Tịnh Tư Ngữ (P1)

Thứ ba - 15/11/2011 08:04
Tịnh Tư Ngữ (P1)

Tịnh Tư Ngữ (P1)

Phật dạy : "Mạng sống ngắn như hơi thở". Con người không thể làm chủ mạng sống của chính mình, càng không thể có ai ngăn cản được giờ chết để sống mãi trên đời. Sinh mạng đã là vô thường như thế, chúng ta càng phải biết quí nó, lợi dụng nó làm bổ ích. Khiến cho cái thân mạng vô thường nhưng quí giá này có thể phát huy ánh sáng chân, thiện, mỹ (của Phật tánh), chiếu rọi giá trị chân chính của kiếp người.

Tịnh Tư Ngữ

Thích Giải Hiền dịch
Sàigòn 2001 ; PL. 2545
--------------------------------------------------------------------------------
MỤC LỤC
PHẦN MỘT
Hiện tại là thời cơ tốt nhất.
Như trăng, như gương, như nước.
Người ta bị thương, lòng mình đau xót.
Hoa sen thanh tịnh.
Tình thương vô nhiễm.
Hạt lúa chín tròn đầy.
Cỏ vô minh và duyên giúp ích.
Phiền não và Bồ đề.
Ngộ rằng trời đất bao la.
Nhẹ chừng nào, nặng chừng ấy.
Bài học đầu tiên về đạo đức lòng người.
Sức mạnh của một hạt giống.
Trang giấy trắng của đời mình.
Công sở là đạo tràng.
Khi giọt sáp rơi.
Đời người hữu hạn, thế giới vô hạn
Thấm nhuần trong cội nguồn của nhân tính.
Thuyết pháp không lời.
PHẦN HAI
A.Đối cảnh trả lời
Nói về thiện mỹ.
Nói về đức hạnh.
Nói về sinh mạng.
Nói về lòng khoan dung, nhu hòa.
Nói về sự thiếu sót.
Nói về việc thực tế.
Nói về việc làm.
Nói về bổn phận.
Nói về trách nhiệm.
Nói về công thông.
Nói về sửa lỗi.
Nói về nghèo và bệnh.
Nói về tình yêu.
Nói về phận con dâu.
Nói về việc dạy con.
Ba ý nguyện đầu xuân.
B.  Tùy cảnh khai thị
Nói về tín ngưỡng.
Nói về việc học Phật.
Nói về công đức.
Nói về nhân quả.
Nói về mê tín.
Nói về tu hành.
Nói về thần thông.
TIỂU SỬ PHÁP SƯ CHỨNG NGHIÊM
Chẳng ai trong khắp nhân thế mà tôi không yêu thương
Chẳng ai trong thế gian này mà mình không tin
Không vương mang, lòng luôn tha thứ những ai trót lỗi lầm.
Những lời khai thị này xuất pháp từ tâm linh kiên định và thiện mỹ của Pháp Sư Chứng Nghiêm.
Pháp Sư sinh năm 1937 tại trấn Thanh Thủy, Đài Trung, Đài Loan.
Năm 1963, y chỉ Đại sư Ấn Thuận xuất gia. Năm đó Pháp sư vừa tròn 26 tuổi. Được Đại sư phú pháp cho chữ " Vì Phật giáo, vì chúng sanh".
Năm 26 tuổi (1966), Pháp sư thành lập Phật giáo Khắc nạn Từ Tế Công Đức Hội.
Từ sau năm 1966 cho đến nay, thế giới Từ Tế dưới sự dìu dắt và lòng từ bi của Pháp sư đã từng bước vững vàng và phát triển. Ngày nay thàng viên của hội Từ Tế có mặt khắp các nơi có khổ đau và tai nạn trên thế giới.
Thông qua việc đích thân tham gia bạt trừ đau khổ cho nhân sinh, những người đệ tử của Pháp sư tinh thần cần tuân theo chí nguyện hành Bồ tát đạo kiên định của thầy. Lấy từ bi trí tuệ thanh lương của Phật Đà, kiên thành phụng hành tâm nguyện của Pháp sư.
Nguyện cầu nhân tâm thảy đều thiện hóa.
Nguyện cầu xã hội hết thảy an vui.
Nguyện cầu muôn loại chấm dứt nạn tai
 
 
Thích Giải Hiền dịch
Sàigòn 2001 ; PL. 2545
..............................................................
 
PHẦN MỘT
 
1. HIỆN TẠI LÀ THỜI CƠ TỐT NHẤT 
NÓI VỀ THỜI GIAN 
. Mỗi ngày là lúc để mình bắt đầu đời mới. Mỗi giờ đều là lúc để mình thức tỉnh.
 
. Thời gian có thể hun đúc nhân cách, có thể thành tựu sự nghiệp và cũng có thể tích lũy công đức.
 
. Trên đời người ta làm đặng bao nhiêu việc thì thọ mạng dài bấy nhiêu. Vì vậy phải cạnh tranh với thời gian, đừng để thời gian trôi lãng phí.
 
. Đời người vì thiện mà nỗ lực, tranh thủ trong từng phút giây.
 
. Người ta khi cho rằng cái gì cũng có thể tự do tự tại thì liền bị cái tự do theo sở thích ấy làm mê muội, rồi đánh mất thời gian mà không hề hay biết.
 
. Thời gian đối với người trí huệ thì quí giá như kim cương. Nhưng đối với người ngu si thì hệt như bùn đất chẳng chút giá trị.
 
. Phật dạy : "Mạng sống ngắn như hơi thở". Con người không thể làm chủ mạng sống của chính mình, càng không thể có ai ngăn cản được giờ chết để sống mãi trên đời. Sinh mạng đã là vô thường như thế, chúng ta càng phải biết quí nó, lợi dụng nó làm bổ ích. Khiến cho cái thân mạng vô thường nhưng quí giá này có thể phát huy ánh sáng chân, thiện, mỹ (của Phật tánh), chiếu rọi giá trị chân chính của kiếp người.
 
. Bởi vì thọ mạng của con người quá ngắn ngủi, nên nó mới quí giá. Thật khó mà làm được người, nên bạn hãy tự hỏi : phải chăng ta đã vì nhân sinh mà cống hiến sức lực của mình, chẳng nên cứ chăm chăm mong cầu sống lâu.
 
. Làm thiện cần phải gấp rút. Tích lũy công đức cần phải kiên trì. Như đun nước sôi, nước chưa sôi chớ tắt lửa. Tắt rồi nấu lại mất công vô cùng.
 
. Vì sợ tốn thời gian, do đó bạn đêm hết tâm huyết, nghĩ đủ phương pháp để rút ngắn thời gian. Kết quả là bạn lãng phí thời gian nhiều hơn, mà chẳng thành công gì.
 
. Con người đam mê tìm kiếm pháp lạ. Do đó, mà đình trệ không tiến bộ. Dù cho thời gian có nhiều hơn, đường đi có dài hơn cũng chẳng ích gì. Kết cuộc rồi cũng hoàn không.
 
. Một người sống mấy chục năm, thời gian thật sự sử dụng để làm người, và làm việc thì rất ít. Người siêng năng tới đâu cũng chỉ dùng một phần ba thời gian của đời họ mà thôi.
 
. Bình thường chẳng có chuyện gì làm, người ta để thời gian trống rỗng trôi qua. Đời người cứ thế từ từ đọa lạc trong vòng giải đãi, lười biếng, ngủ nghỉ mộng mơ, Cuộc sống như thế là "người sống trong cơn mê".
 
. Dùng trí tuệ để suy gẫm ý nghĩa chân thật của cuộc đời.
 
. Dùng nghị lực để sắp đặt thời gian của cuộc sống.
 
. Điểm dị biệt lớn nhất của bậc thánh và phàm phu là : thánh nhân có thể làm chủ thời gian và không gian.
 
. Sinh mạng vô cùng ngắn ngủi, cho nên phải vững bước tăng tốc tiến lên. Không nên lê lết như dẫm bùn. Cũng nhất là chớ để chân trước đã chạm đụng đất, mà chân sau không chịu nhấc lên. Chân trước bước, chân sau nhấc nghĩa là : Việc ngày hôm qua thì hãy để nó qua đi. Hãy đem tâm thần chú ý đến việc ngày hôm nay.
 
. Bất luận trên cõi đời này mình đã đổ biết bao tâm huyết, chịu biết bao khổ sở, cũng chớ đem tâm nhớ mãi thành tựu trong quá khứ. Dù có bố thí bao nhiêu cũng chớ ve vuốt lòng người, cầu mong đền đáp. Quá khứ khó truy tìm, tương lai khó đoán được. An trú trong hiện tại ngay đây và tại đây.
 
. Nếu tâm đình trệ vào việc ngày hôm qua, vào chuyện quá khứ thì lòng sẽ sản sinh tạp niệm, chấp trước và lưu luyến. Người ta một khi hồi ức thường ôn lại chuyện quá khứ thì y sẽ cứ luôn đau khổ, đầy oán hận, giận dữ chẳng cam lòng…
 
. Chuyện tương lai đều là vọng tưởng, chuyện quá khứ đều là tạp niệm, hãy giữ gìn tình thương trong mỗi phút, mỗi giây, thận trọng làm tròn bổn phận trước mắt.
 
. Con người không nhất định mãi cầu bóng tốt, nhưng người chơi bóng giỏi được luyện tập kỹ càng thì lúc nào cũng có thể vung chày để đón bóng.
 
  
 
2.NHƯ TRĂNG, NHƯ GƯƠNG, NHƯ NƯỚC 
THẮP SÁNG NGỌN ĐÈN TRONG TÂM 
. Tâm phải như trăng sáng có nước thì trăng hiện. Tâm phải như bầu trời, mây tan trời trong xanh.
 
. Hãy dùng tâm định tĩnh để quan sát tướng trạng và lắng nghe âm thanh của chúng sanh khắp đại địa.
 
. Tâm như gương tùy ngoại cảnh không ngừng chuyển biến song mặt gương vẫn không lay động. Đây tức là cảnh động mà tâm không động.
 
. Tâm theo cảnh chuyển, thời chuyển mãi không ngừng, ắt sẽ bị nhân-ngã-thị phi không ngừng quấy nhiễu rồi không còn có thể tự dừng được nữa.
 
. Gương là dùng phản chiếu vật thể. Gương và vật cần để tách rời thì mới chiếu soi được. Nếu vật dính cứng vào gương phủ đầy bụi bặm thì gương dù sáng cũng khó soi thấy gì.
 
. Tâm tư của người ta cũng như gương. Muốn cần trí huệ, minh biện sự lý, mình cần xa rời phiền não nhân ngã thị phi. Đấy chính là cái lý : "Người trong cuộc thì mờ, kẻ bàng quang thì tỏ".
 
. Lòng người giống như tấm gương soi ; Soi núi thì núi hiện, soi nước thì nước hiện. Chỉ bởi bụi bặm (vọng tưởng, phiền não) đóng dày nên diện mục (chân tâm, Phật tánh) chẳng thể thấy đặng.
 
. Nếu tâm thường thanh thản và sáng trong, thì dù hoàn cảnh có ô trượng cũng đều là tốt đẹp cả.
 
. Tâm phải như nước : nhìn thật nhu nhược mỏng manh, nhưng tiềm lực bất tận không thể cắt đứt.
 
. Thiên đường và địa ngục đều do nơi sử dụng tâm và hành vi của mình tạo ra. Vì thế, mà nên sự lệch hướng.
 
. Tâm không nghĩ điều xấu, ý không nhớ việc hay, thời luôn tự tại. Tâm chính là không xâm.
 
. Ngày nào tâm cũng tốt thì ngày đó là ngày tốt, lúc nào cũng giữ gìn chánh niệm thì bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng là cát tường cả.
 
. Nếu biết chuyên tâm chuyên ý nơi đạo thì rất tinh thâm uyên bác (Phật lý để tu trì). Có thấu triệt thiên kinh vạn lý thì cũng như hoa đốm trong hư không, ánh trăng hiện trong nước, chẳng có gì thành tựu.
 
