Nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp

Thứ tư - 01/02/2012 06:16
Nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp

Nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp

Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là dịp để Giáo hội tổng kết những thành quả đạt được, cũng là dịp để Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đều hoan hỷ trước những Phật sự đã thành tựu của Giáo hội.

Một chặng đường gần nữa thế kỷ hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ những kinh nghiệm, khó khăn, thuận lợi qua từng giai đoạn lịch sử. Đất nước và Phật giáo Việt Nam có nhiều thăng trầm và chuyển biến; ở đây người viết chỉ khái lược sự hình thành và phát triển của vùng đất Tây Nam bộ để tất cả thành viên Giáo hội có cái nhìn đích thực và có trách nhiệm nhiều hơn nữa, hiến kế cho Giáo hội  trong việc định hướng cho nhu cầu tham học Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử cũng như những giải pháp truyền bá Phật pháp trong xu thế hội nhập toàn cầu của Đất nước, của Giáo hội ở hiện tại và tương lai.

Khi Phật giáo có mặt tại Việt Nam, một trong những công tác mà các bậc Tiền bối đặc biệt quan tâm, đó là đáp ứng nhu cầu tham học Phật pháp của đồng bào Phật tử và công tác truyền bá Phật pháp. Từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, nhu cầu tham học Phật pháp của tuyệt đại đa số Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước cơ bản được Giáo hội đáp ứng, công tác truyền bá Phật pháp luôn được Lãnh đạo Giáo hội chú trọng, triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, trong đó có vùng đất mới phương Nam (1).

Trong suốt chiều dài lịch sử khai hoang, lập ấp của các cư dân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bộ mặt xinh đẹp đã hoàn tất vào thế kỷ 18 và Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những người dân đi mở đất mang theo. Bởi vì, Phật giáo luôn là người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong công cuộc khai hoang, lập ấp này. Phật giáo là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của đồng đạo”. Qua đó, chúng ta thấy Phật giáo đã thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, chia sẻ đắng cay ngọt bùi với nhân dân, nhất là an ủi người dân về mặt tinh thần trong mọi lúc mọi nơi.

Tây Nam bộ là vùng đất mới, trù phú, màu mở, nó cũng là nơi hội tụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ cơ sở như vậy, Tây Nam bộ đã trở thành nơi hội tụ của nhiều dân tộc, của những con người bất khuất muốn vươn lên để tạo thành lẽ sống mới có sự dung hòa, hiền thiện và từ đó đã hình thành ở Tây Nam bộ một bản sắc độc đáo về cá tính người. Qua đó, cho thấy cư dân ở Tây Nam bộ có tư tưởng rất thoáng, kiến thức mở, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, cộng với xã hội nông nghiệp theo lối cổ truyền đang bị lung lay ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20. Sự phản ứng của xã hội nông nghiệp cổ truyền, hoặc là cải cách, hoặc là làm một cuộc cách mạng và những tổ chức Phật giáo mang dấu ấn của xã hội nông nghiệp cổ truyền không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử trước giai đoạn lịch sử mới. Và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 là một quy luật tất yếu, đáp ứng nhu cầu và giải pháp truyền bá Phật pháp tại vùng đất này.

Mặc dù giai đoạn đầu Phật giáo đã đóng vai trò chủ đạo ở vùng đất mới này, nhưng đến nữa cuối thế kỷ 19, Phật giáo mất dần ảnh hưởng, sự thể hiện vai trò chủ đạo không cao bởi vì những lý do chủ quan và khách quan. Từ những đặc điểm và bối cảnh chung của đất nước, trước năm 1975, vùng đất Tây Nam bộ còn chịu ảnh hưởng nặng nề của các vấn đề kinh tế khủng hoảng, chính trị rối ren, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, chiến tranh vệ quốc… Trong khi đó, Chánh quyền Sài Gòn đã dùng một tôn giáo để làm công cụ cho sự cai trị của mình, và thẳng tay đàn áp những tôn giáo có tinh thần yêu nước, vì độc lập của Tổ quốc. Ở giai đoạn này, tại vùng đất Tây Nam bộ, tuy có khó khăn về nhiều phương diện, nhưng Phật giáo vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mọi người, tính nhập thế tích cực của Phật giáo ở giai đoạn này được phát huy mạnh mẽ, nhiều tu sĩ Phật giáo đã hòa mình với nhân dân để lo việc nước việc dân, việc đạo việc đời và an ủi họ trong những lúc khốn khó ngặt nghèo.

