Sao cứ phải chữ Nho?

Chủ nhật - 01/04/2012 21:16
Chả có lý gì khi xây ngôi chùa mới, chùa Bái Đính chẳng hạn, lại cứ phải rải chữ nho từ ngoài cổng vào đến tận bàn thờ Phật. Không dùng thứ chữ tượng hình ấy sẽ kém tôn nghiêm, kém đẹp, kém uy chăng? Hay là chùa cứ phải chữ nho, còn dùng chữ quốc ngữ hiện thời sẽ không hợp? Xin nhớ cho, đây là chùa Việt chứ không phải chùa Trung Quốc, của người Việt chứ không phải người Trung Quốc, dù đặt nó ở bất cứ đâu trên đất nước này.
image

Đọc bài Hành đạo ở Trường Sa của hai phóng viên Trần Đăng, Ngọc Minh trên Báo Thanh Niên, tôi rất xúc động. Nhưng thích nhất chi tiết này khi tác giả viết về những ngôi chùa trên đảo: "tất cả hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ Việt".

Tôi không phải là người ghét chữ Hán đến mức buột mồm như cụ Tú Xương "nào có ra gì cái chữ nho", mà cụ tú cũng giận lẫy thế thôi bởi thời cụ chữ nho vẫn còn thịnh lắm. Suốt bao thế kỷ, chữ nho độc tôn, là ngôn ngữ viết chính của nền văn hóa, và sau này khi đã có chữ quốc ngữ La tinh rồi chữ nho vẫn có vị trí đáng kể trong đời sống người Việt. Nói thế để thấy đừng nên cực đoan, đừng như vài ba vị cứ gặp nho gặp Hán là dè bỉu, bài bác. Nói cho công bằng, trong suốt hàng chục thế kỷ, không thể thiếu chữ nho để xây đắp nền văn hóa Việt. Chẳng phải vô tình khi nhiều bộ sử nước nhà đã chép công lao của Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên), thậm chí tôn ông là Sĩ vương, mà một trong những công tích rất lớn của ông là "phổ cập" chữ Hán cho hàng ngũ quan lại, trí thức đương thời. Biết bao di sản mà ông cha chúng ta nhiều đời truyền lại, để lại gắn với chữ nho, nhất là kho tàng Hán - Nôm, chúng ta đến giờ vẫn chưa khai thác hết. Tôi có những người bạn cả đời chỉ nghiên cứu Hán - Nôm, sống chết với chữ nho, và tôi luôn tôn trọng, kính phục họ.

Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm gắn với sự cai trị của nước ngoài nên việc chữ Hán, chữ Pháp có những giai đoạn, thời kỳ dài ngắn khác nhau thống trị ngôn ngữ, phổ biến trong đời sống xã hội, văn hóa là không tránh khỏi. Nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm; các trang trí nội thất như hoành phi, câu đối; rồi những văn bia, mộ chí... đều ghi dấu tiền nhân bằng chữ Hán, có ai thắc mắc gì đâu. Thời như thế thì phải thế.

Điều đáng nói đáng bàn là giờ đây thời thế đã khác nhiều, khác căn bản nhưng vẫn còn rơi rớt những thói quen, cách nghĩ, cách làm quá xưa quá cũ. Một trong những tàn tích ấy là thói sính chữ Hán. Có ai đó bảo do tâm lý nô lệ, nhược tiểu, tôi cho rằng quy như thế hơi quá. Nhiều khi chỉ là thói đua đòi, hợm hĩnh, ra vẻ ta đây; cũng có khi là nông cạn, ngu dốt mà thôi.

Chả có lý gì khi xây ngôi chùa mới, chùa Bái Đính chẳng hạn, lại cứ phải rải chữ nho từ ngoài cổng vào đến tận bàn thờ Phật. Không dùng thứ chữ tượng hình ấy sẽ kém tôn nghiêm, kém đẹp, kém uy chăng? Hay là chùa cứ phải chữ nho, còn dùng chữ quốc ngữ hiện thời sẽ không hợp? Xin nhớ cho, đây là chùa Việt chứ không phải chùa Trung Quốc, của người Việt chứ không phải người Trung Quốc, dù đặt nó ở bất cứ đâu trên đất nước này. Cũng đừng lý sự chùa ngoài đảo mới cần thuần Việt, còn đất liền áp cho nó chữ nào chả được. Không đâu, dùng chữ này hay chữ kia là sự thể hiện ý thức văn hóa đấy.