. Cứ thay đổi tâm ý, ngần ngừ do dự mãi không chuyên tinh, thì vĩnh viễn chẳng bao giờ bạn có thể đạt tới mục tiêu.
 
. Tâm người tán loạn có hai loại : một là hôn trầm, hai là hoang mang. Khi hôn trầm thì đầu óc mê muội để thời giờ trôi mất, không làm nên tích sự gì cả, chỉ hao tổn sức lực, lười biếng, giải đãi, thích ngủ, không chịu tinh tấn.
 
. Hoang mang nghĩa là bất định, thấy là tâm theo, dao động không ngừng, bông lung không sao an tĩnh.
 
. Phải biết dụng tâm, không nên thô tháo, phiền não.
 
. Thân bệnh còn dễ trị liệu. Khi tâm bệnh thì đi đứng ,nằm ngồi đều bất an, toàn thân không sao tự tại, thậm chí ăn không vô, ngủ không được. Tâm bệnh của chúng sinh là :người có (vật chất thành tựu…) thì lo phiền sợ mất; người không có thì ưu lự để được lo mất lo được, tức thành ưu sầu.
 
. Nếu tâm chẳng có gì thì tâm không quái ngại, không bị được mất lôi kéo, chẳng có tích chứa tài vật, tâm linh tự nhiên sẽ chẳng quái ngại. Đó là cảnh giới của thánh nhân. Cũng là cảnh mà người học Phật hướng tới.
 
. Dùng tâm Phật nhìn người thì ai ai cũng là Phật. Dùng tâm ma nhìn người thì đâu đâu cũng nhớn nhác bóng quỷ.
 
. Tâm phàm phu là tâm có phân biệt về quá khứ, hiện tại và vị lai.
 
. Người phàm thì truy cầu thần kỳ quỷ quái, do đó nên tâm mới loạn. Tâm loạn nên mới lòng vòng tìm mãi với tám vạn bốn ngàn pháp môn. Thực ra tu tâm thật đơn giản, chỉ cần dứt bỏ lòng tham. Có ai động lòng tham mà tâm chẳng loạn.
 
. Tâm chúng sinh là tâm phàm, ô nhiễm, nhuốm đầy hình sắc. Hình sắc mà gột sạch thì Phật tánh hiện.
 
. Tâm Phật và chúng sinh vốn không hề khác biệt. Phật cũng không hơn chúng ta một cánh tay hay một cái chân. Sự khác biệt chỉ là tâm Phật trong sạch, thanh tịnh, vô ngại; là chân như tự tại. Tâm phàm phu thì có bụi trần, bụi ấy từng lớp phủ khiến bạn không thấy rõ khuôn mặt thật của mình nữa. Tâm Phật như cái hộp bảo hiểm (deposit safe) giữ gìn không mất vật báu. Tâm phàm phu như bãi rác. Những thứ độc hại, vô ích mà cứ chất chứa mãi thành đống ở trong lòng, nếu không gọt sửa thì chỉ tự làm cho thân đau khổ vô ngần.
 
. Có người đốt đèn cầu được ánh sáng. Kỳ thật ánh quang minh chân chính ở tại tâm mình. Đèn cúng Phật không cần thiết phải thắp sáng mới được. Quan trọng nhất vẫn là thắp sáng ngọn đèn trong tâm mình.
 
  
 
3. NGƯỜI TA BỊ THƯƠNG , LÒNG MÌNH ĐAU XÓT 
NÓI VỀ LÒNG TỪ BI 
. Lòng từ bi là lòng đồng tình, biết khoan dung, tha thứ, nhẫn nhịn; có biểu hiện lòng rộng rãi, thương yêu thì mới là từ bi. Người có hạnh phúc nhất trong đời là người biết khoan dung, bi mẫn, thương yêu tất cả chúng sinh.
 
. Con số không thể nói hết được hạn lượng là "vô lượng". Không từ khổ nhọc gian nan để cống hiến là "đại từ bi". Đem hết sức để phục vụ và phục vụ rất vui vẻ gọi là "hỷ xả".
 
. Đem bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả ra giải nghĩa thì Từ và Hỷ đem lại an lạc, giàu sang. Bi và Xả bạt trừ khổ đau, cứu tế kẻ nghèo cùng.
 
. Lòng từ là lòng thương, tình thương này thanh tịnh trong sạch. Vô duyên đại từ nghĩa là lòng thương không ô nhiễm. Tuy ta và họ không hề quen biết hay thân thích, nhưng ta vẫn thương họ. Thương để đem đến cho họ niềm an vui, còn mình cũng không phiền não. Đây chính là lòng thương thanh tịnh và cao cả nhất.
 
. Mình và chúng sinh tuy chẳng có duyên, chẳng quen biết gì, song cái khổ của họ cũng là cái khổ của mình. Sự đau đớn của ho cũngà sự đau đớn của mình. Thân họ khổ nhưng lòng mình lo. Vết thương tuy nơi thân người nhưng khổ đau là nơi lòng ta. Tinh thần này chính là đồng thể đại bi.
 
. Hãy nhìn chúng sanh bằng ánh mắt từ bi. Hãy biến cái không thành có. Hãy đem lý luận thành hành động. Lúc nào cũng sẵn sàng với tinh thần đại từ đại bi cứu tế, luôn nghĩ rằng " Nếu ta không cứu họ thì ai sẽ cứu họ?". Nếu được như vậy thì trần thế cũng có thể biến thành Tịnh độ.
 
. Từ bi là nguồn cội của việc cứu thế; nhưng nếu thiếu trí huệ thì không thể thành đại bi. Có trí huệ thì mới phát huy được nghị lực và lòng đại từ bi vô cùng tận. Như vậy cũng phù hợp với ý vận dụng song hành bi lẫn trí trong Phật pháp.
 
. Diệu pháp chân chính thì lưu xuất ra từ trí huệ. Từ bi chân chính thì phải do sức mạnh của trí huệ phát huy.
 
. Lòng từ bi mà Phật dạy lấy tình thương yêu và đức nhân từ làm thể, lấy sự thành thật, chánh trực và nhu hòa làm dụng.
 
. Kẻ có năng lực cứu người là Bồ tát. Nếu bạn đem sức lực ra cống hiến trong một ngày thì bạn sẽ là Bồ tát một ngày.
 
. Tinh thần của Bồ tát vĩnh viễn hòa nhập trong tinh thần của chúng sinh. Phải làm cho tinh thần Bồ tát vĩnh viễn tồn tại ở thế gian, không thể chỉ lý luận suông. Còn phải thể hiện bằng thực chất. Lòng từ bi và nguyện lực chỉ là lý luận, còn sự phục vụ chúng sinh mới là sự biểu đạt thực tế. Chúng ta hãy biến lòng từ bi vô hình thành sự phục vụ vĩnh viễn kiên cố.
 
. Hãy cụ thể hóa lòng từ bi, biến nó thành hành động thực tế.
 
  
 
4. HOA SEN THANH TỊNH 
KHƠI MÀO TRÍ TUỆ, GIEO NHÂN LÀNH 
. Tâm mỗi người đều có một đóa sen thanh tịnh, một trí tuệ vô lượng. Khi bạn phát huy lương tri, lương năng của mình, thì quả báo phước đưc và trí tuệ sẽ vô lượng vô biên.
 
. Khi Phật còn tại thế, những điều Ngài giảng thuyết không ngoài dạy chúng sanh tự ý thức rằng ai cũng có trí tuệ giống Ngài mà còn dạy chúng sanh nhận chân được tự tánh giống như Phật của mình. Ai cũng có thể tiến tu từ bi và trí tuệ.
 
. Kẻ học Phật ắt phải tôn giữ ba nguyên tắc mà Phật dạy : Giới, định và huệ. Giới là tông chỉ của sinh hoạt và hành động; giới dùng để răn ngừa tâm đừng làm bậy, hành vi không lầm lỗi. Như thế tâm mới có định lực, tinh thần mới chuyên nhất. Trí tuệ cũng phát sinh từ đây.
 
. Tâm có định lực trí tuệ tự nhiên phát sinh. Người ta thường bị ngoại cảnh ảnh hưởng nên không đủ sức yên định. Học Phật thì phải định. Định theo ngôn ngữ hiện đại là trang kính tự cường.
 
. Thứ mà kẻ có trí tuệ đem theo là những hữu tình mà họ giác ngộ.
 
. Thông minh không hẳn là có trí tuệ. Nhưng có trí tuệ thì nhất định bao hàm cả thông minh. Thông minh chỉ là năng lực đo lường tính toán sự lợi hại được mất. Gian tham, giối trá, lừa đảo cũng tượng trưng cho sự thông minh vậy.
 
. Kẻ thông minh thì nặng lòng (tính toán, chấp trước về sự) được mất. Người trí tuệ thì luôn mạnh dạn buông xả.
 
. Cùng một chữ "đắc" trong chữ xả đắc (buông bỏ) và đắc thất (được và mất) nhưng chúng hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau. Kẻ có trí tuệ thì chuyện gì cũng có thể xả, mà cũng tức là đắc, đắc niềm an vui vô hạn. Không biết xả thì sẽ bị thất (mất đi): mất hết nguồn an lạc trong tâm.
 
. Không trải qua việc gì, chẳng thể có trí tuệ hiểu biết việc ấy. Trí tuệ phát sinh do tôi luyện khi va chạm với người và sự việc. Nếu bạn chạy trốn trách nhiệm trước mắt, tách mình ra khỏi người và công việc, thì chẳng sao có được trí tuệ.
 
. Nếu bạn thể hiện được lòng thương : đó là phước. Nếu bạn tiêu trừ được phiền não : đó là tuệ.
 
. Trí tuệ và phiền não thì giống như lòng bàn tay và mu bàn tay ; cả hai đều là một bàn tay. Nhưng mu bàn tay thì chẳng thể cầm vật gì. Nếu lật ngược lại thì bàn tay trở thành vạn năng.
 
. Thiện thì lợi ích; ác thì tổn hại. Một niệm sai lầm thì trồng nhân xấu. Một niệm tốt sẽ đem tới quả lành.
 
. Tâm điền (ruộng lòng ) cần trồng thật nhiều hạt giống tốt. Gieo càng nhiều hạt tốt thì sẽ ít cỏ hoang. Đất đai không canh tác thì cỏ dại mọc đầy. Do vậy làm lành thì phải làm hàng ngày, làm hàng giờ, làm không ngừng. Động tay cất bước đều phải giữ tròn thiện niệm.
 
. Làm việc tốt không phải để cầu danh, cầu công đức. Làm việc tốt với tâm niệm vì bổn phận và trách nhiệm thì đó mới là việc tốt, mới chính là việc thiện chí thành không vụ lợi với mục đích riêng tư.
 
. Ý nghĩa của chữ thiện là thích đáng, vừa đúng, vừa đủ; không thiên lệch, không nghiêng ngửa, không cực đoan. Khi thương, không nên thái quá, cũng chớ làm phát sinh lòng oán hận. Đối với quan hệ giữa mình và người, chẳng nên có thái độ bất bình đẳng, hay có lòng phân biệt. Đối với người mình thương, hãy dùng trí tuệ để dứt trừ tình cảm muốm chiếm hữu kẻ ấy.Đối với người mình không thương, không có nhân duyên thì mình nên hết lòng thiện giải, dùng tâm lành ý tốt đối đãi họ.
 
  
 
5. TÌNH THƯƠNG VÔ NHIỄM 
TIẾN VÀO CẢNH GIỚI THĂNG HOA NHÂN CÁCH 
. Thứ gì giá trị nhất trong đời người ? Chính là tình thương. Hãy lấy sự hy sinh xả mình làm việc hướng thượng. Ai thể hiện được tình thương, kẻ ấy vĩnh viễn sung sướng, người ấy vĩnh viễn sung sướng, sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa.
 
. Bất luận thương người hay được người thương đều là việc hạnh phúc. Hễ ai có sức mạnhthương yêu kẻ khác hoặc được người khác thương yêu mình, kẻ ấy thật rất hạnh phúc.
 