Trước những đặc điểm, bối cảnh lịch sử của Tây Nam bộ, cộng với tính trung thực, sốt sắng, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc của người dân Tây Nam bộ, từ đó dẫn đến việc xuất hiện nhiều Hệ phái Phật giáo. Sự ra đời của các hệ phái Phật giáo ở Tây Nam bộ đã phản ảnh một phần nhu cầu tín ngưỡng, tu hành của đồng bào Phật tử, góp phần vào việc truyền bá Phật pháp tại vùng đất mới. Khi thành lập, các hệ phái Phật giáo đều vận dụng những giáo lý căn bản của Phật giáo nói chung và Thiền học thời Lý - Trần nói riêng, do đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tham học Phật pháp và tín ngưỡng của một bộ phận không nhỏ người dân chân lấm tay bùn ở đây, đồng thời có những giải pháp truyền bá Phật pháp vừa giữ được bản sắc văn hóa Phật giáo, vừa đáp ứng việc đổi mới công tác truyền bá Phật pháp trước những nền văn minh vật chất phương Tây tràn vào Việt Nam lúc bấy giờ. Trước những bối cảnh như vậy, nên có nhà nghiên cứu cho đó là động lực thực tế để chấn hưng Phật giáo, khởi đầu từ Tây Nam bộ (2). Và chính công cuộc truyền bá Phật pháp, cộng với tư tưởng nhập thế tích cực của Đạo Phật đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự hình thành một vài tôn giáo địa phương.

Với việc tìm hiểu tiến trình lịch sử dân tộc và vai trò của Phật giáo trong các giai đoạn lịch sử, để chúng ta có cái nhìn bao quát hơn đối với việc hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và cũng để thấy rằng Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành “văn hóa dân tộc” và nó đã trở thành “mạch sống dân tộc”. Vai trò của Phật giáo là không thể thiếu đối với người dân Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, góp phần vào kế hoạch phát triển Phật giáo tại các vùng sâu vùng xa ở Tây Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung với hiệu quả cao nhất, đó là sự đóng góp một cách to lớn nhưng trong thầm lặng đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 30 năm qua.

Phật giáo luôn là nhân tố chính trong việc hộ quốc an dân đối với mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cho nên, khi sớm có chỗ đứng vững chắc tại Tây Nam bộ và Phật giáo đã dung hóa tất cả để tạo thành nét đặc thù của mình với những nét mới, phong phú đa dạng về mọi mặt như kiến trúc, điêu khắc, lễ nghi, cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, thấm nhuần tinh thần bình đẳng, nhân nghĩa, bao dung nhưng rạch ròi, quyết liệt và rất mực giản dị, thiết thực, vượt ra khỏi những ràng buộc và gò bó của khuôn mẫu phong kiến, tạo thành một đặc trưng của Phật giáo Nam bộ, phụng đạo nhưng vẫn làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc.

Lật từng trang sử đã cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về vùng đất Tây Nam bộ và công tác hoằng pháp ở đây qua những giai đoạn lịch sử trước năm 1975. Do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, những người cư dân ở vùng đất mới phương Nam dồn hết công sức vào lao động sản xuất để kiếm kế sinh nhai, họ chỉ chú trọng đến việc khai hoang để dứt trừ sự đói nghèo mà nguyên nhân theo họ là không có ruộng đất để cày cấy, họ không được học hành và cũng không có điều kiện để học hành. Nhà nước Phong kiến bấy giờ cũng không quan tâm đến vấn đề này, họ chỉ lo động viên những người nông dân lo khai hoang, trồng trọt, còn họ thì lo thu thuế, vơ vét của dân thì nhiều, lo cho dân thì ít.