Lại nhớ có nhiều vị ưa treo chữ trong nhà, mà phải chữ Hán, viết kiểu thư pháp, chữ tâm, chữ đức, chữ nhẫn... Trừ một số ít hiểu sâu sắc nghĩa của chữ đã treo, còn đa số chả hiểu gì, bởi thấy người ta chơi thì mình cũng chơi thôi. Tôi không ủng hộ việc đem chữ quốc ngữ ra viết loằng ngoằng gán cho nó mỹ từ thư pháp nhưng cũng chả ưa mấy ông bà chữ nhất bẻ đôi không biết vẫn dán chữ Tàu khắp trong nhà ngoài ngõ. Nực cười nhất là không ít ông to bà nhớn, lãnh đạo này nọ cũng mê cũng thích kiểu trưng diện này.

Sẽ có người cho tôi lắm chuyện,  nên mới giở giói vậy. Không, hoàn toàn không. Các vị cứ hình dung xem những ngôi chùa của nước Việt Nam độc lập tự chủ mà nhan nhản chữ Hán thì hay ho nỗi gì.

 

Nguyễn Thông

Theo: Thanh Niên 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
- - 02/04/2012 16:09
Tôi đồng quan điểm với hai nhà báo Trần Đăng & Ngọc Minh trong bài:"Hành đạo ở Trường Sa" cùng tác giả Nguyễn Thông trên báo Thanh Niên về vấn đề sử dụng chữ Việt & tiếng Việt trong mọi sinh hoạt đời sống và văn hoá của của người Việt. Nhất là người Việt đang sống trên đất nước Việt Nam. Chúng ta tự hào là một dân tộc có 4000 năm văn hiến, có tiếng nói và chữ viết riêng ấy thế mà có một số người, một số nơi vẫn còn sử dụng chữ Hán. Phải chăng việc này phần nào làm cho nền văn hoá của chúng ta còn bị lệ thuộc nền văn hoá ngoại lai? Không phải là hoành phi, câu đối mà theo thiển ý của tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên quy định(bắt buộc)sử dụng tiếng Việt trong nghi lễ Phật giáo để tôn vinh nền văn hoá riêng của dân tộc (Là một phần không thể thiếu trong chủ quyền của quốc gia). Kinh sách, nghi lễ Phật giáo đã được các vị Tôn túc trong đạo biên soạn bằng tiếng Việt từ lâu (từ trước năm 1960[hiện nay Phật tử Việt Nam ở nước ngoài đều đọc tụng bằng tiếng Việt]). Thế mà đến nay rất nhiều chùa, nhiều Tăng Ni trong nước vẫn đọc tụng bằng âm Hán, thỉnh thoảng lại chen vào vài đoạn khấn nguyện hoặc bài sám tiếng Việt, nghe rất là "chỏi". Trên đường hoằng hoá, đạo Phật truyền bá đến nước nào, thì nước đó đều dịch sang tiếng nước mình để truyền bá giáo lý Đức Phật cho quần chúng đọc, học, hiểu và tu tập. Ấy thế mà chúng ta đã được các vị Tôn túc hợp soạn từ lâu, xuất bản, ấn tống rất nhiều. Chùa nào cũng, có xếp đầy tủ mà rất ít chùa đọc tụng kinh tiếng Việt, đây là một trong nhiều điểm dẫn đến hiện tượng: Người đi ngắm cảnh chùa thì nhiều mà đi lễ chùa thì ít; người hiểu được giáo lý, thực hành được những điều Phật và các vị Tổ dạy lại càng ít. Nhất là giới trẻ lại càng ít hơn nữa. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển tín đồ và chính tín của phật tử, từ đó dễ bị lâm vào mê tín dị đoan (Cầu đảo, đốt vàng mã quá nhiều...) Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 6 sắp đến, kính mong Quý Tôn túc trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự TWGHPGVN, cùng qúy thiện hữu tri thức phát động phong trào "Người Việt đọc tụng nghi thức Việt" để đạo Phật chúng ta ngày một phát triển. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 47


Hôm nayHôm nay : 9802

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 596052

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22025875


Ảnh đẹp