. Đừng nên khép kín mình lại. Bạn có thương người thì người mới yêu thương bạn.
 
. Phải biết thương chính mình thì mới có thể thương hết mọi người.
 
. Đối đãi với người thì phải lùi một bước. Thương người thì nên rộng rãi một chút. Có vậy đời bạn mới sống vui vẻ được.
 
. Nếu bạn biết dùng tình thương để đối đãi với người, dùng tánh hiền từ để tiếp đãi người khác thì chắc chắn bạn không rước họa vào thân. Bởi vậy,làm người bạn nên biết chịu thiệt thòi : bên trong tuy có đại trí tuệ nhưng bề ngoài thì ra vẻ như khờ dại (đại trí nhược ngu).
 
. Hãy đem lòng giận dữ chuyển hóa thành nhu hòa. Lại đem nhu hòa ấy biến thành tình thương. Được vậy, thế gian sẽ cànhg trở nên hoàn mỹ.
 
. Bố thí không phải là việc độc quyền của người giàu có(ai cũng có quyền bố thí), mà bố thí là một phần tình thương thành khẩn.
 
. Có lẽ việc bi ai nhất trong đời người là : Ai cũng có quyến thuộc, chỉ ta đơn độc không thân nhân. Do vậy người thực hành đạo Bồ tát nói rằng ; Các bạn hãy xem tất cả chúng sinh trong thế gian ; ai là bậc trưởng lão, lớn tuổi. Mình phải biết hiếu thảo tôn trọng họ như cha mẹ. Ai tuổi tác xấp xỉ, mình hãy kính mến họ như anh em. Những trẻ em tuổi thơ, hãy thương mến đùm bọc chúng như con cái. Đây là tình thương cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của tâm tánh con người.
 
. Tình thương không thể xem lẫn phiền não. Bởi vì có phiền não thì sẽ nhiễm ô.
 
. Mình cần phải nuôi dưỡng tình thương thanh tịnh vô nhiễm. Trên mặt tình cảm, không nên có tâm được mất. Đừng nghĩ đến việc gặt hái (kết quả) thì sẽ chẳng có phiền não.
 
. Tình thương mà có mong cầu thì không thể tồn tại mãi được. Tình thương vĩnh viễn tồn tại là tình thương không hình tướng, không ô nhiễm, không mong cầu.
 
. Cha mẹ thương con cái, lo lắng quá mức sẽ phản tác dụng làm cho con cái bực bội. Cha mẹ phải tin con thì chúng mới yên tâm được.
 
. Trà thanh, hương nhẹ thì uống ngon, tỉnh táo. Nếu trà quá nồng, ắt đắng, khó uống. Tìng ái ở thế gian cũng vậy đấy.
 
. Ái : nó là thứ khiến lòng người lúc nào cũng cảm giác thiếu thốn và hiếu kỳ, thường cảm thấy đói khát không bao giờ biết no đủ cả; hệt như một con quỷ đói vậy. Khi ở trong vòng ái dục, người ta vĩnh viễn chẳng cách nào được thỏa mãn dục vọng.
 
. Muốn nói chuyện tình thì phải nói chuyện tình dài : đó là tình giác ngộ. Muốn nói yêu đương thì phải nói yêu đương lớn : yêu giải thoát.
 
. Phật khuyến khích mình có tình yêu lớn, tình thương thấu triệt, phổ biến khắp hư không, tận pháp giới, đạt tới chỗ xuyên thủng tự ngã, hòa nhập với đạo tự nhiên, đồng thể với đại ngã, đạt tới tình thương vô ngã. Không nên (có thứ tình yêu ướt át) như thứ bùn, dính bầy nhầy.
 
. Tất cả phụ nữ có tôn giáo tín ngưỡng phải hun đúc thân tâm cho thật từ bi nhu hòa như ánh trăng. Hãy có tâm rộng rãi , thắp sáng đèn trí tuệ khiến những ai tiếp xúc với mình, hoặc là người trong gia đình, thậm chí trong xã hội, ai ai cũng cảm thấy như được tắm gội trong ánh sáng tươi mát của ánh nguyệt quang. Như vậy mới đạt tới chỗ ; tôi thương mọi người và mọi người đều thương tôi. Khi ấy mới đạt tới tình thương chân thật và bước vào cảnh giới thăng hoa nhân cách. 
 
 

 

 
6. HẠT LÚA CHÍN TRÒN ĐẦY
 
KHIÊM NHƯỢNG, NHU NHẪN; TRANH VÀ HÒA
 
. Đức Phật thường nhắc nhở đệ tử rằng : tuy đã có trí tuệ viên dung, còn cần phải hàm súc tánh khiêm tốn. Hệt như hạt lúa vậy, lúa nặng hạt càng trĩu thấp hơn.
 
. Cuộc sống tràn đầy trí tuệ chân thật nhất định được biểu thị bằng thái độ thành khẩn, khiêm cung. Có trí tuệ thì mới phân biệt được thiện ác, chánh tà. Có khiêm cung thì mới xây dựng được cuộc đời mỹ mãn.
 
. Mục đích chủ yếu (tối hậu) của tu hành vô ngã. Bởi vì khi biết thu nhỏ mình, mở rộng con tim bao dung hết thảy. Tôn trọng người khác thì họ cũng sẽ tôn trọng lại mình, chấp nhận mình.
 
. Chỉ có kẻ biết tự trọng thì mới mạnh dạn thu nhỏ tự ngã.
 
. Hãy thu nhỏ bản ngã : làm sao khiến trong mắt, trong tai người khác mình thật nhỏ bé. Không những chẳng hại ai mà mình còn ở sâu trong lòng mọi người.
 
. Một hạt cát nhỏ : bạn cũng vướng chân. Một hòn sỏi con : bạn cũng bận tâm. Thế thì đối diện với công việc, bạn làm sao gánh vác nổi ?
 
. Những ai chẳng thể cúi đầu xuống (khiêm tốn) là vì họ cứ ngắm mãi thành công (của họ) trong quá khứ.
 
Xem nhẹ chính mình : Đó là trí bát nhã. Xem trọng chính mình quá (nặng tánh tự ái) : đó là chấp trước.
 
. Chúng sinh có phiền não là vì có chấp trước. Khi bạn lấy tính ích kỷ của cái ngã làm trung tâm, xem mình là lớn lắm thì bạn sẽ khiến mình đau khổ và làm ảnh hưởng những người chung quanh cùng tranh chấp đau khổ theo bạn. Quên mình, bỏ ngã thì trong quá trình tu tâm dưỡng tánh, bạn mới xây dựng được nhân sinh quan lành mạnh, hạnh phúc.
 
. Tình thương là một sức mạnh ở trên đời. Nhưng nếu chỉ có tình thương không thì chưa đủ. Bạn phải có thêm lòng nhẫn : Nhẫn nhục, nhường nhịn, nhẫn nại. Năng nhẫn tắc năng an.
 
Muốn được người ta hoan nghênh, thương mến, trước tiên bạn phải chăm sóc chính mình : dáng điệu, lời lẽ, hành động, cử chỉ. Những thứ ấy đều do bạn tu dưỡng tánh nhẫn nhục trong sinh hoạt hàng ngày mà có được.
 
. Bổn phận của người tu là nhẫn nại và phục vụ. Bởi vì tu dưỡng vốn là hành vi của mỗi người.
 
. Có tiền cũng khổ, không tiền cũng khổ. Bận rộn cũng khổ. Nhàn nhã cũng khổ. Ở đời ai cũng khổ ! Nói khổ là bởi người ta không biết kham nhẫn. Càng không biết nhẫn chịu, người ta càng thêm khổ đau.
 
. Thế giới Ta bà còn được dịch là thế giới Kham nhẫn. Ý của nó là phải kham cho được nhẫn nại thì mới có thể sống trên đời một cách tự tại được.
 
. Nhẫn nại chưa phải là cảnh giới tối cao đâu. Nếu bạn đạt tới cái nhẫn thấu suốt thì bạn sẽ cảm thấy mọi nghịch cảnh đều là việc rất tự nhiên, rất bình thường.
 
. Làm việc gì bạn cũng phải giữ vững nguyên tắc Chính đáng và Thành khẩn. Đối xử với người thì phải giữ thái độ Khoan dung và Nhu hòa. Phải lấy hình thái siêu nhiên và tấm lòng độ lượng của người có niềm tin tôn giáo để dung nhiếp tất cả mọi người.
 
. Bậc thánh chân chính vừa cương vừa nhu. Cương nghĩa là trong sự mềm mại có sự cứng rắn có sự mềm mỏng. Tánh nhu hòa có thể điều phục dạy dỗ chúng sinh. Tánh cứng rắn sẽ làm kiên cố ý chí của mình.
 
. Nếu ai cũng biết lấy tình thương và sự nhẫn nhịn để đối đãi trong gia đình và với hết thảy mọi người thì thế gian sẽ mãi ngập tràn ánh sáng chói chang của tình thương triệt để.
 
. Tranh : chỉ nên cạnh tranh làm lành, cạnh tranh với thời gian. Một khi đối tượng của tranh được chuyển từ bản thân đến người khác thì tranh là một chữ không lành và là việc rất đau khổ.
 
. Sự cạnh tranh vốn hàm tàng nuôi dưỡng hạt giống tổn hại. Chỉ cần có cạnh tranh là có phân biệt trước sau, trên dưới, ý niệm được mất, chiếm hữu và xả bỏ. Thế sự do vậy chẳng sao an ổn.
 
. Kẻ không tranh mới nhìn thấu sự thật mọi việc. Hễ tranh là loạn. Hễ loạn thì vi phạm (luật lệ). Vi phạm thì thất bại. Nên biết : cả thiên hạ chẳng một ai thật sự là thắng cả.
 
. Con người vì quá chấp trước mà sinh tâm phân biệt. Đây là mình, kia là người : phân vạch rõ ràng. Dẫn đến vì cái mình yêu nên cắm đầu tranh dành, cầu mong, đố kỵ. Tâm đã hẹp rồi thì thế nào cũng là chướng ngại cả.
 
. Người ta thường nói phải tranh đấu trong từng hơi thở. Thật ra kẻ có công phu thật sự là biết nhịn cả hơi thở.
 
. Hãy nuôi dưỡng hun đúc khí chất (cốt khí, nhân cách) cho tốt. Đừng thèm tranh thể diện (đừng sợ bị mất mặt). Cái gì do tranh mà có đều là giả. Thứ gì do hun đúc mới là thiệt.
 
.Người ta phần lớn ai cũng có lòng tham danh lợi, tranh với người, dành với việc. Nếu không tranh với người thì cả hai đều an. Nếu không dành trong việc thì việc thuận lợi. Với người không tranh với việc không dành thì thế giới sẽ bình an.
 
. Biết dùng chữ hòa thì việc gì cũng lợi lạc, không chuyện gì chẳng thành công.
 
. Biết hòa thì chẳng sinh thị phi. Sự nghiệp tu hành xuất thế gian sẽ vĩnh viễn bất hủ cũng là do bắt nguồn từ chữ hòa này.
 
 
 
7. CỎ VÔ MINH VÀ DUYÊN GIÚP ÍCH
 
QUAN ĐIỂM VỀ NGHỊCH CẢNH VÀ THỊ PHI
 
. Khi nghịch cảnh và chuyện thị phi tới, bạn hãy giữ trong tâm chữ Khoan dung.
 
. Ở đời chẳng có chuyện gì dễ dàng. Không có nghịch cảnh, thì mình không xứng đáng làm ngọn hải đăng cho cõi đời.
 
. Trong Phật giáo, nghịch cảnh được gọi là duyên giúp ích (tăng thượng duyên). Do đó khi bạn gặp nghịch cảnh, bạn nên sinh lòng cảm kích. (Duyên lành ngẫu nhiên) có thể gặp mà chẳng thể cầu.
 