Trong giai đoạn trước và sau thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Nhà nước Phong kiến suy tàn, Nho sĩ thì không còn giữ nổi địa vị độc tôn, sùng thượng như trước kia nữa, tài an bang tế thế của các nhà Nho không cứu nổi một chế độ phong kiến suy tàn, họ cũng trở thành tầm thường như bao người khác. Việc trị nước an dân bằng tư tưởng Nho giáo đã lỗi thời, tài thao lược của các nhà Nho cũng không thay đổi được tình hình xã hội lúc bấy giờ, thậm chí có nhiều Nho sĩ khi ra làm quan đã trở thành những tham quan, nhiễu loạn dân tình, vì vậy niềm tin vào hệ tư tưởng của Nho giáo không còn mãnh liệt như trước. Riêng Tây Nam bộ là vùng đất mới, xa xôi, vai trò của Nho giáo càng trở nên mờ nhạt, không tạo được ảnh hưởng nhiều đến những cư dân ở đây, ý thức hệ phong kiến cũng không vực dậy được sự suy tàn của triều đình nhà Nguyễn trong giai đoạn này. Trước tình hình ngày một phát triển của xã hội, ý thức hệ Nho giáo không đáp ứng được sự đổi thay của xã hội và vấn đề này được tăng lên khi những biến động lịch sử dữ dội liên tiếp xảy ra ở thế kỷ 19 làm tác động đến sự tồn vong của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

Cũng như Nho giáo, Lão giáo vào nước ta theo gót chân của xâm lược phong kiến phương Bắc. Nho giáo bám rễ vào xã hội bằng con đường học vấn, còn  Lão giáo (sau này đã biến dạng thành Đạo giáo có tính phù thủy) bám rễ vào xã hội bằng con đường nhân gian, có nghĩa là chỉ chú trọng đến việc luyện phù chú, trị bịnh bằng bùa ngãi, đánh ma đuổi tà, trấn yểm... Đạo giáo cũng có mặt trong hành trang của những lưu dân đi mở đất. Đối với một vùng đất xa lạ, bí hiểm, dẫy đầy lam sơn chướng khí, bịnh tật thì Đạo giáo có điều kiện phát triển, trở thành  tín ngưỡng dân gian, đáp ứng được một phần nào nhu cầu về đời sống tinh thần của những cư dân vùng đất mới phương Nam. Vùng đất mà những điều kiện về thiên nhiên và xã hội hết sức khắc nghiệt, Đạo giáo có điều kiện xâm nhập, phát triển tại Tây Nam bộ, nhưng nó không phải là tư tưởng chủ đạo chi phối đến mọi mặt đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Tây Nam bộ.

Trong khi đó, một tôn giáo mới được du nhập vào Việt Nam vào nữa cuối thế thế kỷ 17, nhưng theo phía sau đó là sự lăm le xâm lược Việt Nam của thực dân phương Tây. Từ đó, tạo sự quan ngại của triều đình phong kiến, dù các cư dân ở Tây Nam bộ có tinh thần rất thoáng, cởi mở nhưng rất ít người dân ở đây theo đạo mới này, vì giáo lý của đạo mới rất xa lạ với phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Sang thế kỷ 19, sự truyền bá đạo mới khá rầm rộ mà sau lưng nó đã xuất hiện họa ngoại xâm, đe dọa nền độc lập dân tộc, vì vậy việc chọn lựa, hoặc tiếp nhận một tôn giáo dường như gắn liền với tiêu chí dựng nước và giữ nước, những gì không giúp ích cho sự nghiệp hộ quốc an dân thì nhân dân cẩn thận trong việc tiếp nhận.

Đối với Phật giáo, sau thời hoàng kim (thời Lý - Trần) đến thế kỷ 15 bắt đầu suy thoái về mặt hệ thống tổ chức cho đến giữa thế kỷ 20. Dưới thời nhà Nguyễn, tuy có lập rất nhiều chùa, nhưng họ vẫn bài xích Phật giáo, như Đức Phật dạy: “có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ “ (một trong tam năng, tam bất năng), nhưng triều đình nhà Nguyễn đã sửa lại mang tính bài bác Phật giáo: “thờ cha mẹ chẳng ra gì, ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua đến thế dẫu không cúng Phật cũng không sao” (3).

