Đức hi sinh lớn rộng biển trời

Thứ sáu - 12/08/2016 14:19
Tình mẫu tử bao lâu nay vẫn luôn là một thứ xúc cảm đặc biệt trong tâm khảm của mỗi người. Khi nhắc đến tình mẫu tử chúng ta nghĩ ngay tới đức hi sinh vô hạn của người mẹ. Trên thế gian nay, thật sự không có ngôn từ hay hình ảnh nào có thể diễn tả và bao chứa hết được tấm lòng lớn rộng biển trời ấy.
Nơi nào có mẹ nơi đó là nhà. Nơi nào có sự trao truyền những hạt giống của lòng hiếu hạnh và yêu thương, có bóng dáng mẹ thương lo chăm bẵm, nơi ấy có nếp nhà.


Nghĩ về mẹ lòng bao thương nhớ
Lệ hai hàng nức nở tim đau!
Một đời mưa nắng dãi dầu
Sớm khuya bươn chải chẳng sầu trách than


Những cảm xúc sau khi được tham gia chương trình Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” vẫn còn vẹn nguyên trong tôi khi trở về. Lời thơ được người dẫn chương trình đọc lên sao da diết, thân thương đến vậy! 


Tình mẫu tử bao lâu nay vẫn luôn là một thứ xúc cảm đặc biệt trong tâm khảm của mỗi người. Khi nhắc đến tình mẫu tử chúng ta nghĩ ngay tới đức hi sinh vô hạn của người mẹ. Trên thế gian nay, thật sự không có ngôn từ hay hình ảnh nào có thể diễn tả và bao chứa hết được tấm lòng lớn rộng biển trời ấy.
 

Tôi bất giác nghĩ tới câu chuyện cảm động về người phụ nữ can trường mắc bệnh ung thư đã quyết định hi sinh cuộc sống cho con đã làm lay động cộng đồng mạng trong suốt nhiều tháng qua. Dù còn rất trẻ chỉ mới 25 tuổi nhưng chị đã bị ung thư di căn từ phổi sang gan. Nếu như người thường sẽ cố gắng chữa trị mong khỏi bệnh thì chị kiên quyết từ chối làm tất cả những xét nghiệm chụp chiếu có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.


Hình ảnh người mẹ trẻ bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, khối u trung thất khiến chị khó thở, không thể nằm được, buộc phải ngồi 24/24 trong suốt thời gian điều trị tại viện và mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng đã khiến tất cả y bác sĩ ở bệnh viện K vô cùng xúc động. Chị đã kiên trì chiến đấu đến phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội được sống càng cao ngày ấy. 


Khi bác sĩ nói với chị “xác định tư tưởng” trước khi mổ bắt thai, chỉ một câu nói ngắn ngủi nhưng đã bao chứa hết nỗi lòng của người mẹ kiên cường ấy: “Nếu con em sinh ra khỏe mạnh, nó sẽ tự “chiến đấu” với đời”... Thực sự mắt tôi đã nhòe đi khi đọc những dòng chữ ấy:


“Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá
Sao đong đầy hai tiếng: Mẹ ơi”


Sự hi sinh ở mỗi người mẹ vốn tự nhiên như cỏ cây, nắng lá. Giây phút họ nhận ra mình đang chở che cho một sinh linh bé nhỏ thì trái tim họ sẽ nảy sinh tình yêu thương và sẵn sàng hi sinh tất cả kể cả mạng sống của mình. Người mẹ trẻ trong câu chuyện xúc động trên thực sự là minh chứng xác thức cho sự hi sinh vĩ đại ấy. 


Chị ra đi nhưng sự sống vẫn luôn còn đây, trong từng hơi thở của đứa con bé bỏng, trong trái tim đang đập từng nhịp sống. Giây phút bàn tay mẹ chạm vào bàn tay con qua tấm kính mỏng thật sự đã chạm đến xúc cảm của tất cả mọi người. 


Dường như đó là cách để người mẹ trẻ ấy trao truyền tình thương cho con cũng như giãi bày được tất cả nghĩ suy đang dồn nén trong lòng. Một hành động nhỏ nhưng có sức mạnh hơn trăm ngàn lời nói. Người mẹ nào cũng vậy, tình thương yêu với con cái lúc nào cũng đầy ắp, không bao giờ vơi cạn.
 

Hình ảnh người mẹ “giữa cơn mưa âm ỉ, nước ngập quá bánh xe, ra sức lội nước và đẩy chiếc xe chết máy về phía trước, cố gắng giữ cho đứa con của mình được khô ráo” và hình ảnh chó mẹ dũng cảm bơi qua dòng nước lũ cứu con nào có sai khác. Bất cứ ai nhìn vào hai hình ảnh này cũng nhận ra: dù là động vật hay con người thì tình mẫu tử hay cụ thể là sự hi sinh quên mình cũng đều như nhau.


Thấu hiểu được đức hi sinh vô hạn của đấng sinh thành nên đức Phật luôn khuyên răn và nhắc nhở mỗi chúng ta khắc ghi để đền đáp chữ hiếu. Người từng nói: “Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tủy, máu đổ thịt rơi cũng không đáp trả được công ơn cha mẹ. Giả như có ai gặp lúc đói khát, phá hoại thân thể, cung phụng cha mẹ cũng không đáp được công ơn cha mẹ. Vì cha mẹ mà trăm kiếp nghìn đời, đàm tròng con mắt, cắt hết tâm can, trăm nghìn dao sắc xuất nhập toàn thân cũng không trả nổi công ơn cha mẹ. Dù vì cha mẹ, đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật cũng không đáp được công ơn cha mẹ.”


Thế mới biết công ơn sinh thành, đức hi sinh của mẹ cha thiêng liêng và vĩ đại nhường nào. Như một nhà văn đã từng nói: “Có thể mẹ không cho con điều tốt nhất trên thế gian nhưng mẹ sẽ cho con điều tốt nhất mà mẹ có”. Tình mẫu tử vĩ đại như thế, đức hi sinh lớn rộng biển trời như vậy nên mỗi người con dù đi hết cuộc đời này cũng không bao giờ có thể hiểu thấu và đền đáp cho trọn được...


“Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời xanh”

Diệu Âm Minh Tâm

Nguồn tin: phatgiaovietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới Thiệu:

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. chùa tọa lạc trên khu đất rộng 7 mẫu 8 sào 28m2, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần.

Thông báo

Số Lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 74


Hôm nayHôm nay : 10516

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 596766

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22026589


Ảnh đẹp