. Việc gian nan, rắc rối đều là thử thách. Cũng giống như thanh kiếm phải nhờ mài nơi đá thì mới sắc bén được. Viên ngọc thô phải gọt dũa mới phát huy được nét đẹp sáng chói của nó.
 
Tu hành phải vượt qua thử thách. Phải rèn luyện tâm động thành ra tâm tĩnh. Khiến mình dù ở trong cảnh động mà tâm không động.
 
. Tu hành thì từng giờ, từng phút, từng giây, mãi hoài chẳng nghỉ. Làm việc cũng phải trải qua vô số lần thử thách.
 
. Người ta thường kẹt ở trong cái nhìn ở chính mình. Tri âm tức là chân lý. Không phải tri âm thì biến thành thị phi.
 
. Cái mà người ta khó thấy nhất là bản ngã, là chính mình. Thường ngày ai cũng mở to mắt nhìn bên ngoài ; nói người này thế nọ, bàn chuyện đời như thế kia, mà chẳng biết rằng mình cũng nằm trong phạm vi đó. Nếu tách riêng cái tôi này ra, đem bản ngã làm đối tượng để quan sát thì mới thấy rằng sự lý mọi chuyện.
 
Hãy tha thứ cho kẻ vô ý làm tổn hại người khác. Cũng chớ nên dễ dàng bị người talàm tổn thương.
 
. Hễ đã nghi ngờ ai, bạn chẳng thể yêu mến người ấy. Hễ nghi ngờ ai, bạn cũng khó tha thứ họ. Hễ nghi ngờ ai, bạn cũng chẳng tin tưởng họ.
 
. Thêm một phần hoài nghi người nào thì mình sẽ bớt đi một phần tự tin. Khi phủ nhận mọi thứ trên đời, bạn sẽ mất hết lòng tin nơi mình.
 
. Hãy xem những chuyện thị phi là bài học giáo dục. Xem khen ngợi là lời cảnh giác (đừng kiêu ngạo, hãy tự kiểm đức hạnh). Xem việc hiềm ghét ruồng bỏ là cơ hội phản tỉnh. Lấy lỗi lầm làm kinh nghiệm (đặng cải thiện). Bất kỳ sự phê bình nào cũng là bài học quí giá.
 
. Khi người ta mắng chửi mình, chẳng tha thứ mình, hủy báng mình, mình nên sinh lòng cảm kích họ. Hãy cám ơn họ vì họ đã tạo ra cảnh giới để mình tu hành.
 
. Khi tâm thuần chính thì không sợ ai hủy báng cả. Chỉ cần bạn làm việc cho chính chắn (đúng đắn, đàng hoàng), cho chân thành thì mặc ai muốn hủy báng, họ chỉ làm nhân cách của bạn thêm thăng hoa (trở nên cao thượng hơn) mà thôi.
 
. Việc sai lầm tới ; biến nó thành đúng đắn. Chuyện xấu ác đến : biến nó thành tốt lành. Bất luận chuyện thị phi gì bạn cũng hãy khéo léo hiểu thấu thì không còn gì là thị phi nữa. Nghe chuyện thị phi gì, bạn cũng xem nó như là duyên giúp ích việc tu hành. Nhất định chớ để cỏ vô minh mọc đầy tràn trong tâm bạn.
 
. Nếu ai cũng diệt trừ được ngã mạn, ngã chấp và vo minh thì giữa người với người sẽ chẳng bao giờ sanh chuyện thị phi cả.
 
. Nên lấy việc thị phi làm bài học giáo dục. Không nên đem chuyện người ra làm đề tài thị phi.
 
 
 
8 PHIỀN NÃO VÀ BỒ ĐỀ
 
TỪ THAM DỤC MÀ NÓI
 
. Tất cả mọi chuyện nhân ngã, thị phi, trong ngoài, lý sự… chẳng thể hòa giải được cũng bởi do bắt nguồn từ tham sân si mà ra. Có ba thứ này nên mới có tranh chấp cãi vã… vĩnh viễn chẳng ngừng.
 
. Lòng tham không đáy, dục vọng không bờ. Hễ có mong cầu thì sẽ có tâm muốn được. Có cầu có đắc thì sẽ có đau khổ khi bị mất mát.
 
. Biển cả có thể lấp bằng, nhưng phía dưới mũi-cái miệng nhỏ bé thì vĩnh viễn chẳng bao giờ có thể lấp đầy được.
 
. Nhiều mong cầu thì nhiều biến đổi. Nhiều biến đổi thì nhiều chuyện sinh . Nhiều chuyện sinh thì cũng nhiều chuyện diệt. Sinh diệt, diệt sinh : năm tháng trôi mãi.
 
. Ai cũng sống như nhau ; nhưng người nhiều dục vọng thì tốn thật nhiều sức lực mới có thể thỏa mãn tham vọng đời họ. Còn kẻ ít dục vọng thì sống ít đòi hỏi, ít phiền não, lại còn yên ổn suốt cuộc đời.
 
. Rũ bỏ lòng tham thì chuyện sẽ đơn giản. Tâm linh của bạn đạt tới chỗ yên tịnh và giải thoát.
 
. Đạo tâm cũng là lý tánh. Nếu dục vọng tiếp tục bành trướng mãi thì lý tánh sẽ bị chôn vùi. Nếu phát triển lý tánh thì bạn sẽ khống chế chặn đứng được dục vọng.
 
. Cái gọi là phiền não vốn không lấy cuộc sống vật chất làm tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn của nó là trạng thái phân biệt của tâm. Nếu không biết trí tuệ thì vĩnh viễn ngụp lặn trong phiền não.
 
. Khổ não của đời người thì chẳng kể gì giàu nghèo, bần tiện, cao quí.
 
. Chúng sanh vốn đã có thể cùng nhau chung sống tự tại, tràn đầy tình cảm vui vẻ hòa thuận và bình an,nhưng chỉ khác ở chỗ"vị đắc đa cầu". Bởi vì "tâm vô yểm túc". Vì quá mong cầu nên khó tránh khỏi tâm sanh phiền não, tăng trưởng ác nghiệp.
 
.Ai ai cũng muốn có. Thế nào là có ? Có tức phiền não.
 
. Bệnh tật đau đớn, đừng xem nó quá nghiêm trọng.Lòng có phiền não thì không sao giải thoát được. "Thống" có hai chữ. Một là "thống khổ" (đau đớn) và một là "thống khoái" (thích thú). Khi đối mặt với đau đớn thì mình phải phấn chấn lên. Nghĩa là xem sự đau đớn như là tai họa. Khi đau đớn mất thì tai họa cũng tiêu trừ. Tức là thay đổi được nỗi đau đớn của bệnh tật thành niềm vui sau khi thoát khỏi tai nạn.
 
. Hãy làm mất đi tâm phiền não trong quá khứ và hãy làm sống dậy cảnh giới giải thoát trong hiện tại.
 
. Mình phải học cho có tâm bình thường. Hễ ai có tâm bình thường thì bất luận gặp hoàn cảnh gian nan, thử thách gì họ cũng đều an nhiên tự tại. Họ thấu suốt chuyện đời vốn là như vậy, do đó không sợ hãi, bàng hoàng,âu lo hoặc khổ não.
 
. Muốn giữ cho lòng lúc nào cũng an vui thì bạn tuyệt đối chớ (nói) thị phi về chuyện người khác. Có những kẻ lòng luôn bực bội phiền não là vì khi họ nghe người khác nói một lời vô ý (chạm tự ái) thì họ lại (cho là cố ý nói về mình, nên họ ) để nó trong lòng.
 
. Mở rộng cõi lòng thì phiền não tự nhiên tan biến. Vì sao người ta có phiền não ? Bởi vì lòng quá nhỏ hẹp, chẳng sao dung nạp được người mình không thích, hoặc kẻ tài giỏi hơn mình.
 
. Mỡ rộng cõi lòng thì phiền não tự nhiên tan biến. Vì sao người ta có phiền não ? Bởi vì lòng quá nhỏ hẹp, chẳng sao dung nạp được người mình không thích, hoặc kẻ tài giỏi hơn mình.
 
. Giận giữ bực bội ở trong lòng hay ngoài mặt, đều là phiền não. Tức tối trong lòng là tự mình sinh phiền não. Giận dữ ra mặt là phiền hà rối loạn kẻ khác.
 
. Bệnh hãy xem bệnh khổ, gian nan, phiền não như một thứ (cơ hội) để mình sạc điện, một cách giáo dục tốt nhất cho đời mình. Mỗi ngày trôi qua cũng như người đọc sách lật qua một trang mới. Mà mỗi người, mỗi việc, mỗi phiền não mình gặp trong ngày là những câu danh ngôn, những lời cảnh cáo trên trang giấy ấy.
 
. Dùng phiền não để chuyển hóa chúng thành trí huệ thì phiền não đó mới có ý nghĩa.
 
. Có một công án trong nhà thiền nói rằng phàm làm chuyện gì nếu ta cứ lo lắng, sợ hãi thì đó là biểu hiện của sự ngu chấp. Có một thiền sư nọ khi đang ngồi thiền thì trước mắt hiện ra một cảnh giới. Ngài nhìn thấy một kẻ không đầu hiện ra. Ngài liền nói :Không đầu thì bạn chẳng có đau đầu! Nói xong thì cảnh giới tiêu tan liền. Một lúc sau thì lại hiện ra một kẻ chỉ có đầu và tứ chi nhưng không có thân mình. Thiền sư nói : Không ruột không tim thì bạn chẳng đói chẳng lo! Lập tức cảnh giới ấy biến mất. Chặp sau lại hiện ra một kẻ không chân. Thiền sư lại nói : Không chân thì bạn chẳng chạy lăng xăng ! Nói dứt, cảnh cũng bién mất. Thiền sư như vậy mới ngộ rằng : trần cảnh đều không có thật tánh.
 
. Phiền não tức bồ đề (giác ngộ).
 
 
 
9.NGỘ RẰNG TRỜI ĐẤT BAO LA
 
HIỂU BIẾT HẠNH PHÚC VÀ TÀI PHÚ
 
. Hạnh phúc trong đời không có gì làm tiêu chuẩn. Ai được người quan tâm, được người yêu mến, lại biết quan tâm, được người yêu mến, lại biết quan tâm kẻ khác, yêu mến kẻ khác : y là kẻ hạnh phúc trong những người hạnh phúc.
 
. Trong thế gian này còn có nhiều kẻ bi thảm hơn mình nữa. Có thể phục vụ người luôn hạnh phúc hơn là được người phục vụ.
 
. Tha thứ cho người một lần là làm phước một lần. Tâm càng mở rộng thì phước báo càng lớn.
 
Tội và phước trong đời là do mình tự tạo ra. Đáng sợ nhất là người và đáng yêu nhất cũng là người.
 
. Có lòng thì có phước. Có nguyện thì có sức mạnh.
 
Tự phước điền, tự hưởng phước duyên.
 
. Chịu khổ hiểu thấu được khổ. Khổ tận cam lai (hết khổ sẽ vui). Hưởng phước hiểu thấu được phước. Phước tận bi lai (hết phước sẽ khổ).
 
. Cầu phước cầu thọ không bằng cầu bình an. Bình an tức là thêm phước tăng thọ rồi vậy.
 
. Thường nghe hai chữ "xả đắc". Bố thí thì có phước hơn là thọ nhận. Sự sung sướng chân chính là cõi lòng thanh tịnh, yên ổn và an vui sau khi mình thí xả.
 
. Người hết sức bình thường mới là người hết sức giàu có.
 
. Vật chất trên đời này chỉ là thứ trào lưu (như nước thủy triều, tới rồi đi không ngừng). Vào thời hòa bình thì vàng bạc châu báu là của quý. Giá trị của vật chất thật hoàn toàn do lòng người chuyển theo (quan niệm về) trào lưu và lòng tôn sùng hư vinh mà ra.
 
. Tiền tài là vật ngoài thân. Nếu đã là vật ngoài thân, hẳn nhiên có lúc tụ lúc tán. Do vậy, khi có tiền, bạn chớ đắc ý. Khi không tiền, cũng chớ bi ai.
 