Giáo lý Đạo Phật rất cao siêu và thâm thúy, nhưng trong bối cảnh suy thoái, thiếu một tổ chức Giáo hội duy nhất để lãnh đạo và điều hành, bấy giờ tuy có các bậc chơn tu nhưng không nhiều, lớp trí thức Tăng Ni trẻ không nhiều và một bộ phận Tăng Ni trẻ không được đào tạo chính quy, từ đó tạo nên sự mất cân đối trong hàng ngũ Phật giáo, dẫn đến những chuyện không hay trong nội bộ Phật giáo. Vì thiếu một tổ chức Giáo hội, thiếu đội ngũ trí thức trẻ, nên Phật giáo chỉ co cụm lại tại các vùng dân cư ổn định và đô thị, không tỏa rộng đến các vùng xa vùng sâu, cho nên Phật giáo không còn là người bạn đồng hành với nhân dân như buổi đầu đi mở đất.

Phật giáo Tây Nam bộ ở giai đoạn này cũng có những bậc cao Tăng thường xuyên hoằng pháp đến các vùng sâu vùng xa, nhưng không đạt được kết quả khả quan. Ngoài những nguyên nhân khách quan vừa nêu, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là các nhà hoằng pháp bấy giờ không dùng ngôn ngữ bình dân để thuyết giảng mà dùng toàn ngôn ngữ bác học của nhà Phật, dùng quá nhiều từ Hán Việt, kinh kệ cũng toàn bằng âm Hán Việt mà người nông dân thì không có học hành, nên họ không thể tiếp thu một cách đầy đủ hệ tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo. Theo dòng thời gian, dần dần Phật giáo như là một tôn giáo tín ngưỡng thuần tuý không phát huy được sức mạnh của mình là “Phụng đạo yêu nước - Hộ quốc an dân - Hoằng dương Chánh pháp”. Cộng với những điều kiện và bối cảnh của đất nước, cuộc sống đầy khổ ải, ý thức hệ Phật giáo mà các cư dân mang theo trong một chừng mực nào đó không còn đủ sức thuyết phục được những người dân cùng khổ, ít có điều kiện thâm nhập vào đời sống tinh thần của tuyệt đại đa số của cư dân Tây Nam bộ và phát huy tốt tinh thần nhập thế tích cực để hộ quốc an dân trong giai đoạn này.

Nhìn chung, Phật giáo Nam bộ ở những giai đoạn trước năm 1975 có những hạn chế nhất định, nhưng các bậc cao Tăng bấy giờ đã nỗ lực xây dựng và đạt được những thành quả nhất định, đó là vừa phát huy Phật pháp, vừa thực hiện chức năng gởi gắm chủ trương đấu tranh cho sự độc lập của đất nước đến với mọi người dân, điểm đến cuối cùng là góp phần công sức vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam kiểu mới – Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, Phật giáo Tây Nam bộ đã tích cực bảo vệ nền văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc và cảnh báo một sự xâm lược văn hóa của phương Tây. Nói cách khác, người dân Tây Nam bộ không bài ngoại, nhưng dứt khoát không để cho bất kỳ ai xúc phạm đến nền văn hóa của đất nước mình.

Qua những diễn biến lịch sử, có thể thấy một thời gian dài không có một tôn giáo nào có ảnh hưởng tuyệt đối với các cư dân ở đây, dù Phật giáo cố gắng phát huy vai trò chủ đạo của mình nhưng hiệu quả không cao. Trái lại, Tây Nam bộ là vùng đất mới, nhiều hệ tư tưởng, tôn giáo khác nhau cùng tác động đến đời sống tinh thần của người dân. Vì vậy, ngay từ buổi đầu đi mở đất, Phật giáo đã thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, tinh thần yêu nước nồng nàn nên được nhân dân đón nhận một cách trân trọng. Từ đó, Phật giáo Tây Nam bộ là một trong những nhân tố đã tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, làm phong phú văn hóa Việt Nam tại phương Nam, đã làm nên những  kỳ tích lịch sử qua hai cuộc vệ quốc vĩ đại, trong đó đã cơ bản đáp ứng phần nào về nhu cầu tham học Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử ở đây và đề ra những giải pháp tối ưu cho công tác truyền bá Phật pháp.

