn là thành trì vững chắc để ngăn chặn các nền văn hóa và tín ng­ưỡng ngoại lai. Thế nhưng trước khuynh hư­ớng sống thực dụng và niềm khao khát thụ hưởng thành quả vật chất thời hiện đại của một bộ phận công chúng. Đồng thời với sự du nhập ồ ạt của nền văn hóa và tín ngưỡng ngoại lai, kết quả đã biến nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tại nước ta trở thành những mảnh đất màu mỡ cho các loại hình tín ngưỡng ngoại lai, mất gốc. Hơn nữa, có một điều mà chúng ta không thể thờ ơ, đó là lớp trẻ ngày nay rất dễ ảnh hưởng và bị tiêm nhiễm những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, thiên về lối sống thực dụng, nhất là ảnh hưởng xấu bởi thông tin đa chiều trên mạng, những sản phẩm độc hại từ sách báo cũng như từ mạng internet, đã dẫn đến sự xuống cấp, băng hoại đạo đức và tha hóa về đời sống tâm linh. Điều này cũng đã tác động một phần lớn trong một bộ phận thanh thiếu niên Phật tử và một số Tăng Ni trẻ còn sơ cơ, chưa chịu rèn luyện tu dưỡng, hoặc một vài bộ phận thanh thiếu niên không được quan tâm định hướng đúng mức đối với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những vấn đề trên đây quả thật là thách thức mà Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN, một bộ phận truyền trao chánh pháp, hướng dẫn tinh thần, định hình cho nếp sống lành mạnh của Tăng Ni và Phật tử trẻ của Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập không thể không quan tâm.

Một trong những thách thức đối với Ngành Hoằng pháp trong thời hội nhập, đó là các nhà Hoằng pháp hiện nay, đa số chỉ xem công tác Hoằng pháp lợi sinh đơn thuần là công việc truyền trao kiến thức từ giáo lý, chứ chưa thật sự xem Hoằng pháp là nhịp đập của con tim thao thức trăn trở trước nỗi đau nhân thế. Điều này vô tình đồng hóa công việc Hoằng pháp với một công việc hành chánh nào đó. Nghĩa là đến giờ thì vào giảng pháp, hết giờ thì ra về, miễn sao hoàn thành một thời thuyết giảng là được. Hoặc giả có những vị chưa được đào tạo chuyên ngành Hoằng pháp nên đôi lúc xem Hoằng pháp như là một cơ hội để trình bày quan điểm, kiến giải, phô trương sự hiểu biết. Đồng thời cũng có vị xem việc thuyết pháp là cơ hội để tiếp cận Phật tử nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt sẵn có của mình.

Chính vì vậy mà tính tác động, tính lay thức, tính chuyển hóa tâm thức hoàn toàn không còn hiện diện trong suốt quá trình Hoằng pháp của mình. Một khi đã như vậy, thì những gì mà người học Phật thu thập được trong thời thính pháp, cũng nhanh chóng theo gió bay đi hoặc đôi lúc bị phản ngược, thật chẳng thiết thực gì đối với những tâm hồn khát khao tìm cầu chân lý, để chuyển hóa tâm thức trong đời sống tại gia. Đó cũng là điều đáng tiếc đang diễn ra trong một số thời giảng chưa đáp ứng được yêu cầu của quần chúng Phật tử mong muốn tìm cầu học hỏi giáo lý đạo Phật để tu tập. Cho nên, phải có con người Hoằng pháp chân chính, chuyên nghiệp, có tổ chức có đào tạo chính quy, đúng trường đúng lớp phải lấy Sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp sống còn thì công tác Hoằng pháp mới xứng tầm mong đợi của Tăng ni và Phật tử Việt Nam.

Để nhiệm vụ Hoằng pháp được phát triển ở tầm cao mới trong thời hội nhập. Ngành Hoằng pháp kính đề nghị Giáo hội nên quan tâm và tạo nhiều thuận duyên hơn cho ngành Hoằng pháp. Nhất là cần có chủ trương chỉ đạo, vận động, quan tâm hỗ trợ hơn nữa về cơ sở mặt bằng, về công tác đào tạo, về tiêu chí Hoằng pháp để Ban Hoằng Pháp Trung ương và các Tỉnh Thành có điều kiện tổ chức đào tạo, hướng dẫn Tăng ni Phật tử tu tập chuyên ngành đúng với chánh pháp, phù hợp với đường lối chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập và phát triển.

Trong khuôn khổ giới hạn của tham luận này, chúng tôi chỉ có thể nêu lên một số mặt thuận lợi cũng như thách thức đối với Ngành Hoằng Pháp trong thời hội nhập. Thiết nghĩ, nếu người tu theo hạnh Phật, có chánh nhân, chánh kiến, lấy đạo hạnh làm nền tảng, lấy giới luật làm khuôn phép, lấy nhân quả làm nguyên tắc tư duy, thao thức trước sự thịnh suy, trăn trở cùng vận mệnh dân tộc, tâm nguyện Hoằng pháp lợi sanh, thì đó mới đích thực là những nhân tố làm cho Phật pháp hưng thịnh. Nếu toàn thể Tăng ni và Phật tử Việt Nam đồng lòng quyết tâm tạo dựng ngôi nhà Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bằng công hạnh tu tập, hưởng ứng tham gia các khóa tu, tập huấn Hoằng pháp viên, thực hiện xuyên suốt tâm nguyện của người con Phật chân chính, thì tự nhiên diện mạo Phật Giáo Việt Nam sẽ khởi sắc, ngày càng vươn lên tầm cao mới, đồng thời những thách thức và khó khăn đối với đạo pháp, đối với sự nghiệp Hoằng pháp cũng nhân đây mà chuyển hóa thành những cơ hội và điều kiện thuận lợi.

 

Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 55

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 51


Hôm nayHôm nay : 21502

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 430281

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 28469029


Ảnh đẹp