. Suy nghĩ thấu triệt một chút về đời người : chẳng có chuyện gì vật gì vĩnh viễn là bạn của mình. Dù cho người mình có thương yêu cách mấy, dù cho tiền tài mình có nhiều bao nhiêu, rốt cuộc có lúc chúng sẽ rời mình. Thế thì còn gì nữa mà chưa chịu buông xả ?
 
. Chẳng phải có tiền là sung sướng đâu ! Nếu tự hỏi lòng, chẳng gì hổ thẹn thì an ổn nhất. Có thể phục vụ, đem sức giúp người, cứu người thì mới thật là niềm vui cao tột nhất.
 
. Phàm phu truy cầu tài vật, thánh nhân tầm cầu chân lý.
 
. Mọi thứ vật hình tướng đẹp đẽ trên đời bất quá chỉ làm thỏa mãn lòng phàm phu tìm cầu hư vinh nhất thời mà thôi.
 
. Nếu không bị sự nghèo hèn làm họ cảm thấy bị thất bại, đày đọa và kẻ không bị sự giàu sang khiến cho trở nên kiêu ngạo xa xỉ, bủn xỉn. Cả hai loại người ấy mới là kẻ thành công.
 
. Từ trong vòng dục vọng, tham muốn vật chất vùng vẫy thoát ra : nếu ít dục, hết tham thì tự nhiên bạn sẽ thấy trời rộng đất bằng, sung sướng vô hạn.
 
10.NHẸ CHỪNG NÀO, NẶNG CHỪNG ẤY
 
NÓI VỀ ÂM THANH, SẮC TƯỚNG
 
. Người ta tiếp xúc nhau ai cũng dùng âm thanh sắc tướng làm phương tiện. Lời nói là thanh thái độ là sắc. Bởi thế, khi nói chuyện với người : lời nói nên nhẹ nhàng tinh tế. Khi đối đãi người : thái độ cần khoan nhu, tươi cười.
 
. Một lời nói không thích hợp chỉ làm người nghe sinh lòng bực bội bài kích. Vì vậy bạn nên nói cho hợp thời, đúng chỗ. Nói dư một lời hay thiếu một lời đều dở cả.
 
. Khi nói năng, bạn phải cẩn thận, uyển chuyển. Đối với người tri âm, bạn chẳng cần dài dòng tâm sự, y cũng thấu hiểu bạn rồi. Đối với kẻ chẳng phải tri âm thì dù bạn kể lể tỉ mỉ tới đâu cũng vô ích.
 
. Khi dạy dỗ kẻ khác, bạn phải chia ra trong và ngoài. Bên trong bạn phải nhu hòa mềm dịu. Bên ngoài bạn phải chân chính ngay thẳng.
 
. Khi nổi nóng, miệng buông lời xấu thì dù tâm địa có tốt gì đi nữa bạn không được xem là người tốt được.
 
. Nghe thì nghe cho đúng (chính xác). Nói thì nói cho thật (đúng với thực tế). Chớ nên chỉ tuyển chọn nghe câu này, nghe câu kia rồi ráp chúng lại thành lời sắc nhọn đâm xóc tim người. Lời nói ác ôn như thế tổn thương người nghe, chẳng gì có thể cứu vãn nổi.
 
. Không nên dùng cái miệng biết nói năng này nói chuyện thị phi, tạo khẩu nghiệp. Cũng chớ nên dùng tấm thân biết hoạt động này ăn uống chơi bời đắm luyến vật dục.
 
. Khi nghe lời nói tốt lành mình nên như miếng xốp (foam : một vật liệu có khả năng thấm nước) : gặp nước thì lập tức hút vào. Khi nghe chuyện thị phi ở đời, mình nên như đá xi măng ; nước chảy qua rồi nó liền khô.
 
. Đối diện (chịu đựng, nhẫn nhịn) lời nói thô ác, độc hại : đó cũng là một pháp môn tu hành.
 
. Không nên chanh chấp bởi vì chuyện thị phi, nhân ngã bỉ thử ; Lời nói đem ra cân thì nhẹ hều; nhưng nếu thiếu chút cẩn thận thì (lời nói) có thể đè nặnh trình trịch lên tâm người ta. Bạn cũng nên tự phản tỉnh ( tìm đáp án nơi chính mình, đừng trách kẻ khác đừng đổ thừa), tự huấn luyện, đừng để mình bị lời nói của kẻ khác làm tổn thương (chạm tự ái).
 
. Trong sinh hoạt hằng ngày, mình nên thường tự cảnh giác, thường tự phản tỉnh. Phải nhớ : rộng lượng đối với người, tế nhị trong lời nói. Làm vậy thì bạn có thể hóa giải tâm trạng hàm độc (oán ghét, tức hận, thù hằng trong lòng), viên dung tất cả chúng sinh.
 
. Khi nội tâm an bình, yên lặng và vui vẻ, đầu óc thảnh thơi thì bạn khảo sát tư duy mọi sự hết sức rõ ràng. Nói ra lời gì cũng sẽ hữu lý hữu tình.
 
. Dùng tâm nhãn (con mắt trong lòng) thanh tịnh để nhìn người thì bạn sẽ chẳng có va chạm xích mích với ai cả. Âm thanh thì vô hình, vô lượng; hình sắc chỉ là tưởng giả : đừng để chúng lấn át tâm nhãn của bạn.
 
. Dùng lỗ tai thanh tịnh để tiếp nhận lời nói thanh tịnh. Dùng tánh nghe viên thông để hấp thụ thiện âm khắp trần gian.
 
. Một lời nói là trọng thì mới đáng tín nhiệm, tin cậy sâu dày. Tin cậy có sâu dày thì mới có công dụng lớn.
 
. Cái đẹp của chân tánh không gì bằng lòngthành. Lòng thành là nguồn cội của ,mọi thiện pháp. Cái quí của nhân tánh không gì hơn chữ tín. Chữ tín là căn bản lập thế, xây dựng sự nghiệp của đời người.
 
. Thành mà bất nhất thì tâm không vững được. Tín mà bất nhất thì lời nói không thể dùng được. Cổ nhân có nói : Thà thiếu ăn thiếu mặc chứ không bao giờ để mất sự thành tín.
 
 
 
11. BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ ĐẠO ĐỨC LÒNG NGƯỜI
 
TĨNH TƯ VỀ SỰ SÁM HỐI
 
. Con người do tự giác mà trưởng thành, do tự mãn mà đọa lạc. Biết tự phê bình, tự thừa nhận lầm lỗi là bài học đầu tiên của lòng người đạo đức. Nó cũng là nấc thing để thăng hoa nhân cách.
 
. Chỉ được một phút sau khi tự tha thứ cho mình là người ta bắt đầu giải đãi. Bởi thế bạn phải luôn luôn nhắc nhở cảnh tỉnh mình.
 
. Tha thứ cho người là mỹ đức. Tha thứ cho mình là tổn đức.
 
.Dũng cảm đảm nhận (trách nhiệm, lỗi lầm) là sức mạnh làm động tâm người. Dũng cảm thừa nhận lỗi lầm la một phẩm chất cao thượng.
 
. Gặp việc đừng vì sai lầm trước đây rồi không dám đụng tới nó nữa, mà phải biết sửa chữa sai lầm rồi phấn chấn đối mặt với nó.
 
. Lỗi lầm lớn dễ phản tỉnh. Tật xấu nhỏ mới khó dứt trừ.
 
. Sám hối là bài cáo bạch của tâm linh. Sám hối cũng là quét sạch ô nhiễm nơi tinh thần.
 
. Con người làm thế nào để trang nghiêm cuộc sống và tự nâng cao đời sống tinh thần. Duy nhất chỉ là biết " tàm quý". Tàm quý nghĩa là biết ăn năng nhận lỗi trước và chữa lỗi sau. Người như vậy mới có thể cứu vớt được. Tàm quý cũng chỉ là tâm biết ăn năn chừa bỏ.
 
. Sám nghĩa là phát lồ tội cũ và tu tập điều tốt. Ai ai cũng có lương tri. Dũng cảm đối diện thực tại, phản tỉnh, sám hối; thì có thể tự nhận sai lầm ngay từ đầu. Tinh tấn mà thành khẩn bộc bạch rồi phát nguyện sửa chữa lại, hết lòng thực hành chánh đạo. Như thế thì mới có thể minh tâm kiến tánh, viên mãn thanh tịnh.
 
. Chúng sinh phàm phu, ai mà chẳng có lỗi ? Chúng ta, từ lúc chập chững vô tri cho tới lúc hiểu biết thế sự, bất luận là lỗi lầm cố ý hay vô ý, mình phải đều sám hối. Sám hối thì mới thanh tịnh. Thanh tịnh thì mới trừ sạch phiền não.
 
. Khởi tâm, suy nghĩ : đều là nghiệp. Mở miệng ,cất lời, giơ tay, nhấc bước : đều là tội. Do vậy kẻ học Phật pháp cẩn thận, đề phòng sai lầm tội lỗi. Chớ nên che dấu tội ác. Lúc nào cũng phải phát lồ sám hối, sửa lỗi, đổi mới thì mới được tự tại an nhiên.
 
. Nên thường tĩnh tư, phản tỉnh để mở rộng biển cả tâm linh, khơi phát suối nguồn trí tuệ. Có vậy bạn sẽ thông đạt mọi chuyện thế gian và xuất thế gian, thấu triệt mọi sự.
 
. Khi một người chẳng thể dạy dỗ chính mình thì kẻ khác cũng sẽ chẳng có cách gì dạy dỗ y. Sự trưởng thành của y tới đó là ngưng trệ.
 
 
 
12. SỨC MẠNH CỦA MỘT HẠT GIỐNG
 
THÀNH CÔNG NGUYỆN LỰC VÀ SỰ TRÌ CHÍ
 
. Sống ở đời thì hệt như đi trên sợi dây căng giữa trời. Bạn phải chuyên tâm, một lòng hướng về phía trước mà bước. Không nên cứ quay đầu, ảo não chuyện đâu đâu. Đường đời tuy không dài nhưng chẳng dễ bước. Bởi vậy, phải cận thận từng bước chớ để lầm đường lạc lối.
 
. Khi tuổi trẻ sức cường đừng nên hăng quá. Hăng quá sẽ không tránh khỏi sức cùng kiệt lực. Thế rồi chùn bước lao đao trong khi mục tiêu vẫn còn xa lắc.
 
. Thành công phải dựa vào sức mạnh của lòng kiên trì, chí nhẫn nại và kết quả của sự phấn đấu, tích chứa lâu dài, mà không phải nhờ vào một tí khí tiết và sự bộc phát nhất thời.
 
. Kẻ khéo dùng sức lực thì chẳng gấp chẳng chậm. Kẻ khéo dùng lý tưởng thì chẳng hung mãnh, cũng chẳng yếu hèn. Nhất trí tiến về trước, kiên định không thay đổi lòng dạ, thì kết cuộc bạn ắt đạt tới mục tiêu.
 
. Nói về kẻ có tài hoa đầy mình : một mặt, khi làm gì y rất dễ dàng đạt tới mục đích, rất chóng thành đạt vật dụng ở trần thế. Mặt khác, bởi vì lòng truy cầu vô bờ bến, nên y vĩnh viễn khó tìm được sự thỏa mãn nội tại. Tài hoa bấy giờ biến thành gốc rễ của khổ đau.
 
. Mạng không phải là định mệnh. Là cái không thể lý giải được. Nhưng điều chắc chắn là mỗi người do tâm nguyện của mình mà quyết định nên số mạng của họ.
 
. Việc gì cũng bắt nguồn từ hạt giống ban đầu và sự quyết tâm.
 
. Nghèo nhưng là người không nghèo nhân chí. Giàu phải là người càng giàu nhân chí.
 
. Làm người : hãy có chí hướng, tâm nguyện và niềm vui (thú vị nơi việc mình làm). Sống trên đời mà chẳng có chí hướng thì cũng giống như kẻ lấy bút vẽ hình, chẳng biết vẽ gì : bên này một quẹt, bên kia một nét, rốt cuộc chẳng thành ra hình dạng gì cả.
 