Điểm lại một số sự kiện lịch sử tại vùng đất Tây Nam bộ, để khẳng định rằng những nhu cầu tham học Phật pháp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đáp ứng đầy đủ, những giải pháp truyền bá Phật pháp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra đã đi đúng hướng. Bên cạnh những thành công trong 30 năm qua của Giáo hội, vẫn còn đó một vài hạn chế, Giáo hội cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để công tác truyền bá Phật pháp phát huy được giá trị “Phật pháp bất ly thế gian giác”, tìm ra những nguyên nhân sâu xa của lịch sử để có hướng khắc phục một vài hạn chế hiện nay trong công tác hoằng pháp của Giáo hội để làm cho Phật pháp lan rộng đến mọi vùng miền của Tổ quốc để cho mọi người hiểu thâm sâu Phật pháp hơn.

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, tự chủ, với chính sách tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước, các tôn giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là khi Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, Giáo hội luôn xem Tăng Ni và Phật tử là đối tượng chính để giải quyết những nhu cầu tham học Phật pháp, chịu đựng khó khăn để thể hiện lòng từ (hoài nhẫn hành từ), Đảng và Nhà nước cũng lấy nhân dân làm đối tượng để chăm lo từ đời sống vật chất đến tinh thần, dùng lòng nhân để trị quốc (trị quốc dĩ nhân). Trong quá khứ, những người đệ tử Phật với lòng nhiệt huyết tích cực tham gia vào quá trình đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc, biến văn hóa dân tộc, kết hợp chặt chẽ với văn hóa Phật giáo để trở thành một thành trì kiên cố trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và hôm nay nó được phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Tư tưởng này tạo thành giá trị tinh thần vô giá về đạo làm người của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam  “Ở nhà có thể dùng để thờ cha mẹ, giúp nước ta có thể trị dân, ở riêng một mình có thể dùng để tu thân” (4). Như vậy đạo đức của đệ tử Phật, nói theo quan điểm của Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận thì nó có thể để tu thân, tề gia, trị quốc.

30 năm đã trôi qua, từ những bài học kinh nghiệm của Phật giáo ở Tây Nam bộ trước đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có chỉ đạo sâu sát hơn trong việc đưa ra các giải pháp về nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử, nhất là công tác truyền bá Phật pháp được nghiên cứu khá kỷ, có những giải pháp thiết thực đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, công tác truyền bá Phật pháp hiện nay vẫn chưa thoát khỏi một vài hạn chế mà Phật giáo ở Tây Nam bộ trước đây gặp phải.

- Thứ nhất, trước đây các nhà truyền giáo Phật giáo có nhiều đợt hoằng pháp đến những vùng nông thôn hẻo lánh, nhưng chưa đủ nguồn nhân lực để bám trụ lại và tiếp tục đem ánh sáng Phật pháp đến người nông dân ít có điều kiện nghe. Từ đó, công tác truyền bá Phật pháp bộc lộ nhiều hạn chế, người dân tin Phật nhưng thiếu người hướng dẫn nên họ chuyển sang tin và theo tôn giáo khác.

Công tác truyền bá Phật pháp của Giáo hội trong 30 năm qua được đẩy mạnh và đều khắp từ thành thị đến nông thôn, nguồn nhân lực dồi dào, đội ngũ giảng sư vừa hùng hậu và giỏi chuyên môn, sau những đợt hoằng pháp khá rầm rộ nhưng có quá ít Tăng Ni chịu bám trụ lại các vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, nên Phật giáo tại các nơi nầy chưa phát triển, thậm chí là không phát triển như các tôn giáo khác, người dân tin và theo tôn giáo khác là một hệ quả tất yếu. Lịch sử đã để lại bài học kinh nghiệm, nhưng hiện nay Giáo hội chưa có giải pháp khả thi để giải quyết hạn chế này.