. Không nên xem thường chính mình : bởi vì mỗi người đều có khả năng vô hạn.
 
. Không nên xem thường sức lực của mình. Trên đời chẳng có chuyện gì gọi là chẳng thể làm được, mà cũng chẳng có ai là kẻ không có năng lực. Nếu có thì cũng chỉ là kẻ chẳng chịu làm mà thôi. Khi giọt nước của bạn nhỏ vào lu thì cả lu nước đều là của bạn. Bởi vì giọt nước ấy đã hòa vào với nước trong lu. Không còn có thể phân biệt được đâu là giọt nước của bạn và đâu chẳng phải là giọt nước của bạn.
 
. Bánh vẽ không làm no bụng. Bọt nổi trên nước thì không sao kết thànhvòng đeo.
 
. Đường nào mà chẳng do người đi mà có. Đường xa ngàn dặm ắt phải có bước khởi đầu. Cảnh giới của thánh nhân cũng phải bắt đầu từ phàm phu.
 
. Muốn nhấc thì nhấc tất cả. Đã buông thì buông hết thảy.
 
. Nhân cách của Bồ Tát là do chúng ta tự hoàn thành.
 
.Tâm Phật chẳng có xa gần. Nguyện vọng của chúng sinh cũng chẳng có lớn bé. Chỉ cần tâm thành, ý chánh thì ta có thể thành đạt nguyện lớn.
 
. Phải là người bạn tốt của Đức Phật Đà học làm người đại nông phu. Vì ruộng phước của mọi chúng sanh mà canh tác, biến mảnh đất tâm hoang vu ấy thành ruộng phước lớn.
 
. Sự nghiệp tế độ lợi ích chúng sinh cần dựa vào ba sức mạnh : một là tự lực, hai là Phật lực, ba là chúng duyên bình đẳng lực.
 
Tự Lực : tức là nhân duyên phước huệ của mình. Muốn có phước thì phải gieo nhân, làm chuyện phước đức. Hạt giống này mình phải tự gieo.
 
Phật Lực :sau khi có tự lực, mình cần sự gia trì của Phật lực. Ngưỡng xin chư Phật dùng ánh từ quang chiếu diệu, nguyện sao cho tâm mình và tâm Phật dung hợp làm một.
 
Chúng duyên bình đẳng lực : Phật với chúng sinh bình đẳng. Do đó mình phải cung kính cúng dường tất cả chúng sinh với tâm bình đẳng giống hệt như cung kính cúng dường chư Phật vậy.
 
.Nhiệt tâm thì dễ phát khởi. Hằng tâm (tâm kiên trì không đổi) mới khó giữ gìn. Nói suông không làm thì sao thể ngộ được chân lý thực tiễn đạo pháp. Chỉ có giữ được sơ phát tâm (Bồ đề tâm) mới có thể chứng ngộ thành Phật.
 
.Kiên trì tâm chí, thức dậy thật sớm để tu hành là một cách huấn luyện công phu tinh tấn không lười biếng.
 
 
 
13. TRANG GIẤY TRẮNG CỦA ĐỜI MÌNH
 
LÀM SAO VIẾT CHỮ NGƯỜI
 
. Chỉ do một thứ đất sinh ra, chỉ được một thứ mưa thấm nhuận, song thảo mộc cây cối có vô số sai thù khác biệt.
 
. Có tướng chúng sinh nghĩa là có quan niệm, cái nhìn về chúng sinh.
 
. Mỗi ngày là một trang giấy trắng của đời mình. Mỗi người mỗi việc đều là những áng văn sống động trên trang giấy ấy.
 
. Giữa trời đất vũ trụ, không một thứ gì chẳng là đối tượng để ta học hỏi; cũng không có thứ gì chẳng là Phật pháp. Cũng không thứ gì chẳng phải là chuyện khiến ta tu tâm. Chỉ cần ta chịu dụng tâm suy nghĩ, dụng tâm tu hành, dụng tâm làm việc thì chuyện gì cũng thành.
 
. Một khi đã sinh ra đời, mình chẳng thể tách rời hoàn cảnh xung quanh được. Tu hành chẳng thể tách rời nhân quần, trốn đời. Giải thoát chân chính chỉ tìm được trong vòng nhân duyên chằng chịt. Cũng từ trong phiền não ta mới đắc được giải thoát.
 
. Cảm thụ được cái hay của người tức là trang nghiêm chính mình.
 
. Ai ai cũng có bản tánh thành Phật. Nếu khám phá ra bản hữu tự tánh, bạn sẽ có quan niệm bình đẳng về chúng sinh. Lúc ấy bạn hết phân biệt chấp trước : đây là của tôi kia là của anh.
 
. Muốn sống bình an, trước hết tâm phải bình an. Muốn lòng an ổn, trước hết phải thấu suốt chân lý (nhân quả). Hiểu lý, tâm an rồi, đâu đâu cũng sẽ bình an.
 
.Nhất lý thông thời vạn lý triệt. Hiểu rõ chân lý thời khắc biết mình sẽ đi về đâu và nên làm gì. Minh bạch rõ ràng rồi thì sẽ làm chủ được mình là ai rồi sinh ra bàng hoàng khổ não.
 
. Thân thể tàn tật chưa phải khổ. Tánh tình tàn tật mới thật sự khổ. Đa số tai ương hoạn nạn trên đời đều do người lành lặn tay chân nhưng tàn tật về tâm hồn làm ra cả.
 
.Đối với người, đạo lý là một con đường dài. Không rành địa lý sẽ đi trật đường. Do vậy, ngay trong đời này và ngay trong hiện tại phải nắm cho rõ địa lý học của tương lai.
 
. Muốn giáo hóa hết thảy chư hữu tình, trước hết mình cần tự đoan chính, đàng hoàng. Chúng sinh vốn can cường, ương ngạnh; tâm thái của họ trăm ngàn sai khác khó lường. Bạn chỉ có một cách cảm hóa họ là dùng lòng thành và thái độ công chính. Thành và chính có thể dạy dỗ điều phục vô lượng chúng sinh ngang ngược.
 
.Làm người, hãy cố làm tròn ba điều không ỷ lại sau đây :
 
1-Không ỷ lại quyền lực;
 
2-Không ỷ lại địa vị;
 
3-Không ỷ lại tiền bạc.
 
.Làm người phải có cảm giác thận trọng, không nên chỉ có cảm giác thành công. Người thận trọng tâm luôn an vui.
 
. Thời gian : phải tranh thủ từng giây. Con đường : phải chắc chắn thật dấn bước. Có thế thì đời này chẳng có gì hối tiếc cả.
 
. Đừng nên sinh oán ghét thế thái nhân tình đủ thứ bạc bẽo, cũng đừng ích kỷ truy cầu tự lợi, cũng chớ oán trách tại sao có người lòng tốt mà chẳng gặp quả báo tốt, rằng sao có đủ chuyện bất công… Khi gặp những việc ấy, nên biết chúng là cơ hội tốt để mình phát tâm ra tay làm tốt.
 
. Việc khó mà làm được, chuyện khó mà xả bỏ được, cảnh khó mà ở được đó là cách để bạn thăng hoa nhân cách của mình.
 
. Phật đặt ra giáo pháp trên đời là cốt dạy chúng sinh trở về bản tánh chân như, làm người chân chính. Do vậy mới nói : nhân cách trọn vẹn thì Phật cách mới viên mãn. Nhân cách chẳng ra gì sao thành Phật được.
 
. Thế gian đầy khổ. Làm người cũng khổ nhưng làm người là con đường duy nhất để thành Thánh, thành Phật.
 
.Quan hệ giữa người với người là bài văn khó viết nhất. Nếu chuyện gì mình cũng vô ngã vô chấp (không có ý niệm về mình, không chấp trước gì hết) thì mới dễ đi trọn (con đường Phật).
 
. Miệng nói lời tốt, ý nghĩ điều lành, thân làm việc thiện.
 
. Thiếu văn hóa, người ta giống như kẻ sống nơi sa mạc lửa bỏng. Có học thức, có văn hóa, mới có sự tươi mát của đồng xanh, cây cỏ.
 
. Đại hỉ nghĩa là lúc nào cũng khởi tâm hoan hỷ. Hoan hỷ nghĩa là không sinh lòng đố kỵ, ngạo mạn và sân hận.
 
. Không nên để niềm u uất giăng bủa trong lòng, phải mở rộng ánh sáng tâm thức và hưng chấn nhiệt huyết của cõi lòng thì đời sống mới có ý nghĩa. 
 
. Bao la ánh sáng mặt trời, vĩ đại thay ân đức cha mẹ, rộng rãi thay tâm lượng người quân tử, to lớn thay lòng ích kỷ của kẻ tiểu nhân. (Dịch từ chữ Tiểu nhân khí : Khí có nhiều nghĩa : là lòng nóng giận, tánh ích kỷ, tánh chật hẹp, nhỏ nhen).
 
. Cười là cách biểu đạt tình cảm; nhăn mặt nhíu mày cũng là cách biểu đạt tình cảm. Quát tháo cũng ra tiếng, nói năng cũng ra tiếng. Nhưng cười thì đẹp đẽ hơn nhăn mặt nhíu mày. Nói năng thì tự nhiên hơn quát tháo.
 
. Đổi góc độ nhìn đời thì thế giới rộng rãi bao la vô ngần. Đổi lập trường để đối nhân xử thế thì chẳng gì là không khinh an.
 
. Lúc bình thường chẳng sinh chuyện gì, bạn đối với người ta tốt, lắm khi đó chưa phải là công phu đâu. Khi ngăn nghịch cảnh, sinh sự rắc rối, mà bạn vẫn tốt với người, đó mới chính là công phu.
 
. Cho dù dạo chơi trong nhân thế, mình cũng cần đoan chính đàng hoàng; chớ bê bối buông lung. Hãy cẩn thận, đừng khoác lác.
 
. Nói về tự do, mỗi người ai cũng nên tuân theo quan niệm đạo đức. Xã hội cần có luật pháp. Thiếu luật lệ, xã hội thành ra man dã. Man dã thì ngang ngược hoành hành. Lúc ấy, ai mạnh dạn, dám to tiếng, đầy dục vọng, có uy quyền, thì kẻ ấy tha hồ phóng túng. Khi tâm chẳng còn gì kềm chế thì tự do lại trở thành thứ phóng túng thác loạn.
 
. Đạo đức là ánh sáng để nâng cao phẩm cách của chính mình, chứ không phải là ngọn roi dùng để quát tháo kẻ khác.
 
  
 
14. CÔNG SỞ LÀ ĐẠO TRÀNG
 
LÀM ĐỦ THỨ VIỆC, ĐỦ THỨ ĐẠO LÝ
 
. Làm đủ việc tức là vận động, công sở tức là đạo tràng.
 
. Có đủ ba thứ : đức tin, nghị lực và dũng khí thì công việc gì trong thiên hạ mà chẳng thành công.
 
. Tận nhân lực tri thiên mệnh không nên chất chứa khó khăn trong lòng. Làm người phải biết khắc phục khó khăn, đừng để khó khăn kiềm chế mình.
 
. Thành tựu lớn nhất trong đời là đứng lên từ trong thất bại.
 
. Làm người nên có lòng dũng mãnh xăn ống quần lội xuống nước (ám chỉ nhảy vào làm việc cực nhọc khó khăn). Đã xuống nước rồi thì chẳng lo gì toát mồ hôi hay mưa lớn.
 
. Hễ có việc thì phiền não. Làm việc gì, tâm chú ý việc đó. Khi chân bước đi trên đường lộ, thì tâm chú ý vào bước chân. Khi miệng thốt ra, tinh thần chú ý vào lời nói.
 
. Trong sinh hoạt hàng ngày, bất luận việc gì, bạn cũng cần chú ý đến sự an toàn. Đề phòng vạn nhất chuyện bất trắc. Không nên xem nhẹ rằng gió nhỏ, không nên khinh thường rằng lửa yếu : một đốm lửa nhỏ tý có thể đốt rụi cả thảo nguyên.
 
. Kẻ bị người ta sử dụng (điều động) là kẻ có năng lực. Kẻ điều động người khác là kẻ có tài trí.
 
. Đời người vô thường, đo đó khi xã hội cần đến mình, bạn hãy mau mau đáp ứng. Hôm nay có thể nhấc chân cất bước thì hãy mau mau tiến bước.
 
. Không nên sợ chở nặng, chỉ cần nắm vững tay lái thì xe gì chạy cũng được. Khi người ta lội qua thì mình cũng có thể lội qua được.
 
. Không nên tìm đường tắt, đường hẻm. Nếu bạn chọn ngõ hẻm đôi khi ngõ hẻm là ngõ bí, không thể thông suốt. Cuối cùng bạn phải trở lại ngõ chính lúc đầu, tốn công đi mất một vòng xa hơn.
 
. Làm người hay làm việc, mình phải giữ lòng tinh tấn. Tinh nghĩa là không tạp nhạp. Tấn nghĩa là không thối lui. Tinh thì chuyên tâm nhất niệm. Làm việc gì cũng cần chuyên tâm mới thành tựu. Không có hai niệm, tạp nhạp thì mới tiến bộ.
 
. Cuộc đời giống như leo núi : mình phải tìm một mục tiêu thật tốt. Hướng kiếp người ngắn ngủi về mục tiêu ấy. Không nên giải đãi, lười biếng. Bởi vì đứng trên sườn dốc, một khi lười biếng sẽ bị tuột xuống ngay. Cũng không nên đặt mục tiêu tại quá nhiều đỉnh núi. Vì núi này cao còn có núi khác cao hơn. Nếu cứ trèo xong núi này, lại tuột xuống leo núi khác thì kết quả tốn công mệt sức. Mình phải chọn đỉnh núi tốt nhất, thích ứng với mình nhất rồi dũng mãnh tiến tới. Ngày tháng nọ, cuối cùng mình sẽ thành tựu to lớn.
 
. Người đời nay, thế trí biện thông (thông minh, hiểu rộng); miệng nói hay ho, nhưng khi làm việc thì chuyện gì cũng tính toán hơn thiệt (ích kỷ). Đa số người ta chỉ hiểu lý thuyết, không biết sự việc. Tuy nhiều chữ nghĩa nhưng khi đụng phải người, gặp phải việc, họ không sao dung hợp được lý và sự. Đó chính là tâm phàm phu.
 
. Xã hội cải biến đâu phải do hò hét mà thành công. Do làm mới đạt kết quả.
 
. Trong những kẻ hò hét hô hào chính nghĩa có bao nhiêu kẻ thật sự hy sinh ?
 
. Thế nào là chân lý ? Khi lý và sự hợp nhất, sự và lý tương dung thì đó là chân lý.
 
. Sự (sự việc) không thể tách rời lý (nguyên tắc, quy tắc, đạo lý). Phải lấy lý làm trung tâm. Mọi việc đều phải quay quanh nguyên lý ấy. Phải lấy lý để chuyển sự, không dùng sự mà chuyển lý.
 
. Ở giữa lý và sự, trung gian cần có người. Khi lý viên mãn, sự viên mãn thì người viên mãn.
 
. Gạo trong thiên hạ : một người không sao ăn hết. Công việc trong thiên hạ : một người làm không xuể. Cũng vậy : một người chẳng thể lập được công cho cả thiên hạ.
 
. Làm việc gì cũng phải giữ vững nguyên lý. Không nên cứ ứng thù- ăn uống xã giao hoài (như là một phương cách gây cảm tình, hoặc mua chuộc cảm tình để dễ dàng đi tới hợp tác thỏa thuận). Cứ thuận theo người ta ứng thù, chẳng những bạn không giúp gì được người, mà mình còn bị kéo xuống đường xấu.
 
. Nếu không thể gây ảnh hưởng tới người khác, tốt nhất hãy làm chuyện bổn phận của mình.
 
. Ngay cả Phật còn tại thế cũng có ba việc Ngài làm không được :
 
1-Không thể chuyển được nghiệp chúng sanh đã gây tạo.
 
2.Không thể độ chúng sanh nào mình chẳng có duyên.
 
3.Không thể độ hết nghiệp của chúng sanh.
 
 
 
15. KHI GIỌT SÁP RƠI
 
NHÂN DUYÊN, CẢM ÂN VÀ TỬ SINH
 
. Chỉ cần duyên sâu, không sợ duyên tới trễ. Chỉ cần tìm ra đường, không sợ đường dài.
 
. Chuyện gì đối cơ thì tốt. (Đối cơ : thích ứng với căn cơ, với điều kiện tâm sinh lý).
 
. Nếu ta có hạt giống thuần tốt thì nhất định phải nắm lấy thời cơ, mau mau gieo xuống đất. Ngoài ra còn phải có đầy đủ ánh sáng, nước tưới, phân bón, không khí, thì cây mới lớn được.
 
. Phát nguyện trong lòng nhưng không thực hành thì như ruộng có hạt giống mà không cấy, không chăm. Thật là uổng phí nhân duyên.
 
. Dù có cơ hội và phước báu tốt tới đâu, nếu không biết nắm lấy nhân duyên thì nó cũng sẽ vuột mất.
 
. Đời người như sân khấu. Khi định nghiệp đến sẽ diễn xuất những vở mà không ai dự liệu trước được.
 
. Sống trên đời, nên biết mọi thứ vật chất là để mình hằng ngày làm phương tiện sử dụng (chớ không phải là của mình). Bởi thế mình nên sinh lòng cảm ân, trân quý và biết đủ. Nếu thế, sống ở đâu mình cũng yên lòng, sung túc; lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc.
 
. Nếu biết sử dụng đúng đắn một việc gì thì vật ấy mới có giá trị (sinh mạng của vật ấy mới tồn tại). Nếu không thương tiếc, bảo vệ nó; ngược lại, hủy hoại vất bỏ nó thì cũng như giết chết sinh mạng của vật ấy.
 
. Hằng ngày mình phải cảm ơn cha mẹ và chúng sinh. Suốt đời không nên cô phụ cha mẹ và chúng sinh.
 
. Con người đang ở trong vòng tuyệt vọng mà vẫn sinh lòng cảm ân thì quý lắm. Người luôn có tâm biết cảm ơn thì thường không rơi vào cảnh tuyệt vọng.
 
. Cây đèn cầy không tim chẳng thể thắp sáng. Đèn đã có tim thì phải thắp lên mới có ý nghĩa. Đèn đã thắp nhất định sẽ chảy nhưng vẫn hơn là để vậy không thắp.
 
. Khi một giọt sáp nhiểu xuống thì lập tức lớp màng bọc ngoài nó đọng kết lại khiến nó không chảy tiếp. Đó là vì trong trời đất lúc nào cũng có sức mạnh làm cân bằng trở lại. Sức mạnh ấy gọi là an ủi vỗ về.
 
. Nỗi đau của sanh tử thật ra chỉ giống như cái nóng rát của một giọt sáp nhỏ trên da mà thôi.
 
. Kinh Phật viết : "Sinh : ta đã từng sinh ? Chết : ta đã từng chết ?". Nguyên lai sinh rồi chết, chết rồi sinh đều trong vòng tuần hoàn luân hồi. Chết là bắt đầu cho sinh. Sinh là khởi điểm tới cái chết. 
 

16. ĐỜI NGƯỜI HỮU HẠN THẾ GIỚI VÔ HẠN

ĐẠO VỚI TÁNH, TÍN VÀ MÊ
 
. Thế gian thì đủ thứ ngôn ngữ, văn tự, danh vọng, địa vị, đủ thứ màu sắc mê hoặc, đủ thứ hình thái kiều diễm… Vì chúng thiên hình vạn trạng, nên chẳng phải chân thật.
 
. Thứ gì biến động đều không phải là đạo. Nó chỉ là công cụ để ta tu đạo mà thôi. Do đó mình phải biết thủ biết xả nó; Phải khéo léo sử dụng nó mà không chấp trước mê mờ.
 
. Đối với người tu đạo ngữ ngôn, văn tự cũng giống như chiếc thuyền. Vì tới bờ kia nên phải khéo dùng thuyền đó. Tới bờ rồi, bỏ thuyền thì mới đạt đạo. Chớ luyến tiếc làm gì. Ngôn ngữ đạo đoạn :nghĩa là khi ở trong vòng giới hạn của nhân sinh, thì thứ gì có thể nói được viết được đều không thể diễn đạt hết được cảnh giới vô hạn. Nhất là kẻ có tâm hướng đạo, chân chính muốn thuyết pháp, muốn truyền đạo, mà dựa vào ngôn ngữ thì đạo sẽ đoạn mất. Chân đạo thì chẳng thể dựa vào ngôn ngữ, văn tự để truyền đạt.
 
. Không phải do nghe hay nhìn mà đắc được cái đạo chân thật. Ngoài nghe và nhìn : mình phải chân chính thực hành, tu trì. Chỉ có hành vi thiết thực, thực tiễn thì mới biểu đạt được chân đạo.
 
. Thói quen (tập tánh) không phải là chân tánh đâu. Từ nơi thói quen ấy ta phải thể hội, tu trì, khế hợp lấy chân tánh. Đó gọi là thần hội : dùng tinh thần để thể hội, liễu ngộ chân tánh.
 
. Không có hình thức thì không thể hiển thị được nội dung. Nhưng hình thức cần phải giữ trung đạo, không được quá man dã, không được rối loạn. Nhất là không thể xem nhẹ, quên mất rằng hình thức và nội dung là một.
 
. Nếu nói : chuyện gì cũng có (cũng tồn tại) thì ta dễ mê mờ. Nếu nói chuyện gì cũng không (chẳng hiện hữu) thì ta dễ sinh cực đoan. Nói có là chấp thường, nói không thì chấp đoạn.
 
. Đa số lòng người mê tín (tin mù quáng). Kẻ tin nmù quáng vào chính mình thì cho rằng khắp thiên hạ chỉ mình ta hay nhất, chỉ mình ta năng lực giỏi giang nhất. Mình cần tự tin, song không được chấp trước.
 
. Có người khi chưa tin Phật thì không tin có thiền đường địa ngục. Do vậy họ cứ tham lam dục vọng, hưởng thụ, làm không biết bao nhiêu việc ích kỷ, hại người. Một khi tin Phật rồi, họ lại mê muội, rằng có thiên đường, có địa ngục nên sinh lòng tham lam công đức. Cả hai thứ đều là mê.
 
. Hãy nuôi dưỡng dũng khí và nghị lực để đối diện với thực trạng; hãy dùng tâm hoan hỷ để tiếp nhận mọi cảnh giới. Không nên động một chút là cầu thần, coi bói. Nếu tâm mê muội thì thật khổ lắm. Khổ đến thân rồi khó tự chủ.
 
. Nếu chọn giữa vô tín và mê tín thì thà vô tín còn hơn mê tín. Khi tin thì tin cho có trí huệ. Khong nên "bắt gió, chụp bóng" (làm việc vô ích, vô lý, mù quáng không thực tại).
 
. Vì mê tín thì không bằng mê tín nên khi học Phật mình nhất định phải chuyển mê tín thành trí tuệ, rời bỏ lòng phiền não của chúng sinh, trở về lại Phật tánh thanh tịnh vô nhiễm của chính mình.
 
. Niềm tin có trí tuệ thì thể hội sâu xa tinh thần Phật pháp. Người mê tín thì giải thích méo mó ý đẹp của tôn giáo.
 
. Nếu bạn có tín ngưỡng đúng đắn thì trên con đường đời, bạn sẽ không lầm đường lạc lối. Khi quan niệm của người ta không đúng hướng thì không thể có chính nghiệp (hành động chân chính, đúng đắn). Khi quan niệm lệch lạc thì những việc làm ra rất dễ sai lầm.
 