- Thứ hai, Việt Nam là một nước nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa khác, tại mỗi vùng miền trình độ dân trí lại khác nhau. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đội ngũ giảng sư khá hùng hậu, am tường Phật pháp, chuyên môn giỏi, chuyên sâu cao, nhưng khi đến các vùng miền chưa áp dụng triệt để nguyên lý “Thời - Xứ - Vị” để phục vụ công tác truyền bá Phật pháp, ngôn ngữ thuyết pháp quá bác học, quá chuyên sâu. Do đó, những bài pháp thật hay nhưng trở thành xa lạ và khó hiểu đối với người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới và nông thôn, nhất là tại vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, người dân ở đây không hiểu tiếng Kinh nhiều, từ đó họ khó tin và theo Phật giáo. Trong khi đó, tôn giáo khác khi họ đến những vùng này, họ truyền giáo bằng chính ngôn ngữ của dân bản địa, họ bám trụ lại địa phương, tiếp cận quần chúng bằng phương pháp từng nhóm nhỏ, nên họ dễ dàng thâm nhập vào đời sống của quần chúng địa phương.

- Thứ ba, một số Tăng Ni bám trụ tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa hòa mình vào đời sống của cư dân ở đây như các bậc Tiền bối đã làm khi thuyết Pháp, hoặc giảng Kinh. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của các bậc Tiền bối, ở những nơi này, giai đoạn đầu các bậc Tiền bối thường áp dụng Kinh Thí dụ để hướng dẫn cho những người sơ cơ tin và theo Phật giáo. Bởi vì, Kinh Thí dụ thực chất là những truyện ngụ ngôn, mục đích của những câu chuyện trong Kinh Thí dụ là nhắn gởi một lời khuyên, một cảnh giác thông qua câu truyện. Chúng ta thấy nội dung thông điệp của Kinh Thí dụ đôi khi không mang dấu ấn Phật pháp, mà nó thể hiện sự khôn ngoan chung, một dạng minh triết mà bất cứ dân tộc nào cũng có thể có. Cuối cùng những mẫu truyện mang tính ngụ ngôn trong Kinh Thí dụ, có những truyện xuất phát từ đời sống Phật giáo, cũng có những truyện phi Phật giáo được viết thành những mẫu truyện để gởi gấm một tư tưởng, một nhận định thực tiễn có giá trị khuyên răn, cảnh giác v.v…

Những mẫu chuyện trong Kinh Thí dụ, nó tuy đơn giản nhưng vẫn vượt trội ở tính đa dạng không chỉ về mặt giáo lý, mà còn về mặt tư tưởng chung, dân tộc nào cùng có, trình độ nào cũng hiểu được, giới tính nào cũng cảm nhận được. Thí dụ như truyện con cò đem con rùa đi kiếm ăn. Rùa không giữ được miệng mình nên rơi mất xác. Ý nghĩa của truyện không còn đơn thuần giới hạn trong giáo lý Phật giáo, mà nó có sức lan tỏa mang tính xã hội phổ quát.