. Tôn giáo chân chính hiện hữu trong tâm chính trực của mình. Tâm chính là khí thạnh (khí tức là đức hạnh), khí thạnh thì mới tự tại. Tín ngưỡng mê tín thì sinh nghi ngờ, sinh tâm tà, đầu óc đen tối, chuyên cầu thần bói toán. Khi tin vào xăm và toán số thì khó chân chính hiểu sâu giáo lý được.
 
. Chánh tín Phật pháp thì không nói tới cảm ứng, không nói tới thần thông. Tâm chính là Phật.
 
 
 
17. THẤM NHUẦN TRONG CỘI NGUỒN CỦA NHÂN TÍNH
 
TU DƯỠNG, TU HÀNH VÀ THIỀN
 
. Cái đẹp toàn diện kết tập vào sự tu dưỡng của mỗi cá nhân.
 
. Khí chất tu dưỡng của một người được biểu hiện trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi. Khi đi thì có phong độ của đi. Khi ngồi thì có hình thái của ngồi. Khi nằm cũng có tư thái của nằm.
 
. Có người thường bực bội rằng mình không đẹp, không có duyên. Kỳ thật có duyên với người không phải là do sắc đẹp, mà là do khí chất của mình. Khí chất thì tu dưỡng hun đúc mà thành.
 
. Lui một bước, nhường nhịn một chút để thánh tựu kẻ khác : đó tức là tu dưỡng, tu hành.
 
. người ta thường ngộ nhận rằng tu hành là hai chữ chỉ dành cho người xuất gia. Kỳ thật tu hành được biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày là sự tu dưỡng trong sinh hoạt mà mỗi người đều cần làm. Tu nghĩa là tu tâm dưỡng tánh. Hành nghĩa là hành vi đàng hoàng, đoan chính.
 
. Trọng điểm của tu hành là tu ở trong tâm, biểu hiện đức độ ra bên ngoài. Chẳng ai thấy cho thấu chuyện trong tâm bạn. Duy chỉ có sự biểu hiện bên ngoài, đàng hoàng đạo đức, mới hiển thị được sự thanh tịnh ở bên trong. 
 
. Tu hành là do nơi mình : dựa vào sự tinh tấn của chính mình để khai mở giác tánh sáng suốt. Chớ nên hy vọng rằng không tu mà đắc quả.
 
. Tu hành nào phải đàm luận triết lý cao siêu, nói những quan niệm sâu sắc trìu tượng. Tu hành là sự hiểu biết rất gần gũi, rất bình thường về tánh bản nhiên của lòng người.
 
. Còn sống mà vãng sinh, nghĩa là Tịnh Độ ngay tại đây chính trong giờ phút này. (Đối với tôn giáo, chết là bắt đầu cuộc sống mới. Vãng sinh ở đây có nghĩa là xả bỏ cái cũ đổi lấy cái mới, đi tới chỗ tốt đẹp hơn).
 
. Tu hành không phải chờ tới trút hơi thở cuối cùng, rồi mới vãng sinh cõi Tây phương; mà là vãng sinh ngay tại lúc sống. Tức là hoán đổi (lòng phiền não, tạp nhiễm, ích kỷ) thành lòng từ bi thanh tịnh.
 
. Người lập chí tu hành có hai hạng : Một hạng vì cuộc sống khốn khổ bức bách nên tu để cầu giải thoát. Một hạng người khác do nhận thức được bản ngã nên đi tu. Đối với hạng người thứ hai thì những kinh nghiệm, khó khăn thử thách trong đời chỉ làm họ thêm kiên định tín ngưỡng và ý chí tu hành.
 
. Người bệnh xem vị thầy thuốc như Phật sống, xem các vị y tá là Bồ Tát Quan Âm, là Bạch y Đại Sĩ. Do vậy bệnh viện phải được xem như là đạo tràng tu hành của chư đại Bồ Tát.
 
. Tu hành Bồ Tát đạo ta cần tận lực tu Tứ nhiếp pháp : Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
 
·                                  Bố thí: Cho thì có phước hơn là nhận. Muốn làm Bồ tát, mình phải cống hiến sức lực mà không đòi hỏi gì cả. Hãy đem tâm lực, sức lực, tài lực, vật lực…ra vui vẻ xả thí thì nhân sinh mới có hạnh phúc an lạc. 
 
·                                  Ái ngữ : Nói năng nhỏ nhẹ nhu hòa, vui vẻ, khiến người nghe an ủi, vui lây; khiến người nhìn thấy cũng yêu kính. Nếu biết thành khẩn, tu dưỡng lời nói thì bạn có thể quét đi phiền não trong lòng người, giải trừ sự rối rắm phiền muộn. Lời lành có thể hóa giải chiến tranh thành hòa bình, biến chỗ hung bạo thành cát tường. 
 
·                                  Lợi hành : Nghĩa là thân khẩu ý nhiếp trì hạnh tốt, từ bi tế độ lợi ích chúng sinh. Đó tức là công đức vô thượng. 
 
·                                  Đồng sự : Đối tượng của Bồ tát là các chúng sinh đau khổ. Khi thân ở trong vòng Ta bà khổ nạn, mình nên tịnh hóa thân tâm, tự làm gương để cảm hóa những kẻ xung quanh, những kẻ cộng sự; khuyến khích mọi người cùng ra sức tu đạo Bồ tát. 
 
. Nhiều người thường hiểu lầm rằng : ngồi thiền mới là thiền. Kỳ thật mục đích ngồi thiền hay tu thiền là để tâm thanh tịnh, ý chân thành, khí an tĩnh. Thiền, là sự yên tĩnh và chân thành- chúng không thể rời nhau.
 
. Tĩnh tọa là để điều thân, điều tâm, điều khí. Điều hòa thân tâm cho nhất như, động tĩnh đều như nhau.
 
. Dụng ý của việc tĩnh tọa thâm tu là : tụ tinh, ngưng thần, súc tinh, dưỡng trí. Khi ấy bạn phải quán sát tự tánh bên trong, phản tĩnh việc sai lầm trong quá khứ, cẩn thận suy nghĩ việc hiện tại, thận trọng việc tương lai. Cũng có nghĩa là chỉ ác : đừng làm chuyện xấu; trì thiện : làm mọi việc lành. Tĩnh tọa ý không ra ngoài mấy điểm trên. Làm như trên thì gọi là tu hành.
 
. Nếu trong mọi cử chỉ ngôn hạnh, bạn có thể hợp nhất tinh thần, tâm niệm nhất chí thì đó là thiền định.
 
. Thiền định trong Phật giáo chân chính gọi là tam muội ; ý nghĩa là chánh định. Định thì do sự tôi luyện trong sinh hoạt hàng ngày mà thành. Đó là một trong những phương pháp tu tập.
 
. Thiền chân chính tức là trong sinh hoạt hàng ngày mình không khởi phiền não, vọng tưởng, luôn tập trung tinh thần, nhất tâm bất loạn. Chuyên chú vào tư tưởng và hành vi để cho tâm luôn trụ vào một chỗ.
 
. Người biết lợi dụng thời giờ thì lúc nào cũng là cơ duyên tu trì thiền định. Bất kể là ở trong hoàn cảnh nào, đối diện với người nào cũng là lúc tu thiền cả.
 
. Học Phật pháp thì phải học Phật pháp sống. Ngồi thiền thì phải học ngồi thiền sống. Mọi cử chỉ động tác trong sinh hoạt hàng ngày đều ở trong thiền. Thiền như vậy mới là thiền sống.
 
 
 
18. THUYẾT PHÁP KHÔNG LỜI
 
CẤT BƯỚC HƯỚNG VỀ ĐƯỜNG HỌC PHẬT
 
. Cống hiến mà chẳng mong cầu gì cả, vì tất cả chúng sinh mà mình tu dưỡng ngôn ngữ hành động : đó chính là học Phật.
 
. Phật dạy ta không phải chỉ có biết làm sao liễu sinh thoát tử mà thôi, Ngài còn dạy ta làm sao biết tha thứ, không sinh lòng tính toán hơn thiệt ích kỷ.
 
. Khi học Phật pháp, mình cần tu dưỡng tới chỗ rằng bất luận chuyện gì xảy ra (nghịch cảnh tới thân mình), trong lòng không nên có gì mặc cảm (nghĩ rằng mình làm đúng, sao họ nói mình sai; sao bất công thế…).
 
. Nếu trước tiên mình không nuôi dưỡng lòng yêu thương và tánh nhẫn nại thì khó thành tựu được việc học Phật.
 
. Dù có học Phật pháp hay không, ai ai cũng phải học làm người tốt.
 
. Lạy Phật, tin Phật không phải tin lạy một tượng gỗ mà là tin vào nhân cách đạo đức của Phật. Rồi phản quang tự tánh tin rằng mình và Phật có cùng nghị lực, rằng ai ai cũng có tánh Phật. Chỉ cần chịu dụng tâm tu hành thì ai ai cũng có thể phát huy bản tính chân như.
 
. Khi học Phật, mình phải thông đạt đạo lý vô thường. Hiểu thấu lý này thì mình mới làm chủ được vận mạng, đi đứng tự tại, hướng về cảnh giới quang minh sáng lạng.
 
. Đời người thật vô thường. Vật gì cũng trải qua bốn giai đoạn : sinh thành, an trụ hư hoại và diệt mất. Tâm thái tư tưởng cũng trải qua bốn giai đoạn : sinh ra, an trụ, biến đổi và diệt mất. Sinh vật cũng phát triển qua bốn giai đoạn : sinh ra, già đi, bệnh hoạn, rồi chết. Nếu thể hội đạo lý bên trong quan hệ giữa mình và người, bạn sẽ không ích kỷ tính toán gì cả. Một khi bạn không tính toán hơn thiệt trong vòng nhân ngã, thị phi thì tự nhiên sẽ chuyên tâm vào đạo. Bạn sẽ không để những chuyện phiền toái của đời lay chuyển tâm niệm tu hành.
 
. Không cần phải nghe thật nhiều giáo pháp. Nếu bạn tận tâm hết lòng tu trì thực hành theo một câu kinh kệ thì đó là pháp chân thật, là cách nuôi lớn thiện căn chân chính rồi đó.
 
. Học Phật pháp cần học cho tới chỗ tâm luôn an tĩnh, ý luôn vi tế quan sát. Được vậy thì trong thiên hạ, mỗi cọng cỏ, mỗi cành cây, hoa lá đều là hình tượng của Như Lai.
 
. Học Phật pháp cần học ba tâm : trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm.
 
. Trước khi học Phật pháp, sinh mạng giống như trang giấy trắng đầy dẫy những nét loạn xạ quay cuồng dục vọng. Sau khi học Phật pháp, sinh mạng như trang giấy trắng chỉ viết toàn chữ. Bạn hãy viết lên những hàng chữ ngay ngắn đẹp đẽ để người khác đọc.
 
. Trên thế giới, bất kỳ lúc nào việc gì cũng là bài thuyết pháp để mình nghe. Bài pháp như vậy thì vô thanh, không lời. Nhiều khi pháp không lời thì thành thâm sâu hơn pháp có lời nhiều lắm. 
 
. Pháp như nước, dù là nước sông, nước suối đều có thể tẩy sạch ô nhiễm của chúng sinh. Pháp cũng như thuốc : Thuốc không phân biệt thuốc mắc, thuốc rẻ, hễ trị được bệnh thì là thuốc tốt. Tâm hoan hỷ vui vẻ là liều thuốc hay.
 
. Thuốc : Nếu chúng sinh cần dùng, thì cây cỏ rễ lá trong khắp núi non đồng dã đều là thuốc. Nếu chúng sinh không cần tới, vật gì dù trân quý tới đâu cũng chẳng phải thuốc. Phật pháp cũng tương tự. Kinh điển không có thâm sâu hay nông cạn, cao thấp hay lớn nhỏ. Nếu chúng sinh biết hấp thụ và ứng dụng Phật pháp thì nó sẽ là đại pháp vi diệu nhiệm màu.  
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 59


Hôm nayHôm nay : 671

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 367013

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22441438


Ảnh đẹp