Như thế, Tăng Ni khi bám trụ lại ở những vùng vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn phải đều đã lập nguyện: “chịu đựng gian khổ để thể hiện lòng thương”, “Ta thà bỏ thân mạng sống một đời chứ không bỏ chí lớn, quên mình để yên ổn quần sinh, đó là lòng nhân bao trùm trời đất vậy” (5). Do trình độ dân trí ở đây, nên việc khuyên giữ 5 giới, vâng đội mười điều lành, tức là: “Lấy 5 giáo làm trị chính, không hại nhân dân: một là nhân từ không giết, ơn tới quần sinh; hai là thanh nhường không trộm, quên mình cứu người; ba là tinh khiết không dâm, không phạm các dục; bốn là thành tín không dối, lời không hoa sức; năm là giữ hiếu không say, nết không dơ dáy” (6) là nhấn mạnh đến các điều răn của Phật giáo. Dùng truyện đầu trong Kinh Thí dụ là những lời giáo huấn đặc biệt, thông qua việc giữ giới để thắng được các quỹ dữ. Việc dùng thí dụ để đề cao vai trò và giá trị của giới luật, dùng nó để chuyển tải thông điệp về giáo lý giải thoát, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và mọi người. Vấn đề ở đây, người truyền bá Phật pháp phải hướng người tín đồ hiểu rằng quan hệ xã hội bình thường phải dựa trên một số nguyên tắc. Các nguyên tắc này, Phật giáo gọi là giới, mang dạng pháp quy bắt buộc, nhưng lại mang tính tự nguyện, giữ được giới nào đem đến an lạc, hạnh phúc của giới đó thông qua cuộc sống. Nếu hướng dẫn như thế, sẽ làm những cư dân chân lấm tay bùn dễ tiếp nhận qua những mẫu truyện của kinh.

Tóm lại, những trình bày của chúng tôi chỉ mang tính chia sẻ, chưa phải là giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, nó sẽ góp phần cung cấp thông tin theo cảm nhận của cá nhân để lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa những quyết sách tối ưu trong việc giải quyết những nhu cầu tham học Phật pháp của đồng bào Phật tử tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và những giải pháp khả thi trước sự truyền đạo của nhiều tôn giáo tại Việt Nam. Như Cổ đức nói:"Đạo là cứu độ từ bi, nước nghèo dân chết bỏ đi nỡ nào".

Một khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải được bài toán “NHU CẦU VÀ GIẢI PHÁP TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP”, với cái nhìn thoáng, bao quát, bao dung, thông cảm, không đối kháng với bất cứ ai mà luôn chủ trương sống hòa bình, Phật giáo sẽ tiếp tục viết nên trang sử vàng son mới trong thời hội nhập, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta phải xác định hệ tư tưởng Phật giáo với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, biến nó thành chất men hội tụ và làm chất xúc tác, làm cho cả dân tộc Việt Nam triệu người như một chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc; làm cho mỗi người dân Việt Nam trên những cương vị khác nhau, luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình để lo cho dân cho nước.

Sự hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một kiện lịch sử chưa từng có trong lịch sử trung, cận và hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Với những ưu việt, tích cực và một ít hạn chế trong 30 năm qua, về mặt khách quan Giáo hội cần phải đổi mới về việc đáp ứng nhu cầu và đề ra giải pháp trong công tác truyền bá Phật pháp. Nếu Tăng Ni đến các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn tự thỏa mãn với những gì đã đạt được trong quá khứ thì sẽ tự đánh mất mình, không còn là nhân tố chính trong việc hộ quốc an dân trước mọi giai đoạn lịch sử, nhất là không đem được ánh sáng văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo để chống lại sự đồng hóa của nền văn minh vật chất phương Tây đang tràn vào Việt Nam. Ảnh hưởng của Phật giáo mãi mãi vẫn còn tác động tích cực đến xã hội Việt Nam, nhưng Phật giáo cần phải không ngừng đổi mới, thực hiện tốt khái niệm “Phật giáo mạch sống của dân tộc”, có vậy mới chứng minh được Phật giáo là Tôn giáo của dân tộc, là nhân tố cấu thành văn hóa dân tộc, là chất xúc tác góp phần quy tụ toàn dân về một mối để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

Chú thích:

(1)  Theo Báo cáo tổng kết 30 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(2)  Sơn Nam, Cá tính của miền Nam, NXB Văn hóa, năm 1992, trang 41.

(3)  Đinh Văn Hạnh - Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam bộ Việt Nam - Viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh, 1996, trang 29.

(4)  Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, NXB Tp. Hồ Chí Minh 2003, trang 111

(5)  Sđd, trang 96, 98

(6)  Sđd, trang 97

 

TT. Thích Giác Liêm

Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN

Chánh Văn phòng Ban Nghi lễ TW

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: giáo hội
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 58

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 54


Hôm nayHôm nay : 21564

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 430343

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 28469091


Ảnh đẹp